TRAO ĐỔI – THẢO LUẬN

Thứ tư - 05/05/2021 22:09 0

Hỏi: về việc điều chỉnh nhãn hàng hóa do lỗi in nhãn

Trả lời: Căn cứ Khoản 3 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về Nhãn hàng hóa quy định "Nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc".

Căn cứ Khoản 4 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định "Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này".

Do đó, Quý Công ty phải có nhãn phụ bổ sung các thông tin còn thiếu và không dán đè lên nhãn gốc trước khi đưa sản phẩm lưu thông ngoài thị trường.

*********

Hỏi: Về việc thông tin địa chỉ nhà sản xuất ghi trên nhãn phụ

Trả lời: Căn cứ Khoản 4 Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về Nhãn hàng hóa quy định "Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa".

Căn cứ Khoản 3 Điều 12 của Nghị định 43 quy định "Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu".

Căn cứ Khoản 4 Điều 12 của Nghị định 43 quy định "Hàng hóa của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng trực tiếp cho thương nhân nước ngoài nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân làm đại lý bán hàng hóa đó".

Do đó Quý Công ty phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất trên nhãn phụ của sản phẩm.

*********

Hỏi: Về việc ghi khối lượng trên nhãn thực phẩm?

Trả lời:

– Doanh nghiệp phải tự xác định định lượng của sản phẩm do đơn vị mình sản xuất.

– Để xác định khoảng sai lệch cho phép về lượng của hàng đóng gói sẵn Doanh nghiệp có thể tham khảo Thông tư số 21/2014/TT-BKHCN ngày 15 tháng 7 năm 2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với hàng đóng gói sẵn và văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam ĐLVN 326:2015 Điều kiện sử dụng dấu định lượng – Quy trình đánh giá.

*********

Hỏi: Khi nộp đơn nhãn hiệu vào Cục sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp đã được sử dụng nhãn hiệu chưa?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật thì thời điểm nộp đơn và thời điểm sử dụng nhãn hiệu trên thực tế là không phụ thuộc vào nhau.

Chính vì vậy doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ để gắn lên các sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, cần lưu ý là việc nộp đơn đăng ký vào Cục sở hữu trí tuệ không có nghĩa là nhãn hiệu sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.

Để đảm bảo chắc chắn việc sử dụng nhãn hiệu trong giai đoạn nộp đơn, chưa tiến hành cấp văn bằng bảo hộ thì doanh nghiệp nên tiến hành tra cứu nhãn hiệu tại Cục SHTT.

Còn từ thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu thì doanh nghiệp được hưởng các quyền ưu tiên liên quan đến nhãn hiệu đăng ký theo đơn nộp sớm đầu tiên.

*********

Hỏi: Sản xuất, gia công hàng hóa có cần đăng ký nhãn hiệu không?

Trả lời: Sản xuất, gia công hàng hóa có cần đăng ký nhãn hiệu không? Mặc dù đăng ký nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc nhưng việc đăng ký nhãn hiệu lại là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.

Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được độc quyền sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký đó cho các hàng hoá và dịch vụ đã đăng ký kèm theo nhãn hiệu. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhãn hiệu khai thác lợi ích thương mại đói với nhãn hiệu, là cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nhãn hiệu chốnglại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.

 *********

Hỏi: Cơ sở sản xuất muốn gắn nhãn hiệu lên sản phẩm của mình thì cần đảm bảo những điều kiện gì?

Trả lời: Cơ sở sản xuất muốn gắn nhãn hiệu lên sản phẩm của mình thì cần bảo đảm rằng:

– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

– Hoặc nhãn hiệu chưa có ai đăng ký mà không vi phạm điều cấm và không gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký.

Vậy để tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ sở sản xuất nên đi đăng ký nhãn hiệu trước khi sản xuất.

Nguyễn Thị Thắng

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay158,693
  • Tháng hiện tại2,102,953
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây