Sự cần thiết sửa đổi Quyết định số 36 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá”

Thứ ba - 11/07/2023 04:33 0

Thực hiện nhiệm vụ giao tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục) được Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) giao nghiên cứu xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi/thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá” (gọi tắt là Quyết định số 36).

Qua quá trình rà soát các quy định hiện hành và báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 36 của các Bộ và Địa phương, Tổng cục đánh giá một số nội dung nổi bật như sau:

  1. Về sự cần thiết sửa đổi/thay thế Quyết định số 36

a) Phạm vi điều chỉnh

Phạm vi công tác phối hợp chỉ giới hạn trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, chưa quy định đối với công tác phối hợp giữa công tác thanh tra với công tác kiểm tra cũng như công tác kiểm tra giữa các lĩnh vực theo 03 hệ thống Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm tra thiếu sự thống nhất, chưa bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm và còn trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan Trung ương với cơ quan địa phương, giữa các cơ quan Trung ương với nhau và giữa các cơ quan địa phương với nhau liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Ngoài ra, qua quá trình triển khai Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg đến nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc và liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới.

bĐối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh đã được mở rộng cho các cơ quan được giao thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, như Tổng cục, Cục QLCLHH, các Chi cục thuộc các Sở chuyên ngành,… Do đó, việc các cơ quan được giao chức năng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành và có thẩm quyền xử lý vi phạm theo thẩm quyền được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định quy định chi tiết thi hành, thì đối với nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước, các cơ quan này luôn chủ động chủ trì được việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng và thẩm quyền được giao, trường hợp ngoài phạm vi quản lý nhà nước được giao hoặc vượt thẩm quyền xử lý thì khi đó buộc phải có công tác phối hợp với cơ quan liên quan để xử lý.

cYêu cầu thực tiễn

– Về thanh tra, kiểm tra đối với thực thi pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

Thực tiễn hiện nay, mặc dù đã có tập trung vào công tác thanh tra, kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp, nhưng công tác phối hợp giữa các cơ quan đối với nhiệm vụ này còn chưa cụ thể, đặc biệt chưa có công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Vấn đề này cũng dẫn đến việc triển khai thi hành Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật chưa thực sự bảo đảm hiệu quả, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

– Về thanh tra, kiểm tra đối với thực thi pháp luật về đo lường

Theo quy định từ Điều 42 đến Điều 49 Luật Đo lường đã giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan nhà nước về đo lường có thẩm quyền thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đo lường. Tuy nhiên thực tế hiện nay công tác thanh tra, kiểm tra giữa địa phương với Trung ương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, do chưa rõ cơ quan, đơn vị đầu mối rà soát, thống nhất về công tác này, dẫn đến trùng lắp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng thanh tra, không bảo đảm được yêu cầu của Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với kế hoạch kiểm tra thì chưa có cơ chế cụ thể để phân định trách nhiệm cũng như phối hợp, trao đổi và xử lý kịp thời.

– Về thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá

+ Một trong những hoạt động quan trọng trong công tác quản lý chất lượng đó là giám sát thị trường thông qua khảo sát chất lượng, thu thập thông tin, tổng hợp, tích hợp, khai thác, chia sẻ và sử dụng cơ sở thông tin, dữ liệu và cảnh báo các nguy cơ không bảo đảm chất lượng của sản phẩm, hàng hóa. Mặc dù hiện nay, các cơ quan được giao chức năng quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai, tuy nhiên, với mỗi cơ quan khác nhau theo góc tiếp cận thông tin khác nhau cho công tác quản lý chuyên ngành của ngành, lĩnh vực, địa phương mình đã và đang tiến hành công tác khảo sát chất lượng, thu thập thông tin, tổng hợp, tích hợp, khai thác sử dụng cơ sở thông tin, dữ liệu còn có tính độc lập, cho riêng ngành, lĩnh vực, địa phương mình, thiếu sự chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc quản lý của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, và do đó dẫn đến việc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra có sự trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, nội dung, thiếu sự tập trung, thống nhất.

+ Đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam: Theo Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2017, 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm 2019, 2020, 2021, 2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các Bộ, ngành đã giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu “hậu kiểm”, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 – 27% hiện nay xuống còn dưới 10%; mặc dù hiện nay đã xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan, nhưng thực tiễn thì một doanh nhiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh không chỉ một mặt hàng, mà nhiều loại hàng hóa khác nhau thuộc trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan kiểm tra nhà nước khác nhau, trong khi cơ chế quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa hiện hay theo hướng cần tăng cường công tác “hậu kiểm” nhằm giảm thiểu rủi ro từ hàng hóa không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.

+ Đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường, thời gian trước, việc kiểm tra tập trung vào việc khảo sát chất lượng nhằm phát hiện hàng hoá lưu thông vi phạm chất lượng để cảnh báo và thông báo với cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra nhà nước và xử lý đối với hàng hoá được cảnh báo vi phạm về chất lượng; đến nay, việc khảo sát về chất lượng hàng hoá tuy vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, nhưng song song với việc khảo sát thì công tác “hậu kiểm” phải được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là khi hàng hoá được thông quan, nhưng chưa có kết quả kiểm tra về chất lượng, được các doanh nghiệp nhập khẩu chủ động kiểm soát chất lượng và lưu thông, dẫn đến các doanh nghiệp có thể lợi dụng, hoặc thiếu tính nghiêm túc trong việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về chất lượng.

 – Về thanh tra, kiểm tra liên ngành

Hiện nay, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhưng trong Quyết định phê duyệt kế hoạch đã giao chủ trì Đoàn thanh tra, kiểm tra cho cơ quan không có chức năng thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Vấn đề này dẫn đến trái với các quy định về chức năng, thẩm quyền, đồng thời khi phát hiện vi phạm hành chính sẽ khó khăn trong việc xử lý theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 2. Đề xuất giải pháp

Để công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở Trung ương với cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành ở địa phương được thống nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo và đúng tinh thần tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra “khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm” đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong thời gian tới, việc tổng kết, đánh giá thực trạng công tác phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và cung cấp các thông tin về việc triển khai thực hiện Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg là hết sức cần thiết. Trên cơ sở nội dung tổng kết, đánh giá, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu, phân tích các tồn tại, bất cập và nguyên nhân của các tồn tại bất cập để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng với yêu cầu thực tiễn./.
Trần Anh (TH)

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay267,554
  • Tháng hiện tại408,674
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây