Hội nghị kết nối “Pitching Day” 23/3/2023

Thứ năm - 23/03/2023 06:35 0
Trung tâm Thông tin KH&CN Nghệ An (Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An) phối hợp với trường Đại học Vinh tổ chức Hội nghị kết nối “Pitching Day” năm 2023 nhằm đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khối trường đại học; tư vấn cho các dự án khởi nghiệp tham dự Chung kết Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V (SV Startup V); giới thiệu các sản phẩm, mô hình kinh doanh của các Startup với các chuyên gia, nhà đầu tư, từ đó kết nối, giúp đỡ, đầu tư, hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Hội nghị diễn ra 01 ngày, bắt đầu từ 8h00 ngày 23/3/2023, với sự tham gia của ông Nguyễn Viết Hùng - PGĐ Sở KH&CN Nghệ An, ông Nguyễn Đình Hy - Chủ tịch Quỹ VSV Nghệ An và ông Nguyễn Xuân Lục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển khởi nghiệp Sông Lam. Và các chuyên gia kết nối là bà Hoàng Thị Thúy Vân - Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp- Trường Đại học Vinh và ông Nguyễn Hữu Hòa - Quản lý Trung tâm hộ trợ khởi nghiệp tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh Hội nghị
Đến tham dự hội nghị có Đại diện các nhà đầu tư, Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, các Startup, các chuyên gia, mentor; tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Về cá nhân có ông Lê Công Đức - Giám đốc Trung tâm dịch vụ, hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp- Trường Đại học Vinh,  
Tại hội nghị, các Startup trình bày báo cáo dự án và trả lời câu hỏi của các chuyên gia, nhà đầu tư: Ông Thái Tuấn Anh trình bày báo cáo về Dự án: SEBOO Đồ chơi giáo dục thông minh từ tre, gọi vốn đầu tư 150 triệu đồng; Bà Nguyễn Cao Trần Phương trình bày báo cáo về Dự án: EM- Rượu hoa quả thấp độ, không độ; Ông Nguyễn Văn Trung trình bày báo cáo về Dự án: Cửa hàng “Healthy green food”;Bà Trần Thị Mến trình bày báo cáo về Dự án: Gải pháp chuyển giao công nghệ nuôi ruồi lính đen Heril; Ông Võ Tá Nam trình bày báo cáo về Dự án: Nền tảng quản lý và hỗ trợ bán hàng.
Các đại biểu, khách mời, các Startup tham dự tại sự kiện
Sau khi các Startup trình bày báo cáo dự án và trả lời câu hỏi, các chuyên gia, nhà đầu tư đã có những ý kiến trao đổi về các dự án.      
Ông Nguyễn Viết Hùng cho rằng: Các dự án đang mới là ý tưởng. Có 1 dự án đã có sản phẩm mẫu và có 1 dự án SEBOO đã có sản phẩm cung cấp thị trường. Đề nghị kiểm tra thêm về tư cách pháp nhân của các dự án, xem các sản phẩm có đúng như trong giới thiệu không và lưu ý với SEBOO bổ sung thêm các trò chơi trí tuệ như lắp ô tô, thuyền…nếu chạy được thì sẽ tốt hơn, thuyết phục hơn.
Ông Lê Công Đức nêu ý kiến về dự án: Ruồi lính đen Heril đã có mô hình và sản phẩm mẫu. Đây là ý tưởng có hiệu quả và tiềm năng và nên tập trung tư vấn hoàn thiện thêm về mô hình kinh doanh và có thể đóng gói thành sản phẩm để có kết quả tốt hơn. Ý tưởng có khả năng đạt được kết quả cao trong cuộc thi cao hơn.
Ông Nguyễn Đình Hy cho rằng: dự án SEBOO theo báo cáo rất có tiềm năng và cam kết đầu tư 150 triệu đổi lấy 5% cổ phần. Ông Hy đề nghị các nhà đầu tư quỹ VSV thu xếp thời gian tham quan cơ sở sản xuất để nắm bắt thực trạng và tình hình sản xuất, xem các sản phẩm mẫu và kiểm tra thêm bản quyền SHTT.
SEBOO là sản phẩm đồ chơi trẻ em được sản xuất từ các vật liệu gỗ và tre, chủ yếu tận dụng gỗ thải, gỗ vụn và bột tre, phát triển các dòng sản phẩm đồ chơi mang tính giáo dục cao. Các sản phẩm của Seboo bao gồm: Thứ nhất, dòng sản phẩm đồ chơi giáo dục từ gỗ vụn, gỗ thải. Nhằm tận dụng phế thải của các quá trình sản xuất khác, đảm bảo tính tuần hoàn của gỗ, phát triển các dòng sản phẩm đồ chơi giáo dục theo dạng ghép hình đơn giản cho trẻ em từ 0-6 tuổi. Sản phẩm có màu sắc bắt mắt, hình ảnh dễ thương, giúp trẻ từ 0-6 tuổi phát triển tư duy logic, hình học 2D. Các hình ảnh đều gắn với các câu chuyện thường ngày giúp trẻ và bố mẹ có thể phát triển kỹ năng giao tiếp, ngôn ngữ. Đặc biệt, đồ chơi làm từ gỗ an toàn cho trẻ, nhất là trong giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ thường có thói quen gặm, ngậm…Thứ hai, dòng sản phẩm từ tre, bột tre. Đây là dòng sản phẩm chủ lực của dự án, phát triển các sản phẩm lắp ghép có độ khó cao dành cho trẻ em từ 6-10 tuổi và các sản phẩm ghép hình từ bột tre, có giá trị sản xuất gần bằng với đồ chơi làm từ nhựa. Có tiềm năng thay thế sản phẩm đồ chơi thông minh làm bằng nhựa trên thị trường. Với đặc trưng chất liệu tre, dòng sản phẩm này hướng tới phát triển tư duy logic của trẻ từ 6-10 tuổi, đồng thời phát huy tính sáng tạo của trẻ thông qua các tính năng tô màu cho sản phẩm. Các sản phẩm có nhiều tính năng, giúp phát triển toàn diện trí thông minh của trẻ./.
Thái Thị Nguyệt
Sở KH&CN

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay544,344
  • Tháng hiện tại1,997,639
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây