Nghiên cứu phát triển kỹ thuật đồng vị (C-13 và O-18) hỗ trợ phát hiện nguồn gốc nông sản (Táo)

Thứ ba - 30/05/2023 22:59 0

Truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu phổ biến đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Vấn đề tiêu thụ thực phẩm hiện nay cho thấy sự gia tăng của các xu hướng khác nhau. Một mặt, toàn cầu hóa thúc đẩy sự đồng nhất về thị hiếu và tiêu chuẩn hóa các mô hình tiêu thụ. Mặt khác, có các thị trường yêu cầu khác nhau xuất hiện, được đặc trưng bởi sự nhạy cảm hơn về chất lượng, quan tâm chủ yếu đến các đặc tính như cảm quan, sức khỏe, coi trọng nguồn gốc tự nhiên và văn hóa của lãnh thổ sản xuất sản phẩm.

Theo nghiên cứu về đánh giá sở thích của người tiêu dùng cho thấy, trong một số trường hợp họ sẵn sàng trả tiền cho các nhãn chất lượng chỉ dẫn địa lý của liên minh Châu Âu (Protected Designation of Origin (PDO) and Protected Geographical Indications (PGI)). Người tiêu dùng luôn muốn biết thực phẩm của họ đến từ đâu và bao gồm những gì. Hiện nay, rất nhiều nước đưa ra yêu cầu ngặt nghèo về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong sản xuất và thương mại. Điều này làm thay đổi toàn diện về tư duy quản lý không chỉ của Nhà nước, mà còn tại các doanh nghiệp và nông dân. Các nước nhập khẩu nông sản và thủy sản như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, Mỹ… yêu cầu bắt buộc phải thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Tại Việt Nam, truy xuất nguồn gốc là một hoạt động còn khá mới, song đã và đang được triển khai nhanh chóng. Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc trên các sản phẩm, hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến, người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác qua phần mềm ví dụ như scan and check GS1. Qua đó, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Với các sản phẩm nông sản, phương pháp truy xuất nguồn gốc này chủ yếu được thực hiện bằng cách người nông dân ghi chép sổ sách rồi cung cấp cho doanh nghiệp sử dụng lại, tạo thành thông tin truy xuất hàng hóa. Ở mỗi vùng khác nhau, có những đặc điểm địa lý, địa chất và khí hậu khác nhau. Do vậy, các sản phẩm từ một khu vực này có thể thu hút một giá trị lớn hơn đáng kể so với các sản phẩm tương tự từ một khu vực khác. Điều này dẫn đến tình trạng ghi thông tin sai lệch, hoặc thậm chí không đúng sự thật để nâng cao giá trị sản phẩm. Đối với xuất khẩu, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao, hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Xuất phát từ thực tiễn trên, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Hà Lan Anh thực hiện “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật đồng vị (C-13 và O-18) hỗ trợ phát hiện nguồn gốc nông sản (Táo) với mục tiêu: Nghiên cứu, xây dựng quy trình phân tích thành phần đồng vị  d2H và 18O trong nước táo tươi trên hệ phổ kế lazer LWIA-24D; Nghiên cứu, xây dựng quy trình phân tích thành phần đồng vị 13C trong thịt và vỏ táo trên hệ phổ kế tỷ số đồng vị EA - IRMS; Xây dựng quy trình đánh giá xuất xứ nông sản táo nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay chưa hiểu hết ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc, chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng các quy định cho các bên thứ ba trong việc đứng ra xác định nguồn gốc của sản phẩm, làm “trọng tài” cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Việc ghi nhãn địa lý hay xác thực nguồn gốc sản phẩm nông sản có thể được hỗ trợ bởi phân tích xác nhận khu vực xuất xứ. Hiện nay, trên thế giới có nhiều phương pháp được nghiên cứu, ứng dụng cho việc truy xuất và xác thực sản phẩm như: phương pháp vết sinh học, phương pháp vết hóa học và kỹ thuật ứng dụng đồng vị bền là một trong các phương pháp thể hiện được tính ưu việt. Việt Nam là đất nước nằm trọn trong vùng khí hậu nhiệt đới nên có lợi thế mạnh là có nhiều loại hoa quả phong phú và đa dạng. Hiện nay, Việt Nam đang nhập khẩu ngày càng nhiều các loại hoa quả từ các nước trên thế giới. Người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm trái cây nhập khẩu do các sản phẩm này có đặc thù màu sắc, chủng loại cũng như đặc tính khẩu vị khác lạ. Hơn nữa, do lo ngại về chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm trái cây bán tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng đang nghiêng dần về việc lựa chọn trái cây nhập khẩu tại các cửa hàng có uy tín cho gia đình sử dụng.

Táo là một loại hoa quả thơm ngon và bổ dưỡng. Nó có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như ăn trực tiếp, nấu ăn, làm rượu táo… Việc nhập khẩu táo vào Việt Nam ngày càng tăng. Từ xa xưa đã lưu truyền câu ngạn ngữ: "Một ngày một quả táo, thầy thuốc không đến nhà". Ăn táo được coi là cách để giữ gìn sức khỏe và nâng cao tuổi thọ. Táo có thành phần dinh dưỡng rất phong phú, đặc biệt là các loại vi chất và axít hoa quả. Trong quả táo có chừng 30mg ketone, 15% là các chất hydro các-bon và chất keo táo; các loại vitamine A, C và E. Ngoài ra, kali và các chất chống oxy hóa cũng rất phong phú. Lượng canxi trong táo cũng cao hơn trong các loại hoa quả, giúp trung hòa lượng muối dư thừa trong cơ thể.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

- Quy trình phân tích tỷ số đồng vị δ 2H trong nước táo tươi trên hệ phổ kế lazer LWIA24D

- Quy trình phân tích tỷ số đồng vị δ 18O trong nước táo tươi trên hệ phổ kế lazer LWIA-24D

- Quy trình phân tích tỷ số đồng vị δ 13C trong thịt và vỏ táo trên hệ phổ kế tỷ số đồng vị EA – IRMS

- Quy trình đánh giá xuất xứ nông sản táo nhập khẩu

- Bảng dữ liệu tỷ số đồng vị bền H, O, C của 36 sản phẩm táo nhập khẩu từ 3 nước

Để thực hiện và hoàn thành các sản phẩm trên nhóm tác giả đã thực hiện các nghiên cứu cụ thể như sau:

- Khảo sát hệ chiết chân không đông lạnh được thiết lập tại phòng thí nghiệm, các kết quả phân tích thành phần đồng vị bền của Hydro và Oxy trên hệ phổ kế laser LWIA - 24D được đánh giá thống kê cho thấy phương pháp chiết ổn định, nước chiết thu được không bị phân tách đồng vị đảm bảo cho phân tích tỷ số đồng vị bền. Sự khác nhau giữa các giá trị trung bình của lượng nước thu được từ nhiều lần chiết khác nhau của cùng một loại mẫu có độ lệch chuẩn nhỏ hơn hoặc bằng 0,03.

- Khảo sát, nghiên cứu độ chính xác, QA/QC đã khẳng định độ chính xác của phép phân tích khi thực hiện các quy trình chưng cất chân không đông lạnh và phân tích trên hệ phổ kế lazer tại phòng thí nghiệm thủy văn đồng vị với các độ lệch chuẩn đạt được lớn nhất ±0,13‰ đối với phép đo giá trị δ2H và ±0,09‰ đối với δ 18O. Độ chệch bias đối với các phép đo đều rất nhỏ đạt giá trị xung quanh ±1%.

- Đánh giá các điều kiện môi trường có những ảnh hưởng đến giá trị thành phần đồng vị của mẫu. Vì vậy, khi chuẩn bị mẫu luôn chọn điều kiện phòng thí nghiệm có điều hòa kiểm soát nhiệt độ, và độ ẩm hoặc buồng sạch được hút chân không. Kết quả phân tích cho thấy chuẩn bị mẫu trong điều kiện chân không cho giá trị thành phần đồng vị hydro và oxy trong nước ổn định và độ chụm tốt hơn.

Đ.T.V (TH)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay227,586
  • Tháng hiện tại2,171,846
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây