Quỳnh Lưu - Một vùng sản vật

Thứ năm - 18/07/2024 03:54 0
Quỳnh Lưu là huyện lớn với diện tích tự nhiên 439,87 km2 thuộc vùng đồng bằng ven biển, nằm ở vùng Đông Bắc tỉnh Nghệ An. Địa hình phân thành 3 vùng: Phía Đông có bờ biển dài; vùng trung tâm huyện là một dải đồng bằng; phía Tây là vùng đồi núi rộng lớn. Với đặc điểm nhiều địa hình và tiểu vùng khí hậu khác nhau, Quỳnh Lưu có môi trường lí tưởng cho sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa. Từ sự đa dạng đó đã sinh ra không biết bao nhiêu là sản vật không chỉ phản ánh sự độc đáo của vùng đất mà còn kết tinh sự độc đáo của văn hóa, của con người nơi đây.


Nhung hươu Quỳnh Lưu (Nhãn hiệu chứng nhận)
Nghệ An là tỉnh được biết đến là địa phương nuôi hươu đầu tiên trong toàn quốc, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Ở Quỳnh Lưu nghề nuôi hươu lấy nhung đã có từ lâu đời và được phát triển mạnh những năm gần đây. Đây là một nghề chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Hiện chưa tìm được tài liệu gốc nào nói về lịch sử xuất hiện của nghề nuôi hươu ở Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, theo ghi chép qua trí nhớ của những người cao tuổi ở xã Tiến Thủy (xưa được gọi là Phú Nghĩa), xã đầu tiên nuôi hươu của huyện Quỳnh Lưu thì nghề nuôi hươu đã có khoảng từ những năm 1920. Nhưng thời gian đó, người dân nuôi hươu với mục đích chính là để lấy nhung, bởi nhung được xem là 1 trong 4 vị thuốc dân gian quý nhất: “Sâm, nhung, quế, phụ”. Tuy nhiên, trước đây chỉ có nhà giàu mới nuôi được hươu và sử dụng nhung vì rất đắt đỏ từ con giống đến sản phẩm. Trải qua thăng trầm, nghề nuôi hươu ở Quỳnh Lưu phát triển ổn định trở lại.

Các sản phẩm từ nhung hươu của Quỳnh Lưu

Hươu sao nuôi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn được đánh giá có chất lượng tốt nhất cả nước. Hươu sao ở khu vực này được nuôi hoàn toàn bằng các loại lá, cây, cỏ từ các dãy núi hùng vĩ như lá bét bét, lá ráng, lá xoan, lá mít… Đặc biệt, khí hậu nơi đây phù hợp cho sự sinh trưởng của hươu sao. Với khí hậu khắc nghiệt của nắng nóng, gió Lào vào mùa hạ và gió mùa (Đông Bắc) vào mùa đông, hươu sao vùng này đã hình thành sức chịu đựng và sức đề kháng mà những con hươu sao nuôi ở vùng khác không có được.
Đến thời điểm này, tổng đàn hươu tại 2 huyện Quỳnh Lưu và Hoàng Mai khoảng 16.000 con với trên 5.500 hộ nuôi từ 3 con trở lên; có 3 trang trại nuôi hươu quy mô lớn từ 100 đến 150 con trở lên; bình quân mỗi năm huyện sản xuất từ 8-10 tấn nhung hươu, tương đương với giá trị trên 10 tỷ đồng.
Nhung hươu Quỳnh Lưu đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng chứng nhận Nhãn hiệu “nhung hươu Quỳnh Lưu” năm 2021 tại Quyết định số 76345 ngày 17/9/2020, giá trị sản phẩm nhung hươu của huyện đã được nâng cao, xác định được tên tuổi, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, từ đó xác định được chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sản phẩm phát triển, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhung hươu tại địa phương.
Hội Sản xuất và Kinh doanh nhung hươu Quỳnh Lưu cũng được thành lập để quản lý, hướng dẫn và giám sát việc sử dụng nhãn hiệu “Nhung hươu Quỳnh Lưu” cũng như hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc chăn nuôi hươu và sản xuất, chế biến sản phẩm nhung hươu của các hộ sản xuất trên địa bàn huyện.
Nhung hươu ở Quỳnh Lưu đã được nghiên cứu và ngày càng có nhiều sản phẩm tinh chế từ nhung hươu, trở thành thuốc chữa bệnh hoặc thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sản phẩm nhung hươu gồm nhung tươi sơ chế đóng gói hút chân không; nhung hươu khô tán bột và nhung tươi ngâm rượu: rượu nhung hươu đông trùng hạ thảo - dược liệu…
Nhung hươu Quỳnh Lưu đang từng bước được nâng cao giá trị, là một trong những sản vật, sản phẩm quý tạo nên thương hiệu riêng cho huyện nhà cũng như của tỉnh trong thời gian tới.
Mực khô Quỳnh Lưu (Nhãn hiệu tập thể)
Nói đến mực khô Quỳnh Lưu là nói đến sản phẩm mực được khai thác từ những con tàu khai thác chụp 2 sào, 4 sào (2 tăng gông, 4 tăng gông) kết hợp câu, hoặc trên những tàu thuyền chuyên làm nghề câu mực từ ngoài khơi vùng biển Vịnh Bắc bộ. Sản lượng khai  thác mực của huyện khoảng 4.000 tấn/năm.

Nhãn hiệu mực khô Quỳnh Lưu

Mực khô Quỳnh Lưu nổi tiếng từ lâu nhờ được chế biến từ nguyên liệu tươi ngon là những con mực ống to, thịt dày, trong điều kiện tự nhiên về nắng gió, không khí trong lành của biển đảo tạo nên một hương vị đặc biệt cho sản phẩm. Các ngư dân sau khi đánh bắt, mực được làm sạch chỉ để lại phần đầu, phần thân rồi phơi ngay tại thuyền. Dưới sức nóng giữa biển khơi cộng với hơi sương mặn mực tươi được phơi khô tạo nên vị mặn ngọt đặc trưng, có màu vàng nhạt hoặc trắng hồng; thân mực trong, khó có thể lẫn với các vùng khác. Khi nướng chín, mực sẽ cong lại tự nhiên và hiện một lớp phấn trắng bao phủ quanh, khi ăn sẽ dai nhưng nhai lâu sẽ rất ngọt. Mực khô Quỳnh Lưu với chất lượng thơm ngọt, dai giòn, có vị ngọt đặc trưng và có màu vàng đẹp. Nhờ hương vị đặc trưng, thơm ngon đó mực khô Quỳnh Lưu là sản phẩm truyền thống đặc biệt được ưa chuộng và có giá cao hơn các sản phẩm mực khô ở các vùng biển khác.


Ngày 8/9/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 62136/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Mực khô Quỳnh Lưu với nhóm hàng 29, nhãn hiệu Mực khô Quỳnh Lưu. Cấp cho Hội sản xuất và kinh doanh mực khô huyện Quỳnh Lưu với tổng số 28 hội viên ở xã Quỳnh Long, An Hòa, Quỳnh Nghĩa, Sơn Hải huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây có thể coi là một điều kiện thuận lợi để mực khô Quỳnh Lưu vốn nổi tiếng thơm, ngon vươn xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước, khẳng định được chất lượng, uy tín đối với người tiêu dùng. Là một sản vật ngon, an toàn thực phẩm và phục vụ cho khách du lịch khi đến Nghệ An.
Dứa Quỳnh Lưu (Nhãn hiệu tập thể)
Huyện Quỳnh Lưu có trên 800 ha diện tích trồng dứa, trong đó có hơn 550 ha cho thu hoạch (diện tích liên kết hơn 200 ha/550 ha, chiếm 36,4%; sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm), tập trung ở các xã miền núi Tân Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Thắng, Tân Sơn. Có ba loại dứa chính được trồng là dứa Queen, dứa Cayen và dứa Mỹ. Trong đó, 90% diện tích là dứa Queen, 7% là dứa Cayen và 3% còn lại là dứa giống Mỹ. Các hộ trồng dứa tại Quỳnh Lưu áp dụng quy trình thâm canh, đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất trung bình đạt từ 25 - 30 tấn/ha, có những vụ mùa đạt năng suất cao với 35 tấn/ha. Hàng năm, sản lượng dứa thu được khoảng 4.000 tấn/năm.

Dứa Quỳnh Lưu nổi tiếng thơm, ngọt  Ảnh: S.N

Từ nhiều năm nay, cây dứa được xem là một trong số những mặt hàng nông sản chủ lực của Quỳnh Lưu, đã có thương hiệu, tham gia thị trường khá tốt. Với sự hỗ trợ Quỹ hỗ trợ hộ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế-VietED, một tổ chức phi Chính phủ/Quỹ xã hội Việt Nam VietED và tổ chức ICCO Hà Lan đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Dứa Quỳnh Lưu. Ngày 07/04/2016 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ số 260843 cho nhãn hiệu Quỳnh Lưu pineapple.
Được trồng trên vùng đất khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, dứa Quỳnh Lưu mang hương vị rất riêng biệt với vị ngọt tự nhiên, thịt dứa thơm, không bị xơ. Dứa Quỳnh Lưu được trồng theo phương pháp hoàn toàn tự nhiên, thu hoạch chính vụ, không sử dụng bất kỳ loại phân bón hóa học nào, không chứa hàm lượng kim loại nặng và không biến đổi gen.
Từ nhiều năm nay, cây dứa được xem là một trong số những mặt hàng nông sản chủ lực, đã tạo thành sản phẩm có thương hiệu của huyện Quỳnh Lưu.
Nước mắm Tân An (Nhãn hiệu tập thể)
Nước mắm có mặt ở gian bếp của mọi nhà và dường như không có giới hạn nào cho vai trò của loại gia vị này trong đời sống ẩm thực của người Việt. Khi được sử dụng cho tẩm ướp, nêm nếm, nước mắm dễ dàng giúp những món chiên, xào hay món kho đến cả những nồi canh rau dung dị trở nên hấp dẫn hơn cả về hương lẫn vị. Khi được dùng ở dạng nước chấm, nước mắm lại góp phần đẩy đưa vị giác cho những món ăn thêm đậm đà trọn vẹn.
Theo người Tân An kể lại, nghề truyền thống nước mắm Tân An, xã An Hòa đã có mặt tại vùng đất này từ cuối thế kỷ XIX, vào khoảng năm 1870 khi một người con của làng đã du nhập nghề sản xuất nước mắm truyền thống về vùng ven biển này. Năm 1930, nước mắm làng Tân Yên đã vươn xa ra các tỉnh phía Bắc, vào tận miền Nam. Nhờ nước mắm truyền thống, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá, làng Tân Yên đổi tên thành làng Phú Yên. Đến năm 1975, làng Phú Yên đổi tên thành làng Tân An, giai đoạn nước mắm Tân An tiếp tục vươn xa ra thị trường trong nước, được các thương lái vào thu mua tận làng.

Nước mắm Tân An, sản phẩm được ưa chuộng hiện nay

Nước mắm Tân An lấy nguyên liệu chính là cá cơm, cá đốm và cá trích tươi được đánh bắt gần bờ. Nguyên liệu sau khi được làm sạch, sẽ trộn muối trắng với tỷ lệ nhất định và cho vào ủ trong chum sành hoặc bể xi măng hơn 12 tháng mới cho ra nước mắm cốt nên nước mắm Tân An được người tiêu dùng đánh giá thơm ngon, đậm đà hương vị truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều tạo nên hương vị đặc trưng của nước mắm Tân An chính là kỹ thuật chế biến của người làm nghề. Khi các địa phương khác sản xuất nước mắm theo hướng công nghiệp, máy móc, thì người dân An Hòa vẫn giữ phương thức chế biến truyền thống, điều chỉnh lượng muối phù hợp với từng loại cá, kích cỡ cá để không dùng đến hóa chất bảo quản. Đây không chỉ là quy tắc “bất thành văn” mà còn là cái tâm làm nghề của người dân Quỳnh Lưu.
Năm 2009, UBND tỉnh công nhận làng nghề sản xuất nước mắm Tân An. Làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống Tân An, xã An Hòa hiện có khoảng 80 hộ sản xuất, trong đó có trên 20 hộ có quy mô lớn. Mỗi năm làng nghề sản xuất ra từ 600.000 lít nước mắm các loại, doanh thu đạt hơn 3 tỷ đồng. Bình quân mỗi lao động có mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Ngày 04/10/2017, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể nước mắm truyền thống Tân An số 288944 cho Hợp tác xã Dịch vụ muối Tân An với 80 thành viên được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đây là cơ hội để các thành viên hợp tác xã quảng bá, phát triển sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bản thân mỗi thành viên trong Hợp tác xã Dịch vụ muối Tân An cũng đã từng bước cải tiến việc đóng gói bao bì cho sản phẩm đẹp hơn, hấp dẫn hơn và ngày càng nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn quốc.
Tảo xoắn Spirulina michio - Sản phẩm Ocop 4 sao
Tảo xoắn Spirulina (tên khoa học là Spirulina platensis), là một loại vi tảo dạng sợi xoắn màu xanh lục, có những đặc tính ưu việt và giá trị dinh dưỡng cao. Các nhà khoa học trên thế giới đã coi tảo Spirulina là thực phẩm lý tưởng nhất cho loài người trong thế kỷ 21.
Trên mảnh đất ven biển Quỳnh Lưu, được sự giúp đỡ của Ban Quản lý Dự án FIRST - Bộ Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học trong và ngoài nước, ngoài ra còn có sự tư vấn của GS.TS Franz Peter Monforts (CHLB Đức), Công ty Cổ phần Khoa học xanh Hidumi Pharma đã làm chủ được quy trình nuôi trồng tảo xoắn, đảm bảo xử lý sạch từ công nghệ nuôi trồng đến xử lý nguồn nước (nay tên của Công ty là Công ty CP khoa học công nghệ Tảo Việt Nam- VASTCOM).
Từ một loại vi tảo quý có tại Quỳnh Lương và các xã Bãi Ngang (từ các loài tảo có mặt ở Việt Nam các nhà khoa học đã tuyển chọn chủng tốt nhất phù hợp với điều kiện Quỳnh Lương), Công ty đã phối hợp với các nhà khoa học ứng dụng công nghệ nghiên cứu nuôi trồng thành công sản phẩm tảo xoắn Spirulina, thực phẩm chức năng tăng cường sức khoẻ. Tảo xoắn Spirulina - một sản phẩm đủ hàm lượng đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, sản vật đặc trưng làm nên thương hiệu riêng có của huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.


Sản phẩm Tảo xoắn của Công ty CP Khoa học công nghệ tảo Việt Nam

Hiện quy mô nuôi tảo xoắn Sprirulina ở Quỳnh Lưu lớn, hiện đại và bài bản bậc nhất hiện nay ở Nghệ An với tổng diện tích nuôi trồng rộng 5 ha, trong đó 3 ha đã nuôi trồng tảo, 2 ha ven biển còn lại đang điều chỉnh làm khu nghỉ dưỡng sinh thái tâm linh biển với tên gọi là “Làng chài Bắc Trung bộ”. Tất cả các khâu từ sản xuất giống tảo, quy trình nuôi, mở rộng sản xuất, thu sinh khối, xử lý sinh khối, thu sản phẩm, sấy, xay… đến khâu cuối cùng là cho ra sản phẩm luôn được sự giúp đỡ và kiểm soát theo các tiêu chí khắt khe.
Năm 2019, tỉnh Nghệ An đã công nhận sản phẩm tảo xoắn Spirulina đạt OCOP hạng 4 sao với các sản phẩm: tảo tươi (bảo quản đông lạnh) hoặc sấy khô; tảo bột khô ở dạng viên nang, viên nén. Là những sản phẩm ứng dụng trong dược phẩm, hoặc sử dụng thường xuyên như một loại thực phẩm bổ dưỡng quý giá. Sản phẩm tảo xoắn Spirulina của Công ty đã và đang ngày càng được nhân rộng và tạo ra nhiều sản phẩm phụ để thuận lợi hơn cho người sử dụng trong và ngoài tỉnh.
Tại Hội nghị Bình chọn công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2021, sản phẩm tảo Spirulina Michio được bình chọn. Sản phẩm vượt trội về chất lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và được người tiêu dùng tin dùng.
Rượu đông trùng hạ thảo - Sản phẩm Ocop 4 sao
Đông trùng hạ thảo từ lâu được xem là một tiên dược quý được rất nhiều người săn đón. Trong tiếng Tạng được gọi là hạ thảo (cỏ), đông trùng (sâu bọ). Với tên gọi đông trùng hạ thảo nghĩa là sâu mùa đông, trở thành cỏ mùa hè. Được thầy lang người Tạng là Zurkhar Namnyi Dorje ghi chép lại lần đầu tiên trong thế kỷ XV. Hình dạng bên ngoài khi đông trùng hạ thảo còn tươi, trông giống như những con sâu, đuôi sâu là một cành nhỏ có lá. Phần lá được tạo thành do sợi nấm mọc dính liền vào đầu sâu non, nhìn giống như ngón tay dài từ 3 - 10cm. Còn đầu sâu non dài chừng 3 - 5cm, giống như con tằm. Đông trùng hạ thảo chủ yếu được tìm thấy vào mùa hè vùng núi cao trên 4.000m ở cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải - Tây Tạng) và Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Trong y học cổ truyền Trung Hoa và Tây Tạng, đông trùng hạ thảo được xem là có sự cân bằng tuyệt vời giữa âm và dương, bởi nó vừa là thực vật vừa là động vật, được hình thành vào mùa đông và trưởng thành vào mùa hạ. Cho nên đông trùng hạ thảo được xem là một vị thuốc quý, có thể chữa được “bách hư bách tổn”. Đông trùng hạ thảo được xem là tiên dược trong y học vì tác dụng tuyệt vời đối với người sử dụng.
Nhận thức được tầm quan trọng đông trùng hạ thảo, năm 2017, Công ty CP Khoa học công nghệ Tảo Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua giống và nhận chuyển giao công nghệ nuôi đông trùng hạ thảo từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Công ty đã dành riêng khu vực có diện tích 100m2 để sử dụng cho việc nuôi trồng giống đông trùng hạ thảo nhập về.
Sau khoảng 60 ngày chăm sóc, đông trùng hạ thảo phát triển hoàn thiện và đến thời kỳ thu hoạch, Công ty cho sơ chế, xử lý và ngâm rượu. Đông trùng hạ thảo có nhiều cách sử dụng, nhưng đông trùng hạ thảo ngâm rượu được cho là cách sử dụng được nhiều người yêu thích nhất, đặc biệt là các “quý ông’’. Bởi vì theo cách này có thể giữ lại tối đa lượng dược chất có trong đông trùng hạ thảo cũng như cách hiệu quả để bảo quản được lâu hơn. Vì thế, Công ty đã cho sản xuất rượu đông trùng hạ thảo mang thương hiệu “VASTCOM” thơm ngon và chất lượng.
Rượu đông trùng hạ thảo mang thương hiệu “VASTCOM” được đại đa số khách hàng nhận xét là rất thơm ngon và chất lượng. Là đơn vị tiên phong trong nuôi trồng và sản xuất đông trùng hạ thảo tại Quỳnh Lưu; đồng thời là đơn vị đưa những sản phẩm có giá trị cao, với giá cả phù hợp, VASTCOM đã tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp tới những người có thu nhập cao đều được sử dụng.
Năm 2019 rượu đông trùng hạ thảo mang thương hiệu VASTCOM được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là sản phẩm Ocop 4 sao cấp tỉnh về những lợi ích và tác dụng của sản phẩm mang lại.
Đậu tương lên men Nattokinaza - Sản phẩm Ocop 4 sao
Đậu tương lên men (tiếng Nhật là natto) là món ăn truyền thống có lịch sử suốt hơn 1.200 năm của nền văn hóa ẩm thực xứ Phù Tang. Natto được làm từ đậu nành lên men với cách làm truyền thống là ngâm hạt đậu nành qua đêm, hấp chín rồi ủ với rơm. Ngày nay, người Nhật chỉ cần hấp chín rồi ủ với men bacillus natto, đặt ở môi trường 40 độ C trong 14-18 giờ. Cách làm này cũng cho ra những hạt đậu nành lên men ngon như cách truyền thống.
Có nhiều câu chuyện thú vị về món natto được người Nhật lưu truyền, một trong số đó liên quan đến cuộc chiến dẹp loạn phiến quân năm 1086-1088 sau Công nguyên. Khi quân lính dừng lại nấu đậu nành cho ngựa ăn thì bất ngờ bị tấn công. Họ đành vội vã quấn đậu trong gói rơm, cột chặt vào lưng ngựa. Ngày hôm sau, gói đậu ấm lên, lên men và bốc mùi khủng khiếp, song đàn ngựa vẫn ăn ngon lành. Binh lính tò mò nếm thử và phát hiện ra món đậu béo ngậy, bùi và ngọt hơn, ăn lại mau tiêu, nhuận tràng.


Sản phẩm đậu tương lên men Nattokinaza

Natto có giá trị dinh dưỡng rất cao được công nhận bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Quá trình lên men sản sinh ra những sợi tơ nhớt giàu enzym nattokinase, có công dụng ngăn ngừa bệnh tim mạch - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật. Hiện tại, natto đang được các dược sĩ nghiên cứu để chiết xuất các thành phần cho thuốc chống lão hoá và béo phì. Ngoài ra, phụ nữ tuổi 40 trở lên ăn natto sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng mãn kinh và tiền mãn kinh như bốc hỏa, vã mồ hôi đêm, giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung,…
Sản phẩm Natto mang thương hiệu Vastcom của Công ty Cp Khoa học Công nghệ Tảo Việt Nam cũng được khởi nguồn từ mối nhân duyên với đất nước Nhật Bản. Bà Trần Thị Thao - Người khởi xướng thành lập Công ty có con dâu là người Nhật Bản. Nhờ đó, bà có thói quen ăn sử dụng nattto hàng ngày, giúp tinh thần bà sống vui - khỏe - tốt.
Nhận thấy sản phẩm Natto rất hiệu quả, có giá trị, mà nguyên liệu thì có sẵn tại quê hương Nghệ An, bà bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, cùng với tư vấn của các giáo sư đầu ngành về đậu tương lên men, Công ty đã sản xuất sản phẩm Natto. Nguồn đậu tương được lựa chọn loại đậu tương thuần chủng của người dân ngay tại huyện Tân Kỳ. Còn chủng men thì được mua từ Nhật Bản. Năm 2012, VASTCOM  (Công ty- vì lúc này chưa có tên này) đã nghiên cứu và ủ lên men thành công Natto tại Việt Nam, tạo nên thương hiệu Natto Kinaza cực kì chất lượng với lượng lợi khuẩn dồi dào, hàm lượng Enzym Nattokinaze cực cao. Nguồn nguyên liệu chất lượng cùng với đội ngũ kỹ thuật, lãnh đạo tâm huyết của Công ty đã làm nên sản phẩm Đậu tương lên men Nattokinaza mang thương hiệu “VASTCOM”.
Đậu tương lên men Nattokinaza được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn Ocop 4 sao năm 2019. Sản phẩm có tác dụng: có khả năng đánh tan cục máu đông mạnh gấp 4 lần enzym nội sinh trong cơ thể, nhờ đó sản phẩm hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh tai biến mạch máu não, điều hòa huyết áp, chống mất ngủ, tăng cường lưu thông máu. Nó cũng được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn xơ vữa động mạch một trong những tác nhân gây tai biến. Ngoài ra còn có tác dụng khác: làm chắc xương, giúp giảm đau khớp, giảm nhức đầu, kháng khuẩn, ngừa bệnh tả, thương hàn.
Với tác dụng bổ sung dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ trong việc điều trị các loại bệnh, đậu tương lên men Nattokinaza của Công ty VASTCOM  đã có mặt khắp nơi trên thị trường cả nước.
Miến Phú Thành (Quỳnh Hậu)
Làng nghề Phú Thành, Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu từ lâu nổi tiếng với nghề “cha truyền con nối”, đó là nghề làm miến. Nghề chế biến miến gạo được du nhập vào làng Phú Thành từ những năm 1980. Thời gian đầu, người dân làm miến nơi đây chủ yếu là sản xuất thủ công, quy mô nhỏ lẻ nên khá vất vả và mất nhiều thời gian. Từ năm 2009 đến nay, nghề làm miến phát triển mạnh, các hộ dân gia đình làm miến ở Phú Thành đã chuyển sang đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ vào sản xuất miến, vừa tiết kiệm được công lao động vừa tăng năng suất và chất lượng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Miến Phú Thành được sản xuất từ nguyên liệu gạo Khang Dân ngon, sạch của Quỳnh Lưu; không dùng chất bảo quản nên sợi miến dẻo dai, màu miến trắng đẹp và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Ngoài việc kỹ lưỡng trong lựa chọn nguồn nguyên liệu, người dân làng nghề Phú Thành còn có kỹ thuật làm miến truyền thống tạo nên hương vị riêng, đặc trưng cho sản phẩm. Bên cạnh sử dụng máy móc để sản xuất, người làm miến Phú Thành có bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý để tạo nên sợi miến vừa mềm lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm, sợi đẹp, để vài tháng không bị mốc hỏng.
Sản phẩm miến Phú Thành đã và đang có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Hiện nay, ngoài miến gạo trắng truyền thống, bà con làng nghề còn đa dạng thêm các sản phẩm miến khác nhằm nâng cao thương hiệu miến Phú Thành trên thị trường, như miến gạo lứt, miến gạo pha rau chùm ngây, miến gạo pha đậu xanh… Miến gạo Quỳnh Hậu đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Năm 2013 UBND tỉnh công nhận làng nghề miến Phú Thành. Hiện nay làng nghề miến Phú Thành, xã Quỳnh Hậu có gần trên 100 hộ sản xuất miến với sản lượng từ 20 - 25 tấn miến/ngày, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có mức thu nhập ổn định. Đặc biệt, vào dịp Tết âm lịch, mỗi ngày trung bình bà con sản xuất ra từ 6-8 tấn miến mang đi tiêu thụ nhiều nơi. Hàng năm, sản lượng miến làm ra đạt từ 500- 600 tấn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây.
Với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng rất đa dạng, phong phú, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu khá chủ động,... Quỳnh Lưu có điều kiện thuận lợi để sản xuất và xây dựng các đặc sản, sản phẩm truyền thống. Hiện nay, huyện đã xây dựng được 39 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao tại 14 xã, thị trấn. Các sản phẩm tập trung ở lĩnh vực hàng thực phẩm, đồ uống như: mực khô, nước mắm, muối, rau, mía, dứa, nhung hươu, tảo xoắn spirulina, rượu đông trùng hạ thảo,… Các sản phẩm này được thị trường trong và ngoài tỉnh quan tâm, ưa thích. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, nhiều sản phẩm tìm được chỗ đứng trong hệ thống phân phối, bán lẻ của các siêu thị, chuỗi cửa hàng như: sản phẩm dứa, mực, nước mắm, tảo xoắn,...
 

Linh Nhi

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây