Hiệu quả can thiệp điều trị nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu thiếu kẽm huyết thanh ở phụ nữ có thai ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng trẻ sơ sinh và điều trị tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Thứ năm - 28/01/2021 20:30 0

Nhiễm giun móc/mỏ (Ancylotoma duodenale/Necator americanus) là một trong nhóm bệnh giun truyền qua đất gây ra bởi một số loài giun tròn ký sinh mà trong chu kỳ phát triển của chúng có giai đoạn phát triển ở ngoài môi trường đất. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển thể chất, tinh thần, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ tuổi sinh sản và phụ nữ có thai với các biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm có tính chất tập thể, khu vực và kèm theo các hội chứng như rối loạn tiêu hoá, viêm đường tiêu hoá, còi xương suy dinh dưỡng ở trẻ em. Một trong những tác hại do bệnh gây ra là thiếu máu do nhiễm giun móc/mỏ. Điều này gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ tuổi sinh sản, phụ nữ có thai và trẻ em, đây là những đối tượng có nhu cầu cao về sắt, kẽm. Đối với phụ nữ độ tuổi sinh sản thiếu máu thiếu sắt còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con, làm tăng rõ rệt nguy cơ đẻ non, trẻ thiếu cân, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.

Ngành y tế đã triển khai các hoạt động tẩy giun cho trẻ học đường, và chỉ định điều trị cho bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đánh giá thực trạng nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng ở đối tượng phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ đặc biệt là phụ nữ có thai; đánh giá được ảnh hưởng của nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu thiếu kẽm huyết thanh đã ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh. Đặc biệt cũng chưa là chưa có nhóm giải pháp nào can thiệp giảm tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ trước khi có thai, để khi có thai thì thai nhi khỏe mạnh và trẻ sơ sinh có cân nặng, chiều cao trẻ đạt chuẩn. Công trình "Hiệu quả can thiệp điều trị nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu thiếu kẽm huyết thanh ở phụ nữ có thai ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng trẻ sơ sinh và điều trị tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An" được triển khai nghiên cứu thực hiện và đã đạt giải Ba giải thưởng sáng tạo KHCN năm 2020. Đề tài đã thực hiện các nội dung: Điều tra thực trạng nhiễm giun móc/mỏ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản; Xây dựng bộ giải pháp can thiệp cho các nhóm đối tượng: Phụ nữ không nhiễm giun móc/mỏ; phụ nữ nhiễm giun móc mỏ; Phụ nữ có thai và triển khai can thiệp theo từng nhóm đối tượng; Đánh giá hiệu quả can thiệp thông qua phân tích mối liên quan về tình trạng nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu, thiếu kẽm ở phụ nữ khi có thai, trước khi có thai đến đến chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu đã xác định thực trạng nhiễm giun móc/mỏ; thiếu máu, thiếu kẽm huyết thanh ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại huyện Diễn Châu, Nghệ An với tỷ lệ nhiễm giun đường ruột chung là 49,52%, tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ là 31,1% cao hơn nhiễm giun đũa 6,9% và giun tóc 18,09%; Tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 31,19% trong đó phụ nữ có thai 34,72% và phụ nữ chưa có thai 27,45%; Cường độ nhiễm giun móc/mỏ trung bình: 351 ± 8 trứng/1 gam phân, chủ yếu là mức độ nhẹ chiếm 93,89%, trung bình 5,34% và nặng là 0,77%; Tỷ lệ thiếu máu chung là 6,43%, nhóm phụ nữ có thai là 8,33% cao hơn không có ý nghĩa thống kê so với nhóm phụ nữ chưa có thai 4,41%; Tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh chung là 31,90%, thiếu kẽm huyết thanh ở nhóm phụ nữ có thai 43,6% cao hơn nhóm phụ nữ chưa có thai 20,1%; nhóm nhiễm giun móc/mỏ bị thiếu kẽm huyết thanh 36,64% cao hơn so nhóm không nhiễm 29,76%.

Can thiệp giảm  tỷ lệ nhiễm giun móc/mỏ ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bằng viên uống Albendazol và cải thiện tình trạng thiếu máu bằng bổ sung sắt, kẽm ở phụ nữ trước khi có thai cho thấy: Tỷ lệ sạch trứng giun móc/mỏ 14 ngày sau điều trị đặc hiệu bằng albendazol là 98,21%. Tỷ lệ tái nhiễm giun móc/mỏ 3 tháng sau điều trị đặc hiệu là 12,50%, sau 12 tháng là 23,21%; Cường độ nhiễm giun móc/mỏ giảm từ 342 ± 7 trứng/1 gam phân trước điều trị đặc hiệu xuống còn 150 ± 7 trứng/1 gam phân sau 3 tháng và 320 ± 9 trứng/1 gam phân sau 12 tháng; tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh ở đối tượng nghiên cứu giảm từ 21,10% trước can thiệp xuống còn 19,61% sau 3 tháng và 17,16% sau 12 tháng.

Phân tích một số yếu tố ảnh hưởng tình trạng nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu, thiếu kẽm ở phụ nữ có thai đến chiều cao và cân nặng của trẻ sơ sinh ở các nhóm phụ nữ không nhiễm giun, không thiếu máu do thiếu kẽm so với nhóm phụ nữ bị nhiễm cho thấy: Chiều cao và cân nặng trung bình của trẻ tại thời điểm sau sinh của các bà mẹ tại Diễn Châu, Nghệ An là 48,67 ± 3,59 cm; 3132,2 ± 497,73gam. Có  7,87% trẻ sau khi sinh có tình trạng dinh dưỡng dưới chuẩn; Chiều cao trung bình của nhóm trẻ sinh ra từ các bà mẹ không nhiễm giun móc/mỏ và không thiếu kẽm huyết thanh là 48,85 ± 2,70 cm cao hơn nhóm trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm giun móc/mỏ có thiếu kẽm là 48,17 ± 2,50 cm; Có tương quan thấp giữa cường độ nhiễm giun móc/mỏ nặng và trung bình ở các bà mẹ trong thời kỳ mang thai với cân nặng của trẻ tại thời điểm sau sinh; Có tương quan thấp giữa tình trạng nhiễm giun móc/mỏ và có thiếu máu, thiếu kẽm trong thời kỳ mang thai ở các bà mẹ với cân nặng và chiều cao của trẻ tại thời điểm sau sinh; Trẻ sinh ra từ các bà mẹ đã được can thiệp điều trị giun móc/mỏ và bổ sung sắt, kẽm có cân nặng trung bình sau sinh 3281,34 ± 487,20 cao hơn rõ rệt so với trẻ được sinh ra từ các bà mẹ có nhiễm giun móc/mỏ, thiếu máu thiếu kẽm là 3111,36 ± 500,30 gam.

Công trình được thực hiện với phương pháp nghiên cứu chặt chẽ qua 2 giai đoạn: mô tả có phân tích và can thiệp lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, xử lý số liệu bằng phần mềm chuyên dụng, qui trình triển khai nghiên cứu được thẩm định bởi hội đồng khoa học tuyến trung ương, quá trình triển khai nghiên cứu được giám sát chặt chẽ do các chuyên gia đầu ngành về ký sinh trùng và sản nhi là cơ sở đảm bảo cho kết quả nghiên cứu có tính trung thực, chính xác, và có ý nghĩa khoa học cao. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ giải pháp tổng thể để triển khai can thiệp giảm tình trạng nhiễm giun móc/mỏ, ngăn ngừa thiếu máu thiếu kẽm ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản chưa có thai, tạo tiền đề cơ thể khỏe mạnh để khi có thai sẽ có thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển toàn diện. Đây là công trình đầu tiên có tính mới trong can thiệp điều trị nhiễm giun móc mỏ, ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thiếu kẽm cho nhóm phụ nữ ở giai đoạn trước khi có thai và đã đánh giá được ảnh hưởng tình trạng nhiễm giun móc/mỏ ở mẹ đến chiều cao, cân nặng của trẻ sơ sinh. Tại Nghệ An đã có nhiều cơ sở y tế triển khai ứng dụng hiệu quả của công trình trong hoạt động chuyên môn của đơn vị như: Trung tâm y tế huyện Diễn Châu, Trung tâm kiếm soát bệnh tật Nghệ An, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện đa khoa Thành phố Vinh giảm thiểu chi phí điều trị, nâng cao hiệu quả về sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

Kiên Trần

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Sưu tầm

 Tags: chu kỳ, ký sinh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay299,356
  • Tháng hiện tại2,249,316
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây