Vắc-xin Pfizer đạt 95% hiệu quả chống COVID-19

Chủ nhật - 23/05/2021 21:00 0

Nghiên cứu đầu tiên trên phạm vi quốc gia về hiệu quả của vắc-xin COVID-19 đã được công bố trên tạp chí The Lancet. Cụ thể, kết quả theo dõi gần 5 triệu người được tiêm chủng đầy đủ ở Israel cho thấy việc tiêm chủng đã bảo vệ cho người tiêm khỏi bị nhiễm virus, nhập viện, bệnh nặng và tử vong ở mức trên 95%.

Do phải đối mặt với sự gia tăng số lượng lớn các ca nhiễm COVID-19 vào tháng 12 năm ngoái, nên Israel đã khởi động một trong những chiến dịch tiêm chủng quy mô toàn quốc lớn nhất và nhanh nhất trên thế giới. Đến đầu tháng 4 vừa qua, quốc gia này đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số trưởng thành, gần như chỉ sử dụng vắc xin Pfizer mRNA COVID-19.

Sharon Alroy- Preis, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Là quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm chủng COVID-19 cao nhất, Israel cung cấp cơ hội thực tế duy nhất để xác định hiệu quả của vắc-xin và quan sát tác động rộng lớn của chương trình tiêm chủng đến sức khỏe cộng đồng”.

Theo báo cáo nghiên cứu, khả năng bảo vệ khỏi bị nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng trong bảy ngày sau liều vắc-xin thứ hai đạt mức đáng chú ý là 95,3%. Khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus không có triệu chứng ở những người được tiêm chủng đầy đủ là 91,5%.

Nghiên cứu cũng kiểm tra hiệu quả của vắc-xin sau liều tiêm đầu tiên cho thấy khả năng bảo vệ khỏi bị nhiễm virus đạt mức 57,7% trong vòng từ 7 đến 14 ngày. Điều đó cho thấy một liều vắc-xin cung cấp phần nào khả năng bảo vệ nhưng khẳng định dữ liệu trước đó cho thấy hai liều vắc-xin là rất quan trọng trong việc tạo ra khả năng miễn dịch hiệu quả.

Jonathan Ball tại trường Đại học Nottingham, cho biết: “Những dữ liệu này xác nhận vắc-xin Pfizer mRNA cung cấp khả năng bảo vệ rất cao chống nhiễm COVID19 nghiêm trọng và tử vong, ngay cả ở những người lớn tuổi có nguy cơ cao. Điều quan trọng, nghiên cứu cho thấy tiêm vắc-xin đủ hai liều cải thiện đáng kể độ miễn dịch và khả năng bảo vệ. Đây là lý do mọi người phải tiêm đủ hai liều”.

Vào cuối tháng 1, số người nhiễm COVID19 ở Israel đạt đỉnh điểm với hơn 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Ba tháng sau, ngày 8/5, quốc gia này báo cáo mỗi ngày chỉ có 28 ca nhiễm mới. Tiêm chủng là nguyên nhân chính làm giảm tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2. Bên cạnh đó, Israel còn đưa ra những biện pháp khác như hạn chế đi lại từ cuối tháng 12 và lệnh phong tỏa kéo dài đến đầu tháng 3.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh dữ liệu cho thấy tỷ lệ bao phủ vắc xin cao ở một số nhóm tuổi nhất định tương ứng hiệu quả với việc giảm số ca lây nhiễm, chỉ ra rằng tiêm chủng là động lực chính làm giảm tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2. Nghiên cứu cũng ghi nhận biến thể B.1.1.7, thường được gọi là biến thể ở Anh, phổ biến nhất tại Israel trong khoảng thời gian này. Điều này cho thấy vắc-xin có hiệu quả chống lại biến thể B.1.1.7.

Alroy-Preis cho rằng: “Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào trên thế giới mô tả tác động của chiến dịch tiêm chủng COVID-19 trên toàn quốc đến sức khỏe cộng đồng. Kết quả nghiên cứu mở ra hy vọng tiêm chủng ngừa COVID-19 cuối cùng sẽ cho phép kiểm soát đại dịch".

N.P.D (NASATI), theo https://newatlas.com/health-wellbeing/israel-coronavirus-vaccine-study-pfizer-protection/, 9/5/2021

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập717
  • Hôm nay153,564
  • Tháng hiện tại1,253,184
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây