Tư duy năng suất – bước đầu để phát triển

Chủ nhật - 10/12/2023 21:12 0

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất là chìa khóa để duy trì khả năng cạnh tranh của cả doanh nghiệp và quốc gia nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế và xã hội. Cải thiện và thúc đẩy nâng cao năng suất nói chung và năng suất lao động nói riêng là bài toán được đặt ra với tất cả các nước nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vì đây là con đường ngắn nhất thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trải qua hơn 35 đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Song nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang giữ một khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực khi tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào gia tăng quy mô vốn và lao động mà chưa thực sự tập trung vào các yếu tố gắn trực tiếp với cải thiện, nâng cao năng suất như con người, văn hóa, quá trình, công cụ, công nghệ, đặc biệt là tư duy.

Quá trình tăng năng suất, chất lượng trong phạm vi doanh nghiệp hay rộng hơn là nền kinh tế là cả một quá trình gồm nhiều bước, trong đó tư duy năng suất là bước đầu tiên. Tư duy năng suất hiểu một cách đơn giản là sự nhận thức về năng suất, là giải quyết được các câu hỏi tại sao phải học về năng suất, hiểu về năng suất, biết về cách hiện thực hóa được năng suất vào đời sống thông qua các công cụ, hệ thống mà căn cốt là phải nhận thức được muốn có năng suất cao thì phải lấy con người làm trung tâm, lấy tư duy của con người làm khởi đầu cho sự cải tiến. Vì suy đến cùng con người chính là chủ thể của quá trình lao động sản xuất hay là “yếu tố số một của lực lượng sản xuất” vậy nên muốn có tăng trưởng và phát triển đòi hỏi các cá thể (bao gồm cả nhà quản lý và người lao động) trong một nền kinh tế cần nhận thức được vai trò của năng suất và phải đảm bảo thực hiện các hoạt động năng suất cũng như không ngừng cải tiến năng suất của bản thân, doanh nghiệp và tổ chức mình.

Trong quá trình tăng suất, thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức về năng suất là một giai đoạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi vừa là cơ sở vững chắc đảm bảo duy trì sự năng suất vừa là động lực thúc đẩy sự cải tiến năng suất. Nếu nhà quản lý hay chủ doanh nghiệp quan tâm đến năng suất thì môi trường năng suất sẽ được thiết lập, các công cụ cải tiến năng suất sẽ được áp dụng một cách phù hợp,… Nếu người lao động quan tâm đến năng suất thì năng suất lao động của cá nhân sẽ tăng lên; trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm cùng khả năng thích ứng với những thay đổi về công nghệ của bản thân người lao động cũng được nâng cao,… Nếu cả xã hội đều quan tâm đến năng suất thì sức mạnh nội sinh của đất nước sẽ ngày càng lớn mạnh và có khả năng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển,… Nhưng dù chúng ta đã nhìn nhận được xây dựng tư duy năng suất quốc gia là một vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn và khó khăn thì việc hoạch định cho con đường để đi đến thắng lợi cuối cùng là một xã hội “năng suất”  vẫn chưa thực sự được đầu tư một cách xác đáng.

Không phải 5 năm, 10 năm hay 15 năm, mà đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các thế hệ và của mọi thành viên trong xã hội. Không chỉ ở trong môi trường doanh nghiệp mới cần phải hình thành tư duy năng suất mà đây còn là vấn đề sống còn của cả một quốc gia, yêu cầu tất cả các cá nhân, cơ quan hay tổ chức phải cam kết, trong đó không thể không nhấn mạnh trách nhiệm của người trẻ – lực lượng được cho là nguồn nhân lực của nền kinh tế trong tương lai. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ: “Trong quá trình đào tạo cho doanh nghiệp chúng tôi phát hiện ra một điều, chủ doanh nghiệp nào quan tâm thì năng suất tăng và có những bước đột phá. Thế nhưng ngược lại, người đi học lại không thích. Bởi vì điều họ quan tâm là học năng suất này có ra tiền hay không?”. Nhận định này đã chỉ ra một thực trạng rằng, sinh viên Việt Nam vẫn chưa quá quan tâm đến các vấn đề về năng suất dù đây được đánh giá là chìa khóa mở ra cơ hội việc làm, giúp tăng lương và đưa đến sự thành công của một doanh nghiệp thậm chí là sự phát triển của cả một quốc gia.

Khác với các yếu tố hay nguồn lực khác, tư duy của con người là yếu tố không bị giới hạn như đất đai, tài nguyên hay vốn lao động. Đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, khi mà “World is flat” (theo cách giải thích Thomas Friedman) là nơi mà mọi người được bình đẳng tiếp cận với thông tin và tri thức, được học tập một cách hoàn toàn miễn phí các kiến thức và kỹ năng thông qua một hệ thống thông tin “mở” toàn cầu gọi là Internet… Vậy thì tại sao năng suất của chúng ta lại thấp và khó để cải thiện? Thắc mắc đó được đặt ra cùng với hàng loạt câu hỏi khác vẫn chưa có lời giải đáp: Lý do nào khiến chúng ta luôn hằng mong sự phát triển nhưng vẫn tiếp tục lãng phí thời gian làm việc “chăm chỉ” chỉ để thu về một kết quả không mong muốn? Lý do nào khiến chúng ta vẫn tiếp tục tư duy và hành động một cách lối mòn trong khi phương châm là “đi tắt, đón đầu”? Lý do nào khiến chúng ta vẫn cứ khăng khăng cho rằng những phương pháp, cách thức làm việc dựa trên kinh nghiệm của một nền nông nghiệp lạc hậu lại phù hợp với một nền kinh tế thị trường hiện đại, năng động và phát triển ở trình độ cao?

Nhìn lại chặng đường phát triển của những nền kinh tế lớn điển hình là Mỹ và Nhật Bản. Chúng ta biết đến Mỹ và Nhật Bản là hai siêu cường hàng đầu về kinh tế của thế giới, và điều đó thì có lẽ ai cũng biết, nhưng liệu chúng ta đã đều biết được rằng từ lâu năng suất và chất lượng được xem là mục tiêu phát triển được đặt lên hàng đầu của cả hai nền kinh tế nói trên. Chúng ta cùng biết đến sự tham gia và giành thắng lợi của Mỹ vào Thế chiến thứ II năm 1940 mà không biết rằng, vì phục vụ cho chiến tranh, Mỹ đã lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho các hoạt động sản xuất vũ khí và thiết bị tác chiến trong khi Mỹ có 8 triệu người thất nghiệp, phần lớn là những người chưa bao giờ được làm việc bên trong một xưởng sản xuất và đa số họ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ với trình độ rất thấp hay mù chữ. Chúng ta cũng biết đến Nhật Bản là một cường quốc về kinh tế đứng thứ ba thế giới toàn cầu sau Mỹ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mà không nhớ đến quá trình của “sự phát triển thần kỳ” đó trong khi nơi này đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do thất bại sau chiến tranh. Chúng ta còn biết đến một Singapore phát triển với vị thế là một trong “Bốn con rồng của kinh tế châu Á” mà quên đi sự nỗ lực của một “quốc đảo” chỉ với dân số ít ỏi là hơn 6 triệu dân và khan hiếm về tài nguyên? Vậy bí quyết nào làm nên những thành công ngoạn mục đó? Vén bức màn bí mật, ta nhận ra một sự thật không quá bất ngờ khi chính năng suất đã đưa đến những sự phát triển được xem là mang tính đột phá đó. Chính TWI – một công cụ cải tiến năng suất và chất lượng đã giúp cho các xí nghiệp Mỹ cung cấp các thiết bị, vũ khí, nhu yếu phẩm phục vụ cho quân đội Mỹ cùng Đồng min và cũng chính đó là yếu tố mấu chốt dẫn đến thắng lợi của Mỹ trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hay chính LEAN hay TWI – các công cụ cải tiến năng suất và chất lượng là bí quyết làm nên thương hiệu nổi tiếng thế giới Toyota và hàng loạt các thương hiệu khác ở Nhật Bản, cùng với mục tiêu phát triển lấy con người làm trọng tâm là một trong những yếu tố làm nên thành công rực rỡ của “xứ sở mặt trời mọc”.

Cũng như không phải là “phép màu” mà chính nhờ chặng đường dài không ngừng gieo hạt mầm tư duy về năng suất trong mỗi người dân đã góp phần thức tỉnh con rồng ngủ yên ở “đảo quốc sư tử”. Không có một công thức chung nào về năng suất cho sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới nhưng rõ ràng chúng ta đều nhận ra rằng hàm chứa trong sự phát triển của mỗi quốc gia ấy, năng suất là yếu tố luôn hiện diện, là chìa khóa mở ra cánh cửa của sự tăng trưởng và phát triển phồn vinh. Nhưng để chọn ra chiếc chìa khoá và cánh cửa phù hợp với điều kiện và thực tiễn của mỗi nước thì không còn cách nào khác là phải học, phải hiểu được tận gốc, tận nguồn về năng suất hay chính là phải hình thành tư duy về năng suất.

Ảnh minh họa. 

Năng suất không phải là một chủ đề mới, càng không phải là một chủ đề không thiết thực. Hầu hết các nước phát triển từ Nhật Bản, Singapore,… là những minh họa sinh động cho việc áp dụng thành công năng suất, họ đều dạy năng suất cho học sinh từ cấp 1, cấp 2, cấp 3 đến sinh viên với mục đích là hình thành nên tư duy về năng suất cho người dân ngay từ sớm. Tư duy năng suất bên cạnh đòi hỏi phải nhận thức một cách đầy đủ về năng suất, về vai trò của năng suất, về những tri thức, hiểu biết mang tính chuyên sâu về các công cụ, hệ thống cải tiến năng suất và chất lượng, về đổi mới sáng tạo … thì đôi khi tư duy năng suất hiểu đơn giản là giúp con người định hình nhân cách và hình thành nên các đức tính như tính kỷ luật, tính tiết kiệm,… thông qua việc vận dụng một cách linh hoạt các công cụ cải tiến nhằm xây dựng nên một lối sống hiệu quả, có chất lượng hơn cho mỗi người. Tuy giản đơn nhưng đây chính là nền móng góp phần đơn giản hóa quá trình bồi đắp nên tư duy năng suất mang tính chuyên biệt cho các lực lượng lao động khi họ tham gia làm việc ở những ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau nhờ sự có sẵn nền tảng tư duy năng suất ở trước đó.

Có thể nói, quá trình hình thành nên tư duy năng suất là một quá trình lâu dài tích lũy về “Lượng”, đòi hỏi phải có sự nuôi dưỡng và chăm bón giúp cho sự tích lũy về “Lượng” ấy dần dần dẫn đến sự thay đổi về “Chất”, mà đích đến cuối cùng là hòng biến năng suất thành một thói quen bắt nguồn từ sự tự giác thay vì là ép buộc bản thân một cách lâu dài. Ngoài ra, còn cần tùy thuộc vào trình độ nhận thức và mức độ hiểu biết của từng đối tượng để có thể hoạch định được nội dung của quá trình giáo dục và đào tạo sao cho phù hợp song phải luôn hướng tới mục tiêu đưa năng suất đến gần gũi với tất cả mọi người, phấn đấu biến năng suất trở thành một chủ đề mà bất kỳ ai cũng có thể kể về nó, thực hiện nó và hướng dẫn nó cho những người chưa biết. Đừng để Kaizen chỉ là một tư duy cải tiến liên tục của nhà quản lý mà hãy để Kaizen trở thành là động lực thúc đẩy con người phát triển hơn mỗi ngày, đừng để 5S chỉ là một quy trình áp dụng trong doanh nghiệp mà hãy để 5S trở thành một thói quen trong cuộc sống, đừng để Tiêu chuẩn hóa là một dây chuyền kỹ thuật mà hãy để Tiêu chuẩn hóa là công cụ giúp mỗi người rèn luyện được tính kỷ luật và sự tự giác của bản thân,…đừng để Năng suất dừng lại là một thuật ngữ mà hãy biến Năng suất thành một người “bạn” trong cuộc sống của tất cả chúng ta.

Theo VietQ

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập441
  • Hôm nay28,355
  • Tháng hiện tại290,504
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây