Chỉ 14% sông trên thế giới chưa bị tàn phá

Thứ ba - 23/02/2021 20:00 0

Theo một nghiên cứu mới toàn diện nhất cho đến nay, đăng tải trên tạp chí Science, chỉ có 14% diện tích lưu vực sông trên thế giới chưa bị thiệt hại nghiêm trọng từ các hoạt động của con người.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng đa dạng sinh học của hơn một nửa số sông đã bị ảnh hưởng sâu sắc, với những loài cá lớn như cá tầm bị thay thế bởi các loài xâm lấn như cá da trơn và cá chép châu Á. Ô nhiễm, đập nước, đánh bắt cá quá mức, tưới tiêu trang trại và nhiệt độ tăng do khủng hoảng khí hậu đều là nguyên nhân.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Tây Âu và Bắc Mỹ, nơi dân số đông đúc và giàu có, có nghĩa là tác động của con người lên các con sông là cao nhất, chẳng hạn như sông Thames ở Anh và Mississippi ở Mỹ.

Hình minh họa. Nguồn:Getty Images

Sông hồ là hệ sinh thái quan trọng. Chúng bao phủ chưa đến 1% bề mặt hành tinh, nhưng 17.000 loài cá sông đại diện cho một phần tư tổng số động vật có xương sống, cũng như cung cấp thức ăn cho hàng triệu người. Các con sông khỏe mạnh cũng là nguồn cung cấp nước sạch.

Một nghiên cứu khác gần đây đã chỉ ra rằng quần thể cá sông di cư trên toàn cầu đã giảm 76% kể từ năm 1970, trong đó ở Châu Âu giảm 93%. Các loài động vật lớn ở sông chịu thiệt hại nhiều nhất, một số loài như cá da trơn khổng lồ sông Mekong đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Sébastien Brosse, tại Đại học Paul Sabatier ở Toulouse, Pháp, người dẫn đầu nghiên cứu mới, cho biết các con sông ở nhiều quốc gia giàu có đã trở nên hoàn toàn khác so với trước cuộc cách mạng công nghiệp. “Khi đó, chúng ta có cá tầm dài hơn 2 mét, có hàng nghìn con cá hồi, và có nhiều loài cá khác đã gần như biến mất ngày nay.”

Ông nói: “Sông Thames là một trong những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chất lượng nước ở các con sông ở Tây Âu và Bắc Mỹ đã tăng lên trong những thập kỷ gần đây, nhưng tôi không chắc tốc độ cải thiện như vậy là đủ vì số lượng cá đã thực sự suy giảm.”

Đa dạng sinh học sông cao nhất được tìm thấy ở Nam Mỹ, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chỉ có 6% những con sông còn nguyên vẹn nhất là ở khu vực này. Brosse nói: “Chúng ta thực sự cần những quyết định chính trị mạnh mẽ để coi đa dạng sinh học là một thứ quan trọng đối với con người."

Nghiên cứu đã kiểm tra gần 2.500 con sông ở mọi nơi trên thế giới, ngoại trừ các vùng cực và sa mạc. Các nghiên cứu trước đây chỉ tập trung vào số lượng loài, nhưng nghiên cứu này bao gồm cả vai trò sinh thái của các loài, cũng như mức độ liên quan chặt chẽ giữa các loài khác nhau. Các nhà nghiên cứu cũng đã tính đến những thay đổi đối với đa dạng sinh học trong 200 năm qua.

Trên khắp thế giới, cá chép, cá vược miệng lớn và cá rô phi là các loài phổ biến nhất. Chúng thích nghi với vùng nước tĩnh và đã phát triển mạnh khi số lượng đập trên sông ngày càng nhiều. Điều này đang làm đồng nhất các quần thể cá trên sông, khiến các quần thể ít có khả năng đối phó với những thay đổi môi trường, chẳng hạn như nóng lên toàn cầu.

Những con sông ít bị ảnh hưởng nhất được tìm thấy ở những vùng hẻo lánh ít người, đặc biệt là ở Châu Phi và ở Úc.

Grosse cho biết: “Nhưng những lưu vực ít bị ảnh hưởng nhất này không có đủ loài để duy trì sự đa dạng sinh học toàn cầu của cá. Chúng chỉ chiếm 22% hệ động vật toàn cầu, vì vậy chúng ta cũng cần bảo tồn sự đa dạng sinh học trong các lưu vực bị tác động mạnh bởi con người.”

Brosse cho biết nghiên cứu của ông thậm chí đã đánh giá thấp các tác động, bởi vì nhiều vụ tuyệt chủng cá có khả năng đã xảy ra mà không được ghi nhận chính thức.

Nguồn:
https://www.theguardian.com/environment/2021/feb/18/very-few-of-worlds-rivers-undamaged-by-humanity-study-finds

Nguồn tin: khoahocphattrien.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay277,212
  • Tháng hiện tại2,221,472
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây