« Quay lại
Nghề làm bánh mướt ở Diễn Châu
Cập nhật ngày:
Từ nhiều năm nay, nghề làm bánh mướt truyền thống ở Diễn Châu đã được nhiều người biết đến với hương vị thơm ngon, dân dã và đã có mặt hầu khắp tỉnh Nghệ An. Không chỉ nâng cao thu nhập, nghề làm bánh mướt còn góp phần gìn giữ được nét văn hóa truyền thống của người dân xứ Nghệ.
Gia đình bà Vũ Thị Lan- xóm 3 Tây, xã Diễn Thọ theo nghề bánh mướt từ 20 năm nay. Từ 3 giờ sáng, gia đình đã thức dậy và bắt đầu cho mẻ bánh mới. Đầu tiên là ngâm gạo 2-3 tiếng rồi đem xay. Ngày xưa thường dùng cối bằng đá thì nay khi đời sống phát triển hơn người ta xay bột bằng máy điện vừa đỡ tốn thời gian, lại nhanh nhuyễn. Xay xong, tiếp tục lắng bột hai giờ nữa thì khi tráng bánh mới phồng lên và có độ dai, mịn. Lúc tráng bánh cũng rất kỳ công, người làm vừa có kinh nghiệm, vừa phải rất khéo léo để tráng và cuốn lại để bánh có độ thơm ngon được lâu.

Chị Vũ Thị Lan, xã Diễn Thọ theo nghề làm bánh mướt
Bà Lan cho biết: "Mình mần nghề tìm kinh nghiệm nhiều, kiếm gạo trong thời gian ngắn để mình xay chơ không để lâu dài để bánh ngon. Mình tìm tòi kinh nghiệm không nên bỏ chất độc, bỏ hàn the để mọi người ăn biết món ngon để mọi người đến mua."
Từ lâu, bánh mướt Diễn Phú đã nổi tiếng thơm ngon. Toàn xã có 30 gia đình làm nghề. Điều đặc biệt, bánh được làm từ sản phẩm nông nghiệp do các gia đình tự gieo trồng như gạo tẻ Khang Dân...nên từ khi phơi đến bảo quản để làm bánh đều được người dân xử lý cẩn thận. Từ nghề làm bánh mướt, theo kiểu tranh thủ nhưng mỗi tháng thu nhập trên 2,5 triệu đồng. Với cách làm bánh đặc trưng riêng, nên bánh mướt Diễn Phú hiện có trên 10 nhà hàng, khách sạn lớn ở thành phố Vinh đặt hàng để được cung cấp thường xuyên, tạo được ấn tượng riêng cho khách hàng.

Bánh mướt được dem bán ở tất cả các chợ nông thôn ở Diễn Châu
Ông Cao Đình Đệ- xã Diễn Tân chia sẻ: "Bản thân tôi đi nhiều, ăn nhiều, đặc trưng bánh Diễn Phú nổi bật hơn vì bột bánh mịn, mềm dẻo, thứ 3 trong bánh có mùi thơm. Có sự việc lớn trong gia đình tất cả tôi đều vô Diễn Phú đặt."
Xưa kia, bánh mướt Diễn Châu là món ăn sáng thường trực của người dân nghèo lam lũ nhưng hiện nay đã trở thành món ăn chính trong các bữa tiệc lớn như đám cưới, giỗ chạp. Khi bánh còn nóng được quết một lớp hành tăm phi dầu hoặc hành tươi càng làm dậy mùi thơm phức. Ăn kèm bánh với chén nước mắm vạn phần hoặc mắm tôm pha chế chanh, tỏi, ớt thì mới cảm nhận đựơc hương vị rất riêng của nó. Khi cuộc sống đủ đầy lên, người ta ăn bánh cùng với nhiều thứ như thịt nướng, lòng heo, chả giò hay tô thịt chó. Với nét đặc trưng đó, hiện toàn huyện Diễn Châu đã có 6 làng có nghề bánh mướt như Diễn Thọ, Diễn Phú, Diễn Quảng, Diễn Thành, Diễn Thịnh, Diễn Đồng. Để khuyến khích người dân phát triển nghề bánh mướt, các xã cũng đã có nhiều cơ chế chính sách tích cực.
Ông Hoàng Hữu Tình- Phó chủ tịch UBND xã Diễn Thọ, Diễn Châu trao đổi: "Để đảm bảo phát triển nghề bánh mướt Nho Lâm Diễn Thọ, địa phương tập trung chỉ đạo tất cả các hộ làm bánh mướt thực quy định, quy chế địa phương để đảm bảo an toàn, sạch. Mục đích của địa phương nhằm tăng thu nhập đến các hộ gia đình địa phương. Có đoàn kiểm tra thường xuyên đảm bảo chất lượng."
Mặc dù chưa xây dựng được thương hiệu nhưng bánh mướt truyền thống Diễn Châu đã tạo được hương vị và dấu ấn rất riêng trong lòng khách hàng. Bí quyết riêng cộng với cái tâm làm nghề không sử dụng chất phụ gia bảo quản, bánh mướt Diễn Châu không chỉ mang lại giá trị thu nhập cao mà còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của người dân xứ Nghệ
Tác giả bài viết: Hồng Hạnh – Lê Đồng(Đài TTTH Diễn Châu)
Tin khác
- Nghiên cứu phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện miền Tây tỉnh Nghệ An
- Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng các đặc sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Phát triển thương hiệu chè Gay Anh Sơn - hướng đi bền vững
- Quá trình xây dựng, khai thác, phát triển chỉ dẫn địa lý cam “Vinh” tỉnh Nghệ An
- Hương trầm Quỳ Châu - món quà của thiên nhiên và tình người
- Hang đá 'dát vàng' độc đáo ở xứ Nghệ
- Bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của người Đan Lai ở Con Cuông
- Đồng chí Hồ Tùng Mậu
- Phát triển du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An
- Dấu ấn “FOLKLORE” giữa phố thị
- Bảo tồn và phát triển một số sản phẩm đặc sản Nghệ An, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa của tỉnh
- Các tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt ở Nghệ An
- Ứng dụng chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch biển tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An
- Dấu hiệu nhận biết cam Vinh
- Bánh gai dốc Dừa - Đặc sản Miền tây xứ Nghệ
- Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Nghệ An tri ân các anh hùng liệt sỹ
- Hồ Tùng Mậu: Người con ưu tú với quê hương Nghệ An
- Đa dạng sinh học tại khu vực Puxailaileng
- Độc đáo chiếc cối giã gạo bằng sức nước ở Tây Nghệ An