Nhóm nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP HCM nghiên cứu gene F12 trong máu, mở ra hướng chẩn đoán sớm ung thư gan

Thứ ba - 23/07/2024 21:35 0
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP HCM vừa hoàn thành một nghiên cứu quan trọng về sự thay đổi của gene F12 trong máu, nhằm phát triển phương pháp chẩn đoán sớm ung thư gan mà không cần đến mẫu sinh thiết.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học gồm Tiến sĩ Nguyễn Minh Nam, Thạc sĩ Bùi Thị Phường, Cử nhân Nguyễn Thành Đạt và Nguyễn Thị Kim Nhường thuộc trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia TP HCM trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023.
Hiện nay, việc xác định ung thư gan chủ yếu dựa vào chỉ thị sinh học AFP, nhưng phương pháp này có độ chính xác không cao. Trong khi đó, sinh thiết gan tuy có độ chính xác cao nhưng lại là phương pháp xâm lấn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân.

Đường cong ROC của gene F12 và AFP trong việc phân biệt mô ung thư và không ung thư ở giai đoạn rất sớm và sớm; xơ gan và ung thư gan; AFP thấp. Ảnh: Nhóm nghiên cứu
Nhóm nghiên cứu đã phát triển phương pháp sử dụng chỉ dấu sinh học từ biểu hiện gene trong máu để phân tích và đưa ra chẩn đoán về bệnh ung thư gan, giúp giảm thiểu tính xâm lấn nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác cao. Chẩn đoán sớm ung thư gan giai đoạn đầu có thể tăng tỷ lệ sống sót trong vòng 5 năm lên tới 70%, giúp bệnh nhân giảm đau đớn và gánh nặng cho gia đình.
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu mở từ gần 2.000 bệnh nhân trên toàn thế giới và 36 mẫu máu cùng sinh thiết từ một bệnh viện tại TP HCM. Nhóm đã sử dụng mô hình học máy để phân tích và xác định 14 gene biểu hiện bệnh ung thư gan, trong đó gene F12 được đánh giá là tiềm năng trong việc phát hiện ung thư gan. Khi biểu hiện gene F12 thấp ở một chỉ số xác định, khả năng bệnh nhân mắc ung thư gan cao, ngược lại biểu hiện gene F12 cao thì khả năng mắc bệnh thấp.
Kết quả tính toán cho thấy mô hình máy học có thể xác định ung thư gan từ dữ liệu của 36 bệnh nhân trong nước với độ chính xác trên 70%, trong khi với dữ liệu nước ngoài độ chính xác đạt 80 - 90%.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Bùi Thị Phường, dữ liệu bệnh nhân trong nước hiện còn ít nên có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của mô hình. Nhóm đang kết nối với các bệnh viện khác trong cả nước để thu thập thêm dữ liệu, nâng cao độ chính xác của mô hình.
Nghiên cứu này đã giành giải Khuyến khích tại cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2024 do Báo VnExpress tổ chức hồi tháng 5. Đại diện hội đồng chuyên môn đánh giá đây là một nghiên cứu có tính xã hội cao, nhưng cần thêm dữ liệu bệnh nhân trực tiếp từ trong nước để đảm bảo tính chính xác và khả thi khi triển khai.
Ung thư gan nguyên phát là một trong những biến chứng chính của bệnh gan mạn tính, với tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ đạt 36% ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ở giai đoạn trung gian hoặc muộn, với tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn từ 3 đến 13%. Việc phát hiện sớm bệnh là yếu tố then chốt giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân./.
 

(TH)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập606
  • Hôm nay46,469
  • Tháng hiện tại1,040,617
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây