Nhà giáo cách mạng Võ Liêm Sơn

Thứ sáu - 26/07/2024 21:55 0
Ông là nhà giáo, lại vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhưng trước hết ông là một nhà yêu nước, nhà cách mạng trung thực, kiên định. Bài viết này xin được tôn xưng ông một cách ngắn gọn là nhà giáo cách mạng Võ Liêm Sơn.


Bia tưởng niệm thầy Võ Liêm Sơn tại phường Trường An - thừa thiên Huế, nguồnthvoliemson.canloc.edu.vn

 Hiệu của ông là Ngạc Am, nhưng đôi chỗ sách báo lại ghi nhầm là Ngọc Am(1). Ông sinh vào ngày 7 tháng 7 năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh thứ 3 (18/8/1888) tại làng Phổ Minh, xã Hữu Ngoại (nay là xã Thiên Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Thân phụ là danh sĩ Võ Kiều Sơn từng tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Từ nhỏ ông học chữ Hán. Năm 1905 vào trường Quốc học Huế học cùng Lê Đình Tám, Võ Chuẩn, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh)… Năm 1911 đỗ bằng Thành chung (tương đương tốt nghiệp trung học cơ sở hiện nay), được bổ làm giáo học ở Quy Nhơn. Năm 1912 lại đỗ Cử nhân Hán học tại trường thi Hương Bình Định, sau tốt nghiệp trường Hậu bổ (trường hành chính) rồi ra làm Tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chưa đầy một năm thì bị huyền chức vì khảng khái chống lại tên chủ thương chính người Pháp. Ông được chuyển về Huế làm Thừa biện (viên quan thừa hành giúp việc Trưởng quan ở Bộ). Thời gian này ông say sưa đọc sách của các nhà duy tân Trung Quốc: Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Được ít lâu, ông xin chuyển sang ngạch giáo chức. Năm 1915 được bổ làm Giáo thụ, sau thăng Kiểm học ở tỉnh Phú Yên (Giáo thụ trông coi việc học ở một phủ; Kiểm học trông coi việc học ở một tỉnh nhỏ thời thuộc Pháp). Năm 1919 chế độ thi cử Nho học bị bãi bỏ, ông chuyển ra Huế dạy Hán văn & Việt văn ở trường Quốc học(2). Ông là thầy giáo thông minh, chính trực, giàu tính nhân văn đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho học trò. Chính ông là người tích cực truyền bá chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng mác xit cho học sinh. Trong “Hồi ức về trường Quốc học Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Cụ Võ là người đầu tiên giới thiệu cho tôi cuốn sách trình bày khái lược về chủ nghĩa Mác, trong đó có nói đến quy luật khẳng định, phủ định, phủ định của phủ định”(3). Mượn đôi câu đối của Hồ Tá Bang, ông tặng học trò Trần Phú: Sinh vi nô lệ sinh do tử/ Tử hữu tinh thần tử nhược sinh (Sống làm nô lệ sống như chết, chết có tinh thần chết vẫn còn).(4) Người học trò lỗi lạc Trần Phú đã sống và chết vẻ vang đúng như lời thầy dạy! Ngoài Trần Phú, Võ Nguyên Giáp, học trò của ông nhiều người sau này đều là các nhà cách mạng, nhà văn hóa nổi tiếng như Hà Huy Tập. Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Tạ Quang Bửu…
Bác Hồ tặng thơ cụ Võ Liêm Sơn                                                            Nhà  chí sĩ cách mạng Võ Liêm Sơn (1888-1949)   Ảnh: Tư liệu
Ngày 24/12/ 1925 chí sĩ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp đưa về giam lỏng ở Huế. Nhà Võ Liêm Sơn ở Bến Ngự, gần chùa Từ Đàm. Chính ông là người tích cực vận động làm nhà cho cụ Phan ở gần nhà mình để tiện qua lại giúp đỡ (5). Từ đấy ông thường xuyên lui tới thăm hỏi ông già Bến Ngự & hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Cụ Phan có mở lớp trong nhà dạy chữ Hán cho các cháu nhỏ. Hai người con của ông là Giới Sơn & Bình Sơn vào dịp nghỉ hè cũng đến nghe giảng. Căn nhà cụ Phan chính là nơi  Cụ cùng với Võ Liêm Sơn & các chí sĩ : Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Cử nhân Võ Bá Hạp, Cử nhân Đặng Văn Bá (hai ông Cử này cùng đậu năm 1900, đồng khoa với Giải nguyên Phan Bội Châu, riêng Võ Bá Hạp còn là học trò của cụ Phan) đàm đạo thơ văn. Bản thân Võ Liêm Sơn cũng thường ngâm ngợi 2 câu thơ của mình trong tiểu thuyết Cô lâu mộng:
                        Đã trót sinh ra giống hữu tình
                        Tu sao cho trọn lấy phần thanh…
Theo Đào Duy Anh (1904 - 1988) người học trò & là cộng sự đắc lực của ông thì thầy Võ Liêm Sơn trở thành ngườì cố vấn tin cậy cuả học sinh trường Quốc học & của giới thanh niên trí thức tiến bộ ở Huế nói chung, nhất là trong dịp để tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh & dịp bãi khóa của học sinh Huế (1926)(6). Năm 1927 ông gia nhập Đảng Tân Việt, hoạt động trên lĩnh vực văn hóa. Nhà ông trở thành nơi hội họp gặp gỡ của các đảng viên ở Huế. Bọn mật thám coi ông là phần tử nguy hiểm & theo dõi ông từng bước. Năm 1928 ông tham gia vào Ban biên tập Quan Hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập ở Huế để xuất bản các tập sách phổ biến tư tưởng khoa học & duy vật lịch sử. Năm 1928 Quan Hải tùng thư  xuất bản cuốn Đông Tây văn hóa phê bình (2 tập do Võ Liêm Sơn dịch từ Trung văn). Năm 1929 xuất bản cuốn Hài văn do ông viết châm biếm sâu cay bọn quan to quan nhỏ & một số thói hư tật xấu của người đương thời. Theo lời ông “Tôi theo người cười…tôi không dám cười ai, tôi cười cho tôi khỏi khóc” (Tự sự).
     Năm 1930 ông là một trong những thân sĩ đầu tiên đến với Đảng. Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 ông & con trai cả Võ Bình Sơn bị Pháp bắt & đưa về giam ở nhà lao Hà Tĩnh gần một năm. Ra tù, ông về Huế. Khâm sứ Pháp Saten (Yvé Châtel) dụ dỗ ông trở lại làm quan & yêu cầu ông chống cộng sản. Ông nói thẳng: “Họ không phải là kẻ thù của tôi”. Thấy ở Huế không yên, ông cùng gia đình vào xã Mỹ Đức, nơi có phong cảnh đẹp gần kề tỉnh lị Phan Rang sinh sống & viết sách. Năm 1934 ông sáng lập Tân văn nghệ tùng thư nhưng mới xuất bản được 2 cuốn sách của ông: Cô lâu mộng(tiểu thuyết 2 tập, viết xong năm 1927); Tân văn nghệ tùng thư đặc cáo (gồm Bức thư gửi chị Liên Tâm & Văn học với đời sống viết xong năm 1927) thì bị đình bản. Nhà ông lại bị khám xét, sách vở bị tịch thu & bị bắt giam mấy ngày rồi bị quản chế. Công sứ Pháp buộc ông hàng tháng phải đến trình diện, ông đã trả lời: “Đã quản chế tôi, ai muốn thấy mặt tôi thì đến, tôi không đi trình diện ai cả” (7).
       Trong 2 năm 1935 - 1936 ông vào Sài Gòn làm báo một thời gian, từng làm Chủ bút tờ Nghe thấy nhưng chỉ được 3 tháng thì tòa báo bị đóng cửa. Ông trở lại sống ẩn dật ở Phan Rang.
       Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính lật đổ Pháp trên toàn cõi Đông Dương, sau đó bày trò trao trả  “độc lập” cho chính phủ Trần Trọng Kim. Võ Liêm Sơn kiên quyết từ chối hợp tác với chính phủ này. Ông cùng người con thứ Giới Sơn gia nhập Việt Minh. Sau cách mạng, Võ Giới Sơn được bầu làm Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Phan Rang (nay là tỉnh Ninh Thuận), còn ông làm cố vấn của Ủy ban. Năm 1946 lính Pháp vây bắt nhân viên Ủy ban nhân dân, ông đi thuyền ra Huế báo cáo với Ủy ban nhân dân Trung Bộ rồi về quê Hà Tĩnh. Ít lâu sau thì biết tin con trai ông là Giới Sơn bị giặc giết hại.
      Năm 1947 ông được bổ nhiệm chức Trưởng ban tuyên truyền kháng chiến, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính kiêm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Hà Tĩnh. Nhận được thư của Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV Hồ Tùng Mậu (1896 - 1951) ông ra Thanh Hóa tham gia Liên Việt Liên khu(8). Năm 1948 lại được bổ nhiệm Ủy viên hành chính kiêm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu IV. Cũng năm đó, đi dự Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Việt Bắc, ông may mắn được gặp lại người học trò cũ nay là vị Tổng Tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp, đặc biệt hơn nữa là được tiếp kiến Hồ Chủ tịch, người bạn thuở học trường Quốc học. Bác Hồ đã có bài thơ Tặng Võ Công, một “bài thơ thù tạc, nhưng trí nó lớn, thần nó sáng & dạt dào, vì người làm thơ & người được tặng thơ đều là đồng điệu, là trí cao tâm lớn nên nó bao quát được cả thời cuộc, cả tình riêng”(9).
 Kết thúc bài thơ Bác Hồ viết: Tặng công chỉ nhất cú/ Kháng chiến tất thành công (Một câu xin tặng cụ/ Kháng chiến ắt thành công). Ông Võ Liêm Sơn họa lại: Tương kiến trùng lai nhật/ Kháng chiến dĩ thành công (Ngày ta gặp nhau lại/ kháng chiến đã thành công). Khi chia tay, Bác Hồ tặng ông chiếc gậy có khắc dòng chữ: Tặng Võ Liêm Sơn tiên sinh được ông giữ gìn như một báu vật. Nhưng rồi ngày 22/2/1949 ông đã ra đi mãi mãi. Nhớ đến người bạn cũ, hễ biết có cán bộ đi qua Hà Tĩnh, bao giờ Bác cũng nhờ đến thắp hương trước mộ ông để tỏ thâm tình đồng chí, đồng hương. (10)
Tác phẩm thơ văn của Võ Liêm Sơn đã nhắc đến ở trên như: Đông Tây văn hóa phê bình, Hài văn, Cô lâu mộng, Bức thư gửi chị Liên Tâm, Văn học với đời sống đều in chưa ráo mực đã bị tịch thu, bị liệt vào loại sách cấm lưu hành, tàng trữ chỉ vì tác giả là người dám nói thẳng, nói thật “xâu chuỗi các loại quan to quan nhỏ & những bọn hãnh tiến các cỡ vào ngọn giáo trào lộng đậm đà tính dân gian”(11). Tuy vậy một số bài thơ, đoạn thơ hay của ông vẫn kịp đi vào trí nhớ của nhiều trí thức Huế ưu thời mẫn thế đương thời(12). Ông còn có tập thơ Ngắm non Hồng do Ngô Đức Mậu sưu tầm (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1957). Năm 1993 Hội Văn nghệ Hà Tĩnh tiếp tục bổ sung một số thơ văn mới sưu tầm để xuất bản tập Thơ văn Võ Liêm Sơn. Nhận xét về thơ văn của ông Gs Vũ Ngọc Khánh viêt: “Là nhà nho, có vốn Tây học ông chống văn chương cử nghiệp bởi muốn làm văn giúp đời… Sách của ông đã bị Pháp cấm lưu hành, tàng trữ. Sau này mới được đọc nhiều thơ ông qua Ngắm non Hồng. Trong đó cái cười của ông là nụ cười trí tuệ, nó không mỉa mai chua chát như Nguyễn Khuyến, không khích động mà nghẹn ngào như Tú Xương, không công khai khinh miệt như Phan Điện, mà vẫn khiến ta phải mỉm miệng để đau buồn” (13)
 Hiện nay, tại xã Thiên Lộc quê hương ông có ngôi trường tiểu họcVõ Liêm Sơn. Ngày 26/7/2014 tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường Trường An (145 Phan Bội Châu - tp Huế, nơi trước đây là ngôi nhà của ông Võ Liêm Sơn) Bảo tàng lịch sử cách mạng Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ khánh thành bia lưu niệm thầy giáo Võ Liêm Sơn(14) Ở khu vực phường Trường An, thành phố Huế còn có một con đường mang tên ông. Đó là những hình thức tưởng niệm xứng đáng hậu thế dành cho nhà giáo cách mạng ưu tú, một biểu hiện đẹp của truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Chú thích
(1)Ngạc Am nghĩa là nhà nói thật (ngạc là lời nói thẳng, am là ngôi nhà nhỏ thờ Phật), lấy ý ở một bài thơ thời Xuân thu Chiến quốc: “Bách nhân nặc nặc, thiên nhân nặc nặc, bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc (Trăm người dạ dạ, ngàn người dạ dạ, không bằng một người nói thẳng).Chú thích của Nguyễn Tư Hoành(1990): Võ Liêm Sơn trong sách: Nghệ Tĩnh gương mặt nhà văn hiện đại. Nxb Văn hóa, tr.42. Sách Tác gia Nghệ Tĩnh thế kỷ XX (1990)T1, tr.33 & Báo Người cao tuổi ra ngày 23/11/2010 đều chép nhầm hiệu ông là Ngọc Am.
(2), (7)Tư liệu tổng hợp từ: 1/Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (1992): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Nxb Khoa học Xã hội, tr 959-960;2/ Đinh Xuân Lâm-Trương Hữu Quýnh (cb)(2005): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam Nxb Giáo dục, tr.432-433;3/ Võ Liêm Sơn: Bài trên trang Sachxua.net/frum/index.pht?topic=2222.0. 4/Quang Đạm(2007):Ngôi nhà Bến Ngự & con đò sông Hương trong sách: Phan Bội Châu trong dòng thời đại Nxb Nghệ An,tr.606-625
(3) Theo Tạp chí Sông Hương số 20năm1983.
 (4) Hồ Tá Bang (1875 -1943) là một nhà duy tân yêu nước, 1 trong 6 thành viên sáng lập trường Dục Thanh & Công ty Liên Thành đầu thế kỷ 20. Đôi câu đối trên khắc ở sinh phần ông.
(5)Ông đã dùng số tiền 2.000đồng do đồng bào quyên góp mua một mảnh vườn trên      dốc Bến Ngự để dựng ngôi nhà tranh cho nhà ái quốc & một thửa đất thứ 2 sau này là   nghĩa trang Phan Bội Châu
    (6)Đào Duy Anh (1989): Nhớ nghĩ chiều hôm Nxb Trẻ, tr.38.
    (8), (12) Nguyễn Khoa Bội Lan:Nhớ lại vài câu chuyện nhỏ về thầy Võ Liêm Sơn Tạp chí Sông Hương số 120 (2/2010).
(9)Nhận xét của cụ Nguyễn Sinh Khiêm anh ruột Bác Hồ. (Theo Báo Văn nghệ, số 45, ngày 24/1/1981). Nguyên văn bài Tặng Võ Công của Bác: Võ Liêm Sơn lão tiên sinh nhã chính: Thiên lý công tầm ngã/ Bách cảm nhất ngôn trung/Sự dân nguyện tận hiếu/ Sự quốc nguyện tận trung/Công lai ngã hân hỉ/ Công khứ ngã tư công/ Tặng công chỉ nhất cú/ Kháng chiến tất thành công.(Dịch:Cụ Võ Liêm Sơn kính mến. Ngàn dặm cụ tìm đến/Một lời trâm cảm thông/Thờ dân tròn đạo hiếu/ Thờ nước vẹn lòng trung/ Cụ đến tôi mừng rỡ/ Cụ đi tôi nhớ nhung/ Một câu xin tặng cụ/ Kháng chiến ắt thành công) Bài họa của cụ Võ Liêm Sơn: Kính tặng Hồ Chủ tịch: Phùng công hỉ công kiện/Chiến sự bách mang trung/Đối thoại duy dân quốc/Tương kỳ tại hiếu trung/Hùng tài nguyên bất thế/Đại đạobản vi công/Tương kiến trùng lai nhật/ Kháng chiến dĩ thành công (Dịch:Gặp cụ mừng cụ khỏe/Việc quân bận vô cùng/Chuyện trò chỉ dân nước/Cùng tỏ một hiếu trung/Trí hùng đâu dễ có/ Đạo lớn cốt vì chung/Ngày ta gặp nhau lại/Kháng chiến đã thành công).
(10)Trần Đình Việt: Bác Hồ tặng thơ cụ Võ Liêm Sơn Bài trên trang tennguoidepnhat.net/2012/01/29/bac-ho-tang-tho-cu-vo-liem-son/.
(11)Nguyễn Tư Hoành(1990): Võ Liêm Sơn trong sách: Nghệ Tĩnh gương mặt nhà văn hiện đại. Nxb Văn hóa, tr.44.
(13)Vũ Ngọc Khánh (2012):Gương mặt văn học Việt Nam qua nhiều thế kỷ Nxb Văn hóa Thông tin, tr.328-329.
(14)Theo Báo Lao động số 173 ra ngày 28/7/2014.
 

Hồ Sỹ Hùy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây