Về các nhân vật được phối thờ tại Đền, chùa Gám ở Yên Thành

Thứ sáu - 26/07/2024 22:07 0
Kỳ 1: Về các nhân vật được phối thờ tại đền Gám
Đền, chùa Gám tọa lạc trên vùng đất Kẻ Gám xưa nên người dân ở đây lấy tên là Gám đặt cho di tích. Đền, chùa Gám còn có tên gọi là đền Xuân Nguyên, Chùa Xuân Nguyên vì hiện nay di tích thuộc làng Xuân Nguyên, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, di tích đền Gám được xem là lớn nhất vùng Kẻ Gám nên còn có tên gọi là đền Cả. Chùa Gám còn có tên chữ là Chí Linh Tự. Đền chùa nằm trong quần thể khu du lịch tâm linh sinh thái rú (núi) Gám, một trong những công trình tín ngưỡng tôn giáo, mang tính nghệ thuật độc đáo về nét đẹp văn hóa cổ của huyện Yên Thành và được Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An công nhận là Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 3727/QĐ- UBND.VX ngày 27/9/2007.
Đền Gám được xây dựng từ thời nhà Trần, là công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo của làng Kẻ Gám, xây dựng nên để thờ các vị thần có công “hộ quốc, tý dân”, đem lại mưa thuận gió hòa cho nhân dân, giúp dân không bị tai ương như: Cao Sơn Cao Các, Sát hải đại Vương Hoàng Tá Thốn, Uy minh Vương Lý Nhật Quang, Tứ vị thánh nương...

quan-the-den-chua-gam-01

Nhân vật Cao Sơn - Cao Các: Cao Sơn Cao Các là một trong những vị thần lâu đời và phổ biến nhất của đất Nghệ An, tuy nhiên là một vị thần được thờ phổ biến như vậy nhưng Cao Sơn Cao Các là ai, là 2 hay 1 nhân vật thì còn chưa rõ. Nhưng trong thuyết minh về đền chùa Gám của HTX Xuân Thành có ghi:
Cao Sơn: Cao Sơn tên thật là Cao Hiển (20 tháng 8 năm Bính Ngọ) Quảng Tây, Trung Quốc. Từ nhỏ nổi tiếng thông minh thuộc làu kinh sử. Năm 15 tuổi, mồ côi cha mẹ. Năm 22 tuổi niên hiệu Tống Hưng Ninh đỗ tiến sĩ, được vua Tống tặng thưởng và giữ lại triều đình làm Thừa tướng. Năm 30 tuổi, ông được phong làm thừa tướng kiêm nguyên soái đại tướng quân và được triều đình cử sang trấn thủ nước Nam. Ông nhận chức ở trấn Nghệ An. Trên đường đi ngang qua trang Phúc Bội, huyện Lương Giang, có xứ Bến Tiên, thấy thế đất ở núi Đại Liễu tốt, ông liền cho lập cung đài gọi là Bến Tiền. Từ đấy mỗi khi dân có bệnh tật đến đó làm lễ đều khỏi bệnh. Ông mất năm 103 t, mộ táng tại núi Đại Liễu. Cao Sơn là 1 vị quan có lòng khoan dung độ lượng, hết lòng giúp dân chữa bệnh, sản xuất. Sau khi ông mất, vua Tống phong làm An Nam Quốc Vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ ông (Từ điển văn hóa - nxb Văn hóa xã hội).
Cao Các (6.1.938): người làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Thanh Đô. Mẹ là Lê Thị Điềm, bố là Cao Trạch. Cao Các thông minh và có sức khỏe phi thường, dung mạo hơn người, được mọi người trong làng gọi là “thần đồng”. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước hỗn loạn, sử cũ gọi là loạn 12 sứ quân, Cao Các đã quyết tâm đi gặp Đinh Bộ Lĩnh xin đi đánh giặc. Vua thấy ông có tư chất thông minh, chính trực, giỏi võ nghệ nên đã phong chức Giám nghị đại phu và giao cho đi dẹp loạn. Với tài thao lược, dùng binh, ông đã góp công lớn trong việc giúp vua Đinh dẹp yên được loạn 12 sứ quân, thu non sông về một mối.
Năm 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, Cao Các được giao trấn thủ vùng đất An Ninh. Ông thấy đây có phong cảnh hữu tình, dân cư ôn hòa nên ông quyết định cho quân sĩ lập quân. Tại đây, ông tăng cường tổ chức học tập luyện võ nghệ cho binh sĩ, vùa tăng cường công tác phòng thủ vừa hướng dẫn cho nhân dân trồng trọt, chăn nuôi, chữa bệnh cho dân nghèo và tập luyện võ nghệ cho binh sĩ, giúp triều đình bảo vệ đất nước.
Khi giặc Chiêm Thành đem quân sang quấy nhiễu vùng biên cương nước ta, 1 lần nữa, vua Đinh lại triệu Cao Các về triều và giao cho ông thống lĩnh 5 vạn tinh binh đi đánh giặc. Cao Các đã đánh đuổi được quân giặc ra khỏi bờ cõi và giành thắng lợi vẻ vang. Ghi nhận công lao của ông, vua Đinh đã phong thưởng và giữ lại làm quan nhưng ông đã xin về quê sống cuộc sống an nhàn ở vùng đất An Ninh cho đến khi qua đời. Sau khi ông mất, triều đình nhà Đinh đã cho lập miếu thờ. Đến đời vua Lý Thái Tổ, ông được truy phong “Mĩ hiệu Đại vương”. Các triều tiếp theo gia phong cho ông là “thượng thượng đẳng, tối linh tôn thần”.
              Nhân vật Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn: Tên thật là Hoàng Tá Thốn, hiệu Tô Đại Liêu sinh năm 1254 tại làng Vạn Phần, huyện Diễn Châu, trong 1 gia đình làm nghề chài lưới, cha họ Hoàng (không rõ tên), mẹ họ Trương, Gốc ở Lý Trai nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu. Từ nhỏ ông đã khỏe mạnh, lớn lên lại có sức vóc hơn người, có tài bơi lội, giỏi võ nghệ.
 Năm 1258, khi quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta, nhà Trần đã tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” nhằm đưa ra kế sách đúng đắn và kêu gọi nhân dân cả nước đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân giặc, giữ vững độc lập cho nước nhà. Đáp lại lời kêu gọi đó, Hoàng Tá Thốn đã từ giã quê hương ra Thăng Long nhập vào đội quân thủy chiến của nhà Trần. Nhờ có tài bơi lội, sức khỏe phi thường và lòng dũng cảm, mưu trí ông đã lập được nhiều chiến công trong các trận đánh và tìm được nhiều thuyền của giặc. Đặc biệt là trong trận Bạch Đằng 1288, ông đã dùng mưu giết được Ô Mã Nhi ở biển Đông nên được nhà Trần phong cho làm “Sát Hải Chàng Lại Tướng Quân” .
 Sau khi dẹp được giặc Nguyên, đất nước thanh bình, ông được vua Trần giao cho thống lĩnh các đạo thủy binh, trấn giữ 12 cửa biển từ Hải Phòng cho đến Hà Tĩnh. Vâng mệnh triều đình, một mặt ông cùng các con trai xây dựng các vùng trạm, trại, căn cứ khắp vùng Nghệ Tỉnh để canh gác, bảo vệ vùng biển và lãnh thổ nước nhà. Hoàng Tá Thốn đã huấn luyện được đội quân thiện chiến, nhiều lần đánh tan bọn cướp biển giữ yên cuộc sống thanh bình cho nhân dân.
Trong thời kỳ ở tại quê hương, thấu hiểu và thông cảm với cuộc sống nghèo khổ của người dân nghề sông nước, ông đã cùng các con của mình đưa cư dân ven biển Vạn Phần lên bờ khai hoang lập làng và dạy cho dân làm nông nghiệp.
 Hoàng Tá Thốn qua đời ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm 1314, thọ 72 tuổi. Để tỏ lòng biết ơn trước những công lao to lớn của Hoàng Tá Thốn, vua tôi nhà Trần đã cho thuyền rồng chở linh cữu của ông về mai táng tại thôn Vạn Phần (Diễn Vạn, Diễn Châu) và truy phong cho ông tước hiệu “Đại Liêu Thiên Bồng Đại Tướng Quân”.
 Sau khi ông mất, nhân dân trong vùng  đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi. Hoàng Tá Thốn trở thành vị thần linh ứng phù hộ cứu dân khi thiên tai hoạn nạn. Vì thế nhân dân vùng ven biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh và những vùng đất do ông khai phá đều lập đền thờ ông.
 Trong đền Gám Hoàng Tá Thốn được xếp ở dưới án thờ Cao Sơn, Cao Các và được nhân dân thờ phụng với tư cách là vị thần đệ nhị tại đền.
     Nhân vật Tam Tòa Đại Vương (Lý  Nhật Quang):
Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ (1010 - 1225), ông sinh năm 988 tại Thăng Long, mẹ là Minh Trưng Hoàng hậu Lê Thị Lại. Từ nhỏ Lý Nhật Quang đã tuấn tú, hiếu động, có tài văn võ, được nhân dân gọi là “ Bát Lang Hoàng Tử”.
Vương triều Lý buổi đầu là một vương triều sáng suốt, biết dựa vào dân để ổn định, phát triển đất nước. Bằng nhiều chính sách như mở trường dạy học, khuyến ngư, mở rộng giao lưu buôn bán...đưa Đại Việt thành một quốc gia hùng mạnh. Bấy giờ, Hoan Châu là vùng đất tận cùng phía nam tổ quốc, còn gặp nhiều khó khăn. Đây là vùng đất rộng, dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt lại thường xuyên bị các lân bang như Champa, Chân Lạp...quấy nhiễu. Trước tình hình ấy, nhà Lý đã nhiều lần cử các vị quan có kinh nghiệm tới để cải thiện tình hình nhưng không mang lại kết quả.
Năm Càn Phù Hữu Đạo thứ 3 (1041), Lý Nhật Quang nhận chiếu đi làm Tri châu ở trấn Nghệ An. Ông cho thi hành nhiều chính sách tốt được nhân dân mến mộ và nể phục như: giảm thuế cho dân, hướng dẫn nhân dân trồng trọt, khai hoang, trị thủy, kết giao với các nước lân bang... Trong thời gian 16 năm làm Tri châu ở Nghệ An, Uy Minh Vương vừa quan tâm sản xuất, củng cố quân đội, vừa thực hiện chủ trương của triều đình, ông cho lập nhiều đền, chùa để giáo hóa nhân dân theo đường phục thiện.
 Để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng đã sống hết mình vì nhân dân, sau khi ông mất, dân chúng đã tôn ông lên làm Thành Hoàng, làm đại phúc thần của cả Châu, các chốn hồi ty ở trong châu đều lập đền thờ ông.
Tại đền Gám, trước đây cũng có long ngai, bài vị thờ ông, nhưng hiện nay do nhiều nguyên nhân nên long ngai và bài vị  của ông đã không còn nữa. Trong bản cúng tế của làng Kẻ Gám năm 1916 (theo nguyên văn chữ Hán) còn lưu lại vẫn ghi vị hiệu của ông là “Tả Khánh Khuông Quốc Mục hoang anh dũng dũng phù hữu hiển trung uy linh minh trí tả đông chính Tam Tòa Đại Vương”.
Nhân vật Tứ Vị Thánh Nương:
Tứ vị Thánh nương là thái hậu và hai con gái cùng nhũ mẫu của vua nước Nam Tống, Trung Quốc. Năm 960, đại thần hậu Chu là Triệu Khuông Dẫn lập nên nhà Tống, gọi là Bắc Tống, đống đô ở Biện Kinh. Năm 1127, Biện Kinh bị nhà Kim đánh bại, lập nên nước Nam Tống đóng đô ở Lâm An - Hàng Châu. Đến năm 1234, Nam Tống bị quân Mông Cổ tấn công, vua Tống đêm theo một số binh lính và gia quyến lên thuyền trốn ra biển. Nhưng khi ra biển thì đoàn thuyền gặp bão và bị đánh chìm. Thái hậu của vua Tống là Dương Nguyệt Quả và hai con gái của bà là Triệu Nguyệt Khiêu/Hương cùng một người nhũ mẫu trôi dạt vào bờ biển Cửa Cờn cạnh một ngôi chùa, được một vị sư trụ trì chùa chăm sóc hết lòng. Một thời gian sau, mẹ con thái hậu khỏe mạnh và trở lại vẻ đẹp như xưa khiến chô vị sư động lòng muốn tư thông nhưng bị cự tuyệt. Sư thấy xấu hổ nên đã nhảy xuống biển tự vẫn. Mẹ con thái hậu thấy thế mà than rằng : “chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà chết, sao nỡ yên tâm” . Nói rồi ba mẹ con thái hậu và bà nhũ mẫu cùng nhau nhảy xuống biển. Thi hài họ trôi dạt vào cửa Càn Hải xã Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu và dân làng Hương Cần, Quỳnh Lương thương xót đã chôn cất và lập thảo am để thờ cúng, từ đó gọi là “Tứ vị Thánh nương”.
Năm Hưng Long thư 20 (1312), vua Trần Nhân Tông thân chinh đi đánh  Chiêm Thành. Khi đang nghỉ ngơi tại Cửa Cờn, ban đêm vua đã chiêm bao thấy thái hậu Dương Nguyệt Quả báo rằng: ‘ Thiếp là cung phi nhà Tống, vì giặc bức bách, lênh đênh sóng gió trôi dạt vào đây. Thượng đế sắc phong thần đã lâu, nay xin giáng công thánh thượng đi đánh giặc”. Vua tỉnh dậy hỏi ra sự tình, liền cho quân mua lễ vật tới đền kính lễ. Sau khi tế lễ ở đền, vua cho quân tiến thẳng tới thành Trà Bàn và dành thắng lợi vể vang. Sau khi rút quân về TLong vua Trần hạ lệnh gia phong cho Tứ vị là: Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh Nương” và cho nhân dân xây đền quy mô và rộng rãi hơn.
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, khi đi ngang qua Cửa Cờn, vua ghé vào đền dâng hương và sau đó vua đi đánh Chăm pa dành thắng lợi. Sau khi đánh thắng giặc trở về, vua đi qua Cửa Cờn về cửa biển Thanh Hóa, bỗng sóng gió nổi lên, cuốn thuyền buồm quay trở lại cửa Cờn, ngay dưới chân đền. Vua liền hạ lệnh tiến hành lễ tạ, thăng thêm phẩm trật, cho khắc tượng và dựng thêm tòa thờ cho Tứ vị Thánh
Từ đó, tiếng tăm về sự linh ứng của Tứ vị Thánh nương ngày càng lan rộng, được nhân dân nhiều vùng kề sông cận biển tôn làm Thành Hoàng. Vùng đất Kẻ Gám cũng là nơi có dòng sông Dinh đi qua nên Tứ vị Thánh nương được nhân dân rước về phối thờ tại đền.
Một góc trong di tích đền, chùa Gám hiện nay   Ảnh: T.L
Đền, chùa Gám là một công trình tín ngưỡng - tôn giáo, là nơi thờ tự và tưởng niệm những vị thần có công với nước, với dân. Những vị thần linh đó đều rất linh ứng, được nhân dân nhiều địa phương thừa nhận, lập vị hiệu, rước và thờ vọng. Thông qua những tài liệu, hiện vật, những sự kiện lịch sử còn lưu giữ tại đền như câu đối, đại tự, văn tế và vị hiệu, là những căn cứ lịch sử cụ thể, đích thực giúp chúng ta khẳng định những vị thần được thờ tại di tích và sự đóng góp của các nhân vật đó với nhân dân trong quá trình chinh phục tự nhiên. Di tích vẫn còn in đậm nét lịch sử văn hóa của quê hương Xuân Thành nói riêng và nhân dân xứ Nghệ nói riêng. Đây cũng là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý giúp chúng ta hiểu sâu hơn về một vùng đất, cũng  như các sinh hoạt văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc gắn với di tích.
            
 

Hồ Thủy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây