Nghị quyết 26-NQ/TW của BCHTW Đảng khóa X, đòn bẩy giúp Nam Đàn phát triển kinh tế, xây dựng thành công nông thôn mới

Chủ nhật - 25/07/2021 22:09 0
Xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là  xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại ở nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.


Ở Nam Đàn, qua 13 năm thực hiện, Nghị quyết số 26-NQ/TW đã làm sâu sắc nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn được cải thiện rõ rệt; kinh tế nông nghiệp không ngừng phát triển; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung; đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn luôn được đảm bảo ổn định; vai trò chủ thể của nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng được phát huy…, từ đó góp phần quan trọng vào việc phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên địa bàn huyện.
Triển khai Nghị quyết, đã thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tổ chức lại sản xuất, thực hiện có hiệu quả công tác đổi điền dồn thửa, áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hoá vào sản xuất; các quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế nông thôn được hình thành mang tính ổn định, bền vững. Lĩnh vực trồng trọt được quan tâm đầu tư từ khâu quy hoạch, coi trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đến việc ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất với nhiều phương thức đa dạng nhằm giúp nông dân giảm chi phí, khắc phục tình trạng thiếu lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được thực hiện theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân.
Trong giai đoạn 2008-2021, trên địa bàn huyện đã tổ chức thực hiện sản xuất cánh đồng lớn, đưa giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt kết hợp bón phân viên nén chậm tan vào sản xuất lúa. Điển hình có các mô hình nhà lưới với tổng giá trị hàng hóa/năm đạt ước đạt 8 tỷ/ha, lợi nhuận 3 tỷ/ha.


Tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng VietGAP song song với phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Ngoài các mô hình nhà lưới có liên kết bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện có tổ hợp tác riêng Nam Hưng, vùng sản xuất ớt, trồng dâu nuôi tằm tại Khánh Sơn, tổ sản xuất giá Xuân Lâm. Đặc biệt những năm qua đã thành lập được nhiều hợp tác xã gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm bước đầu làm ăn hiệu quả, sản phẩm đa dạng, nổi bật như HTX sen quê Bác, HTX chanh Nam Kim, HTX Nông nghiệp xanh Đại Huệ, HTX tương Nam Anh… ngoài ra đã có nhiều mô hình duy trì hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhiều năm liền tạo điều kiện cho nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Kết quả nổi bật trong tái cơ cấu đối với lĩnh vực trồng trọt là sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, vận động nhân dân phát triển diện tích trồng cây ăn quả trên đất vườn tạp, đất trang trại, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có là 1.884ha với 962ha diện tích trồng tập trung và 39,8ha được ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước.
Trong chăn nuôi, hàng năm có sự chuyển dịch đáng kể về cơ cấu đàn vật nuôi chủ lực theo hướng tăng đàn trâu bò, gia cầm và giảm đàn lợn. Những năm gần đây đã định hướng và chỉ đạo phát triển mạnh đàn dê tại các xã vùng bán sơn địa, hình thành một số trang trại nuôi dê với tổng đàn lớn. Hình thành và nhân rộng một số mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Tập trung chỉ đạo chuyển dịch về quy mô chăn nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ nhất là giảm chăn nuôi lợn trong khu dân cư. Thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, đến năm 2020, toàn huyện có 14 cơ sở chăn nuôi liên kết theo chuỗi khép kín từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm.Vấn đề xử lý chất thải trong khu dân cư do hoạt động chăn nuôi được quan tâm, khắc phục.
Giai đoạn 2008 đến nay trồng mới 625ha, độ che phủ rừng ổn định và có xu hướng tăng theo năm đạt 20,4% năm 2020. Rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo hướng cơ bản ổn định diện tích rừng đặc dụng, tăng diện tích rừng sản xuất gắn với phát huy chức năng phòng hộ. Ngoài ra quan tâm đến công tác trồng cây phân tán với dự án trồng cây xanh trên các tuyến đường, trong các trường học, trụ sở làm việc các đơn vị…
Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn có bước chuyển biến tích cực. Một số xã, thị trấn không chỉ khôi phục được nghề mà còn làm giàu bằng chính nghề truyền thống. Số cơ sở sản ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện tăng khá đều theo các năm, thu hút và tạo việc làm khá ổn định cho nhiều lao động địa phương. Đến nay toàn huyện có 2.203 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 43 công ty, Doanh nghiệp trong nước và 02 Công ty nước ngoài, tạo việc  làm ổn định cho hơn 10.000 lao động. Thu nhập bình quân của người lao động từ 3.500.000 đến 5.500.000 đồng/người/tháng.
Có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận gồm: Làng nghề bún bánh Quy Chính, Làng nghề Tương truyền thống Nam Đàn, Làng nghề mộc dân dụng khối Tây Hồ, Thị trấn, Làng nghề mộc dân dụng xóm 6 xã Xuân Hòa. Các làng nghề đã thành lập HTX của làng nghề, tập trung đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm nghề và làng nghề Nông thôn hàng năm được tuyên truyền, quảng bá thông qua các hội chợ triển lảm tại Hà Nội, Tại thành phố Hồ Chí minh, khu vực Bắc trung bộ và các kỳ tổ chức hội chợ trong tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng.
Thương mại, dịch vụ nông thôn được mở rộng đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị của hàng nông, lâm, thủy sản cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân nông thôn. Các loại hình dịch vụ của khu vực kinh tế nhà nước, hợp tác xã và tư nhân song song phát triển đáp ứng các yếu tố đầu vào sản xuất và tiêu thụ của nhân dân, nhất là lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ vốn, tín dụng...
Thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn. Cụ thể, chương trình xây dựng NTM đã được triển khai thực hiện đồng bộ, chủ động và quyết tâm, quyết liệt. Nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày được nâng lên, thể hiện rõ tinh thần và trách nhiệm trong tham gia xây dựng NTM. Theo thời gian, phong trào thực sự có nhiều chuyển biến, khơi dậy được ý thức của mỗi người dân, không khí thi đua xây dựng NTM được lan toả rộng khắp, nhiều nơi nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, tháo dỡ vật kiến trúc... để xây dựng NTM. Sau 11 năm thực hiện Chương trình, kinh tế đã có bước phát triển khá, chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng, trồng trọt, chăn nuôi tạo được giá trị gia tăng ngày càng cao, xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình theo tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm OCOP góp phần tăng thu nhập cho nhân dân.
Huy động nội lực, thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa - Y tế - Giáo dục chuyển biến tích cực, vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo; cảnh quan môi trường nông thôn từng bước được chỉnh trang sạch, đẹp, môi trường nông thôn được bảo vệ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và tăng cường; hệ thống chính trị các cấp cơ bản vững hoạt động có hiệu quả. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thực hiện vượt chỉ tiêu về thời gian hoàn thành xây dựng NTM cấp xã, cấp huyện, đến tháng 11/2017 toàn huyện 100% số xã đạt chuẩn NTM; huyện Nam Đàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 520/QĐ-TTg ngày 11/5/2018.
Sau hai năm triển khai thực hiện hành Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hoá gắn với du lịch, giai đoạn 2018-2025” thu được nhiều kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng; giáo dục - y tế - văn hoá ngày càng phát triển; đặc biệt huyện đang triển khai xây dựng một số mô hình kiểu mẫu về văn hoá gắn với du lịch, bước đầu đã hình thành được một số mô hình như du lịch trải nghiệm, tham quan học tập kinh nghiệm tại Nam Giang, Kim Liên, Nam Nghĩa, có 2 xóm được công nhận “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”, 9 vườn được công nhận vườn chuẩn, vườn mẫu NTM,.... có 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao. Từ 2010 đến nay, toàn huyện đã huy động 2.914,56 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được chú trọng thực hiện.  Trong những năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn; từng bước nâng cao trình độ dân trí của cư dân nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời triển khai đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 15% năm 2008 xuống còn 1,44% năm 2020.

Sản phẩm "Bột sắn giây Nam Đàn” được bảo hộ nhãn hiệu tập thể
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư có nhiều chuyển biến; Các hoạt động văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, giữ gìn bản sắc dân tộc, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Bên cạnh việc được quan tâm bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, tay nghề…, nông dân trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua; nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được biểu dương kịp thời, qua đó từng bước nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị của người nông dân, phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, củng cố Liên minh công nhân - nông dân - trí thức, góp phần tích cực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn.
Giáo dục - Đào tạo thường xuyên được quan tâm và phát triển toàn diện; chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao; Mạng lưới trường lớp được sắp xếp ngày càng tinh gọn, sát thực gắn với việc sáp nhập các xã, thị trấn. sở vật chất, trang thiết bị từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hoá từnguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vận động xã hội hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập. Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh, môi trường giáo dục được cải thiện, số học sinh tăng nhanh, học sinh lưu ban ngày càng giảm dần. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường xuyên được quan tâm. Đến năm 2020, tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 65,5% tổng số lao động. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao về chất lượng. Cơ sở vật chất trang thiết bị về y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trên địa bàn huyện đã sát nhập Trung tâm y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện với cơ sở và trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn; Đến năm 2020, 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số xóm, khối trên địa bàn có y tế theo quy định.
Công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tiếp tục được quan tâm, người dân đã ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT nên đã tự nguyện tham gia;
Về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn trên địa bàn huyện, việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được huyện quan tâm thực hiện, nhiều hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả được hình thành (chủ yếu là tổ hợp tác, HTX), bước đầu có những đóng góp tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho người lao động, ổn định xã hội, tạo sự đoàn kết gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư. Ngoài việc tạo điều kiện về đất đai, đào tạo tập huấn cơ bản về quản lý hợp tác xã, huyện cũng đã tăng cường thực hiện các chính sách hỗ trợ về khoa học-công nghệ, thực hiện có hiệu quả mô hình hợp tác xã kiểu mới theo luật HTX năm 2012, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nâng cao vai trò là bà đỡ cho bà con nhân dân trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, toàn huyện có tổng số 72 hợp tác xã, trong đó, có 53 HTX nông nghiệp, 13 HTX phi nông nghiệp, 06 Quỹ tín dụng nhân dân; 2 Tổ hợp tác dịch vụ và sản xuất sản phẩm nông nghiệp (tinh bột nghệ, sắn dây, ...). 19/19 xã đều có hợp tác xã hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
  Ði đầu trong phát huy vai trò HTX trong xây dựng NTM ở huyện Nam Đàn phải kể đến HTX Thanh niên Nam Đàn, HTX sen Quê Bác, HTX NN công nghệ cao sản xuất và chế biến Chanh Nam Kim, HTX xanh Đại Huệ.
Về phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn. KH&CN đã và đang phục vụ đắc lực vào quá trình phát triển KT-XH của huyện. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã giúp cho chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của huyện đạt hiệu quả. Cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện phát triển đúng hướng, Cơ cấu cây trồng chuyển đổi tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, chuyển đổi vùng sâu trũng, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen, cây dược liệu, cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hàng hóa cho thu nhập cao. Các mô hình nhà lưới công nghệ cao được đầu tư xây dựng và nhân rộng. Nhờ ứng dụng KH&CN mà nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp của huyện đã thành công trong việc mở rộng sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương, có sức cạnh trang cao trên thị trường như: Tương Nam Đàn, Me Nam Nghĩa, Dê Cầu Đòn, các sản phẩm từ Sen, Chanh, tinh bột sắn giây và tinh bột nghệ… Hình thành nên nhiều mô hình liên kết giửa doanh nghiệp, nhà nước và người nông dân để phát triển sản xuất theo chuổi giá trị hàng hóa cho hiệu quả cao, góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Nhiều tiến bộ KH&CN được triển khai ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục và trong lĩnh vực chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, công tác.
 Thực hiện tốt chủ trưởng chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời đảm bảo vững chắc an ninh lương thực,bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn huyện đã triển khai 97 đề tài, dự án và mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sông, các mô hình được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác nhau với tổng kinh phí thực hiện là 36,15 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 11,546 tỷ đồng; Nguồn đối ứng của các tổ chức, cá nhân 19,604 tỷ đồng.
Đến nay trên địa bàn huyện đã có 03 sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Sản phẩm "Bột sắn giây Nam Đàn", Cốm thực dưỡng Phương Công và sản phẩm "Miến gạo, bánh đa Quy Chính", 02 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận đơn gồm: Giò me Sơn Cẩm, Sen quê Bác. Hiện nay huyện đang triển khai dự án: Xây dựng, đăng ký bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý "Tương Nam Đàn".
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn được chú trọng, ngoài việc đã tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng gắn với các chương trình của Trung ương, của tỉnh; huyện cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao về công tác trên địa bàn huyện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
 Cơ chế, chính sách được đổi mới mạnh mẽ đã huy động các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Qua 13 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đã tập trung đổi mới mạnh mẽ các cơ chế chính sách để thu hút, huy động các nguồn lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn như chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện...
Về công tác hỗ trợ, đã hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, mô hình nhà lưới, nhà màng, mô hình tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt… từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương xây dựng nông thôn mới, tổng cộng là 4.099 triệu đồng. Ngoài ra nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của huyện hỗ trợ cho HTX rau an toàn (Vân Diên), mô hình nhà lưới (Nam Anh) và Tổ hợp tác Riềng nghệ (Nam Hưng) tổng cộng 215 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết và mô hình thử nghiệm giống mới từ nguồn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa là 3.822 triệu đồng. Hỗ trợ kinh phí trợ giá máy nông nghiệp để khuyến khích đầu tư cơ giới hóa phục vụ tái cơ cấu từ nguồn ngân sách tỉnh là 3.828 triệu đồng. Ngoài ra còn lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình dự án của tỉnh như: hỗ trợ bò cho hộ nghèo xã Thượng Tân Lộc, Xuân Lâm, Trung Phúc Cường.
Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của đảng bộ, chi bộ cơ sở được xem là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt để đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là trong quá trình thực hiện chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên được nâng lên, phong cách, lề lối làm việc có đổi mới. Chính quyền cơ sở được củng cố, kiện toàn; hoạt động quản lý, điều hành ngày càng đi vào trọng tâm, trọng điểm; đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở được chuẩn hóa, thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức bộ máy của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn được kiện toàn theo hướng tinh gọn, phương thức hoạt động được đổi mới, đáp ứng yêu cầu tập hợp, đoàn viên, hội viên và nhân dân; nội dung hoạt động ngày càng thiết thực, gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương. Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt trong các phong trào quần chúng được chú trọng, phát hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực; việc cổ vũ, động viên cũng được thực hiện kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào ở cơ sở. Từ đó, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức xây dựng cộng đồng văn minh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ở nông thôn, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, phòng ngừa đấu tranh tội phạm.

 

Trần Mạnh Hồng

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1689
  • Hôm nay170,575
  • Tháng hiện tại1,663,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây