Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá

Thứ ba - 11/07/2023 05:05 0

Theo các chuyên gia, để tăng cường tính tuân thủ của các tổ chức giám định, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức này.

Đây là kiến nghị của ông Mai Văn Sủng – Giám đốc Trung tâm DC (đại diện Khối nghiệp vụ QUATEST 3) trong Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức sáng ngày 23/6 tại TP.HCM.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của các tổ chức giám định chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH) đã đăng ký theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP và Nghị định 154/2018/NĐ-CP thời gian qua. Từ đó, có đầy đủ thông tin đề xuất định hướng quản lý các tổ chức chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong thời gian tới.

Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giải đáp thắc mắc của đại biểu các đơn vị

Chia sẻ thêm về hoạt động thanh tra, kiểm tra tổ chức giám định CLSPHH, ông Đoàn Thanh Thọ, Phó vụ trưởng Phụ trách Vụ Pháp chế – Thanh tra cho biết, thực trạng hoạt động giám định còn tồn tại một số vướng mắc như: Không được đánh giá, giám sát khách quan bởi bên thứ ba thường dẫn đến lỗ; Không đúng mẫu chứng thư giám định đã đăng ký; Lấy mẫu; Sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường chưa đúng quy định,…

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cũng đã có những văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra và xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính được thể hiện qua hai Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.

Ông Đoàn Thanh Thọ, Phó vụ trưởng Phụ trách Vụ Pháp chế – Thanh tra phát biểu tại Hội thảo.

“Trong đó, hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính nặng nhất là từ 150 – 300 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định từ 6-9 tháng và quyết định chỉ định tổ chức giám định từ 6-9 tháng đối với hành vi không thực hiện giám định nhưng cấp kết quả giám định, không thực hiện khắc phục vi phạm theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền,… Hành vi vi phạm không thực hiện báo cáo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về kết quả hoạt động giám định đã đăng ký chiếm phần lớn, xảy ra tương đối phổ biến”, ông Thọ cho hay.

Cũng tại hội thảo, ông Mai Văn Sủng đã trình bày khái quát về hoạt động giám định tại Việt Nam, tình hình chung của các tổ chức giám định tại Việt Nam, những tồn tại, khó khăn và đưa ra một số kiến nghị cụ thể.

Chia sẻ về những khó khăn, tồn tại hiện nay về hoạt động giám định tại Việt Nam, ông Mai Văn Sủng cho rằng, chưa có sự thống nhất về thuật ngữ và định nghĩa giám định giữa các văn bản quy phạm pháp luật với tiêu chuẩn, chưa có chuẩn mực kỹ thuật cho giám định viên.

“Hiện nay, chuẩn mực giám định viên rất chung chung, chủ yếu là kinh nghiệm 2 năm công tác giám định. Trong khi các hoạt động đánh giá sự phù hợp khác đều có quy định đào tạo chứng chỉ nghề như: Chuyên gia chứng nhận hệ thống quản lý, chuyên gia chứng nhận sản phẩm, kiểm định viên đo lường và kiểm định viên về kỹ thuật an toàn”, ông Mai Văn Sủng nói.

Ông Mai Văn Sủng – Giám đốc Trung tâm DC (đại diện Khối nghiệp vụ QUATEST 3) chia sẻ khái quát chung về hoạt động giám định.

Việc đăng ký hoạt động theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP: Phạm vi đăng ký chi tiết đến tên sản phẩm, tiêu chuẩn của sản phẩm không phù hợp thực tế, vì sản phẩm và tiêu chuẩn rất đa dạng, khi khách hàng có yêu cầu giám định thì tổ chức giám định mới xác định được tên sản phẩm cụ thể và tiêu chuẩn tương ứng phục vụ công tác giám định. Bên cạnh đó, giám định dựa trên thỏa thuận về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong hợp đồng thương mại rất ít khi phát sinh hoặc phát sinh một lần nhưng phải đăng ký.

Đồng thời, những khó khăn, vướng mắc trong đăng ký hoạt động tạo nên một số thủ tục không cần thiết, tác động rất lớn đến hoạt động cung cấp dịch vụ của tổ chức giám định, phát sinh thời gian chờ đợi và đôi khi là cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Ông Sủng nhấn mạnh, nhận thức của một số tổ chức, cá nhân đối với hoạt động “Giám định chất lượng” chưa đúng bản chất. Trong khi đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ yếu là chứng nhận và thử nghiệm. Thậm chí, xem giá trị của chứng thư giám định chất lượng được sử dụng như chứng thư giám định thương mại để áp mã HS phục vụ công tác của HQ.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ông Sủng đã đưa ra các kiến nghị cụ thể, xác đáng để tham khảo, áp dụng.

Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây