Tọa đàm Lĩnh vực AI: Đầu tư và xu hướng thị trường Việt Nam

Thứ năm - 23/05/2024 23:21 0

Ngày 22/5/2024 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với công ty Amazon Web Services (AWS) tổ chức Tọa đàm Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI): Đầu tư và xu hướng thị trường Việt Nam.

Quang cảnh tọa đàm

Tại sự kiện, các chuyên gia đã chia sẻ những nhận định tích cực về tiềm năng phát triển của AI tại Việt Nam. Bà Vy Lê, Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures, bày tỏ sự ngạc nhiên khi chứng kiến các nhà sáng lập GenAI vẫn còn là sinh viên nhưng đã tạo ra những sản phẩm mang lại doanh thu đáng kể. Theo đánh giá, môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong những năm gần đây. Yếu tố quan trọng để khởi nghiệp phát triển là tạo ra một môi trường nuôi dưỡng cùng với hạ tầng thuận lợi. Nền kinh tế ổn định, hệ sinh thái phát triển nhanh, môi trường khởi nghiệp thuận lợi, chi phí thấp, cùng với sự hỗ trợ từ chính sách của nhà nước và các doanh nghiệp lớn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các startup AI phát triển. “Từ danh mục đầu tư của Do Ventures, tôi thấy nhiều nhà sáng lập GenAI đã hưởng lợi khi kết hợp cùng các tập đoàn lớn, nơi có sẵn hệ thống và dữ liệu khổng lồ. Điều này đặc biệt ấn tượng khi các tập đoàn tại Việt Nam đều có chính sách hợp tác cùng các startup”, bà Vy Lê chia sẻ.

Một lượng vốn lớn đang được đầu tư vào các startup GenAI tại các trung tâm công nghệ hàng đầu như Thung lũng Silicon và châu Âu. Tuy nhiên, thị trường AI thay đổi nhanh chóng với các ứng dụng được cập nhật liên tục, đòi hỏi các nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hợp tác với một startup GenAI. Vì vậy, theo các chuyên gia, chiến lược phổ biến là đầu tư một khoản nhỏ ban đầu để đánh giá tình hình hoặc chờ đợi sản phẩm công nghệ trưởng thành hơn. Ba yếu tố then chốt khi đánh giá một startup AI: lợi thế cạnh tranh, mô hình doanh thu (thường tạo ra trong vòng 6 tháng đến 1 năm), và đội ngũ nhân sự.

Theo bà Valerie Vũ, nhà sáng lập Ansible Ventures, trong lĩnh vực AI, các quốc gia tiên phong như Mỹ và Trung Quốc có lợi thế lớn về hạ tầng công nghệ, nhưng Việt Nam vẫn có cơ hội cạnh tranh ở tầng ứng dụng và hoàn toàn có thể vươn ra thế giới với các ứng dụng AI. Trong khi các nước phương Tây chú trọng phát triển phần mềm, Việt Nam lại có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đảm nhận cả phần mềm lẫn phần cứng. Nhiều nhà sáng lập tại các thị trường có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển như Mỹ và Singapore đang quan tâm và tìm cách tiến vào thị trường Việt Nam. Họ tìm kiếm cơ hội kết nối với các đối tác trong nước và tin rằng lĩnh vực AI tại Việt Nam có thể được nâng tầm với sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.

Ngoài việc nhận diện những thách thức và rào cản trong phát triển AI tại Việt Nam, tọa đàm còn tập trung vào các giải pháp giúp các nhà sáng lập xây dựng các giải pháp AI đột phá và tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bứt phá, đồng thời xem xét các tác động của công nghệ này đến đời sống kinh tế, xã hội và tiềm năng phát triển của các giải pháp AI.

 

Theo Vista

Nguồn tin: www.vista.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập330
  • Hôm nay33,353
  • Tháng hiện tại974,059
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây