Hội nông dân tỉnh Nghệ An chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng đời sống nông dân văn minh

Thứ năm - 14/09/2023 22:51 0
Những năm qua, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã đề ra.
Hoạt động Hội tập trung hướng về cơ sở, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Công tác tuyên truyền vận động nông dân phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được quan tâm. Các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được phát động mạnh mẽ. Các phong trào đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn; phát huy tính chủ động, sáng tạo của hội viên, nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung, cánh đồng liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản.

 Trong 5 năm qua, đã có trên 150.000 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi với hàng trăm mô hình kinh tế tiêu biểu; toàn Hội đã đóng góp trên 3.500 tỷ đồng, hiến trên 930.000 m2 đất, tham gia trên 1,5 triệu ngày công xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội đã giúp đỡ có hiệu quả hơn 88.000 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đạt chuẩn OCOP. Hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Quốc phòng an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Qua các phong trào, tổ chức Hội Nông dân ngày càng được củng cố và phát triển với hơn 55.000 hội viên được kết nạp mới trong nhiệm kỳ; nhiều tấm gương tiêu biểu của nông dân Nghệ An trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được tôn vinh, khen thưởng.

Với tinh thần trách nhiệm, nhìn thẳng vào sự thật, kiểm điểm, đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được cũng như những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh nhiệm kỳ 2018 – 2023, Đại hội cũng đã thảo luận, xác định cụ thể, chi tiết các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ mới.
Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao là một trong 5 lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế.
Mục tiêu giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nhưng phải tăng được giá trị sản xuất là một thách thức không nhỏ. Để nâng cao hiệu quả canh tác, để người nông dân thực sự giàu lên trên đồng đất của mình, nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân thích ứng với điều kiện mới. Đó là tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, sẵn sàng đi cùng nhau để đi được xa hơn; liên kết với doanh nghiệp để dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình.
Đó là tư duy về sản xuất an toàn, bền vững, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng; là lối nghĩ, cách làm ăn lớn, lâu dài, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia cho một số nông sản có thế mạnh gắn với chỉ dẫn địa lý, hướng tới thị trường xuất khẩu để đạt giá trị cao hơn.
Cùng với đó, thường xuyên sát cánh hỗ trợ người nông dân về vay vốn, tập huấn, đào tạo nghề, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ người nông dân nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, internet, công nghệ số để có thể dễ dàng bước chân ra khỏi lũy tre làng, tìm hiểu thị trường, học tập kinh nghiệm sản xuất bên ngoài, đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn, xa hơn, hiệu quả hơn trên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online.
Thời gian tới, Nghệ An tiếp tục xác định, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 toàn tỉnh có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15% xã đạt nông thôn mới nâng cao. Từ những bài học thành công trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới thời gian qua, Hội nông dân tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò “trung tâm, nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới”, khơi dậy mạnh mẽ sức dân, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu trong cán bộ, hội viên nông dân.
Quan tâm vận động, đồng hành, hỗ trợ để mỗi hội viên trở thành một nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế hiệu quả, xây dựng tình làng nghĩa xóm; mỗi hộ gia đình có một khu vườn đẹp; mỗi ngõ xóm đảm nhận thực hiện một công trình “đường quê sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có chất lượng sẽ góp phần làm cho những vùng quê tỉnh Nghệ An yên bình, hài hòa, bản sắc, đáng sống, hiện thực hóa mục tiêu lớn về phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Thái Hiếu
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1428
  • Hôm nay84,040
  • Tháng hiện tại2,602,901
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây