Phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia trong lĩnh vực xe điện

Chủ nhật - 10/12/2023 21:01 0

Ngày 6/12, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp cùng Dự án ARISE+ Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia trong lĩnh vực xe điện.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, GS. TS. Kostas Athanasiadis – Chuyên gia chính phụ trách Hợp phần Cơ sở Hạ tầng chất lượng (QI)/ Dự án ARISE+ Việt Nam, TS. Kees Jonkheer – Chuyên gia của dự án về lĩnh vực QI, cùng đại diện các đơn vị Bộ, ngành, doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho hay, theo Báo cáo của tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) năm 2022 công bố: QI gồm 5 thành phần: Tiêu chuẩn, Đo lường, Công nhận, Đánh giá sự phù hợp, Giám sát thị trường (thanh tra, kiểm tra). Các thành phần này là công cụ hỗ trợ cho phát triển dựa trên các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên hiệp quốc: xã hội (con người), môi trường (hành tinh), kinh tế (sự phồn vinh). Các cấu phần có những hoạt động riêng đồng thời thực hiện tương tác và tạo thành một hệ thống nhất. Các cấu phần này liên kết những tổ chức đánh giá quốc tế, doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ với chuỗi giá trị quốc gia, quốc tế.

 

Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Cũng theo ông Giầu, để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu thì điện khí hóa và giảm thiểu phát thải là ưu tiên toàn cầu hiện nay. Trong những năm qua việc chuyển dịch từ ô tô, xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch sang ô tô, xe máy điện đang ngày càng trở nên mạnh mẽ. Doanh số bán xe điện vào năm 2021 đã tăng gần gấp đôi so với năm trước lên mức kỷ lục mới là khoảng 6,6 triệu. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu công cuộc điện khí hóa lĩnh vực ô tô. Một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu là Việt Nam đã xây dựng một hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) để thúc đẩy sự phát triển của xe điện bao gồm: nâng cao chất lượng sản phẩm xe điện, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và công bằng thương mại trong các hoạt động kinh tế – xã hội sử dụng xe điện.

“Thông qua hội thảo từ các góc độ khác nhau, các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học, kỹ thuật, các tổ chức trong hạ tầng chất lượng và doanh nghiệp sản xuất xe điện cùng thảo luận tìm ra các giải pháp hữu hiệu để định hướng, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, đồng thời, đề xuất, thiết lập những cơ chế và phương thức phối hợp phù hợp với những yêu cầu, điều kiện cảu biện pháp quản lý mới trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4 cũng như ứng phó biến đổi khí hậu đang diễn ra trong phạm vi toàn thế giới”, ông Giầu nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Kostas Athanasiadis – Chuyên gia chính phụ trách Hợp phần Cơ sở Hạ tầng chất lượng (QI)/ Dự án ARISE+ Việt Nam cho biết, tăng cường hoạt động thương mại sẽ đóng góp vào tăng trưởng quốc gia, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, điểm quan trọng trong yếu tố thương mại đó là góc độ cung ứng, chúng ta có thể tăng cường khả năng tiếp cận thị trường thông qua việc đạt được các lợi ích khi thâm nhập vào thị trường, như vậy có thể tiếp cận được khách hàng, người tiêu dùng cũng như được họ công nhận.

Chủ đề phát triển NQI là lĩnh vực rất rộng với nhiều hoạt động khác nhau, có thể hiểu các quy định về kỹ thuật cũng như những tiêu chuẩn vô cùng quan trọng, kéo theo đó là các bước khác nhau, và làm sao có thể sử dụng hạ tầng chất lượng để tăng khả năng an toàn và khả năng cạnh tranh cũng như lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy thương mại cấp quốc gia, và thời điểm đó thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy định chuyên môn để giảm thiểu sản phẩm không đạt chất lượng và không đáp ứng được yêu cầu. Như vậy, NQI sẽ đóng góp trực tiếp vào việc tăng trưởng kinh tế cũng như loại bỏ hệ lụy tiêu cực. Đồng thời, NQI chính là cách thức mà qua đó chúng ta thiết lập hàng rào kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa của mình.

 

GS. TS. Kostas Athanasiadis – Chuyên gia chính phụ trách Hợp phần Cơ sở Hạ tầng chất lượng (QI)/ Dự án ARISE+ Việt Nam.

Tham luận tại hội thảo, TS. Kees Jonkheer – Chuyên gia của dự án về lĩnh vực QI đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng chính sách Hạ tầng chất lượng quốc gia: Bài học và Khuyến nghị (EU). Theo chuyên gia, ở Việt Nam, NQI được hình thành trên cơ sở quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường (hay Luật Đo lường), và pháp luật liên quan đến QI của Việt Nam phần lớn tuân thủ các cam kết WTO. NQI đã được xây dựng nhằm hoạt động theo thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, khái niệm NQI, các nguyên tắc và biện pháp thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa NQI của Việt Nam cần phải được cải thiện; Tăng cường năng lực NQI là yêu cầu, giải pháp thiết yếu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế và tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về khuyến nghị đối với NQI, theo chuyên gia, cần bao gồm khu vực tư nhân trong NQI, đặc biệt là trong việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn. Thứ hai là cải thiện sự phối hợp (ví dụ: thông qua một Hội đồng Cơ sở hạ tầng chất lượng (QI)); Thứ ba là thay đổi sang cách tiếp cận dựa trên dịch vụ: QI trong bối cảnh xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại; đổi mới và năng suất; Thứ tư là tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà cung cấp dịch vụ QI và mở rộng cơ chế công nhận lẫn nhau; Thứ năm là cải thiện bối cảnh thử nghiệm và giảm bớt các phòng thí nghiệm; Thứ sáu là thành lập một Cơ quan Chứng nhận; Thứ bảy là cải thiện quản lý dựa trên rủi ro; Thứ tám là cập nhật lĩnh vực đo lường; Thứ chín là tăng cường sự tham gia vào các Tiêu chuẩn Quốc tế và các Cơ quan Liên quan.

Cũng theo chuyên gia, đối với kinh nghiệm quốc tế, Trung Quốc trở thành nước dẫn đầu công nghiệp toàn cầu bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn; tại Nhật Bản thúc đẩy đổi mới để tạo ra thị trường mới; hay tại Hàn Quốc cơ sở hạ tầng chất lượng được xem xét một cách chiến lược và được phát triển trong bối cảnh Chính sách cân bằng khu vực; Tại Ấn Độ cách tiếp cận theo ngành + Chương trình nâng cao chất lượng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tại Indonesia cách tiếp cận chuỗi giá trị; Tại Singapore tạo môi trường pháp lý thân thiện với doanh nghiệp; Tại Malaysia ưu đãi thuế cho các nhà cung cấp dịch vụ Cơ sở hạ tầng chất lượng; Tại Đức cơ sở hạ tầng chất lượng cho đổi mới + Sự tham gia sâu rộng của khu vực tư nhân; Tại Pháp NQI phục vụ cho phát triển bền vững; Tại Anh độ tin cậy và sự hiện diện quốc tế trong các dịch vụ QI.

Trong khuôn khổ hội thảo, Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã có phần chia sẻ về phát triển NQI trong lĩnh vực xe điện định hướng và giải pháp. Theo đó, hiện nay hoạt động Tiêu chuẩn, Việt Nam có 800 QCVN; 13.500 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực đạt trên 62%; Ủy ban kỹ thuật và tiểu ban của Tổ chức ISO; 03 ban kỹ thuật của tổ chức IEC; 135 ban kỹ thuật và 56 tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; 1.100 chuyên gia, nhà khoa học của các viện, trường, hiệp hội, doanh nghiệp…

Đo lường có 31 phép đo hiệu chuẩn (CMCs); 32 chuẩn đo lường quốc gia; 349 văn bản kỹ thuật đo lường (ĐLVN); 564 tổ chức đăng ký, 385 tổ chức được chỉ định; 4.800 kiểm định viên đo lường; 7.300 chuẩn đo lường; Công nhận và đánh giá sự phù hợp gồm 1.582 tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký; 370 tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định; 03 tổ chức công nhận (BoA, AOSC, VACI).

Cũng theo ông Giầu, về định hướng phát triển NQI, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá và xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế; Hạn chế nhập siêu, nhập khẩu các sản phầm hàng hoá kém chất lượng; Đồng bộ với hệ thống NQI trên thế giới; Liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; Huy động các bộ, ngành, địa phương cùng tham gia xây dựng NQI;

Vai trò của đơn vị chủ trì, phối hợp, tập trung, thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương của các bộ, ngành, địa phương; Sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng và phát triển NQI, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.


 

Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự.

Liên quan đến phát triển hạ tầng chất lượng cho thiết bị sạc điện cho xe điện (evse), ông Giầu đưa ra định hướng về tiêu chuẩn: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn Thiết bị sạc điện cho xe điện (EVSE); Về đo lường: Bổ sung, hoàn thiện quy định để kiểm soát đo lường (thử nghiệm phê duyệt mẫu, kiểm định) đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện; Xây dựng ban hành Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam (ĐLVN) thử nghiệm phê duyệt mẫu, kiểm định cho Thiết bị sạc điện cho xe điện; Đầu tư hệ thống chuẩn đo lường, thiết bị đo lường để thử nghiệm, kiểm định Thiết bị sạc điện cho xe điện và xây dựng quy trình hiệu chuẩn chuẩn đo lường; Đào tạo kiểm định viên; Phát triển mạng lưới các tổ chức thử nghiệm, kiểm định Thiết bị sạc điện cho xe điện; Về đánh giá sự phù hợp: Phát triển mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp đáp ứng nhu cầu của xã hội; Về thanh tra, kiểm tra: Triển khai công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với Thiết bị sạc điện cho xe điện.

Tại hội thảo, đại diện Vụ Đo lường, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cũng đã có bài tham luận liên quan đến thực trạng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe điện; Xây dựng yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với thiết bị sạc điện cho xe điện: Kinh nghiệm quốc tế và phương hướng áp dụng tại Việt Nam.

Hội thảo cũng diễn ra phiên thảo luận cập nhật tình hình bộ ngành, doanh nghiệp về hạ tầng chất lường về xe điện từ đại biểu cùng với đó đánh giá thực trạng và đề xuất phương án phát triển hạ tầng chất lượng để quản lý xe điện tại Việt Nam.

Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1530
  • Hôm nay99,917
  • Tháng hiện tại99,917
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây