Chuyên san KHXH&NV số 1,2/2020

Thứ ba - 28/01/2020 20:27 0

Cao Khoa

Tìm trong bách khoa toàn thư mở (Wikipedia- tiếng Việt) có hàng chục bài viết về làng rèn Nho Lâm, Diễn Thọ, Diễn Châu, Nghệ An. Có bài nghiên cứu rất công phu, tỉ mỉ như một luận văn, có bài đề xuất trao kỷ lục Gniness Việt Nam cho làng rèn Nho Lâm là làng rèn cổ nhất Việt Nam. Tuy vậy, cơ sở để xác định làng rèn này có từ bao giờ thì chưa có cứ liệu nào minh chứng được. Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra một dự đoán tin cậy sau một thời gian dài trực tiếp tìm hiểu tại Nho Lâm.

Làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ là một làng "Nhất xã, nhất thôn". Nơi đây có nhiều dấu ấn về lịch sử, văn hóa chứa đầy trầm tích của thời gian. Năm 1976 khoa sử trường Đại học Tổng hợp đã cử thầy giáo và sinh viên về khai quật di chỉ Đồng Mỏm, thuộc xã Diễn Thọ nằm ở phía Tây núi Mã Yên Sơn (thường gọi là Rú Ta). Tại đây, người ta đã tìm thấy rất nhiều công cụ thuộc hậu kỳ đá mới như đồ gốm, đồ đồng. Đồ đá có lưỡi cày, lưỡi rìu, đạn đá, khuyên đá, vòng đá, chày đá. Đồ đồng thì có đạn đồng, kiếm đồng, chông đồng, chõ đồ xôi bằng đồng, đồ trang sức bằng đồng v.v.. Lẫn trong đồ đá và đồ đồng có nhiều loại xương như xương ngựa, xương trâu bò và nhiều gia súc khác. Đặc biệt, trong một diện tích nhỏ, người ta đã tìm thấy 3 ngôi mộ cổ có quan tài bằng gốm. Có một ngôi mộ chôn chung hai người, bộ xương người đàn ông cao 1m8, bộ xương người đàn bà cao 1m2.  Chân của người đàn bà bị trói, tư thế nằm của người đàn bà cao hơn người đàn ông một cái đầu. Chứng tỏ người đàn bà bị chôn sống, do dẫy đạp mà nhô lên cao hơn. Đây có thể là một trong ba trường hợp: chồng chết chôn theo vợ, chủ chết chôn theo đầy tớ, thầy chết chôn theo học trò như phong tục mai táng ngày xưa của một số tộc người cổ. Xung quanh thi hài người chết được ghép toàn mảnh sành ghè vỡ.

Như vậy, cách đây khoảng trên dưới 5 nghìn năm, tổ tiên của cư dân người Việt đã sinh sống ở đây vì địa thế nơi này có sông, có núi, có đồng bằng, thuận lợi cho việc săn bắt, hái lượm và trồng trọt. Nhưng từ đấy cho đến khi lập làng họ có sống liên tục hay không thì không xác định được. Sau khai quật của trường đại học Tổng hợp, vào thời kỳ cuối TK XX, một giáo sư người Nhật cũng khai quật tại khu vực Đồng Mỏm, kết quả nghiên cứu cũng trùng khớp với những kết luận của lần khai quật trước đó.

Nhưng, những dấu hiệu rõ nhất của làng Nho Lâm là từ khoảng năm 1360, khi ông Cao Thiện Trí và bà Khổng Thị Tám về đây khai khẩn đất đai, lập nên trang ấp. "Lịch sử Nho Lâm - Diễn Thọ" do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành tháng 5 năm 2008 viết: "Về nguồn gốc làng Nho Lâm, các tài liệu "Nho Lâm phong thổ ký", "Nho Lâm sử lược", gia phả dòng họ và một số tài liệu khác đều cho rằng, theo truyền thuyết, làng Nho Lâm là do ông Non, tên là Cao Thiện Trí lập ra. Thủy tổ họ cao chiêu tập dân đinh đến khai hoang và sinh sống ở xứ Thùng Thùng (Khe Rong, Lùm Ngấy), lấy tên là xã Thung Thanh, bao gồm cả làng Nho Lâm và Xuân Dương. Về sau, không hiểu vì lý do gì, hai bên Xuân Dương và nho Lâm bất đồng, Xuân Dương tách biệt lập, lấy tên là xã Thanh Dương, còn ông Non khai khẩn từ núi Mác ra đến núi Mã Yên, lập riêng một xã gọi là xã Tùng Lâm. Tên gọi Tùng Lâm tồn tại đến đời Lê Trung Tông (1549- 1556) phạm Quốc húy Trịnh Tùng nên đổi thành Hoa Lâm. Đến đời vua Minh Mạng lại phạm Quốc húy, nên đổi thành Nho Lâm" (trang 20).

Như vậy, thời điểm lập làng được xác định trên những cứ liệu xác thực. Hiện nay có vài chục họ sinh sống tại làng Nho Lâm mà họ Cao là họ đến đầu tiên, sau đó là họ Đặng rồi dần dần đến các họ khác tụ cư về mảnh đất này.

Vậy nghề rèn làng Nho Lâm có từ khi nào?

Trước hết, xin được diễn tả hoạt động của nghề rèn như sau: Dụng cụ của lò rèn gồm bễ thổi lửa, bếp lửa than, đe sắt, búa tạ và búa con. Hai ống bệ đặt đứng, mỗi ống có đường kính rộng chừng 20 cm, trong mỗi ống có nắp đẩy gió gắn vào đầu gậy. Người thổi bễ cầm hai cây gậy đó kéo lên, đẩy xuống để tạo ra gió thổi vào bếp than.

Thợ cả: Là người thợ chính ngồi trên một chiếc sạp thường làm bằng tre (hoặc gỗ) đặt nghiêng trước bếp than. Người thợ cả một tay cầm kìm dài để gắp vật rèn được nung đỏ trong bếp than, một tay cầm búa con để điều khiển.

Thợ bạn: Là người quai búa tạ để đập lên vật rèn theo hiệu lệnh của người thợ cả. Thường thì có một, đến hai thợ bạn cùng làm một lúc trong một lò rèn. Khi vật rèn đã được nung đỏ đến mức cần thiết, người thợ cả gõ búa con vào đầu đe sắt để ra hiệu lệnh, người thợ bạn cầm búa tạ nện xuống vật rèn. Người thợ cả dùng búa con gõ vào chỗ nào thì người thợ bạn quai búa tạ vào chỗ đó, đến khi vật rèn nguội đi thì tôi lại để đập lần khác. Vật rèn được đập đến khi thành hình một dụng cụ nào đó như lưỡi cày, cuốc, thuổng, dao, liềm… thì thôi.

Ở Nho Lâm, trước khi có nghề rèn đã có nghề luyện quặng. Hai nghề này gắn bó với nhau mật thiết như nghề trồng bông và nghề dệt vải. Người làng Nho Lâm phải vào Động Quánh ở xã Nghi Yên, Nghi Lộc, cách xa chừng 15 km để khai thác quặng thô. Họ đi theo từng đoàn để bảo vệ và hỗ trợ nhau. Quánh khai thác được sẽ chất lên xe cút kít (loại xe bánh gỗ, cốt gỗ, tay đẩy cũng bằng gỗ) để chuyển về làng. Người ta đào vào bờ đất, tạo những lò hông chừng bằng cái thúng để luyện quặng. Mỗi mẻ quặng thành sắt có hình dáng như hai cái đĩa tây úp vào nhau, nhìn như lưng con rùa, gọi là "chai". Thợ khai thác và vận chuyển quánh được chọn những người trai tráng, khỏe mạnh, đi theo đoàn, theo hội rất rầm rộ. Không khí lao động này được diễn đạt trong nhiều câu ca còn lưu truyền đến ngày nay:

 "Các tướng ta cả xa lẫn bộ

Nặng hai vai bốn rổ tinh ngân

Chớ nề nhọc xác nghỉ chân

cầm búa sắt, tay xăn quần điều"

(Các tướng là chỉ người đào quặng, quần điều là quần bị nhuộm đỏ vì bụi đất, bụi quặng).

Việc tổ chức chặt chẽ kiểu phường hội như vậy cho chúng ta biết, nghề này được phát triển khi con người có trình độ kỹ thuật cao, có sự phân công lao động và có nguyên tắc quản lý hẳn hoi. Như vậy, khi con người đang ở thời kỳ sơ khai hoặc đang trong thời kỳ non kém thì không thể làm được. Nghề rèn cũng như vậy.

Bây giờ xin bàn đến vấn đề, nghề luyện quặng và nghề rèn Nho Lâm có từ khi nào. Cơ sở văn bản để nghiên cứu vấn đề này duy nhất chỉ dựa vào gia phả các dòng họ. Những người làm nghề luyện quặng hoặc nghề rèn, khi chết đi được viết hiệu bụt (thụy hiệu) để thờ cúng. Người làm nghề luyện quặng được ghi là "Dã luyện phường cục tượng"; người thợ cả trong nghề rèn được ghi là "Dã luyện phường lương tượng"; người thợ bạn (thợ phụ) được ghi là "Dã luyện phường á tượng".

Khảo sát gia phả các dòng họ lớn ở Nho Lâm thì thấy rằng.

- Họ Cao: Vào đời vua Trần Dụ Tông, ông Cao Thiện Trí là người đầu tiên lập nên làng Nho Lâm (khoảng 1360). Gia phả họ Cao do cụ phó bảng Cao Bá Tuyên viết lần đầu vào năm 1730, đến năm 1833 cử nhân Cao Trọng Cự chỉnh lý và bổ sung lần 2. Gia phả viết đầy đủ từ đời thứ nhất đến ngày nay. Từ đời thứ nhất đến đời thứ 8 không có ai làm nghề luyện quặng hoặc nghề rèn. Đến đời thứ 9 mới xuất hiện người đầu tiên, được viết như sau: "Tổ khảo tiền Dã luyện cục tượng, mẫu lâm kỳ thủ Cao Quý Công, húy như Khả, tự Huệ Phúc phủ quân" (trang 114). Như vậy, từ ông Cao Thiện Trí (1360) phải đến khoảng 250 năm sau mới có người làm nghề luyện quặng. Tức là khoảng 1610.

- Họ Đặng: Ông Đặng Quý Công, tự Đạo viễn, thụy Thừa Thiệu, từ Cổ Văn về lập nghiệp tại Nho Lâm cùng thời với ông họ Cao. Hậu duệ họ Đặng là cụ Đặng Quang Xán, đỗ sinh đồ năm 1666, cũng vào năm này, cụ viết gia phả cho họ. Về sau, tú tài Đặng Quang Bỉnh, Hoàng giáp Đặng Văn Thụy và con cháu viết tiếp cho đến ngày nay. Lần theo gia phả này, đến đời thứ 12 mới xuất hiện một người có hiệu bụt như sau: "Dã luyện lệnh trưởng Đặng Lục Lang, Sĩ Tạo phủ quân" (trang 41). Thông thường một đời người từ 20 đến 25 năm thì đời thứ 12 của họ Đặng cũng nằm vào khoảng 1610 (tạm tính mỗi đời 23 năm).

- Họ Võ: Ông Phạm Quang Quỳnh (sinh 1510) là đời thứ nhất về Nho Lâm. Đến đời thứ 4 (khoảng 100 năm sau) mới xuất hiện người làm nghề quặng là ông Võ Quang Khoa (vào khoảng 1630). Hiệu bụt viết như sau: "Tiên tổ khải tiền dã luyện phường câu dương, Võ quý công, tự Đôn Trực phủ quân" (trang 17).

Tại gia phả các dòng họ này, sau những ông được viết làm nghề luyện quặng hoặc nghề rèn còn xuất hiện nhiều người khác làm nghề như vậy.

Từ đó, có thể luận đoán, nghề luyện quặng và nghề rèn Nho Lâm chỉ xuất hiện vào khoảng đầu TK XVII (cách ngày nay chừng trên, dưới 400 năm). Nghề rèn này cũng có thể có mối liên hệ mật thiết với làng Thiên Bản, xã Trung Thành, huyện Vũ Bản, Nam Định. Vì trong đền thờ tại làng này còn có đôi câu đối: "Cao Sơn xuất thế tự Nho Lâm, hộ Quốc, giáo dân thiên cổ tại/ Lô hỏa công ân ư Thiên Bản, văn chương ngọc phổ vạn niên tồn". Tạm dịch: Cao Sơn ra đời ở đất Nho Lâm, giúp nước, dạy dân nghìn xưa vẫn như còn đó/ Lửa lò là công ơn vùng Thiên Bản, văn chương phổ ký muôn năm không mất (theo tài liệu họ Cao làng Nho Lâm). Nếu có câu đối này thật thì có thể một ông nào đó họ Cao, người Nho Lâm đã đi truyền nghề rèn ở làng Thiên Bản, Nam Định.

Nghề luyện quặng mất đi đã lâu, có lẽ khi nguyên liệu sắt trên thị trường Việt Nam đã có sẵn thì người ta không còn luyện sắt thủ công nữa. Thế hệ người Nho Lâm trong nửa sau TK XX chỉ còn thấy xỉ sắt rải nhiều trên các đường đi, một số gia đình dùng những cục xỉ đó xây tường rào thay cho gạch. Còn nghề rèn của làng Nho Lâm, chủ yếu là rèn nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có rèn thêm các loại binh khí thô sơ như gươm, đao, giáo, mác, câu liêm để trang bị cho dân quân các địa phương trong huyện. Đến khoảng những năm cuối TK XX thì nghề rèn Nho Lâm không tồn tại. Hiện nay chỉ còn một vài người rèn cuốc, thuổng, liềm, cào… trước cổng chợ. Nhưng họ không phải là người địa phương (hình như ở Thanh Hóa vào lập nghiệp).

TS. Hồ Quang

Đọc thơ, với tôi, ban đầu là một sở thích cá nhân. Sau nữa, vì yêu cầu công việc. Trong tư cách một người đọc hồn nhiên, tôi không tìm kiếm điều gì hơn ngoài việc nhờ thơ để giải tỏa những tâm trạng, cảm xúc của chính mình. Cái hay của thơ, như vậy, được định nghĩa bằng việc nó thiết lập nhanh hay chậm sự đồng cảm, mức độ sâu sắc của những ẩn dụ và khả năng đánh động cảm giác, cảm xúc nhờ vào những từ "hay", "đắt", nói theo cách của giáo khoa thư. Nhưng càng ngày, cùng với việc phải tìm hiểu sâu hơn về thơ, tôi càng phải đối mặt với nhiều hơn những câu hỏi về đối tượng mà ban đầu chỉ là để thưởng lãm hay đồng điệu. "Bài thơ này có hay không?" - câu hỏi quen thuộc ấy hóa ra lại là bắt đầu của rất nhiều câu hỏi phức tạp khác. Nhưng như thế nào là một "bài thơ hay"? Và hơn thế nữa, thế nào là thơ? Là "một - bài - thơ"? Đâu là cái giới hạn để phân định về cái gọi - là - thơ và cái - không - phải - thơ? Cái gì thực sự đã tạo nên "tính thơ"?

Vấn đề càng nảy sinh khi ta tiếp xúc với các hiện tượng cụ thể, nhất là thơ hiện đại. Có lẽ chưa bao giờ quan niệm về thơ/ tính thơ lại xa nhau đến thế. Cùng với điều đó là quá nhiều những cách đọc khác nhau, mâu thuẫn gay gắt, khiến câu trả lời về nghĩa/ ý nghĩa của tác phẩm càng khó tìm được điểm chung. Trước thực tế ấy, tôi cho rằng, muốn đọc hiệu quả, người đọc cần phải có một tư duy đọc hiện đại. Đấy là một mô hình tiếp cận và lý giải văn bản vừa có điểm tựa lý thuyết, vừa gắn liền những trải nghiệm đọc thực tiễn, mang tính dân chủ và cởi mở, tạo nên định hướng cần thiết trong quá trình đọc, giúp anh ta có thể đọc đúng tác phẩm.

Dĩ nhiên, một tư duy đọc hiện đại và cởi mở không dễ có ngay từ đầu và nhất thành bất biến. Nó có thể hình thành từ những tiền đề tri thức về thơ khi ta học/ đọc, song chắc chắn sẽ thay đổi và mở rộng khi tiếp xúc với các hiện tượng thơ cụ thể. Trên cơ sở đó, dần hình thành nên những nhận thức, quan niệm ngày một sâu sắc hơn, và cũng sẽ rộng rãi, cởi mở hơn, về thơ (đương nhiên, cùng với thơ là nhiều vấn đề khác nữa). Đó sẽ là những tiền đề hết sức quan trọng và cần thiết dẫn đến cách đọc chính xác, khoa học. Cũng như phần lớn bạn đọc, trước đây, tôi thích thơ lãng mạn, thuộc nằm lòng nhiều bài thơ được viết theo thi pháp lãng mạn. Đến bây giờ, nằm lại trong trí nhớ của tôi vẫn là những bài thơ truyền thống giàu nhạc tính, có khả năng gây cảm và truyền cảm trực tiếp hơn là những bài thơ "cắc cớ", khó nhớ, khó thuộc của loại thơ được xếp vào ngăn "hiện đại" hoặc "hậu hiện đại". Việc đọc những hiện tượng thơ mới, khó, vừa là thách thức, vừa là đòi hỏi buộc tôi phải mở rộng quan niệm thẩm mỹ và cùng với nó, là giới hạn mĩ cảm cá nhân. Điều này không phải không khó khăn. Trong quá trình đọc, tôi thường xuyên phải dừng lại nghi ngờ, phản bác, chất vấn chính mình: Đây/ như thế này mà là thơ ư? Liệu mình đọc đã đúng chưa? Đâu là ranh giới giữa một bên là đọc đúng và bên kia là sự suy diễn tùy tiện? Đâu là căn cứ, giới hạn của việc đọc - diễn giải? v.v. Như thế, việc đọc thơ với tôi đồng nghĩa với việc phải đối diện với những câu hỏi mang tính phương pháp luận, thường xuyên, ráo riết, liên tục.

Với tôi, thơ (trong sự phân biệt với văn xuôi), phải đảm bảo những yếu tính thể loại của nó, đó là sự cô đọng; tính xúc cảm; tính khêu gợi, tính nhạc. Nhưng bên cạnh tính thể loại, thơ còn có tính loại hình lịch sử. Tính thơ ở mỗi loại hình lịch sử là hết sức khác biệt. Trên thực tế, cái gọi là yếu tính loại hình đó không phải luôn hiện diện trong các hiện tượng thơ cụ thể, hoặc nếu có, cũng ở những mức độ đậm nhạt hết sức khác nhau. Một khi có sự tham gia của người đọc, tiêu chuẩn về thơ và tính thơ, như đã nói trên, càng trở nên khác biệt và nhiều khi dường như không có một điểm chung nào.

Vậy là tôi sẽ phải tự mình xác định thêm một số "tiêu chuẩn phụ" để xác định về giá trị một bài thơ/ hiện tượng thơ. Một bài thơ có giá trị với tôi, ngoài việc có một hình thức chặt chẽ, tự đầy đủ với ý nghĩa mà nó mang chứa; nó còn phải có khả năng gây ra một nỗi ám ảnh, một sự xúc động nào đó, ở tôi, cho tôi. "Thơ hay" ít nhất phải gây chú ý cho tôi trên mấy điểm sau đây:

Trước hết là về hình thức. Hình thức của thơ bắt đầu từ ngôn ngữ. Tôi quan tâm đến cách tác giả sử dụng từ ngữ, hình ảnh, thói quen sử dụng từ loại và biện pháp tu từ. Cùng với điều đó là hệ thống cấu trúc của văn bản, bao gồm cấu trúc nội tại với từ ngữ, hình ảnh - câu - đoạn - bài - tứ thơ, đến cấu trúc lớn hơn gồm những yếu tố ngoài văn bản như tác giả, bối cảnh... Như vậy, khái niệm hình thức ở đây vừa cần được hiểu theo nghĩa hẹp, cụ thể, vừa cần được hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn.

Thứ hai, về nghĩa/ ý nghĩa của thơ. Như đã nói trên, nghĩa/ nội dung không phải là cái có tính "định mệnh" của bài thơ. Nó cũng không phải là cái tồn tại bên ngoài văn bản, được áp cơ học vào văn bản. Nó nằm trong văn bản, được hình thành bởi tổ chức cấu trúc văn bản, ở dạng tiềm năng và chỉ được "kích hoạt" bởi người đọc và việc đọc. Bởi vậy, trong quá trình chú ý tiếp cận và cố gắng diễn giải văn bản trên cơ sở những gợi ý, định hướng của các dấu hiệu hình thức, tôi đồng thời cũng cố gắng "đọc" ra các lược đồ nghĩa/ ý nghĩa của nó. Cùng với quá trình đọc (đọc nhiều lần, có sửa sai/ bổ sung/ phát triển...), lược đồ ấy sẽ trở nên đầy đặn hơn, có lý hơn.

Cùng với những chỉ dẫn mang tính lý thuyết về cách đọc, tôi đồng thời cũng tin vào trực giác, cảm giác và học cách thả lỏng chúng để đến gần hơn tiếng nói thật sự của thơ. Đôi khi, một bài thơ có thể đánh thức trong tôi một cảm xúc sâu kín, khó có thể gọi tên. Đó không phải là thứ cảm xúc trực tiếp, được giãi bày một cách rành mạch, tạo nên sự đồng cảm ngay lập tức như thường thấy ở những thi phẩm lãng mạn, nhưng vẫn là cảm xúc thơ và không phải không gây cảm động tương tự. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi mức độ cộng cảm khá sâu giữa văn bản và người đọc. Có một thứ "công tắc" đồng cảm nào đó chỉ bật lên giữa văn bản với độc giả này mà không phải với độc giả khác. Sự kết nối, liên thông ấy nằm trong "mã đọc" nhiều khi khá cá biệt và riêng tư.

Xuất phát trên cơ sở văn bản ngôn từ, vận dụng linh hoạt những nguyên tắc tiếp cận, lý giải theo hướng thi pháp học, theo tôi, chính là một cách đọc thơ khá hiệu quả. Nhưng như thế hẳn là vẫn quá chung chung. Tôi xin nói rõ hơn về một số biện pháp, cách thức cụ thể mà tôi thường tiến hành khi đọc một bài thơ/ hiện tượng thơ:

Đọc kỹ văn bản. Văn bản ngôn từ là trạm đọc đầu tiên và căn cứ quan trọng nhất của quá trình đọc thơ. Đọc và cố gắng ghi nhớ những ấn tượng, phản ứng cảm tính, trực tiếp, tức thì khi tiếp xúc với văn bản theo kiểu "lần đầu tiên". Góp nhặt chúng lại, khái quát thành một ấn tượng chung, chẳng hạn thích/ không thích; hay/ dở; vui/ buồn/ buồn cười... Và hãy thử triển khai sự lý giải bằng cách đặt câu hỏi: Vì sao? Đừng coi thường những ấn tượng trực giác. Nếu bạn đã có kinh nghiệm, tri thức và kỹ năng đọc, ấn tượng trực giác của bạn thường khá chính xác, nó có thể giúp bạn "định vị" đối tượng rất nhanh mà ít/ chưa cần tới sự can thiệp sâu của các thao tác phân tích lý trí.  

Phân tích sâu cấu trúc văn bản. Khi đọc, tôi quan tâm đến tên bài thơ như một chỉ dẫn, một gợi ý. Thông thường, đó sẽ là một chỉ dẫn về chủ đề hoặc hình tượng trung tâm. Nó sẽ kết nối với toàn bộ cấu trúc văn bản ở phía sau, từ các yếu tố như lời đề từ, các câu chữ, hình ảnh, khổ, đoạn, ý/ tứ thơ... Tôi đặc biệt chú ý tới sự xuất hiện lặp lại của một số từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Sự lặp lại của các yếu tố trong bài thơ hay hoàn toàn không ngẫu nhiên. Nó là một tín hiệu thẩm mỹ cần để mắt. Hãy đặt các câu hỏi về những vấn đề này. 

Khai thác các yếu tố ngoài văn bản nhưng có mối liên quan với văn bản. Các yếu tố ngoài văn bản khá đa dạng. Đó có thể là những thông tin về tác giả (tiểu sử, sự nghiệp, quan niệm sáng tạo...) hoặc nền lịch sử - văn hóa, thơ ca, nghĩa là bối cảnh tác phẩm xuất hiện. Bối cảnh này cung cấp căn cứ để ta hiểu sâu thêm về tác phẩm, định vị chính xác hơn về giá trị cũng như đóng góp của nó. 

Ghi chép lại. Ghi chép là một cách để chính xác hóa những ấn tượng, nhận thức nảy sinh trong quá trình đọc. Đồng thời, chính trong quá trình ghi chép, nhiều ý tưởng mới sẽ được gọi ra theo diễn đạt của cây bút, có khi rất bất ngờ, giúp việc khám phá những nội dung văn bản trở nên tập trung, hứng thú hơn. Viết và đọc, trong trường hợp này, là một sự tương tác, hỗ trợ cần thiết cho nhau.

Bây giờ, tôi sẽ lấy một vài ví dụ trong thơ Việt Nam hiện đại để làm sáng tỏ một số điều đã nói ở trên (Xin nói rõ trong giới hạn bài viết, những minh chứng là chưa đầy đủ và có khi tôi buộc phải làm việc "đẽo chân cho vừa giày"). Một bài thơ có thể gây chú ý từ những yếu tố, phương diện nghệ thuật khác nhau. Một trong những yếu tố đó là biểu tượng. Điều này đặc biệt càng phải chú ý ở những bài thơ được viết theo lối tượng trưng.

Ta hãy bắt đầu bằng một bài thơ của Lê Đạt:

Bóng chữ

Chia xa rồi anh mới thấy em

Như một thời thơ thiếu nhỏ

Em về trắng đầy cong khung nhớ

Mưa mấy mùa

Mây mấy độ thu

Vườn thức một mùi hoa đi vắng

Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu

Bóng chữ động chân cầu

Hãy đặt mình vào vị trí của người đọc hồn nhiên. Sự tiếp xúc với bài thơ lần đầu chắc chắn sẽ làm nẩy sinh hàng loạt câu hỏi, chẳng hạn: Bóng chữ là gì? Bóng chữ có liên quan gì đến chủ đề và hệ thống hình tượng trong bài thơ này? Tại sao "chia xa rồi anh mới thấy em"? Tại sao lại là "như một - thời - thơ - thiếu - nhỏ" mà không phải là "thời thơ ngây", "thời thiếu nữ", "thời thơ nhỏ", những cách diễn đạt có nội dung tương tự nhưng quen thuộc và rõ nghĩa hơn? Rõ ràng cách tổ chức văn bản này có nhiều điểm đặc biệt. Nó làm nảy sinh nghịch lý và khêu gợi những cách hiểu cách nhau. Một mặt trong gần như toàn bộ văn bản, tác giả chỉ tập trung vào hình ảnh Em (với những miêu tả ám gợi khá tình tứ), và do đó tạo nên một sự chiếu nghĩa khá tập trung vào lớp nghĩa câu chuyện tình yêu - chia tay - hồi nhớ - nuối tiếc, một môtip chủ đề quen thuộc. Nó gợi ra khá nhiều các liên văn bản nói về cùng chủ đề, chẳng hạn hình ảnh Dưới cầu nước chảy trong veo của Truyện Kiều của Nguyễn Du hoặc Cầu Mirabeau của Guillaume Apollinaire. Nhưng mặt khác, sự lặp lại cố ý của của cấu trúc hình ảnh "bóng chữ" (ở tên bài thơ và ở dòng kết thúc) đã bẻ lái cách hiểu bài thơ theo hướng mới. Câu chuyện về Chữ, về tình yêu sáng tạo.

Biểu tượng có thể được xây dựng bởi nhiều chi tiết, yếu tố, hình ảnh trong tác phẩm. Nó có thể được cấu trúc bằng thủ pháp lặp hoặc tương phản, đối lập, hoặc bằng sự tập trung của các liên tưởng, so sánh. Nó cũng có thể được báo trước trong tên của bài thơ, chẳng hạn Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Áo trắng (Huy Cận), Người về, Ngựa biển (Hoàng Hưng), Cõi lặng (Nguyễn Khoa Điềm), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Người đàn bà ngồi đan (Ý Nhi), Sóng, Thuyền và Biển (Xuân Quỳnh), Tiếng địch, Củi lửa (Dương Kiều Minh), Hạc trắng (Nguyễn Lương Ngọc), Cây Ánh sáng (Nguyễn Quang Thiều)... Dĩ nhiên, biểu tượng trong những loại hình thơ khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau. Biểu tượng trong thơ tượng trưng thường trùng phức về nghĩa và khó tiếp cận, lý giải hơn.  

Thơ gây chú ý bởi những cách tổ chức ngôn từ và hình ảnh, nhất là khi viết theo lối siêu thực và đây đương nhiên là một điểm sáng thẩm mỹ cần tiếp cận, khai thác. Thông thường, trong thơ siêu thực, giữa các câu chữ có sự đứt mạch rất rõ. Các hình ảnh thường hiện lên như trong những ảo giác, những cơn mơ phi thực, lạ lùng. Đôi khi kỳ dị, dữ dội, mê hoặc, khó có thể cắt nghĩa.

Dĩ nhiên rất cần chú ý đến chủ đề của tác phẩm. Đấy là một phương diện nghệ thuật quan trọng. Đôi khi chủ đề được thể hiện ngay trong tên bài thơ nhưng như thế chưa đủ. Cái tên chỉ là một gợi ý, một chỉ dẫn ban đầu và ta cần phải đọc sâu hơn trong toàn bộ cấu trúc thi phẩm. Đấy là chủ đề "toát ra" từ cách tổ chức của bài thơ chứ phải là những nội dung triết lý "trần trần trực sự". Ở ngoài cấu trúc văn bản, mọi chủ đề là như nhau, không có sự hơn/ kém về giá trị. Do đó, cần chú ý tới cách xử lý chủ đề của tác giả thể hiện trong từng tác phẩm.

Ta hãy lấy bài thơ "Mùa xuân sau một cái chết"của Pháp Hoan viết về một chủ đề có tính phổ quát - sự sống và cái chết, để xem xét điều này rõ hơn. Bài thơ được triển khai từ điểm nhìn của kẻ đã chết, đã nằm dưới đất, nơi thân xác và đất đen hòa làm một, và đang nhìn ngắm/ mô tả về đời sống. Có thể khai thác vô số ý nghĩa triết lý từ tứ thơ độc đáo này. Nhưng theo tôi, cái đáng quan tâm ở đây không phải là những triết lý quen thuộc về sự sống - cái chết (là điều có thể "đọc" ra ngay từ cái tên bài thơ) mà là sự xâm nhập, chuyển hóa giữa các yếu tố đối lập ấy, và hơn thế, là cách mô tả của nhà thơ về quá trình ấy. Chọn điểm nhìn quan sát từ bên trong, "tường thuật" lại các sự kiện, cảm giác cá nhân một cách rành rẽ, chi tiết, nhà thơ cho thấy quá trình chuyển hóa, biến đổi của sự sống và cái chết là một tất yếu, nó đến tự bên trong, tự nhiên và lặng lẽ đến đỗi khó có thể nhận ra. Qua điểm nhìn và cách kể ấy, cảm giác những bông hoa chui ra từ cuống họng, mắt, ngón tay, tai, lồng ngực... của kẻ đã chết, đã nằm dưới mộ, đồng thời cũng là nhân vật trữ tình đang xưng "tôi", đang kể cho chúng ta nghe về những diễn biến cảm giác của anh ta, vốn là điều hết sức phi lý (xét theo logic thông thường), đã trở thành điều hoàn toàn hợp lý, không thể khác. Cái tôi nhận ra cảm giác sống ngay trong khi đang/ đã chết (và rất có thể ngược lại). Đó là một cảm giác/ nhận thức siêu nghiệm nhưng không thể sống động và thuyết phục hơn.

Kết cấu là cách tổ chức toàn bộ các yếu tố riêng lẻ của bài thơ (ngôn ngữ, hình ảnh, chi tiết, giọng điệu, chủ đề, cảm hứng....) thành một chỉnh thể chặt chẽ. Đây cũng là một phương diện hình thức quan trọng của thơ. Trên thực tế, kết cấu thơ hết sức đa dạng. Có kiểu kết cấu theo hình thức luận đề trực tiếp (chẳng hạn Vội vàng của Xuân Diệu thời Thơ mới hoặc một số bài của Nguyễn Lương Ngọc, Trương Đăng Dung, Mai Quỳnh Nam gần đây). Có kiểu kết cấu theo hình thức kể chuyện (chẳng hạn trong Hai sắc hoa Tigon của TTKH, Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Mưa xuân của Nguyễn Bính thời Thơ mới; và gần đây, trong thơ Inrasara, Phan Nhiên Hạo và Nguyễn Đức Tùng...). Phổ biến hơn cả là kiểu kết cấu theo mạch cảm xúc, trong đó, cái tôi chủ thể đứng ra trực tiếp giãi bày xúc cảm. Lại có kiểu kết cấu theo trục biểu tượng phổ biến trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc...

Yếu tố hình thức của thơ không chỉ dừng lại ở những phương diện kể trên. Đôi khi, sự đặc biệt của hình thức thơ được thể hiện thông qua những kỹ thuật trình bày đập mạnh vào thị giác (Jờ Joạcx của Trần Dần, Đàn của Dương Tường, Chữ cái của Từ Huy, Lô Lô của Ly Hoàng Ly... là minh chứng sinh động cho những tìm tòi theo hướng thơ ngôn ngữ - biểu hình này). Hoặc để gợi ra âm thanh tương ứng trong thính giác (ví dụ Noel của Dương Tường...); để gợi ra những cảm giác mơ hồ trong vô thức (như Thơ vụt hiện của Hoàng Hưng...). Tương tự, những khác biệt, thay đổi trong hệ thống hình ảnh, chẳng hạn nhóm hình ảnh đồ vật hoặc "sinh vật cấp thấp" như chó, rắn, ốc sên, gián... trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ruồi, rác thải, đồ tái chế... trong thơ Vũ Thành Sơn, Phan Nhiên Hạo, hoặc hệ thống hình ảnh chỉ các bộ phận cơ thể như trong thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh... cũng là một số dấu hiệu hình thức nên lưu ý.

Khi tiếp cận một bài thơ, ta có thể tùy vào đặc điểm đối tượng cũng như mục đích, nguyên tắc và sự nhạy cảm riêng của người đọc để chọn điểm/ góc tiếp cận. Không nhất thiết phải trình bày tất cả (điều này vừa không cần thiết vừa không thể) về các phương diện hình thức và ý nghĩa của bài thơ. Trên thực tế, cho dù bài thơ có được đánh giá là "tuyệt tác" đi nữa, giá trị của nó không bao giờ chia đều cho tất cả các yếu tố.

Dẫu vậy, bên cạnh việc tập trung vào một số điểm sáng nổi bật trong tác phẩm, ta vẫn phải luôn chú ý tới nó như một chỉnh thể. Trước hết, đó là chỉnh thể - bài, nhưng có khi rộng hơn, là chỉnh thể -  tập; hoặc hơn thế nữa, trong chỉnh thể phong cách tác giả hoặc loại hình thơ mà nó thuộc về.

Việc đọc thơ, trên thực tế, cũng như việc tiếp nhận nghệ thuật nói chung, chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhất là khi ta đứng trước những văn bản mới, bị xem là khó hiểu, tối tăm, hũ nút hoặc bậy bạ, tục tĩu, vô nghĩa..., thường bị úp chung vào sọt "thơ hiện đại" trước đây, và gần đây là "thơ hậu hiện đại". Sự thực thì thơ hậu hiện đại, cũng như thơ hiện đại và các loại hình thơ trước đó, đều có những nguyên tắc, phương thức sáng tạo riêng, những ưu điểm và nhược điểm riêng. Dẫu sử dụng những kỹ thuật viết giống nhau, có tác giả viết được những tác phẩm giá trị, có tác giả chỉ dừng lại ở những thử nghiệm thất bại. Để đọc Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức của Inrasara, tôi đã tìm đọc thêm về chủ nghĩa hậu hiện đại để hiểu về tinh thần dân chủ, sự phá vỡ các "đại tự sự" và tầm quan trọng của tiếng cười giễu nhại trong loại hình thơ này. Điều này giúp tôi nhận ra điểm thú vị trong Yêu nhau ba thì của Inrasara với "cú" nhại kép về tình yêu, thơ ca, các thủ pháp "làm thơ"… thông qua các "thì" sáng tạo: Thì lãng mạn hậu thời, Thì hậu hiện đại, Thì cổ điển mới. Trong nhãn quan hậu hiện đại, cái tôi tác giả ý thức hơn bao giờ hết về sự sao chép, lặp lại, điều không chỉ có trong tình yêu, đời sống hiện thực, mà cả trong sáng tạo, lĩnh vực luôn đứng trước đòi hỏi phải làm mới. Ý thức ấy buộc anh ta sẽ phải viết theo cách khác, thực tế, tỉnh táo và hài hước:

Như là bản sao

chán quá đi mất, em nói

hay mình lao bừa vào nhau đi anh

Hay ta chia tay đi em

lại là thứ chia li không miếng nào đặc sắc

na ná trong phim, xa hơn: truyện cổ tích

& thì

đành yêu tạm thôi, mình nhỉ!

Tiếng cười giễu nhại, mang tinh thần mở được xem là một dấu chỉ quan trọng để nhận diện tính hậu hiện đại trong bài thơ. Nó đồng thời đòi hỏi một nhãn quan mĩ học cởi mở, dân chủ. Có được những tri thức mang tính phương pháp luận này, tôi đã có thể đọc và phát hiện thêm những điểm thú vị trong thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, một tác giả trẻ, viết nhiều trên mạng, và thường về những chủ đề bị xem là vớ vẩn, tầm phào. Tiếng cười ngộ nghĩnh, nhẹ nhõm, hồn nhiên như trẻ thơ chính là điểm cộng cho thơ tác giả này. Dĩ nhiên, không dừng lại ở tính chất "kỹ thuật", điều quan trọng là tác giả này đã thể hiện được trong thơ mình cái cảm thức hậu hiện đại thông qua tiếng cười đó. Ta chỉ có thể lý giải, đánh giá chính xác về đặc điểm, đóng góp, giá trị của hiện tượng thơ (rộng ra là nghệ thuật) khi xem xét nó trong trường bối cảnh/ quan niệm của nó.

Như vậy, với tư cách độc giả, bên cạnh những "công cụ" khác, tôi cần trang bị những tri thức về loại hình thơ như một điểm tựa, một căn cứ khoa học để đọc tác phẩm. Dĩ nhiên, đấy là nói theo cách đơn giản nhất. Vì thơ hậu hiện đại là một hiện tượng vô cùng phức tạp và quan niệm về nó ở cả những người lập thuyết và sáng tác cũng hoàn toàn không thống nhất. Hơn nữa, từ quan niệm của người sáng tác đến tác phẩm của họ nhiều khi là một khoảng cách rất xa. Nếu chỉ dựa trên cái khung lý thuyết để áp vào tác phẩm, nhăm nhăm tìm kiếm các dấu hiệu phù hợp trong văn bản để minh họa cho lý thuyết, chắc chắn sẽ dẫn đến áp đặt, gán ghép thô bạo. Cách đọc này chỉ hiệu quả khi lý thuyết được vận dụng một cách hợp lý, thể hiện qua những nguyên tắc và thao tác tiếp cận, lý giải nhuần nhị, phù hợp đối tượng văn bản. Nghĩa là lý thuyết phải trở thành tri thức công cụ. Thực tế là, dù cũng được trang bị lý thuyết đọc như nhau, song có người có thể chỉ cần đọc qua văn bản đã có thể "bắt" được ngay tần số phát của tác phẩm, có người thì vẫn chỉ loay hoay giữa mê hồn trận câu chữ. Cùng với cách đọc theo lý thuyết, cần thiết phải có sự kết hợp, hỗ trợ của cách đọc - khảo sát văn bản, trong đó gồm những thao tác mô tả, khảo sát ngôn từ cụ thể. Tất nhiên, lý thuyết loại hình chỉ là một trong vô số lý thuyết mà ta có thể vận dụng làm điểm tựa phương pháp luận khi đọc thơ. Tóm lại, còn rất nhiều vấn đề lý luận khác có thể đặt ra qua việc đọc thơ. Do giới hạn bài viết, tôi xin dừng ở đây.

***

Theo một quan niệm mỹ học hiện đại đã trở nên quen thuộc, sự phong phú, đa dạng của cách đọc góp phần tạo nên sự phong phú về nghĩa/ ý nghĩa của văn bản, đưa văn bản trở thành tác phẩm. Chấp nhận, khuyến khích sự khác biệt, đa dạng của cách đọc của độc giả, nhìn trong mối quan hệ với sự viết/ cách viết của nhà văn, chắc chắn cũng tạo nên sự tương tác, thúc đẩy tích cực, buộc người viết phải ý thức hơn trên hành trình tìm kiếm những giá trị sáng tạo mới. Và tôi nghĩ, đó chính là điểm cốt lõi tạo nên ý nghĩa, giá trị của kiểu tư duy đọc hiện đại. Đọc thơ là một vấn đề khó nhưng thú vị. Đọc cách đọc thơ cũng thú vị không kém: nó cho ta thấy nhiều kiểu tư duy khác lạ, độc đáo. Tôi học được rất nhiều từ những cách đọc khác đó. Tóm lại, đọc là một quá trình tìm tòi, học hỏi, đối thoại và tìm cách đối thoại với văn bản, với người viết, với những quan niệm khác mình. Đọc cũng dạy tôi đến gần hơn với sự dân chủ và biết tôn trọng những giá trị khác.

ĐẬU KỶ LUẬT

Đông Nam Á, nhiều nước có trống đồng Đông Sơn, thế giới cũng có, nhưng chỉ trống đồng là đặc sản của Việt Nam mà thế giới đã công nhận là Trống đồng Đông Sơn.

Làm gì có nơi nào trên thế giới có tiết mục múa này.

Mà tìm hiểu múa là vấn đề dân tộc, là bác học và dân gian, nó lớn và linh thiêng lắm. Xin trích lời TS người Pháp - nhà Mường học số một Việt Nam (và cũng có thể là thế giới), Cuisinier viết năm 1951: "… Múa nhảy biểu hiện đà phấn khích thúc đẩy con người hợp nhất với đồng loại, thần linh từng vùng".

Di vật tượng trưng của văn minh sông Hồng là trống đồng Đông Sơn nổi tiếng mang tầm quốc tế. Đông Sơn là tên làng của huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi mà các nhà khoa học đã đặt tên cho một nền văn hóa Trống đồng Đông Sơn.

Ta chỉ quan sát ở trống đồng Ngọc Lũ, một vật thiêng chứa đựng cả nhân sinh quan và thế giới quan của người Việt cổ.

Vành hoa văn thứ sáu là bức tranh liên hoàn miêu tả cảnh lao động (xay lúa, giã gạo), cảnh lễ hội cầu cho mùa màng bội thu, cảnh đánh trống đồng, cồng chiêng, bắt nhịp cho trai gái hát đối, cảnh trẻ em chơi trò trồng nụ, trồng hoa; cảnh trai tráng, chiến binh nhảy múa,… vừa tài tình, vừa hoành tráng, khỏe khoắn. Lao động, lễ hội và kỹ năng chiến đấu quyện chặt vào nhau. Hoành tráng nhất là những đoàn thuyền chiến, vừa mừng chiến thắng, vừa lướt song trở về giữa cảnh chim bay, cá lượn. Các nghệ nhân - chủ nhân của văn hóa Đông Sơn không khắc họa cảnh ác liệt đẫm máu của cuộc chiến mà tập trung thể hiện cảnh chiến thắng trở về trong niềm hân hoan vui sướng xiết kể.

Múa trống đồng cần được có trong các dịp lễ tế, hội hè, đình đám. Trong Sử thi "Đẻ đất đẻ nước" của Việt - Mường có đoạn thơ:

"… Đem bán cho người sang kẻ cả

Ai hóa bụt chầu thiên

Ai hóa tiên hóa rồng

Nghe tiếng trống đồng

Ban ngày biết đường ăn, đường uống, đường lên…".

Trống đồng được múa thiêng hóa. Được sử dụng cho người đang sống, và truyền đi theo người chết về cõi âm. Và múa trống đồng được coi là một trong những hình thức diễn xướng, biển hiện nghệ thuật đầu tiên, bởi lễ thức tín ngưỡng thuộc phạm trù lễ nghi nông nghiệp. Một số nơi, về sau còn múa trong đám cưới.

Ở thời Hùng Vương, người ta đặt mặt (đáy) lên miệng hố đào sâu xuống khoảng 0,8 mét, mục đích là để "đâm" tiếng trống sẽ được bồi thêm vang xa hơn. Các nghi lễ thực hiện trang nghiêm, đầy đủ quy định lễ tế trống và lễ tế thần giữ trống.

Phụ nữ được đề cao như trong câu "lệnh ông không bằng cồng bà", đó là biểu lộ một sự gặp gỡ xa xăm giữa hai nền văn minh, lệnh của du mục và cồng của nông nghiệp, và một sự biện chứng nhất trong lịch sử văn hóa nhân loại đã xảy ra ngược hẳn với thường tình trên thế giới là lệnh lấn át hẳn cồng. Đâu đâu phụ hệ cũng lấn át mẫu hệ, chỉ có Viễn Đông một phụ nữ xinh đẹp có uy tín đứng vào "cái" cầm một chiếc gậy mềm. Người múa mặc váy đen, áo trắng ngắn tay, ngoài mặc áo dài (áo chùng) mũ đội đầu (khăn chít đầu); ở trên mũ có 3-5 lông chim đủ sắc màu rực rỡ.

Người mẹ đóng vai chính và là người chủ gia đình nên có quyền hành động cao nhất cộng đồng. Múa trống đồng "chằm thau", "đâm trống đồng" thời Hùng Vương do con gái múa. Mỗi trống có 3-5 người đâm trống, do 1 người "cái" và 2 "người con". Người "cái" đâm dùi xuống điểm giữa của mặt trống, còn người "con" điểm vào vành trống. Người mẹ cầm gậy trước mặt nét mặt nghiêm trang, đang thả hồn vào nơi linh thiêng rồi mới đấm gậy vào mặt trống ba tiếng lặp đi lặp lại, rồi tám tiếng tiếp theo lặp đi lặp lại hòa vào tiếng "đâm"; các vai "cái" và vai "con" từng cặp đôi đối diện nhau chung quanh trống ở phía ngoài, "đâm" gậy của mình xuống vành ngoài trống, tiếng "đâm" tạo thành âm thanh cao hơn tiếng "đâm" của "cái". Sau đó, tất cả đều đâm vào giữa trống, ra vành ngoài và ngược lại. Trước  khi dừng lại để "kết", các diễn viên cả "cái" và "con" tay trái đâm trống, tay phải giơ ra hai vòng, chùng. Cả dàn diễn viên theo nhạc, chạy đuổi dần chung quanh chiếc trống đồng và kết ở vị thế đứng chung quang trống hình một bông hoa. Số người múa không cố định, nhưng bao giờ cũng là số lẻ.

Múa trống đồng được kết cấu tạo hình phát triển luật động từ những chiếc gậy, chiếc dùi trống, từ những cây nêu, mâm chay mà đạo diễn tạo hình múa hành động, đạo cụ múa đã hòa đồng với âm thanh.

Múa trống đồng xưa nay là tiếng nói của hồn người bái dâng với trời đất, với thành hoàng, thần nông biết để về hưởng ơn, hưởng lộc. Báo cho những người có quan hệ huyết thống, quan hệ cộng đồng, dòng tộc, cho hồn vía về với gia đình, tông tộc có cuộc lễ hệ trọng để chứng giám. Ngày Xuân tụ về mà chịu lễ, hành lễ.

Giỗ tổ Hùng Vương, ông tổ của dân tộc, của đất nước, của một ngày linh thiêng hiếm có trên thế giới. Giỗ tổ của mình: Hùng Vương có công dựng nước để muôn đời sau con cháu vâng lời Bác Hồ kính yêu "giữ lấy nước" giang sơn gấm vóc của tổ tiên ngàn đời nay phù hợp với Thiên, Địa, Nhân. Để cho múa trống đồng (quốc vũ) lan tỏa trong cả nước không chỉ ngày giỗ tổ mà cả những ngày lễ trọng của dân tộc. Là người Việt Nam dù theo tín ngưỡng, tôn giáo nào thì không bao giờ quên ngày mồng 10 tháng Ba - giỗ tổ Hùng Vương.

Có thể ngày nay ta ôn lại lời dạy của Bác Hồ đầy chân lý: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Đây cũng là vấn đề tâm linh của người Việt Nam Lạc Việt của con Rồng, cháu Lạc. Thế giới, nhiều học giả đang tiếp tục nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú.

Thực hành múa, nhất là múa trống đồng là nảy sinh nhiều vấn đề lịch sử, vì huyền tích, vì dân tộc, chủng tộc,… Văn hóa đầy thú vị.

Điều nói thêm là múa nhạc gắn bó mật thiết với nhau. Ca múa nhạc sáng tạo nên hồn dân tộc. Nó làm cho nhân tính phát triển và chu toàn Chân - Thiện - Mỹ.

Hồ Dương Cầm - Nguyễn Công Minh

Võ thuật - nhìn từ cội nguồn, gốc rễ

Trong lịch sử, Nghệ An là tiền đồn, là hậu phương, là căn cứ quân sự của nhiều cuộc kháng chiến giữ nước. Võ thuật là sức mạnh, là sự mưu trí dũng cảm giúp người dân xứ Nghệ khởi nghĩa chống lại nhà Đường, xây thành Vạn An và tôn Mai Thúc Loan làm Hoàng đế. Thời nhà Lý, Nghệ An là phên dậu của nhà nước Đại Việt, nhờ có công chăm lo vỗ về của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mà đất đai được khai phá, dân tình no ấm, không chỉ ngăn chặn được giặc ngoài mà còn là điểm tựa quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Thời nhà Trần, xứ Nghệ là hậu cứ quan trọng, đóng góp nhiều sức người, sức của cho ba lần đánh đuổi giặc Nguyên Mông ở phương Bắc và là tiền đồn ngăn chặn giặc phương Nam, mở mang bờ cõi; là điểm tựa vững chắc cho các triều đại. Chẳng thế mà vua Trần Nhân Tông từng thốt lên đầy tự hào và tin tưởng về sự trung dũng của con người xứ Nghệ khi nhà vua đang ở trên chiến thuyền lui về bến Vạn Kiếp trước sự tấn công ồ ạt của giặc Nguyên Mông:

"Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh".

Dịch nghĩa:

Cối Kê, việc cũ ngươi nên nhớ

Hoan, Diễn ta còn chục vạn quân.

Nghệ An cũng là chiến địa của nhà Hồ và nhà hậu Trần chống giặc Minh xâm lược. Riêng thời Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân được chiêu mộ tại trấn Nghệ An là đội trung quân anh dũng, thiện chiến, không quản hiểm nguy, xông pha mũi tên hòn đạn, lập công báo quốc, góp phần quan trọng vào chiến thắng lừng lẫy đánh tan 20 vạn quân Thanh xâm lược trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa.

Lịch sử còn ghi, Nghệ An là vùng đất tụ hội của nhiều dòng họ nổi danh về võ học. Đó là: dòng họ Hồ, tổ tiên của Tây Sơn tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); dòng họ Đinh Bạt có Đinh Bạt Tụy, là đại võ tướng, Khai Quốc công thần thời Lê Trung Hưng; dòng họ Trương có Trương Văn Hiến, đại công thần trung liệt, là thầy dạy cả văn lẫn võ cho ba anh em nhà Tây Sơn và một số võ tướng, võ quan lừng danh của Vương triều Tây Sơn; dòng họ Nguyễn Sĩ (có Nguyễn Sĩ Sách); dòng họ Đậu có Đậu Yên, Đậu Khâm, hai danh tướng giỏi võ nghệ đã trực tiếp chỉ huy nghĩa binh đánh hạ đồn Ngọc Hồi, mở đường cho đại quân tiến vào giải phóng Thăng Long; rồi dòng họ Phan, dòng họ Võ, dòng họ Ngô Xuân...

Là một người con ưu tú của dòng họ Ngô Xuân, qua sự "chân truyền" của chính người cha và các bậc cao nhân về võ học xứ Nghệ, cộng với khả năng "đặc biệt" thiên bẩm, nên võ sư Ngô Xuân Bính đã khôi phục, hệ thống lại được khá đầy đủ "gia tài vô giá" của môn võ cổ truyền mang đậm tính dân gian - làng, xã. Đó là võ Nhất Nam! Môn võ này được "công bố", biểu diễn lần đầu tiên vào đầu những năm 1980 của thế kỉ 20 tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Nhất Nam được đặt tên với hàm ý cùng vun vén về cội nguồn dưới bầu trời nước Nam. Theo lý giải của Chưởng môn Ngô Xuân Bính thì: Chữ "Nhất" ấy có nghĩa là quy tụ, là thống nhất bầu đoàn võ thuật của xứ Thanh - Nghệ. Còn nếu xét tự xa xưa thì môn võ này chỉ có một cái tên chung. Đó là Võ Hét. "Hét",  "Thét" đều là những từ diễn tả đặc điểm phong thổ, khí hậu, tức: "thổ khí tất khai thanh" - bật ra thành tiếng! Dòng võ "Hét" này chứa đựng những điểm riêng biệt về quyền, cước, về binh khí, về tâm pháp đặc thù định hướng phương pháp tập luyện hiệu quả theo những yếu lý của nó. Tài liệu môn phái võ Nhất Nam viết về phần Tâm pháp rằng:

- Học lấy tinh, không cần nhiều

- Hiểu cần nhiều, nhưng luyện ít

- Học lõi không học vỏ, học vỏ để chứa lõi

- Giác đầu thành tay, thành chân

Đây chính là "cái riêng" - nét độc đáo trong quan niệm tập luyện, quá trình lĩnh hội của bất kì ai khi gia nhập môn phái võ cổ truyền Nhất Nam. Sau gần 40 năm "ra mắt" giữa làng võ thủ đô, cùng sự miệt mài truyền bá của các võ sư Ngô Xuân Bính, Ngô Xuân Vỹ, Trần Phú Cử, và sau này là sự đóng góp tâm sức của võ sư Nguyễn Công Minh, Trần Hà, môn phái võ Nhất Nam đã có sự phát triển rộng rãi và lớn mạnh ở các quốc gia châu Âu như: Nga, Bê La Rút, Lít Va, Ucraina, Ba Lan, Tiệp Khắc, Bungari, Pháp, Đức…

Tinh thần võ học và định hướng phát triển

Ý thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát triển võ cổ truyền như một loại hình văn hóa phi vật thể đã "hội tụ" tinh thần, ý chí quật cường, nghệ thuật đánh giặc của cha ông, đầu năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành QĐ thành lập Hội Võ thuật Cổ truyền, với tôn chỉ mục đích hết sức rõ ràng.

Do đó, để việc bảo tồn và phát triển nền võ học xứ Nghệ có hiệu quả, những bước đi đầu tiên đã được định hình. Đó là việc mở rộng các câu lạc bộ võ cổ truyền tại các huyện, thị, thành (đến nay đã có hàng chục võ đường, CLB võ cổ truyền hoạt động);  tổ chức thành công các giải thi đấu võ thuật cổ truyền cấp tỉnh mở rộng. Điều này đã kịp thời động viên, khích lệ những người yêu thích võ thuật, khơi dậy phong trào tập luyện võ thuật, rèn luyện sức khỏe, khả năng tự vệ, tu dưỡng nhân cách sống trong thời đại mở rộng và hòa nhập với thế giới.

Hội Võ thuật cổ truyền đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý văn hóa các cấp, tìm hiểu truyền thống võ thuật của những địa phương có thế mạnh, đặc biệt là tìm hiểu về nguồn cội nơi đã phát sinh những dòng họ lớn có truyền thống võ học đóng góp sức người, sức của cho quê hương, cho đất nước trong các cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước như: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quế Phong... Từ đây, Hội sẽ kết nối với ban quản lý các khu di tích, đền thờ các vị Hoàng đế, các vị danh thần, võ tướng được nhân dân tôn kính thờ tự để tìm hiểu, kêu gọi, động viên xây dựng lại các nghi lễ biểu diễn võ thuật trong các lễ hội truyền thống. Việc này cần có sự chung tay của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, đặc biệt là cần sự góp sức, tham gia cùng tập luyện từ nội tộc những "NGƯỜI" đang được thờ tự, kết hợp với nhân dân ngay tại địa phương thì mới có được tính uy nghiêm, tính bền vững!

Về văn hóa, kiến trúc tâm linh, xứ Nghệ hiện có hơn một nghìn khu đền thờ, đình làng, miếu mạo, di tích lịch sử, chủ yếu thờ tự những người có công với làng quê, với tổ quốc trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Hiển nhiên, những người đã được tôn kính, thờ tự phần lớn đều là những người yêu nước, có tài trí cao, giỏi võ nghệ. Bên cạnh "Tứ Linh" đền thiêng xứ Nghệ: "Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng", ngoài đền Cờn thờ tứ vị thánh linh, là những nữ thần bảo vệ và phù hộ cho dân chúng, thì ba đền thờ còn lại đều thờ những bậc tướng quân trung dũng, văn võ song toàn, yêu nước thương dân như: Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tướng quân Phan Đà, Đại vương tướng quân Lê Khôi. Vì vậy, việc xây dựng lại các phong trào tập luyện võ thuật cổ truyền và phục dựng lại các hoạt động văn hóa võ thuật trong các lễ hội lớn ở các địa phương để tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân là vô cùng cần thiết.

Bắc "nhịp cầu" nối truyền thống với đương đại

Có thể nói, nền võ học cổ truyền của mỗi dân tộc không chỉ là sắc thái văn hóa riêng  trong nền văn hóa của mỗi quốc gia, mà đó còn là sức mạnh đến từ cội rễ; là "nguồn sinh khí" tu thân và nuôi dưỡng tinh thần Việt. Dù rằng, chặng đường bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng trong "thế giới phẳng" hiện nay sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trước những cám dỗ đời thường về vật chất, những tác động xấu đến từ những luận điệu xuyên tạc về tiến trình lịch sử của nước nhà; từ những giáo phái tuyên truyền những bài tập nâng cao một phần sức khỏe nhưng tinh thần thì quay lưng lại với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Để  góp phần bảo tồn tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, Hội Võ thuật Cổ truyền Nghệ An hiện đang đưa vào giới thiệu, giảng dạy các bài quyền quy định của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tại nhiều võ đường, CLB, trường học. Về việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nền võ học cổ truyền của xứ Nghệ, giữ gìn bản sắc võ học mang tính vùng miền, thì cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành hữu quan như: tạo điều kiện về địa điểm, trụ sở hoạt động, giúp đỡ các thành viên chuyên trách trong việc tìm kiếm các tài liệu, thư tịch, tiếp xúc với các dòng họ lớn có truyền thống võ thuật để tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi, lưu trữ các bài võ cổ còn được lưu truyền. Hơn nữa, các cấp quản lý liên quan cũng cần chung sức với Hội Võ thuật Cổ truyền tỉnh, vận động các dòng họ cùng "xắn tay" tham gia vào các hoạt động văn hóa kết hợp biểu diễn võ cổ truyền gắn liền với "lễ, hội" các bậc tiền nhân trong dòng tộc. Các dòng họ Mai với lễ, hội Vua Mai Hắc Đế ở Vân Diên, Nam Đàn; dòng họ Hồ với lễ, hội tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết, tp. Vinh; họ Phan với lễ, hội đền Bạch Mã, Võ Liệt, Thanh Chương.v.v..., nên phối hợp đưa võ cổ truyền tham gia biểu diễn trong các lễ hội. Có như thế, các "lễ, hội" không chỉ dừng lại ở hoạt động tín ngưỡng tâm linh mà còn còn mang tính giáo dục từ nền tảng văn hóa vốn mang đậm tinh thần nhân văn, thượng võ của dân tộc Việt Nam, như cố thi sĩ Huy Cận đã đúc kết: "Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa". q

 

Trương Quế Phương

 

Năm Canh Tý (1900)

Năm Kỷ Hợi vừa qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta trong cả nước, tỉnh Nghệ An đã tổ chức học tập và tổng kết 50 năm làm theo Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ. Mùa Xuân Canh Tý đã tới, được sum vầy đoàn viên trong cảnh độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, chúng ta luôn biết ơn công lao trời bể của Bác Hồ và sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ. Mừng Đảng - mừng Xuân  năm Canh Tý (2020), bài viết này xin giới thiệu đôi nét về chặng đường lịch sử, những hoạt động của Bác Hồ trong các năm Tý (từ năm Canh Tý 1900 đến năm Canh Tý 1960).     

Cách đây 120 năm thuở trước, cậu Nguyễn Sinh Cung mới lên 10 tuổi, được cụ Nguyễn Sinh Sắc cho đi thăm bạn bè ở các địa phương. Đến huyện Nghi Lộc thăm cụ Nguyễn Thức Tự, là thầy giáo dạy Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc và hàng trăm sỹ phu yêu nước khác ở hai tỉnh Nghệ Tĩnh. Ra làng Quỳnh Đôi thắp hương tại Nhà thờ cụ Án sát Hồ Bá Ôn, thăm bà Trần Thị Trâm và ông Hồ Bá Kiện. Cũng năm Canh Tý, sau khi đỗ đầu kỳ thi Hương trường Nghệ, cụ Phan Bội Châu đã đi các huyện để khởi xướng phong trào Đông Du. Những chuyến đi lên huyện Thanh Chương và phủ Anh Sơn, cậu Nguyễn Sinh Cung được sống trong không khí sục sôi tinh thần kháng Pháp của các sỹ phu xứ Nghệ. Từ những buổi đi thả diều trên núi Chung, theo cụ Phan đi nghe hát phường vải trên bờ đê sông Lam ở quê nhà. Tiếp đến là những năm tháng Nguyễn Tất Thành theo học tại Trường Quốc học Huế, anh tham gia đấu tranh nên đã bị đuổi học. Mặc dù rất kính phục tinh thần yêu nước của cụ Phan, nhưng Nguyễn Tất Thành lại không muốn làm cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam theo con đường cầu viện Nhật Bản. Thời gian Nguyễn Tất Thành đang học Quốc học Huế, các cụ Cao Xuân Dục, Đào Tấn và Lê Văn Miến (vừa du học ở Pháp về, thầy giáo dạy môn họa Lê Văn Miến), đã giúp đỡ gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, bà Loan rất nhiều. Thông qua các cụ, Nguyễn Tất Thành hiểu và anh muốn khám phá thực chất câu"tự do, bình đẳng, bác ái" của nước Pháp là gì? Để tìm được câu trả lời, Nguyễn Tất Thành đã quyết định: muốn đánh được thực dân Pháp thì phải hiểu được Pháp. Thời gian chờ đợi đi xuất dương, Nguyễn Tất Thành đã tham gia dạy học tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Khi nhận được tin mật báo, anh đã rời Trường Dục Thanh đến Sài Gòn. Với lòng yêu nước thương dân cháy bỏng, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành đóng vai anh Ba phụ bếp, lên tàu tại Bến Nhà Rồng, rời Tổ quốc, lênh đênh biển cả đến với nước Pháp. Tất cả những kỷ niệm trong năm Canh Tý, từ Tổ quốc và quê hương đã theo bước chân của Nguyễn Tất Thành, đi khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc...

Năm Nhâm Tý (1912)

Trên đất Pháp, để tránh sự theo dõi của bọn mật thám Pháp, Bác Hồ đã nhiều lần phải đổi họ thay tên. Người đã bí mật liên hệ với những người Việt Nam yêu nước đang sinh sống và hoạt động ở Pháp. Để có tiền sinh sống và hoạt động, Bác Hồ đã làm nhiều công việc khác nhau: nhiếp ảnh, họa sĩ, nghề làm báo… Ở Pari, để chống chọi với cái rét tê tái trong đêm đông khi ngồi làm việc, Bác Hồ đã phải lấy hơi ấm tỏa ra từ hòn gạch nung. Năm 1919, trên đất Pháp, một sự kiện đáng ghi nhớ trong thời gian Bác Hồ đi tìm đường cứu nước. Vào một đêm, khi Bác đang đọc tác phẩm: Luận cương của Lê-nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Sự sung sướng phấn khởi khi bắt gặp luận cương của Lê-nin đã được Người ghi lại: "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin"(1) đã giúp chúng ta hiểu thêm những việc làm của Bác Hồ trên đất Pháp: "Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thuê ở Pari. Khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ "đồ cổ mỹ nghệ Trung Hoa" (do một xưởng của người Pháp làm ra). Hồi đó tôi thường rải truyền đơn tố cáo tội ác bọn thực dân Pháp ở Việt Nam...". Bác đã đọc đi đọc lại bản luận cương của Lê-nin đến thuộc từng câu từng chữ:"Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo"Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta...". Vì tin tưởng vào con đường cách mạng của   Lê-nin: lên án chủ nghĩa thực dân và bênh vực cho các dân tộc thuộc địa, tháng 12-1920, tại Đại hội ở thành phố Tua(2), Bác Hồ đã lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người đã giơ tay biểu quyết tán thành Quốc tế III. Từ mốc lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người tham gia sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện Đại hội Tua đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt cách mạng của Bác Hồ. Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Lê-nin và trở thành một người cộng sản lỗi lạc. Năm 1921, Bác Hồ đã tham gia thành lập "Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp". Năm 1922, Người xuất bản tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria). Cũng từ đây, thông qua các bài báo ở Pháp và những hoạt động chống chủ nghĩa thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nổi tiếng. Bọn mật thám Pháp ráo riết theo dõi mọi hoạt động của Người. Năm 1923, Bác Hồ được bầu vào Ban chấp hành Quốc tế nông dân. Nguyễn Ái Quốc thấy cần phải rời nước Pháp để đến với quê hương của Lê-nin, nơi có ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga do Lê-nin lãnh đạo. Người đã bí mật vượt qua mọi vòng vây theo dõi của của bọn mật thám Pháp, từ nước Pháp, Bác Hồ đã đến với nước Nga, với Cách mạng tháng Mười vĩ đại.

Năm Giáp Tý (1924)

Trên đất nước Nga Xô viết, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham gia dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được chỉ định làm Ủy viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam. Ngày 19-6-1924, nhóm Tâm Tâm xã gồm những người yêu nước trong phong trào xuất dương của cụ Phan Bội Châu (Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn …) tổ chức vụ ném tạc đạn tại khách sạn Víchtoria ở Quảng Châu Trung Quốc mưu giết tên Toàn quyền Méclenh. Tiếng bom của Liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã gây một tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Để tập hợp những thanh niên yêu nước Việt Nam đang hoạt động ở hải ngoại, vào một tổ chức theo con đường cách mạng vô sản của Lê-nin. Bác Hồ đã đề xuất và được Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đồng ý. Tháng 11-1924, Người đã từ nước Nga về Quảng Châu Trung Quốc hoạt động. Được sự giúp đỡ của các cụ Phan Bội Châu, Hồ Học Lãm, Nguyễn Ái Quốc (dùng tên là Vương), đã tập hợp Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm…, thành lập Hội Thanh niên cách mạng đồng chí. Người đã chọn ngôi nhà 13, đường Văn Minh Quảng Châu để mở lớp học đào tạo cách mạng. Ngày 21-6-1925, Bác Hồ đã sáng lập và xuất bản tờ Báo Thanh niên (tờ báo cách mạng đầu tiên), chuyển về nước để tuyên truyền con đường cách mạng vô sản theo gương cách mạng tháng Mười Nga. Mùa Xuân năm Canh Ngọ (3-2-1930), được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc hội nghị hợp nhất các tổ chức, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam...

Năm Bính Tý (1936)

Từ năm 1930 đến 1940, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Cộng sản Quốc tế vô cùng khó khăn, gian khổ. Đầu năm 1941, khi đại chiến thế giới lần thứ hai đã xoay chuyển, có lợi cho phong trào cách mạng giải phóng dân tộc của các nước bị áp bức trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chớp lấy thời cơ để làm cuộc cách mạng giải phóng cho dân tộc Việt Nam, tại Tịnh Tây Trung Quốc, Bác Hồ đã triệu tập cuộc họp gồm những người Cộng sản tiêu biểu như Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên,... để bàn kế hoạch và quyết định trở về Tổ quốc hoạt động. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại đi tìm đường cứu nước, ngày 8-2-1941, với cái tên mới là Hồ Chí Minh, Bác đã về Pác Bó tỉnh Cao Bằng. Việc đầu tiên của Bác Hồ là tổ chức và xây dựng lực lượng vũ trang. Ngày 19-5-1941, Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh. Đầu năm 1945, tại lán Nà Nưa (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), Bác bị ốm nặng "thập tử nhất sinh", Bác nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp:"Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được độc lập dân tộc…". Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, Bác Hồ và Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật. Mùa Thu năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dưới sự lãnh đạo của Bác, cả nước tổ chức Tổng tuyển cử (6-1-1946), bầu Quốc Hội và thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội  khóa I họp tại thủ đô Hà Nội đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước. Cùng với toàn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn quân dân ta thực hiện cuộc cách mạng:"diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng. Nhưng với âm mưu xâm lược lâu dài nước ta, thực dân Pháp đã núp sau quân Anh, quay lại gây hấn ở Nam bộ. Để bảo vệ thành quả cách mạng và nền độc lập non trẻ, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:"… Không! chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… ". Hịch kêu gọi cứu nước của Bác Hồ vang vọng non sông, cả nước đứng lên làm cuộc cách mạng "tiêu thổ kháng chiến"; Bác Hồ, Trung ương đảng, Chính phủ dời lên Việt Bắc, thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân:"Trường kỳ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi".                                                               

Năm Mậu Tý (1948)

Mùa Đông năm Đinh Hợi (1947), Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang sống ở núi rừng Việt Bắc. Cảnh khuya đêm đông, Bác không ngủ vì thương bộ đội, dân công ngoài rừng, tấm áo vải mong manh. Nhà thơ Minh Huệ đã viết bài thơ:"Đêm nay Bác không ngủ". Không ngủ được, Bác Hồ đã viết những vần thơ rất đẹp để lại cho đời:"Tiếng suối trong như tiếng hát xa,/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như như vẽ, người chưa ngủ,/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà". Và Bác tả:"Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay/ Vượn hót chim kêu suốt cả ngày/ Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay/ Non xanh, nước biếc tha hồ dạo/ Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say/ Kháng chiến thành công ta trở lại/ Trăng xưa, hạc cũ với Xuân này"(3).

Tết Nguyên Đán năm Mậu Tý, Bác Hồ đã làm Thơ mừng Xuân gửi chúc Tết đồng bào cả nước: "Năm Hợi đã đi qua/ Năm Tý vừa bước tới/ Gửi lời chúc đồng bào/ Kháng chiến được thắng lợi/ Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công"(4). Mùa Xuân năm Mậu Tý (1948), thực dân Pháp tấn công vào Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng đầu não của Đảng ta. Bác Hồ, Trung ương đảng quyết định dàn địch ra mà đánh. Khắp Trung bộ và Nam bộ, đồng bào và chiến sĩ ta đã tổ chức đánh du kích, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, làm chúng hoang mang, dao động, mất ăn, mất ngủ. Đêm 4-1-1948, tại Sài Gòn - Chợ Lớn, vùng địch chiếm đóng đã 2 năm mà vẫn bị lực lượng du kích đánh lớn. Bị đánh trên khắp các chiến trường, buộc bọn địch phải chia lực lượng ra để đối phó. Bằng cách đánh du kích, quân dân ta đã làm cho thực dân Pháp thất bại trong kế hoạch tấn công tiêu diệt vào khu căn cứ Việt Bắc. Khi thế và lực ta còn yếu, Bác Hồ đã phân tích về lợi hại của cách đánh du kích là: "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh"; là lối đánh thông minh và sáng tạo nhất. Bác nói:"Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Đế quốc có khí giới tốt, có quân đội đàng hoàng, quân du kích không có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng; nhưng quân du kích được dân chúng ủng hộ, thuộc địa hình, địa thế, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng, khéo xếp đặt kế hoạch, nên quân du kích vẫn có thể đánh được đế quốc…"(5).

Giữa núi rừng Việt Bắc, vào đêm rằm tháng Giêng năm Mậu Tý, mặc dù bận lo cho cuộc kháng chiến "toàn dân, toàn diện", đêm khuya về Bác Hồ vẫn làm thơ vịnh cảnh: "Rằm Xuân lồng lộng trăng soi/ Sông Xuân nước lẫn màu trời thêm Xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền"(6).

Ngày 5-4-1948, Bác Hồ đã viết "6 điều không nên và 6 điều nên làm" với nội dung như sau: "Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả anh chị em các bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể, trong khi tiếp xúc hoặc sống chung với nhân dân, ai ai cũng phải nhớ và thực hiện 12 điều sau đây". Sau bài viết 12 điều cần tránh và cần làm, để nhắc nhở mọi người phải học thuộc để nhập tâm mà thực hiện, Bác Hồ đã sáng tác bài thơ cổ động như sau: "Mười hai điều trên/ Ai làm chả được/ Hễ người yêu nước/ Nhất quyết không quên/ Tập thành thói quen/ Muôn người như một/ Quân tốt, dân tốt/ Muôn sự đều nên/ Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"(7). Để động viên toàn quân dân ta trong cả nước ra sức thi đua thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện mau chóng thắng lợi, Bác Hồ đã gửi nhiều bức thư cho các đoàn thể và nhân dân cả nước. Vào dịp 1-5-1948, Bác Hồ đã viết Lời kêu gọi Thi đua yêu nước như sau: "Cùng toàn thể đồng bào yêu quý. Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau. Vì vậy, sĩ, nông, công, thương, binh, gái trai già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc "Thi đua yêu nước" tức là tăng gia sản xuất. Như thế thì: kháng chiến nhất định thắng lợi/ kiến quốc nhất định thành công". Để nâng cao đời sống cho quân dân ta phục vụ công cuộc cứu quốc và kiến quốc,  ngày 11-6-1948, Bác Hồ ra: "Lời kêu gọi thi đua ái quốc". Người nói: "Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là: Dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân… thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều… Hỡi toàn thể đồng bào, Hỡi toàn thể chiến sĩ, Tiến lên!". Nhân ngày kỷ niệm 3 năm độc lập, để động viên tinh thần hăng hái thi đua của quân dân ta, ngày 2-9-1948, Bác Hồ ra lời kêu gọi: "… Hỡi đồng bào! Hỡi tướng sĩ! Hăng hái tiến lên! Đánh tan bọn thực dân cướp nước! Việt Nam thống nhất và độc lập muôn năm!". Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua của Bác, quân và dân Nghệ An đã hăng hái thi đua sản xuất ra nhiều của cải vật chất phục vụ đời sống nhân dân và kháng chiến kiến quốc. Khi nhận được quà của Nghệ An gửi ra tặng, Bác Hồ đã gửi thư cảm ơn:"… Tôi mong đồng bào hăng hái xung phong "Thi đua ái quốc" làm cho đủ tự cấp tự túc và tiến bộ về mọi mặt. Mỗi người thi đua với nhau, các trại thi đua với nhau. Như vậy nhất định tiến bộ và thành công". Hưởng ứng lời kêu gọi thi đua của Bác: "Người người thi đua/ ngành ngành thi đua …", cuối năm Mậu Tý, vui mừng "Tin thắng trận" trên khắp mọi miền Nam, Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ: "Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau/ Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/ Ấy tin thắng trận Liên khu báo về".

Năm Canh Tý 1960

Đất nước có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, riêng quê hương Nghệ An còn có thêm hai sự kiện: kỷ niệm 30 năm Xô viết Nghệ Tĩnh và thành lập Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trên thành phố Đỏ anh hùng. Bác Hồ đã  viết: "Thơ mừng năm mới" rằng: "Mừng Nhà nước ta 15 Xuân xanh!/ Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ!/ Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa/ Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh/ Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ/ Cả nước một lòng hăng hái tiến lên/ Thống nhất nước nhà Bắc - Nam vui vẻ!". Nói chuyện tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Bác Hồ đã khẳng định: "… Công ơn Đảng thật là to/ Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng…". Mừng Tết Nguyên Đán năm Canh Tý 1960, Bác Hồ đã căn dặn: "Các đồng chí cán bộ ta cần phải hướng dẫn đồng bào làm cho Tết Canh Tý thành một Tết vui vẻ và tưng bừng, đồng thời là một Tết tiết kiệm và thắng lợi". Bác đã có thơ rằng: "Trăm năm trong cõi người ta/ Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/ Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/ Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân". Mùa Xuân đến, Bác Hồ đã phát động Tết trồng cây: "Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân". Trong bài viết đăng trên Báo Nhân dân số 2198 ra ngày 25-3- 1960 ký tên là Trần Lực, Bác Hồ đã biểu dương tỉnh Nghệ An đã trồng được hơn một triệu cây xanh. Năm Canh Tý đã diễn ra nhiều sự kiện trong đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 24-4-1960, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa II, Bác Hồ đã có bài phát biểu định hướng đường lối và nhiệm vụ với cử tri tại Hà Nội. Người nói:"Quốc hội khóa II phải là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội …". Ngày 5-9-1960, Đại hội Đại biểu lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam đã nhất trí bầu lại đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Năm Canh Tý 2020, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa 51 năm. Tết đến, Xuân về, ôn lại đôi nét về lịch sử cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ các năm Tý đã đi qua. Biết ơn Bác, mỗi người dân trên quê hương Nghệ An Xô viết càng ra sức thi đua, thực hiện trọn vẹn lời Di chúc của Người trước lúc đi xa. Đó cũng là những đóa hoa tươi và nén hương thơm thảo của lớp hậu duệ con cháu, kính dâng lên Bác và nguyện đi theo con đường cách mạng mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Chú thích

1). Bài viết được đăng trên Tạp chí "Các vấn đề phương Đông" (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.I. Lê Nin. Bài này đã được đăng trên Báo Nhân dân số 2226 ra ngày 22-4-1960.

2).  Đại hội Tua họp từ 25- 30/12/1920 Nguyễn Ái Quốc là Đại biểu Đông Dương của Đảng Xã hội Pháp.

3). Sách Hồ Chí Minh, Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội 1970 Tr 51

4). Sách Hồ Chí Minh, Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, Tr 56.

5). Trích: Hồ Chí Minh toàn tập. T3.ST- Nxb. CTQG . HN 2000 - Tr 460 .

6). Bác Hồ viết bằng chữ Hán, bản dịch của đ/c Xuân Thủy. Thơ, Nxb Văn học HN 1975 Tr 103+ 104.

7). Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb ST, Hà Nội, 1985, T 5, Tr. 77-79

 

Quỳnh Trang

1. Nguyễn Cảnh Đậu (? - 1937)

Quê Châu Lạc, Xã Đoài, nay thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, chưa rõ năm sinh, thọ khoảng 45 tuổi. Sinh ra ở một gia đình Nho học, cha và anh ruột đều làm nghề dạy học và bốc thuốc. Ông khi nhỏ tuổi được coi là thần đồng, học giỏi thông minh, sáng dạ kỳ lạ, nhưng đi thi lại không đậu, thường hay phạm quy và bị đánh trượt.

Viếng mừng tiền tài

- Tế tế tế, xuân đã đến rồi, bóng hằng nga trước cửa, tiếng thiếu nữ ngoài sân, trăng xuân mà gió cũng xuân, trông đất Bắc biết mấy màu phong cảnh;

Hả hả hả, nước đưa hay rứa, thơ bích chú vài câu, rượu chung tình vài chén, ai sướng mà ta cũng sướng, rạch trời Nam riêng một thú thanh nhàn.

(Năm 1911)

2. Hồ Sĩ Giàng

Sinh năm 1925 tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bút danh: Sĩ Giang, Giang Huyền, Đỗ Quỳnh. Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Kỹ sư Kinh tế kế hoạch, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ An (1950 - 1951), Phó Vụ trưởng Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Sáng tác gần 200 bài thơ trào phúng, 50 bài tiểu luận. Tác phẩm: Cái diều (1991); Từ thổ Đôi Trang đến xã Quỳnh Đôi (1988); Quỳnh Lưu huyện địa đầu xứ Nghệ (1990); Quỳnh Đôi chặng đường nối tiếp (1993); Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam (1995, 1997). Còn có các bài thơ in chung ở nhiều tập khác. Thơ chữ Hán có tập Tư cố hương.

Câu đối Tết

1. Đất tổ trải nghìn xưa, cây càng tốt lá càng tươi, trên dưới hết lòng lo vun cỗi;

Nước nhà vào hồi mới, cơm được no, áo được ấm, cháu con dốc sức giữ lấy nền.

(Đoạt giải ba Hội báo xuân)

2. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, mới hẳn tư duy, sửa đổi cơ chế quản lý, kinh tế đi lên, ấy kế bền gốc;

Đẹp do văn, sáng do đức, thực hành dân chủ, chống được quan liêu, chính lệnh nghiêm minh, là sách giữ nền.

(Đăng Báo Văn nghệ 25 - 1 - 1989)

3. Đảng lấy dân làm gốc, nhìn sâu thực tiễn, khó khăn đẩy lùi, kinh tế đi lên, cá có nước, cá bay, cá nhảy;

Dân theo Đảng một lòng, đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo, đời sống khá dần, rồng gặp mây, rồng lượn, rồng bay.

(Đăng Báo Lao động)

Câu đối chữ Hán

春到詩詩到

花開祿祿開

Xuân đáo thi thi đáo;

Hoa khai lộc lộc khai.

文章精神聚

道德幸福長

Văn chương tinh thần tụ;

Đạo đức hạnh phúc trường.

佛在心因得果

詩有神筆生花

Phật tại tâm nhân đắc quả;

Thi hữu thần bút sinh hoa.

3. Minh Huệ (1927 - 2003)

Tên khai sinh là Nguyễn Đức Thái, sinh ngày 3 tháng 10 năm 1927, quê phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông sáng tác nhiều thơ, văn tham gia viết phê bình lý luận văn học, nổi tiếng nhất là bài thơ "Đêm nay Bác không ngủ" (1951). Ông từng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Trưởng ty Văn hoá Nghệ An, Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An. Ông mất năm 2003, tại Vinh.

Câu đối

1. Cha mẹ thuận hoà Xuân hạnh phúc;

Cháu con trung hiếu Tết văn minh.

2. Mở cửa giao lưu, náo nức đường bay xuân hữu nghị;

Đồng lòng dựng nghiệp, tưng bừng mặt đất Tết nhân văn.

3. Ngọt ngào lời nói tiếp viên gợi cảm, hương Xuân đất nước;

Đằm thắm nụ cười hành khách giao hoà, vị Tết quê hương.

4. Rạo rực hồn thơ, nồng thắm nhân văn cao cả;

Hào hùng khí nhạc, sáng ngời huyết thống vinh quang.

5. Đường Bác kiên trinh, đất nước sinh sôi bừng lộc thắm;

Lòng dân son sắt, gia đình phát đạt ấm phúc hồng.

6. Chào Xuân, chúc xã hội công bằng, nhân ái, nơi nơi quý trọng nhân tài;

Đón Tết, mừng gia đình ấm cúng, thuỷ chung, chốn chốn tôn cao đạo lý.

7. Mừng Xuân nhớ Bác, đốt sáng lương tâm ca ngợi người thiện mỹ;

Đón Tết ơn dân, tô mài nghệ thuật trừ diệt lũ tà gian.

8. Di chúc thiêng liêng trời đất Việt;

Tuyên ngôn hùng tráng đất vua Hùng.

9. Nghệ sỹ Trung Đô, tung cánh Phượng Hoàng bay sáng tạo;

Bút hồng Dũng Quyết, thắm hồn Bến Thuỷ toả nhân văn.

10. Văn hoá cổ truyền, nuôi dưỡng niềm tin Xuân rạng rỡ;

Giáo khoa đổi mới, đắp bồi khí sắc tết phồn vinh.

11. Cha mẹ thuận hoà, toả sáng lòng son, Xuân ấm cúng;

Cháu con trung hiếu, hiến dâng chí trẻ, Tết vui vầy.

12. Nhớ Bác, mừng Xuân, chuốt ngọc lương tâm nâng lực bút;

Ơn dân, đón Tết, trau vàng bản lĩnh sáng hồn văn.

4. Hà Văn Tải

Sinh ngày 31 - 10 - 1930, tại xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Học đến đệ nhất niên, trường Quốc học Vinh. Sau Nhật đảo chính Pháp thì bỏ học, tham gia cách mạng. Trải các chức vụ: Huyện uỷ Yên Thành, Phó Bí thư Thành uỷ Vinh; Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy viên Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ, Bí thư Đảng uỷ Trường Cao đẳng Sư phạm, Bí thư Đảng uỷ Dân chính Đảng Nghệ An; nghỉ hưu năm 1993.

Câu đối mừng Đảng, mừng Xuân

1. Đảng muốn dân giàu, dân hạnh phúc;

Dân mong Đảng mạnh, Đảng quang vinh

(Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, 1988)

2. Áng văn rung cảm, lay động tâm hồn, viết cuộc đời thường mà đẹp thế;

Bài báo thức thời, mở trang trí tuệ, truyền luồng nắng mới, ấy vui sao.

                                        (1995)

3. Ơn nước ơn dân, một trái tim hồng trau bút ngọc;

Nhớ nguồn nhớ suối, trăm ngòi mực thắm chuốt lời chân.

(Tạp chí Sông Lam, 2000)

4. Đất nước vào Xuân, báo chí rộn ràng hoa quả mới;

Quê hương đón Tết, văn thơ sâu lắng nghĩa tình thơm.

(Tạp chí Người làm báo Nghệ An, 2002)

5. Bùi Văn Chất

Sinh ngày 2 - 7 - 1933, tại thôn Hoà Mỹ, Hạnh Lâm, nay thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Bút danh là Sơn Mỹ, Kính Chi. Thuở nhỏ học chữ Nho với ông nội. Sau Cách mạng tháng Tám (1945) học BDHV, rồi tham gia công tác địa phương. Học hết lớp 7 tại Trường Thanh Bình. Học trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội (1957 - 1993). Nguyên Giám đốc Xí nghiệp sứ Sông Lam và dệt Minh Khai. Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An. Nghỉ hưu ở khối 8, phường Trường Thi, Vinh và tham gia Câu lạc bộ thơ Trường Thi.

春瞞乾坤造化

筆輝今古筆人文

Xuân mãn còn khôn xuân tạo hoá;

Bút huy kim cổ bút nhân văn.

(Mậu Dần xuân)

Câu này có thể đọc ngược hoặc biến đổi thành nhiều cách để có nhiều câu đối khác, với nhiều nghĩa.

Nguyễn Tài Đại đã giới thiệu trên Tạp chí Sông Lam số Xuân Mậu Dần:

1. Văn nhân bút cổ/ kim huy bút;

Hoá tạo xuân khôn/ càn mãn xuân.

2. Kim cổ bút huy xuân tạo hoá;

Càn khôn xuân mãn bút nhân văn.

3. Xuân tạo hoá/ bút huy kim cổ;

Bút nhân văn/ xuân mãn càn khôn.

Đề ảnh tạc tượng Bác Hồ

平定華剛留聖格

花盧才埶刻神風

Bình Định hoa cương lưu thánh cách;

Hoa Lư tài nghệ khắc thần phong.

- Chú thêm: Nghệ nhân Hoa Lư tạc tượng Bác Hồ trên đá hoa cương Bình Định tại Quảng trường Hồ Chí Minh, trên đất Trường Thi, Vinh. Tượng đài và Quảng trường  Hồ Chí Minh được khánh thành ngày 17 -  5 - 2003, trong dịp Lễ hội làng Sen toàn quốc lần thứ nhất (19 - 5 - 2003).

Tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

蓋世恩威今古英雄留世史

為人信義鶴松端正得人心

Cái thế ân uy, kim cổ anh hùng lưu thế sử;

Vi nhân tín nghĩa, hạc tùng đoan chính đắc nhân tâm.

(Tân Tỵ niên, Ất Mùi nguyệt,

Cung hạ Võ Đại tướng hoà phu nhân)

Mừng Đại hội toàn quốc lần thứ IX

國魂國計民心以國為先

民智民生國政以民為本

Quốc hồn, quốc kế, dân tâm dĩ quốc vi tiên;

Dân trí, dân sinh, quốc chính dĩ dân vi bản.

(Cung hạ Đệ cửu Đại hội VNCSĐ-Tân Tỵ Xuân)

Đăng trong Tạp chí Cựu chiến binh Nghệ An số Xuân Tân Tỵ 2001.

 

 

 

 

Phan Hữu Thịnh

Năm Nhâm Ngọ (1282), giặc Nguyên Mông đang ráo riết chuẩn bị 50 vạn quân, lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành hòng xâm chiếm nước ta. Trước hiểm họa ấy, triều đình nhà Trần triệu tập hội nghị Bình Than gồm các vương hầu, tướng soái cao cấp để bàn định phương án kháng chiến. Vua Trần Nhân Tông gõ gươm vào mạn thuyền tuyên bố một câu ngàn năm còn đó:

Cối Kê cựu sự quân tu ký

Hoan Diễn do tồn thập vạn binh

Dịch:             

Chuyện cũ Cối Kê các ngươi cần nhớ

Hoan Diễn đang còn mười vạn binh

Ở đây ta thấy minh quân Trần Nhân Tông đã cho Hoan Diễn (xứ Nghệ) của Việt Nam như Cối Kê của Trung Quốc.

Vậy Cối Kê là gì?

Theo tác phẩm Đông Chu liệt quốc, Cối Kê là một xứ miền núi của tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Thời Chiến quốc cách đây hai ngàn năm trăm năm, vua Câu Tiễn nước Việt bị thua trận đối với vua Phù Sai nước Ngô nên phải chịu khổ, chịu nhục sang nước Ngô hầu hạ Phù Sai. Tuy nhiên vẫn ngầm lưu mưu thần Văn Chủng ở lại để xây dựng lực lượng ở Cối Kê. Nhờ đó mà đánh thắng trở lại quân Ngô giết được Phù Sai.

Bằng những cứ liệu dọc theo chiều dài lịch sử của đất nước, chúng ta hãy chứng minh Hoan Diễn - xứ Nghệ là đất "Cối Kê" như thế nào?

Năm Nhâm Tuất - 2879 trước công nguyên, Kinh Dương Vương vâng ngọc chỉ về núi Nam Miên lập đô ở xứ Nghệ. Vua đi thuyền vào Cửa Hội thấy vùng núi Hồng Lĩnh địa thế hiểm trở, phong cảnh hùng vĩ nên dời đô vào đó. Vua cho xây cung điện ở chân núi Thiên tượng (voi trời). Vùng này ngày nay thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Về sau ở đây còn lưu truyền câu "Hoan Châu thắng địa kiến lập đô thành".

Năm -179 trước công nguyên, thục An Dương Vương bị thua không chạy lên miền Tây, không chạy xuống vùng biển mà lại chạy vào xứ Nghệ. Vì sao vậy? Phải chăng muốn dựa vào căn cứ "Cối Kê" này để mong cứu "cơ đồ" nhưng tiếc thay không kịp nữa mà chỉ kịp ngoái tay chém chết con gái mình đã "nỏ thần vô ý trao tay giặc" trước khi tuẫn quốc.

Năm 43 sau khi đánh thắng Hai Bà Trưng, Mã Viện dựng cột đồng với lời rủa ngu xuẩn: "Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt" (cột đồng mà gãy thì quận Giao Chỉ sẽ bị diệt), "Cột đồng Đồng Hán tìm đâu thấy", ở đâu nhỉ? Ở đây: "Một trong số những cù lao của xứ cổ An Tĩnh mà trên đỉnh núi cao là núi Đồng Trụ, viên tướng Tàu Mã Viện đã lập đồn vào kỷ nguyên thứ nhất" (Le Vieux An Tĩnh (An Tĩnh cổ lục) của Hippolite Le Breton. Vì sao lại ở đây? Câu hỏi không cần giải đáp.

Qua ban sử liệu chúng ta thấy, ngay từ thuở "tinh mơ" của đất nước, vị trí "Cối Kê" xứ Nghệ đã có tầm chiến lược đối với đất nước như thế nào rồi.

Xin dẫn tiếp:

Xứ Nghệ phải gánh một sứ mệnh được giao phó là phên dậu phía Nam của đất nước: cuộc tranh chấp của hai nước Đại Việt và Chiêm Thành tính ra có đến 43 lần xung đột mà phần lớn diễn ra trên lĩnh địa "Cối Kê xứ Nghệ".

Trong thời Bắc thuộc từ năm -257 đến năm 938, người Hoan Diễn đã mang gươm đi theo Bà Triệu, Mai Hắc Đế để mong lấy lại giang san, cuối cùng vào năm 938 đã phò Ngô Vương Quyền đánh thắng giặc Nam Hán thu hồi được non sông đất nước.

Thời nhà Trần, không chỉ "thập vạn binh" mà toàn dân xứ Nghệ đã đổ bao nhiêu xương máu để góp phần ngăn chặn đánh thắng ba cuộc xâm lăng của giặc Nguyên Mông.

Về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đức Lê Thái Tổ dấy nghĩa từ năm 1418, cứ luẩn quẩn mãi ở vùng rừng núi Thanh Hóa, sau theo mưu kế của tướng Nguyễn Chích, đến năm 1424 đã chuyển toàn bộ lực lượng vào Hoan Diễn, từ đó mà chỉ 4 năm sau đã đánh đuổi được giặc Minh giành lại chủ quyền cho đất nước.

Tham gia đại phá quân Thanh xâm lược.

Vào năm 1788, nhà Mãn Thanh huy động 20 vạn quân chia làm 4 đạo tiến vào nước ta và đã chiếm được Thăng Long. Nhận được tin Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 21/12/1788, một ngày sau từ Phú Xuân Hoàng đế Quang Trung thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc. Ông dừng quân lại ở Nghệ An hơn 10 ngày để bổ sung lực lượng. Hàng vạn thanh niên xứ Nghệ hăng hái tham gia nhập nghĩa quân nên đã góp phần đắc lực quét sạch 20 vạn quân xâm lược chỉ sau 5 ngày.

Trong công cuộc chống xâm lược của "hai đế quốc to" là Pháp và Mỹ.

Xin điểm một số sự kiện lịch sử tiêu biểu:

Từ năm 1861, được phép tiến sĩ Văn Đức Giai người Nghệ An đã chiêu mộ được 200 nghĩa dũng quân người Nghệ Tĩnh rồi cùng người đồng hương Nguyễn Thụ vượt biển "Nam tiến" vào Gia Định. Nghĩa dũng quân đã phối hợp với quân của triều đình lập được nhiều chiến công. Sau Văn Đức Giai được lệnh trở ra còn nghĩa dũng quân ở lại mãi mãi. Vì thế nhiều năm về sau ở hai tỉnh Nghệ Tĩnh, sớm sớm chiều chiều còn vẳng lên lời ru da diết nhớ thương đượm tình nước non:

À ơi, khi mô dẹp hết giặc Tây

Yên Thành Gia Định chàng nay mới về

Tiếp đó vào năm 1864, Hoàng giáp thượng thư Trương Quốc Dũng người Hà Tĩnh và tiến sĩ Tuyên phủ sứ Văn Đức Giai được cử đi dẹp loạn Tạ Văn Phụng tay sai của giặc Pháp ở Quảng Yên. Vì quân lực thua kém, hai vị chỉ huy đã hi sinh anh dũng.

Tháng 8 năm 1885 giặc Pháp chiếm Nghệ Tĩnh. Lập tức hàng loạt cuộc khởi nghĩa Cần Vương đã nổ ra trên "xứ Cối Kê" này. Ở Thanh Chương có Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Chính; ở Anh Sơn có tiến sĩ Nguyễn Thành; ở Nghi Lộc có tiến sĩ Đinh Văn Chấp; ở Diễn Châu có tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn; ở Yên Thành có phó bảng Lê Doãn Nhã; ở Qùy Châu có tiến sĩ Dương Thúc Hạp và giải nguyên Dương Quế Phổ.v.v… Cuộc khởi nghĩa ở Hương Khê - Hà Tĩnh của Đình nguyên Phan Đình Phùng là oanh liệt nhất, kéo dài nhất khiến cho giặc Pháp điêu đứng.

 Khi các cuộc khởi nghĩa ở Nghệ Tĩnh bị thất bại, các sĩ phu ở Nghệ Tĩnh còn sống sót hoặc chạy ra Yên Thế tham gia cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám hoặc sang Xiêm tham gia phong trào "thập niên sinh tụ, thập niên giáo huấn" do cụ Đặng Thúc Hứa chủ trì ở đây.

Tiếp theo là cuộc vận động cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và các phong trào đấu tranh cách mạng khác cho đến cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945 thành công.

Trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, giặc Pháp không dám đánh chiếm đất Cối Kê này. Tuy nhiên nhân dân Nghệ Tĩnh đã đóng góp nhiều máu xương và tài sản cho kháng chiến qua đó đã xuất hiện những anh hùng lừng danh: Cù Chính Lan, Nguyễn Quốc Trị, Phan Đình Giót, Hoàng Hanh.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài đằng đẵng 21 năm, dân "đất Cối Kê" đã cống hiến hết mình. Trên chiến trường miền Nam, lính Nghệ Tĩnh chiến đấu kiên cường, đánh thắng được những đội quân nước ngoài đánh thuê hung hãn nhất. Còn ở hậu phương "anh hùng đâu phải đám mày râu" mà xuất hiện những 10 cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái anh hùng ở Truông Bồn, một "o du kích nhỏ dương cao súng".v.v.. Xứ Nghệ cống hiến cho đất nước một nhân vật lỗi lạc nhất trong thời kỳ đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị "anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".

Vậy đến nay chúng ta có thể khiêm tốn nhưng tự hào nói rằng: nhân dân ở xứ Cối Kê - Hoan Diễn đã cống hiến cho đất nước được như vậy.

Xin giới thiệu một nhân vật lịch sử đã ngẫu nhiên mà cũng khá lý thú đóng vai trò làm gạch nối cho hai miền Cối Kê của Trung Quốc và Việt Nam, đó là Hồ Hưng Dật.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Hồ Hưng Dật đậu trạng nguyên, người Triết Giang được cử sang làm thái thú Châu Diễn vào thời Hậu Hán, Ngũ Quý (907-960) vào khoảng năm 930. Làm quan một thời gian ngắn, ông lui về làm trại chủ ở thôn Bào Đột, nay thuộc xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Do có quen biết với Thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ (cha Đinh Bộ Lĩnh) nên khoảng năm 965, Đinh Bộ Lĩnh vào Châu Diễn tuyển quân đã đến gặp ông để tham khảo kế sách dẹp loạn sứ quân. Trước khi chia tay Hồ Hưng Dật giơ kiếm lên thề "Vạn đại vì dân" (vạn đời làm dân hay vạn đời vì dân).

Hồ Hưng Dật là thủy tổ của Hồ đại tộc nên gia phả họ Hồ ghi rõ: "Châu trung Hồ tính giai kỳ miêu duệ" (người họ Hồ trong châu này đều là con cháu ông).

Con cháu Hồ Hưng Dật ngày càng đông đúc, sinh sống hầu khắp các tỉnh trong cả nước, trong đó có những nhân vật nổi tiếng như trạng nguyên Hồ Tông Thốc "anh hùng di hận ký thiên niên" (anh hùng để hận lại nghìn thu) Hồ Qúy Ly, Giám quân tả thành dực, Đại tri thức lộ Diễn Châu Hồ Cương (Hồ Hồng). Bảng nhãn, Tham tụng (tể tướng) Duệ quân công Hồ Sỹ Dương, Hoàng Giáp thượng thư Quỳnh quận công Hồ Phi Tích, Tiến sĩ thọ mai Hồ Sĩ Tân, Hoàng giáp, Đốc phủ sứ Đốc quận công Hồ Sĩ Đống, Hồ Thơm, Nguyễn Huệ, thi sĩ Hồ Xuân Hương, Tiến sĩ Hồ Sĩ Tuần, Thượng thư Hồ Trọng Định, Thái tử thiếu bảo, Thượng thư Hồ Đắc Trung, Danh nho uyên bác Hồ Phi Huyền, Chí sĩ yêu nước Hồ Học Lãm, Nhà tiền bối lãnh đạo tiêu biểu Hồ Tùng Mậu, Tiến sĩ Hồ Đắc Điềm, Giáo sư Hồ Đắc Di, Ủy viên Bộ Chính trị Hồ Đức Việt...q

article?img id=2211672

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây