TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên đào tạo nhận thức về thực hành thể chế, quy định tốt của APO

Thứ năm - 11/01/2024 03:17 0

Thực hành thể chế, quy định tốt (Good Regulatory Practice – GRP) công cụ năng suất dựa trên chính sách ở một số quốc gia trên thế giới sẽ được triển khai tập huấn cho các cán bộ, ban ngành trong tháng 12/2023 theo “đặt hàng” từ Chủ tịch UBND TP.HCM.

Chiều 13/12, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt để cải cách thủ tục hành chính”. Sự kiện tổ chức nhân chuyến công tác của Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á sang thăm và tham dự Diễn đàn Năng suất Quốc gia năm 2023.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc xây dựng và thực thi các thể chế, quy định nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế thông qua việc cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện. Nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã được cải thiện đáng kể, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

“Việc xây dựng thể chế, quy định tốt là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính. Chúng ta đều hiểu rằng thủ tục hành chính là bộ phận không thể thiếu của quá trình quản lý và phát triển. Tuy nhiên, thủ tục hành chính phức tạp và không linh hoạt có thể tạo ra những thách thức đáng kể, đặc biệt là đối với doanh nghiệp và người dân. Hội thảo hôm nay là hoạt động quan trọng nhằm ghi nhận giải pháp, kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực để đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn TP.HCM”, bà Huệ khẳng định.

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng cho biết, TP.HCM là đơn vị đầu tiên thực hiện triển khai GRP trên cả nước. GRP là thuật ngữ rất mới tại Việt Nam nhưng trên thế giới, GRP được sử dụng như một công cụ năng suất dựa trên chính sách ở 1 số quốc gia.

Ngày nay, GRP càng thể hiện rõ ảnh hưởng đối với năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mạnh trong cộng đồng địa phương cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách áp dụng GRP giúp quy định trở nên dễ hiểu hơn, đồng thời giảm thời gian và chi phí liên quan đến việc tuân thủ.

Theo ông Hiệp, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai tập huấn GRP cho các cán bộ, ban ngành tại TP.HCM trong tháng 12/2023 theo “đặt hàng” từ chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ – Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM.

GS. TS Vũ Minh Khương – Chuyên gia APO, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cũng khẳng định: GRP như một công cụ được thiết lập để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và củng cố niềm tin của công chúng vào chính phủ. Đã có rất nhiêu nỗ lực đa phương được thực hiện liên quan tới GRP như hoạt động của APEC (Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương), ASEAN, Chương trình cải cách quy định của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế) và Chương trình quy định tốt hơn cho tăng trưởng của Worl Bank (Ngân hàng Thế giới).

 Đại diện các ban ngành chia sẻ tại buổi Hội thảo.

Vì đã được thừa nhận bởi các tổ chức quốc tế và các quốc gia, GRP có có vai trò quan trọng hỗ trợ cho sự tăng trưởng toàn diện và tăng năng suất vì những lý do sau: Các quy định sẽ ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh (đặc biệt là năng suất). Khi một chính sách hoặc quy định quản lý được ban hành, các doanh nghiệp là đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh sẽ có thể phải đối mặt với một số rào cản pháp lý trong quá trình tuân thủ (ví dụ như các quy định kỹ thuật, quá trình đánh giá sự phù hợp, giấy phép, thủ tục hành chính bắt buộc…).

Các chính sách hoặc quy định quản lý nếu tạo gánh nặng không cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân sẽ làm ảnh hưởng tới năng suất vì các chi phí tuân thủ phát sinh trong quá trình thực thi quy định này. Việc áp dụng các nguyên tắc của GRP sẽ giúp tạo ra môi trường quản lý minh bạch, có thể dự đoán được thông qua các hoạt động tham vấn quy định, minh bạch hóa trong quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng quy định quản lý và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý sẽ giúp thúc đẩy thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, khách mời tham dự đã được tham khảo, cập nhật các mô hình, kinh nghiệm thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt để cải cách thủ tục hành chính của một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Singapore…, đồng thời được chia sẻ các đề xuất, giải pháp triển khai GRP hiệu quả tại Việt Nam.

Cải cách thủ tục hành chính có tác động rất lớn đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo tính minh bạch, loại bỏ những rào cản và cắt giảm chi phí khi thực hiện; củng cố môi trường kinh doanh và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh.

Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, cần cải cách quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, kể cả thủ tục nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thành phần hồ sơ, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh; tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đổi mới và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

GRP là việc áp dụng các hệ thống, quá trình, công cụ, thể chế và thủ tục mà một quốc gia có thể huy động nhằm đảm bảo rằng kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững.

GRP đề cập đến việc sử dụng các công cụ như đánh giá tác động của quy định, sự tham gia của các bên liên quan và đánh giá hậu kỳ để cải thiện chất lượng môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội. Các công cụ GRP rất hữu ích để xác định và xem xét các chính sách/quy định nào là cần thiết để đạt được kết quả nhất định, cuối cùng là làm cho việc tuân thủ quy định trở nên đơn giản và có ý nghĩa nhất có thể.

Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1254
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại2,793,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây