Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp; áp dụng công nghệ trong chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Tương Dương

Thứ ba - 29/06/2021 22:31 0
Trên địa bàn huyện Tương Dương, ngành Nông - Lâm - Thủy sản đã cónhững bước phát triển mới theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả thu nhập trên đơn vị diện tích, bước đầu đạt được các kết quả nhất định.
Trong lĩnh vực trồng trọt, đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, quả: Trước đây sản xuất rau mang nặng tập quán cũ, quy trình sản xuất theo hướng an toàn chất lượng chưa được phổ biến rộng rãi. Năm 2014, trên cơ sở Dự án  ”Ứng dụng KHCN vào sản xuất rau an toàn ”, Sở Khoa học & CN hỗ trợ kinh phí triển khai vùng sản xuất rau chuyên canh tại tại bản Phòng xã Thạch Giám với tổng diện tích 2,5 ha, nhân rộng tại bản Na Tổng xã Tam Thái 1,5 ha, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại cao, hạt giống lai F1, thuốc trừ sâu sinh học, nhờ đó các vùng sản xuất đã trở thành hàng hóa. Ngoài ra, năm 2018, mô hình trồng dưa lưới của Hợp tác xã Thương Mại và Nông nghiệp Tây Nghệ triển khai có 2 khu nhà màng, mỗi nhà có quy mô 1.000m2 chuyên trồng dưa lưới công nghệ cao ứng dụng hệ thống nhà màng do Công ty TNHH giải pháp Nông nghiệp+ ATESO tư vấn và thiết kế với quy trình trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP, hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động. Hạt giống dưa cũng được kiểm soát chặt chẽ từ khâu đầu vào, phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Năm 2019 triển khaimô hình “Hệ thống tưới tự động phun mưa bằng công nghệ Isarel cho cam, bưởi, xoài được triển khai tại hộ gia đình ông Đinh Công Chính (bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng). Kết quả bước đầu là rất khả quan cả về mặt khoa học cũng như hiệu quả kinh tế phù hợp với thời tiết nắng nóng của huyện; Năm 2019 Ứng dụng KHCN vào trồng 5 ha Thanh Long ruột đỏ tại làng Bãi Sở xã Tam Quang.
Năm 2019 - 2020 đã thực hiện Đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình phục hồi và phát triển giống Xoài bản địa Tương Dương”.  Sau gần 2 năm triển khai Dựa án đã công nhận 10 cá thể xoài đầu dòng được Sở NN& PTNT Nghệ An cấp Quyết định số 928/QĐ-SNN.QLKTKHCN ngày 27/11/2020; Xây dựng được vườn ươm giống quy mô 800m2, sản xuất được trung bình 3000 cây/năm giống xoài bản địa Tương Dương và vườn cây mẹ với 40 cây để lấy mắt ghép nhân giống, phục hồi, cải tạo 250 cây xoài Tương Dương 25-30 tuổi, trong đó 165 cây phục hồi, cho năng suất tăng 20% so với các cây xoài khác, 35 cây cải tạo, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, ra 3 đợt lộc/ năm, 50 cây ghép cải tạo.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa: Trong những năm qua, đã từng bước du nhập, khảo nghiệm một số giống lúa mới cho năng suất cao, chống chịu bệnh tốt như NA2, NA6, SL9, J02... Trong quá trình sản xuất lúa cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật như chương trình SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong sản xuất; áp dụng cơ giới hóa trong các khâu làm đất, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Đây được xem là nền tảng cơ bản để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa trong thời gian tới. Bên cạnh sản xuất lúa và cây rau màu chủ yếu, trong những năm qua, huyện đã đầu tư thực hiện nhiều mô hình cây trồng có giá trị như mô hình thanh long ruột đỏ, chanh leo, gừng, nghệ đỏ. Tuy nhiên, việc sản xuất chỉ dừng lại ở phương thức canh tác truyền thống, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chỉ có cây Nghệ đỏ đã ứng dụng Công nghệ chế biến, bao bì, nhãn mác và đăng ký sản phẩm OCOP.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng CNC và các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu trong chăn nuôi góp phần quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, ứng dụng CNC đã được các hộ gia đình, cá nhân triển khai ứng dụng trong sản xuất, nhất là các tiến bộ về giống, thức ăn, Vắc xin, thuốc thú y phòng trị bệnh, giống lợn siêu nạc cao sản, các giống gia cầm siêu thịt, siêu trứng; có 5% hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể bioga, đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh, có 01 hộ ở thị trấn ứng dụng công nghệ chuồng kín vào chăn nuôi lợn. Áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để nhân nhanh đàn lợn lai kinh tế, lợn siêu nạc, chăn nuôi lợn đang chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi tập trung quy mô gia trại. Hiện có 6 hộ chăn nuôi lợn nái với quy mô 5-10 nái; Mô hình ứng dụng TBKHKT thụ tinh nhân tạo giống Laisin tại xã Tam Quang ( lợi nhuận tăng 20 - 30% so với bò địa phương cùng thời gian). Mô hình liên kết chăn nuôi gà và sản phẩm từ gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Tam Thái 1 hộ, Xá Lượng 1hộ, Yên Na 1 hộ với quy mô 1.000-3.000 con gà/lứa.
https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/cw1000/Uploaded/2021/etpyozyrmyl/2021_03_12/bna_long_ca_cua_nguoi_dan_tren_long_ho_thuy_dien_hua_na_anh_tien_dong6634886_1232021.jpg
Lồng bè nuôi cá của người dân trên lòng hồ thủy điện Thủy điện bản Vẽ, Khe Bố, Tương Dương
Việc ứng dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến trên đại bàn huyện còn phân tán, chưa áp dụng rộng rãi do đó chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả còn thấp và chất lượng sản phẩm chưa cao. Công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động chưa được áp dụng.
Trong lĩnh vực thủy sản, trên địa bàn huyện có các vùng nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện bản Vẽ, Khe Bố bước đầu mang lại hiệu quả, thu nhập bình quân mỗi lồng cá đạt 30 triệu- 40 triệu đồng/ năm. Năm 2020 có 338 lồng cá, trong đó có 250 lồng Công nghệ nuôi cá bằng nhựa HDPE chủ yếu tập trung ở các xã Tam Đình, Tam Thái, Yên Na, Hữu Khuông, Lượng Minh.Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn nhiều hạn chế, mới chỉ áp dụng lồng công nghệ chưa ứng dụng nuôi các loại các loại cá đặc sản như cá trắm giòn, cá lăng, cá chình, cá ghé vào nuôi trồng, chưa ứng dụng rộng rãi công nghệ nuôi thâm canh có sử dụng quạt nước, hệ thống giàn sục khí, thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinhtrong xử lý môi trường ... nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
http://ngheandost.gov.vn/documents/10190/1326262/d.JPG?t=1547602003283
Mô hình chuyên canh rau sạch tại bản Phòng, xã Thạch Giám
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường; triển khai thực hiện nghiêm và có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ rừng đạt 222.539,14 ha, đạt 121,7% MTĐH, tăng 26,4% so với năm 2015; trồng mới rừng tập trung 6.934,6 ha, đạt 173,4% so MTĐH; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 79,26%, đạt 105,5% MTĐH; các chính sách bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng được thực hiện có hiệu quả, góp phần thành công trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên chưa ứng dụng CNC vào Lâm nghiệp.
Công nghiệp chế biến các sản phẩm Lâm nghiệp trên địa bàn huyện chưa  được quan tâm phát triển, đến nay mới có 01 xưởng sản xuất đũa tre dùng 1 lần có ứng dụng hệ thống máy tự động, quy mô sản suất 18 triệu đôi đũa/năm, tại bản Cây Me, xã Tam Thái; 01 xưởng Bóc keo tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, công suất 17 tấn/ngày, bình quân mỗi năm bóc trên 3000 tấn (giá thu mua keo chưa bóc võ: keo nhỏ 730.000 nghìn/tấn; keo lớn 1000.000 đồng/khối.
http://ngheandost.gov.vn/documents/10190/1326262/d3.JPG?t=1547601997569
Các Doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện có 2 hợp tác xã, 1 tổng đội ứng dụng KHCN vào sản xuất.
Việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp; áp dụng công nghệ trong chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Tương Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, một số đề án, dự án  được nhân rộng và phát huy hiệu quả cao, áp dụng, đẩy mạnh triển khai ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp góp phần làm tăng năng suất, sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống của bà con nhân dân./.
Nguyễn Quốc Lý - UBND huyện Tương Dương

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2751
  • Hôm nay196,805
  • Tháng hiện tại1,088,270
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây