Giải tỏa những điểm nghẽn chính sách KH&CN

Thứ ba - 27/04/2021 21:18 0

Những lạc hậu và thiếu hợp lý trong cơ chế chính sách vốn đã trở thành những điểm nghẽn trên con đường nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đồi hỏi những giải pháp và chính sách mới để khơi thông nguồn lực cho ngành khoa học.

Được đề cập đến một cách thẳng thắn trong phiên họp giữa đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu và Bộ KH&CN vào chiều ngày 13/4/2021, những lạc hậu và thiếu hợp lý trong cơ chế chính sách vốn đã trở thành những điểm nghẽn trên con đường nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi những giải pháp và chính sách mới để khơi thông nguồn lực cho ngành khoa học.


Ảnh VGP/Đình Nam

Sửa đổi, tháo gỡ những tồn tại

Những bất cập về thủ tục hành chính khi thực hiện đề tài KH&CN do ngân sách đầu tư, những băn khoăn về việc không chi được tiền nằm trong quỹ KH&CN các doanh nghiệp, địa phương hay cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo… là những điều được nhắc đến nhiều nhất tại nhiều cuộc họp trong và ngoài Bộ KH&CN thời gian gần đây. Chúng đều là một phần trong câu chuyện đầu tư cho KH&CN thế nào cho hiệu quả và thu hút được các nguồn lực của xã hội vào KH&CN, điều mà đôi khi phải rất kiên nhẫn mới có thể gặt hái được kết quả.

Trong bối cảnh mới, khi một số doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến công nghệ thì việc tháo gỡ những khó khăn đó sẽ khuyến khích họ rót thêm nhiều tiền cho nghiên cứu. "Cách đây một vài tuần có hai doanh nghiệp đến Bộ KH&CN hỏi vấn đề thủ tục ‘tôi muốn thành lập viện nghiên cứu thì giờ phải làm như thế nào'. Bộ rất ủng hộ xu thế mới trong thực tế đó", Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết. Tuy nhiên, điều khiến nhiều doanh nghiệp khác còn "lăn tăn" khi cam kết đầu tư cho KH&CN thông qua việc lập viện nghiên cứu: được nhà nước khuyến khích bằng ưu đãi nào? có xứng với đồng tiền thực tế bỏ ra không? việc hưởng ưu đãi đó có đòi hỏi họ mất nhiều thời gian thủ tục chứng minh?...

Những trở ngại này một lần nữa đang đặt ra cho Bộ KH&CN trước những nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 cũng vấp phải. Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, Bộ KH&CN có năm nhóm nghiệm vụ: 1. Hoàn thiện hành lang pháp lý và tập trung nguồn lực để thực hiện nội dung đột phá chiến lược về KH&CN, ĐMST trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13; 2. Hoàn thiện hệ thống ĐMST quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, các viện/trường là chủ thể nghiên cứu; 3. Tập trung xây dựng năng lực công nghệ cốt lõi thúc đẩy năng suất chất lượng, tận dụng CMCN4; 4. Sửa đổi, hoàn thiện chính sách kinh tế, quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN để thúc đẩy KH&CN, ĐMST; 5. Chuyển đổi số và hiện đại hóa hoạt động quản lý nhà nước về KHCN, ĐMST.

Khi bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ này, các nhà quản lý đã thấy những rào cản khó vượt qua. Do đó, Bộ KH&CN đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác của Chính phủ như hoàn thiện pháp luật về đầu tư công, quy định về mua sắm công để tạo động lực khuyến khích sử dụng sản phẩm, dịch vụ là kết quả của hoạt động KHC&N, ĐMST; linh hoạt về ngân sách nhà nước trong tổng hợp nhu cầu vốn sự nghiệp KH&CN từ các trường ĐH theo mô hình tự chủ, không thuộc chủ quản của Bộ GD&ĐT hoặc các bộ, ngành; có văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng vốn nhà nước; đồng bộ pháp luật về thuế với pháp luật KH&CN trong ưu đãi hoạt động R&D.

Là một người theo dõi các hoạt động KH&CN rất sát sao, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, những khúc mắc và đề xuất Bộ KH&CN nêu là những điều đã tồn tại nhiều năm, "chúng ta đã tháo gỡ từng bước một nhưng vẫn còn vướng, càng vướng thì chúng ta phải tiếp tục tháo, dù càng về sau tháo thì càng khó". Ông cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn là quan trọng nhưng "ngoài tháo gỡ cái cũ thì chúng ta dựa trên xu thế mới của thế giới, chúng ta nhìn ra được cái mới nữa để kiến nghị sửa đổi".
Phải xác định Bộ KH&CN là đầu mối cho những sản phẩm cấp quốc gia trên một tinh thần mới, không nhất thiết phải là các đề tài do Bộ KH&CN bảo trợ, cấp hoặc hỗ trợ vốn. Có nhiều tiêu chí để xác định sản phẩm quốc gia nhưng tôi cho rằng có một tiêu chí, đấy là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam, công nghệ của Việt Nam, không cứ từ đề tài dự án của Viện Hàn lâm hay doanh nghiệp, của Bộ hay của trường đại học tạo ra.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam


Minh bạch trong đầu tư và liên thông để giám sát

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã mở ra những cuộc trao đổi để thống nhất về mặt quan điểm đầu tư cho KH&CN và ĐMST quốc gia giữa Bộ KH&CN với các bộ ngành khác. Bên cạnh việc yêu cầu Bộ KH&CN cần cụ thể hơn nữa các đề xuất kiến nghị để tạo điều kiện cho các bộ, ngành khác nắm bắt, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ KH&CN "trực tiếp tham gia tư vấn, chủ động xây dựng chính sách cụ thể để làm rõ vướng mắc ở điểm nào và cần sửa ra sao, từ những điểm như nguồn vốn, thuế, đất đai cho đến cơ chế hạch toán tài chính doanh nghiệp, hỗ trợ tiếp cận thị trường".

Khi phân tích điểm gây bức xúc cho các nhà khoa học khi tham gia thực hiện các nhiệm vụ, đề tài KH&CN do ngân sách nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng nhắc lại nguyên nhân cốt lõi là "mặc dù có một bước tiến rất lớn nhưng chúng ta vẫn chưa chấp nhận rủi ro, vẫn chưa tin nhà khoa học, vẫn quản lý theo hướng chống thất thoát". Do đó, ông đã đưa ra một phương án "tôi đề nghị tiếp tục đổi mới với tinh thần như sau: Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về khoa học, chất lượng sản phẩm khoa học, ví dụ Bộ KH&CN duyệt đề tài thì Bộ Tài chính mới chi".

Điểm mấu chốt cho phương án này, ông đề nghị "tất cả công khai minh bạch hết, sau đó tăng cường giám sát ngang hàng thì mới có khả năng chống được thất thoát kinh phí đầu tư". Việc công khai minh bạch trên cơ sở thống nhất, liên thông nhờ ứng dụng công nghệ sẽ không chỉ giúp Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý tốt nhiệm vụ KH&CN trên nhiều khía cạnh mà còn giúp cho cả các sở KH&CN các địa phương tiếp cận được thông tin, qua đó tiến tới mục tiêu "nhiệm vụ ở bộ này không chỉ do người ở bộ đó thực hiện, nhiệm vụ KH&CN ở địa phương không chỉ có người của địa phương đó thực hiện. Ai có khả năng thực hiện hiệu quả nhất thì tôi giao". Đó cũng là một trong những mong muốn mà Phó Thủ tướng đã từng nêu với Bộ KH&CN từ nhiều năm nay.

Để dẫn đến những đổi mới trong đầu tư cho khoa học với những cơ chế cởi mở như vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ KH&CN cần làm tốt một số vấn đề cốt lõi trong công việc của Bộ, bắt đầu từ việc quy hoạch hệ thống các cơ sở nghiên cứu KH&CN của Việt Nam mà theo ông cũng là một phần của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. "Chúng ta phải thấy ngoài hai viện hàn lâm, hai đại học quốc gia, viện nghiên cứu của các bộ và một loạt các trường đại học còn có các viện nghiên cứu trong doanh nghiệp. Hệ thống của Việt Nam đã khác trước. Khi làm tốt ở khâu này rồi, chúng ta mới xác định được nhà nước nên tập trung vào chỗ nào một cách hợp lý". Ông cũng phân tích lợi ích của việc quy hoạch lần này "trước đây đầu tư rót vào các phòng thí nghiệm trọng điểm, các cơ sở lớn. Bây giờ ngoài khu vực đó, nhà nước có thể đầu tư cho những đối tượng khác ở nhiều mức độ khác nhau, nhiều khi không cần hỗ trợ trực tiếp bằng ngân sách mà chỉ cần hỗ trợ bằng cơ chế tài chính, thậm chí không bằng cơ chế tài chính chỉ bằng động viên để các doanh nghiệp tham gia".

Mặt khác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến vấn đề thứ hai, đó là việc Bộ KH&CN rà soát lại toàn bộ, toàn bộ hệ thống các chương trình, nhiệm vụ, đề tài KH&CN ở cấp quốc gia, bộ, ngành… theo tinh thần "rà soát không có nghĩa là bỏ cái cũ mà là cái gì tốt thì mình duy trì, cái gì không còn phù hợp nữa thì chuyển đổi". Một trong những lợi ích lớn nhất của việc rà soát này là nhằm tạo điều kiện cho những nhiệm vụ dài hạn như nghiên cứu phát triển những công nghệ lõi quan trọng, có thể đòi hỏi quãng thời gian tới 10 năm mới thành công. "Với những nhiệm vụ như thế thì không nên áp dụng cơ chế theo một kỳ kế hoạch", Phó Thủ tướng nói. Theo quan điểm của ông, trong bối cảnh "nguồn lực đầu tư của chúng ta chỉ có thế, chúng ta phải phân bổ kinh phí theo hệ thống nhiệm vụ thế nào cho hiệu quả, Đây là việc rất quan trọng".
Chúng tôi cam kết đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, tích cực làm việc với các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, để giải quyết vướng mắc của họ, để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia, làm sao để họ hoạt động hiệu quả quỹ KH&CN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt


Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1374
  • Hôm nay40,076
  • Tháng hiện tại941,842
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây