Nâng cao vai trò và đóng góp của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An

Thứ ba - 25/06/2024 03:36 0
Nghị quyết số 39 đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững; là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về một số lĩnh vực, trong đó có khoa học và công nghệ (KH&CN), công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hướng đến mục tiêu đó, KH&CN phải đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Một mặt, KH&CN phải gắn với sản xuất kinh doanh, góp phần trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hóa; mặt khác, phải khai thác tối đa và hợp lý các tiềm năng và lợi thế, cũng như hóa giải các thách thức và trở ngại nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.
1. Đánh giá tác động của KH&CN Nghệ An đến kinh tế - xã hội Nghệ An
Những năm gần đây, Nghệ An triển khai đồng bộ hoạt động KH&CN trên nhiều lĩnh vực, bám sát các mục tiêu và có nhiều đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội; nhiệm vụ trở thành trung tâm vùng trong lĩnh vực KH&CN từng bước được triển khai, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 7343/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 phê duyệt đề án phát triển Nghệ An trở thành trung tâm KH&CN vùng Bắc Trung bộ, giai đoạn 2015 - 2020. Tỉnh đã tổ chức nghiên cứu và ứng dụng được một số đề tài, dự án có chất lượng và hiệu quả, hướng tới mục tiêu tạo ra sản phẩm hàng hóa, điều này được khẳng định trong tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW: “KH&CN ngày càng đóng góp nhiều vào giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa, với trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi”(1).


Ảnh minh họa

Trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, đáng chú ý là các đề tài, dự án về sản xuất giống (tôm sú, cá rô phi đơn tính,...) đã bảo đảm cung cấp giống có chất lượng cao và tạo thế chủ động cho sản xuất; các dự án về khảo nghiệm, xác định bộ giống lúa, lạc, dứa, mía,... đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Một số hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, số lượng lớn trên địa bàn tỉnh như: Cam, bò thịt, chè, hải sản, sữa, đường, bột đá trắng siêu mịn, xi măng, phân vi sinh... đều có sự đóng góp quan trọng của KH&CN. Nhiều dự án KH&CN góp phần thay đổi tập quán sản xuất, tạo ra nghề mới cho người dân, như sản xuất rau an toàn ở Hưng Lợi (huyện Hưng Nguyên), Quỳnh Lương (huyện Quỳnh Lưu), Xuân Hòa (huyện Nam Đàn); trồng hoa ở Diễn Hồng (huyện Diễn Châu), Hưng Đông (thành phố Vinh); trồng cỏ nuôi bò nhốt ở Đô Lương; trồng đậu tương, ngô, bí xanh, dưa hấu ở Thanh Chương; trồng cây dược liệu ở Kỳ Sơn, Con Cuông... KH&CN cũng đã góp phần tạo ra nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, như các mô hình sản xuất và trồng nấm ở Tân Kỳ; công nghệ vi sinh chế biến thức ăn cho trâu, bò, lợn từ cây ngô, lá sắn ở Thanh Chương, Anh Sơn; các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ cho hiệu quả cao ở Nghi Lộc, Yên Thành, Hưng Nguyên,...
Tỉnh ban hành kịp thời các văn bản quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng; quản lý công nghệ; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm... Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm hơn đến công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển KH&CN, tập trung xây dựng mới, nâng cấp, đầu tư chiều sâu các tổ chức KH&CN; các phòng thí nghiệm, xưởng thực nghiệm, phòng thiết kế chuyên dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; các trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, kiểm định, trung tâm ứng dụng, chuyển giao công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng... Hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tiếp tục được tăng cường với số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ tăng mạnh qua các năm; “tính đến hết năm 2021, đã có 1479 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.384 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, 67 văn bằng bảo hộ kiểu dáng, 19 văn bằng bảo hộ giải pháp hữu ích và 9 văn bằng bảo hộ sáng chế. Trong cơ cấu văn bằng bảo hộ của tỉnh Nghệ An, tỷ trọng của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chiếm đại đa số với 94%” [1]. Mỗi năm, Nghệ An có 4 - 5 sản phẩm đạt các giải thưởng chất lượng quốc gia và khu vực. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện xây dựng và được cấp các chứng chỉ về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Năng lực kiểm định trong lĩnh vực đo lường và chất lượng cũng đã được nâng lên một bước cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội và sự phát triển của kinh tế. Về sở hữu trí tuệ, bước đầu ngành KH&CN đã hỗ trợ, tư vấn và giúp nhiều doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Một số sản phẩm truyền thống của địa phương như nước mắm Vạn Phần, Cửa Hội, cá thu nướng Cửa Lò, gà Thanh Chương, tôm nõn Diễn Châu... đã xây dựng và được cấp đăng ký nhãn hiệu. Sản phẩm cam Vinh, gừng Kỳ Sơn đã được cấp đăng bạ chỉ dẫn địa lý, là thương hiệu có uy tín trên thị trường.


Ảnh minh họa

Những thành quả này bắt nguồn từ phát huy nhân tố con người ngày càng tốt hơn, trước hết là người lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học đến đội ngũ doanh nhân và lao động sáng tạo của nhân dân. Từ nhiều năm qua, Nghệ An có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ. Đặc biệt, tỉnh luôn coi trọng và tích cực huy động sự tham gia đóng góp của đội ngũ cán bộ khoa học thuộc các trung tâm KH&CN đóng trên địa bàn tỉnh, thúc đẩy đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống(2).
2. Đánh giá vai trò của KH&CN theo tinh thần Nghị quyết 39
Nghị quyết số 20-NQ/TW chỉ rõ: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp” [2]. Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An “về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” là một chủ trương kịp thời, đúng đắn tạo điều kiện, cơ hội để nền KH&CN tỉnh nhà phát triển. Trong đó, khẳng định: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là động lực phát triển nhanh và bền vững. Phát triển khoa học và công nghệ phải gắn kết chặt chẽ, bám sát mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 khẳng định: “Nông nghiệp phát triển ở mức cao so với bình quân của Vùng và cả nước; chuyển dịch theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả; là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nổi bật là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi và chế biến sữa bò của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn”; “Hoạt động khoa học và công nghệ gắn bó và đóng góp ngày càng hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội”. “Tính đến cuối năm 2021, tốc độ đổi mới công nghệ/thiết bị của tỉnh Nghệ An đạt 15%, trong đó trình độ công nghệ các lĩnh vực chủ yếu của tỉnh đạt mức khá so với cả nước. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 20%. Ngành KH&CN đã triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu công nghệ 4.0 và xây dựng đô thị thông minh, thương mại điện tử; hạ tầng, cơ sở vật chất của các đơn vị KH&CN từng bước được đầu tư, mở rộng; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động sàn giao dịch công nghệ, thiết bị; thành lập và đưa vào hoạt động điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng Bắc Trung bộ tại Nghệ An bảo đảm cung cấp thông tin KH&CN để phục vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp với nhà khoa học, giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước”[3].


Thử nghiệm sản xuất thức ăn dự trữ cho gia súc từ phụ phẩm cây mía; nguồn Baonghean.vn

Nghị quyết số 39 một lần nữa chỉ rõ Nghệ An đang hướng tới trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về công nghệ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, KH&CN cùng với một số lĩnh vực khác; KH&CN đang thẩm thấu ngày càng sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc ứng dụng KH&CN đem lại những lợi thế cạnh tranh đặc biệt trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Kinh tế - xã hội phát triển về mọi mặt; đặc biệt là kinh tế tăng trưởng khá nhanh, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô kinh tế được mở rộng, thành quả này có đóng góp quan trọng của KH&CN. 

Ảnh minh họa

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với tiềm năng và nhu cầu phát triển, hoạt động KH&CN của Nghệ An vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. “Công nghiệp công nghệ cao chưa khẳng định được vai trò trung tâm của Vùng theo định hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW. (...) Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, giá trị gia tăng của ngành còn thấp”. “Tinh thần khởi nghiệp chưa lan tỏa mạnh trong xã hội”, “Khoa học công nghệ chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội” [4]. Tỉnh đã tổ chức được nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề cụ thể, nhưng vẫn còn thiếu những đề tài, dự án lớn nhằm tập trung giải quyết những vấn đề mang tính then chốt của kinh tế - xã hội. Các vấn đề hệ trọng về kinh tế, kỹ thuật và xã hội của tỉnh vẫn thiếu sự tư vấn, phản biện của KH&CN, như vấn đề phát triển thủy điện, khai thác mỏ bảo đảm hiệu quả về kinh tế và bảo vệ môi trường, hay việc tái định cư cho đồng bào dân tộc ít người một cách phù hợp, việc sử dụng đất ở các huyện phía Tây của tỉnh, nhất là vùng đất đỏ bazan một cách khoa học và kinh tế, việc nghiên cứu, lý giải các nguyên nhân về môi trường xã hội... Phần lớn các đề tài, dự án đều thành công nhưng chủ yếu đang dừng lại ở mô hình; số kết quả được nhân rộng sau khi đề tài, dự án kết thúc chưa nhiều. Đây là tình trạng của không ít địa phương, tuy nhiên, nó cũng đặt ra cho ngành KH&CN Nghệ An phải đánh giá lại một cách nghiêm túc và bài bản hơn nữa về hiệu quả ứng dụng, nhất là về hiệu quả kinh tế - xã hội của các đề tài, dự án. Hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp tỉnh nhà còn chưa sôi động, giao dịch công nghệ cũng chưa nhiều. Công tác thông tin KH&CN phục vụ người dân, doanh nghiệp chưa sâu sát. Tỉnh còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các đơn vị làm khoa học còn bất cập, manh mún.
Những hạn chế yếu kém nói trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức của các cấp ủy và chính quyền, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân về vai trò, tác động của khoa học và công nghệ chưa đúng mức. Công tác chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ chưa được quan tâm. Nguồn lực dành cho khoa học và công nghệ còn hạn chế.
3. Những giải pháp nâng cao vai trò, đóng góp của KH&CN để phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết 39
Thứ nhất, hoàn thiện cả thể chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trước hết là tổng kết Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 14/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025; xây dựng Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An đến năm 2030. Từ đó, ban hành cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để triển khai hiệu quả việc phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong huy động các nguồn lực. Nghiên cứu cơ chế và giải pháp để tổ chức tư vấn, phản biện khoa học cho lãnh đạo tỉnh đối với những quyết sách, chủ trương lớn về kinh tế - xã hội. Sở Khoa học và Công nghệ phải là cơ quan phát hiện, đề xuất và chủ trì các vấn đề cần tư vấn và phản biện khoa học. Khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh việc phát huy các thế mạnh về văn hóa và lịch sử, cần phải chuyển mạnh sang nghiên cứu và giải quyết các vấn đề cốt yếu đang đặt ra trong đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, như: đánh giá thực chất tiềm năng và định hướng phát triển; môi trường đầu tư và giải pháp phát huy nguồn lực con người... Tổ chức điều tra, đánh giá dư luận xã hội trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, hoặc trước các sự kiện chính trị lớn. Đồng thời, tổ chức điều tra nghiên cứu những biến đổi về cơ cấu xã hội và sự phân hóa giàu nghèo ở địa phương. Qua đó, cung cấp cho lãnh đạo tỉnh những thông tin chính xác và khách quan về bức tranh xã hội, cũng như dư luận xã hội và tâm tư của các tầng lớp nhân dân về những chủ trương, chính sách của tỉnh.
Thứ hai, phải thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 39 để tạo tiền đề phát triển KH&CN và ngược lại, trong đó cần “đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào KH&CN, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số”, phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực về thương mại, logistics, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mạnh công nghiệp theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao; các ngành có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác như công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô; sản xuất vật liệu mới; công nghiệp hỗ trợ. Phát triển mạnh một số ngành công nghiệp nền tảng như công nghiệp năng lượng, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ mới, thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án công nghệ cao. Ưu tiên phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Phát triển dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics trở thành dịch vụ chủ lực, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao giải cho nhóm tác giả tại Lễ trao giải Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Nghệ An năm 2023; Nguồn truyenhinhnghean.vn

Thứ ba, cơ cấu lại nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực và vùng sinh thái để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Phát huy hiệu quả và lan tỏa các dự án chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa tỉnh Nghệ An thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung bộ. Rà soát lại các đề tài, dự án về các giống cây, con, lựa chọn những cây, con thích hợp, có hiệu quả để xây dựng chính sách nhân rộng theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa. Chú trọng nghiên cứu, bảo tồn, phát huy các giống bản địa đã thích nghi điều kiện nông hóa thổ nhưỡng của tỉnh, từ đó tập trung đầu tư một cách thỏa đáng, cả về kỹ thuật, công nghệ, thương hiệu và tổ chức sản xuất... nhằm hướng tới mục tiêu biến thành hàng hóa. Một số giống cây, con quý như gà ác Kỳ Sơn, vịt bầu Quỳ Châu, xoài Tương Dương, cam Xã Đoài, chè hoa vàng Quế Phong,... từng bước trở thành hàng hóa có thương hiệu, có thể cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh tổ chức các đề tài, dự án nhỏ, nhằm giải quyết các yêu cầu thiết thực, bức xúc mới phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhiều đề tài, dự án về KH&CN đã được ứng dụng và bước đầu cho hiệu quả như trồng rau - củ - quả an toàn trong nhà lưới; trồng cây dược liệu dưới tán rừng; trồng mướp lấy xơ xuất khẩu làm đồ thủ công mỹ nghệ; xây dựng vùng khảo nghiệm và sản xuất các giống lúa lai, giống thủy, hải sản có hiệu quả...
Thứ tư, tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về khoa học và công nghệ. Phát triển giáo dục đại học gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; xây dựng các trung tâm nghiên cứu KH&CN trong các trường đại học ngang tầm khu vực ASEAN. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung bộ; trung tâm nghiên cứu liên ngành; chương trình KH&CN phát triển dược liệu tại tỉnh Nghệ An. Vì suy cho cùng mọi quá trình đều xuất phát từ nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chỉ có nhân lực chất lượng cao mới tạo ra đột phá về phát triển KH&CN, ứng dụng KH&CN hiệu quả.
Thứ năm, tập trung thúc đẩy việc hình thành thị trường công nghệ, trước hết, tăng cường thông tin khoa học và công nghệ, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ việc ứng dụng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Đây là những giải pháp kích cầu cần thiết để khởi động dần thị trường công nghệ. Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài và các địa phương đã thực hiện để lập đề án xây dựng trung tâm giao dịch công nghệ Nghệ An. Trước mắt, nên tổ chức một địa điểm trưng bày thường xuyên các sáng chế, các thiết bị, công nghệ, các giải thưởng sáng tạo KH&CN hằng năm; đẩy nhanh chế độ chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 60/2021-NĐ-CP của Chính phủ, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp KH&CN phát triển. Đầu tư cho các tổ chức KH&CN công lập có đủ năng lực cần thiết cả về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị cũng như nhân lực để có thể đối mặt với thị trường, nhanh chóng chuyển mạnh tư duy và hoạt động hướng ra thị trường.
Thứ sáu, tăng cường tiềm lực KH&CN, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về KH&CN. Tập trung rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực KH&CN trên các lĩnh vực. Thực hiện đề án đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KH&CN ở nước ngoài. Có quy hoạch ổn định và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về KH&CN, khắc phục được sự thiếu hụt về nhân lực. Có cơ chế huy động tối đa sự đóng góp của đội ngũ cán bộ KH&CN từ các trung tâm KH&CN lớn của cả nước, trước hết là các trung tâm đóng trên địa bàn, coi đây là một trong những nguồn lực quan trọng của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN phải ngày càng gắn bó chặt chẽ với doanh nghiệp và cơ sở. Có cơ chế thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau ngoài ngân sách cho KH&CN, cũng như khuyến khích các hoạt động sáng tạo KH&CN, ứng dụng và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Phân cấp cho ngành và huyện theo hướng phát huy tính chủ động sáng tạo của cơ sở, đồng thời huy động được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cho KH&CN. Cần phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý và giải quyết những vấn đề bức xúc như vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng… để từ đó KH&CN phải được ứng dụng rộng rãi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Chú thích
1. Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 14/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tr.24.
3. Đến nay, số lượng cán bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh đạt 11,87 người/một vạn dân. Toàn tỉnh có tổng số 71 đơn vị là các tổ chức KH&CN; trong đó, có 5 trường đại học, 11 trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nguồn nhân lực cung cấp cho vùng và cả nước, 6 đơn vị KH&CN của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Vinh, phạm vi hoạt động mang tính vùng, 4 đơn vị khoa học công nghệ tỉnh có liên kết hoạt động trong vùng.
Tài liệu tham khảo
[1] Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 14/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tr.24.
[2] Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tr.2.
[3], [4] Đề án số 21-ĐA/TU, ngày 14/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tr.23-25, 48-51.
 

Quang Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây