Với đời sống tâm linh đôi điều tôi muốn nói

Thứ tư - 26/01/2022 04:21 0

Trong sự sống của loài người có đời sống tâm linh vốn là thiên hình vạn trạng. Mà nói về đời sống tâm linh thì thường là nghĩ ngay đến tôn giáo với các vị thần linh. Từ đó cùng với việc tôn giáo nào cũng xây dựng học thuyết của tôn giáo mình thì việc lý giải hiện tượng tôn giáo trong đó có các vấn đề nguồn gốc, bản chất, tôn giáo trong sự sống con người và thái độ con người đối với tôn giáo là vô cùng sinh động, phong phú và phức tạp. Trong Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen - Lời nói đầu Mác đã viết: “Đối với nước Đức thì việc phê phán tôn giáo, về thực chất, đã kết thúc và việc phê phán tôn giáo là tiền đề của mọi sự phê phán khác… Căn cứ của sự phê phán chống tôn giáo là: con người sáng tạo ra tôn giáo chứ tôn giáo không sáng tạo ra con người. Cụ thể là: tôn giáo là sự tự ý thức và sự tự tri giác của con người chưa tìm thấy bản thân mình hoặc đã lại đánh mất mình một lần nữa. Nhưng con người không phải là một tồn tại trừu tượng ẩn náu đâu đó ở ngoài thế giới. Con người chính là thế giới những con người, là nhà nước, là xã hội. Nhà nước ấy, xã hội ấy sản sinh ra tôn giáo tức thế giới quan lộn ngược… Tôn giáo biến bản chất con người thành tính hiện thực ảo tưởng vì bản chất con người không có tính hiện thực thật sự. Do đó đấu tranh chống tôn giáo là gián tiếp đấu tranh cái thế giới mà niềm vui tinh thần là tôn giáo… Việc phê phán tôn giáo làm cho con người thoát khỏi ảo tưởng để người tư duy hành động xây dựng tính hiện thực của mình với tư cách là một con người đã thoát khỏi ảo tưởng và đạt đến tuổi đã có lý trí… Do đó nhiệm vụ của lịch sử, sau khi thế giới bên kia của chân lý đã mất đi là xác lập chân lý của thế giới bên này. Một khi hình thức thần thánh của sự tự tha hóa của con người đã bị bóc trần thì nhiệm vụ thứ nhất của triết học đang phục vụ lịch sử là bóc trần sự tự tha hóa trong những hình thức không thần thánh của nó”(1). Ở phương Đông cổ đại, Khổng Tử thì nói: “Kính thần như thần tại” và “Kính nhi viễn chi”. Ý là: thần có hay không làm sao mà biết nhưng nếu tin có thần mà tôn kính thì như có thần. Tôn kính nhưng lại phải xa ra. Ngày nay, đây đó cũng có ý kiến cho rằng nguồn gốc của tôn giáo là sự ngu dốt của con người, là sự tha hóa của con người, là thuốc phiện, là chuyện tạo thần quyền để tăng uy thế cho quân quyền. Lễ tế Nam giao ở kinh đô Huế xưa là để tăng uy thế cho uy quyền của nhà vua. Cho nên sau 1975 đã đập đi để xây đài liệt sĩ. Sau đó nhận ra sai lầm mới khôi phục lại nhưng đã hỏng về kiến trúc không cứu vãn được. Điểm qua một chút là như thế.

Sau đây tôi xin được nói đôi điều về đời sống tâm linh:

1) Đành là trong đời sống tâm linh thì có tôn giáo và giáo hội. Nhưng tôi vẫn không muốn đồng nhất hai khái niệm tâm linh và tôn giáo. Bởi nội hàm của khái niệm tâm linh rộng hơn và trùm lên cả khái niệm tôn giáo. Dù tôn giáo là thành tố có trọng lượng nhất trong đời sống tâm linh. Vậy thì cội nguồn của đời sống tâm linh trong sự sống con người là gì? Theo tôi, đặc trưng bản chất nhất về sự sống của con người là ham muốn vốn là thiên hình vạn trạng. Mất hết ham muốn là mất hết sự sống. Người điên, người sống thực vật không còn ham muốn là không còn giá trị sống. Bị lưu manh hóa đến mất cả nhân hình nhân tính như thằng Chí Phèo của Nam Cao mà vẫn thèm khát tình yêu và khi có được Thị Nở, có được bát cháo hành thì lại còn thèm lương thiện, chứng tỏ là còn giá trị sống nhất định. Động vật cũng ham ăn như người nhưng đó chỉ là sự ham muốn bản năng sinh học. Trong khi sự ham muốn của loài người là từ bản năng sinh học chuyển thành tự phát đến tự giác với nội dung muôn màu muôn vẻ. Nhưng oái oăm thay với loài người mà tạo hóa bắt phải chịu muôn đời là: từ ham muốn đến cái có được vẫn là một khoảng cách. Nói là Vouloirc’ est pouvoir nhưng có phải vouloir nào cũng là pouvoir đâu. Chính khoảng cách đó là mảnh đất màu mỡ của đời sống tâm linh xuất hiện bắt đầu từ những hình thức đơn sơ là mong ước cầu xin ở lực lượng siêu nhiên: “Lạy Trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp”. Từ đó mà có lễ cầu mưa (đảo vũ) trong dân gian và quốc gia, mà nẩy sinh các phương thuật tôn giáo. Nếu chấp nhận luận điểm về nguồn gốc tâm linh như thế thì tất yếu sẽ có hệ luận: Còn loại người là còn đời sống tâm linh trong đó có tôn giáo dù có một bộ phận người không tôn giáo nhưng chắc gì đã không có đời sống tâm linh theo kiểu riêng. Nhà thơ Chế Lan Viên từng nói: Không có tôn giáo thì loài người sẽ trở lại là động vật đăng trên báo hẳn hoi. Sau đó nghĩ thế nào lại yêu cầu cải chính. Những nhà khoa học vĩ đại như Pascal, Einstein đều theo đạo Thiên chúa. Những đại văn hào như Balzac, Tolstoy vẫn tuyên bố tôi viết dưới ánh sáng của Chúa. Tâm linh là một năng lực được Thượng đế ban riêng cho loài người. Muôn loài khác không có năng lực đó. Đã là năng lực người thì loài người phải biết xử lý sao cho có lợi với loài người.

2) Mối quan hệ giữa tâm linh và thế tục, giữa ảo tưởng và hiện thực trong sự sống con người là thế nào? Đã có khuynh hướng cho đó là quan hệ mâu thuẫn đối kháng bởi cuộc sống là thế tục, là hiện thực trần trụi như nó vốn có. Con người phải sống trọn vẹn với tính hiện thực của con người. Hiểu thế là quá thô sơ. Người dân thiểu số ở miền núi bao đời vẫn tin có ma rừng nên không phá rừng. Ngày trước một khi khí quyển tâm linh còn đậm đặc, trong cuộc sống con người có hai loại cảnh sát: cảnh sát trần gian và cảnh sát tâm linh. Con người làm gì cũng sợ chết xuống âm phủ sẽ bị trừng phạt do đó ít gây tội ác. Bà con theo đạo Thiên chúa hàng tuần đi lễ, xưng tội nên vẫn giữ yên được cuộc sống gia đình và xóm làng tốt. Con trai con gái theo đạo trước ngày cưới đến nhà thờ làm lễ do đó rất ít ly hôn. Sao lại không coi những chuyện ấy là thế tục cần có. Nhà sư sáng tối tụng kinh niệm Phật, thiền định, nhập thiền, nhờ tịnh tâm nên kéo dài được tuổi thọ. Các thiện nam, tín nữ đến chùa lễ bái cầu xin là những khoảnh khắc sống với thiện tâm, cũng là những khoảnh khắc xả stress nếu có. Các doanh nhân vật lộn căng thẳng với thương trường cũng là chiến trường mà rằm mồng một nào cũng đến chùa hay chủ nhật nào cũng tới nhà thờ thì hôm sau vào thương trường chắc sẽ sáng suốt hơn. Mỗi thời đại có một tâm thế riêng. Với thời hiện đại tâm thế là xáo động căng thẳng. Có tâm linh thì tâm thế sẽ có thêm tịnh lặng bên cạnh độ căng thẳng. Bác sĩ - nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viễn từng nói: ở đâu phá đi một ngôi chùa thì ở đó nên xây một bệnh viện. Nói vậy là sao nếu không phải từ góc nhìn y học với tôn giáo. Ở quê tôi có đền thờ Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí người được mệnh danh là “Người hai lần khai quốc”. Trong chiến tranh chống Mỹ cả huyện Nghi Lộc của tôi không đâu không bị bom hoặc bị pháo từ biển Đông bắn vào. Xã Nghi Quang cạnh xã tôi bị bom hai ngày liền chết hơn trăm người. Riêng xã tôi một lần bị ném 8 quả bom thì không nổ quả nào. Một người chết bởi pháo bắn từ biển vào nhưng lại chết trên đất xã khác. Tại xã tôi cũng có một người bị pháo bắn từ biển vào chết nhưng lại là người xã khác đi qua. Từ đó có hai cách biện giải: Một thì cho rằng do xã tôi không có đường chiến lược đi qua. Một thì cho rằng sở dĩ xã tôi được như thế là nhờ có Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí là anh hùng chống ngoại xâm thắng lợi che chở. Trong thực tế, người dân Nghi Quang đã kéo nhau vào khu đền chụm lều sơ tán cho đến ngày hết chiến tranh. Đền Nguyễn Xí trở thành nơi cầu cúng lễ bái, lên đồng vô cùng sôi động. Còn vấn đề mê tín dị đoan là thế nào? Đâu đó từ chuyện tin có ma rừng thì không phá rừng như trên đã nói mà cho rằng không có chuyện mê tín dị đoan. Nhưng theo tôi vẫn có mê tín dị đoan cần bài trừ. Mà tiêu chí để phân định mê tín hay không tin là ở hiệu quả lợi hay hại của hiện tượng tâm linh đó trong sự sống của con người, ở động cơ trong sáng hay vụ lợi trong hoạt động tâm linh. Trong thực tế, hiện tượng thương mại hóa tâm linh để vụ lợi là mảnh đất màu mỡ của mê tín dị đoan cần ngăn chặn. Tôn giáo nào cũng có giáo hội. Mà ở đây lại có khoảng cách. Tôn giáo nào thì cũng thuần khiết. Nhưng giáo hội thì không hẳn là thế. Là khá phức tạp do đã dính với thế tục có qui luật thiện ác tương tranh là định mệnh muôn đời. Đã có chiến tranh và nạn khủng bố liên quan đến giáo hội, đã có nạn buôn thần bán thánh ở giáo hội này giáo hội khác rất tai hại cho cuộc sống mà không dễ chấm dứt.

 3) Trở lên là chuyện quan hệ giữa tâm linh và thế tục thể hiện trong cuộc sống. Còn đây là chuyện thuộc phạm vi triết thuyết mà triết lý Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông là một hiện tượng cao diệu mà chính Ngài vừa nêu ra vừa thực hành vừa chủ thuyết một cách vĩ đại sáng chói với muôn đời của đất nước(1). Cư trần là sống giữa cuộc đời như mọi người vẫn sống. Ngài vẫn lấy vợ đẻ con, vẫn làm vua, vẫn lãnh đạo đất nước chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba đi đến đại thắng vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Vẫn gả con gái là Huyền Trân Công chúa cho vua Chiêm Thành để được con rể tặng hai châu Ô Lý mở đầu bờ cõi giang sơn một cách êm đẹp không đâu có. Nhưng rồi Ngài đã bỏ ngôi báu để làm Thái thượng hoàng. Tiếp nữa là lên Yên Tử đi tu trở thành Đệ nhất Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm. Đi tu nhưng đâu phải là thoát tục, trốn đời. Đi tu nhưng thông qua vai trò của giáo hội mà chỉ đạo công việc quốc gia. Lý tưởng của Ngài là xây dựng một đất nước Việt Nam lấy tình thương giữa con người với con người làm nền tảng vững chắc. Nguồn gốc của lý tưởng này là từ sự giao thoa truyền thống nhân ái của dân tộc với Phật giáo một tôn giáo có tình thương con người lớn hơn bất cứ tôn giáo nào khác của nhân loại. Sử sách từng ghi: sau đại thắng Nguyên Mông, lục giấy tờ ra thì thấy số lượng quần thần đầu hàng ngoại xâm không nhỏ. Trước tình hình đó thông thường sẽ có sự trừng phạt đến nơi đến chốn. Nhưng Trần Nhị Thánh (Thánh Tông và Nhân Tông) đã mở triều và trước mặt quần thần cho đốt hết hồ sơ của kẻ phản nghịch để họ an tâm quay về với chính nghĩa, tránh đi nạn người chiến thắng trả thù kẻ chiến bại, tạo dựng khối đoàn kết dân tộc để phát triển đất nước. Một hiện tượng phi thường trong lịch sử. Triết thuyết Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong thực tế là thế. Với Phật hoàng Trần Nhân Tông đi tu là hiện tượng nhập thế dưới hình thức xuất thế. Tâm linh mà thế tục. Ngài đã trở thành một biểu tượng hiếm có đầy đủ tiêu chuẩn “Tam bất hủ” (ba giá trị không bao giờ hủ bại): lập đức lập công và lập ngôn. Đặc biệt là trường hợp hầu như duy nhất cầm quyền mà không rơi vào bi kịch của người cầm quyền(2).

 4) Thử so sánh sự khác nhau Đông Tây về thế giới tâm linh.

Đây là chuyện quá lớn và quá khó nhưng tôi vẫn muốn đánh liều nói đôi lời vì có điều liên quan và gây hiểu sai về đời sống tâm linh nói chung, đời sống tâm linh của phương Đông nói riêng trong đó có Việt Nam. Sự khác nhau giữa Đông và Tây về tâm linh bắt đầu từ sự khác nhau về phong cách tư duy. Với phương Đông là tư duy chủ toàn cầu tính (globale, sphèrique) thiên về tổng hợp (syncrétique) thiên về hướng nội (interne). Với phương Tây là tư duy tuyến tính (linéaire) giàu khả năng phân tích (analitique) thiên về hướng ngoại (externe). Một bên thiên về hướng ngoại một bên thiên về hướng nội cho nên dung lượng chữ Tâm của hai bên khác nhau. Trong tiếng Pháp hầu như chỉ có một từ caeur để nói về trái tim con người trên hai phương diện: sinh lý và tâm lý là tấm lòng. Còn các phương diện khác thuộc đời sống tâm lý thì có các từ khác. Trong khi với chữ Tâm ở phương Đông thì trong Từ hải của Trung Quốc có đến 27 từ tố có tiền tố là Tâm. Thiên về hướng nội cho nên về tâm lý ngoài ý thức (conscience) còn là vô thức (inconcience) tiềm thức (sous conscience), tiền ý thức (préconcience) thì đậm đặc phì nhiêu hơn và nặng về duy cảm duy tình hơn duy lý. Câu thơ Kiều: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài là thế. Với phương Đông thiên về hướng nội nên nội dung triết lý, nội dung học thuyết tôn giáo, đời sống tâm linh cũng đầy dặn phong phú hơn. Một chút so sánh nội dung giáo lý của Phật giáo và Thiên chúa giáo thì thấy như thế. Việc nhận thức về mối quan hệ giữa tâm linh và thế tục của hai bên cũng khác nhau. Trong khi với phương Tây thiên về chủ biệt, giàu khả năng phân tích, thiên về hướng ngoại thì sẽ phát triển mạnh về khả năng duy lý từ đó là khả năng khoa học nên giàu có hơn, mạnh về đời sống vật chất hơn. Trong phạm vi triết học thì nổi lên là hiện tượng tranh chấp giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm trong đó quan hệ tâm - vật là quan hệ đối kháng. Duy vật kiên quyết chống lại duy tâm. Đâu đó đã có ý kiến cho rằng về triết học thì phương Tây không bề thế không hấp dẫn bằng phương Đông cổ trung đại. Dù hiểu biết có hạn, tôi vẫn muốn tin ý kiến đó là có căn cứ. Thử hỏi trong lịch sử triết học phương Tây có công trình nào có sức sống đa diện đa chiều trong đó có hai chiều thuận nghịch là khoa học và tâm linh có sức sống bền vững như Kinh dịch của phương Đông. Bởi Kinh dịch là công trình triết học hơn bất cứ công trình triết học nào khác của nhân loại cổ kim Đông Tây ở chỗ với học thuyết âm dương là một trực cảm thiên tài đã chạm đúng và phản ánh được đặc trưng bản chất nhất vĩ mô nhất bao trùm nhất sự sống bao gồm sự sống tự nhiên và sự sống con người là luật đối trọng (Contre poids) có nội hàm sâu sắc hơn nhiều so với luật mâu thuẫn (contradiction). Thử xem cách hiểu của phương Tây về khái niệm ông vua trong thuyết quân vương của Nho giáo thì rõ thêm sự khác nhau của đôi bên. Theo cách nhìn của phương Tây thì ông vua là người có quyền uy quyền lực tuyệt đối, muốn làm gì thì làm. Tốt thì dân được nhờ, xấu thì dân phải chịu. Lạc hậu vô cùng so với ông tổng thống điều hành đất nước bằng hiến pháp và chế độ nghị trường. Trong khi với thuyết quân vương của Nho giáo thì vua là Thiên tử (con Trời) có sứ mệnh Thế thiên hành đạo (thay trời thực hành đạo lý với người dân). Ông Trời đúng là một hình tượng siêu hình mà theo chủ nghĩa duy vật đã là siêu hình thì hoàn toàn vô nghĩa. Một số người Mácxít ấu trĩ còn cho rằng ông Trời là chuyện bịa tạo thần quyền để tôn uy thế cho quân quyền. Trong khi với phương Đông hình tượng ông Trời là sản phẩm tưởng tượng của năng lực người. Con người có khả năng tự tạo ra trong tâm tưởng thường trực của ông vua một ông Trời có quyền uy tối thượng để hướng dẫn đôn đốc kiểm tra không chỉ hành động mà con tâm tư thầm lặng của ông vua để thực hành sứ mệnh thay Trời hành hóa đạo lý với dân. Nó là siêu hình nhưng tác dụng thực tiễn vô cùng lớn lao. Như đã nói thiện ác tương tranh là qui luật của muôn đời. Trong xã hội xưa không phải không có hôn quân bạo chúa nhưng minh quân nào có ít. Cứ nhìn vào lịch sử dân tộc một cách khách quan thì rõ. Đọc thêm bài thơ Dụ thần liếu mà người thì nói của vua Thành Thái nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn thì nói của vua Minh Mạng vào năm 1831 nhân thấy có sao chổi xuất hiện nghĩ là điềm Trời quở trách bèn ra lệnh thiết triều làm lễ sám hối. Quần thân có kẻ tâu lên không phải sao chổi nào xuất hiện cũng là điềm gở. Xuất hiện ở hướng Đông Nam là điềm lành. Nhà vua cho ngừng để tra lại sách vở thì không có chuyện đó. Nên ra lệnh làm lễ sám hối và đọc bài thơ Dụ thần liêu mà bốn câu thực luận là: Nhất bôi mỹ tửu quần sinh huyết/ Bản trản hòa canh bách tính cao/ Thiên lệ lạc thời nhân lệ lạc/ Cao thanh ca xứ khốc thanh cao (chén rượu quý các ngươi uống đó là máu của quần sinh/ Bát canh ngon các ngươi ăn đó là mỡ của trăm họ/ Khi trời tuôn nước mắt (mưa) cũng là lúc người tuôn nước mắt/ Nơi (kinh đô) cất lên tiếng hát cao cũng là nơi cất lên tiếng khóc cao). Hỏi đâu đã chưng cất lên những vần thơ chắc chắn không phải mỹ dân như thế nếu không là thuyết thiên mệnh. Hệ quy chiếu duy vật luận của phương Tây đã không hiểu và hiểu sai không ít đời sống tâm linh của phương Đông xưa trong đó có thuyết Thiên mệnh của Nho giáo. Không chỉ hiểu sai mà nhất thời từng gây ra sự phá hoại đời sống tâm linh phá bỏ đền chùa rất tai hại để hậu thế hôm nay đang phải bù đắp.

 Chú thích

1). Trích sách Về tôn giáo Tập I, Viện nghiên cứu Tôn giáo, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1994.

2). Xem thêm các bài: Từ di tích đền Cờn nghĩ về đời sống tâm linh trên đất Nghệ quê ta, Những là rày ước mai ao, Một thoáng cung chiêm đệ nhất minh triết Phật hoàng Trần Nhân Tông, Cuộc sống hiện đại và triết thuyết Cư trần lạc đạo của Phật hoàng Trần Nhân Tông; Nguyễn Đình Chú (Tuyển những bài viết sau 1975):Văn hóa Văn học Giáo dục, NXB ĐHQG Hà Nội 2017.

3) Bài này có một vài ý đã có ở bài này khác nhưng chủ điểm khác nhau mà vẫn cần các ý đó. Mong thông cảm. 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây