Xứ Nghệ - Địa linh, nhân kiệt trong Khởi nghĩa Lam Sơn

Thứ năm - 25/07/2024 21:43 0
Ngày 2 tháng 1 năm Mậu Tuất (tức ngày 7 - 2 - 1418), Lê Lợi và nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Lê Lợi xưng là Bình Định vương và truyền hịch đi khắp nơi kêu gọi nhân dân cùng nổi dậy chống lại sự bạo tàn của giặc Minh, giành lại độc lập dân tộc. Giai đoạn 1418 - 1424, nghĩa quân Lam Sơn hoạt động du kích ở miền núi rừng Thanh Hóa. Trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống lại các cuộc vây quét lớn của địch, một số cuộc nổi dậy đã diễn ra trong những năm 1419 - 1420, tiêu biểu như cuộc nổi dậy của Phan Liêu và Lộ Văn Luật, khởi nghĩa Phạm Ngọc, khởi nghĩa Lê Ngã, đồng thời nghĩa quân Lam Sơn tiếp tục mở rộng hoạt động ra vùng thượng du Thanh Hóa, đến năm 1423 - 1424, nghĩa quân tạm hòa hoãn để củng cố lực lượng. Chính tại thời điểm này, một quyết định mang tính chất bước ngoặt đã được thực hiện: chuyển hướng chiến lược vào phía Nam, chọn đất Nghệ An là địa bàn đứng chân, xây dựng căn cứ địa tại đây. Xứ Nghệ với điều kiện địa linh, nhân kiệt đã phát huy thế mạnh của mình, góp phần quan trọng vào bước trưởng thành vượt bậc của nghĩa quân và những thắng lợi quan trọng trong các giai đoạn sau của cuộc khởi nghĩa.


1. Địa bàn chiến lược của xứ Nghệ trong khởi nghĩa Lam Sơn
Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi coi vùng Nghệ Tĩnh là “phên dậu thứ ba ở phương Nam”(1). (Sơn Nam là phên dậu thứ nhất, Thanh Hóa là phên dậu thứ hai). Từ trong lịch sử, Nghệ An được xem là nơi “địa thế rộng rãi, chính là đất xung yếu giữa Nam và Bắc. Núi cao thì có Hồng Lĩnh, Kim Nhan, là trấn mạch của một phương; sông sâu có sông Lam, sông La, quanh co trăm dặm, phong thổ trung hậu, núi cao sông sâu, thực là một tỉnh lớn có hình thế hiểm yếu của hữu kỳ”(2). Vị trí phên dậu, địa thế hiểm trở, phong thổ trung hậu là những lợi thế của Nghệ An.
Trong nghiên cứu của các tác giả Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn cũng phân tích rất rõ vị trí chiến lược của Nghệ An. Là nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông, Nghệ An có những ưu điểm vượt trội so với căn cứ cũ của nghĩa quân. Địa bàn đứng chân của nghĩa quân ở vùng núi Thanh Hóa chật hẹp, khó bề phát triển. Vùng rừng núi Nghệ An hiểm yếu không kém gì núi rừng Thanh Hóa, đồng thời còn có thể cung cấp nguồn nhân lực, vật lực dồi dào cho nghĩa quân. Hơn nữa, lực lượng địch ở Nghệ An tương đối yếu, chủ yếu tập trung ở thành Nghệ An. Chính quyền đô hộ ở Nghệ An mới chỉ thực sự được xây dựng từ năm 1414 nên chưa được củng cố chặt chẽ. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, Nghệ An có mặt Bắc xa các căn cứ trung tâm của địch như Tây Đô (từ Tây Đô vào thành Nghệ An khoảng gần 200 km) và Đông Quan (từ Đông Quan vào thành Nghệ An khoảng 300 km), ở mặt Nam là miền Tân Bình, Thuận Hóa, lực lượng của địch rất yếu. Khi nghĩa quân chiếm được Nghệ An thì lực lượng của địch sẽ bị phân tách ở 2 miền khiến quân địch ở phía Nam hoàn toàn bị cô lập, bố trí lực lượng của địch bị suy yếu(3).
Truyền thống yêu nước và đấu tranh quyết liệt của nhân dân Nghệ An cũng góp phần làm nên một địa bàn đứng chân ổn định, vị trí căn cứ địa vững vàng đối với nghĩa quân Lam Sơn. Trong gần 20 năm thời thuộc Minh (1407 - 1427), như các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An chịu sự tác động của chính sách cai trị của nhà Minh: thay đổi về tổ chức hành chính, bộ máy đô hộ và đặc biệt là những tội ác kinh hoàng của giặc Minh.

Đền vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở Nghệ An

Chính sách thuế khóa nặng nề với nhiều loại thuế. Tính riêng thuế ruộng đất, trong tổng số 17.442 khoảnh 34 mẫu ruộng đất cả công, tư thì Nghệ An chỉ có 110 khoảnh 57 mẫu, chiếm khoảng 0,6% mà số thóc thuế phải nộp lên đến 483 thạch trong tổng số 73.549 thạch, chiếm 6,6%. Nghệ An phải nộp 3 con voi trắng trong tổng số 4 con mà nước ta hàng năm cống nạp cho triều đình nhà Minh(4).
Do đó, từ trước khi quân của Lê Lợi khởi nghĩa, nhân dân Nghệ An đã tiến hành đấu tranh chống ách đô hộ của nhà Minh. Năm (1407), nhân dân 2 huyện Đông Lan và Thanh Trà thuộc phủ Diễn Châu (nay là huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu) đốt phá nhà ngục, giết nhiều quan quân nhà Minh. Tháng 9, nhà Minh lệnh cho Trương Phụ, Trần Húc phát binh đàn áp. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như khởi nghĩa của quý tộc họ Trần  Ngỗi - Trần Quý Khoáng kéo dài từ năm 1407 đến năm 1414 đã tập hợp được lực lượng đông đảo từ phía Nam thành Đông Quan vào tới Tân Bình, Thuận Hóa. Tháng 5 - 1408, nghĩa quân Trần Ngỗi từ Hóa Châu kéo ra đánh chiếm Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, mở rộng phạm vi ra các phủ huyện phía Bắc. Do mâu thuẫn trong sách lược đánh giặc, Trần Ngỗi cho người sát hại Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Hai người con của hai ông, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bỏ qua thù nhà, cùng lực lượng nghĩa quân từ vùng Thuận Hóa rút về Nghệ An lập cuộc khởi nghĩa mới, tôn Trần Quý Khoáng (cháu vua Trần Nghệ Tông) và Trần Ngỗi (được tôn làm Thái thượng hoàng), đất Nghệ An (bao gồm địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh) một lần nữa lại trở thành căn cứ chính của cuộc khởi nghĩa do hai quý tộc họ Trần lãnh đạo(5). Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng “đã làm dấy lên phong trào đấu tranh chống xâm lược trên đất nước ta lúc bấy giờ, gây cho giặc Minh nhiều tổn thất nặng nề, góp phần làm chậm công cuộc bình định của chúng”(6).
Trong cuộc khởi nghĩa do chủ tướng Lê Lợi lãnh đạo, trên đất Nghệ An diễn ra các trận đánh lớn là Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải đã đi vào lịch sử. Sau trận đánh đồn Đa Căng, trên đường tiến về thành Trà Lân, nghĩa quân bị truy đuổi và bị chặn cả 2 hướng ở khu vực gần Bồ Đằng. Lợi dụng địa hình hiểm trở của Bồ Đằng, Lê Lợi quyết định biến thế bị động thành thế chủ động, bố trí trận địa, mai phục tiêu diệt địch bất ngờ khiến quân địch không kịp trở tay. Hơn 2.000 giặc và chủ tướng Trần Trung bị tiêu diệt.
Đối với trận đánh Trà Lân, để có được chiến thắng vang dội, lừng lẫy, khiến quân địch thiệt hại lớn cả về nhân lực, vật lực và bị tấn công mạnh mẽ vào tinh thần chiến đấu, bên cạnh sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn còn là sự ủng hộ to lớn của nhân Nghệ An. Trà Lân còn gọi là Trà Long là một châu miền núi thuộc phủ Nghệ An, tương ứng với các huyện Con Cuông, Tương Dương ngày nay. Thành Trà Lân được đắp tại núi Thành, còn gọi là núi Đồn, dân địa phương gọi là Pù Đồn, do tướng Cầm Bành giữ thành: “Cầm Bành lập rào sách trên đỉnh núi”(7), “giữ vững sơn trại để chờ viện binh”. Cuối tháng 10 - 1424, nghĩa quân Lam Sơn bao vây thành Trà Lân nhưng Cầm Bành tìm cách cố thủ, chờ viện binh. Trong thời gian vây thành, nghĩa quân được đồng bào các dân tộc cung cấp sức người, sức của, lương thực thực phẩm nuôi quân. Ở bản Kẻ Trằng (nay thuộc xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn) hiện nay còn ngôi miếu thờ Trương Hán là một vị tù trưởng người dân tộc Thái. Trương Hán có công góp voi ngựa, lương thảo ủng hộ cho nghĩa quân. Đồng thời, ông kêu gọi dân bản góp sức giúp đội quân của Lê Lợi vây thành, diệt giặc. Do đó, sau này, vua Lê Thái Tổ đã phong cho ông làm Khả Lam quốc công. Tại bản Xiềng Pún, xã Môn Sơn, bản Phát xã Lục Dạ (thuộc huyện con Cuông) hiện nay vẫn còn nhiều đền, miếu thờ các tù trưởng dân tộc có công giúp Lê Lợi trong quá trình đánh thành Trà Lân.
Trận Khả Lưu, Bồ Ải diễn ra trong bối cảnh nhà Minh muốn giành lại thế chủ động sau thất bại của trận Trà Lân. Do đó, nhà Minh đã huy động lực lượng lên tới hàng vạn lính nhằm mục tiêu chiếm lại thành Trà Lân. Bộ chỉ huy của nghĩa quân Lam Sơn chủ trương: “Giặc đông, ta ít, lấy ít đánh đông, chỉ ở nơi đất hiểm mới lập được công. Vả lại binh pháp nói: dử người đến chứ không để người dử đến”. Nghĩa quân được triển khai lực lượng theo 3 hướng: Đinh Liệt chỉ huy hơn 1.000 quân từ Trà Lân đi đường tắt xuống chiếm giữ Đỗ Gia (Hương Sơn) để “cướp đất, giành chỗ tiện lợi”; Đinh Lễ được lệnh đi tuần Diễn Châu, thực chất là chuẩn bị cho cuộc tấn công thành Trài; Cánh quân chính do Lê Lợi trực tiếp chỉ huy, xuôi xuống ải Khả Lưu (Anh Sơn) cách thành Trà Lân khoảng 40 km theo hướng Đông Nam nhằm giữ chỗ hiểm yếu để đợi giặc. Đồng thời một bộ phận tinh nhuệ, có cả tượng binh bí mật vượt sông Lam sang bờ Nam phục sẵn ở nơi hiểm yếu(8).
Khả Lưu là một cửa ải quan trọng trên con đường thủy bộ từ thành Nghệ An lên Trà Lân. Địa danh Khả Lưu thuộc làng Mạc Điền, nay thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Tại đây, bộ chỉ huy Lam Sơn cho nghĩa quân “ban ngày thì dựng cờ đánh trống, ban đêm thì đốt lửa” để gây thanh thế, uy hiếp tinh thần địch, đồng thời cho quân mai phục tại bãi Sở (trước thuộc làng Đà Cụ, xã Tri Lễ, nay là xã Long Sơn, huyện Anh Sơn). Giặc Minh rơi vào trận địa mai phục, quân địch bị chém đầu và chết đuối kể đến hàng vạn tên. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, nghĩa quân gặp phải khó khăn về lương thực. Nguyễn Vĩnh Lộc đã hiến kế: nghĩa quân nên đốt doanh trại của mình, giả rút lui lên phía trên như là bỏ trốn, rồi quay lại mai phục chỗ hiểm yếu, chờ giặc đến sẽ đánh. Thực hiện theo kế của Nguyễn Vĩnh Lộc, “quân giặc bị giết không biết bao nhiêu mà kể, thuyền giặc trôi ngổn ngang, thây chết đuối tắc cả sông, khí giới bỏ chồng chất khắp núi(9), 1.000 giặc bị bắt làm tù binh, tướng giặc Hoàng Thành bỏ mạng, Đô ty Chu Kiệt bị bắt sống, Trần Trí và một số binh lính chạy thoát về thành Nghệ An(10). Thắng lợi của các trận Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải đã tạo tiền đề cho nghĩa quân Lam Sơn tiến đánh thành Nghệ An.
Thành Nghệ An là trị sở phủ Nghệ An, nơi quân Minh đóng quân đông, từ năm Giáp Thìn (1424) có khoảng 5.000 đến 6.000 lính, do Tổng binh Trần Trí chỉ huy. Thành Nghệ An là thành lũy kiên cố nhất trong vùng. Tuy thành lũy kiên cố, quân đông nhưng quân Minh chọn cách cố thủ sau những thất bại liên tiếp tại trận Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải.
Sau gần 1 năm chuyển hướng hoạt động vào Nghệ An, từ cuối tháng 10 năm Giáp Thìn (1424) đến tháng 10 năm Ất Tỵ (1425), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã có một bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt và ngày càng giành được thế chủ động. Từ một đội quân nhỏ bé ở miền núi rừng Thanh Hóa, có khi bị tiêu hao chỉ còn trên 100 người, đến nay, lực lượng nghĩa quân đã lên đến hàng vạn người, gồm cả thủy, bộ, thuyền chiến, voi chiến…(11).
Nhận xét về vị trí, vai trò của vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh, có nhiều ý kiến nhưng đều thống nhất về quan điểm. Hipolite Le Breton, tác giả sách Le vieux An Tĩnh (An Tĩnh cổ lục): “Vùng An Tĩnh không những là một vùng đầy chuyện cổ tích, mà cũng còn là một vùng tầm cỡ dồi dào. Tôi tin là có thể xác nhận rằng không một tỉnh nào giữ được vai trò lớn như thế trong những tập biên niên sử của nước Đại Việt (hay là nước Nam Việt), tối thiểu là cho đến thế kỷ XV”(12).
2. Con người xứ Nghệ trong khởi nghĩa Lam Sơn
Nhân dân Nghệ An với truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm đã góp công sức vào những trận đánh còn lưu danh sử sách đến ngày nay.
Sau chiến thắng Trà Lân, uy tín của Lê Lợi và nghĩa quân ngày càng tăng cao và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhân dân Nghệ An. Nghệ An thực sự trở thành chỗ đứng chân của nghĩa quân, hào kiệt các nơi hưởng ứng: Tù trưởng Cầm Quý, Tri phủ châu Ngọc Ma đem 8.000 quân và 10 voi chiến về theo Lê Lợi; Phan Liêu, Lô Văn Luật hoạt động ở vùng biên giới Việt - Lào cũng mang quân tới ứng nghĩa; đội quân của vùng Trang Niên (phủ Diễn Châu) xin hợp sức(13)... Chỉ trong thời gian ngắn, Lê Lợi đã tuyển được 5.000 trai tráng bổ sung vào hàng ngũ nghĩa quân. Như vậy, với sức mạnh của nghĩa quân Lê Lợi và sự giúp sức của các đồng bào dân tộc, nghĩa quân của Lê Lợi không chỉ thắng lợi quan trọng trận Trà Lân mà còn xây dựng được vị trí đứng chân vững chắc tại địa bàn Nghệ An.
Góp vào thắng lợi của chiến thắng Bồ Đằng, không thể không kể đến sự đóng góp to lớn của các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An. Trên địa bàn các huyện Quỳ Châu, Quế Phong còn lưu truyền nhiều câu chuyện cho thấy sự hưởng ứng và giúp đỡ của đồng bào và nghĩa binh áo đỏ đối với nghĩa quân của Lê Lợi. Thần tích của đền Thần Đinh ở Kẻ Nính thuộc xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) thờ một Tạo mường có tên là Lo Kăm Hoa ghi: đội quân áo đỏ của Lo Kăm Hoa đã giúp Lê Lợi lập trận mai phục tại Bồ Đằng. Ông bị tử trận khi đang chiến đấu với giặc Minh, nhân dân địa phương lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ông.
Đền Chín Gian ở Quế Phong thờ Trời và các tiên tổ Lo Kăm, trong đó có thờ Lo Kăm Hiền là người có công cùng nghĩa binh áo đỏ giúp Lê Lợi đánh giặc Minh trong trận Bồ Đằng.
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi cũng viết về khí thế quân ở đất Nghệ An:
Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật
Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay.
Hiện nay, trên đất Nghệ An vẫn còn lưu nhiều dấu tích liên quan đến trận đánh như Bãi Tập nay thuộc địa bàn các xã Đồng Hợp và Tam Hợp, Bãi Dinh ở Tam Hợp (Quỳ Hợp), mả voi Lê Lợi, miếu thờ voi và quản tượng ở Nghĩa Tiến (Nghĩa Đàn), truyền thuyết Hòn đá đò và nhiều câu chuyện dân gian khác… Đồng thời, ở khu vực này cũng có nhiều đền, miếu thờ những người có công giúp Lê Lợi đánh giặc Minh như đền chợ Bãi ở xã Tam Hợp, đền Bản Dinh ở xã Nghĩa Xuân, đền Cửa Troóng ở xã Yên Hợp, đền Đồi Chùa ở xã Văn Lợi, đền Bản Can ở xã Châu Bình, đền Bản Lè và đền bản Phày ở xã Châu Quang, đền Bản Ban ở xã Châu Phong, đền Kẻ Tàu ở sách Hữu Đạo…
Ở địa bàn Nghệ An, nghĩa quân đã xây dựng được địa bàn đứng chân rộng lớn và được nhân dân địa phương nhiệt thành ủng hộ. Đại Việt sử ký toàn thư chép sự kiện tháng 2 năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi đến làng Đa Lôi (xã Nam Kim, huyện Nam Đàn ngày nay), được “người già trẻ tranh nhau đem trâu rượu đến đón và khao quân đều nói: không ngờ ngày nay lại trông thấy uy nghi nước cũ”(14). Nghĩa quân xây dựng được một số căn cứ địa, tiêu biểu có căn cứ Đỗ Gia ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) và thành Lục Niên. Thành Lục Niên được xây dựng trên dãy núi Thiên Nhẫn, tại vị trí hiểm yếu, giáp giới với các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn, phía Tây thành là căn cứ Đỗ Gia. Thành Lục Niên là căn cứ đồn trú của nghĩa quân Lam Sơn, đồng thời có nhiệm vụ phối hợp với căn cứ Đỗ Gia khống chế con đường thủy từ thành Nghệ An lên phía Tây(15).
Tại đất đứng chân Nghệ An, được sự ủng hộ của nhân dân địa phương, nghĩa quân đã xây dựng đội quân có tổ chức, kỷ luật và tinh thần chiến đấu cao. Đồng thời, nghĩa quân cùng với nhân dân tổ chức khai hoang, sản xuất lương thực. Tài liệu khảo sát điền dã cho thấy không có trận chiến nào diễn ra ở thành Lục Niên. Như vậy, Lục Niên đã tồn tại đúng với nghĩa là căn cứ đồn trú của nghĩa quân Lam Sơn, là cơ sở để nghĩa quân chuẩn bị lực lượng, bao gồm cả tiềm lực quân sự và dự trữ lương thực, tạo đà cho những cuộc tấn công tiếp theo.
Thực hiện kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động ra phía Bắc, thành Trài là mục tiêu quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Thành Trài là lỵ sở của phủ Diễn Châu ở phía Bắc Nghệ An(16). Thành Trài còn có tên gọi khác là Cự Lại, Đông Lũy, được xây dựng từ thời nhà Hồ thuộc địa bàn xã Đông Lũy, nay là các xã Diễn Phong và Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, từ khi thành Nghệ An bị vây hãm, quân Minh đóng tại thành Trài cũng chỉ cố thủ, vì thế bị thiếu lương thực nghiêm trọng và chờ nguồn tiếp tế từ Tây Đô và Đông Quan. Về phía nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi giao cho Đinh Lễ “đi tuần Diễn Châu”. Đinh Lễ cho đóng quân tại vùng núi Động Đình, sách Quy Lai, nay thuộc xã Quang Thành, huyện Yên Thành. Theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí, đây là vùng núi non hiểm trở, dưới núi thì bằng phẳng, rộng rãi, phía Tây có thành, trong thành có chứa đá như viên đạn(17). Động Đình chỉ cách thành Diễn Châu khoảng 40 km về phía Đông. Khi tướng nhà Minh là Trương Hùng chỉ huy áp tải 300 thuyền lương đi đường biển theo hướng sông Trài vào tiếp tế cho thành phủ Diễn Châu, Đinh Lễ theo lệnh của Lê Lợi đã lãnh đạo binh lính tấn công địch, thu hàng trăm thuyền lương, tiêu diệt hơn 300 quân giặc, chỉ huy giặc là Trương Hùng cùng tàn quân tháo chạy. Ngày nay, quanh khu vực Diễn Châu vẫn còn những địa danh là dấu tích của trận đánh này như Cồn Trận, Cồn Ngô, Cánh đồng xương,…
Gia phả nhiều dòng họ trong vùng cũng ghi chép những công tích của các vị liệt tổ trong công cuộc đánh dẹp giặc Minh như họ Cao ở làng Đào Hoa (nay thuộc xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu), gia phả họ Nguyễn ở làng Đăng Cao (nay thuộc xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu), gia phả họ Phan ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)... Làng Cẩm Bào (nay thuộc xã Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu) có tên “Cẩm Bào” vì Lê Lợi đã tặng cho dân làng chiếc áo cẩm bào để tỏ lòng cảm ân với dân làng đã hết lòng giúp đỡ nghĩa quân trong trận đánh thành Trài, con em của làng còn theo nghĩa quân của Lê Lợi đi đánh giặc.
Thần phả đền Phan Đà ở Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết Phan Đà người tổng Võ Liệt, là thanh niên khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Sau khi Lê Lợi hạ được thành Trài, Phan Đã đã cưỡi ngựa trắng đến thành Lục Niên xin gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Lê Lợi thấy người thanh niên trẻ tuổi nhưng đã giỏi võ nghệ, có cơ mưu nên cho làm tướng, giao trấn giữ thành Bình Ngô. Sau này, trong một trận chiến với quân Minh, ông đã hy sinh và được dân làng tôn làm phúc thần.
Làng Vân Tụ (nay thuộc huyện Yên Thành) có 4 anh em họ Nguyễn là Nguyễn Thế Bồng, Nguyễn Thế Bình, Nguyễn Trung Lao, Nguyễn Thế Tài đều tham gia nghĩa quân Lam Sơn. Nguyễn Thế Tài hy sinh, 3 anh em đều lập chiến công, trong đó Nguyễn Thế Bồng được phong chức Đoàn luyện Đô sứ ty.
Phan Vân (1364-1439) ở xã Bắc Thành (huyện Yên Thành) có nhiều công trong trận đánh thành Trài, được vua Lê Thái Tổ phong làm Chánh sứ Bái Dương hầu. Hiện nay, nhà thờ Phan Vân ở xã Bắc Thành còn lưu đôi câu đối ca ngợi công trạng của ông:
Trần triều trọng nhậm Phan Chánh sứ,
Lê đại minh công Bái Dương hầu
Tạm dịch:
Triều Trần trọng dụng Phan Chánh sứ
Đời Lê vinh phong Bái Dương hầu(18).
Tại huyện Con Cuông, đền thờ tại bản Phát, xã Lục Dạ thờ Khả Lam quốc công, theo truyền thuyết địa phương là một tù trưởng có công giúp Lê Lợi phá giặc Minh. Tòa thành cổ của ông Tra Lung tại bản Xiềng Pún, xã Môn Sơn là dấu tích còn lại, tích cũ kể về việc ông đã ra hàng Lê Lợi và cùng thanh niên trong bản gia nhập nghĩa quân.
Lực lượng dân binh Trang Niên được Lê Lợi thu nhận vào hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn. Nguyễn Vĩnh Lộc trở thành một trong những tướng lĩnh xuất sắc của Lê Lợi. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về Nguyễn Vĩnh Lộc: Trong trận Phá Lữ (Anh Sơn), nghĩa quân Lê Lợi gặp nhiều khó khăn về lương thực “không đủ ăn 10 ngày”. Trần Trí chỉ huy quân Minh cậy có quân đông và lương thực nhiều, dựa vào thế núi, dựng đồn, đắp lũy để cố thủ, chống lại nghĩa quân”. Trước tình thế đó, “một tướng quê ở Nghệ An là Nguyễn Vĩnh Lộc hiến kế: nên đốt doanh trại, giả rút lui rồi đặt phục binh chờ giặc đến sẽ đánh thì vừa phá được kế lâu dài của địch, vừa tiêu diệt được sinh lực địch”. Lê Lợi thực thi kế sách này, quả nhiên phá được quân giặc.
Theo truyền tụng của dân gian, sau khi thất bại ở Khả Lưu, Bồ Ải, quân Minh buộc phải chuyển sang thế phòng ngự, cố thủ trong thành Nghệ An (Lam Thành) để chờ viện binh. Nguyễn Vĩnh Lộc dâng kế: đêm đến, cho nghĩa quân đốt đuốc sáng rực ngoài thành Nghệ An, đồng thời cắt cử binh lính, cứ 1 người gánh 2 hình nộm bằng rơm đi lại, khiến cho địch nhầm tưởng quân ta đông, chắc chắn hoảng sợ mà đầu hàng. Lê Lợi đã cho quân làm theo, quả nhiên, Thái Phúc hoang mang, bèn mở cửa thành Nghệ An, đầu hàng.
Theo Nguyễn Vĩnh tộc đại tôn phả ký soạn năm Thuận Thiên thứ 4 (1431) lưu tại nhà thờ Nguyễn Vĩnh Lộc, sau khi gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Vĩnh Lộc đã đề xuất những kế sách góp phần làm nên nhiều chiến thắng lớn của nghĩa quân Lam Sơn trên đất Nghệ An. Ngày đất nước đại định, Nguyễn Vĩnh Lộc là một trong những tướng lĩnh được Lê Lợi xếp vào hàng khai quốc công thần, được ban quốc tính.
Đạo sắc của vua Lê ban cho Nguyễn Vĩnh Lộc có nội dung như sau: Khâm thụ Nhập nội hành khiển, Tri hòa chu đạo, cai quản các xứ, chưởng binh dân bộ tập sự, khai quốc công thần Hoằng tín hầu, phụng tứ quốc tính Lê Nguyễn tộc, dực bảo trung hưng linh phù tôn thần29.
Nghệ An không chỉ là vùng đất đứng chân, là căn cứ địa, xây dựng được lực lượng quân đội mà con người Nghệ An góp công sức vào cuộc kháng chiến và xây dựng vương triều Lê, trong đó nhân vật tiêu biểu là hai danh thần Nguyễn Chích, Nguyễn Xí. Nguyễn Chích từ người nông dân nghèo đã lãnh đạo dân chúng, cầm đầu nghĩa quân Hoàng - Nghiêu hoạt động ở miền Nam Thanh Hóa. Theo lời mời của Lê Lợi, ông đã liên kết quân từ những ngày đầu khởi nghĩa. Sau trận đánh thắng Lương Nhữ Hốt, Nguyễn Chích được Lê Lợi phong chức Vinh lộc Đại phu Lân hổ vệ tướng quân. Năm 1420, sau khi sáp nhập toàn bộ lực lượng quân vào đội quân Lam Sơn, ông được giữ chức Thiết đột hữu vệ đồng tổng đốc chư quân sự, chỉ huy một đạo quân xung kích quan trọng của quân đội Lam Sơn. Ông tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, lập nhiều chiến công. Ông được thăng chức Nhập nội Thiếu úy - chức quan tướng lĩnh cao cấp trong bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn nên được vua ban cho quốc tính là Lê Chích.
Trong giai đoạn khó khăn tìm đường hướng phát triển cho khởi nghĩa, vai trò và công lao của Nguyễn Chích được khẳng định với việc bàn định chuyển hướng chiến lược vào phía Nam và chọn Nghệ An là địa bàn đứng chân. Lê Quý Đôn nhận xét: “Không cần phải đánh mà được thành Đông Đô, lấy hòa hiếu để kết liễu chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi nhưng trước hết căn bản mạnh để thu lấy thắng lợi hoàn toàn thực là bắt đầu từ Lê Chích”(20. Kế hoạch nổi tiếng của ông được xây dựng trên cơ sở sự hiểu biết tường tận đó kết hợp với tầm mắt nhìn xa thấy rộng của một nhà chiến lược quân sự tài giỏi”(21).
Nguyễn Xí quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay thuộc xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tổ tiên của ông có nguồn gốc từ làng Cương Gián, nay thuộc xã Xuân Song, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tập sách Thượng Xá cựu Lê công thần Nguyễn tộc gia phổ ký ghi nhận: “Thử thách tài năng trong trại, tiếng cồng sớm lộ thiên tư. Phó giao binh mã trước doanh, quả ấn xứng danh hổ tướng”(22). Chiến công oanh liệt nhất cho thấy tài năng của Nguyễn Xí là trong trận Tốt Động - Chúc Động vào tháng 10 năm Bính Ngọ (1426). Nguyễn Trãi mô tả trận đánh này trong Bình Ngô đại cáo:
Ninh Kiều máu chảy thành sông, hôi tanh vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội, hôi để ngàn năm.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: Quân ta đại phá quân giặc, chém được Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và trên 5 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 1 vạn tên; thu được quân tư, khí giới, ngựa chiến và xe cộ nhiều không kể xiết. Tướng giặc Vương Thông bị thương cùng với Mã Kỳ và tàn quân rút chạy về thành Đông Quan… Quân ta thừa thắng, tiến quân bao vây Đông Quan(23).
Nguyễn Xí là một tướng lĩnh xuất sắc, góp công lớn trong khởi nghĩa Lam Sơn và công cuộc xây dựng vương triều khi đất nước thái bình. Trận đánh đầu tiên tại Lạc Thủy, Mường Thôi, Mỹ Mỹ, Nguyễn Xí đã lập được công lớn.
Vua Lê Thánh Tông từng có bài chế ngợi ca ông: “Trẫm nghĩ: Xướng đại nghĩa để trừ kẻ hung tàn, người đã có công như công yên được nhà Hán… Xét Nguyễn Xí đây: khí chứa cứng cỏi, to tát, tính vốn trầm hùng. Giúp Cao Hoàng khi mở nước trăm trận gian nan… Giúp Tiên Khảo lúc thu thành một lòng phò tá”(24).
Trong Nghệ An ký, Bùi Dương Lịch (1757-1828) ca ngợi: Cương quốc công Nguyễn Xí, người xã Thượng Xá theo vua Lê Thái Tổ bình Ngô mở nước. Ông từng thờ vua Thái Tông và Nhân Tông, phế Nghi Dân, giết Phạm Đồn và Phan Ban, lập vua Thánh Tông, làm cho nước được yên, thực là một võ nhân bậc nhất xứ Nghệ An.
Ông là “một hào kiệt đất Nghệ An. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn tỏa sáng cho đời đời con cháu đất Việt hôm nay”(25).
Tiểu kết
Trong kháng chiến chống Minh, đầu thế kỷ XV, xứ Nghệ giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là vị trí phên dậu của quốc gia. Với những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, đất rộng, người đông, con người khí phách, quả cảm, có truyền thống yêu nước, phong trào đấu tranh giành độc lập khởi phát từ sớm, Nghệ An được coi là vùng đất địa linh, sản sinh ra những con người hào kiệt, đóng góp vào cuộc kháng chiến chống Minh nói riêng và tiến trình lịch sử của dân tộc nói chung.
Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần thất bại ở Tây Thanh Hóa, theo đề xuất của Nguyễn Chích đã chuyển vào xứ Nghệ tìm “đất đứng chân”. Tầm nhìn chiến lược của Nguyễn Chích đã được thực tế lịch sử chứng minh, tạo ra bước ngoặt phát triển quyết định sự thành công cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi lãnh đạo(26). Không chỉ xây dựng được căn cứ địa, huy động được sức người, sức của tham gia vào cuộc kháng chiến, nghĩa quân Lam Sơn trưởng thành vượt bậc trong thời kỳ đứng chân tại Nghệ An. Những trận đánh lớn diễn ra trên đất Nghệ An như Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải tiêu diệt địch, chiếm lại vùng đất xứ Nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với cục diện của toàn bộ cuộc chiến tranh, tạo nên khí thế và sức mạnh cho nghĩa quân và toàn dân, mở rộng địa bàn chiến đấu cả về phía Bắc, phía Nam và giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra sự phát triển cường thịnh của triều đại mới trong lịch sử dân tộc.
Chú thích
1. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, tr. 124.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997, tr. 126-127.
3. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Sđd, tr.212.
4. Ban Nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ Tĩnh, Tập I, Nxb. Nghệ An, 1984.
5, 6, 8, 10, 11, 13, 15, 19, 22. Tỉnh ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, Tập I, Từ nguyên thủy đến Cách mạng tháng Tám 1945, Sđd, tr.301, tr.305, tr.309 - 310, tr.321, tr.322. tr.325, tr330, tr.339, tr.345.
7. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993, tr.17.
9. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993, tr.253.
12. Hipolite Le Breton, Dẫn nhập của An Tĩnh cổ lục, in trong Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Nghệ An toàn chí, Tập XXII Các thức giả trong và ngoài nước viết về Nghệ An, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2014, tr. 945.
14. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Sđd, tr. 253.
16. Phủ Diễn Châu thời thuộc Minh: lúc mới thành lập gồm Châu Diễn và Châu Quỳ. Năm 1417, nhà Minh tách Châu Quỳ, sáp nhập vào phủ Thanh Hóa. Phủ Diễn Châu chỉ còn lại 1 châu trực thuộc quận Giao Chỉ, bao gồm 2 huyện: Phù Lưu và Quỳnh Lâm (tương ứng với các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu hiện nay).
17. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập II, Sđd, tr.141.
18. Trần Minh Siêu, Danh nhân Nghệ An, Nxb. Nghệ An, Nghệ An, 1998, tr. 63.
20. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 308 - 310.
21. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Sđd, tr.209
23. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập III, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993, tr.259.
24. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr. 317-318.
25. Nguyễn Thị Phương Chi, “Vị khai quốc công thần Nguyễn Xí trong buổi vinh phong khi đất nước khải hoàn” in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí quê hương, con người, sự nghiệp, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An, Nghệ An, 1997, tr.183.
26.  Phan Đại Doãn, “Nghệ An một sắc thái độc đáo”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Đảng, số tháng 5 năm 1994.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ Tĩnh, Tập I, Nxb. Nghệ An, 1984.
2. Nguyễn Thị Phương Chi, “Vị khai quốc công thần Nguyễn Xí trong buổi vinh phong khi đất nước khải hoàn” in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí quê hương, con người, sự nghiệp, Sở Văn hóa - Thông tin Nghệ An, Nghệ An, 1997.
3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2007.
4. Phan Đại Doãn, “Nghệ An một sắc thái độc đáo”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Đảng, số tháng 5 năm 1994.
5. Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, tập III, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1993.
6. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007.
7. Lê Quý Đôn, Kiến văn tiểu lục, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
8. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
9. “Quân trung từ mệnh tập” in trong Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1976.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập II, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1997.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập I, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998.
12. Trần Minh Siêu, Danh nhân Nghệ An, Nxb. Nghệ An, Nghệ An, 1998.
13. Tỉnh ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử Nghệ An, Tập I, Từ nguyên thủy đến Cách mạng tháng Tám 1945, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2012.
14. Nguyễn Trãi, Dư địa chí, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1960, dẫn qua Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1977.
 

Lê Thùy Linh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây