“Mùa xuân chín” chính là cách ứng xử đầy nhân văn với cuộc đời của thi sĩ Hàn Mặc Tử

Thứ sáu - 26/07/2024 21:38 0
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại ngôi làng Lệ Mỹ bên dòng Nhật Lệ, nay thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông là một trong những nhà thơ đi đầu trong các phong trào Thơ mới. Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận định: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình". Các tác phẩm của ông mang một tình yêu tha thiết với cuộc đời và niềm đam mê mãnh liệt với thiên nhiên, cuộc sống và con người. Một trong những bài thơ hay nhất của ông phải kể đến là bài Mùa xuân chín. Bài thơ đã được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Hàn Mặc Tử bén duyên với thơ ca từ khi 16 tuổi với bút danh là Lệ Thanh, Phong Trần. Đến năm 1936 ông đổi bút danh là Hàn Mạc Tử, sau đó lại đổi thành Hàn Mặc Tử. Ông là nhà thơ khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam và là một trong những cây bút tiên phong cho Trường thơ loạn với phong cách thơ độc đáo. Mùa xuân chín là một bài thơ tiêu biểu, góp phần làm nên tên tuổi của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Phân tích tác phẩm Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử chọn lọc hay nhất
Mùa xuân chín được rút trong tập “Đau thương” (1938). Bài thơ được nhà thơ sáng tác trong thời gian đầu nhà thơ lâm bệnh (vào khoảng năm 1937). Có lẽ vì trong hoàn cảnh như thế nên khi viết về mùa xuân, nhà thơ có sự chiêm nghiệm và cảm nhận thấm thía hơn về cuộc đời, về con người. Các nhà Thơ mới cũng viết nhiều về mùa xuân. Phải chăng mùa xuân với muôn hoa đua nở, vạn vật tràn đầy sức sống nên dễ khởi lên trong lòng thi nhân nhất là thi nhân mang đậm cái tôi như các nhà Thơ mới những rung cảm đặc biệt?Ta bắt gặp mùa xuân trong Chiều xuânĐêm xuân trong tập Bức tranh quê của Anh Thơ, Mùa xuân xanh  của Nguyễn Bính, Xuân không mùa của Xuân Diệu và ta gặp Xuân trong thơ Chế Lan Viên… Nói đến mùa xuân, có ai không hiểu đó là những phút rạo rực nhất của cuộc đời, của cuộc sống. Mùa xuân mỗi khoảnh khắc một vẻ, lúc là “mùa xuân nho nhỏ”, lúc là “mùa xuân xanh”… và đây “Mùa xuân chín” nghe vừa mới, vừa sôi nổi, vừa có một sức sống dồn nén đang thầm nảy nở giống như cái mới, cái lãng mạn và khao khát trong tâm hồn Hàn Mặc Tử.
Thế nhưng Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử hiện lên trong lòng độc giả những nét vẽ riêng đầy ấn tượng và gợi mở.
Bài thơ đặc biệt ngay từ nhan đề. “Mùa xuân chín” là mùa xuân thế nào? Nhan đề có sự kết hợp độc đáo giữa danh từ trừu tượng “mùa xuân” và từ chỉ trạng thái “chín”.  Mặc dù từ “chín” không miêu tả và thể hiện cụ thể và rõ ràng về trạng thái của sự vật, hiện tượng, “chín” là đến độ chín hết nấc của mùa xuân hay mùa xuân đang chuyển dần sang độ chín? Dù hiểu theo cách nào thì từ “chín” cũng giúp người đọc cảm nhận và hình dung, mường tượng về một mùa xuân tươi đẹp, tròn đầy, rạng rỡ nhất. Từ “chín” ở đây làm ta liên tưởng tới trạng thái viên mãn đến độ lý tưởng của vạn vật: cảnh xuân với sắc xuân rực rỡ, sức xuân dồi dào và con người tràn đầy sức sống, đầy khát khao rạo rực để cùng kết nối, giao hòa mãnh liệt với nhau! Đằng sau đó là dự cảm xót xa, đầy nuối tiếc của thi nhân bởi vì khi mọi sự vật đến độ đẹp nhất cũng là khi nó giáp ranh với sự phôi pha, phai tàn, mất mát…Nằm giữa ranh giới của cái “non trẻ” của xuân xanh , cái “cũ kỹ” của xuân già nên  “mùa xuân chín” là kết tinh những gì đẹp nhất, viên mãn, căng tràn nhất, cảm giác của con người cũng ở độ đắm say, nồng nàn nhất. Nhưng cũng bởi thế, khoảnh khắc “mùa xuân chín” cũng hết sức ngắn ngủi, mong manh vô cùng.  Nhưng quan trọng hơn, nhan đề gợi mở cho ta chân dung tinh thần với một tâm thái, cảm xúc và cách ứng xử đến độ chín, độ đằm sâu của thi nhân.

Giới thiệu tác giả Hàn Mặc Tử (Tiểu sử, sự nghiệp, phong cách sáng tác, nhận định) - Trạm Văn Học      Ảnh tư liệu

Mạch cảm xúc bài thơ là dòng tâm tư bất định với những chuyển kênh bất chợt của chủ thể trữ tình. Đặc điểm uyển chuyển, linh hoạt của mạch thơ này chính là sự đánh dấu giải phóng cảm xúc cá nhân của các nhà thơ mới nói chung và thi sĩ Hàn Mặc Tử nói riêng. Về thời gian, mạch cảm xúc chuyển đổi từ hiện tại với trạng thái say đắm với cảnh mùa xuân tươi đẹp, căng tràn cùng lòng người háo hức, rạo rực đến nuối tiếc, xót xa với “ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” để cuối cùng quay trở về quá khứ “ sực nhớ làng” với hình ảnh “chị ấy” gánh thóc dọc bờ sông trắng đầy ám ảnh và đầy sức gợi. Về cảnh sắc, bức tranh xuân đang từ sự hân hoan, reo vui cùng ngoại cảnh mùa xuân nên thơ, tràn đầy sức sống (mái nhà tranh, giàn thiên lí, sóng cỏ xanh tươi,...) đến sự hân hoan, đồng cảm, thấu hiểu với lời ca, tiếng hát của các nàng thôn nữ hòa điệu cùng mây núi, khóm trúc “Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc/ Nghe ra ý vị và thơ ngây” thành tâm cảnh “sực nhớ” làng quê thân thương với hình ảnh “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”. Về cảm xúc, Hàn Mặc Tử đã bày tỏ dòng tâm tư của bản thân với nhiều bước ngoặt: từ niềm say mê, rạo rực đến trạng thái bâng khuâng, tha thiết, nuối tiếc, cuối cùng là nhớ nhung, buồn thương, da diết. Như vậy, mạch thơ không đi theo một chiều mà luôn vận động vô cùng linh hoạt, phong phú,  đi từ bức tranh ngoại cảnh đến bức tranh tâm cảnh, từ thiên nhiên đến con người, từ cảnh xuân đến tình xuân, từ hiện tại hướng tới tương lai và quay về với quá khứ. Đó cũng là lối tư duy thơ “nhảy cóc”, độc đáo nhưng đầy logic, phù hợp với quy luật nội tâm của chàng thi sĩ họ Hàn..Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy trong “Hàn Mặc Tử: một hiện tượng thơ độc đáo trong tư duy thơ Việt Nam” cho rằng: “Nếu Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính là dòng lãng mạn thuần khiết, nếu Xuân Diệu và nhất là Huy Cận, là dòng lãng mạn được cườm vào những yếu tố tượng trưng… thì Hàn Mặc Tử là hài hòa của lãng mạn, tưởng tượng, thậm chí siêu thực nữa”.

Trước hết là bức tranh cảnh xuân “chín” được cụ thể hoá bằng hàng loạt từ ngữ chỉ màu sắc, chỉ trạng thái vận động của các sự vật, hiện tượng rất giàu tính hình tượng và đậm cảm giác, gợi mở sự liên tưởng phong phú, thú vị của người đọc. Mở đầu bài thơ là bức tranh thiên nhiên tươi mới, ngập tràn ánh sáng, ngập tràn sắc xuân, hương xuân:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”.

Thiên nhiên mùa xuân hiện ra ngập tràn sắc vàng của nắng hoà trong làn sương khói mờ ảo, mơ màng. Cách kết hợp từ “khói mơ tan” khiến ta hình dung những màn khói sương như đang hoà tan trong từng làn nắng tạo nên một khung cảnh đẹp như mơ hoặc tạo nên một màu “mơ vàng” hài hòa của màu nắng pha trộn với màu sương.Chẳng phải tia nắng, hạt nắng,  giọt nắng mà là “làn nắng” nhẹ nhàng, mỏng manh, mềm mại, duyên dáng trải đều trong không gian. Đúng là nắng của mùa xuân “ửng” lên trong “khói mơ tan” khiến cho sắc nắng trở nên tinh khiết, có linh hồn, sinh động, nắng đang chuyển mình, đang lên dần với sắc vàng đang đậm dần “ửng” lên giống như đôi má hồng của người thiếu nữ đang tuổi xuâ thì. Nắng cũng đẹp đến độ dịu dàng, tình tứ, duyên dáng, trẻ trung, tươi mới. Sắc vàng của nắng càng trở nên rực rỡ với hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Ở đây không chỉ đơn thuần là mái nhà tranh mà là “đôi mái nhà tranh”, bởi thế nên càng góp phần tạo dựng nên một khung cảnh thanh bình, yên ả, nên thơ, hữu tình, trọn vẹn.  Không chỉ có màu sắc mơ vàng nên thơ, thi nhân còn cảm nhận bước chân của mùa xuân qua âm thanh. Từ láy gợi tả âm thanh “ sột soạt” kết hợp với đảo ngữ và nhân hoá đã được nhà thơ sử dụng thật tài tình nhằm nhấn mạnh trạng thái động của cảnh vật. Gió như đang trêu đùa cùng tà áo, cọ vào, chạm vào tà áo có màu xanh biếc tràn đầy sức sống và tạo nên âm thanh mùa xuân “sột soạt” đầy náo nức. Đó chính là cái tình xuân ấm áp, tươi vui khiến không khí mùa xuân trở nên sôi động, đầy hứng khởi. Cái động thái “trêu” của thiên nhiên thật đáng yêu, trìu mến, tinh nghịch mang dáng nét tình tứ trong ca dao, dân ca truyền thống. Từ điểm nhìn là mái nhà tranh, nhà thơ di chuyển điểm nhìn đến “giàn thiên lí”. Dấu chấm đặt giữa câu thơ như một nốt lặng của khoảnh khắc thi nhân giật mình, ngỡ ngàng nhận ra bước chuyển rất nhanh của mùa xuân đã tràn về trên giàn thiên lý: “Bóng xuân sang”. Chỉ là “bóng”, rất mơ hồ, huyền ảo mùa xuân nhưng bằng nghệ thuật ân dụ chuyển đổi cảm giác nên bức tranh mùa xuân ở làng quê vừa có nét mơ màng vừa có nét sinh động, hữu hình có thể quan sát , cảm nhận được bằng thị giác. Ở khổ một có những hình ảnh chấm phá đơn sơ mà tinh tế, gợi cảm mang dáng dấp của thơ ca truyền thống nhưng lại không mang màu trung tính và cách tạo hình thiên về xu hướng tĩnh tại hoá, vĩnh cửu hóa. Bức tranh mùa xuân ở đây được gợi từ những bước chuyển động,những nét tinh tế, sống động của mùa xuân.
 Từ điểm nhìn cận cảnh, nhà thơ hướng về phía xa với không gian rộng mở:
   Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.        
Bước chân của mùa xuân đã đến thật nhanh! “Sóng” được kết hợp với cụm từ “gợi tới trời” gợi hình ảnh gió xuân đuổi dài từng lớp thảm cỏ xanh mướt chạy nối tiếp nhau, trải dài bất tận. Thảm cỏ và bầu trời dường như nối liền một dải xanh miên man căng tràn sức sống mãnh liệt. Màu xanh ấy không chỉ dừng ở “chân trời” như ý câu thơ: “Cỏ non xanh tận chân trời” của Nguyễn Du mà còn nới rộng không gian “tới trời”. Thêm nữa, hình ảnh lớp cỏ ở đây không chỉ có độ mượt mà, tươi mới như ý thơ của Nguyễn Trãi “Cỏ xanh như khói bến xuân tươi” (Độ đầu xuân thảo lục như yên – Nguyễn Trãi) mà “sóng cỏ” còn gợi sự vận động uyển chuyển, nhẹ nhàng, sinh động của những lớp cỏ xuân. Phải chăng sức sống cuộn trào từ bên trong đã tạo thành những đợt sóng cỏ “tới trời” độc đáo trong thơ Hàn Mặc Tử? Và đây cũng chính là biểu hiện của một “mùa xuân chín”?
 Độ chín của mùa xuân còn là sự tương giao hài hòa với màu sắc và âm thanh tiếng hát của con người. Đó là tiếng hát của những cô thôn nữ duyên dáng, trẻ trung bên đồi. Tiếng hát mùa xuân dân dã, tình tứ và đáng yêu. Dường như sắc xuân, hương xuân, tình xuân “đang chín” dần trong lòng người thôn nữ ở hiện tại: Bao cô thôn nữ hát bên đồi. Thi nhân chợt mường tượng về tương lai “ngày mai” để buông ra câu thơ:
  Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
“Xuân xanh” là một ẩn dụ để chỉ những cô gái trẻ trung, xinh đẹp, “đám xuân xanh” là đám  các cô thôn nữ ở độ tuổi xuân tươi đẹp đang hát đầy sự yêu đời, mê say, tình tứ kia. Tình xuân đang lên men chín say nồng bởi mùa xuân chính là mùa của yêu thương của niềm hạnh phúc tràn đầy, trọn vẹn khi đã có lứa có đôi. Câu thơ bỗng dưng trở nên hẫng hụt, chùng xuống đầy băn khoăn: “Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Đó là khi tiếng hát kia đi theo tiếng gọi của tình yêu, của hạnh phúc lứa đôi đã đến độ chín thì cũng đồng nghĩa với việc “bỏ cuộc chơi” trong “đám xuân xanh” của các cô gái thôn quê! Có điều gì đó như mất mát, như tiếc nuối, quyến luyến, bâng khuâng trong lòng thi nhân chợt vỡ òa bởi dự cảm được bước đi nghiệt ngã của thời gian. Điều này ta thấy được sự tương đồng với cảm nhận của Xuân Diệu: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đương qua - Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”.
Tiếng hát của những cô gái đánh thức tâm hồn Hàn Mặc Tử, đưa nhà thơ trở lại với thực tại. Toàn bộ tâm hồn người thi sĩ dường như đã hòa nhập vào thế giới âm thanh mùa xuân tình tứ, đầy tình xuân này:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “tiếng ca vắt vẻo” gợi âm thanh ngân rung như vút lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi” tạo thành dáng nét “vắt vẻo” gợi dư âm tiếng hát dường như giăng mắc giữa không gian núi rừng. Hình ảnh thơ này cũng gợi một nét đẹp truyền thống của dân tộc với lễ hội mùa xuân truyền thống của  làng quê yên bình. Biện pháp so sánh “Hổn hển như lời của nước mây” gợi âm thanh tiếng hát như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”. Tiếng ca không chỉ có cung bậc “vắt vẻo” giữa lưng chừng núi, “hổn hển” đầy bồi hồi, rạo rực cả mây trời mà còn “thầm thĩ” như là tâm sự thân thương của những tâm hồn đồng điệu dưới bóng trúc. Đại từ “ai” phiếm chỉ là để chỉ “người thương” hay là chính bản thân mình? Câu thơ mở ra cảm giác của những câu hát giao duyên trao gửi trong ngày hội xuân. Đó cũng chính là âm thanh mùa xuân đang chín dần, thấm sâu dần vào hồn người, chiếm lĩnh từ không gian rộng, cao xa của đất trời đến không gian tâm tình, gần gũi, thân thuộc, đầy sâu lắng, thương yêu. Sự phong phú về giai điệu và phức hợp cảm xúc của từ khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người của các cô thôn nữ khiến nhà thơ phải thốt lên: “Nghe ra ý vị và thơ ngây”. Thi nhân trở nên bâng khuâng, xao xuyến khi lắng nghe những cung bậc âm thanh ấy! Đó cũng là biểu hiện của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và yêu cuộc sống thiết tha đã vào độ chín cảm nhận về cuộc sống của thi sĩ !Câu thơ phảng phất tính tượng trưng, siêu thực. Ở khổ thơ này, tất cả những cảm nhận trừu tượng về âm thanh mùa xuân đã được Hàn Mặc Tử hữu hình hoá một cách thật tài tình, độc đáo tạo nên những ý thơ mới lạ, hiện đại rất riêng.
Từ cảm nhận cảnh xuân đã đến độ tròn đầy viên mãn đến cảm nhận âm thanh đa cung bậc cảm xúc của mùa xuân rạo rực, tâm tình, thi nhân bất chợt lắng lại tại thời điểm hiện tại nghĩ về mình. Thi nhân nhận ra mình chỉ là một người khách tha phương, lẻ loi, cô độc trong bối cảnh gặp “mùa xuân chín” đã đón nhận, mở lòng để cảm hết cảnh xuân của đất trời và tình xuân của lòng người. Ở giây phút quay về chính mình, lòng tác giả thổn thức, trào dâng lên nỗi nhớ về làng quê thân thương:
   Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

    Chị ấy năm nay còn gánh thóc
      Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Từ láy “Bâng khuâng” kết hợp tài tình với động từ “sực nhớ”  là để chỉ trạng thái cảm xúc thương nhớ dội lên bao trùm cả tấm lòng và trí nhớ hướng về  làng quê của thi nhân. Hình ảnh của kí ức hiện lên: “Chị ấy năm nay còn gánh gánh thóc”. “Chị ấy” là đại từ phiếm chỉ không rõ là chị nào. Ấy” bâng quơ, không cụ thể nhưng là một đối tượng “nhớ” đặc biệt, là hình ảnh một người con gái, một người chị gái đã để thương để nhớ sâu sắc trong lòng tác giả với niềm yêu quý và trân trọng. Người con gái xuất hiện trong nét đẹp lao động với công việc cụ thể là “gánh thóc”, hoà cùng ánh nắng vàng bên bờ sông trắng trong một không gian cụ thể: “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”? Màu trắng của nắng không còn là màu nắng thực của mùa xuân mà là màu của ký ức, màu của nỗi nhớ, của khát khao. Hình ảnh người chị tảo tần, vất vả, lầm lũi “gánh thóc” như gánh nặng cuộc đời đầy lo toan trở thành trung tâm nỗi nhớ của nhà thơ. Đó là hình ảnh đẹp, gợi nỗi lòng man mác và phảng phất buồn, trải rộng trong không gian mênh mông xa vắng. Chữ “còn” cùng với dấu chấm hỏi ở cuối bài thơ như là lời độc thoại và tự hỏi lòng mình thật tha thiết, da diết, khắc khoải của nhà thơ khi nhớ về làng quê. Phải chăng nỗi nhớ bâng khuâng ấy cũng là một nỗi niềm cô đơn, trống vắng, hẫng hụt, lo âu phấp phỏng của thi nhân trước cuộc đời, trước bước chuyển của thời gian khi “mùa xuân chín”? Phải chăng đó cũng chính là khao khát một tình người, một tình quê đến tha thiết quặn lòng? Khao khát ấy tạo nên giá trị nhân văn sâu sắc trong thơ Hàn Mặc Tử!
Như vậy, bài thơ đã diễn tả sự vận động của bức tranh mùa xuân ở cảnh vật và lòng người đang vào độ chín, độ viên mãn. Chủ thể trữ tình cảm nhận “mùa xuân chín” ở nhiều góc nhìn khác nhau. Có lúc thì hòa vào thiên nhiên và con người, có lúc thì tách khỏi thiên nhiên và con người, có lúc tự phân thân hỏi chính mình. “Mùa xuân chín” là hình ảnh được nội cảm hóa bởi thế ta nhận ra “Mùa xuân chín” là biểu tượng đa nghĩa, lưỡng phân và chuyển hóa cho nhau. Đó vừa là vẻ đẹp của mùa xuân vừa là sự hiện hữu của cái đẹp, tình yêu, tuổi xuân vừa là quy luật tất yếu của thời gian, vừa là nỗi lòng “đa thanh” của thi nhân đan cài vào nhau. Đọc “Mùa xuân chín”, ta thấy một thế giới nội tâm mãnh liệt với những cung bậc cảm xúc được đẩy đến tột cùng. Đây là trạng thái thẩm mĩ nổi bật được thể hiện xuyên suốt văn bản. Và trên hết, bài thơ đã bộc lộ quan niệm của thi nhân về quy luật của thời gian và cái đẹp, nhận rõ được bản chất cuộc sống của con người. Cuộc đời có cái hân hoan, cái đẹp viên mãn nhưng chỉ là thoáng chốc, dễ phôi pha, cái đọng lại là sự khắc khoải, day dứt, xót xa cho kiếp người ngắn ngủi. Ta hiểu được quy luật đó để có có cách ứng xử  đúng đắn, chín chắn, nhân văn và sâu sắc trước cuộc đời, xem cuộc đời mà ta đang sống như một “mùa xuân chín” để sống thật trọn vẹn, sâu sắc và có ý nghĩa.
 

Hà Thị Vinh Tâm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây