Hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng (bank lending standard) tới thị trường bất động sản tại Việt Nam

Thứ tư - 30/08/2023 23:17 0

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã nhận thức rất rõ mối quan hệ tác động qua lại giữa thị trường bất động sản và hệ thống ngân hàng. Trên cơ sở đó, NHNN đã có có những ứng phó chính sách kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực của bong bóng bất động sản tới hệ thống ngân hàng như kích hoạt một số các công cụ chuẩn mực tín dụng của chính sách an toàn vĩ mô. Mặc dù vậy, hiệu lực của các công cụ chuẩn mực tín dụng này có được như kì vọng hay không, mức tác động, độ trễ của tác động đến thị trường bất động sản Việt Nam ra sao... vẫn là những câu hỏi nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà nghiên cứu.

Chính vì vậy, từ năm 2020 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu do PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh tại Học viện Ngân hàng dẫn đầu, đã lựa chọn thực hiện đề tài “Hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng (lending standards) tới thị trường bất động sản tại Việt Nam” cho chủ đề nghiên cứu cấp ngành từ năm 2020 đến năm 2021.

Đề tài hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: (1) hệ thống hóa đầy đủ khung lý thuyết về cơ chế truyền dẫn của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng tới thị trường bất động sản; (2) Kinh nghiệm quốc tế trong điều hành chính sách giám sát an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng tại một số quốc gia; (3) Xây dựng được mô hình phù hợp để đánh giá hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng (lending standards) tới thị trường bất động sản tại Việt Nam; và (4) Đề xuất một số khuyến nghị chính sách nhằm nâng cao hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng (lending standards) tới thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Đề tài được triển khai đã giải quyết thấu đáo các nội dung quan trọng sau:

Thứ nhất, đề tài đã hệ thống hóa đầy đủ khung lý thuyết về cơ chế truyền dẫn của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng tới thị trường bất động sản.

Thứ hai, đề tài đã đánh giá định lượng hiệu lực của chính sách an toàn vĩ mô qua kênh chuẩn mực tín dụng tới thị trường bất động sản tại Việt nam. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2020, điều hành chính sách an toàn vĩ mô qua các công cụ chuẩn mực tín dụng đã bám sát theo chỉ đạo, chủ trương của Chính phủ, thích ứng linh hoạt theo biến động của thị trường và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn trầm lắng cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản một cách lành mạnh, bền vững.

Thứ ba, thông qua kiểm định tác động của kênh tiêu chuẩn cho vay tới tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2018 và kỹ thuật ước lượng OLS robust, đề tài đi tới kết luận rằng mặc dù các công cụ của chính sách giám sát an toàn vĩ mô riêng lẻ chưa phát huy được hiệu lực, nhưng khi kết hợp hoặc kích hoạt đồng thời tất cả các công cụ thì sẽ giúp duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, mô hình kinh tế lượng cho thấy, khi NHNN áp hệ số rủi ro đối với kinh doanh bất động sản đã có tác động kiềm chế bùng nổ của thị trường bất động sản tại Việt Nam trong giai đoạn 2000-2018 (MaPP4).

Thứ tư, trên cơ sở phân tích định hướng điều hành chính sách an toàn vĩ mô và chính sách tín dụng BĐS, đề tài đề xuất các khuyến nghị đối với bình ổn thị trường bất động sản và đối với chính sách an toàn vĩ mô.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18782/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây