Nắng ấm startup nông nghiệp

Thứ ba - 08/08/2023 22:12 0

 

Nông nghiệp ngày càng thu hút nhiều người trẻ, họ mang theo kiến thức, công nghệ mới vào giải quyết các vấn đề tồn tại của nông nghiệp truyền thống. Có thể nói, nông nghiệp là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là khởi nghiệp từ ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

Mỗi cá nhân hay đơn vị khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức đến với nông nghiệp nhưng có điểm chung là quyết tâm nâng tầm nông sản Việt, góp phần phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Bài 1: Những mô hình đầu tiên

Thực tế vài năm trở lại đây, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được nhiều người “ngắm chọn”, nhất là giới trẻ.

Vượt khó khăn, thách thức, nhiều người trong số họ đã thành công, thu được nhiều “trái ngọt”, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương và trên toàn quốc.

“Bắt tay” làm nông nghiệp, doanh thu hàng trăm tỷ đồng

Ông Nguyễn Tiến Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI), chia sẻ: “Tôi may mắn được tham gia các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cùng các bạn trẻ từ rất sớm, khoảng năm 2012 - 2013. Trước đây, nhắc đến các hoạt động nông nghiệp thì thường là “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại, nhưng thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng những yếu tố công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp đã có những bước chuyển mình rõ rệt”.

Rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn. Ông Trung chia sẻ thêm: “Tôi mới trò chuyện với hai bạn thuộc thế hệ 9X, là founder (người sáng lập - PV) mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp có cái tên rất dễ thương “Cỏ cây hoa lá”.

Trước thì hai bạn này học chuyên ngành hóa học nên các bạn đã biết áp dụng những kiến thức được đào tạo, cộng với sự nhạy bén, ham học hỏi…, các bạn đã tạo nên được những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như dầu gội đầu, sữa tắm, sữa rửa mặt… Đặc biệt là, các sản phẩm này đều là sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc từ những nguyên liệu quen thuộc, dễ kiếm như gừng, xả, lá chanh… Hiện, doanh thu của 2 bạn trẻ này lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi năm và chắc chắn họ sẽ tiếp tục nâng cao doanh thu trong thời gian tới”, ông Trung kể.

“Ngoài ra, còn có những bạn trẻ lại tận dụng những phế phẩm nông nghiệp để tạo nên các sản phẩm mới rất hữu ích, ví dụ như một bạn trẻ ở Nghệ An đã liên kết với vùng trồng dứa nguyên liệu, thu mua các cuống dứa bỏ đi để cho ra đời vải sợi dứa. Hoặc trong lĩnh vực thủy sản, có bạn đã đưa ra dòng sản phẩm cải tiến đèn led trên tàu đánh cá cũng đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng… Tất cả những ví dụ trên đều là minh chứng cho thực tế: Áp dụng những yếu tố công nghệ vào thì các dự án đều gia tăng giá trị, đồng thời tạo nên những doanh nghiệp có thể định giá hàng trăm tỷ đồng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất cũng như nâng cao thu nhập cho nông dân”, ông Trung nhấn mạnh.

Đưa nông sản vươn tầm quốc tế

Ông Trần Văn Tân, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, là người góp công đưa sản phẩm rau má quê nhà lên hàng đặc sản, thậm chí còn xuất sang Nhật Bản với giá cao gấp nhiều lần. “Năm 2018, tôi dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quá trình khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn như: tập trung ruộng đất; cơ chế thủ tục… Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi không nản lòng. Đến thời điểm này, chúng tôi đã chọn và tìm ra được con đường đúng đắn, đó là, xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa.

Nếu như trước đây, cây rau má mọc dại ở nhiều nơi thì hiện nay chúng tôi đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… khoảng 200ha. Liên kết với nông dân cũng đã giúp bà con có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đặc biệt không để đất bỏ hoang. Hiện giá thu mua rau má tươi của chúng tôi ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg; người dân có thu nhập bình quân 12 - 15 triệu đồng/tháng, có hộ thu nhập 40-60 triệu đồng/tháng.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022, Giám đốc HTX Tuấn Ngọc - 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 ở TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng tôi trồng rau thủy canh ở Thủ Đức từ năm 2017. Trong quá trình sản xuất chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn như việc HTX phải chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hay khi thành viên muốn tham gia vào HTX phải có nguồn vốn khá cao, khoảng 1 tỷ đồng/1.000m2. Và khi trồng rau công nghệ cao phải có kiến thức chuyên sâu về máy móc, tự động hóa... “Nhưng đến nay, sau khi vượt qua bao khó khăn, khi áp dụng công nghệ cao, đạt trên 120kg rau/ngày. Chúng tôi đang áp dụng quy trình VietGAP và dần tiến tới xây dựng tiêu chuẩn GlobalGAP cho rau”, ông Tuấn chia sẻ.

Mô hình kinh tế tiêu biểu

Được đào tạo bài bản về kiến thức, cộng thêm niềm đam mê học hỏi, anh Hoàng Huỳnh Ngư (1988) ở thôn 8, xã Sơn Giang (Hương Sơn - Hà Tĩnh) đã đầu tư phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp và trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Ở vùng nông thôn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), trang trại chăn nuôi tổng hợp của anh Hoàng Huỳnh Ngư là điểm sáng để nhiều thanh niên học tập.

Năm 2012, Ngư tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, sau đó “Nam tiến” làm kỹ sư chế biến lâm sản tại một công ty gỗ. Giữa năm 2016, anh nhờ bố mẹ thuê 1,5ha đất của xã, quyết về quê lập trang trại tổng hợp. Vài ngày sau, anh viết đơn xin nghỉ việc, dù vợ mới sinh con đầu, lương hai người lúc ấy ở mức 30 triệu đồng/tháng.

Khi nghe quyết định của Ngư, bố mẹ và vợ đều phản đối gay gắt nhưng qua thời gian, “trời không chịu đất thì đất chịu trời”. Anh Ngư tích góp hết vốn liếng, mượn thêm bìa đỏ của bố mẹ cùng hai người họ hàng làm hồ sơ vay 800 triệu đồng khởi nghiệp. Anh xây nhà điều hành, 3 dãy chuồng trại, mua 10 con bò sinh sản trị giá 250 triệu đồng về nuôi. Ổn định xong nơi ở, anh đón vợ con từ Bình Dương về.

Anh Ngư cho biết, diện tích anh thuê trước đây là đồi trồng keo và chè. Sau khi hoàn thiện hệ thống chuồng trại, đầu năm 2017, anh mua 200 con gà Ri về chăm sóc với mục đích lấy ngắn nuôi dài. 4 tháng sau, anh xuất bán lứa gà đầu tiên và có được nguồn thu để trả lãi các khoản vay.

Giai đoạn đầu lời lãi tuy ít nhưng khá ổn định, song đến cuối năm, khi đàn bê 10 con đến kỳ xuất bán thì thị trường ảm đạm, giá giảm liên tục khiến trang trại thua lỗ cả trăm triệu đồng.

“Lúc đó một con bê 5 - 6 tháng tuổi giá từ 12 - 14 triệu đồng giảm xuống chỉ còn 4 triệu đồng. Các đối tác lớn trong nước không thu mua vì xuất ra nước ngoài khó khăn. Thua lỗ nặng khiến tôi sụt tới 7kg chỉ trong 2 tháng”, Ngư nhớ lại.

Theo anh, căng thẳng nhất là khoản vay hàng trăm triệu đồng từ ngân hàng, mỗi tháng cần ít nhất khoảng 5 - 7 triệu đồng trả lãi. Tận dụng chính sách hỗ trợ nông dân, anh vay thêm vốn mua máy cày 33 triệu đồng để vừa làm đất cho trang trại, vừa tranh thủ cày thuê cho xóm làng lấy tiền chi tiêu hàng ngày.

Tôi hỏi, đã bao giờ anh nghĩ đến bỏ cuộc? Người thanh niên cơ bắp vạm vỡ với làn da rám nắng trải lòng: “Nhiều hôm đi làm về khuya, thấy vợ vẫn thức chờ ăn cơm, tôi tự hỏi liệu quyết định về quê có sai không. Trong đầu cũng nảy ý định trở lại miền Nam làm việc kiếm tiền trả nợ để gia đình bớt áp lực, nhưng sáng hôm sau, ý nghĩ đó lại lụi tắt”.

Kiên trì với quyết định của mình, đến đầu năm 2019, trang trại khởi sắc trở lại. Anh lấy tiền lời mở rộng quy mô, nuôi 12.000 con gà, 26 con hươu, 3 con bò. Bình quân những năm gần đây, doanh thu từ bán gà thịt, nhung hươu và bê giống đạt trên dưới 1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 500 triệu đồng.

Không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn, anh tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, sơ cấp về thú y để tự điều trị cho bò, hươu, gà của trang trại.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, cho biết: Mô hình của anh Ngư là một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương. Tuổi trẻ nhưng anh ấy đã quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và có định hướng phát triển mô hình một cách bền vững, vừa nâng cao thu nhập, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Về phía địa phương, chúng tôi tạo mọi điều kiện để nhân dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, định hướng cho nhân dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp và tạo điều kiện về quy hoạch vùng, vay vốn ưu đãi, đất đai để nhân dân đầu tư phát triển mô hình kinh tế gia trại, trang trại, nâng cao thu nhập.

Đạt được những thành công bước đầu trên con đường lập nghiệp, anh Ngư có ý định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng đàn hươu và nhân giống đàn ong - đây là 2 vật nuôi chủ lực của địa phương có tiềm năng và lợi thế để phát triển bền vững.

Trồng rau, củ, quả sạch kết hợp du lịch trải nghiệm

Từ nguồn kiến thức tích lũy được khi làm cán bộ nông nghiệp huyện, Giàng Quáng Tiên, dân tộc Mông, ở Tà Chải (Bắc Hà - Lào Cai) mạnh dạn từ bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp mô hình trồng cải kale theo hướng hữu cơ kết hợp làm du lịch trải nghiệm.

Giàng Quáng Tiên lựa chọn trồng cải kale theo hướng hữu cơ để khởi nghiệp.

Là cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà, Giàng Quáng Tiên thường xuyên có cơ hội đi nghiên cứu thực địa, tìm hiểu thị trường, khoa học kỹ thuật... để tập huấn cho bà con nông dân. Nhiều lần tiếp xúc với các chủ trang trại thành công ở các tỉnh, thành khác, Tiên biết quê hương mình là nơi được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ. Sẵn có niềm đam mê với trồng trọt, chàng trai sinh năm 1993 càng có thêm động lực mạnh dạn thuê 3ha đất trên độ cao 1.200m so với mực nước biển ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình khởi nghiệp trồng rau, củ, quả sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm.

Với 500 triệu đồng tiền vốn, anh chia diện tích đất thuê thành các khu như: xây dựng khu nhà sàn để vừa trưng bày các sản phẩm nông trại, vừa cho khách đến tham quan trải nghiệm hái rau, củ, quả và nấu ăn ngay tại nông trại; khu trồng các loại cây ăn quả như lê, mận; khu trồng các loại rau cải cầu vồng, dâu tây, cà chua. Riêng cải kale, loại rau nhiều chất dinh dưỡng, anh trồng trên diện tích 1,5 ha theo hướng VietGAP. Cải xoăn kale là loại rau được đánh giá khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Bắc Hà, toàn bộ diện tích được anh dùng nylon che phủ và sử dụng hệ thống tưới phun mưa. Nguồn phân bón chủ yếu là phân chuồng thu gom từ các hộ dân tại địa phương. Rau ăn không bị cứng như trồng ở những nơi khác và đã được các chuyên gia đánh giá, kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP nên an toàn cho người sử dụng. Bắt tay vào làm từ năm 2021, đến nay, rau cải kale từ mô hình của anh đã được khách hàng ở nhiều tỉnh, thành biết đến, được nhiều siêu thị, các cửa hàng rau sạch ở Hà Nội đặt hàng.

Cây cải kale từ lúc gieo cho tới ngày được thu hoạch lá là 60 ngày. Đây là loại cây trồng dài ngày và cho sản phẩm quanh năm. Với giá bán trung bình  25.000 - 35.000 đồng/kg, cải kale cho doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm.

Tiên chia sẻ: “Thành công có được là do tôi đầu tư trồng rau theo hướng hữu cơ. Việc tuân thủ theo quy trình sản xuất không quá khó. Quan trọng là vấn đề nước sạch, phải cung cấp đầy đủ và thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, ủ phân hữu cơ theo đúng quy trình kỹ thuật để bón cho cây”.

Bên cạnh đó, anh còn trồng các loại rau khác nhau, trong đó có xà lách, cải ngọt, cải canh, bắp cải, dâu tây Pháp, giống cà chua beef, cà chua Alamina, là giống chịu nhiệt tốt, phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Sản lượng thu hoạch cà chua bình quân 1-2,5 tấn/ vụ với giá bán 25-30 nghìn đồng/kg, thu về gần 100 triệu đồng. Vườn dâu tây 1.000m2 cũng đã được thu hoạch, bán với giá 200-250 nghìn đồng/kg, doanh thu khoảng 40 triệu đồng/năm.

Có được thành quả, Tiên lại đầu tư tiền mua máy sấy, máy nghiền. Lá cải kale thu hoạch về được rửa sạch rồi đem sấy lạnh, sau 32 tiếng lấy ra nghiền mịn để chế biến ra nhiều sản phẩm từ loại rau giàu dinh dưỡng được mệnh danh là “nữ hoàng rau xanh” như: Mì kale, bún kale, bột kale uống liền, bánh quy kale, bánh bao kale, nước ép... Trong đó, bún kale Bắc Hà đã nhanh chóng trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng.

Không chỉ làm ra sản phẩm chất lượng, khu du lịch trải nghiệm nông nghiệp Kale Farm của Giàng Quáng Tiên cũng trở thành điểm đến yêu thích, mỗi tuần đón 60-80 lượt du khách đến hái rau, củ, quả, thưởng thức nông sản sạch ngay tại vườn và mua mang về các sản phẩm nhiều dinh dưỡng được chế biến từ cải kale.

Tiên phong đem đến những “cái mới”

Trang trại nuôi cá Tầm Siberi của anh Hồ Thanh Phương nằm cạnh thác A Nor, xã Hồng Kim (huyện A Lưới). Gia đình anh là hộ tiên phong nuôi cá tầm ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Sau nhiều năm triển khai mô hình cho kết quả khả quan, gia đình anh Phương đang nuôi cá tầm kết hợp làm du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nuôi cá tầm Siberi kết hợp du lịch cộng đồng của gia đình anh Phương đang thu hút khách du lịch gần xa.

Năm 2019, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên- Huế, gia đình anh Hồ Thanh Phương đầu tư hệ thống nước tự chảy từ thác Anor, đào ao lót bạt tiến hành nuôi khoảng 1.000 con cá tầm giống.

Theo anh Phương, để nuôi được loài cá nước lạnh này, anh phải dẫn nguồn nước trực tiếp từ thác A Nor thông qua hệ thống đường ống được đầu tư bài bản. Nước trong ao nuôi phải trong sạch, không bị ô nhiễm và đáy ao nuôi cá phải vệ sinh thường xuyên để loại bỏ bùn đất; nhiệt độ nước trong ao nuôi phải đảm bảo từ 21-25 độ C. Cùng với đó, hàng ngày, công nhân đều phải lọc thay nước để loại bỏ thức ăn và tạp chất.

Sau quãng thời gian thử thách đầy khó khăn, hiện tại mô hình nuôi cá tầm của gia đình đang dần ổn định. Trang trại của anh Phương có 3 hồ nuôi cá tầm, trong đó 1 hồ nuôi 300 con đạt trọng lượng thu hoạch, 1 hồ nuôi cá bố mẹ nặng hơn 20kg. Với giá bán 250-300 nghìn đồng/kg, dự kiến cuối năm nay, gia đình anh Phương sẽ thu lợi khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

“Sau nhiều vụ nuôi thấy cá tầm thích nghi với khí hậu A Lưới, sinh trưởng, phát triển khá tốt. Trải qua nhiều vụ nuôi thất bại nên mình học được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Hiện trong quá trình vận hành, nếu không theo dõi kỹ lưỡng các khâu chăm sóc, thay nước, nguy cơ cá chết vẫn hiện hữu thế nên đây cũng là áp lực đối với người nuôi”, anh Phương chia sẻ.

Cùng với nuôi cá tầm, hiện gia đình anh Phương đang kết hợp làm du lịch cộng đồng. Trên khu đất rộng 3ha, anh đang dần phủ xanh bởi nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi da xanh, vú sữa, chuối….

“Tận dụng điều kiện thiên nhiên, tôi định hướng phát triển nơi đây trở thành farmstay - một loại hình du lịch trải nghiệm nông trại và lưu trú được nhiều người yêu thích. Du khách đến nghỉ dưỡng cũng có thể câu cá thư giãn. Chúng tôi cũng đang mở ra mô hình ẩm thực cá tầm, chế biến các món ăn từ cá xứ lạnh này để phục vụ du khách”, anh Phương cho hay.

Theo ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện A Lưới, mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Phương đã cho thấy triển vọng, cá phát triển tốt, mọi người tham quan mô hình rất thích thú. Sản phẩm đầu ra cũng được người mua đánh giá cao.

“Từ hiệu quả của mô hình nuôi cá tầm và hướng kết hợp du lịch, ngành du lịch  địa phương cũng định hướng kết nối các tour tuyến để du khách trải nghiệm. Về lâu dài, hình thành điểm đến trong chuỗi kết nối du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển ở A Nôr”, ông Lập nói.

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên - Huế, cho biết, mô hình nuôi cá tầm của gia đình anh Phương đã mở ra hướng đi mới trong việc đầu tư nuôi trồng thủy sản có giá trị của người dân A Lưới. Chất lượng cá tầm thơm ngon, cho giá trị dinh dưỡng cao. Nuôi cá tầm đã mang lại lợi nhuận kinh tế khá lớn cho các hộ gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào khó khăn.  Đây được kỳ vọng là đối tượng nuôi mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân A Lưới. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nuôi khoa học kĩ thuật và con giống, tiến tới sản xuất con giống nhằm nhân rộng mô hình nuôi cá tầm nước lạnh ở địa phương.

Bài 2: Đâu là khó khăn?

 

Nhóm PV

Nguồn tin: kinhtenongthon.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây