Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật phân tích sai hình nhiễm sắc thể do tổn thương phân tử ADN ở pha G2 nhằm đánh giá độ nhạy cảm phóng xạ ở nhóm bệnh nhân ung thư vú trước xạ trị

Thứ hai - 28/11/2022 21:05 0

Xạ trị là một trong những phương pháp phổ biến và hiệu quả để điều trị ung thư. Mục đích của xạ trị là loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư trong khối u nguyên phát hoặc một số hạch di căn nhất định, đồng thời giảm thiểu tổn thương cho các tế bào hoặc mô lành xung quanh. Có 2 chiến lược được quan tâm nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả xạ trị bao gồm phát triển các thiết bị xạ trị tiên tiến và nghiên cứu các hiệu ứng sinh học thích hợp để có thể hỗ trợ cá nhân hóa điều trị (personalized treatment).

Các kỹ thuật tiên tiến được sử dụng trong xạ trị chính xác bao gồm xạ trị điều biến liều (IMRT) dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật hình ảnh và sử dụng các chùm hạt proton hoặc ion nặng như carbon (particle therapy) đã giúp nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, việc kết hợp giữa phương pháp xạ trị tiên tiến và đánh giá các hiệu ứng sinh học cũng được kỳ vọng mang lại kết quả tốt hơn trong điều trị ung thư. Có nhiều yếu tố sinh học có thể ảnh hưởng đến tính kháng xạ hay nhạy xạ của tế bào khối u, như độ nhạy cảm của tế bào, khả năng sửa sai tổn thương phân tử ADN; kích thước khối u, môi trường xung quanh khối u (nồng độ oxy, nhiệt độ, v.v.). Có đến 70% trường hợp khác biệt về độ nhạy cảm phóng xạ lâm sàng là do yếu tố di truyền. Những yếu tố này đều liên quan đến cả tế bào khối u và tế bào bình thường. Nghiên cứu hiệu ứng tác động in vitro của bức xạ ion hóa ở cấp độ tế bào nhằm đánh giá mức độ tổn thương và khả năng sửa sai phân tử ADN của tế bào được kỳ vọng sẽ mang lại một phương pháp tiên lượng tính nhạy cảm phóng xạ cho bệnh nhân trước xạ trị. Một trong các phương pháp phân tích được sử dụng phổ biến hiện nay là phân tích sai hình nhiễm sắc thể (NST) do tổn thương phân tử ADN ở pha G2 của chu trình tế bào (G2-assay). Phương pháp này được đánh giá là một phương pháp dự đoán đáng tin cậy về độ nhạy và có tương quan tốt khi dùng để nghiên cứu ở bệnh nhân ung thư.

Nhằm xây dựng quy trình phân tích sai hình nhiễm sắc thể do tổn thương phân tử ADN ở pha G2 của chu trình tế bào và sử dụng kỹ thuật này để bước đầu đánh giá được độ nhạy cảm phóng xạ ở tế bào lympho máu ngoại vi ở nhóm bệnh nhân ung thư vú trước xạ trị, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hạt Nhân - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam do ThS. Phạm Ngọc Duy làm chủ nhiệm đã đề xuất thực hiện đề tài: Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật phân tích sai hình nhiễm sắc thể do tổn thương phân tử ADN ở pha G2 nhằm đánh giá độ nhạy cảm phóng xạ ở nhóm bệnh nhân ung thư vú trước xạ trị.

Sau một thời gian triển khai, đề tài thu đã được các kết quả như sau:

1. Quy trình kỹ thuật phân tích sai hình NST do tổn thương phân tử ADN ở pha G2 của chu trình tế bào đã được xây dựng phù hợp với điều kiện nuôi cấy và phân tích tế bào của phòng thí nghiệm. Trong đó, thời điểm chiếu xạ và xử lý caffeine 4 mM khi tế bào ở pha G2 được xác định là 69h sau khi bắt đầu nuôi cấy.

2. Bước đầu sử dụng quy trình phân tích này để đánh giá độ nhạy cảm phóng xạ tế bào ở nhóm đối chứng và nhóm bệnh nhân ung thư vú trước khi xạ trị. Theo đó, 12/12 mẫu thuộc nhóm đối chứng có độ nhạy cảm phóng xạ bình thường, 2/14 mẫu bệnh nhân có tính kháng xạ, 11/14 mẫu bệnh nhân có độ nhạy cảm phóng xạ bình thường và 1/14 mẫu bệnh nhân có tính nhạy xạ.

3. Độ nhạy cảm phóng xạ tế bào ở nhóm bệnh nhân ung thư vú trong nghiên cứu này có sự khác biệt so với nhóm đối chứng.

Nhóm đề tài kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu về độ nhạy cảm phóng xạ tế bào ở nhóm bệnh nhân ung thư với số lượng mẫu lớn hơn đồng thời xác định sự liên hệ với các hiệu ứng phụ cấp tính sau xạ trị để khẳng định khả năng đánh giá của kỹ thuật này. Cần thực hiện nghiên cứu về độ nhạy cảm phóng xạ tế bào ở nhóm bệnh nhân ung thư bằng các kỹ thuật phân tích tế bào khác như phân tích vi nhân, phân tích γ-H2AX… để so sánh về độ nhạy giữa các kỹ thuật này

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17595/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2658
  • Hôm nay206,295
  • Tháng hiện tại1,097,760
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây