'Nhà khoa học trẻ khởi nghiệp khó khăn nhưng không cô đơn'

Thứ năm - 16/05/2024 21:27 0

Vẫn còn nhiều khó khăn để thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu song PGS. TS Mai Anh Tuấn cho rằng các chính sách đang ngày càng tốt lên để các ý tưởng sáng tạo có thể đóng góp cho cộng đồng, phát triển kinh tế.

Quan điểm được PGS.TS Mai Anh Tuấn, giảng viên cao cấp, trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nói tại tọa đàm "Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ nghiên cứu" tại hội nghị các nhà khoa học trẻ tổ chức tại Hà Nội chiều 16/5. Ở góc độ là người làm việc trong đại học, PGS Tuấn nói Luật công chức viên chức quy định giảng viên không được đứng tên doanh nghiệp. Ông cho rằng đây được coi là cản trở lớn trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu ra thị trường.

 
PGS Mai Anh Tuấn chia sẻ thông tin tại tọa đàm Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ nghiên cứu. Ảnh: Ngọc Thành

PGS Mai Anh Tuấn (bìa phải) chia sẻ thông tin tại tọa đàm "Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ nghiên cứu". Ảnh: Ngọc Thành

Lý giải, PGS Tuấn nhìn nhận đại học là nơi sáng tạo, nghiên cứu của nhà khoa học. Tuy nhiên, ý tưởng từ giảng đường, phòng thí nghiệm ra thị trường rất gian truân, đặc biệt là các thủ tục hành chính, quy định tài chính... mất rất nhiều thời gian. Quá trình nghiên cứu, nhà khoa học sẽ tạo ra các bằng sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, thủ tục về định giá tài sản trí tuệ, xác định việc góp vốn, thoái vốn... thực hiện tính bằng năm.

Ở góc độ thị trường, PGS Tuấn nhìn nhận nhà đầu tư họ cần thời gian nhanh hơn, nên sẽ rất dễ rời đi vì quy trình, thủ tục. "Hạn chế này có khi khiến nhà khoa học phải rời nhà trường ra ngoài. Với nhà đầu tư, khi có đội ngũ nghiên cứu đi cùng, họ sẵn sàng đồng hành để thương mại hóa", PGS Tuấn nêu quan điểm.

Kỹ sư Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương cho rằng nhà khoa học có lợi thế là rất hiểu sản phẩm mình nghiên cứu. Nhưng khi kinh doanh không chỉ dừng lại ở điều này vì một dự án khởi nghiệp không chỉ có sản phẩm mà là quản trị, nhân sự, marketing đưa sản phẩm ra thị trường.

 
Kỹ sưLương Văn Trường - Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Nam Đại Dương chia sẻ tại sự kiện. Ảnh:Ngọc Thành

Kỹ sư Lương Văn Trường chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Ngọc Thành

Đồng tình, TS Trịnh Hòa, đồng sáng lập công ty nhựa sinh học Buyo cho rằng một dự án thương mại hóa cần đội ngũ đủ mạnh, vừa có tri thức vừa có kinh nghiệm thị trường. Bà nêu ví dụ thực tế từ dự án nhựa sinh học có tiềm năng thay thế rác thải nhựa truyền thống. Để bán được hàng, các nhân sự của TS Hòa vốn là những cá nhân đã có những thành tựu theo sở trường của họ. Những nhân sự này dùng uy tín của mình để huy động những người giỏi khác đi theo.

Theo TS Hòa, đến nay dự án có các đồng nghiệp, đội ngũ cộng tác và khách hàng tốt. Dự án của nhóm có mạng lưới nhân sự tiếp xúc khách hàng nhiều, lắng nghe họ. Đây là những người có khả năng hiểu và làm thị trường. "Làm thị trường đôi khi là khó khăn với nhà khoa học" TS Hòa nói. Bà cho rằng đôi khi nhà khoa học phải theo những người có kinh nghiệm làm thị trường.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm đầu tư, ông Bùi Xuân Hương, Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HD Bank cho rằng, các dự án khởi nghiệp từ ý tưởng đến sản phẩm dịch vụ cần nguồn vốn, kinh nghiệm bán hàng, tổ chức sản xuất... Tuy nhiên, ông Hương cho rằng, thực tế ngân hàng rất ngại cho vay các startup vì rủi ro cao. Phía startup cũng e ngại khi gặp ngân hàng vì quy mô nhỏ, chưa có kinh nghiệm và tài sản đảm bảo. "Chúng tôi có cách nhìn khác, với cách làm là tham gia tư vấn cho startup làm sao đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp và ngân hàng", ông Hương nói.

Theo lãnh đạo HD Bank, đơn vị định hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp SME, startup theo tinh thần liên tục đổi mới công nghệ rút ngắn thời gian giao dịch khách hàng, bên cạnh các chính sách ưu đãi về lãi suất. Đơn vị có các sản phẩm riêng cho từng nhóm ngành nghề như như năng lượng mặt trời, chăn nuôi, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng nhanh... với sự chuyên môn hóa sâu phục vụ các nhóm khách hàng tốt nhất.

Theo TS Trịnh Hòa, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp sáng tạo. Vai trò quan trọng hơn cả là nhà nước tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi tham gia Techfset 2023 dự án nhựa sinh học Buyo được Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng... Bà cho rằng, bạn trẻ khởi nghiệp cần tìm kiếm cơ hội tham gia giải thưởng, vườn ươm khởi nghiệp, chương trình tăng tốc... để dễ tiếp cận sự hỗ trợ.

TS Hòa cho rằng, doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tư cho R&D rất quan trọng. Bà mong muốn các doanh nghiệp nhìn ra cơ hội đầu tư cho R&D trong nước.

 
Ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HD Bank và TS Trịnh Thị Hoà.chia sẻ về thương mại hóa nghiên cứu Ảnh:Ngọc Thành

Ông Bùi Xuân Hương - Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HD Bank và TS Trịnh Thị Hòa chia sẻ về kinh nghiệm và cơ hội thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ảnh: Ngọc Thành

Kỹ sư Lương Văn Trường cho rằng, khi có ý tưởng hãy bắt tay vào thực hiện nay. Ông nhắc lại câu nói "hành trình vạn dặm bắt đầu bằng bước chân" chỉ ra hành trình tích lũy của mỗi con người để có kỹ năng, kinh nghiệm đi đến bước tiếp theo.

PGS.TS Mai Anh Tuấn khuyên với mỗi sản phẩm trí tuệ, không phải cái nào cũng thương mại hóa được mà cần lựa chọn giải pháp có thể thỏa mãn nhu cầu xã hội, cải tiến khâu nào đó của quá trình sản xuất... để thực hiện. Ông cho rằng, các nhà khởi nghiệp không cô đơn vì hiện các chính sách hỗ trợ nhà nước, ngân hàng ngày càng tốt lên để các ý tưởng sáng tạo có thể đóng góp cho cộng đồng, phát triển kinh tế.

 

Theo Vnexpress

Nguồn tin: vnexpress.net

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập192
  • Hôm nay23,685
  • Tháng hiện tại887,080
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây