Với vài chục triệu, liệu doanh nghiệp có thể chuyển đổi số?

Thứ ba - 11/07/2023 22:27 0

Đây là câu hỏi được thảo luận tại Diễn đàn Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức sáng 5/7.

Các diễn giả tham gia diễn đàn ngày 5/7. Ảnh: Quang Duy
Các diễn giả tham gia diễn đàn ngày 5/7. Ảnh: Quang Duy

Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia tại Diễn đàn cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), nên tận dụng triệt để các công cụ và nền tảng sẵn có để tích hợp vào hệ thống của mình trong quá trình chuyển đổi số.

“Hiểu đơn giản, chuyển đổi số với doanh nghiệp SME là cải thiện tất cả những gì mình đang làm hằng ngày,” ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số, nhận xét. “Tôi đã gặp bài toán khó khăn ở TP.HCM là tìm ra giải pháp chuyển đổi cho những doanh nghiệp nhỏ đến độ chỉ có 2-3 người và doanh thu chưa đến 500 triệu/năm. Tôi khuyên giải pháp đơn giản nhất với họ là mua phần mềm - chỉ vài trăm đến vài triệu đồng - để dùng cho các nghiệp vụ, và coi đó là một bước tiến. Không thể tư duy là có ít nhưng đòi hỏi phải làm được những việc không thực tiễn [như các doanh nghiệp lớn].”

Tương tự, ông Phạm Vũ Hiệp, Tổng giám đốc công ty PAMA chuyên truyền thông và các giải pháp an ninh mạng, khẳng định: “Việc chuyển đổi số với vài chục triệu là khả thi. Đầu tiên, doanh nghiệp phải chuyển đổi những dữ liệu được dùng thường xuyên, ví dụ như biểu mẫu, hợp đồng… bằng cách bỏ tiền ra làm chuẩn chỉ, đúng luật và có xác thực số (verify) đàng hoàng. Thứ hai, doanh nghiệp có thể tuyển ít nhất một nhân sự có năng lực tiếng Anh ở mức tương đối để dùng những công nghệ hoàn toàn miễn phí của nước ngoài.”

Như vậy, các doanh nghiệp SME có thể mua những phần mềm sẵn có (như Base, 1office ...) hoặc sử dụng các công cụ, ứng dụng miễn phí trên mạng (như Google sheet, Slack, chatbot ..) để nâng cao hiệu quả của nhiều tác vụ như quản lý, gọi điện, bán hàng, kế toán, sản xuất,…

Một doanh nghiệp thời trang đóng gói hàng để bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Midori
Một doanh nghiệp thời trang đóng gói hàng để bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Midori

Trong khi đó, ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ của ứng dụng ví điện tử MoMo, nói rằng MoMo luôn suy nghĩ đến việc làm thế để những đối tác nhỏ như các chị bán nước cam, bán café trên vỉa hè Sài Gòn cũng có thểchạy được những chương trình khách hàng thân thiết ngay trên nền tảng thanh toán của MoMo mà không phải bỏ thêm chi phí.

Ông gợi ý, các doanh nghiệp SME có thể tận dụng tối đa những nền tảng (platform) của bên thứ ba như trang thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán, hoặc thậm chí là mạng xã hội như Facebook – để chuyển đổi số với chi phí thấp và ngay lập tức thu được lợi ích.

“Điều này đang diễn ra rất tự nhiên. Ví dụ, mọi người đang dùng các Plug-in trên Facebook để kéo đơn hàng về, gửi giá và liên kết với bên giao nhận. Chúng tôi nhìn tất cả những hoạt động đó là chuyển đổi số, vì rõ ràng nó đang giúp cho quá trình vận hành của doanh nghiệp tốt hơn”, ông Hùng kết luận.


Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới”

Sổ tay Chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch đầu tư và USAID/LinkSME phát hành đã đưa ra công cụ để doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số của mình, đồng thời giới thiệu 19 giải pháp công nghệ trọng tâm cho lộ trình chuyển đổi số, và bảng tham khảo chi phí triển khai các giải pháp theo từng giai đoạn chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ.



Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây