Chế biến sản phẩm thủy sản nâng cao chất lượng hàng hóa

Thứ bảy - 03/04/2021 23:02 0
Nghệ An là tỉnh có bờ biển dài 82 km, với 6 cửa lạch trải dài từ Bắc xuống Nam, là tỉnh có nghề cá phát triển nhanh ở khu vực Bắc Trung Bộ trở ra. Ngư trường rộng lớn, diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông, nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú. Hiện tại toàn tỉnh có 3.448 tàu cá, tổng công suất tàu cá toàn tỉnh là 699.032 CV, công suất bình quân đạt 191.19 CV/tàu, số tàu khai thác vùng khơi là 1.215 chiếc, chiếm 35.24%, công suất bình quân là 473,25 CV/tàu.
Nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý, số lượng tàu khai thác thủy, hải sản trên biển của tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển, sản lượng đánh bắt cũng tăng. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được bà con ngư dân quan tâm đầu tư đúng mức đã làm ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm.
Nhờ chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt, đổi mới nghề khai thác, ngư dân chịu khó bám biển dài ngày nên sản lượng hải sản ngày một tăng. Thế nhưng, công nghệ bảo quản chưa được chú trọng nên giá trị sản phẩm sau khai thác đạt thấp, tỷ lệ hao hụt cao.
Từ trước đến nay, ngư dân thường bảo quản theo cách truyền thống là ướp  đá lạnh xay. Với cách này, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật, độ lạnh không đạt nên chất lượng giảm sút. Do thiếu kinh phí, ngư dân chưa thể trang bị hầm bảo quản tiên tiến. Mỗi chuyến biển kéo dài hơn 10 ngày, nên khi về đến bờ, hơn 60% lượng hải sản chất lượng kém, việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thấp…
Thực tế tại tại các phường Quỳnh Phương, Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) hay ở Quỳnh Thuận, Sơn Hải (Quỳnh Lưu), Diễn Bích, Diễn Ngọc (Diễn Châu)…đã chuyển từ cấp đông sang mua xe đông lạnh. Mỗi khi tàu đánh bắt về mua xong thì chở luôn đi các chợ đầu mối nhập hoặc theo đường tiểu ngạch đi Lào, Trung Quốc,...

https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/w607/Uploaded/2021/nkdkswkqoc/201709/original/images2013540_anh_1.jpg

Cần tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ
Trong thời gian qua, công tác chế biến là yêu cầu ắt buộc nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đã được đặt ra. Tuy nhiên hiện tại mức độ cơ giới hóa thấp, với nhiều khâu lao động thủ công, một số cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn sử dụng nguyên liệu truyền thống, như: than củi, than đá, than tổ ông, dầu... để chế biến và bảo quản thủy hải sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân chung quanh.
Tỉnh đã xây dựng 14 khu chế biến thủy sản tập trung với tổng diện tích 78,83 ha, tạo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn hoạt động ổn định. Sản phẩm hải sản khai thác, chế biến chủ yếu tiêu thụ thị trường trong nước và một số thị trường nước khác như Trung Quốc, Lào. Trong năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường trong nước có xu hướng giảm, giá cả không ổn định nên có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các đội tàu
Để nâng cao chất lượng hải sản, giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác, đánh bắt Chi cục Thủy sản, Sở Khoa học - Công nghệ đã triển khai xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bằng hầm bảo quản PU (Polyurethane). Đây là công nghệ mới, được nhiều ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng... áp dụng, đưa lại hiệu quả cao, bởi khả năng giữ lạnh tốt, chất lượng cá được đảm bảo, hao phí đá lạnh ít. Mặt khác, tuổi thọ của 1 hầm bảo quản bằng chất liệu PU có thể hơn 10 năm trong khi những hầm bảo quản bình thường 1 - 2 năm phải làm lại.
Việc đầu tư hầm bảo quản PU là nhu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào khai thác thủy sản. Theo đó, các tàu thuyền có thể tăng thời gian bám biển, giảm chi phí nhiên liệu mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được bảo quản đạt chuẩn, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Từ kho đông trên tàu cá cho đến trên bờ đều có thể ứng dụng, lắp đặt để mang lại giá trị cao cho hải sản sau đánh bắt. Tuy nhiên, do mức chi phí lắp đặt ban đầu quá lớn, chủ tàu cá ngư dân hay cơ sở thu mua chế biến ở Nghệ An quy mô nhỏ lẻ nên không thể kham được. Việc thay đổi công nghệ bảo quản hải sản sau đánh bắt trên tàu cá là dùng thùng PU hoặc công nghệ đá lạnh kết hợp bơm nước biển vào để cấp đông, chi phí mỗi tàu cũng khá cao khoảng từ 350 - 400 triệu nên số lượng tàu lắp đặt rất ít.

https://photo-cms-baonghean.zadn.vn/w607/Uploaded/2021/nkdkswkqoc/201508/original/images1203277_c_ng_nh_n_c_ng_ty_cp_xnk_th_y_s_n_ngh__an_ii_ch__bi_n_t_m_xu_t_kh_u.jpg

Theo hầu hết các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu uy tín trong nước, như: Đại học Nha Trang, Đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản, Viện nghiên cứu hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)... đều cho rằng, trong bối cảnh nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy hải sản xa bờ gặp nhiều khó khăn như hiện nay, với sản lượng khai thác ngày càng giảm, ô nhiễm môi trường tại các vùng nuôi trồng tăng, thì việc đổi mới công nghệ bảo quản và chế biến thủy hải sản có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của ngành kinh tế này.
Đặc biệt, các công nghệ về sản xuất collagen, gelatine từ nguyên liệu còn lại của thủy sản, như: xương, da, vây, vảy cá; công nghệ thu hồi protein từ nước rửa trong quá trình sản xuất surimi, chả cá; công nghệ bào chế dịch đạm thủy phân từ cá tạp; công nghệ sấy lạnh, sấy chân không trong bảo quản thủy sản... đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và bà con ngư dân.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ mới này vào sản xuất không dễ dàng bởi chi phí đầu tư khá lớn, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước. Đây không chỉ là những khó khăn của riêng các doanh nghiệp, ngư dân tỉnh Nghệ An mà là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản và ngư dân cả nước./.
                                                                                         Lê Hoài Thanh
                                                                       Chi cục QLCL NLS và TS Nghệ An

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay71,568
  • Tháng hiện tại3,294,191
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây