https://vnexpress.net/hai-huong-phat-trien-cho-nganh-thiet-ke-vi-mach-viet-nam-4526327.html

Thứ ba - 25/10/2022 23:19 0

Hệ thống phân tích Compas được đánh giá sẽ hỗ trợ các chuyên gia, đơn vị quản lý trong khai thác dữ liệu sáng chế, nghiên cứu công nghệ, đối thủ, thị trường.

Tại hội thảo "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo số với hạ tầng phân tích dữ liệu lớn" tổ chức sáng 19/10, ông Đào Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (NASATI) giới thiệu Hệ thống Compas. Hệ thống này do Viện Thông tin khoa học và công nghệ Hàn Quốc (KISTI) xây dựng và đã sử dụng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc. Compas phiên bản Việt (V-Compas) được chuyển giao công nghệ cho NASATI nghiên cứu vận hành phục vụ cộng đồng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong nước.

 
Ông Đào Mạnh Thắng chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: LD

Ông Đào Mạnh Thắng chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: LD

Compas là công cụ trực tuyến chạy trên nền tảng dữ liệu lớn (BigData) giúp phân tích, đánh giá hiện trạng và xác định xu hướng phát triển công nghệ trong các ngành, lĩnh vực. Hệ thống hỗ trợ chuyên gia trong quá trình tìm kiếm dữ liệu và ra quyết định liên quan đến công nghệ, thông qua đánh giá các tài liệu về sáng chế, bài báo khoa học và kết quả nghiên cứu. Công cụ cũng giúp doanh nghiệp tra cứu thông tin sáng chế, thị trường khoa học công nghệ, nhận dạng đối thủ cạnh tranh.

Nền tảng cho phép nhập cơ sở dữ liệu, sử dụng khai thác dữ liệu sẵn có, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong quản lý công nghệ bằng kinh nghiệm và công nghệ thông tin mới nhất của Hàn Quốc. Compas tiến hành phân tích, đánh giá hiện trạng từng lĩnh vực cụ thể để đưa ra dự báo và định hướng công nghệ cần phát triển. "Công cụ hỗ trợ hữu ích với nhiều đối tượng người dùng, từ nhà quản lý khoa học, nhà nghiên cứu đến các doanh nghiệp muốn nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường", ông Thắng nói.

 
Giao diện nền tảng Compas. Ảnh chụp màn hình

Giao diện nền tảng Compas. Ảnh chụp màn hình

TS Hyuck Jai Lee, Giám đốc dự án của KISTI, cho biết công đoạn cốt lõi là chuẩn hóa dữ liệu, tạo ra một nền tảng đủ khả năng xử lý một lượng thông tin lớn giúp người dùng sử dụng dễ dàng, nhanh chóng. Khi chuyển giao cho Việt Nam, mô hình phân tích dữ liệu được mở rộng thêm các modul phân tích đưa ra ý kiến, thông tin về cơ sở dữ liệu sáng chế và thực trạng của Việt Nam.

Tuy nhiên TS Lee cho biết vẫn còn hạn chế là Compas chỉ có các thông tin về công nghệ đã được đăng ký sáng chế. Theo đó việc triển khai nền tảng vẫn cần được định hướng và có hành lang chính sách, tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân sự.

TS Đỗ Đức Nam, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ (NIPTECH) cho biết, Compas đã thể hiện được những điểm mới, các doanh nghiệp, tổ chức có thể tận dụng khai thác. Tuy nhiên một số vấn đề như thu thập cơ sở dữ liệu về sáng chế, thông tin doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường hay số hoá dữ liệu, chuyển ngữ bài báo... vẫn cần được chú ý.

Ông Nam cho rằng, cần bổ sung dữ liệu thông tin từ nhiều nguồn để có cơ sở dữ liệu đủ lớn. Ông cũng mong muốn các đơn vị kết nối phần dữ liệu cơ sở của Việt Nam, bổ sung chuyên gia (người thực) trong lĩnh vực không chỉ dừng ở những đánh giá sơ bộ của máy.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng gợi ý mở rộng cơ sở dữ liệu hệ thống, bổ sung dữ liệu phi sáng chế. Ông Thắng cho biết, sẽ kết nối với các đơn vị, tìm hiểu các dữ liệu chuyên sâu hơn, bổ sung thêm modul, làm dày bộ data cơ sở dữ liệu về sáng chế thế giới...

Như Quỳnh

Nguồn tin: vnexpress.net

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay299,356
  • Tháng hiện tại2,303,349
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây