EVFTA và cơ hội xuất khẩu cho nông sản Nghệ An

Thứ bảy - 04/12/2021 04:21 0

LTS: EVFTA đã mang đến cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp Nghệ An nói riêng cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định. Tuy nhiên, những thách thức ấy cũng chính là đòn bẩy quan trọng, giúp ngành nông nghiệp nước ta trưởng thành hơn trong tiến trình hội nhập trên cơ sở đẩy mạnh tái cơ cấu thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung phát triển chế biến sâu và hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, hiện đại.

Ban Biên tập Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) về cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu của nông sản Nghệ An khi tham gia vào Hiệp định.

 *   *   *

   PV: Thưa PGS.TS, EVFTA là một FTA thế hệ mới, bao gồm các cam kết mang tính toàn diện, chất lượng cao, trong đó có cam kết về lĩnh vực nông nghiệp. PGS.TS có thể cho biết một cách tổng quát những cam kết về lĩnh vực nông nghiệp trong Hiệp định này?

    PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng:

    EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, góp phần củng cố mối quan hệ song phương theo hướng chiến lược, toàn diện và bền vững. Do đó, các cam kết của Hiệp định cũng mang tính toàn diện và chất lượng cao. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA… đều có những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường, tạo điều kiện ưu đãi trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

   Về góc độ mở cửa thị trường, Hiệp định này sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. Cụ thể: ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Cam kết Mở cửa thị trường NLTS EU theo nhóm hàng hóa: Thủy sản, trồng trọt, hoa quả: 520/556 dòng thuế về 0% ngay khi HĐ có hiệu lực; Rau quả chế biến: 5,6% dòng SP về 0% khi HĐ có hiệu lực; Cà phê, hạt tiêu: 93% dòng SP về 0% khi HĐ có hiệu lực; Điều: hưởng thuế 0% ngay khi HĐ có hiệu lực; Gạo tấm: thuế về 0% sau 5 năm; SP từ gạo: thuế về 0% sau 3-5 năm; SP xay xát (tinh bột gạo, tinh bột ngô…) hiện thuế trên 100%, lộ trình cắt giảm sau 7 năm; Chăn nuôi 59,95% dòng SP sẽ về 0% khi HĐ có hiệu lực; Động vật sống: cơ bản thuế 0%; Lâm sản 87,55% dòng SP về 0% khi HĐ có hiệu lực; Số còn lại có lộ trình cắt giảm 3-5 năm,...

Với hàng nông sản EU dành tổng lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, thuế trong hạn ngạch là 0%. Các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi cơ bản xóa bỏ thuế ngay. Riêng với hàng thủy sản, 50% dòng thuế xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực (hiện thuế suất phần lớn là 6-22%); 50% số dòng thuế còn lại về 0% sau 3-7 năm…

Ngoài ra còn có các cam kết liên quan khác như: Phát triển bền vững: Quy định về các vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại như thủy sản, sản phẩm lâm nghiệp, đa dạng sinh học mang tính hợp tác, khuyến khích và nỗ lực thực hiện các cam kết.

Sở hữu trí tuệ: Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU và EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam phần lớn liên quan tới nông sản, thực phẩm, là điều kiện để một số chủng loại nông sản Việt Nam tiếp cận và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

Một cơ hội khác mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành nông nghiệp Việt Nam là việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng. Cửa đã mở nhưng để có thể thông hành, hàng nông sản của ta còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ… Với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

PV: Với một Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao như thế thì theo PGS.TS chính quyền và doanh nghiệp cần phải có những thay đổi gì đáp ứng các yêu cầu?

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng:

Tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Để thích ứng được với bối cảnh này, chính quyền cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường... Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ nhà nước tại địa phương để đảm bảo hiểu rõ và thực hiện đúng cam kết trong các FTA thế hệ mới;

- Triển khai hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua Internet;

- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế ổn định, minh bạch; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ;

- Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. Giải pháp này cần sự nỗ lực đồng bộ từ cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp bằng kế hoạch dài hạn, bài bản;

- Cần có cơ chế cảnh báo sớm để doanh nghiệp có thể chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại. Song song với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế;

- Cần có các chính sách xúc tiến thương mại theo từng thị trường, trong cả trung và dài hạn. Tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền sản xuất cung ứng toàn cầu.

Đối với doanh nghiệp, Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho doanh nghiệp hai bên. Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự chuẩn bị giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các doanh nghiệp phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.

Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, v.v. Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.

PV: PGS.TS đánh giá như thế nào về những tiềm năng của ngành nông nghiệp Nghệ An, đặc biệt là tiềm năng về sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh khi tham gia vào Hiệp định EVFTA?

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng:

Nghệ An là tỉnh có diện tích đất đai rộng lớn, với hơn 1,2 triệu ha đất nông nghiệp (trong đó: Đất sản xuất nông nghiệp: 303.919 ha, đất lâm nghiệp: 1.648.649,51 ha); có điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên quy mô lớn, tập trung, có đa dạng các chủng loại sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng tốt và có tiềm năng xuất khẩu, cụ thể:

Sản phẩm trồng trọt: Lúa, sắn, lạc, mía, chè, cây cao su,…; Sản phẩm trái cây: Cam, dứa, chanh leo, bưởi, quýt,...; Cây dược liệu: chè hoa vàng, các giống sâm, gừng, nghệ, gấc,… cây dược liệu đã được đầu tư triển khai trồng tập trung ở các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong; Sản phẩm chăn nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm,...; Sản phẩm lâm nghiệp: Gỗ nguyên liệu, Lâm sản ngoài gỗ như nứa, luồng, vầu, cây nhựa thông, hạt trẩu, măng tươi,...; Sản phẩm thủy sản với tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 243.190 tấn; Diện tích nuôi trồng đạt 21.476 ha;…

Nông nghiệp Công nghệ cao hiện được tỉnh quan tâm phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng CNC là 26.104 ha, chiếm 8,6 % diện tích đất sản xuất nông nghiệp; Tổng đàn bò được nuôi ứng dựng công nghệ cao là 69.460 con; Chăn nuôi trang trại có ứng dụng công nghệ cao trên 70 trang trại; Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là 413 ha, trong đó có 210,5 ha nuôi theo quy trình VietGAP.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã bắt đầu quan tâm và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với 22 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trong đó tiêu biểu có 3 doanh nghiệp được chứng nhận là Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (Công ty CP sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty CP sữa TH true milk, Công ty TNHH Mavin Austfeed); có 25 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Nhờ các chính sách tạo môi trường thuận lợi mà trong những năm qua, tỉnh đã thu hút được một số dự án nông nghiệp của các nhà đầu tư lớn và tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước như: Chuỗi dự án do Ngân hàng Bắc Á tài trợ tín dụng và vốn đầu tư: Dự án chăn nuôi và chế biến sữa quy mô công nghiệp tập trung TH (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD); Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính (vốn đầu tư 2.423 tỷ đồng); Dự án nhà máy gỗ Nghệ An (vốn đầu tư 1.896 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên (vốn đầu tư 1.177 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF tại huyện Anh Sơn của Công ty CP gỗ MDF Nghệ An (vốn đầu tư 1.754 tỷ đồng); Tập đoàn Mavin (Úc) đầu tư dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi MavinAustFeed Nghệ An với tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng; Dự án Trung tâm giống heo hạt nhân công nghệ cao tại huyện Anh Sơn (với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng)…; Dự án về chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Năng lượng ĐKC đang đầu tư vào lĩnh vực sản xuất viên nén sinh khối với công suất 120.000 tấn tại Khu công nghiệp Nam Cấm; Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ (viên nén sinh khối) 240.000 tấn tại Khu công nghiệp Vsip Nghệ An.

Đặc biệt, trong năm 2021, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) về Lâm nghiệp khu vực Bắc Trung bộ tại Nghệ An. Hiện đã và đang thu hút các nhà đầu tư vào triển khai các Dự án hợp phần.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra sự bứt phá, chưa thúc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, chưa đóng góp rõ nét vào nhiệm vụ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của tỉnh nhà. Chúng ta vẫn loay hoay trong việc xác định cây, con chủ lực và xây dựng chiến lược dài hơi và ngắn hạn cho quá trình thực hiện mục tiêu này;… Vì thế, để phát triển nông nghiệp có thể tham gia hiệu quả vào sân chơi của thị trường châu Âu, Nghệ An cần xác định lại các sản phẩm chủ lực trong phát triển nông nghiệp tỉnh Nghệ An; xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư phát triển gắn liền với tái cơ cấu ngành để từng bước nâng cao giá trị và đẩy nhanh tốc độ chất lượng tăng trưởng.

PV: Bên cạnh những tiềm năng đó, theo PGS.TS sản phẩm nông sản chủ lực nói riêng, ngành nông nghiệp Nghệ An nói chung còn có những hạn chế gì cần khắc phục để tận dụng được các cơ hội mà Hiệp định mang lại?

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng:

Chuỗi số liệu tăng trưởng GDP, tỷ lệ tăng sản phẩm nông nghiệp và kim ngạch xuất khẩu nông sản những năm gần đây cho thấy, nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế Nghệ An. Tuy nhiên, đến nay, những hạn chế về chất lượng, tính bền vững, sự sáng tạo và cách thức phát triển, cùng những yêu cầu mới đã và đang đòi hỏi ngành nông nghiệp Nghệ An cần có những bước chuyển mới mang tính đột phá hơn để tận dụng các cơ hội và lợi thế khi tham gia vào Hiệp định EVFTA. 

Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn kém phát triển, nên chất lượng nhiều loại nông sản còn thấp.

Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng rất thấp, chưa có thương hiệu. 

Liên kết giữa 4 nhà còn nhiều hạn chế trong việc tạo ra được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu ràng buộc, chưa hiệu quả và còn nhiều hạn chế.

Tình trạng sản xuất thâm canh, sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ, chất kích thích sinh trưởng và tạo ra nhiều chất thải của các vùng chăn nuôi tập trung tạo ra dư lượng các chất độc hại trong nông sản thực phẩm, làm tăng khả năng chống chịu và đột biến của sâu bệnh; tình trạng ô nhiễm môi trường đang gia tăng, đặc biệt ở các làng nghề và chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

Xuất khẩu còn hạn chế, thiếu ổn định, cơ cấu sản phẩm đơn điệu.

Cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu sau thu hoạch còn hạn chế; tình trạng cạnh tranh giữa các loại nghề, các nhóm tàu, giữa các địa phương trong một ngư trường ngày càng lớn.

Nhiều phương tiện khai thác mang tính tận thu, hủy diệt; thiết bị giám sát hành trình thường xuyên mất tín hiệu kết nối; tình trạng vi phạm vùng khai thác, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định vẫn tiếp diễn.

Tình trạng khai thác gần bờ, công đoạn đánh bắt tận diệt không được xử lý triệt để khiến cho nguồn lợi lẫn môi trường sinh thái tự nhiên bị đe dọa trầm trọng.

Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ, quy trình công nghệ còn lạc hậu chưa đủ sức để vươn tầm châu lục.

Ngành chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản phát triển còn chậm, quy mô các cơ sở chế biến còn thấp, công nghệ chưa cao.

Thị trường châu Âu có quy định, yêu cầu rất cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, môi trường, lao động và quy trình công nghệ. Trong khi đó sản phẩm nông nghiệp Nghệ An vẫn còn nhiều điểm chưa đáp ứng được nhất là tiêu chuẩn về chất lượng.

Tư duy của người sản xuất, doanh nghiệp còn bó hẹp trong địa phương, trong nước, tư duy lợi nhuận trước mắt mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng, môi trường, phát triển bền vững.

Doanh nghiệp và người dân còn hạn chế trong việc nắm bắt thị trường cũng như nắm bắt các thông tin liên quan đến hiệp định EVFTA và yêu cầu của nó.

Ngành logistic chưa phát triển cũng là một trong những khó khăn trong công tác tiêu thụ và xuất khẩu hàng nông sản.

Những tồn tại và điểm yếu trên của ngành nông nghiệp Nghệ An cần sớm khắc phục và giải quyết để có thể tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn cao về chất lượng cũng như định vị rõ hơn vị thế của mình trên trường quốc tế khi tham gia vào Hiệp định.

PV: Theo từng giai đoạn, ngành nông nghiệp Nghệ An nên thích ứng thế nào để khắc phục điểm yếu, vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại, thưa PGS.TS?

PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng:

EVFTA không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu, mà nó còn có giá trị đối với việc nhập khẩu nguyên liệu của các ngành hàng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội của Hiệp định mang lại, Nghệ An thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình tái cơ cấu toàn diện nền nông nghiệp. Cụ thể:

- Tăng cường thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

- Tập trung đầu tư sản xuất, chế biến một số mặt hàng có thế mạnh của tỉnh đặc biệt là 7 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2021-2030.

- Tập trung chỉ đạo công tác đánh bắt hợp pháp để cùng với cả nước gỡ thẻ vàng châu Âu về đánh bắt bất hợp pháp (IUU).

- Nâng cao chất lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để từng bước đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do Liên minh châu Âu đưa ra.

- Tập trung đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất và chế biến, nâng cao năng suất lao động, để tạo sản phẩm tốt, đạt chất lượng và có giá cả cạnh tranh.

- Tập trung đầu tư, phát triển khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại Nghệ An theo Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Để biến ngành gỗ của Nghệ An là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh, đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, nhất là thị trường EU.

- Quan tâm đầu tư và phát triển hệ thống logistis.

- Phát triển công nghệ số trong nông nghiệp, đưa các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Nghệ An lên sàn thương mại điện tử.

- Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực trong việc tiếp cận thị trường nhất là thị trường EU.

- Tăng cường công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các nhà đầu tư đến từ châu Âu.

Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

P.V (Thực hiện)

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây