Chính sách phát triển “Làng thông minh” của Liên minh châu Âu và bài học kinh doanh cho Nghệ An

Chủ nhật - 16/06/2024 21:49 0
Trong khi, khái niệm về "Đô thị thông minh" đã được nghiên cứu, và định hình khá rõ thì “Làng thông minh” mới được phát triển gần đây, và hiện vẫn đang là chủ đề còn tranh luận giữa các học giả và các nhà hoạch định chính sách.
1.  Cơ sở lý thuyết trong phát triển nông thôn gắn với mô hình “làng thông minh”
Với mục tiêu cải thiện cuộc sống người dân nông thôn thông qua việc triển khai các chính sách, hoạt động nhằm đa dạng hóa kinh tế nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp, gắn kết sản xuất với các vấn đề về an ninh lương thực, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động nông thôn... luôn là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Ảnh tư liệu

Vào những năm 1980, mục tiêu phát triển nông thôn nhằm cải thiện cuộc sống người nghèo khu vực nông thôn, khuyến khích khả năng tự phát triển của nhóm người nghèo, người yếu thế cũng như giải quyết vấn đề huy động và phân bổ các nguồn lực một cách công bằng thông qua các chính sách phù hợp được áp dụng ở cấp độ khu vực và quốc gia (ứng dụng các mô hình lý thuyết chủ nghĩa tân tự do (Neo-liberalism). Những năm tiếp theo, thuyết tăng trưởng nội sinh được áp dụng khá phổ biến, nhằm phát huy sự tham gia của cộng đồng, tăng cường các cơ hội kinh tế khu vực nông thôn. Như vậy, để có thể khai thác hiệu quả các nguồn lực địa phương, thì các nhà hoạch định và thực thi chính sách cần có sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận, cụ thể: cách tiếp cận trong phát triển nông thôn cần được áp dụng theo phương pháp từ dưới lên (bottom-up) thay vì áp dụng phương pháp từ trên xuống (top-down). Với cách tiếp cận này, phát triển nông thôn bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố ở cấp địa phương trong việc huy động các nguồn lực tham gia vào các hoạt động kinh tế nông thôn. Cách tiếp cận này cũng cho rằng phát triển nông thôn là một quá trình có sự tham gia, nhấn mạnh việc giao quyền cho cư dân nông thôn để họ có thể kiểm soát tiến trình phát triển theo những ưu tiên mà họ lựa chọn (OECD, 2018).

“Làng thông minh” đang được xem là một giải pháp hữu hiệu góp phần hiện đại hóa khu vực nông thôn châu Âu

Dựa vào các lý thuyết trên, khái niệm “Làng thông minh” lần đầu được Viswanadham và Vedula đưa ra trong cuốn sách với tên gọi “Thiết kế ngôi làng thông minh”, theo đó, tác giả cho rằng mô hình làng thông minh nên được xây dựng theo mô hình đô thị thông minh như là hiệu ứng của những thay đổi về công nghệ tích hợp được thực hiện ở các vùng sâu, vùng xa. Mục đích của “làng thông minh” là giúp giải quyết các vấn đề thông qua việc triển khai công nghệ thông tin, và hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Mô hình “Làng thông minh” được xây dựng sẽ bao trùm 04 lĩnh vực: (1) Thể chế, (2) Nguồn nhân lực, (3) Chuỗi dịch vụ và (4) Cơ chế và công nghệ cung cấp dịch vụ (M. Mishbah, et all, 2020). Hay mô hình “Làng thông minh Banyuwangi” của Indonesia được đề xuất tập trung vào 06 lĩnh vực bao gồm: (1) Quản trị, (2) Công nghệ, (3) Nguồn lực, (4) Dịch vụ, (5) Sinh hoạt, và (6) Du lịch (A A Aziiza et al, 2020).
Tại khu vực châu Âu, tháng 4 năm 2017, Ủy ban châu Âu đã chính thức khởi động chương trình “Hành động của Liên minh châu Âu cho Làng thông minh” theo đó, khái niệm “Thông minh- Smart” là việc cộng đồng nông thôn sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong phát triển, cũng như thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa các vùng, khu vực. Theo đó, việc thực hiện ý tưởng phát triển thông minh phần lớn dựa vào các điều kiện kinh tế, xã hội của một khu vực địa lý nhất định. Do vậy, tính chất độc đáo của mỗi khu vực nông thôn sẽ quyết định các mục tiêu phát triển khác nhau gắn với nhu cầu đổi mới của từng địa phương (Raven, et al, 2016).
 Từ việc định hình các chương trình hành động như vậy, khái niệm này được hiểu “Là các khu vực và cộng đồng nông thôn xây dựng dựa trên thế mạnh và tài sản hiện có của họ cũng như các cơ hội mới để phát triển giá trị gia tăng và là nơi các mạng lưới truyền thống, và dịch vụ, được cải thiện nhờ các công nghệ truyền thông kỹ thuật số, đổi mới và sử dụng kiến thức tốt hơn vì lợi ích của cư dân” (ENRD, 2018). Như vậy, “Làng thông minh” chính là một trong những giải pháp, cách tiếp cận để phát triển nông thôn, nơi mà cộng đồng dân cư địa phương thực hiện các sáng kiến và hoạt động sẽ đóng vai trò trung tâm. Cộng đồng nông thôn bao gồm chính quyền địa phương và các tác nhân nông thôn khác đại diện cho các lợi ích khác nhau. Các hoạt động được thiết kế để phù hợp với nhu cầu của cộng đồng với phương thức tiếp cận từ dưới lên, lấy con người làm trung tâm, nhằm ứng phó với những thách thức đang xảy ra.
2. Bối cảnh ban hành chính sách phát triển “làng thông minh” của Liên minh châu Âu
Các vùng nông thôn ở Liên minh châu Âu có sự đa dạng về tính chất, mô hình địa lý, trình độ phát triển cũng như xu hướng kinh tế xã hội và nhân khẩu học. Với hơn 341 triệu ha, khu vực nông thôn chiếm 83% tổng diện tích của EU, trong đó diện tích đất nông nghiệp, rừng và các khu vực tự nhiên chiếm gần 80% diện tích của EU, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ với khoảng 28% dân số (93,1 triệu dân), đóng góp 15,3% giá trị gia tăng của khu vực (EC, 2020). Trong bối cảnh hiện nay, khu vực nông thôn của EU đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là: (1) Suy giảm dân số, di cư và xu hướng già hóa ngày càng tăng, dẫn đến số lượng người trong độ tuổi lao động giảm; (2) Chênh lệch về thu nhập giữa người dân nông thôn và thành thị vẫn còn khá lớn GDP/ đầu người khu vực nông thôn mới chỉ đạt 66% mức trung bình của    EU-28 so với 118% ở thành thị); (3) Tỷ lệ dân số có nguy cơ đói nghèo và những rủi ro về gắn kết xã hội ở nông thôn cao; (4) Khả năng tiếp cận dịch vụ còn thấp: Tại nhiều vùng nông thôn hẻo lánh, biệt lập, khả năng tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe y tế còn thấp bởi sự thiếu hụt, khó khăn trong kết nối cơ sở hạ tầng (hạ tầng cứng gồm giao thông, thủy lợi; hạ tầng mềm gồm dịch vụ thông tin, khả năng truy cập internet tốc độ cao) (EC, 2019).
Nhằm ứng phó với những thách thức như vậy, cũng như định hướng phát triển khu vực nông thôn tầm nhìn đến 2040, trong chiến lược “Tầm nhìn cho khu vực nông thôn đến năm 2040”, Ủy ban châu Âu đã nhấn mạnh khu vực nông thôn là cấu trúc của xã hội, là một phần cốt lõi trong bản sắc và tiềm năng kinh tế, là khu vực quan trọng cung cấp thực phẩm, tài nguyên môi trường, là nhân tố quan trọng góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cung cấp các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch và phát triển kinh tế tuần hoàn... do vậy, ủy ban châu Âu sẽ có các chương trình đầu tư cho tương lai đối với khu vực này (EC, 2019). 
3. Chính sách và công cụ lập kế hoạch phát triển “làng thông minh”
3.1. Chính sách phát triển “làng thông minh”
Việc định hình và lựa chọn triển khai các dự án thí điểm, các chương trình hành động đối với “Làng thông minh” chính là tập trung vào giải quyết những thách thức nổi lên trong khu vực nông thôn, bằng việc khai thác những thế mạnh và tiềm năng hiện có cũng như các cơ hội mới để tạo ra giá trị gia tăng, hay đó là việc cải thiện hệ thống mạng truyền thông hiện thời bằng các công nghệ truyền thông kỹ thuật số, nhằm tạo ra sự tiếp cận và ứng dụng tốt hơn, đáp ứng lợi ích cho người dân khu vực nông thôn. Do vậy, ý tưởng và các chương trình hành động “Làng thông minh”, đã được EU lồng ghép với một chiến lược phát triển trung và dài hạn nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Công trình vườn thực vật Eden trong mô hình làng thông minh ở Cornwall, Anh nhìn từ trên cao xuống

Ban hành thể chế, chính sách, quy định làm cơ sở để triển khai chương trình “Làng thông minh” tại các nước thành viên EU chính thức được Ủy ban châu Âu đưa ra trong Tuyên bố Cork 2.0 (Cork, Ireland) với tên gọi “Một cuộc sống tốt đẹp hơn ở các khu vực nông thôn”. Trong tuyên bố này, EU khẳng định các chương trình ở cấp độ khu vực và quốc gia thành viên cần phải giải quyết những thách thức đang nổi lên ở khu vực nông thôn. (Veronika Zavratnik et all, 2019). Cụ thể hóa chính sách trong Tuyên bố Cork, tháng 10-2017, Ủy ban châu Âu chính thức đưa ra chương trình hành động với tên gọi “Châu Âu hành động vì Làng thông minh” nhằm thúc đẩy, khởi xướng những ý tưởng, phát huy sáng kiến về làng thông minh trong tương lai. Theo đó, chương trình đưa ra các hành động cụ thể, như: Tổ chức hội thảo, hội nghị, xây dựng nhóm chuyên đề, nền tảng số hóa, phát triển hệ thống băng thông rộng; tập trung vào các giải kết nối và kỹ thuật số; xây dựng nhóm chuyên đề về “Làng thông minh” vào nhằm chia sẻ những sáng kiến cũng như rút ra những kinh nghiệm thành công.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai chương trình, tháng 4-2018, Ủy ban châu Âu đưa ra Tuyên bố Bled (Bled, Slovenia) khẳng định tầm quan trọng của việc triển khai các sáng kiến làng thông minh. Theo đó, việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật số theo hướng tích hợp, đổi mới và sáng tạo sẽ là công cụ đưa “Làng thông minh” trở thành một nơi đáng sống. Việc phát triển các mô hình kinh doanh và các nền tảng công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ sẽ được EU khuyến khích đối với các giải pháp phát triển “Làng thông minh”.
3.2. Bộ công cụ áp dụng đối với việc thiết kế “làng thông minh”
 Các mô hình làng thông minh được thực hiện tại Liên minh châu Âu trong thời gian qua được phủ rộng ra nhiều lĩnh vực, như: Hỗ trợ các doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo trong khu vực nông thôn, phát triển hạ tầng, kỹ thuật số, băng thông rộng…. Mỗi một dự án lại có những bộ công cụ khác nhau để đánh giá tính hiệu quả. Tuy nhiên, về tổng thể, quy trình xây dựng các dự án làng thông minh được bắt đầu với bộ công cụ lập kế hoạch có sự tham gia của người dân. Theo đó, chu trình thiết kế, lập kế hoạch phát triển làng thông minh ở EU là một chu trình vòng tròn lặp đi lặp lại. Nguyên tắc của mô hình là quá trình tập hợp tất cả các khía cạnh thành một quy trình thống nhất, chặt chẽ, giúp đảm bảo rằng kế hoạch được tập trung tốt, có khả năng phục hồi, thiết thực và hiệu quả về chi phí. Việc thực hiện đúng theo quy trình sẽ đảm bảo người dân địa phương đóng vài trò trung tâm của tất cả các giai đoạn thực hiện, cũng như rút ra được kinh nghiệm từ các sai lầm cho bước phát triển mới. Mô hình này có thể được sử dụng kết hợp các lý thuyết tiếp cận từ trên xuống (các chính sách của chính phủ) hoặc từ dưới lên (bắt đầu từ các sáng kiến). Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả, quy trình cần thực hiện các bước: (1) Đánh giá bối cảnh, nhu cầu của địa phương; (2) Gắn kết các bên tham gia; (3) Thiết kế chiến lược; (4) Xây dựng các chương trình hành động; và (5) Giám sát quá trình thực hiện.
Một số chỉ số đánh giá hiệu quả của các mô hình làng thông minh được đề xuất cho từng lĩnh vực như:
Quản trị: Các chỉ số đánh giá trong lĩnh vực này, bao gồm: (1) dịch vụ công: cần xác định các chỉ số đánh giá về dịch vụ hành chính, tỷ lệ sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cộng đồng, dịch vụ khiếu nại; (2) chỉ số mức độ minh bạch: bao gồm các chỉ số minh bạch về tài chính, thông tin; (3) chính sách, bao gồm chỉ số đánh giá mức độ tham gia của các nhà quản lý trong các bước xây dựng, thiết kế và triển khai các sáng kiến làng thông minh.
Công nghệ thông tin áp dụng trong “làng thông minh”: Chỉ số đánh giá cơ sở hạ tầng thông tin, khả năng tiếp cận dịch vụ internet băng thông rộng.
Nguồn lực: Các chỉ số đánh giá nguồn lực tài chính trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp, và nguồn lực con người: Giới tính, tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp của cư dân khu vực nông thôn.
Dịch vụ: chia ra làm các dịch vụ thiết yếu (dịch vụ y tế, giáo dục) và  dịch vụ kinh tế như: số lượng các doanh nghiệp, logistics, số việc làm được tạo ra…
Du lịch nông thôn: Bao gồm các chỉ số đánh giá tiềm năng du lịch của địa phương như chỉ số đánh giá bản sắc văn hóa, điểm du lịch, cơ sở hạ tầng nông thôn (khách sạn, homestay).
3.3. Một số mô hình “Làng thông minh” được thực hiện ở Liên minh châu Âu
Mô hình “làng kĩ thuật số” tại Eisenberg, G-llheim, và Betzdorf-Gebhardshain, Rhineland-Palatinate, CHLB Đức. 
Mục tiêu: Tạo giá trị gia tăng cho hệ sinh thái nông thôn bằng các giải pháp và dịch vụ kỹ thuật số.
Ngân sách triển khai: Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ và Thể thao Rhineland-Palatinate với tổng kinh phí 4,5 triệu euro và được hỗ trợ kĩ thuật bởi Viện Kỹ thuật Phần mềm Thực nghiệm Fraunhofer (IESE). Dự án cũng được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Rhineland-Palatinate - cơ quan tập trung vào việc hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng và xã hội dân sự.
Các chủ thể tham gia dự án: bao gồm cư dân, doanh nghiệp địa phương, chính quyền của các Hiệp hội thành phố, các nhà nghiên cứu từ Fraunhofer IESE và các đối tác khác của dự án.
Với phương pháp tiếp cận từ dưới lên, dự án đã gắn kết sự tham gia của người dân địa phương, doanh nghiệp và chính quyền địa phương để đánh giá các khía cạnh của hệ sinh thái kỹ thuật số địa phương, bao gồm: Cơ sở hạ tầng, nền tảng kỹ thuật số, các ứng dụng tên miền (domain specific applications), nhu cầu xã hội và kỹ năng của cư dân địa phương, cũng như hệ thống quản trị địa phương.
Đánh giá tính hữu dụng của dự án: Việc ứng dụng nền tảng kỹ thuật số nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, cụ thể: Các ứng dụng kỹ thuật số đáp ứng khả năng cung ứng các sản phẩm địa phương một cách nhanh nhất theo phương thức kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua ứng dụng này, người tiêu dùng nắm bắt được phương thức, sản xuất sản phẩm, chất lượng sản phẩm, và ngược lại, người sản xuất cũng nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, để đưa ra các sản phẩm phù hợp nhất. Tham gia vào quá trình phân phối sản phẩm qua ứng dụng điện tử, các tình nguyện viên được huy động, thực hiện vai trò phân phối sản phẩm, kết nối giữa các bên trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các ứng dụng cũng giúp người dân trao đổi trực tuyến về tình hình sản xuất, cũng như có những phản ánh đến chính quyền địa phương.
Quy trình thực hiện: Mô hình (living labs) được đề xuất đưa vào thực hiện theo phương pháp có sự tham gia của các bên. Cụ thể, các hoạt động, giải pháp thực hiện đã được thực hiện ngay trong giai đoạn đầu tiên chính là huy động sự tham gia của các bên liên quan (người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương). Quá trình này tiếp tục được duy trì thường xuyên trong suốt cả chu trình thực hiện dự án, nhằm đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đáp ứng đúng mong đợi của người dân. Dịch vụ kỹ thuật số được mở rộng ra và áp dụng ra nhiều lĩnh vực như: Cửa hàng bánh mì địa phương, trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ, siêu thị; các cửa hàng thể thao, hiệu thuốc, tiệm giặt là, cửa hàng sách và thư viện… Bên cạnh đó, các ứng dụng kỹ thuật số của dự án cũng đáp ứng cho mục đích truyền thông, cụ thể, trên nền tảng kỹ thuật DorfNews (cổng thông tin địa phương), cho phép chính quyền địa phương thông báo cho cư dân địa phương các tin tức, sự kiện địa phương. Ngoài ra, ứng dụng này cũng chia sẻ tin tức về việc thực hiện dự án, các thông tin về các sự kiện của địa phương như lễ hội văn hóa, ẩm thực, cung cấp các thông tin chung về dịch vụ cho khách du lịch… từ đó thúc đẩy sự gắn kết giữa cộng đồng địa phương với các khu vực khác.
Mô hình “Làng thông minh” của Mouans-Sartoux - Pháp
Mouans-Sartoux là một thị trấn với hơn 10.000 cư dân, nằm ở khu vực trung tâm của khu vực Cannes, Grasse và Antibes với hơn 450.000 cư dân. Thách thức mà khu vực này phải đối mặt chính là tình trạng thiếu nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy, sáng kiến làng thông minh của Mouans-Sartoux chính là ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số nhằm cải thiện khả năng sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp bền vững.
Một số giải pháp thông minh được đề ra: (1) Tăng cường khả năng liên kết trong chuỗi cung ứng giữa các khu vực sản xuất nông nghiệp lân cận; (2) Hỗ trợ tái định cư cho nông dân; (3) Phát huy khả năng sản xuất của các hộ dân; (4) Sử dụng các công cụ kỹ thuật số để cải thiện khả năng sản xuất, cung ứng lương thực.
Các hoạt động cụ thể: (1) Tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương về các kỹ năng sử dụng kỹ thuật số; (2) Xây dựng trang web về thực phẩm địa phương; (3) Xuất bản những ấn phẩm công bố những kết quả dự án; (4) Tổ chức các cuộc họp giữa các bên tham gia dự án nhằm tìm kiếm các giải pháp cho vấn đề cung ứng sản phẩm nông sản qua các ứng dụng điện tử, kỹ thuật số.
Mô hình làng thông minh tại Ostana - Italia
Ostana là một trong 100 làng nhỏ nhất ở Italia, nằm ở độ cao 1000-2000m trên mặt biển, phía Tây Bắc dãy núi Alps. Bối cảnh đặt ra đối với việc xây dựng chiến lược làng thông minh Ostana chính là sự thiếu hụt đầu tư công của chính phủ đối với các khu vực xa xôi, hẻo lánh, sự thiếu kết nối khu vực, mức độ quản trị kém về cơ sở hạ tầng (đường xá, giao thông) cũng như các dịch vụ và những tác động tiêu cực về biến đổi khí hậu.
Chiến lược phát triển làng thông minh Ostana được xây dựng dựa trên việc đánh giá, thu thập những sáng kiến của cư dân địa phương, và các tác nhân trong cộng đồng. Chiến lược này được xem là cơ hội để phát triển tầm nhìn trung và dài hạn, cũng như hoàn thiện hơn kế hoạch dựa trên sự tham gia của cư dân địa phương nhằm tăng cường thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp.
Sự thành công trong chiến lược làng thông minh chính là việc xây dựng chiến lược dựa vào phát huy sáng kiến địa phương, thúc đẩy sự gắn kết với các chiến lược ở cả cấp quốc gia, khu vực và địa phương, bao gồm: (1) Chiến lược phát triển các khu vực nông thôn của chính phủ; (2) Chiến lược phát triển địa phương gắn với giá trị di sản kiến trúc: Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ các di sản văn hóa; (3) Chiến lược năng lượng: Thực hiện các giải pháp thông minh về sử dụng năng lượng tái tạo như lắp pin mặt trời cho đèn công cộng; (4) Giảm phát thải các bon: Tổ chức các dịch vụ xe đưa đón du khách; (5) Quản lý nông lâm nghiệp bền vững; (6) Duy trì các dịch vụ cơ bản và phát triển các doanh nghiệp xã hội, đối với các khu vực công.
Các hoạt động cụ thể, bao gồm: (1) Xây dựng và phát triển Ostana thành một cộng đồng xanh: Các hoạt động hướng đến để đạt mục tiêu trên đã và đang tiếp tục được thực hiện như lắp đặt hệ thống đèn đường bằng năng lượng mặt trời và năng lượng gió, lắp các tấm pin mặt trời trên các tòa nhà, phục vụ cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe, phát triển các dịch vụ xe đưa đón trong mùa cao điểm nhằm giảm phát thải cacbon, quản lý rác thải. Thực hiện các sáng kiến trong quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, kết hợp với bảo tồn và phát triển kinh tế; (2) Phát triển nhà ở: Phục hồi các tòa nhà trong làng, kích hoạt chương trình nhà ở xã hội nhằm thu hút lao động trẻ, cũng như tránh được tình trạng đầu cơ du lịch. Tái tạo các không gian dịch vụ chung và hệ thống sưởi ấm cho cộng đồng, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển các chương trình tài chính nhằm tạo ra sự đổi mới đối với nhà ở xã hội, cải thiện khả năng quản lý các dịch vụ công về cơ sở hạ tầng để nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện các chiến lược truyền thông để nâng cao nhận thức cho cư dân; (3) Đổi mới văn hóa và xã hội: Khôi phục lại các di sản văn hóa truyền thống, giữ nét riêng về nét văn hóa của vùng Ostana. Tổ chức các lễ hội văn hóa như Giải thưởng Ostana bằng ngôn ngữ thiểu số; lễ hội khoa học và nghệ thuật; thành lập doanh nghiệp xã hội chịu trách nhiệm quản lý trung tâm văn hóa Lou Pourtoun và bảo tàng dân tộc học…Tạo địa điểm hấp dẫn trong việc thu hút các trường đại học đưa sinh viên đến tìm hiểu về nét văn hóa, tổ chức các sự kiện, hội nghị...
4. Bài học kinh nghiệm và hàm ý chính sách cho phát triển “Làng thông minh” của Nghệ An
Tại Việt Nam trong khuôn khổ thực hiện “Chương trình Quốc gia về xây dựng Nông thôn” trong thời gian qua một số địa phương cũng đã chủ động hơn trong việc áp dụng thí điểm triển khai các mô hình phát triển các “Làng, xã thông minh”. Trong khi các chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể về làng thông minh chưa được thực hiện, có chăng chỉ là những quy định, tiêu chí của chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 bộ tiêu chí được xây dựng theo mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đến nay với hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều vướng mắc về chính sách như: (1) Năng lực cán bộ quản lý cấp địa phương còn nhiều hạn chế; (2) Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp sang các lĩnh vực khác chưa phát huy hiệu quả; (3) Chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất; miễn giảm thuế thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận, hỗ trợ tín dụng còn yếu về cơ chế thực thi (Vũ Văn Đạt, 2019)… thì việc triển khai thí điểm các mô hình “Làng thông minh” ở một số địa phương trong thời gian qua được xem là tín hiệu tốt cho việc áp dụng những sáng kiến, công nghệ vào chương trình phát triển nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030 - 2045.
Việc triển khai các dự án “Làng thông minh” sẽ tạo cơ hội cho các vùng nông thôn không những trở nên cạnh tranh hơn so với các khu vực đô thị về sức sản xuất, năng suất lao động, mà còn đáp ứng các vấn đề về an sinh và hưởng lợi các dịch vụ xã hội. Bên cạnh đó, các mô hình thí điểm cũng sẽ góp phần tạo ra một không gian đáng sống cho người dân khu vực nông thôn, thu gọn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Đặc biệt, mô hình này còn tạo động lực cho các lĩnh vực du lịch sinh thái, du lịch sức khỏe, du lịch y tế, du lịch trải nghiệm, du lịch nghiên cứu… cùng phát triển.
Tại Nghệ An, chính quyền ban ngành của tỉnh đang nỗ lực tập trung các giải pháp nhằm thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh với mục tiêu “đến năm 2025 là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh… Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10 mô hình xã nông thôn mới thông minh và có 20 thôn nông thôn mới thông minh”.
Để đạt được mục tiêu trên, Nghệ An tập trung: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; (2) Đẩy mạnh kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; (3) Phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; (4) Rà soát, lựa chọn xây dựng thí điểm 6 - 8 địa phương cấp huyện về chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về nông thôn mới trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data); (5) Đồng bộ, kết nối và liên thông để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện; (6)  Rà soát, lựa chọn xây dựng thí điểm 10 - 20 địa phương cấp xã nông thôn mới thông minh nổi trội về kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường hay văn hóa…
Theo tác giả, trong bối cảnh chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống cơ sở dữ liệu lớn là những nội dung đang khởi đầu, làm cơ sở áp dụng trong mô hình xây dựng “làng thông minh”. Các chương trình hành động được Nghệ An đặt ra tập trung vào ứng dụng, vận hành “số hóa” là hoàn toàn hợp lý, để thực hiện các dự án, mô hình thí điểm về “mô hình làng thông minh”.
Tuy nhiên, như chúng tôi đã phân tích ở trên, thì “Mô hình làng thông minh” không phải là một mô hình cứng nhắc có thể áp dụng cho toàn bộ các vùng nông thôn, mà đây được xem là mô hình được áp dụng một cách “linh hoạt” đối với từng vùng từng địa phương, trên cơ sở xác định bối cảnh, nhu cầu địa phương.
Chính vì vậy, để thực hiện thành công, một số hàm ý chính sách cần triển khai, cụ thể:
Cần làm rõ khung lý thuyết về phát triển “làng thông minh” có khả năng áp dụng vào khu vực nông thôn của Nghệ An.
Sử dụng ma trận SWOT để phân tích những cơ hội, thách thức, điểm mạnh, điểm yếu mỗi một địa phương như (hạ tầng nông thôn, tình trạng nhân khẩu học, văn hóa bản địa, chuyển dịch kinh tế nông thôn, tiềm năng về du lịch, kết nối nông thôn - thành thị…) từ đó xây dựng chiến lược cụ thể về mô hình “Làng thông minh”.
Việc xây dựng chiến lược cần áp dụng phương pháp tiếp cận từ dưới lên (người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, chính quyền địa phương), nhằm khai thác và phát huy những sáng kiến địa phương trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với mô hình “Làng thông minh”.
Cần xác định rõ cấu trúc quản trị và năng lực quản lý của cấp địa phương. Chiến lược “Làng thông minh” cần có sự tham gia của nhiều tác nhân ở cả cấp Trung ương và địa phương, cũng như các nhân tố trung gian, độc lập để phản biện chính sách (các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu, think -tank từ các viện/trường đại học). Chính quyền địa phương cần đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các nhân tố này.
Các mô hình thử nghiệm cần gắn kết nhóm cộng đồng địa phương. Trên nền tảng phát huy những sáng kiến và các tài sản trí tuệ địa phương kết hợp với những giải pháp về công nghệ số nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực, việc gắn kết nhóm cộng đồng địa phương sẽ bảo đảm được các chương trình, dự án đề xuất đạt được hiệu quả cao hơn.
Chiến lược “Làng thông minh” cần sát thực tiễn. Các mục tiêu đặt ra đối với việc thực hiện dự án cần theo nguyên tắc (SMART: Cụ thể - Specific, có khả năng đo lường - Measurable, đạt được - Achievable, thực tế - Realistic và có thời hạn- time-bound) để thấy được những kết quả cụ thể, mang lại những tác động trực tiếp đến cộng đồng địa phương.
Thủ tục hành chính cần đơn giản: Việc tiếp cận các nguồn lực để thực hiện các mô hình “Làng thông minh” cần đơn giản hóa, tránh các thủ tục gây khó khăn cho công tác triển khai cụ thể ở cấp địa phương.
Cần xây dựng mạng lưới các chuyên gia về “làng thông minh” sẽ giúp giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, cũng như đánh giá sự thành công của mô hình.
Ứng dụng, phát huy số hóa, thương mại điện tử, các giải pháp kết nối về mặt công nghệ  vào mô hình thí điểm “Làng thông minh” nhằm giải quyết các bài toán về sự cô lập, khả năng tiếp cận các dịch vụ công, kết nối giữa khu vực nông thôn và thành thị.
 

Bùi Việt Hưng

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây