Tiềm năng đa dạng sinh học của rừng mưa nhiệt đới: Nghiên cứu điểm trên các loài ong cự (Hymenoptera: Ichneumonidae) ở Việt Nam

Thứ ba - 31/08/2021 04:01 0
Vừa qua, nhóm nghiên cứu tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật do TS. Phạm Thị Nhị làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Tiềm năng đa dạng sinh học của rừng mưa nhiệt đới: Nghiên cứu điểm trên các loài ong cự (Hymenoptera: Ichneumonidae) ở Việt Nam”. Đề tài nhằm mục tiêu nghiên cứu khu hệ các loài ong cự Ichneumonidae ở Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu vào ba phân họ: Acaenitinae, Poemeninae và Rhyssinae; nghiên cứu đặc điểm phân bố và mối quan hệ về thành phần các loài ong cự giữa các hệ sinh thái thuộc các vùng địa lý sinh vật khác nhau.
Đề tài đã công bố một số bài báo về thành phần loài một số giống thuộc 3 phân họ Ong cự ít được biết đến ở Việt Nam: Acaenitinae, Poemeninae và Rhyssinae dựa trên các đặc điểm hình thái và di truyền phân tử. Lần đầu ghi nhận giống Yezoceryx (Phân họ Acaenitinae) ở Việt Nam với tổng số 19 loài được ghi nhận, trong đó mô tả 10 loài mới. Lần đầu ghi nhận giống Ishigakia (phân họ Acaenitinae) ở Việt Nam, cả 3 loài ghi nhận ở Việt Nam đều là các loài mới cho khoa học (trong bai báo có sử dụng kết hợp đặc điểm hình thái và phân tích trình tự gen ty thể COI). Lần đầu ghi nhận giống Spilopteron (Phân họ Acaenitinae) ở Việt Nam với tổng số 7 loài, trong đó mô tả 5 loài mới. Giống Siphimedia (Phân học Acaenitinae) được ghi nhận lần đầu ở Việt Nam 1 loài ghi nhận mới. Giống Eugalta (phân họ Poemeninae) lần đầu được ghi nhận ở Việt Nam với 7 loài ghi nhận mới. Giống Triancyra (Phân họ Rhyssinae) lần đầu được ghi nhận ở Việt Nam với tổng số 5 loài, trong đó mô tả 3 loài mới. 7. Ghi nhận bổ sung 3 loài thuộc giống Megarhyssa (Phân học Rhyssinae) ở Việt Nam. 8. Giống Lytarmes (Phân học Rhyssinae) được ghi nhận lần đầu ở Việt Nam với 1 loài ghi nhận mới.
Đã xây dựng khóa định loại tới loài cho các giống có nhiều hơn 1 loài ghi nhận tại Việt Nam thuộc 3 phân họ trên, gồm: Eugalta, Megarhyssa, Spilopteron, Triancyra, Yezoceryx. Riêng giống Ishigakia, đã xây dựng khóa định loại cho tổng số 15 loài ghi nhận trên thế giới.
Đã lập bản đồ phân bố cho 21 loài mới cho khoa học và 25 loài ghi nhận bổ sung cho khu hệ ong cự của Việt Nam. Một số đã được công bố trên bài báo quốc tế ISI. Đã soạn thảo được danh lục gồm 53 loài thuộc 13 giống thuộc 3 phân họ ong cự. So với thời điểm trước khi thực hiện đề tài, tại Việt Nam mới ghi nhận 4 loài trong danh sách, như vậy kết quả của chúng tôi đã ghi nhận bổ sung 49 loài (21 loài mới cho khoa học và 28 loài mới cho Việt Nam), trong đó có 3 loài mới cho khu hệ Việt Nam chưa được công bố. Đã nghiên cứu đặc điểm phân bố của khu hệ ba nhóm ong cự theo địa lý động vật, theo cảnh quan và theo độ cao.
Các kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo về khu hệ, về địa lý sinh vật của các nhóm ong cự ở trong khu vực cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, đề tài đã cung cấp các thông tin khoa học quan trọng nhằm chứng tỏ tiềm năng đa dạng sinh học to lớn của Việt Nam, qua đó góp phần vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta./.

 

Xuân Minh (TH)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây