Chuyên san KHXH&NV số 10/2020

Chủ nhật - 25/10/2020 22:19 0

Trương Công Anh

Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà đặt niềm tin và sự kỳ vọng đối với Đại hội Đảng bộ Nghệ An khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Sở dĩ như vậy là bởi:

Một, đây là nhiệm kỳ thể hiện khát vọng để "phá thế" đưa Nghệ An tiến vượt.

Hai, đây là nhiệm kỳ "chuyển giao thế hệ" từ cơ sở đến tỉnh một đội ngũ lãnh đạo mới đã được đại hội các cấp bầu ra.

Sự trông đợi và mong muốn của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà ở Đại hội Đại biểu Đảng bộ Nghệ An khóa XIX không chỉ là kết quả làm việc tại Đại hội mà chủ yếu nhất, cơ bản nhất, thiết thực nhất là ở việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết của đại hội, các chương trình hành động của đại hội sẽ mang lại kết quả thực đến đâu.

Thành công trong quá trình chuẩn bị nội dung và nhân sự của đại hội, thành công sau mấy ngày diễn ra đại hội là bước khởi động. Ngay sau bước khởi động phải vào ngay vạch xuất phát và hành động để về đích.

Bước khởi động đã thành công. Để vào vạch xuất phát và hành động cần làm những gì theo tinh thần "những việc phải làm ngay" của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - Đại hội mở đầu công cuộc "Đổi mới" của đất nước.

1. Ngay sau bế mạc Đại hội XIX đoàn đại biểu của các đảng bộ cấp trên cơ sở "trực thuộc" Tỉnh ủy truyền đạt ngay Nghị quyết của Đại hội trong Ban Chấp hành để bổ sung vào các chương trình hành động đã có của Đảng bộ mình, tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình hành động đó với tinh thần thực hiện có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Tuyệt đối không thụ động ngồi chờ sự chỉ đạo của Tỉnh ủy rồi mới hành động.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa được Đại hội XIX bầu nên tổ chức ngay một phiên họp đặc biệt. Tại sao lại phải có phiên họp đặc biệt này? Vì hai lý do sau:

Một, như nói ở trên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa này đảm nhận trọng trách của thế hệ lãnh đạo được "chuyển giao". Ban Chấp hành khóa này vừa phải kế thừa vừa phát huy những ưu điểm, những đóng góp của Ban Chấp hành các khóa trước đây, biết vượt qua những hạn chế của các thế hệ trước.

Hai, để "phá thế" đưa Nghệ An tiến vượt, nhất thiết phải thổi bùng lên "khát vọng" không cam chịu tụt hậu. "Khát vọng" này phải được thổi bùng lên bắt đầu từ mỗi ủy viên Ban Chấp hành từ tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Từ đây lan tỏa đến mọi ngành, mọi cấp, đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đến mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Nội dung phiên họp đặc biệt này để tạo sự đoàn kết thống nhất cao, sự toàn tâm, toàn ý của mỗi ủy viên và của cả tập thể Ban Chấp hành trước trọng trách mà Đảng bộ, nhân dân giao phó và mức nào đó có thể nói là được "lịch sử chuyển giao" giao phó. Không làm tròn trọng trách, không thổi bùng lên được khát vọng Nghệ An - Khát vọng sông Lam là có lỗi (nếu không muốn nói là có tội) với lịch sử quê hương, với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

3. Những đồng chí được giao chủ trì các chương trình hành động đã được Đại hội quyết nghị tiến hành ngay việc xây dựng kế hoạch (càng cụ thể, càng tỉ mỉ càng tốt) chương trình hành động được giao phụ trách. Kế hoạch cần xác định thật rõ, thật đúng những việc (hay nội dung) cần làm, phải làm, xác định cách làm từng việc, xác định bước đi phù hợp, phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm từng việc, từng thời gian. Kế hoạch cũng cần xác định chế độ thông tin trong suốt quá trình tổ chức thực hiện. Thông tin trên xuống, dưới lên; thông tin ngang giữa các thành viên tổ chức được phân công tạo quan hệ liên kết, hợp tác khắc phục tính riêng lẻ, tản mạn, tùy tiện trong thực hiện chương trình.

Định kỳ (3 hoặc 6 tháng/lần) thường trực tỉnh ủy giao ban với từng chương trình hành động cụ thể. Kiên quyết không để chương trình hành động chỉ nằm trên giấy. Tinh thần chủ đạo là: thực hiện các chương trình hành động chính là để thực hiện Nghị quyết của Đại hội.

4. Thực sự đổi mới việc tổ chức quán triệt Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Có thống nhất về nhận thức mới thống nhất về tư tưởng để tạo sự thống nhất trong hành động thực hiện Nghị quyết. Cho nên sau bế mạc Đại hội Đảng bộ (từ cơ sở đến tỉnh), việc phải làm là tổ chức quán triệt Nghị quyết của Đại hội. Lâu lắm rồi, việc này đều làm và làm có vẻ như rất bài bản, chỉ có điều là cách làm xưa nay của ta vẫn mất thời gian vừa kém hiệu quả. Sở dĩ nói như vậy là bởi cách làm xưa nay (đã thành nếp - đã trở nên cũ) là: "Thượng chứng hạ bài". Với phạm vi bài viết này xin không bàn cụ thể thêm. Chỉ xin "đề nghị là nhất thiết phải đổi mới - đổi mới thật sự, đổi mới căn bản việc tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Sau đây là mấy đề xuất về sự đổi mới này.

- Đổi mới về nội dung truyền đạt Nghị quyết của Đại hội theo nguyên tắc chỉ truyền đạt những nội dung cần và đủ cho từng loại đối tượng cán bộ, đảng viên. Không nhất thiết phải truyền đạt tất cả mọi nội dung trong nghị quyết.

- Với nguyên tắc ấy, có thể phân nhóm các đối tượng sau đây: Nhóm một: Toàn thể các cấp ủy viên của tất cả các Đảng bộ trực thuộc tỉnh. Toàn thể cán bộ chủ chốt của các ban, ngành, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy trực tiếp tổ chức các lớp thuộc đối tượng này. Nhóm hai: Toàn thể các cấp ủy viên của Đảng bộ cơ sở, toàn thể cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở. Ban thường vụ Đảng bộ cấp trên cơ sở trực tiếp tổ chức các lớp thuộc đối tượng này. Nhóm ba: cho đảng viên, nhóm này có thể có các tiểu nhóm: đảng viên ở các phường, thị xã trên đảng viên ở các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp… Ban thường vụ Đảng ủy cơ sở trực tiếp tổ chức các lớp này.

Mỗi nhóm đối tượng có đề cương truyền đạt cần và đủ.

- Ở cấp cơ sở đồng chí bí thư, hoặc phó bí thư cấp ủy hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp truyền đạt. Không ỷ lại mỗi báo cáo viên cấp trên như lâu nay.

- Kết hợp truyền đạt Nghị quyết theo hệ thống tổ chức Đảng với hệ thống tổ chức ngành ở những ngành quản lý song trùng (vừa quản lý theo ngành vừa quản lý theo lãnh thổ địa phương), mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Mở lớp truyền đạt Nghị quyết cho đội ngũ cán bộ chủ chốt từ cơ sở đến huyện, thành phố, thị xã thuộc mặt trận và từng đoàn thể? Có gần nhóm, có kết hợp như thế thì việc quán triệt Nghị quyết Đại hội mới đem lại nhận thức cần và đủ cho toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Nghệ An.

- Sau đại hội, trên Báo Nghệ An và trên Đài Phát thanh Truyền hình (chủ yếu giới thiệu) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX với các bài viết ngắn, rõ về nội dung (từng nội dung cụ thể) của Nghị quyết. Có thể có thêm sự lý giải hoặc phân tích nếu cần. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn các bài này. Đây là cách để quán triệt Nghị quyết đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Chọn đúng việc cần làm, tìm cách làm hiệu quả để Nghị quyết từ Đại hội đến tổ chức thực hiện Nghị quyết là bước khởi đầu rất có ý nghĩa để Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX thành công mĩ mãn.

 

Phạm Văn Hiệp

Hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã và đang tạo nên những cơ hội lớn, góp phần mang lại nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra chủ trương, định hướng mới về hội nhập quốc tế và được tái khẳng định trong Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị "Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Với phương châm trên, quá trình hội nhập quốc tế của nước ta đã và đang được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, Nghệ An cũng đã và đang hòa mình vào xu thế hội nhập với nhiều cơ hội và thách thức. Tỉnh đã xác định quá trình hội nhập chung với cả nước và quốc tế góp vai trò quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, bảo đảm sự thống nhất trong các hoạt động đối ngoại trong toàn hệ thống chính trị, kết hợp hài hòa giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo sức mạnh và hiệu quả trong công cuộc chủ động hội nhập quốc tế, và là một trong những định hướng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với tiềm năng và sức mạnh sẵn có, vượt qua những khó khăn, thách thức, Nghệ An đã chủ động, tích cực triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; với phương châm: "Đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế toàn diện phục vụ phát triển kinh tế, lấy đối ngoại chính trị làm định hướng, kết hợp ngoại giao kinh tế với việc thiết lập quan hệ các tỉnh, thành phố của các nước có điều kiện tương đồng; kết hợp ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hóa, đối ngoại nhân dân... tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan đối ngoại của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế". Công tác hội nhập quốc tế trong những năm qua, đạt được nhiều kết quả:

Thứ nhất: Hội nhập về chính trị ̣- an ninh

- Nghệ An đặc biệt coi trọng tăng cường hợp tác với nước CHDCND Lào một cách toàn diện và thường xuyên thông qua các hoạt động trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, tổ chức cán bộ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, trao đổi về chương trình phối hợp đào tạo cán bộ, về mối quan hệ giữa Đảng và chính quyền các cấp;

- Triển khai hiệu quả các thỏa thuận và hiệp định hợp tác thường niên của Ủy ban liên chính phủ hai nước, nhất là thúc đẩy trao đổi thương mại, cải tiến thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, quản lý biên giới, vấn đề người di cư tự do, buôn lậu, tội phạm ma túy xuyên quốc gia...;

- Công tác quản lý hệ thống mốc quốc giới và bảo vệ biên giới được triển khai hiệu quả đã góp phần giữ vững sự ổn định, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội trên biên giới và tăng cường, củng cố xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong vấn đề biển Đông, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Thứ hai: Hội nhập về kinh tế

Tỉnh đã khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động… với các địa phương nước ngoài; tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh. Duy trì và củng cố hợp tác với các tỉnh có quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống, bao gồm các tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay (CHDCND Lào), tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), tỉnh Gifu và Shizuoka (Nhật Bản), tỉnh Ulianốp (Liên bang Nga), tỉnh Quảng Tây và Hồ Nam (Trung Quốc); đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trao đổi đoàn; xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị với các địa phương mới như tỉnh Kochi (Nhật Bản), thành phố Daegu (Hàn Quốc), thành phố Edessa (Hy Lạp), thành phố Fukuroi (tỉnh Shizuoka, Nhật Bản), bang Thuringen (Đức), bang Nam Úc (Úc); tổ chức làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài (đặc biệt là những đối tác quan trọng như Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Singapore, Thái Lan...); các tổ chức quốc tế tại Việt Nam (JICA, KOICA, AUSCHAM...) và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

- Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã thu hút được một số nhà đầu tư đến từ các nước trong Cộng đồng ASEAN như Singapore, Thái Lan. Trong đó có các nhà đầu tư lớn với các dự án mang tính động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh như: Tập đoàn Sembcop (Singapore), Hemaraj (Thái Lan)(6). Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nghệ An tại Lào cũng ngày càng được đẩy mạnh(7).

- Hàng năm, Nghệ An xuất khẩu sang các nước khối ASEAN khoảng 32 triệu USD(8), các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: máy móc thiết bị, ngô hạt, hạt phụ gia, nhựa, đậu tương, hóa chất, nguyên phụ liệu sản xuất, giấy các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng…

- Các hoạt động hợp tác, giao thương giữa các tỉnh trong Hiệp hội 9 tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng Đường 8 và Đường 12 (Hiệp hội APOTC) diễn ra khá sôi nổi thông qua các đoàn khảo sát nhu cầu thương mại và tham dự hội chợ tại Nghệ An và các tỉnh bạn.

Thứ ba: Hội nhập về văn hóa - xã hội và khoa học công nghệ

- Các hoạt động văn hóa đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, có tác động rõ rệt trong việc quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Nghệ An. Một số biểu tượng văn hóa thể hiện mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nghệ An và các tỉnh nước ngoài như Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Ulianốp (tỉnh Ulianốp, LB Nga), Tượng đài V.I. Lê Nin tại TP Vinh, Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, tủ sách tiếng Việt tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để phục vụ bà con, Kiều bào Việt Nam tại Lào, xây dựng và đặt tên đường Namjangju Dasan tại TP Vinh... Các hoạt động giao lưu hữu nghị (thể thao, văn nghệ) với các tỉnh của Lào hay như các hoạt động giao lưu văn hóa cho thanh thiếu niên hai thành phố Vinh - Nghệ An, Namjangju - Gyeonggi (Hàn Quốc) được tổ chức hàng năm. Đặc biệt, nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ An đã tổ chức nhiều đoàn nghệ thuật biểu diễn tại Thái Lan, Úc và một số nước châu Âu. Những hoạt động này không những tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nghệ An và các tỉnh mà còn góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa và vùng đất Nghệ An đến bạn bè quốc tế.

- Hoạt động du lịch được quảng bá thường xuyên, tỉnh luôn xác định Lào và Thái Lan là thị trường trọng điểm thu hút khách du lịch của tỉnh, bên cạnh đó tích cực thu hút khách du lịch từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, một số nước châu Âu. Các hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế trong tỉnh được đẩy mạnh nhằm khai thác tuyến du lịch từ Nghệ An đi Bôlykhămxay - Khăm Muộn; tuyến du lịch Nghệ An đi Viêng Chăn - Xiêng Khoảng - Luang Prabang và ngược lại. Đồng thời, tổ chức các hoạt động khai thác liên kết đón khách du lịch theo các tuyến đường bộ nối Việt Nam đến Lào như: đường 7, đường 8, đường 9, đường 12. Tổ chức đón đoàn khảo sát gồm đại diện 40 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, báo chí đến khảo sát các điểm du lịch Nghệ An nhằm xây dựng các chương trình du lịch tham quan Nghệ An và Lào; giới thiệu du lịch Nghệ An tại Băng Cốc và Udonthani (Thái Lan).

- Hoạt động giáo dục đào tạo ngày càng được đẩy mạnh. Hàng năm, tỉnh Nghệ An tiếp nhận đào tạo khoảng 90 cán bộ, học sinh, sinh viên cho 06 tỉnh (Xiêng Khoảng, Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Viêng Chăn, Khăm Muộn và Sa Vẳn Na Khệt) của nước bạn Lào. Hiện nay, tổng có 632 cán bộ, học sinh, sinh viên nước CHDCND Lào đang được hỗ trợ đào tạo bằng ngân sách tỉnh Nghệ An (khoảng 6 - 6,5 tỷ đồng/năm) tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hoạt động trao đổi giáo dục giữa các trường đại học Thái Lan và các trường đại học trên địa bàn tỉnh đến nay, có khoảng 165 sinh viên đến từ Thái Lan đang học tập và nghiên cứu tại Nghệ An. Bên cạnh đó, hoạt động trao đổi giáo dục với tỉnh Quảng Tây cũng được thúc đẩy, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Tây đã dành 16 suất học bổng cho học sinh của tỉnh Nghệ An.

- Số lượng lao động tỉnh Nghệ An đi các nước hàng năm không ngừng tăng lên. Bình quân mỗi năm có khoảng 13.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tập trung ở các nước/vùng lãnh thổ như: Lào, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, LB Nga, CHLB Đức, CH Séc, CH Pháp, Anh, Canada, Mỹ...

- Hợp tác trong khoa học công nghệ đã mang lại nhiều hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số thành công tiêu biểu như Tập đoàn TH ứng dụng công nghệ của Israel trong việc chăn nuôi và chế biến sữa, tiểu dự án "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina trên quy mô công nghiệp và đẩy mạnh thương mại hóa" (thuộc Dự án FIRST do World Bank tài trợ) trong ứng dụng y học và công nghệ. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, trao đổi giáo viên, sinh viên tại các trường đại học cao đẳng trên địa bàn tỉnh với các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao nguồn nhân lực trong khoa học công nghệ. 

Tuy nhiên, hội nhập quốc tế tỉnh Nghệ An có những khó khăn sau:

Một là: Tính chủ động của doanh nghiệp về hội nhập kinh tế quốc tế còn thấp, các doanh nghiệp gặp khó khăn cả về vốn và thị trường đầu ra; hầu hết các doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về những thách thức của hội nhập quốc tế cũng như chưa sẵn sàng để tận dụng những cơ hội của hội nhập quốc tế mang lại. Chính vì điều này mà các doanh nghiệp Nghệ An có thể sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt giữa hàng hóa của các nước khác trong khu vực, nhất là hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan đang chiếm lĩnh thị phần của tỉnh. Vì vậy, sẽ dẫn đến một số ngành, một số sản phẩm của doanh nghiệp Nghệ An phải thu hẹp, ngừng sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường;

Hai là: Nghệ An là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào song một bộ phận lao động Nghệ An trình độ chuyên môn cũng như kỷ luật lao động chưa thật cao, kỹ năng giao tiếp, hòa nhập còn hạn chế, lao động có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 33,31% lực lượng lao động. Nhân lực qua đào tạo của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động. Trình độ ngoại ngữ còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Hội nhập quốc tế là cơ hội lớn cho lực lượng lao động Nghệ An ra nước ngoài làm việc, nhưng họ cũng đứng trước thách thức phải cạnh tranh với lao động các nước khác có tay nghề và kỹ năng cao hơn. Những hạn chế, yếu kém về nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa;

Ba là: Kết nối hạ tầng của tỉnh với hành lang kinh tế Đông Tây chưa hoàn thiện: Sân bay quốc tế Vinh chưa có đường bay chính thức tới các nước trong khối; Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn và mất thời gian dẫn đến hiệu quả trong giao lưu thương mại chưa như mong muốn. Cửa khẩu Thanh Thủy chưa thông tuyến với tỉnh Bôlykhamxay (Lào). Cảng biển Cửa Lò đang trong quá trình cải tạo, xây dựng, chưa đảm bảo đón nhận các tàu trọng tải lớn, nhất là tàu container, là một khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Việc kết nối giao thông và phương tiện đi lại vành đai Đông Tây còn khó khăn, sự khác biệt về tay lái thuận - nghịch đã cản trở hoạt động logistic giữa các nước Việt Nam - Lào - Thái Lan.

Từ thực tế đó, để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh bằng cách thực hiện tốt Quy chế thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại trên địa bàn; triển khai đồng bộ, toàn diện hoạt động đối ngoại hiệu quả trên ba trụ cột chính: đối ngoại Đảng; ngoại giao nhà nước; đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL liên quan đến hoạt động đối ngoại; xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác quản lý các hoạt động đối ngoại;

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ các cấp, các ngành và doanh nghiệp về công tác hội nhập quốc tế. Xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác hội nhập quốc tế, coi công tác hội nhập quốc tế là nhiệm vụ chung, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội;

Ba là, đổi mới và đa dạng hóa nội dung thông tin đối ngoại; nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại; tích cực quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, chính sách và môi trường đầu tư của tỉnh. Tăng cường hỗ trợ thông tin về kinh tế thị trường, pháp luật, tập quán kinh doanh và thương mại quốc tế cho các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ;

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm cải cách thủ tục hành chính, đưa ra chính sách minh bạch, thống nhất, có các quy định cụ thể và nhất quán về các thủ tục, hướng dẫn bằng văn bản và tư vấn hiệu quả cho các doanh nghiệp. Có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hợp lý, hợp quy định trong nước và quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đang đầu tư trong tỉnh có điều kiện phát triển, đầu tư kinh doanh ra nước ngoài thông qua việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tháo gỡ những vấn đề về giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp trong quá trình hợp tác, kinh doanh với nước ngoài. Các doanh nghiệp cần chủ động thực hiện tập trung cơ cấu lại bộ máy tổ chức, nâng cao trình độ quản trị sản xuất kinh doanh, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước;

Năm là, triển khai hiệu quả và đa dạng hóa các nguồn lực công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tranh thủ các chương trình xúc tiến trọng điểm của Trung ương; tích cực vận động, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới vào đầu tư tại tỉnh. Tăng cường đầu mối liên kết, nhất là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp hội nhập quốc tế;

Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn lao động bằng cách tăng cường hiệu quả các chương trình đào tạo dạy nghề. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động; cần có sự phối hợp giữa việc đào tạo và nâng cao tay nghề trình độ kỹ năng với trình độ ngoại ngữ cho người lao động phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế;

Bảy là, tập trung hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đặc biệt là tăng cường kết nối với các đối tác nước ngoài thông qua các bộ, ngành Trung ương nhằm hỗ trợ phát triển hạ tầng logistics, cảng biển, sân bay quốc tế theo hướng hiện đại đáp ứng nhu cầu hội nhập. Trọng tâm là dự án Cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn gắn với Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (Nghệ An);

Tám là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về biên giới biển và đất liền; thực hiện tốt việc phân giới, cắm mốc với các tỉnh của nước bạn Lào; kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh; giữ vững nguyên tắc, đảm bảo an ninh đối ngoại và yêu cầu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; kịp thời xin ý kiến của Bộ Ngoại giao để xử lý linh hoạt các vụ việc có tính nhạy cảm, phức tạp. 

Hội nhập quốc tế đem đến nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức phải vượt qua, đòi hỏi sự hiểu biết và chuẩn bị kĩ lưỡng về mọi mặt. Biết nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội, tin tưởng rằng chúng ta sẽ hội nhập quốc tế thành công, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của tỉnh nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung trên diễn đàn khu vực và thế giới.

 

Chú thích

1. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 95 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD. Trong đó, nổi bật như:

+ Dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp WHA Hemaraj với diện tích 3.200 ha; tổng vốn đầu tư dự kiến 16.269 tỷ đồng do Tập đoàn WHA - Thái Lan đầu tư.

+ Dự án Khu công nghiệp - đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An do Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp đầu tư với số vốn đăng ký 76,4 triệu USD (tương đương khoảng 1.700 tỷ đồng) trên tổng diện tích quy hoạch 1.475 ha là một quần thể hiện đại, các lĩnh vực hoạt động gồm: đầu tư, xây dựng, khai thác, quản lý, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kho vận, công viên phần mềm công nghệ thông tin, phức hợp thương mại, dịch vụ...

2. Có khoảng 90 doanh nghiệp của Nghệ An trực tiếp đầu tư, kinh doanh vào thị trường Lào, gồm lĩnh vực: khai thác khoáng sản, thủy điện, chế biến và kinh doanh gỗ, sản xuất rượu, sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, trồng và khai thác rừng, du lịch lữ hành, kinh doanh xe tải nhỏ, kinh doanh nông thủy sản, hàng tiêu dùng, thông tin và truyền thông,... với tổng vốn đầu tư của các dự án hơn 200 triệu USD.

3. Trong đó Lào 20 triệu USD, Philippines 3 triệu USD, Singapore 2.3 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như: gỗ và sản phẩm gỗ, nhựa thông, sợi dệt các loại, hàng dệt may, đá các loại... Nhập khẩu đạt 189 triệu USD, trong đó từ Thái Lan 157 triệu USD, Singapore 27 triệu USD, Lào 2 triệu USD.

 

Văn Ngọc Thành                                                   

 

1. Nhìn lại lịch sử               

Thời kỳ 1920 - 1945

Sự ra đời của Trường Quốc học Vinh trước hết là kết quả các chính sách phát triển giáo dục thuộc địa mà người Pháp tiến hành ở Việt Nam. Năm 1906, trên cơ sở những hoạt động của Hội đồng nghiên cứu cải cách giáo dục do (Paul Beau ký nghị định thành lập năm 1903), một nghị định công bố nội dung cải cách cho giáo dục ở Việt Nam đã ra đời (Nghị định cải cách giáo dục ban hành năm 1906 nhưng vì thiếu thầy, thiếu sách giáo khoa nên tới năm 1910 mới chính thức thực hiện). Năm 1917, Pháp tiếp tục tiến hành cải cách giáo dục lần thứ hai. Với cải cách lần này, người Pháp đã xóa bỏ giáo dục Nho giáo và tổ chức một nền giáo dục dạy hoàn toàn bằng chữ Pháp từ tiểu học lên cao đẳng. Theo Quyết định của Khâm sứ Trung kỳ ngày 01/9/1920, Trường Cao đẳng tiểu học (tức Trường Quốc học Vinh) cho thành phố Vinh được thành lập và cũng phải đến năm 1925 trường mới được hoàn chỉnh(1).

Việc thành lập Trường Quốc học Vinh cũng như phát triển giáo dục xứ Đông Dương của người Pháp nằm trong ý đồ "khai hóa" thuộc địa, truyền bá văn hóa Pháp và Âu Tây, qua đó tuyên truyền, quảng bá "sức mạnh" của "Mẫu quốc", khuất phục ý chí, tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trực tiếp hơn, việc mở thêm trường Quốc học Vinh là nhằm đào tạo một đội ngũ những người có trình độ văn hóa đủ để người Pháp sử dụng do yêu cầu của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai sau Chiến tranh thế giới I (l914-l918). Việc thực dân Pháp chọn quán Thầu Đâu, gần với pháp trường mà bọn chúng xử tử những người yêu nước, để xây dựng Trường cũng đã "nói lên ý đồ khủng bố tư tưởng của chúng đối với học sinh theo học"(2).

Có thể nói, Quốc học Vinh là một trong những trung tâm văn hóa đầu tiên của người Nghệ nói riêng, khu vực Bắc Trung kỳ nói chung. Vượt qua các mục tiêu thực dân, Trường đóng vai trò như một trung tâm đào tạo trí thức cho xứ Nghệ, cho người miền Trung, cho dân tộc. Vai trò trung tâm trí thức của Trường thể hiện trước hết ở chỗ: Trường là địa chỉ quy tụ các nhà giáo dục, trí thức tài danh người Việt từ các vùng, miền trong cả nước. Cùng với một số giáo viên người Pháp tiến bộ, những giáo viên người Việt tham gia giảng dạy ở Trường đã chuyển tải tri thức khoa học tiên tiến cũng như ý thức dân tộc vào các thế hệ học sinh, góp phần tạo dựng nên trí tuệ, nhân cách của các trí thức tương lai. Các giáo viên người Việt giảng dạy tại Quốc học Vinh trong những năm đầu (1920 - 1945) gồm nhiều người tài danh như: Lê Ấm, Đỗ Văn Bách, Bửu Cân, Nguyễn Hiệt Chi, Nguyễn Văn Chính, Trần Đình Chín, Đinh Thành Chương, Phạm Văn Diệu, Huỳnh Dư, Trần Đình Đàn, Thái Nguyên Đào, Nguyễn Thiệt, Hoàng Khôi, Nguyễn Bá Luân, Vũ Công Minh, Nguyễn Văn Mùi, Lê Khắc Nguyện, Lê Nhiếp, Nguyễn Đình Quang, Phạm Thành, Nguyễn Gia Thoại, Lê Thước…

Do mục tiêu đào tạo hạn chế trong phạm vi yêu cầu của thực dân Pháp nên số lượng học sinh không nhiều. Niên khóa đầu tiên chỉ có 45 học sinh. Năm học 1932 - 1933 cả bốn lớp chỉ có trên 100 học sinh. Lớp đệ nhất, gần 200 thí sinh, đỗ được 32 người. Nữ sinh thì mãi đến niên khóa 1943 -1944 mới được tuyển vào học(3). Mặc dù đảm nhận đào tạo cho nhiều tỉnh ở địa bàn Bắc Trung kỳ nhưng cho đến những năm 1930 số lượng học sinh cũng chỉ khoảng 500 người.

Việc phát triển nền giáo dục thực dân đã dẫn đến hệ quả ngoài mong đợi của người Pháp. Nhận thức của người học càng phát triển, ý thức dân tộc của họ ngày càng cao. Ngay từ đầu, cùng với quá trình tiếp nhận nền học vấn phương Tây, học sinh Quốc học Vinh "đã tỏ thái độ chống đối sự thống trị của thực dân Pháp, tham gia các hoạt động chính trị từ thấp lên cao, không hiếm người bị nhà cầm quyền Pháp bắt bớ, tù đày, mà khi ra trường đại bộ phận đều đứng về phía cách mạng và kháng chiến. Đại bộ phận vì sinh kế phải làm việc trong các công sở thuộc Chính phủ Bảo hộ và chính phủ Nam Triều, thậm chí có người đi lính dưới chế độ cũ"(4).

Như vậy, Trường Quốc học Vinh được thực dân Pháp lập ra để duy trì chế độ thống trị của chúng. Theo đúng mục tiêu đào tạo của người Pháp, học sinh sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học lên và phục vụ cho chế độ thực dân, làm việc trong bộ máy của người Pháp. Đồng thời, cùng với những người "mưu sinh" trong bộ máy thực dân, Trường Quốc học Vinh cũng chính là nơi hun đúc, rèn luyện ý chí của nhiều thanh niên trí thức yêu nước. Nhiệt huyết tuổi trẻ, khát vọng hiểu biết thế giới, ham muốn nhận thức, truy cầu chân lý, bản lĩnh cá nhân, truyền thống quê hương, đất nước… cùng với truyền thống quê hương được mái trường Quốc học tiếp nhận, đã thúc đẩy nhiều học sinh của nhà trường tham gia vào công cuộc cải tạo thế giới. Cụ thể là theo cách mạng, và tham gia kháng chiến, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, chống thực dân.

Những năm tháng sôi động của lịch sử đã ghi lại những tên tuổi của nhiều học trò đầy tự hào của trường Quốc học, của quê hương xứ Nghệ. Đó là Tôn Quang Phiệt(5), Nguyễn Tiềm(6), là Nguyễn Sĩ Sách(7), Lê Hồng Sơn(8), Phan Đăng Lưu(9), Nguyễn Xiển(10), Hà Huy Giáp(11) …

Ngay trong thời kỳ Pháp thuộc, Quốc học Vinh đã trở thành mái trường của nhiều người nổi tiếng, trí thức mới, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trở thành niềm tự hào không chỉ cho xứ Nghệ, mà còn cho cả nước như: Lĩnh vực khoa học, giáo dục và văn hóa nghệ thuật có GS. Hoàng Xuân Hãn(12), GS.VS.NGND Nguyễn Cảnh Toàn(13), GS.TS.NGND. Hà Học Trạc(14), Nhà văn Hoài Thanh, Bùi Hiển, Nhà thơ Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Nhạc sĩ Trọng Bằng, Nguyễn Văn Tý,…; Lĩnh vực chính trị - ngoại giao có Nguyễn Côn (Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ), Tôn Quang Phiệt (Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nhà sử học), Nguyễn Xiển (Giáo sư - Nguyên Phó Chủ tịch UB Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam), Hà Huy Giáp,  Đinh Nho Liêm (UVTW Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Mạnh Cầm (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Đảng Cộng sản, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao), Trung tướng Đỗ Trình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Lê Lộc,... 

Thời kỳ 1945 - 1975

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nền giáo dục mới của Việt Nam được xây dựng và phát triển trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới. Thuận lợi căn bản nhất đối với giáo dục là nền độc lập của dân tộc và sự coi trọng giáo dục của chính phủ và khát vọng tự do, xây dựng cuộc sống mới toàn dân. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Trong đó, nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ hai sau nhiệm vụ chống giặc đói. Sau đó, ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Đầu tháng 10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi chống nạn thất học"…

Thực hiện nhiệm vụ của đất nước, thầy-trò trường Huỳnh Thúc Kháng vừa phải phấn đấu dạy tốt, học tốt với tư cách là trung tâm đào tạo nhân lực, đồng thời, vừa phải "xếp bút nghiên" khi Tổ quốc cần. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng ngàn học sinh của trường đã lên đường nhập ngũ, nhiều liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Theo thống kê sơ bộ do Nhà trường cung cấp, có khoảng gần 90 liệt sĩ là thầy, trò của Trường đã hi sinh trong lao tù thực dân, đế quốc và trên các chiến trường trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, 20 năm đấu tranh thống nhất nước nhà cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ đã cống hiến cả tuổi trẻ của mình cho đất nước, quê hương và mái trường khang trang ngày nay.

Năm 1950, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất, Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu IV đã quyết định sáp nhập trường Quốc học Nguyễn Công Trứ và trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, lấy tên là Trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng và là trường cấp 3 duy nhất của Nghệ An lúc bấy giờ. Học sinh không chỉ của tỉnh Nghệ An mà còn cả học sinh khu 3, khu 4, khu 5 vào học. Đến năm 1955, trường trở về Vinh. Từ năm 1962, do sự nghiệp giáo dục phát triển, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều trường cấp 3 ở các huyện được thành lập, trường được đổi tên là Trường phổ thông cấp 3 Vinh; đến năm 1976 đổi tên là Trường phổ thông cấp 3 Vinh I. Năm 1981 được mang tên Trường trung học phổ thông Huỳnh Thúc Kháng cho đến ngày nay.

Cùng với cả nước, thầy - trò trường Huỳnh sơ tán về các miền quê Nghệ - Tĩnh để hoàn thành sự nghiệp cách mạng trong giáo dục. Từ nhiệm vụ xóa nạn mù chữ, bình dân học vụ, Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng đã cùng cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp với vai trò là cơ sở giáo dục quan trọng của vùng tự do Liên khu 4 và một phần cho Liên khu 5 và Liên khu 3. Trong năm học 1949 - 1950 sĩ số học sinh của Trường lên đến gần 300 người, trong đó có cả học sinh ở vùng tự do Liên khu 4, mà cả ở Liên khu 5, Liên khu 3(15). Phạm vi và quy mô đào tạo của Trường mở rộng, vai trò của Trường trong hệ thống giáo dục mới là rất lớn. Nhiều thầy giáo, cũng là các nhà khoa học tài danh đã tham gia giảng dạy tại đây: GS.NGND. Lê Trí Viễn (10/3/1919 - 3/2/2012) - nhà nghiên cứu đi tiên phong trong việc vận dụng quan điểm mácxít trong nghiên cứu và đã đóng góp cho lĩnh vực văn học Việt Nam hơn 40 công trình khoa học giá trị. Ông đã được nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012; GS.TSKH.NGND. Nguyễn Cảnh Toàn - từng đảm nhiệm Hiệu trưởng ĐHSP Hà Nội và Thứ trưởng Bộ Giáo dục; GS. Nguyễn Đức Nam, chuyên gia về văn học phương Tây;…

Từ sau 1975

Khi đất nước thống nhất, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ngày càng cao. Đặc biệt, khi bước vào Đổi mới, đào tạo nhân lực không chỉ bức thiết về số lượng do sự bùng nổ của sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn về chất lượng do yêu cầu của công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Nhằm đáp ứng cho yêu cầu mới, thầy và trò trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần vượt khó, nỗ lực thi đua dạy tốt - học tốt. Các thầy, cô giáo đã cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với sự phát triển của nhà trường.

Nhờ sự dìu dắt của các thầy, cô và ý chí, khát vọng vươn lên của chính mình, nhiều học sinh của trường đã thành đạt trên các lĩnh vực công tác khác nhau, trở thành lãnh đạo các cấp, nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, thầy thuốc, nhà giáo, sỹ quan... tiêu biểu như: Đặng Quốc Khánh - Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Huỳnh Thanh Điền - nguyên PCT UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Hồng Kỳ - nguyên GĐ Sở Giao thông Nghệ An, Hoàng Trọng Kim - nguyên GĐ Sở Xây dựng Nghệ An, Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông, Nguyễn Hoài An - Chủ tịch UBND TP Vinh...

Tên tuổi của rất nhiều người trong số họ đã trở thành niềm tự hào không những cho nhà trường mà còn cả quê hương, đất nước.

2. Thực trạng những năm gần đây

Trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, tỷ lệ lao động cơ bắp ngày một giảm, lao động trí tuệ ngày càng gia tăng, lợi thế so sánh dựa trên số lượng lao động và giá nhân công rẻ cũng ngày một giảm và đang chuyển dần về phía những quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đang trở thành yếu tố quyết định nhất đối với việc tăng lợi thế cạnh tranh cũng như sự phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia.

Cùng với cả nước, đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc phát triển, Thầy - Trò Trường Huỳnh không ngừng tự đổi mới, vươn lên. Trong khoảng 10 năm qua, số học sinh tuỳ thuộc vào sĩ số học sinh lớp 10 được tuyển sinh hàng năm do Sở GD&ĐT Nghệ An quy định.

Năm học 2018 - 2019, sau 10 năm phấn đấu, tình hình số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhà giáo như sau: Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên: 100 người. Trong đó, thạc sĩ là 56 người (chiếm 56%) tăng 18,3% so với năm học 2009 - 2010 (thêm 06 giáo viên đang học cao học); 10 người có văn bằng 2 tiếng Anh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh có 65 người (chiếm 65%) tăng 25% so với năm học 2009 - 2010, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (từ 2010 đến nay): 110 lượt, cấp tỉnh: 18 lượt(16). Như vậy, chất lượng giáo viên tăng lên nhưng số lượng giảm xuống 6 người. Đây cũng là một nguyên nhân khiến quy mô đào tạo của Trường không thể mở rộng.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô đào tạo do sự hạn chế số lượng tuyển sinh, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhưng công tác đào tạo, phát triển nhân lực, nhân tài của nhà trường vẫn phát triển về chất lượng. Điều này thể hiện ở kết quả các kỳ thi tốt nghiệp, đại học và học sinh giỏi các cấp.

Không chỉ chú trọng dạy và học chính khoá, nhà trường còn quan tâm các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên trong học sinh, các hoạt động câu lạc bộ, tham quan, ngoại khoá,... nhằm làm cho học sinh phát triển toàn diện.

3. Nhìn lại sự phát triển của "Trường Huỳnh" trong suốt 100 năm qua, bước đầu có thể thấy những điểm nổi bật sau:

Thứ nhất, hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực là hoạt động xuyên suốt, chủ đạo của Trường. Ngay cả khi Trường nằm dưới ách thực dân, mặc dù là công cụ phục vụ cho ý đồ thực dân, nhưng với chức năng cố hữu của Trường học, người học được khai sáng trí tuệ, được gieo mầm ước mơ khám phá và cải tạo thế giới. Do đó, học sinh của Trường cũng là những người chống lại ách thực dân, Bí thư Đảng đầu tiên của tỉnh Nghệ An cũng chính là học sinh Quốc học Vinh…

Thứ hai, từ khi ra đời cho đến thời kỳ kháng chiến chống chống thực dân Pháp, Trường Quốc học Vinh đóng vai trò là một trong những trung tâm giáo dục, văn hóa của khu vực, không bó hẹp trong phạm vi Nghệ An. Việc ngày càng thu hẹp phạm vi tuyển sinh của Trường phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Nghệ An nói riêng.

Thứ ba, sự đóng góp của trường Quốc học Vinh - Huỳnh Thúc Kháng đối với công tác đào tạo, phát triển nhân lực, nhân tài còn được thể hiện ở chỗ: Không chỉ đào tạo, chính nơi đây đã cung cấp những nhà nghiên cứu, nhà khoa học, hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội hàng đầu cho đất nước. Nhiều giáo viên của Trường đã trở thành những trí thức lớn thế hệ đầu tiên của nước Việt Nam mới.

Thứ tư, với chất lượng đào tạo ngày càng cao, số học sinh đỗ đại học gần 100% như hiện nay, mục tiêu chính của Trường không còn là đào tạo nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động nữa mà là gián tiếp, cung cấp đội ngũ sinh viên cho các trường đại học, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao trong thời đại mới. Đây vừa là chỉ dấu phát triển của Trường, vừa là vấn đề cần nhận diện sâu sắc, rõ ràng trong việc hoạch định chiến lược phát triển mới.

Vai trò của giáo dục, đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực là làm gia tăng về chất lượng của nguồn nhân lực. "Trường Huỳnh" hiện nay nằm trong "chuỗi cung ứng" của hoạt động đào tạo lao động chất lượng cao của cả nước, "sản phẩm" của Trường tung cánh đến các cơ sở đào tạo đại học trong toàn quốc, phục vụ trên phạm vi cả nước.

 

 

 

Chú thích

1. Phan Hữu Dật (chủ biên) - Vũ Ngọc Khánh - Phan Trọng Báu - Ninh Viết Giao - Nguyễn Xuân Phong & Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Mái trường xứng danh anh hùng, Nghệ An, 2010, tr.45.

2. Sđt, tr.33.

3. Sđd tr.36.

4. Nguyễn Hoàng Thung, trong hồi ký về Trường Quốc học Vinh có viết rằng số theo địch trong niên khoá của anh nay điểm lại không quá 5 người (cả ba lớp đệ tứ A, B, C năm 1944 là 150 học sinh). Còn Thái Sĩ Diễn, trong hồi ký "Nhớ trường xưa" thì nói rằng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, không một ai trong khoá 1941 - 1945 của anh đứng ở phía bên kia, tất cả đều tự nguyện theo Đảng, theo Bác Hồ (Theo: sđd, tr.40).

5. Xin xem thêm tiểu sử của Tôn Quang Phiệt (1900 - 1973).

6. Xin xem thêm tiểu sử của Nguyễn Tiềm (1912 - 1932).

7. Xin xem thêm tiểu sử của Nguyễn Sĩ Sách (1907 - 1929).

8. Xin xem thêm tiểu sử của Lê Hồng Sơn (1899 - 1933).

9. Xin xem thêm tiểu sử của Phan Đăng Lưu (1902 - 1941).

10. Xin xem thêm tiểu sử của GS. Nguyễn Xiển (1907-1997).

11. Hà Huy Giáp (1908-1995) là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (dự khuyết), khóa III, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Phó Ban nghiên cứu lịch sử Đảng.

12. Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996) là một nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam đồng thời là một kỹ sư, nhà toán học. Ông là người soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên.

13. GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn (1926-2017), nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, là một nhà toán học, nhà giáo dục học có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu hình học và nghiên cứu giáo dục học.

14. GS.TS.NGND. Hà Học Trạc (1030-2010) là một nhà khoa học đầu ngành. GS.TS Hà Học Trạc đã chủ trì nhiều chương trình nghiên cứu lớn có tầm ảnh hưởng quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

15. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 15/10/1945, toàn quốc được phân chia thành 9 chiến khu. Ngày 25/1/1948, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 120-SL tổ chức lại các khu.

16. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Báo cáo thành tích đề nghị tặng Huân chương Độc lập hạng nhì, Nghệ An 2019.

 

 Nghệ An: Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn gì?

 

LTS: Nghệ An có hơn 22.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng, công nghiệp khai thác, chế biến và các ngành nghề khác. Trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào GRDP, tạo công ăn việc làm, ổn định kinh tế của tỉnh. Đặc biệt trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay thì cả nước đều chú ý hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm huy động tối đa các nguồn lực và hỗ trợ cho doanh nghiệp lớn, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

 Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp những khó khăn do tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển, hạn chế về quy mô, mức độ đóng góp vào nền kinh tế.

Chuyên san KHXH&NV Nghệ An lược đăng ý kiến của các doanh nghiệp khoa học công nghệ vừa và nhỏ về những khó khăn, vướng mắc cũng như mong muốn của doanh nghiệp để có cái nhìn thấu đáo hơn!

 

Ông NGHIÊM TIẾN VIỄN - CEO Công ty GoStream:

UBND tỉnh nên có ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thu hút nhân tài và các công ty công nghệ tập trung về Nghệ An

Ngay từ đầu khởi nghiệp chúng tôi chỉ có 3 người, chính là 3 co-founder. Với số vốn ít ỏi mà 3 chúng tôi góp lại, bài toán đầu tiên chúng tôi phải giải quyết đó là đặt văn phòng ở đâu? Khi có 2 founder ở Hà Nội và 1 ở HCM. Sau khi bàn bạc, chúng tôi cho rằng nếu đặt văn phòng ở những thành phố lớn như HN hay HCM, chúng tôi sẽ nhanh chóng hết tiền trong khi chưa kịp kiếm ra lợi nhuận. Do đó, tôi quyết định sẽ đặt văn phòng chính tại Nghệ An - nơi quê hương tôi - đồng thời mở văn phòng đại diện ở HCM. Việc này có 2 cái lợi, thứ nhất là tiết kiệm chi phí trong thời gian đầu khởi nghiệp. Cái lợi thứ 2 là khi về Nghệ An, chúng tôi được tỉnh hỗ trợ về mặt bằng và các chính sách để có thể phát triển được tốt nhất. Chúng tôi có văn phòng ở HCM do 1 co-founder phụ trách, do đó vẫn có thể tiếp cận, gặp gỡ những khách hàng lớn, đối tác tại đây.

Tuy nhiên, khởi nghiệp ở Nghệ An cũng có những khó khăn riêng. Khó khăn lớn nhất là vấn đề nhân sự. Nhân sự giỏi thường tập trung ở thành phố lớn, do đó chúng tôi rất khó để tuyển được nhân sự phù hợp. Chúng tôi đưa ra 2 chiến lược. Đầu tiên, chúng tôi tuyển những nhân sự Nghệ An, hiện đang làm việc ở các thành phố lớn và có mong muốn trở về làm việc tại địa phương. Chiến lược thứ 2 của chúng tôi là đào tạo nhân sự tại chỗ - chính là các sinh viên tại trường đại học trên địa bàn. Mỗi năm chúng tôi hướng dẫn khoảng 50 sinh viên thực tập và giữ lại 1-2 bạn phù hợp với yêu cầu.

Thời gian đầu, tuy cả 3 co-founder đều chưa nhận lương, dù vậy chúng tôi vẫn rất lạc quan vào tương lai của GOStream bởi chúng tôi đã nhanh chóng có được khách hàng đầu tiên, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực. Từ những phản hồi đó, chúng tôi quay lại cải tiến sản phẩm và liên tục nâng cấp phiên bản mới. Đến nay chúng tôi đã có 500.000 user đăng ký và có mức tăng trưởng tốt.

Vào tháng 6/2019, chúng tôi có tham gia vườn ươm Zone Startup. Zone Startups Việt Nam là chương trình hợp tác của Tập đoàn Ryerson Futures (Canada), dự án Zone Startups toàn cầu với các đối tác tại Việt Nam gồm UniBrands, VinaCapital và các nhà đầu tư độc lập. Trong khuôn khổ hợp tác, Zone Startup đã hỗ trợ chúng tôi về không gian làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian 6 tháng, đồng thời đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thiện mô hình kinh doanh và hồ sơ giấy tờ để chuẩn bị cho quá trình gọi vốn. Tới tháng 8/2019, chúng tôi về cơ bản hoàn thành quá trình tìm hiểu lẫn nhau và quyết định sẽ hợp tác lâu dài hơn thông qua việc Zone Startups sẽ đầu tư vào GoStream. Cùng lúc này, chúng tôi đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2019 do tỉnh Nghệ An tổ chức. Qua cuộc thi này, chúng tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ các startup khác cũng như sự hướng dẫn của các chuyên gia. Nhờ đó chúng tôi đã có được vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán và đạt được mức định giá như chúng tôi kì vọng, đó là 5 triệu USD. Cuối tháng 9/2019, GoStream và Zone Startups đã chính thức kí kết thỏa thuận đầu tư. Nhờ có số tiền đầu tư, chúng tôi có các chiến lược để đưa GoStream tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường nước ngoài, trước mắt là các nước có nền văn hóa tương đồng như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc…

Đề xuất với các cấp chính quyền

Ở Nghệ An, chúng ta có vị trí địa lý phù hợp, giao thông thuận lợi và chất lượng đào tạo con người có tiếng trong cả nước. Do đó, chúng tôi, GoStream có ước mơ thu hút nhân tài và các công ty công nghệ tập trung về Nghệ An. Để làm được điều này, chúng tôi có những đề xuất như sau:

Có cơ chế ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là các doanh nghiệp khối ngành CNTT, bởi đặc thù ngành này nhu cầu không quá phức tạp như không cần các yếu tố liên quan đến đất đai, cây, con giống... nhưng lại có thể phát triển nhanh vượt bậc, mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn nhiều so với các ngành nghề truyền thống.

Tích cực tuyên truyền, vận động các startup có người sáng lập là người Nghệ về khởi nghiệp hoặc đặt văn phòng ở Nghệ An. Có các cơ chế hỗ trợ như giảm thuế, hỗ trợ nhanh các thủ tục hành chính, hỗ trợ các địa điểm làm việc chung. Tổ chức các hội thảo và đưa các quỹ đầu tư về với Nghệ An. Đăng cai tổ chức các ngày hội về công nghệ, startup...

Tuyên truyền qua các kênh hội đồng hương để những người Nghệ xa quê có thông tin về các công ty trên địa bàn đang tuyển để có thể về quê làm việc.

Chúng tôi cho rằng việc thu hút chất xám và các công ty công nghệ về Nghệ An là một nước đi chiến lược có thể đem lại nguồn lợi to lớn cho Nghệ An. Phương án này Đà Nẵng đã thực hiện thành công, chúng tôi tin rằng Nghệ An cũng có thể làm được.

Ông PHẠM KIM TIẾN - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Sen quê Bác:

Các doanh nghiệp vẫn đang cần các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ đắc lực từ các cấp, các ngành

Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác được thành lập năm 2019 nhằm mục đích nghiên cứu nhân các giống cây nông nghiệp đặc biệt là các loại giống sen có năng suất cao và chất lượng tốt, lúa chất lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất trên vùng đất xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, với mục tiêu: Xây dựng vùng trồng sen có quy mô lớn, đủ các loại hoa sen, tạo nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm từ cây sen như trà lá sen, trà ướp bông sen, trà tim sen, hạt sen khô, củ sen sấy khô và các giống lúa thuần chất lượng cao như giống Bắc Thịnh để xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo làng sen nhằm thu hút và phục vụ cho khách thăm quan, du lịch tại vùng đất Kim Liên Nam Đàn - quê hương Bác Hồ kính yêu; Chuyển giao tiến bộ khoa khọc kỹ thuật trồng các loại giống sen trong và ngoài nước, đầu tư công nghệ máy móc tiên tiến, chế biến các sản phẩm từ cây sen để thu mua sản phẩm hoa sen, hạt sen, lá sen, củ sen cho các hộ thành viên và nhân dân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức tập quán trồng sen nhỏ lẻ của người nông dân sang trồng hoa sen thành vùng tập trung quy mô lớn và chế biến các sản phẩm từ sen để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, cảnh quan cho khách thăm quan du lịch, tăng thu nhập cho các hộ thành viên và nhân dân trong vùng Kim Liên nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Hợp tác xã nông nghiệp sen quê Bác ký kết hợp đồng với các hộ thành viên và các hộ dân tham gia liên kết để tổ chức sản xuất tập trung trên quy mô 20 ha và 22 hộ tham gia thực hiện dự án; đồng thời thu mua sản phẩm thông qua hợp đồng liên kết 50 tấn lá sen, 36 tấn hạt sen, 150.000 bông sen; chế biến các loại sản phẩm từ lá sen gồm: Trà lá sen các loại 10 tấn, trà lá sen túi lọc 01 tấn; từ hạt sen gồm: hạt sen sấy khô 15 tấn, hạt sen sấy giòn 4 tấn, bột hạt sen 2 tấn; từ bông sen gồm: Trà ướp bông sen 30.000 bông/gói thành phẩm 80g/gói và cắm hoa sen tươi để bán;

Đầu tư mua sắm công nghệ, máy móc, kho lạnh để chế biến, bảo quản các sản phẩm từ cây sen như trà sen các loại, hạt sen khô, gạo làng sen đảm bảo chất lượng, tạo sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, đáp ứng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu;

Hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng và đăng ký chứng nhận mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm; In ấn nhãn mác và bao bì các sản phẩm như: Trà lá sen, trà tim sen, hạt sen sấy khô, hạt sen sấy giòn, gạo làng sen;

Tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất và chỉ đạo chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất các loại giống sen cho bà con nông dân tham gia thực hiện hợp đồng và dự án liên kết; Xây dựng quy trình trồng và chăm sóc cây sen, lúa Bắc Thịnh theo tiêu chuẩn    VietGap; Xây dựng gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại Khu di tích Kim Liên.

HTX được thành lập trên quê hương  Bác Hồ nơi gắn liền với hình ảnh hoa sen. Vì vậy việc gây giống phát triển cây Sen được các cấp ban ngành quan tâm tạo điều kiện. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, HTX còn gặp một số khó khăn như: Hình thức bao tiêu nhỏ lẻ nhưng sản lượng có khi không đáp ứng đủ dẫn đến đầu ra chưa ổn định. Việc mở rộng quỹ đất để mở rộng sản xuất, cũng như việc đầu tư xây dựng xưởng sơ chế đang là khó khăn chủ yếu của HTX. Hiện tại HTX đang thuê lại văn phòng nhà xưởng; Diện tích trồng sen đang còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất; Sản xuất còn mang tính cầm chừng do nguồn nguyên liệu chưa đủ đáp ứng công suất sản xuất. HTX mong muốn có được sự hỗ trợ để có thể mở rộng diện tích trồng sen, quy hoạch khu vực rộng lớn tạo cảnh quan cho quê hương, phục vụ khách du lịch về tham quan, ngoài ra tạo vùng nguyên liệu để cung cấp đầy đủ cho quá trình sản xuất.

Dự án phát triển cây Sen và các sản phẩm từ Sen cũng như phát triển ngành du lịch tại địa phương bước đầu đạt được là tích cực nhưng chưa thực sự phát triển vững chắc. Những vướng mắc về công tác nhân giống cây Sen, khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm là những vấn đề phát sinh đối với các doanh nghiệp vẫn đang cần các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ đắc lực từ các cấp, các ngành.

 

Ông PHAN XUÂN DIỆN - Giám đốc Công ty CP Dược liệu Pù Mát:

Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Công ty CP Dược liệu Pù Mát (tiền thân là Công ty CP dịch vụ Khoa học - Công nghệ Nông nghiệp Thành An) được thành lập ngày 04 tháng 12 năm 2009. Chức năng chính là: Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tư vấn, triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ; lập dự án quy hoạch nông nghiệp nông thôn, dự án phát triển kinh tế xã hội; trồng và chế biến cây lương thực và cây thực phẩm; trồng và chế biến cây dược liệu; sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng…

Hiện nay, Công ty đang trồng hơn 7 ha dược liệu (Cà gai leo: 06 ha, Dây thìa canh: 03 ha, Đinh lăng: 01 ha, Mướp đắng rừng 0,1 ha) theo tiêu chuẩn GACP "Good Agricultural and Collection Practices", nghĩa là thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc.

Sau thời gian trồng 01 năm, chúng tôi  lấy mẫu phân tích (mỗi loại 03 mẫu) và gửi Viện Dược liệu - Bộ Y tế, kết quả phân tích cho thấy, dược tính ở đây cao hơn so với quy định của dược điển IV gấp 3 lần. Đây là cơ sở khoa học cực kỳ quan trọng để chúng tôi phát triển cây dược liệu và chế biến thực phẩm "Bảo vệ sức khỏe" để đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe.

Khu vực làm giống: 01 nhà lưới ươm dược liệu với diện tích 310 m2  với đầy đủ thiết bị tưới phun sương, hãm nắng và 01 nhà đảo bầu cây giống: 450 m2.

Công ty chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất trà dược liệu đồng bộ, gồm: 01 dây chuyền sản xuất trà dược liệu túi lọc bao gồm: Máy cắt dược liệu, máy rửa dược liệu, máy sao dược liệu, máy nghiền dược liệu, máy đóng túi lọc YD11, máy hàn mép, máy in ngày tháng, máy rút màng co, máy rút chân không, cân điện tử; 01 dây chuyền sản xuất cao và trà hòa tan gồm: Máy trích ly chân không, máy cô đặc chân không; máy sấy phun, máy đóng túi trà hòa tan; 01 máy sấy bơm nhiệt công suất 1.000 kg/mẽ; 01 kho bảo quản nguyên liệu qua sơ chế với diện tích 480 m2. Với các sản phẩm: Trà dược liệu túi lọc Cà gai leo; Trà dược liệu túi lọc Dây thìa canh; Trà dược liệu túi lọc Đinh lăng; Trà dược liệu Giảo cổ lam…

Được sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở KH&CN và UBND huyện Con Cuông; Thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc trồng cây dược liệu, sản phẩm trà dược liệu túi lọc bước đầu được thị trường chấp nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn nhiều khó khăn như: Đất đai để trồng dược liệu và khu điều hành, sản xuất trà dược liệu đang thuê hoặc trồng trên đất do Xí nghiệp dịch vụ chè Con Cuông quản lý; Doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các chính sách của Chính phủ (như; Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2017 của Chính Phủ về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính Phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn); Chưa có quy hoạch cụ thể vùng trồng dược liệu; Sản phẩm chưa đa dạng (mới chỉ có trà túi lọc). Đang chuẩn bị cho ra sản phẩm cao và trà hòa tan.

Do đó, rất mong được UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng (khu vực bảo tồn cây dược liệu, khu vực lưu trữ cây dược liệu đầu dòng, khu vực sản xuất và nhân giống cây dược liệu, khu vực thí nghiệm…) để làm cơ sở, năm 2022 chúng tôi thành lập doanh nghiệp nghiên cứu khoa học tư nhân; đầu tư cơ sở vật chất, đường giao thông, đường điện 3 pha vào khu vực sản xuất và trồng dược liệu; Hỗ trợ quỹ đất hoặc cho doanh nghiệp thuê đất lâu năm (50 năm) để doanh nghiệp yên tâm đầu tư cả về máy móc thiết bị, nhà xưởng và các tiến bộ trong trồng trọt; Hỗ trợ một phần kinh phí cho các hoạt động trồng thử nghiệm, bảo tồn, nghiên cứu trồng cây thuốc ở các địa phương; Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Ông  LÊ VĂN THỎA - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Nhân Độ:

Doanh nghiệp khoa học công nghệ cần có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển

Công ty TNHH Cơ khí Nhân Độ được thành lập năm 2007; lĩnh vực hoạt động chính là sửa chữa gia công cơ khí và chế tạo máy khai thác chế biến đá trên địa bàn huyện Qùy Hợp.

Sau 13 năm thành lập và hoạt động quy mô lớn, Doanh nghiệp Nhân Độ đã sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo tinh xảo, có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao; nhiều sáng chế hữu ích phục vụ cho ngành sửa chữa gia công cơ khí và khai thác chế biến đá trên địa bàn Quỳ Hợp nói riêng và các tỉnh trong cả nước nói chung. Nhiều sản phẩm sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và sản xuất ra hàng loạt bán ra thị trường như Máy doa lỗ di động, máy búa rèn,  máy cắt đá bằng dây, gàu bẫy xúc đá hộc và máy tiện đá… Đặc biệt ý tưởng chế tạo "trực thăng mini" để dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, tham gia chữa cháy rừng.

Đến nay Công ty TNHH cơ khí Nhân Độ đã thực sự có uy tín với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trong cả nước. Hiện tại các sản phẩm của công ty đã liên kết, hợp tác 95 cá nhân, doanh nghiệp trên 64 tỉnh thành và cả thị trường nước bạn Lào; giải quyết việc làm cho 18 người lao động trên địa bàn.

Tuy nhiên nhìn lại quá trình thành lập, duy trì và phát triển; khó khăn đầu tiên đó là khâu tiếp cận thị trường; bản thân tôi và các anh chị em trong công ty đã từng lăn lộn trên mọi nẻo đường, đến từng địa phương để tiếp thị; Cũng như đã tham gia nhiều Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Từ đó sản phẩm của công ty làm ra được người tiêu dùng biết đến và thường xuyên cơ sở đặt sản xuất, chế tạo, lắp ráp từ xưởng. Doanh nghiệp ngày càng có uy tín và được nhiều khách hàng mến mộ đặt hàng ngày càng tăng.

Thứ 2 là đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu kiểu dáng sản phẩm. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, chúng tôi đã đăng ký thành công nhiều sản phẩm; đồng thời cũng có nhiều sáng kiến, sản phẩm đạt giải thưởng sáng tạo khoa học; bằng khen, giấy khen của các tổ chức trao tặng.

Để công ty ngày phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn, đề xuất: Các cơ quan quản lý, các ban ngành liên quan có biện pháp, hình thức, cơ chế chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN;

Hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua sắm thay thế một số máy công cụ đã quá lạc hậu, không còn độ chính xác trong chế tạo, gia công;

Hỗ trợ công tác truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến mọi cơ sở sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Cũng như đào tạo lại, nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân để đảm bảo chất lượng sản phẩm sản xuất ra ngày càng tốt hơn, giá thành hạ thấp, phục vụ cho người tiêu dùng.

 

Bà LÊ NA  - Giám đốc CTCP Trang trại Nông sản Phủ Quỳ:

Các công ty nhỏ thường khó tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của nhà nước

Khó khăn vướng mắc của công ty trong quá trình phát triển cơ bản có nhiều khó khăn bởi doanh nghiệp của chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, thế nên ban đầu vốn khó, lượng vốn đầu tư không nhiều, thị trường chưa được mở rộng, nhiều lúc có nhiều kế hoạch, ý tưởng nhưng do nguồn lực hạn chế nên cũng không thể phát triển ồ ạt được. Vì thế chúng tôi có lựa chọn cách đi riêng so với các đơn vị khác. Ví dụ chúng tôi tập trung phát triển thương hiệu ngay từ khi doanh nghiệp còn nhỏ, để vừa sản xuất ra vừa bán hàng, tuy nhiên khi tập trung làm thương hiệu khi còn nhỏ phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực hơn nhiều nên thực tế chúng tôi kinh doanh 7 năm nhưng doanh số còn thấp so với các doanh nghiệp khác, mặc dù thương hiệu đã được nhiều người biết đến và có uy tín trên thị trường. Đó là một trong những khó khăn trở ngại công ty.

Thứ 2, bản thân làm trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng rủi ro và khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác, đã vậy chúng tôi còn lựa chọn  nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, trong khi mình không có kiến thức nền tảng trong lĩnh vực này nên phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn so với thông thường; chúng tôi không có nền tảng trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm, dường như "vừa học vừa bơi" vừa học vừa nghiên cứu nên đi chậm hơn các doanh nghiệp khác.

Một khó khăn nữa là việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ, vì doanh nghiệp nhỏ trong khi chương trình hỗ trợ thường lớn, ít có các chương trình dự án nhỏ dành cho các doanh nghiệp như chúng tôi, bởi vì với các dự án nhỏ cần đối ứng, nên việc đảm bảo đối ứng còn khó khăn. Với những dự án như vậy nên khó tiếp cận các dự án hỗ trợ nhà nước, các tổ chức phi chính phủ

Một trong những khó khăn nữa đó là doanh nghiệp mất nhiều thời gian trong việc đồng hành cùng bà con cũng như việc chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân. Vì doanh nghiệp nhỏ không đủ tiềm lực đi làm những công việc mà không đem lại lợi nhuận ngay trước mắt đó cũng là một trong những khó khăn chồng chất thêm cho một doanh nghiệp đi theo hướng mới có tính khác biệt so với thực tế địa phương.

Mong muốn kiến nghị:

Hiện nay cùng với việc xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường cũng như liên kết với bà con địa phương trong việc chuyển đổi phương thức canh tác, chúng tôi đang hướng tới việc phát triển thêm các dịch vụ khác như sản xuất các sản phẩm chế biến từ cam hay làm du lịch sinh thái từ vườn cam. Hiện nay chúng tôi đang có dự án làng du lịch cam Vinh sinh thái, liên kết với 100 đến 300 hộ nông dân quy hoạch khoảng 500 ha để có thể đầu tư làng cam Vinh sinh thái với bà con nơi đây. Tuy nhiên có lẽ đây là mô hình kinh doanh mới, cho nên rất cần chia sẻ về mặt chính sách cũng như là hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để chúng tôi thực hiện tốt dự án này.

Cụ thể với dự án này chúng tôi sẽ liên kết với bà con nông dân… hướng dẫn đào tạo cho bà con nhân dân, làm du lịch mình sẽ là người trung gian hướng dẫn bà con, kết nối các nguồn lực giúp bà con hình thành nên làng du lịch. Tuy nhiên một thực tế hiện nay như đối với vấn đề đất nông nghiệp chẳng hạn rất khó khăn trong việc phê duyệt để trở thành hiện thực, chúng tôi có đề xuất mong muốn tỉnh có thể coi đây như một dự án thí điểm và sẵn sàng cho phép chuyển đổi khoảng 10-20% đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp để đưa thêm dịch vụ du lịch vào.

Với dự án này, chúng tôi hi vọng sẽ phát triển kinh tế cho địa phương cũng như mang đến sự ổn định về mặt sinh kế cho người dân ngoài ra đồng thời phát huy văn hóa bản địa cũng như mang đến sự ổn định sinh kế cho người nông dân, phát huy giá trị văn hóa cũng như giữ được giá trị đặc sản sẵn có của cam Vinh. Và với mô hình kinh doanh này mặc dù mang lại lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương nhưng nó không hề mang lại xung đột về mặt lợi ích nghĩa là doanh nghiệp không thu gom đất, tích lũy ruộng đất mà là liên kết cùng bà con nông dân.

TOÀ SOẠN

Phan Huy Hùng

Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 diễn ra với tốc độ nhanh chóng đã và đang làm thay đổi bối cảnh toàn cầu. Theo đó, mô hình kinh doanh, những khái niệm về kinh tế cũng thay đổi một cách căn bản, tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế - xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực. Nếu biết tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Nghệ An sẽ có thể thu hẹp khoảng cách phát triển với các tỉnh khác và sớm trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá trong khu vực phía Bắc như mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh.

Nắm bắt được xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ rất kịp thời và có hiệu quả như: ưu đãi về vốn, thuế suất… cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ & vừa (DNNVV) và nhiều Nghị định về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV; quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; đặc biệt là Nghị quyết 35 của Chính phủ tiếp tục được triển khai đồng bộ trên các nhóm nhiệm vụ trong Nghị quyết như: Cải cách hành chính, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp… đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV phát triển, đáp ứng phần lớn các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, cùng với nỗ lực chung của cả nước, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để doanh nghiệp phát triển và hoạt động có hiệu quả. Nhờ đó, doanh nghiệp Nghệ An ngày càng phát triển cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô. Số lượng doanh nghiệp tăng đã góp phần quan trọng trong việc thu hút lao động tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2019, tổng thu từ khối doanh nghiệp ước đạt gần 7.500 tỷ đồng, chiếm tỉ lệ 48% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đáng chú ý là, giai đoạn 2016 - 2019, số doanh nghiệp thành lập mới tăng bình quân hơn 9%/năm, đặc biệt là giai đoạn 2016 - 2018, doanh nghiệp tăng mạnh với tỷ lệ lên đến 11,9%/năm do tác động khởi nghiệp mạnh mẽ từ Luật Doanh nghiệp, Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 10 - NQ/TW và chuỗi Nghị quyết 19/NQ-CP.

Tuy nhiên, công bằng mà nói thì bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận nói trên, chúng ta cần nhìn thẳng vào những tồn tại, điểm yếu cần phải được khắc phục. Mặc dù số lượng doanh nghiệp Nghệ An nằm trong Top 10 cả nước, nhưng trong số hơn 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì trên 98% là DNNVV. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý hạn chế, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ cao, sức cạnh tranh kém; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy cao nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khó có khả năng tồn tại và hoạt động hiệu quả; sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn rời rạc, thiếu gắn kết giữa các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp quy mô lớn hơn, nhất là với các doanh nghiệp FDI, thậm chí "đối trọng" nhau; mức độ tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị trong nước và khu vực còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn chất lượng…

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của Nghệ An dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh và bền vững. Công tác cải cách hành chính vẫn còn một số hạn chế, trình độ chuyên môn của không ít công, viên chức còn chưa đạt yêu cầu, tình trạng "trên bảo dưới không nghe", vi phạm đạo đức công vụ, sách nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn còn đâu đó.

Cùng với việc thiết lập, xây dựng và củng cố một nền hành chính liêm chính, minh bạch, kiến tạo và phục vụ nhằm phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư hiệu quả thì bên cạnh các cơ chế, chính sách phù hợp, tỉnh Nghệ An cần phải tạo ra một Hệ sinh thái để hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập. Để có một Hệ sinh thái đa dạng, hiệu quả thì không chỉ đòi hỏi những nỗ lực và sáng tạo của Lãnh đạo chính quyền mà chính Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thay đổi lối tư duy mới về kinh doanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế nhằm xây dựng một mô hình mới có hiệu quả.

Về phía chính quyền, muốn xây dựng một Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả thì ngoài việc cải thiện, kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chính quyền cần triển khai một số giải pháp đồng bộ như:

Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo bằng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được tham gia vào việc hình thành Hệ sinh thái khởi nghiệp mà ở đó, họ được "tắm mình" vào môi trường sinh thái tốt nhất để có thể đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững;

Tiếp tục công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó tập trung giải quyết kiến nghị, những bất cập làm cản trở doanh nghiệp đồng thời xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, suy thoái, vòi vĩnh gây phiền toái cho doanh nghiệp;

Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội Doanh nghiệp và VCCI tại địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản trị kinh doanh, xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại trong CMCN 4.0 và xác định được mục tiêu phát triển thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, tư vấn. Thực tế trong những năm vừa qua, VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền làm rất tốt các hoạt động này và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Nếu làm tốt điều này còn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhiều hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp;

Tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và khu vực bằng các hành động cụ thể, hiệu quả. Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất trên quy mô toàn cầu nhưng cũng là một cơ hội mới cho chính quyền và bản thân doanh nghiệp định hình, xây dựng lại chuỗi giá trị liên kết mới từ chính những đối tác mới.

Kiên quyết xây dựng và duy trì sự ổn định, bền vững môi trường kinh doanh. Với một tỉnh lớn, đa dạng và có nhiều thuận lợi như Nghệ An thì đây là yếu tố vô cùng quan trọng để kêu gọi và thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI mà cho đến nay chúng ta chưa hẳn đã thực sự làm tốt vấn đề này. Một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững và ổn định lâu dài. Về vấn đề này, môi trường kinh doanh của Trung Quốc vừa qua là một bài học khi mà nhiều nhà đầu tư lớn dần dần rút về nước hoặc chuyển sang một nước thứ ba.

Về phía doanh nghiệp, để hoàn thiện và xây dựng một Hệ sinh thái doanh nghiệp ổn định, bền vững và có hiệu quả thì ngoài những nỗ lực từ phía chính quyền, chính bản thân doanh nghiệp phải đổi mới tư duy về kinh doanh và xác định được mình phải làm gì và làm như thế nào.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong đó có doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái và chuỗi cung ứng riêng để tránh phụ thuộc vào các doanh nghiệp địa phương nơi mà họ đầu tư. Với quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún như các doanh nghiệp tại Nghệ An thì để tham gia vào chuỗi giá trị địa phương hay khu vực là một bài toán nan giải mà bên cạnh sự hỗ trợ phần nào của chính quyền, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực và tự vươn lên.

Hệ sinh thái doanh nghiệp càng không thể tách rời văn hoá doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được hình thành và phát triển cùng với quá trình phát triển của doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị cốt lõi, phong cách quản lý, các quy tắc, hành vi ứng xử, phương thức kinh doanh và thái độ của mọi thành viên trong chính doanh nghiệp. Không ít các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV ít coi trọng vấn đề này và hơn bao giờ hết, đây cũng là cơ hội cho một "cuộc cách mạng văn hoá" trong doanh nghiệp mà khởi đầu phải từ lãnh đạo doanh nghiệp.

Cùng với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, doanh nghiệp luôn được xác định là đối tượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, ổn định xã hội. Vậy nên, ngoài những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, chính quyền cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nữa; một nền hành chính minh bạch, liêm chính hơn nữa; một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp giống như bất cứ một hệ sinh thái tự nhiên nào mà ở đó, doanh nghiệp mới là chủ thể, tự sinh tồn bằng những kiến thức và kỹ năng sống của mình đúng như tinh thần của chiến lược gia lừng danh James F. Moore trên Tạp chí Harvard Business Review: "Trong hệ sinh thái doanh nghiệp, các doanh nghiệp phát triển cộng sinh xung quanh một sự đổi mới: cùng hợp tác nhưng đồng thời cùng cạnh tranh nhau nhằm hỗ trợ và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu khách hàng và cuối cùng là kết hợp để tạo ra những cải tiến tiếp theo".

 

Linh Nhi - Hồng Bắc

Anh Sơn là vùng quê non xanh, nước biếc, sơn thuỷ hữu tình, với Lam Giang thuỷ tú/ Tượng Lĩnh cao thanh; còn là địa danh đã từng hút hồn bao tao nhân mặc khách bởi những vẻ đẹp thiên tạo hoang sơ, mộc mạc mà đằm thắm nghĩa tình nước non. Đây không chỉ là yếu tố địa hình có tác động lớn đến môi trường khí hậu, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội mà còn là yếu tố quan trọng làm nên đặc sắc văn hoá của vùng đất này.

Tuy không khắc nghiệt như khí hậu của các vùng rẻo cao, nhưng công cuộc trị thuỷ kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác đã để lại cho nơi đây một kho tàng truyện cổ tích với nhiều câu chuyện kỳ vĩ thể hiện khát vọng chế ngự thiên nhiên của cư dân các dân tộc nơi đây. Một trong những câu chuyện đó là chuyện "Rồng Con" đã ngày đêm bền bỉ đào đất khoét núi dẫn nước từ Dừa về tận Hội Quần để nhân dân có nước sinh sống và thuận lợi canh tác.

Địa hình của Anh Sơn được chia làm 3 vùng khá rõ rệt.

Vùng đồng bằng là những bãi bồi ven các dòng sông. Mùa lũ hàng năm bồi đắp phù sa, làm cho là những vùng đất canh tác rau màu, cây ngắn ngày như đậu, rau xanh và đặc biệt là những bãi ngô hết sức tươi tốt, cho thu nhập cao. Nhờ ưu thế này mà nghề trồng dâu, nuôi tằm đã sớm hình thành phát triển không chỉ giải quyết cái mặc cho người dân mà còn là một nguồn thu nhập chính cho phụ nữ buổi nông nhàn. Trước đây mỗi mùa thu hoạch hoa màu, người miền xuôi từ các vùng kéo nhau lên mót ngô, khoai, đậu, lạc… rộn rã cả một vùng.

Vùng đồi núi thấp có độ cao 300-500m chiếm 26% diện tích, đây là địa bàn có chất đất phù hợp với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp. Cây chè là cây đặc sản bén duyên trên đất Anh Sơn từ ngàn xưa đến nay, trong đó có thương hiệu Chè Gay nổi tiếng đã và đang trở thành cây "xoá đói, giảm nghèo" hôm nay, tiến tới là "cây làm giàu" trong nay mai.

Vùng đồi núi cao tập trung ở các xã Bình Sơn, Thành Sơn, Thọ Sơn, Đỉnh Sơn, Tường Sơn, Hội Sơn, Tam Sơn, Hùng Sơn, Đức Sơn, Phúc Sơn, Vĩnh Sơn, Lạng Sơn,... trong đó các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn được xếp vào loại vùng sâu, vùng xa.

Sông Lam chạy từ đầu huyện đến cuối huyện đi qua 15 xã với chiều dài 55,2km. Dòng Nậm Mộ chảy qua các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông về hợp lưu với nguồn sông Hiếu (chảy qua các huyện Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ) tạo nên ngã ba sông Tam Giang nơi bắt đầu của sông Lam trên đất Anh Sơn. Từ ngã ba sông này, sông Lam cần mẫn chảy về xuôi giữa những miền dân ca đằm thắm nghĩa tình non nước. Bên tả ngạn là các xã Tam Sơn, Hùng Sơn, Đức Sơn, Vĩnh Sơn, Lạng Sơn, Tào Sơn. Bên hữu ngạn là các xã Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Tường Sơn, Hội Sơn, Hoa Sơn, Thạch Sơn, thị trấn, Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Cao Sơn và Lĩnh Sơn; các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thành Sơn ở đoạn sông Con (sông Hiếu). Nếu thượng nguồn sông Lam gập ghềnh nhiều vỉa đá nhô ra giữa lòng sông, thì trên đất Anh Sơn, sông Lam lại hiền hoà, thơ mộng, hai bên bờ là những bãi phù sa tươi tốt, xanh thắm một màu và những làng quê trù phú yên ả. Phải chăng vì thế mà mỗi bến sông Lam trên đất này đều là nơi phát tích những làn điệu dân ca đằm thắm nghĩa tình nước non:

Sông Lam trên bến dưới đò

Thuyền ai xuôi ngược câu hò âm vang

Là địa bàn nhiều sông nên trên đất này xưa có nhiều làng vạn chài được hình thành. Đó là các làng chài Tam Giang, Xuân Thủy, Lương Giang, Thanh Lương, Thịnh Xuân, Chơn Xuất, Phú Điền, Tào Giang. Các làng vạn chài đã đi vào cổ tích, ca dao nhưng dấu ấn của nó vẫn còn lưu lại trên những vùng đất mới của người dân vạn chài. Nhiều sông nên lắm bến đò. Những bến đò trên sông Lam, sông Giăng, sông Con là nơi giao lưu gặp gỡ, tấp nập người qua, kẻ lại bởi các chợ lớn đều được đặt bên sông. Sự phát triển, sầm uất của chợ Đồn (chợ Cây Chanh), chợ Cầu Đất, chợ Khe Lòa, chợ Dừa, chợ Yên Phúc, chợ Gay, chợ Tri Lễ, chợ Lạng, chợ Tuần  đã cho thấy Anh Sơn là trung tâm giao thương của miền Tây xứ Nghệ, là nơi tập kết hàng hóa để về xuôi, lên ngược của các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, vùng Phủ Quỳ… Văn hóa dân gian vùng đất này đã có nhiều câu thơ hay, nhiều giai thoại đẹp về chợ:

"Chợ Gay phiên đại ngày rằm

Bốn mùa hoa quả quanh năm lụa là"

"Chợ Dừa họp người xuôi trấn ngược

Khách trên ngàn dưới bể đông vui"

"Chợ Lường, chợ Lạng, chợ Dừa

Bày lụa ra bán o chờ giá cao"

Tìm hiểu các chợ ta thấy: Các dòng sông ở Anh Sơn là điều kiện để trao đổi, giao thương hàng hóa xuôi ngược của vùng Tây Nam xứ Nghệ, là điểm giao lưu văn hóa tạo nên một sự giao thoa văn hóa các vùng miền.

Có thể thấy đây không chỉ là vùng đất cổ lưu giữ nhiều dấu tích qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc, mà còn là vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, "đất làm ăn". Anh Sơn là vùng đất để phát triển kinh tế rừng, trong đó có rừng nguyên sinh gồm 200 ha thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát chạy dài từ huyện Con Cuông và huyện Tương Dương xuống, có các loại cây gỗ quý hiếm, cây dược liệu, mây, tre, nứa, giang… và các loài động vật quý; lại có sẵn tiềm năng về vật liệu xây dựng, như các dãy núi đá vôi, cát sỏi ở ven bờ sông Lam.

Anh Sơn có vườn đồi, bãi trồng nhiều chè, ngô, mía, đậu, cau… là những sản phẩm đặc sản mà ít nơi trong tỉnh có được. Mía thì có mía Thành - Bình - Thọ - Dừa - Hoa, mía Hội Lâm. Cau thì có nhiều ở Gay, Tri Lễ, Dừa, Cây Chanh…

Ở Anh Sơn có những bãi ngô trở thành địa danh quen thuộc của nhiều người dân trong vùng và các vùng khác đến đây để làm thuê, cày bãi, bẻ ngô hay các nhà buôn đến để mua ngô như các bãi Tuần Mạc, bãi Lạng, bãi Phụ Mã, bãi Làng Trang, bãi Mơ, bãi Mỏ, bãi Hội, bãi Bậm, bãi Cây Chanh, bãi Ngũ Vó, bãi Lạch Đào… Có những bãi trải dài từ làng, từ rừng đến bờ sông, có bãi chiều ngang đến hàng cây số…

Chè là một đặc sản nổi tiếng hơn cả của nơi đây. Những làng chè ngày một phát triển. Chè Yên Phúc, chè Lạng Điền, đặc biệt là chè Gay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng khắp vùng. Cả huyện có đến 1500 ha chè, những địa phương như Hội Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Cao Sơn, Khai Sơn, Hùng Sơn, Tam Sơn… đều có hàng trăm ha đất trồng chè. Xí nghiệp chè Anh Sơn hàng năm thu hoạch từ 28-32 triệu tấn.

Bây giờ, chè Gay Anh Sơn đã trở thành đặc sản của xứ Nghệ. Nhưng để bám rễ vươn mầm dâng cho đời vị ngọt chát đậm đà, cây chè xứ này cũng qua không ít tao đoạn thăng trầm... Các cụ cao niên của xứ chè cũng không nhớ đất Anh Sơn đã bén duyên với chè, hay chè tìm đến với xứ đất đồi cằn cỗi này, chỉ biết ở Anh Sơn có nhiều vườn chè lên đến 40 - 50 tuổi, và cây chè giờ đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ đồi. Chè chỉ được trồng một cách duy nhất từ thời cha ông cho đến giờ, đó là trồng bằng cách đúc nọc (chọc lỗ tra hạt). Trồng được cây chè ngày đó còn biết bao nhiêu cực khổ. Đất đồi cằn cỗi hạn triền miên, chỉ có cây dại chen chúc. Phải đi thật xa, qua truông, qua hói cả nửa ngày đường mới có chỗ bạt cây, bập lưỡi cuốc vào đất đồi tóe lửa để làm rãnh cho hạt chè yếu ớt chào đời. Mỗi năm, cây cũng chỉ cần 2 lần làm cỏ, đào rãnh, bỏ phân. Đến hạn, bà con lại làm tràng cội (loại bỏ những cành không hiệu quả) cho cây. Năm thứ 3, từ lúc gieo hạt, chè bắt đầu được thu hoạch thường xuyên. Cây chè cũng rất đỏng đảnh, bắt người thu hoạch chỉ được dùng tay bẻ cành, không được dùng dao liềm, như là cây không muốn bị đau, chỉ có bàn tay người chăm bón mới được tách những cành, những lá ra khỏi thân cây chè mẹ. Vị chè Gay đã thơm, ngọt, lá cây chè Gay cũng khác. Mỗi phiến lá đều to, óng mượt, gấp lại thì rất giòn và dễ gãy gập.

Làm chè cực vậy, nên mới có câu:

Ai ơi chớ lấy chồng Gay

Cơm đêm 2 bữa, cơm ngày thì không

Bởi đi vào vùng đồi từ lúc trời chưa sáng, về đến nhà thì cũng đỏ đèn từ lâu, có mấy khi người Anh Sơn xưa ăn được bữa cơm lúc trời còn ánh sáng tại nhà mình. Nhưng đúng là đất không phụ công người, cây chè lên với vùng đất này, hợp với thung thổ, khí trời hay sao đó mà đã tạo nên một hương vị thật khác lạ, thật riêng, chỉ có chè Gay mới có. Đi ra khỏi đất Anh Sơn, vị chè đã chuyển khác. Giống như cây cam Xã Đoài, chỉ ở vùng đất đó, cam mới thơm ngọt đến vậy. Cây như đã bén duyên người, hay nhờ tình người nên cây thơm thảo?

Trồng chè đã khó như vậy, om chè lại còn đòi hỏi nhiều công đoạn công phu hơn. Để có nồi chè Gay ngon, trước hết, người ta chọn thứ lá chè dày và mơn mởn (không già quá mà cũng không non quá). Nếu già quá thì nước bầm đen trông không ngon, không thơm. Nếu chè non quá thì nước chóng nhạt, không đượm. Nước nấu chè phải là thứ nước tinh khiết của trời. Thường là nước mưa hay nước giếng khơi thì nước chè mới xanh, mới thơm ngọt. Nấu chè thường dùng nồi bù hay ấm đất.

Nhận chè vào phải đúng kỹ thuật, không vò nát chè, mà cũng không để nguyên lá chè vì lâu ngấm mà phải vò nhè nhẹ, tỉa nhặt những lá vàng, lá sâu. Nấu lửa đỏ đều, không to quá mà cũng không nhỏ quá. Phải dùng thứ củi nấu không mùi lạ như: củi bạch đàn, củi xoan đâu, củi tre... Khi nồi nước chè đã sôi, lấy gáo dừa nhận chè cho chìm xuống, sau đó đổ thêm vài ba gáo nước lã vào rồi hạ lửa, ít phút sau sẽ có ấm nước chè vừa chát, vừa thơm, vừa nóng, vừa xanh.

Những người nghiện nước chè Gay thường nói vui là uống nước "năm cho", nói trệch là "năm trò" tức là: cho chát, cho xanh, cho thơm, cho nóng, cho vui. Nước chè ngon là nước uống vào lúc đầu nghe chát, chốc ngấm vào thấy ngòn ngọt, có màu xanh nái trông thật sướng mắt, thật khoái miệng, thoảng hương chè tươi thơm ngái khá hấp dẫn. Khi uống phải đông mới vui, vừa uống vừa chuyện rôm rả. Người nghiện chè xanh sáng sớm chưa ăn gì, chỉ uống 3 - 4 bát rồi đi làm việc. Người đau lưng, mỏi gối vì lao động mệt nhọc, họ pha mật mía với chè xanh đặc uống vào thấy khoẻ ngay, nếu có điều kiện hơn cho thêm một thìa mật ong thì như một "thần dược".

Uống chè Gay cũng đã trở thành nếp sống của người dân Anh Sơn nói riêng, người xứ Nghệ nói chung. Không có sự phân công nào, nhưng gần như theo lệ, hôm nay nhà này nấu mời cả xóm, thì mai đến lượt nhà kia. Thường thì khi nông nhàn, chập tối cơm nước xong thư thả, khi nồi chè xanh chín tới thơm lừng thì chủ nhà ra đầu ngõ gọi mời hàng xóm. Năm bảy người lục tục kéo nhau sang tụ tập ở nhà có nước mới nấu, đàn ông thì hút thuốc lào và uống nước với nhau nơi chõng tre, đàn bà thì tụm lại dưới nhà ngang (nhà bếp) vừa têm trầu vừa uống nước, tán gẫu. Những người mà có chút thơ văn thì thường đem Kiều ra vịnh. Đôi khi ngẫu hứng đám đàn ông trên chõng cất giọng hò đấu khẩu với đám đàn bà ngồi dưới bếp.

Cũng có khi là trưa hè oi nồng, một ấm chè nguội, vài cái quạt mo ngồi với nhau dưới gốc tre đầu ngõ. Không phải lúc nào uống nước chè Gay cũng nghi lễ, quê nghèo chỉ đơn thuần là đọi nước, miếng trầu mời nhau mà thôi. Chỉ lúc heo may, có thu hoạch mật vụ mới, bà con mới có cơ hội nấu nồi kẹo cu đơ ăn với nhau cho ngọt miệng.

Người dân làng vẫn thường bảo: "Chưa uống được nước chè Gay, chưa phải là người xứ Nghệ". Vậy nên ở xứ Nghệ, từ trẻ con cho đến người già, ai cũng nghiện nước chè Gay. Người ta uống chè không phải để giải khát. Bởi vì vị đắng chát đầm đậm và hương thơm bùi bùi của nó chỉ thích hợp để nhâm nhi vào những lúc nông nhàn, để mà ngẫm nghĩ về chuyện xưa đã cũ, để thấy vị quê quyện hòa nơi đầu lưỡi, để nghe tâm hồn lắng lại bâng khuâng.

Không chỉ xuất hiện trên chiếc chõng tre mỗi nhà sau những bữa cơm thanh đạm, ấm nước chè xanh còn là thứ nước chẳng thể thiếu trong những dịp lễ lạt, cưới xin. Ngồi kề bên nhau, rót cho nhau từng bát nước chè đặc sánh, thấy như vừa được san sẻ một chút gì đó thật giản dị, đơn sơ mà ấm áp, nồng nàn để nghĩa xóm, tình làng thêm kết đoàn, gắn bó.

Và không biết tự bao giờ, người dân nơi dải đất miền Trung gian khó còn quan niệm rằng, hương vị của nước chè xanh là hương vị của sự thủy chung son sắt, của sự chân thành tha thiết yêu thương. Thế nên uống nước chè đã trở thành một nét đẹp văn hóa.

Để phát triển chè Gay, huyện Anh Sơn đã quy hoạch lại vùng trồng chè thâm canh tập trung tại 2 xã Cao Sơn và Lĩnh Sơn để thuận lợi cho công tác chăm sóc, quản lý giám sát. Theo đó năm 2016 - 2017 đã quy hoạch 10 ha chè vùng Eo Vọt thuộc Thôn 6 - xã Cao Sơn làm mô hình thí điểm sản xuất Chè Gay VietGap. Đến năm 2018 toàn xã nhân rộng được 420ha chè đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không sử dụng thuốc trừ cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để chăm bón chính vì thế năng suất chất lượng chè tăng cao. nâng tổng diện tích chè Gay trên địa bàn Anh Sơn lên hơn 620 ha. Các hộ trồng chè từ 2 - 3 sào/hộ, hộ trồng nhiều lên tới gần 4 ha. Năm nay, diện tích trồng chè Gay dự tính sẽ được mở rộng thêm 20 ha.

Với mục tiêu quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, mở rộng tìm kiếm thị trường, ngăn chặn tư thương ép giá bảo vệ quyền lợi người trồng chè, tháng 3/2018, Hợp tác xã sản xuất tiêu thụ Chè Gay xã Cao Sơn được thành lập thu hút tất cả các hộ trồng chè thành một tập thể sản xuất gắn kết bền vững.

Cùng với đó, những hộ trồng chè Gay ở Anh Sơn cũng chủ động chuyển đổi, cải tạo đồi chè, thực hiện sản xuất chè Gay theo hướng VietGap. Huyện Anh Sơn thí điểm xây dựng 10 ha chè Gay cho 20 hộ tại xã Cao Sơn theo mô hình VietGAP và dần dần nhân rộng ra toàn bộ diện tích trồng chè Gay ở huyện Anh Sơn. Để cây chè Gay phát triển theo hướng bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa, trở thành sản phẩm thân thuộc với mọi người, vươn xa ở nhiều thị trường trong tương lai, tỉnh Nghệ An đã xây dựng nhãn hiệu tập thể chè Gay và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng trong năm 2019.

Nguyễn Khắc Thuần

Lý luận về văn hóa Đảng ra đời và phát triển trong thực tiễn xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Thuật ngữ "Văn hóa Đảng" ở đây được hiểu là những giá trị tự thân của văn hóa, bao gồm các giá  trị "chân" - "thiện" - "mỹ" để làm nên một Đảng cầm quyền là "đạo đức, văn minh" như lời Bác Hồ lúc sinh thời đã nói.

Đảng Cộng sản Việt Nam là bộ phận tinh hoa, ưu tú nhất của dân tộc. Văn hóa Đảng là nền tảng cho sự phát triển tư tưởng tổ chức, lực lượng và hành động của Đảng. Đó là những quan điểm nhất quán làm mục tiêu và động lực trong suốt quá trình xây dựng Đảng. Vì vậy việc đưa cho văn hóa Đảng thấm sâu vào cuộc sống là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của Đảng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến bất lợi, khó lường và trong nội bộ vấn đề "tự diễn biến, tự chuyển biến" đang là một thách thức, nguy cơ thì nhiệm vụ xây dựng văn hóa Đảng đang đặt ra nhiều nội dung mới cấp bách, khẩn trương hơn.

Xây dựng văn hóa Đảng đã trở thành một quan điểm nhất quán của Đảng ta. Từ "Luận cương cách mạng dân quyền" của Tổng Bí thư Trần Phú (1930) cho đến Dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng các nội dung về văn hóa Đảng đều được đề cập và xem đó là mục tiêu, động lực để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa Đảng trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã liên tục đề cập đến vấn đề văn hóa Đảng và xem đây là "nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã khẳng định: "Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội trước hết phải xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ viên chức Nhà nước, trong từng đảng viên"(1).

Để thấm nhuần sâu sắc văn hóa Đảng mỗi đảng viên phải định tính được văn hóa Đảng. Phải xác định rõ vị trí của Đảng trong hệ thống chính trị, vai trò sứ mệnh của Đảng với giai cấp và dân tộc, yêu cầu, nội dung, mục tiêu xây dựng văn hóa Đảng. Cách tiếp cận này cho ta thấy văn hóa Đảng là biểu hiện rõ nhất của văn hóa chính trị, là văn hóa trong đời sống chính trị của Đảng. Từ đó ta thấy rõ văn hóa Đảng có những đặc tính, đặc trưng sau:

1. Định vị chuẩn giá trị văn hóa của Đảng

Khái niệm văn hóa nói chung và khái niệm văn hóa chính trị nói riêng, đều có nội hàm rất rộng. Vì vậy, trong khuôn khổ bài viết này, chỉ tập trung nêu một số vấn đề chính cần giải quyết liên quan đến Đảng cầm quyền.

Văn hóa Đảng là văn hóa chính trị. Văn hóa chính trị có thể hiểu là bao gồm văn hóa lãnh đạo của Đảng, văn hóa quản lý của Nhà nước và văn hóa làm chủ của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị, xã hội. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, văn hóa Đảng tất yếu là hạt nhân, trung tâm chi phối của văn hóa chính trị, tác động, lan tỏa, truyền cảm hứng trên mọi bình diện của văn hóa chính trị xoay quanh hệ chuẩn giá trị "chân - thiện - mỹ".

Văn hóa là ứng xử (định nghĩa về văn hóa của UNESCO). Vậy nên, văn hóa chính trị biểu hiện tập trung nhất, rõ nhất trong mối quan hệ, ứng xử giữa Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức chính trị xã hội và trong quan hệ giữa Đảng và nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế. Hệ giá trị này được thể hiện trong hoạch định và thực hiện đường lối, nguyên tắc tổ chức hoạt động, lề lối và tác phong làm việc. Vì vậy xây dựng văn hóa Đảng là xây dựng Đảng ta trong sạch vững mạnh cả về chính trị tư tưởng và tổ chức, đạo đức, nâng cao năng lực, lãnh đạo bản lĩnh cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và từng đảng viên là một tất yếu khách quan.

2. Tính cách mạng, khoa học và nhân văn của đường lối và tổ chức thực hiện đường lối là biểu hiện tập trung nhất của văn hóa Đảng

 Thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy: Đường lối (Nghị quyết) của Đảng là hiện thân trí tuệ, lương tâm, đạo lý, danh dự của Đảng, đại diện cho nguyện vọng của nhân dân lao động. Cụ thể  hóa đường lối là các Nghị quyết qua các kỳ Đại hội và các Nghị quyết chuyên đề. Đó là những thước đo năng lực lãnh đạo, trình độ phát triển cùng với văn hóa truyền thống của dân tộc đã trở thành động lực trong văn hóa Đảng và cũng là nguyên nhân đầu tiên, bài học đầu tiên cả lý luận và thực tiễn của mọi thắng lợi trong kháng chiến và kiến quốc.

Trong ban hành và tổ chức thực hiện đường lối, Đảng luôn xác định rõ mục đích thiêng liêng là phục vụ nhân dân vì lợi quyền của giai cấp vì hòa bình và hạnh phúc của nhân loại. Chính vì thế tự thân kết quả thực hiện là niềm tin của dân với Đảng, uy tín với bạn bè quốc tế ngày càng cao của Đảng.

Và cũng chính vì vậy, đường lối (Nghị quyết) của Đảng luôn luôn trên quan điểm "vì dân", phát huy dân chủ, sức mạnh của toàn dân tộc và hệ thống chính trị để đề ra Nghị quyết đúng đắn, sáng tạo, khoa học, hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại, thuyết phục và khả thi. Tính cách mạng, khoa học và nhân văn của nó là sức lan tỏa, truyền cảm hứng sáng tạo cho quá trình lãnh đạo toàn dân làm cách mạng và phong trào cách mạng của toàn dân.

3. Tính tiên phong, nêu gương của cán bộ, đảng viên

Sức mạnh của Đảng được hợp thành từ tính chiến đấu của từng đảng viên. Vì vậy muốn xây dựng văn hóa Đảng trước hết phải thực hành văn hóa nêu gương, tính tiên phong gương mẫu của từng đảng viên.

Nêu gương là một giá trị cốt lõi của đạo đức, là truyền thống và đạo lý của dân tộc. Nêu gương là sự thuyết phục căn cơ nhất, dẫn dắt mọi người làm theo thông qua những hành động tốt đẹp mà đảng viên tạo ra. Phương châm hành động: Đảng là người lãnh đạo, đầy tớ trung thành của nhân dân là một chuẩn giá trị của nêu gương, tự nêu gương trong văn hóa Đảng. Bác Hồ đã từng căn dặn: "Tự mình không trong sáng, không gương mẫu tự mình đã hủ hóa thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã "cần - kiệm - liêm - chính, không tham danh vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không mua chuộc làm mình gục ngã được"(2).

Để thực hành văn hóa nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội thực dụng, hiện sinh, tham tiền tài danh vọng, vô cảm trước mọi khó khăn của nhân dân, kiên quyết đấu tranh thắng lợi với các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống "tự chuyển biến", "tự chuyển hóa". Sự thống nhất giữa lời nói và việc làm cũng là một biểu hiện của văn hóa nêu gương, là yêu cầu cao nhất trong phong cách nêu gương. Ngoài ra trong văn hóa nêu gương, cán bộ, Đảng viên còn phải tận tâm, tận lực tiên phong, gương mẫu hoàn thành mọi nhiệm vụ, thử thách mà Đảng và nhân dân giao cho.

4. Văn hóa Đảng trong văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên

Văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên là thành tố quan trọng trong văn hóa Đảng, vì thế Bác Hồ đặc biệt quan tâm nội dung này thông qua việc khuyến khích xây dựng con người mới Việt Nam. Theo Bác trong ứng xử với bản thân mình mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác "cần, kiệm, liêm chính cả quyết sửa lỗi mình, vị công vọng tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói đi cùng làm, giữ chủ nghĩa cho vững(3). Bác còn chỉ rõ: làm được những điều đó "giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khắc phục" nhưng lại "cúi đầu làm ngựa đám nhi đồng"(4). Người dành nhiều bài nói, bài viết nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải thật sự là đồng chí, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình như rửa mặt hàng ngày. Người cho rằng: "Hiểu chủ nghĩa Mác - Lê nin phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống với nhau không có tình, không có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lê nin"(4). Theo Bác, đó là phép ứng xử của tình yêu thương đồng chí, đồng bào trên nguyên tắc tự phê bình chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng. Nó hoàn toàn xa lạ với thái độ "dĩ hòa vi quý", "yêu nên tốt, ghét nên xấu", vô cảm, giả dối, bao che, nịnh nọt, phục tùng một chiều. Có như thế việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh, phải xem xét để đặt lợi quyền của nhân dân, dân tộc lên trên hết. Bên cạnh đó, Bác khuyên răn mọi người phải sát với quần chúng, lắng nghe mọi ý kiến, giải quyết thấu đáo thấu tình, thấu nghĩa mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân, động viên cổ vũ mọi người tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng. Văn hóa nêu gương của tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" hôm nay để cán bộ đảng viên, đoàn viên và toàn dân hôm nay để "yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".

5. Văn hóa Đảng thể hiện trong mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Để tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, Đảng phải thực sự văn hóa, mọi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng đều phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến và luôn hướng tới mưu cầu hạnh phúc, no ấm cho nhân dân trên nguyên tắc "Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, nhân dân làm chủ", "Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Muốn vậy Đảng phải thường xuyên chăm lo, tăng cường đổi mới chỉnh đốn Đảng và tích cực, chủ động đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", kịp thời loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất, nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng.

Trong mối quan hệ đặc biệt này, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người phục vụ nhân dân, nhân dân là chủ nhân của đất nước nhưng tự giác chấp nhận, đồng tình, đồng thuận, góp công góp sức, trí tuệ, tình cảm để xây dựng Đảng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH TW Đảng khóa XI "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã tiếp tục khẳng định: "Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh"(5). Nghị quyết còn xác định rõ: Trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tận tụy hết lòng phụng sự Tổ quốc, nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Nhất quán quan điểm về xây dựng văn hóa Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ: "Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, đoàn thể"(6). Nghị quyết xác định: Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đổi mới phong cách lề lối làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn nói đi đôi cùng làm, xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan đơn vị.

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc thêm hệ thống quan điểm này.

Là một hệ thống quan điểm xuyên suốt những chặng đường phát triển của Đảng, xây dựng văn hóa Đảng đã trở thành một phong trào thi đua bền bỉ trong Đảng suốt 90 năm qua. Tấm gương đạo đức cách mạng, tác phong gần gũi quần chúng, phong cách làm việc khoa học của Bác thực sự là một tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo.

90 năm qua,  bên cạnh những thành tựu to lớn, văn hóa trong Đảng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Đáng suy ngẫm là sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, xa dân, vô can, vô trách nhiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó chính là làm vẩn đục văn hóa Đảng, suy thoái về văn hóa, sự yếu kém và hẫng hụt năng lực, lệch chuẩn về văn hóa. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan đến sinh mệnh của Đảng, tồn vong của chế độ. Vì vậy xây dựng văn hóa Đảng là một vấn đề cấp bách thường xuyên nhằm góp phần xây dựng Đảng thực sự là một Đảng cách mạng chân chính, là đạo đức văn minh.

     

 

Tài liệu tham khảo

(1). Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, tr.19.

(2). Hồ Chí Minh - Toàn tập. Tập 4. NXB CTQG-H-1996 tr 148.

(3). Sđd, tập 5 trang 78.

(4). Sđd, tập 5 trang 216.

(5). Nghị quyết Hội nghị TW 9 khóa XI, tr.23.

(6). Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, các nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc.

TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN THỊ MINH TÚ

Bối cảnh quốc tế

Hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất phức tạp, gay gắt. Toàn cầu hóa - hội nhập và xu thế dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu và dịch chuyển các dòng đầu tư quốc tế, sự điều chỉnh chính sách, quan hệ đối ngoại của các nước lớn trong khu vực và trên thế giới diễn biến khó lường.

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là xu thế rõ nét hơn trong thời kỳ tới.

KH&CN, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu. KH&CN và đổi mới sáng tạo ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Công nghệ số làm thay đổi phương thức QLNN, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội.

Xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng. Cạnh tranh giữa các nước trong việc trở thành các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo ngày càng lớn.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có vị trí trọng yếu trên thế giới, tiếp tục là động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu, song tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định do cạnh tranh chiến lược, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên. Tình hình biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp.

Thế kỷ XXI, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển và đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Tri thức được xác định là lực lượng sản xuất trực tiếp và là động lực phát triển hàng đầu đối với mọi quốc gia. Để phát triển bền vững, các quốc gia phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học và công nghệ nhằm ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo ra các sản phẩm và công nghệ sản xuất mới.

Những xu thế phát triển KH&CN toàn cầu

- Xu hướng liên kết, hợp tác và phân công lao động quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ ngày càng tăng: Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và công nghệ cho phép các quốc gia khai thác được những thành quả nghiên cứu mới về khoa học và công nghệ của thế giới, tận dụng được vốn, công nghệ, nhân lực và để phát huy lợi thế so sánh của mình trong nghiên cứu khoa học và công nghệ. Các hoạt động khoa học và công nghệ đang có xu hướng chuyển từ cá nhân sang nhóm, từ quốc gia sang quốc tế.

- Xu hướng hướng vào những lĩnh vực khoa học và công nghệ mới gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư như các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ nano, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet kết nối vạn vật, công nghệ in 3D.... được ứng dụng vào trong các ngành kinh tế làm thay đổi bản chất, phương thức sản xuất, kinh doanh, quản trị đặt ra những yêu cầu mới đối với các quốc gia.

- Xu hướng gia tăng và chuyển dịch đầu tư cho khoa học và công nghệ trên thế giới: Đầu tư cho khoa học và công nghệ của các quốc gia, doanh nghiệp trên thế giới đã tăng lên đáng kể và trở thành lĩnh vực đầu tư trọng điểm của các quốc gia.

- Xu hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thống nhất theo các quy định, tiêu chuẩn quốc tế trong các hoạt động khoa học và công nghệ. Điều này buộc các nước và các chủ thể khi tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc tế phải tuân thủ những quy định, khuôn khổ, chế độ và tiêu chuẩn quốc tế trong các hiệp định, điều ước quốc tế đã ký kết.

- Xu hướng tự do hoá các hoạt động khoa học và công nghệ quốc tế.

Như vậy, xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu hiện nay tiếp tục khẳng định tài sản trí tuệ, khoa học và công nghệ có vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt là việc sản xuất ra các sản phẩm khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, mang lại giá trị lớn.

Những vấn đề đặt ra đối với khoa học và công nghệ của Việt Nam trước xu hướng phát triển khoa học và công nghệ toàn cầu hiện nay

- Cơ hội: (1) Cơ hội tham gia, hợp tác trong các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu. Trong xu hướng phát triển khoa học và công nghệ thế giới, sân chơi toàn cầu bình đẳng hơn, liên kết ngang mạnh hơn. Các quốc gia, công ty đều có thể tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ toàn cầu một cách dễ dàng, nhanh chóng, nếu có đủ năng lực. (2) Cơ hội tiếp cận được với các nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ, nhân lực..., từ đó có thêm nguồn lực để mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. (3) Cơ hội gia tăng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam. Xu thế phát triển mới buộc các doanh nghiệp luôn luôn đổi mới, số doanh nghiệp mới dựa vào sáng chế, công nghệ mới, nhất là doanh nghiệp khoa học và công nghệ tăng lên nhanh. Các doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải cạnh tranh theo phương thức mới là tạo ra những sản phẩm cá biệt, độc đáo cho một thị trường ngách trên cơ sở nắm vững một bí quyết công nghệ để có thể tham gia mạnh hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. (4) Cơ hội hoàn thiện thể chế đầy đủ cho việc phát triển khoa học và công nghệ ở Việt Nam theo thông lệ và quy định quốc tế.

- Thách thức: (1) Tiếp nhận những sản phẩm khoa học và công nghệ lạc hậu. (2) Tình trạng chảy máu chất xám sang các nước khác: hầu hết các nước đều có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà khoa học tài năng làm việc cho họ. Do vậy, nếu không có chính sách trọng dụng nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao thì sẽ có hiện tượng di chuyển nhân lực này sang nước ngoài, làm giảm năng lực nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam. (3) Thách thức đối với nhà nước trong việc quản lý và điều tiết hoạt động khoa học và công nghệ. Trong xu thế hoạt động khoa học và công nghệ được mở rộng ở phạm vi quốc tế, khoảng cách về không gian, thời gian giữa các quốc gia trở nên mờ nhạt, các hoạt động khoa học và công nghệ được thực hiện với số lượng lớn, tốc độ nhanh, đồng thời có sự tham gia của các yếu tố quốc tế. Vì vậy, đặt ra những vấn đề phức tạp đối với nhà nước trong việc quản lý, kiểm soát, can thiệp và điều tiết hoạt động khoa học và công nghệ ở tầm vĩ mô. 

Đối với Nghệ An với bối cảnh quốc tế, xu hướng KH&CN toàn cầu và những vấn đề đặt ra KH&CN Việt Nam sẽ tác động đến hợp tác quốc tế của tỉnh nói chung và KH&CN nói riêng. Tỉnh Nghệ An nằm ở  khu vực Bắc Trung bộ, là trung tâm của khu vực Đông Bắc Thái Lan - Lào - Việt Nam, có lợi thế về kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trong tương lai là điểm trung chuyển quan trọng, là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Đông Bắc, Thái Lan - Lào - Myanma - Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý trong công tác triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Tuy nhiên, trình độ phát triển mọi mặt tỉnh Nghệ An còn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực và thế giới; kinh tế phát triển chưa vững chắc, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, sản phẩm của tỉnh còn yếu so với doanh nghiệp và sản phẩm của các nước trên thế giới.

Trong thời gian vừa qua, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN mới triển khai một số hoạt động như: Đẩy mạnh chương trình phát triển tài sản trí tuệ, để bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, các nhãn hiệu cho các sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu. Hợp tác quốc tế cùng các chuyên gia, nhà khoa học CHLB Đức và trong nước nghiên cứu tách chiết thành công Chloropyll và điều chế dẫn xuất Chlorin E6 Trimythylester và Chlorin E6 Monomethylester từ tảo Spirulina là hợp chất quan trọng, có nhiều tiềm năng ứng dụng trong y học và công nghệ (Công ty CP Khoa học Xanh Hidumi Pharma hợp tác quốc tế các chuyên gia CHLB Đức thực hiện từ nguồn tài trợ IDA của Dự án FIRST theo phương thức đối ứng). Cử cán bộ tham dự Hội nghị Kinh doanh châu Á tổ chức tại Nhật Bản; Tổ chức đoàn tham dự Diễn đàn xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam - Lào tại Thủ đô Vientiane; Cử cán bộ tham gia đoàn công tác của Bộ KH&CN đi Nhật Bản để bồi dưỡng ngắn hạn về chính sách của Nhật Bản quản lý và phát triển nguồn nhân lực KH&CN… Mời các quỹ đầu tư nước ngoài và tổ chức VSV triển khai các hoạt động liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các cuộc kết nối cung cầu với các chuyên gia trong và ngoài nước. Tổ chức thẩm định công nghệ của một số các dự án đầu tư trên địa bàn. Hợp tác với tập đoàn Brainwork Asian tổ chức giao lưu kinh doanh Việt - Nhật, Tổ chức Hội nghị kết nối thương mại Việt Nhật và mở chi nhánh IT tại Nghệ An. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, như hợp tác nghiên cứu, trao đổi giáo viên, sinh viên, hội thảo quốc tế, đào tạo giảng viên,…

Với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh dựa trên cơ sở chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc các doanh nghiệp của tỉnh, xây dựng kinh tế địa phương phù hợp chiến lược xây dựng nền kinh tế quốc gia và các xu thế phát triển của khu vực. Hội nhập kinh tế chú trọng vào chiều sâu và phạm vi các lĩnh vực hội nhập. Thu hút các dự án, phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm, ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch biển…. hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

(1) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ, để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Tập trung hỗ trợ hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm chủ lực, đặc sản, làng nghề của tỉnh. Hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm của tỉnh ở nước ngoài (tham gia các Hội chợ quốc tế và khu vực, tổ chức các lễ hội giới thiệu các sản phẩm có thương hiệu của tỉnh ở một số thị trường nước ngoài,...).

(2) Khuyến khích chuyển giao các công nghệ tiên tiến và hạn chế những công nghệ cũ, lạc hậu từ nước ngoài vào: Đối với các dự án đầu tư sử dụng các công nghệ trên địa bàn, cần nâng cao vai trò của Sở KH&CN là đơn vị đầu mối thẩm định công nghệ để xác định rõ những tiêu chuẩn, những giới hạn nhất định đối với các công nghệ được chuyển giao; thực hiện sự giám định và kiểm tra đối với các công nghệ được chuyển giao.

(3) Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ theo hướng từ hoạt động xúc tiến chung theo thị trường sang xúc tiến theo địa chỉ nhằm lôi kéo trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao vào đầu tư. Cần chủ động tìm hiểu, đặt quan hệ và tiếp cận với các chủ thể có năng lực khoa học và công nghệ lớn, trình độ cao trên thế giới và khuyến khích họ đầu tư hoặc liên kết.

(4) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, xây dựng các sản phẩm chủ lực của Nghệ An: Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp; tập trung xây dựng các công ty, tập đoàn mạnh, các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (hợp chuẩn, hợp quy). Tổ chức và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch được tổ chức ở các nước do các cấp tổ chức. Rà soát các sản phẩm, lựa chọn sản phẩm chủ lực, phù hợp tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao để phát triển.

(5) Định vị lại vai trò của khoa học xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học xã hội: Bài học kinh nghiệm của 30 năm đổi mới cho thấy khoa học xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về lý luận và thực tiễn của phát triển, nguyên nhân chính là không xác định đúng vị trí của khoa học xã hội trong chiến lược phát triển, dẫn tới sự "không đồng bộ". Mặc dù đây là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, nhưng cần khẳng định một điểm nhấn trong đổi mới tư duy về phát triển khoa học công nghệ là coi trọng khoa học xã hội, khẳng định vai trò dẫn dắt của khoa học xã hội, nếu không thì vai trò của khoa học công nghệ như là động lực của phát triển, sự gắn kết khoa học công nghệ với đời sống kinh tế sẽ kém hiệu quả, thiếu lan tỏa, không hội nhập hiệu quả được với khu vực và thế giới.

(6) Tập hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu về các cam kết của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, các hiệp định thương mại, các tập quán, thông lệ, luật pháp quốc tế phục vụ cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

(7) Chủ động mở rộng có trọng tâm, trọng điểm hợp tác trong và ngoài nước về KH&CN, thu hút công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của tỉnh để áp dụng có hiệu quả; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu ứng dụng KH&CN, chia sẻ thông tin, chuyên gia, đổi mới công nghệ, hướng vào giải quyết các mục tiêu ưu tiên của tỉnh.

(8) Có chính sách thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao từ nước ngoài tham gia các hoạt động nghiên cứu và đào tạo tại tỉnh, trong đó xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, kêu gọi kiều bào là các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức... hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đào tạo tại địa phương. Tổ chức gặp mặt, giao lưu với kiều bào về thăm quê trong dịp Tết cổ truyền, tranh thủ sự giới thiệu, kết nối của kiều bào với các đối tác, địa phương nước ngoài để mở rộng quan hệ hợp tác của tỉnh. Thu hút chuyên gia, cán bộ KH&CN quốc tế, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tham gia các dự án KH&CN. Nghiên cứu, thành lập một cơ sở ươm tạo quốc tế để thu hút các chuyên gia quốc tế, trong nước, nhất Việt kiều/ Nghệ kiều có trình độ và tâm huyết vào tỉnh.

(9) Đẩy mạnh việc bồi dưỡng, đào tạo ở nước ngoài để đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ dần tiếp cận tới trình độ quốc tế. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch đào tạo lại cán bộ khoa học và công nghệ ở nước ngoài, trong đó chú trọng việc đi đào tạo ở các nước có tiềm lực khoa học và công nghệ mạnh. Hình thức đào tạo là cử đi nghiên cứu, học tập hoặc hợp tác nghiên cứu với các viện, các trung tâm nghiên cứu quốc tế. Đối tượng đào tạo tập trung vào đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ cao và đội ngũ cán bộ trẻ có tiềm năng. Đào tạo, bồi dưỡng về năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế, khả năng phiên dịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và kinh tế đối ngoại.

(10) Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế với tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài: tham gia mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tham gia vào một số chương trình, đề án nghiên cứu chung với các tổ chức nước ngoài. Chủ động mời các tổ chức nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế tham gia vào các đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ. Khuyến khích các cán bộ khoa học tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ với các đơn vị nước ngoài như tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế, trao đổi hợp tác ngắn ngày hoặc dài ngày ở nước ngoài. Cử cán bộ đi đến làm việc tại các cơ quan nghiên cứu của nước ngoài với tư cách là thành viên của nhóm nghiên cứu trong các dự án liên kết, hợp tác quốc tế do nước ngoài chủ trì và tài trợ.

(11) Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; tập trung nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trọng tâm là sản phẩm sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thành lập các trung tâm ươm tạo, câu lạc bộ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

(12) Chủ động tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế, như: ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển và ứng dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo; chương trình KHXH&NV… để tranh thủ các nguồn kinh phí từ các chương trình dự án nước ngoài.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết 22/NQ-TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

2. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN trong giai đoạn phát triển mới, PGS.TS Nguyễn An Hà, Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

3. Xu hướng phát triển KHCN toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam, TS. Nguyễn Mạnh Hùng (Hội đồng Lý luận Trung ương); TS. Lê Thị Hồng Điệp (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội).

4. Trung tâm Thông tin KHCN Quốc gia, Bộ KH&CN, Khoa học và công nghệ - Xu thế R&D và chuyên giao công nghệ Quốc tế, Hà Nội 2019.

5. Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 06/NQ -TW ngày 14/12/2016 về phát triển KH&CN Nghệ An giai đoạn 2016-2020. định hướng 2025, Sở KH&CN Nghệ An.

 

Trần Anh Sơn

Hiện chúng ta đã có 22.360 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh, theo số liệu của Sở Kế hoạch Đầu tư. Trong đó số doanh nghiệp đang còn hoạt động chỉ trên 12.500 doanh nghiệp. Tuy vậy hàng năm doanh nghiệp đã góp phần cùng tỉnh hoàn thành khá tốt các chỉ tiêu đã đề ra, cụ thể: 

Năm 2019 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,03%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 43,08 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách ước đạt 15.500 tỷ đồng, đạt 114,8% dự toán và tăng 10,2% so với thực hiện năm 2018. Chi ngân sách năm 2019 đạt 24.945,44 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán.

Trong 9 tháng đầu năm 2020 mặc dù bị tác động khá lớn bởi đại dịch Covid - 19 và một số tình hình khó khăn chung về kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh đã tác động, gây khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế bị tác động, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2020 tăng khoảng 3,44%; trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 4,76%. Thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 11.059,3 tỷ đồng, đạt 72,7% dự toán của HĐND tỉnh giao, bằng 98,3% cùng kỳ năm 2019. Trong 9 tháng năm 2020 (tính đến ngày 17/9/2020) đã thành lập mới 1.326 doanh nghiệp, tăng 4,74% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 10.963,2 tỷ đồng, bằng 95,43% so với cùng kỳ và có 494 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 10 doanh nghiệp so với cùng kỳ.

Năm 2020 là năm đặc biệt, tỉnh tập trung đánh giá, rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh, bền vững. Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực chất. Tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án công nghiệp, bởi vì công nghiệp là ngành đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng GRDP và được đánh giá là còn dư địa tăng trưởng. Đà tăng trưởng cao, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực đảm bảo tính ổn định… đây được xem là những điểm sáng trong bức tranh công nghiệp của tỉnh Nghệ An thời gian qua. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các Khu Công nghiệp VSIP, Hemaraj, Hoàng Mai,... để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ: thương mại, du lịch, vận tải, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng.

Đặc biệt tháng 10/2020 Nghệ An  đã Khai trương Trung tâm phục vụ hành chính công và đi vào hoạt động ổn định, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực; xây dựng các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong năm 2020 nhiều công trình, dự án lớn thực hiện thành công như: Đường cao tốc Bắc - Nam, hồ chứa nước Bản Mồng, cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, Xây nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên, Phát triển đô thị loại vừa tại Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Vinh, đường từ Thị trấn huyện Thanh Chương đi vào khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ huyện Thanh Chương, Tiểu dự án 3, dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập WB8, Khu liên hợp sản xuất vật liệu xây dựng công ty Trung Đô, dây chuyền sản xuất mỳ ăn liền Omachi của Masan, trang trại chăn nuôi lợn tại Quỳ Hợp của công ty MNS Farm, dự án nâng cấp mở rộng nhà máy nước Cửa Lò, nhà máy xi măng Tân Thắng, nhà máy may An Hưng ở huyện Yên Thành, nhà máy thủy điện Châu Thôn, Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (GĐ1), dự án đầu tư khu công nghiệp WHA Hemaraj 1- Nghệ An, nhà máy Em-tech Vinh, …

Dân số tỉnh Nghệ An có hơn 3,33 triệu người, tỷ lệ tăng dân số hàng năm 1,33%, tức là hàng năm tăng khoảng 40 nghìn người; trong đó lực lượng lao động hơn 1,9 triệu người đứng thứ 4 cả nước, hiện nay tỉnh đang ở trong thời kỳ "dân số vàng", đây là lợi thế về nguồn lao động dồi dào nhưng cũng là thách thức khi giải quyết việc làm cho người lao động.

Thành tích của cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An trong năm 2020

- Doanh nghiệp luôn chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.

- Góp phần tăng trưởng kinh tế cho tỉnh.

- Tạo công ăn việc làm cho người dân.

- Tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

- Công tác an sinh xã hội cũng luôn được chú trọng, trong gần một năm qua, doanh nghiệp đã chung tay với tỉnh, quyên góp hàng trăm tỷ đồng từ Tết người nghèo đến chống dịch Covid - 19.

- Duy trì bảo đảm đầy đủ lương và các chế độ cho người lao động. Điển hình như Công ty Cổ phần May Minh Anh Kim Liên, mỗi tháng chi trả tiền lương cho công nhân là trên 60 tỷ đồng, mỗi năm với mức quy mô này họ đã đưa về cho Nghệ An 720 tỷ đồng (Doanh nghiệp đã góp phần tăng chỉ số tiêu dùng CPI của tỉnh lên). Đây có thể nói là sự cố gắng rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp mà đứng đầu là các doanh nhân.

Những hạn chế của Doanh nghiệp Nghệ An trong thời gian qua

- Môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc; Hiệu quả triển khai các chính sách, biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh trên thực tế còn hạn chế.

- Hơn 98% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, trong đó số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm trên 90%, công nghệ lạc hậu, am hiểu thị trường ít, sức cạnh tranh thấp, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiệu quả thấp và chưa có các thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực.  

- Sự liên kết giữa các doanh nghiệp còn yếu, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp quy mô nhỏ và doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực  ít. Hiệu quả sản xuất - kinh doanh còn thấp.

- Số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, đứng vững cạnh tranh hoặc hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có chiều hướng tăng lên.

- Số doanh nghiệp đóng góp thu ngân sách hạn chế, chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp hiện có.

Một số giải pháp phát triển cộng đồng doanh nghiệp Nghệ An trong thời gian tới

- Tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh CPI, cụ thể:

+ Thực hiện quyết liệt các giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước. Ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Công khai, minh bạch 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị; cung cấp thông tin để duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

+ Nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các sở ngành, địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức liêm chính phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

+ Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong hoạt động của cơ quan nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng chính quyền điện tử. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử Dịch vụ Hỗ trợ doanh nghiệp.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025.

+ Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn lực (như đất đai, tài chính, lao động, khoa học công nghệ,…). Có cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển hạ tầng thông tin dữ liệu về doanh nghiệp hoạt động cùng ngành hàng, về thị trường vốn, về thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ,…

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Tiếp tục quan tâm công tác hỗ trợ khởi nghiệp và đào tạo cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, liên doanh, liên kết đảm bảo đủ điều kiện cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng quản lý cho đội ngũ doanh nhân của khu vực doanh nghiệp, tạo điều kiện hình thành những doanh nhân có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; hình thành đội ngũ doanh nhân có tầm vóc, đủ khả năng lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp vươn lên tầm cao mới.

 Quan tâm thu hút đầu tư bên ngoài, tìm kiếm, mời gọi doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực tài chính và công nghệ, tạo điều kiện tốt nhất để họ phát triển sản xuất - kinh doanh, đồng thời tạo mọi điều kiện để tăng cường sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp nhỏ với các doanh nghiệp lớn.

- Khuyến khích, hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch bệnh Covid -19, chủ động tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu thay thế.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt các thị trường trong khuôn khổ EVFTA và CPTPP khi dịch bệnh được kiểm soát, thông qua các biện pháp như: Hỗ trợ cung cấp thông tin, kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ; hoàn thiện các quy định quản lý xuất xứ hàng hóa bảo đảm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu bài bản, nghiêm túc; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng quy tắc và tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa, tận dụng được lợi thế từ EVFTA, CPTPP, đồng thời phòng ngừa hiệu quả các hoạt động gian lận thương mại.

- Đối với doanh nghiệp:

+ Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong.

+ Chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế.

+ Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

+ Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường…

- Đối với các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp:

+ Phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước để khuyến nghị chính sách khuyến khích doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, tăng cường tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

+ Chủ động tìm kiếm nguồn lực, xây dựng và triển khai các sáng kiến thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức phát triển bền vững.

+ Xây dựng các chương trình, biện pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên, là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và chính quyền các cấp.

Với mong muốn của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, của doanh nghiệp Nghệ An luôn đau đáu làm sao để góp phần sớm hoàn thành tâm nguyện của Bác "… Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở Miền Bắc", hay trong thư Bác gửi giới doanh nhân người đã khẳng định: "Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng…". Hy vọng thời gian tới doanh nghiệp Nghệ An luôn luôn tự tin, vững tâm chèo lái con thuyền của mình vươn ra biển lớn trong tiến trình hội nhập quốc tế và cập bến thành công, cùng tỏa sáng, đưa kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.

 

TS. Nguyễn Ngọc Chu

Nghệ An ở vị trí nào?

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam với 16 493,7km2. Theo thống kê ngày 01/4/2019, Nghệ An có số dân là 3.327.791 người, đứng thứ 4 sau TP HCM, Hà Nội và Thanh Hoá. Xét về diện tích đất đai và con người, Nghệ An nằm trong top 4 của cả nước.

Tiếc thay, về kinh tế Nghệ An tụt xa top 4, nằm ở top 10 tính từ dưới lên. Thống kê năm 2018 cho thấy Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đầu người của Nghệ An xếp thứ 54/63 tỉnh thành, chỉ có 36,64 triệu đồng (1.591 USD) - bằng 23% của GRDP đầu người của TP HCM.

Một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế là xuất khẩu. Ở phương diện này Nghệ An cũng phải ngồi ở vị trí thấp. Kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An năm 2018 lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 tỷ USD. Nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 vẫn chưa qua mốc 1 tỷ 100 triệu USD. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2019 là 514 tỷ USD. Có 8 tỉnh thành đạt kim ngạch xuất khẩu trên một chục tỷ USD. Đó là Tp.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Hải Phòng - chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Như vậy kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An chỉ bằng 0,21% của cả nước. Một chỉ số vô cùng trăn trở.

Mục tiêu sau 5 năm của Nghệ An?

Theo theo báo cáo của Đại hội Đảng bộ Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 thì các chỉ tiêu chính về kinh tế như sau:

- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5 - 10,5%/năm.

- GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 1,765 tỷ USD.

- Thu ngân sách đến năm 2025 đạt 26.000 - 30.000 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 36%.

Như vậy GRDP bình quân đầu người của Nghệ An vào hết năm 2025 là còn quá thấp (khoảng 3450 USD), dưới xa mức trung bình dự báo của toàn quốc vào thời điểm đó.

Một mục tiêu cao mà gần đạt sẽ tốt hơn nhiều một mục tiêu thấp mà vượt mục tiêu. Mục tiêu càng cao, sức rướn càng mạnh. Cho nên, Nghệ An cần nghĩ đến một mục tiêu mang tính "xâm lược" hơn - một mục tiêu táo tợn xứng đáng với tiềm lực và vị thế của Nghệ An.

Trên thực tế, nền kinh tế thị trường của Nghệ An hoàn toàn mới phát triển, nên còn rất nhiều cơ hội để tăng tốc. Ở giai đoạn sơ khai của nền kinh tế thị trường hiện nay, Nghệ An hoàn toàn có thể tăng tốc với tỷ lệ phát triển tăng trung bình 20% năm. Lúc đó, đến năm 2025 thì GRDP sẽ tăng gấp 2,5 lần GRDP năm 2020, đạt mức khoảng 4.500 USD, vẫn còn thua dự báo 5000 USD của toàn quốc.

Đối với kim ngạch xuất khẩu thì chỉ tiêu 1,765 tỷ USD là thấp so với tiềm năng thực của Nghệ An. Một mục tiêu táo tợn cho kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An năm 2025 là ở mức 3 tỷ USD.

Không phải là viển vông, mà phải có một tổng thể các giải pháp mạnh mẽ để đưa nền kinh tế Nghệ An về đúng vị thế. Vị thế của Nghệ An không thể nằm ngoài top 5 của toàn quốc. Vị thế đó cần trả về cho Nghệ An trong vòng không quá 15 năm.

Những mặt trận chủ lực

Để Nghệ An tiến vào top 5 của toàn quốc về GRDP đầu người, cần nhiều biện pháp phức hợp. Nhưng có 2 mặt trận chủ lực Nghệ An phải không ngừng đeo đuổi, đó là: Đẩy mạnh xuất khẩu và Phát triển công nghiệp.

Xuất khẩu là mặt trận chủ lực của Nghệ An trong phát triển kinh tế, dù rằng hiện nay nó đang ở vị thế rất yếu. Vì xuất khẩu giúp tăng nhanh các chỉ tiêu kinh tế. Trước hết là chỉ tiêu GRDP đầu người. Quan trọng hơn nữa là thu nhập thực tế của người dân. Nhưng có 3 điều sau đây vô cùng quan trọng cần ghi nhớ từ mặt trận xuất khẩu:

Tiếp cận được chuẩn mực của các thị trường cao cấp.

Tiếp cận được công nghệ tiên tiến.

Mở rộng được cơ hội hợp tác đầu tư.

Không phải kêu gọi đầu tư nước ngoài là có đầu tư nước ngoài. Nhiều người không biết được, rằng chính xuất khẩu mới là biện pháp nhiệm mầu kéo về nội địa nguồn đầu tư nước ngoài.

Nhưng nếu xuất khẩu là "liều thuốc" tác động nhanh, thì công nghiệp mới là nền tảng quyết định. Nghệ An chỉ trụ được trong top 5 một cách bền vững khi có nền công nghiệp phát triển. Không bao giờ được sao nhãng chiến lược phát triển công nghiệp để sa vào đeo đuổi dịch vụ. Trong giai đoạn đầu, Nghệ An cần đến công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản. Nhưng từng bước phải có các ngành công nghiệp khác.

Biện pháp cho doanh nghiệp Nghệ An

Xây dựng các doanh nghiệp lớn

Các doanh nghiệp của Nghệ An là các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng cạnh tranh ngay trên sân nhà, chứ đừng nói đến xâm chiếm thị trường của người khác. Ngay trên địa bàn Nghệ An, các dự án lớn về xây dựng hạ tầng cơ sở, đầu tư bất động sản, viễn thông, điện tử… thì các doanh nghiệp Nghệ An phải ngậm ngùi nhường phần cho các doanh nghiệp từ địa phương khác.

Nhìn vào mặt trận xuất khẩu thì càng rõ. Trong năm 2018, Nghệ An có 163 doanh nghiệp xuất khẩu, với 30 doanh nghiệp đạt doanh số 3 triệu USD trở lên. Các miếng bánh lớn ở các thị trường cao cấp Âu - Mỹ không dành cho các doanh nghiệp nhỏ.

Bởi vậy, muốn có thị phần ở các thị trường lớn, muốn tiến vào top 5, Nghệ An phải có nhiều doanh nghiệp lớn.

Cho nên, mục tiêu quan trọng đưa nền kinh tế Nghệ An trở thành 1 trong 5 nền kinh tế mạnh nhất nước sẽ không thể thực hiện được - nếu không đi đôi với mục tiêu xây dựng các doanh nghiệp lớn cho Nghệ An.

Dành thị trường trong tỉnh cho doanh nghiệp trong tỉnh

Không phải địa phương cục bộ. Mà đây là nguyên lý phát triển nội lực. Nguyên lý này không bao giờ được rời xa. Dù là Nhật, Hàn quốc, Mỹ hay Anh, Pháp, Đức… tất cả các nước tiên tiến đều làm như vậy.

Còn làm sao bảo vệ được nguyên lý này thì có các phép quản trị và tác nghiệp tương ứng. Các phép quản trị và tác nghiệp như vậy, đảm bảo không vi phạm các hiệp ước quốc tế, các nguyên tắc đấu thầu, không gây phản ứng về bất công, đảm bảo được chất lượng và thành quả.

Dựa vào nội lực là chính. Cho nên phải xem các doanh nghiệp trong tỉnh là các đại bàng con, chứ không phải chim sẻ, dù cho năng lực của họ hiện rất yếu. Vấn đề là biện pháp nuôi dưỡng. Dành các hợp đồng trong tỉnh cho các doanh nghiệp trong tỉnh là chiến lược nuôi lớn các doanh nghiệp địa phương. Các lĩnh vực có nhiều hợp đồng lớn như hạ tầng cơ sở, giao thông, xây dựng... phải là "cứ địa thị phần" của các doanh nghiệp địa phương.

Tìm thị trường và đối tác cho các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp Nghệ An đã nhỏ về tài chính và phạm vi hoạt động, lại còn bị kèm theo hai khiếm khuyết chìa khoá. Đó là thiếu hiểu biết về thị trường và không có đối tác lớn.

Vì không biết thị trường nên không thể có đối tác. Không có đối tác thì không chiếm được thị trường.

Cho nên, tìm thị trường và tìm đối tác cho các doanh nghiệp Nghệ An phải là một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong kế hoạch phát triển Nghệ An nhiệm kỳ 2020-2025 trong triển khai tác nghiệp của lãnh đạo Nghệ An.

Tập trung tăng trưởng xuất khẩu

Xuất khẩu, như trên đã lưu ý, dù hiện tại giữ tỷ phần vô cùng khiêm tốn, nhưng phải nhìn nhận là mặt trận chủ lực của kinh tế Nghệ An. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Nghệ An đang có kim ngạch xuất khẩu nhỏ. Cho nên, nếu đi đúng đường, thì trong một năm có thể tăng kim ngạch xuất khẩu từ 30% - 100%.

EVFTA đang mở ra một khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chưa từng có cho Việt Nam. Nghệ An phải tận dụng EVFTA, và phải đặt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang EU trong 5 năm tới từ 10 - 20 lần.

Hiện nay, thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc đang chiếm khoảng 50% kim ngach xuất khẩu của Nghệ An. Nói là 50% nhưng chưa vượt quá 600 triệu USD. Đó là một con số nhỏ. EVFTA cho phép Nghệ An đưa kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt con số 1,5 tỷ USD vào năm 2025. Đây là một chỉ tiêu táo tợn nhưng khả thi.

Ngoài thị trường EU, Nghệ An phải chọn Hoa Kỳ là thị trường chính thứ hai trên mặt trận xuất khẩu. Và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Nghệ An vào năm 2025. Còn Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 5, và Ấn Độ là thị trường lớn thứ 6.

Đi theo chiến lược này, kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An không quá khó để đạt con số 3 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng điều quan trọng hơn, là nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ 3 thị trường lớn nhất sẽ âm thầm đi ngược chiều với hàng hoá xuất khẩu mà đổ vào Nghệ An. Cùng với vốn là công nghệ nước ngoài, đầu tư nước ngoài, hợp tác đầu tư và mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Đi đúng hướng này, giai đoạn 2026-2030 cho phép Nghệ An có kim ngạch xuất khẩu bùng phát. Đến năm 2030 Nghệ An có thể lọt vào danh sách 15 tỉnh thành xuất khẩu lớn nhất nước.

Các con số về kim ngạch xuất khẩu vừa nêu trên của Nghệ An là táo tợn nhưng không hề viển vông. Quan trọng nhất là tìm ra người có khả năng tìm ra các biện pháp để đạt được các mục tiêu táo tợn đó.

Chính sự bùng phát về xuất khẩu kéo theo sự bùng phát về đầu tư. Đây là 2 bảo bối nhanh chóng đưa Nghệ An vào nhóm các tỉnh thành có GRDP đầu người cao nhất nước.

Chọn dự án chiến lược về đầu tư bất động sản để phát triển

Nghệ An đang kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng (resort) và bất động sản với hàng trăm héc ta nhằm thu hút khách du lịch và tăng thu nhập cho cư dân địa phương, đẩy nhanh mức độ phồn vinh trên mặt trận giải trí. Nhưng các tập đoàn lớn cũng căng sức trên các mặt trận ở các địa phương khác - vì vốn có hạn và phải đi vay. Họ cũng đối mặt với khả năng vỡ nợ.

Có một cách giải quyết bài toán này - bằng cách tích hợp các doanh nghiệp của địa phương vào các tổ hợp lớn. Đây là phép thổi lớn các doanh nghiệp địa phương. Thị trường bất động sản ở các khu nghỉ dưỡng là thị trường màu mỡ lợi ích. Cần vốn lớn và dài hơi, nhưng rất béo bở. Phép tích hợp các công ty và huy động vốn của hàng vạn nhà đầu tư lẻ sẽ tạo thành các nhà đầu tư lớn. Và cho phép hình thành các doanh nghiệp địa phương có tiềm lực lớn.

Các dự án sản xuất công nghiệp

Không nước nào có thể trở thành cường quốc khi thiếu một nền công nghiệp hùng mạnh. Như trên đã đề cập, Nghệ An không thể bước vào top 5 các tỉnh thành mạnh nhất nước nếu không có một nền công nghiệp phát triển. Cho nên phải chọn một số lĩnh vực công nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp Nghệ An tham gia "đấu trường công nghiệp". Ở mặt trận này, cần có các doanh nghiệp nhà nước và các công ty cổ phần có vốn nhà nước đi tiên phong. Tránh lỗ bằng cách thay đổi cơ chế chọn lãnh đạo doanh nghiệp và cơ chế quản lý. Biết rằng xây dựng nền công nghiệp là một tiến trình dài lâu, nhưng phải bắt đầu mạnh mẽ liên tục ngay từ đầu. Nếu không, thì không bao giờ có. Và mãi chịu số phận bấp bênh của kẻ bám vào dịch vụ.

Tự tin

Muốn đứng ở vị trí hàng đầu thì phải có chí lớn với mục tiêu lớn. Người Nghệ An thừa đủ tài năng để đưa Nghệ An trở thành 1 trong 5 tỉnh thành giàu mạnh nhất nước. Vũ khí quan trọng để đưa Nghệ An vào nhóm các tỉnh thành giàu mạnh nhất nước là khả năng cạnh tranh trên sân chơi lớn của các doanh nghiệp Nghệ An. Phải nuôi dưỡng các doanh nghiệp Nghệ An trở thành các doanh nghiệp lớn tầm cỡ khu vực và quốc tế. Sân chơi toàn cầu không có chỗ đứng cho các kẻ yếu.

 

Hồ Thủy - Nguyễn Thủy

Anh Sơn là vùng cộng cư của nhiều lớp người, có dân bản địa và dân tứ chiếng đến ngụ cư lâu dần thành chính cư, có đồng bào Lương và đồng bào Công giáo. Từ xa xưa, nơi đây đã từng là vùng đất có người làm chủ, vừa cận sơn, vừa cận thủy, dễ dàng làm ăn, sinh sống. Từ xa xưa, nơi đây đã là vùng đất có cư dân người Việt cổ sinh sống, khai phá lập nên làng bản. Chính bởi thế, về mặt văn hóa, Anh Sơn có đủ các loại hình văn hóa: văn hóa rãy dốc, văn hóa rãy bằng, văn hóa lúa nước, văn hóa sông nước cùng tồn tại trong sự giao lưu và tiếp biến, hiện vẫn còn lưu giữ bản sắc văn hóa cổ truyền qua các hình thái văn hóa vật thể và phi vật thể. Từ nhiều miền quê về với vùng đất này, vùng đất Anh Sơn đã trở thành một miền quê  đa văn hóa các vùng miền. Sự giao thoa, tiếp biến, cộng hưởng với văn hóa bản địa đã tạo nên một sắc thái văn hóa riêng. Cuộc sống vật chất và tinh thần của dân cư nơi đây do đó mà thêm phong phú, phồn thịnh. Dân cư Anh Sơn được chia thành các tiểu vùng với những đặc điểm, màu sắc, tính cách làng xã riêng cũng là bởi ảnh hưởng của sắc thái văn hóa đó. Trong đó, văn hóa các dòng họ cũng là một trong những nét đặc sắc của văn hóa Anh Sơn.

Ở làng Dừa có bốn thôn, thì mỗi thôn có một dòng họ lớn. Ở thôn Quần Tiên Tiên Lữ có dòng họ Lê Quốc. Lê Quốc là dòng họ cư trú từ lâu đời ở xã Lan Lãng, huyện Thanh Chương, nay thuộc xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Theo Gia phả dòng họ, ông thuỷ tổ là Lê Đế Thành Hoàng, làm Quần Tiên Tiên Lữ thôn. Đời thứ 2 là Lê Đế Phủ Quân làm Chánh đội trưởng, tước Thập Lý hầu, kiêm phụng Phật đạo. Đời thứ 3 Lê Quí Công, tự Lan Phong, chức tước như ông đời thứ 2. Đời thứ 4 Lê Quốc Cơ làm quan thời Lê Trung hưng đến Phó sở sứ Đồn điền Vĩnh Hưng, được vua Lê Cảnh Hưng cấp bằng và sắc phong, chức tước đến Hoằng tín đại phu, Thiêm sự viện, kiêm Đồn thủ quan Lịch Tri xã, Gia Cai vạn. Đến đời thứ 5, các con ông Quốc Cơ là Quốc Cầu, Quốc Trân đã hăng hái tình nguyện tham gia nghĩa quân Tây Sơn và lập được nhiều công lao.

Dòng họ Lê Quốc còn có một số vị có công được sắc phong, nhưng đã thất lạc như ông Lê Quốc tự Đắc Bá, làm Đồn trưởng Mường Then; Lê Quốc tự Nghĩa Hầu, làm Tả bật đạo, Anh dũng nghi vệ quân quân sứ gia hùng liệt Tướng quân. Dòng họ này nối đời làm quan và được cử giữ chức trấn giữ các vùng đất miền Tây xứ Nghệ, bảo vệ biên cương của đất nước. Họ tộc cũng luôn có người đứng đầu làng xã nơi cư trú, có thể nói là có thần thế ở quê hương và có uy tín đối với triều đình các thời đại. Đó là các nhân vật đời thứ 5: Lê Quốc Thái với chức tước tiền phụng Phó đô Sứ Trung hầu, Xã trưởng xã Kiềm Trị. Đời thứ 6 có Lê Ngọc Đảng làm Đô chỉ huy sứ. Đời thứ 7 có Lê Quốc Điệt làm Hữu tử vân kiêm thu quần thôn. Đời thứ 8: Lê Quốc Việt làm Trưởng thôn. Đời thứ 9: Lê Quốc Hoa, Trưởng thôn. Đời thứ 10: Lê Quốc Huy làm Chỉ thụ tri hương; Lê Quốc Xuyến làm Phó Lý trưởng, Chỉ thụ Tư văn. Đời thứ 11: Lê Quốc Anh làm Chỉ thụ Hương kiểm. Từ đời thứ 12 cho đến nay, họ Lê Quốc vẫn tiếp tục được truyền thống yêu nước, có nhiều người tham gia trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và có công trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước. Có thể kể thêm tên một số vị tiêu biểu, như: Thiếu tá Lê Quốc Dần và Lê Quốc Lý; Lê Quốc Thụy, tốt nghiệp đại học Ngoại giao, làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô và các vị làm việc ở xã, thôn, làm giáo viên, trạm xá xã, v.v…

Thôn Đồng Sông có dòng họ Trần Đăng. Đây là dòng họ có công trong việc chống giặc ngoại xâm ở phủ Trấn Ninh vào thời Trần. Phủ Trấn Ninh là đất Bồn Man gồm 7 huyện: Kim Sơn, Thanh Vị, Canh Thuận, Quang Vinh, Quang Lang, Trung Thuần nằm ở phía Tây Nghệ An. Năm 1329, quân nghịch tặc Nghịch Bổng quấy nhiễu nước ta, vua Trần Hiến Tông đã cử Nguyễn Trung Ngạn làm Đốc phủ sứ cùng vua lập chiến công hiển hách ở núi Cự Đồn - Mật Châu. Trong chiến công ấy, họ Trần Đăng có Trần Đăng Cát đã lập được công, làm cho dòng họ mình trở nên thanh thế. Chính công lao ấy mà họ Trần Đăng được chia đất lập trang trại nên thôn Đồng Sông, còn có tên là Làng Trang.

Ở thôn Phúc Điền, có dòng họ Bùi Công, thời Lê - Mạc phân tranh dòng họ này chạy từ Hương Sơn (Hà Tĩnh) về đây. Năm 1803 do có công lớn với triều Nguyễn (vua Gia Long), đó là cống gỗ lim để xây dựng lăng miếu ở cố đô Huế nên đã được nhà Nguyễn cho đổi từ họ Bùi Đức sang Bùi Công ("Công" nghĩa là công lao). 3 anh em của dòng họ Bùi Công được phân cho cai quản rừng từ Bồ Lư - Cát Ngạn lên đến phủ Trấn Ninh. Tính theo núi thì có "tam bách đỉnh sơn" (300 ngọn núi), tính theo suối thì có "thập nhị cửu khuê" (12 con suối). Tính theo địa lý ngày nay thì đó là rừng của các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Đó là dãy Trường Sơn mênh mông, bát ngát dọc biên giới Việt - Lào.

Thôn Phú Dinh có dòng họ Nguyễn Sỹ cũng là dòng họ lớn. Hưởng ứng chiếu Cần vương của vua Hàm Nghi, tướng quân Lê Doãn Nhã đã dấy binh xây thành, đắp đồn lũy ở thôn Mặc Điền cách làng Dừa 2km. Dòng họ Nguyễn Sỹ đã vận động anh em gia nhập binh sỹ của tướng quân Lê Doãn Nhã. Đến năm 1889, khi Nguyễn Mậu phụ trách quân Anh thứ, ông Nguyễn Sỹ Châu - người của dòng họ được phong chức cai cơ. Sau đó ông bị Pháp bắt và thiêu chết trên mâm đồng.

Họ Nguyễn Đình ở Mộ Điền là hậu duệ của Cương quốc công Nguyễn Xí từ Nghi Hợp (Nghi Lộc) chuyển lên. Họ Phan ở Lạng Thạch là nội thân của Phan Đình Phùng sau khi phong trào Cần vương bị dập tắt, thực dân Pháp đàn áp dã man con cháu Phan Đình Phùng nên những người nội thân của ông đã lên đây trốn tránh sự truy sát của kẻ thù.

Dòng họ Nguyễn Hữu ở Vĩnh Sơn, Anh Sơn bắt nguồn từ vùng Kẻ Kia, nay là Nam Thượng, Nam Đàn. Đến đời ông Đức Hoa đã di cư lên vùng Anh Sơn sinh sống và hình thành nên dòng họ Nguyễn Hữu tại đây. Tương truyền, ông Nguyễn Đức Hoa sinh ra đã là một cậu bé khôi ngô tuấn tú tướng mạo khác thường. Từ nhỏ ông được cha dạy dỗ chu đáo, cho ăn học với mong ước con được vinh danh trên con đường khoa bảng, nối gót tổ tiên, rạng ngời dòng tộc. Ông Đức Hoa lớn lên học hành chăm chỉ và đỗ đạt làm quan dưới thời Lê Trung hưng. Ông từng được bổ nhiệm chức quan võ, khi tuổi đời còn rất trẻ và có nhiều cống hiến cho triều đình Lê - Trịnh. Chức vụ cao nhất mà ông từng giữ là "Tiền trung Viện tướng quân, Kim Ngô đô đốc chỉ huy sứ". Khi vận hội của vua Lê - chúa Trịnh đã đến lúc tàn cục, trong hoàn cảnh quan trường như vậy, khó mà làm được việc tốt cho dân nên ông quan họ Nguyễn đã xin trở về quê cũ tìm đường đi riêng để cứu giúp dân lành. Sau thời gian ở quê, ông đã tìm cách trở lại vùng chiến địa ngày xưa, đó là vùng Khả Lưu, Bồ Ải (nay là xã Vĩnh Sơn), khai canh, tái sinh một vùng đất mới nhằm cứu những hộ dân nghèo đang trong cơn đói khổ, tha phương cầu thực. Ông tổ họ Nguyễn Hữu cho đẩy mạnh việc làm cầu đường, đắp đập ruộng xối, làm đường liên thôn để giao thông được thuận tiện. Không những vậy, ông còn là một thầy thuốc giỏi của cả vùng, thường bốc thuốc để chữa bệnh cho dân, vận động nhân dân xây dựng đình, chùa, lập đền thờ… Vốn là vị quan tài ba, học cao, biết rộng, ông Đức Hoa không chỉ chú trọng đến cái ăn, cái ở của dân làng mà ông còn muốn nâng cao trình độ cho nhân dân. Ông đã từng tổ chức dạy chữ cho dân làng. Công lao của ông đối với dân Đại Điền là hết sức to lớn. Sau khi ông Đức Hoa qua đời, nhân dân Đại Điền dâng tặng bức khảm trai ca ngợi công đức của ông. Hiện nay, bức khảm trai vẫn được con cháu họ Nguyễn Hữu ở Vĩnh Sơn lưu giữ, nội dung như sau:

"Lui về đây sớm nghỉ

Tên ông là Đức Hoa

Trí tuệ khi hoà nhập

Làm thay được cả trời"

Ông còn được các đời vua ban thưởng nhiều sắc phong: Năm 1905, sắc phong của vua Thành Thái; Năm Duy Tân thứ 3, ông lại được sắc phong chung cùng với Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; Năm 1924, vua Khải Định lại tiếp tục ban sắc cho ông Đoan Túc tôn thần.

Nối tiếp truyền thống tổ tiên, con cháu họ Nguyễn Hữu các đời sau tiếp tục có nhiều công lao đóng góp xây dựng đất nước quê hương. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và Cách mạng tháng Tám năm 1945, có các cụ như cụ Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn Hữu Trinh là cán bộ tiền khởi nghĩa, các cụ Nguyễn Hữu Huy, Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Hữu Khoa, Nguyễn Hữu Phiên, Nguyễn Hữu Tùng, Nguyễn Hữu Đản, Nguyễn Hữu Kiếng… là những cán bộ Việt Minh, Liên Việt. Sau cách mạng, nhiều cháu con dòng họ lại tiếp tục tham gia lực lượng vũ trang, làm cán bộ quản lý, cán bộ khoa học… trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước trên mọi miền đất nước. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà khoa học giỏi là bác sỹ, kỹ sư, tiến sỹ, phó giáo sư… Tiêu biểu như GS.TS Nguyễn Quang Thọ, GS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, GS.TS Nguyễn Năng Vĩnh. Tất cả đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xứng đáng là con cháu của dòng họ.

Làng Tri Lễ là làng có nhiều dòng họ nhất (24 họ) thì có 10 họ từ các huyện trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc chuyển về. Trong đó họ Nguyễn Hữu có gốc tổ là ở Khai Sơn nhưng một chi về Thanh Khai (Thanh Chương). Vì thế các bậc tiền nhân họ Nguyễn Hữu ở đây đã để lại cho con cháu đôi câu đối:

Kim Sơn tiên tổ, công danh tại

Lam Thủy tử tôn, phúc lộc tường

Tạm dịch:

Kim Sơn tổ tiên, công danh ngời sáng

Lam Thủy cháu con, phúc lộc dồi dào

Làng Yên Phúc trước thời hậu Lê chỉ là xóm nhỏ có các dòng họ Đặng Duy và Nguyễn Công đến khai phá lập ấp. Sau trận Khả Lưu, Bồ Ải, Yên Phúc trở thành làng và là nơi tập hợp quân làm vành đai của Lê Lợi do Nguyễn Xí bày bố. Các dòng họ tập trung nhiều ở làng này: dòng họ Đặng Đình, dòng họ đỗ đạt nhiều như dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Nhân.

Dòng họ Nguyễn Văn là dòng họ nổi tiếng với truyền thống hiếu học với cả bốn đời đậu đạt. Ông cố là Nguyễn Văn Thưởng đậu Tú tài năm 1878, sau được phong Hàn lâm học sĩ. Con trai cụ Thưởng là Nguyễn Văn Giá đậu Tiến sĩ năm 1913. Con trai ông Nguyễn Văn Giá là Nguyễn Văn Định đậu Tiến sĩ Luật khoa năm 1933, Nguyễn Văn Lương đậu Tiến sĩ ở Pháp năm 1948. Con của ông Nguyễn Văn Định là Nguyễn Thị Kim Yến, Nguyễn Kim Ninh, Nguyễn Kim Ý đậu Tiến sĩ tại Pháp lần lượt trong các năm 1971, 1972, 1973. Con cụ Thưởng còn có Nguyễn Văn Uyển đậu Tú tài năm 1919… Dòng họ này còn có nhiều người đỗ tú tài thời Tây học(1).

Không chỉ có những dòng họ lớn mới làm nên tên tuổi mà ở Anh Sơn có cả những dòng họ ít người, và ngay như cả những dòng họ ở xứ Đạo công giáo toàn tòng cũng góp phần làm rạng rỡ cho mảnh đất Anh Sơn. 

Một trong những truyền thống làm nên văn hóa đặc sắc của các dòng họ ở Anh Sơn đó chính là đạo học. Mặc dù không phải là vùng đất khoa bảng, không có nhiều người đỗ đại khoa (thời phong kiến chỉ có hai người đỗ đại khoa là Ngô Trọng Điển đậu Tiến sĩ khoa Bính Ngọ và Nguyễn Văn Giá đậu Tiến sĩ khoa Quý Sửu), nhưng Anh Sơn là vùng đất hiếu học. Tinh thần hiếu học được các dòng họ hun đúc, xây dựng nên từ những hương ước, quy ước, lệ tục nhằm động viên, khuyến khích con cháu dòng họ mình không ngừng học tập. Có không ít học sinh của các dòng họ ở Anh Sơn vào đến trường nhị, trường tam thi Hương thời phong kiến. Thời Nguyễn, tỉnh Nghệ An có 91 tiến sĩ, trong đó Anh Sơn có 5 tiến sĩ. Sau Cách mạng tháng Tám đến nay có hàng chục giáo sư, tiến sĩ và hàng ngàn cử nhân… Tinh thần hiếu học, trọng học hành chữ nghĩa còn được thể hiện qua việc đặt tên làng mang bao ý nghĩa gửi gắm trong đó: Mặc Điền, Tri Lễ, Đa Văn, Lèn Bút, Ao Sen, Động Bàn…; còn được thể hiện qua việc mở trường lớp, mời thầy về ăn ở trong nhà để dạy cho con cháu như gia đình họ Nguyễn Trọng ở Quan Lạng mở "Dưỡng Chính Đường", ông Nguyễn Cảnh Hoán mở trường Cảnh Hoán, gia đình bà Cao Thị Văn từng nuôi rất nhiều thầy trong nhà chỉ cốt để con cháu được học hành thành tài. Ở Anh Sơn xưa làng nào cũng có đất ruộng công dành làm học điền, bút điền. Làng Tri Lễ dành hẳn ruộng cho những người thi đỗ. Làng Thanh Lạng còn cấp đất cho các học sinh theo học các trường huyện từ 3 đến 5 sào. Bởi thế mà dẫu xa tỉnh lỵ, phủ lỵ nhưng làng nào cũng có lớp học, dù chỉ là gia đường, hương trường. Người dân còn cho con em khăn gói về xuôi tìm các thầy giáo có danh tiếng để "tầm sư, học đạo". Có thể thấy truyền thống "tôn sư, trọng đạo" đã được người dân chú ý từ rất xa xưa, đã trở thành nét đẹp truyền thống trong dòng chảy văn hóa cổ truyền. Và ngày nay, truyền thống đó đang phát huy mạnh mẽ ở khắp thôn cùng xóm vắng, kịp thời sánh bước với các huyện trong tỉnh, trong nước.

Truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc vốn có từ đây lại được nâng cao tỏa sáng và được các dòng họ không ngừng vun đắp qua thời gian. Nhân dân Anh Sơn cũng như nhân dân xứ Nghệ nói chung nổi tiếng dũng cảm bất khuất, trung trinh báo quốc. Qua bao biến đổi, thăng trầm, lịch sử hành trình của vùng đất này là khúc hùng ca của công cuộc xây dựng, mở mang phát triển quê hương và chống chọi kiên cường bất khuất với kẻ thù xâm lược. Trong nhiều cuộc khởi nghĩa đã lan tới hoặc chưa lan tới, có con em Anh Sơn tham gia hoặc có ảnh hưởng đến nhưng đã hun đúc chí khí yêu nước của con em Anh Sơn, thể hiện qua các triều đại của buổi đầu thời kỳ tự chủ Ngô, Lý, Trần, Lê… cũng như các giai đoạn lịch sử sau này.

Ở Anh Sơn những họ tộc lớn đều có nhà thờ họ. Ngoài nhà thờ đại tôn còn có nhà thờ chi tộc. Về các dòng họ lớn ở Anh Sơn thì ở làng Vạn Thiện họ Chu là đông nhất; làng Yên Lương có họ Nguyễn Viết, Nguyễn Diên; làng Cấm Vọng có họ Nguyễn Văn và họ Nguyễn Hữu tuy không đông lắm nhưng lại có thanh thế; làng Thượng Thọ có họ Trần Khắc, Đặng Nhữ, Nguyễn Hữu; làng Chính Vĩnh có họ Nguyễn Đình, Nguyễn Viết; làng Yên Phúc có họ Đặng, họ Nguyễn Văn; làng Hội Quần có Nguyễn Hữu; làng Tri  Lễ có họ Cao, Nguyễn Hữu; làng Lãng Thạch có họ Bùi, họ Phan, họ Nguyễn… Ngoài nhà thờ họ còn có nhà thờ các danh nhân công thần, danh tướng như nhà thờ họ Bùi Hùng, nhà thờ họ Lê Quốc Cầu ở Quan Lạng.

Nhà thờ Lê Quốc ở xã Tường Sơn cũng là một nhà thờ lớn, kiến trúc cũng như nhà thờ Bùi Hùng. Đó là một trong những nhà thờ đẹp của vùng Quan Lạng cũng như của vùng Anh Sơn. Trải năm tháng thời gian và chiến tranh phá nát, nhà thờ được tôn tạo, phục dựng vào năm 1999, tại xóm 8, xã Tường Sơn. Hiện nơi đây còn lưu giữ được một số đồ tế khí xưa và một số tài liệu như gia phả… Đặc biệt với 7 đạo sắc phong các triều, trong đó có các sắc triều Tây Sơn là vốn di sản văn cần được bảo vệ như các bảo vật hóa quý của quê hương, đất nước; ngoài ra còn có đôi câu đối:

"Sắc mệnh cố gia phong tự tín di danh tất quả

Huy huân kim tặng thưởng hải kham kỳ quê hữu hoa"

Tạm dịch:

Sắc mệnh sẵn nếp nhà xã hội vang lừng cây lắm quả;

Huy huân (chương) nhờ ơn nước, gia đình tô điểm cảnh thêm hoa

Hiện dòng họ tiếp tục biên soạn quy ước để củng cố, bảo vệ di tích và giáo dục con cháu phát huy truyền thống cao quý, tốt đẹp của tổ tiên.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu ở xã Vĩnh Sơn có vị Tổ có công với nhà Lê Trung hưng, đến đầu triều Nguyễn lại lập trại, chiêu tập dân khai hoang xây dựng nên làng xã Vĩnh Sơn trù phú, nên được dân thờ làm thần "khai sơn", được các triều vua nhà Nguyễn phong sắc. Hiện nhà thờ còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình, vua chúa ban tặng vì có công với quê hương, đất nước. Ngày 21/11/2010, dòng họ Nguyễn Hữu đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.

Nhà thờ họ Nguyễn Hữu ngày xưa thuộc Mạc Điền, sau đổi thành xã Đại Điền, nay thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Địa danh này chính là Khả Lưu - Bồ Ải, cửa ải quan trọng trên con đường thuỷ bộ từ thành Nghệ An lên Trà Lân.

Di tích nhà thờ họ Nguyễn Hữu nằm trên vùng chiến địa xưa, nơi ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Địa danh xã Đại Điền được ghi trong sắc phong cho cụ Đức Hoa.

Nhà thờ họ Bùi Hùng: Bùi Hùng là người có công dẹp giặc, bảo vệ biên cương ở Trấn Ninh - Án Trấn, huyện Trấn Ninh. Tại nhà thờ có đôi câu đối:

Ninh thành công nghiệp bi tiền sử

Phúc địa khoa danh xỉ hậu nhân

(Tạm dịch: Công trạng ở thành Trấn Ninh bia ghi sử trước/ Tiếng tăm ở đất Phúc Điền soi sáng người sau).

Hàng năm vào dịp tháng Chạp, con cháu từ các chi lớn nhỏ của họ Bùi đều tập trung về đây làm lễ long trọng, tôn nghiêm.

Có thể nói đây Anh Sơn là vùng cộng cư, có sự tổng hòa của nhiều luồng di cư từ các nơi khác đến. Người tứ chiếng và người bản địa chung sống hòa hợp từ đời này sang đời khác, góp công góp sức bảo vệ và xây dựng Anh Sơn ngày càng giàu mạnh. Quá trình cộng cư này là quá trình tiếp biến, giao thoa cộng hưởng làm cho văn hóa ở Anh Sơn phong phú, đa dạng trong đó văn hóa bản địa, văn hóa tứ chiếng vẫn giữ được cốt cách trung tâm. Điều đó thể hiện rất rõ trong văn hóa các dòng họ trên địa bàn huyện Anh Sơn, nó vừa đa dạng phong phú vừa có những nét đặc sắc khác với những huyện vùng xuôi.

 

Chú thích

1. Theo Gia phả lưu tại nhà thờ họ Nguyễn Văn.

 

Phạm Xuân Cần

1. Một mô hình trường học Pháp - Việt tiêu biểu

1.1. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Theo sơ đồ quy hoạch xây dựng trường Quốc học Vinh, có thể nhận thấy trường đã được xây dựng khá hoàn hảo, theo mô hình trường trung học Pháp - Việt đương thời. Phần tô màu nâu sẫm là khu vực đã được xây dựng cho đến năm 1930, phần chưa tô là nằm trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng.

- Không có số liệu chính thức về kích thước, nhưng với số lượng các công trình, nhất là dãy phòng học, có thể ước tính mỗi cạnh của khu đất hình vuông này dài từ 250 đến 300 mét, diện tích toàn bộ khu đất ước khoảng 7-9 ha. Ở vào hai góc phía trước, hai bên cổng vào, bên trái là nhà của Đốc học và các thư ký, được xây dựng năm 1925, bên phải là nhà của Tổng giám thị, được xây dựng năm 1929.

- Sau cổng vào là dãy nhà các phòng học. Theo sơ đồ có tất cả 28 phòng học, trong đó đến năm 1930 đã được xây dựng 18 phòng. (Trên các văn bản phê duyệt dự toán xây dựng trường năm 1922, thì số phòng học được xây dựng mới chỉ có 8 phòng). Theo một số ảnh và tài liệu hiện có thì các phòng học đều xây một tầng, nhưng rất cao ráo, mái lợp ngói bằng phẳng; cửa sổ trong kính, ngoài chớp. Đây là kiểu kiến trúc Đông Dương khá thịnh hành đầu thế kỷ hai mươi. Đáng lưu ý, tường là đất và vôi trộn rơm (dân ta thường gọi là tooc xi). Văn bản phê duyệt dự toán xây dựng trường quy định rất cụ thể và chặt chẽ về chất liệu và độ dày của loại tường này. Đặc biệt, có phòng được thiết kế theo mô hình giảng đường của Pháp (amphitheatre), được xây dựng năm 1925. Theo đó, nền lớp học dốc dần xuống từ sau ra trước, với các dụng cụ thí nghiệm và những trang trí đặc biệt để giảng dạy các môn vật lý và hóa học.

Trong khu vực phòng học có hai thư viện, một dành cho giáo viên và một giành cho học sinh. Thư viện có sách giáo khoa và sách tham khảo. Nội dung sách chủ yếu là những tác phẩm đặc biệt dành cho thuộc địa, được viết bởi các tác giả người Pháp hoặc người Việt. Một số lượng lớn các sách này là viết về Đông Dương. Có nhiều sách về lịch sử, phong tục, văn hóa, tôn giáo… Thư viện giáo viên, được phát triển hàng năm trong tất cả các môn học, nhằm mục đích thu thập tất cả các học liệu cần thiết cho giáo viên. Sách hướng dẫn chung, các công trình kỹ thuật, từ điển tạo thành một bộ công cụ phục vụ việc dạy học của giáo viên, được đánh giá là có thể đủ đáp ứng cho giáo viên tìm kiếm thông tin .

Phòng thí nghiệm: Được xây dựng vào năm 1925, có đầy đủ thiết bị và dụng cụ phục vụ cho việc dạy học các môn vật lý và hóa học. Hàng năm được cung cấp một khoản kinh phí nhất định để thay thế các dụng cụ thủy tinh bị vỡ, hoặc hư hỏng trong quá trình thí nghiệm.

- Ngay sau dãy phòng học là sân trường chính, hai bên sân trường phía trái là nhà ăn, phía phải là khu giải trí.

- Sau sân trường chính là khu nhà nội trú, hai bên nhà nội trú phía bên trái là nhà giặt đồ, bên phải là bệnh xá. Khu nội trú được xây dựng hoàn thành tháng 11 năm 1923. Ngay sau đó đã có 49 người nội trú (35 người trả tiền và 14 người có học bổng). Đến năm 1930 có 90 học sinh ở nội trú.

- Phía sau có kho đồ vải, bên trái là khu nhà ở của giáo viên bản xứ. Sau cùng là nhà tắm và một vài công trình khác. Riêng nhà tắm (có vòi hoa sen) đến tháng 10/1928 mới được một nhà hảo tâm xây tặng.

- Ngoài ra trong trường còn có phòng tập thể dục, vườn thực vật, vườn rau, đài phun nước; kho để đồ…Theo hồi ký của một số cựu học sinh trong khu vực trường còn có một hồ nước khá rộng, có nhiều cá.

Như vậy, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của trường Quốc học Vinh là khá hoàn chỉnh. Theo dự toán năm 1922, dự án xây dựng trường Quốc học Vinh tiêu tốn một khoản ngân sách trên 71.000 đồng. Đương thời đây là một số tiền rất lớn.

Cận tết, ngày 8 tháng 2 năm 1926, trong chuyến thăm quê, cụ Phan Bội Châu đã đến thăm trường Quốc Học Vinh "Tuy học trò hôm ấy nghỉ tết nhưng cụ trông thấy học đường to lớn, học vụ mở mang, nào sở dục tài, phòng thí nghiệm, nào phòng cách trí, phòng họa địa đồ (vẽ địa đồ bản tỉnh và các bản đồ địa chất cổ tích thổ sản các hạt), nào trường thể thao, vườn thí nghiệm, các loài cây cùng các thứ phân bón vân vân. Cụ rất lấy làm khen ngợi…".

1.2. Mục tiêu đào tạo và chương trình đào tạo của trường Quốc học Vinh

Mục tiêu chính của nền giáo dục mà người Pháp xây dựng nên ở Đông Dương chính là đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ cho nền cai trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên ở mỗi cấp học có những mục tiêu đào tạo riêng.

Mục tiêu thành lập Trường Quốc học Vinh là để đào tạo ở cấp trung học (cao đẳng tiểu học). Theo Bộ Học chính tổng quy 1917, mục tiêu đào tạo ở bậc trung học là:

+ Giúp học sinh làm quen với tiếng Pháp, công cụ học tập duy nhất sau này.

 + Trang bị cho học sinh hành trang kiến thức khoa học hoặc chuyên môn cần thiết (toán học, khoa học vật lí và tự nhiên, địa lí, hội họa).

Theo đó, chương trình cao đẳng tiểu học là bốn năm, từ đệ nhất đến đệ tứ, với các môn học chủ yếu: Tiếng Pháp, đạo đức và tâm lý; chữ Quốc ngữ và chữ Hán; các phương ngữ; địa lý; toán học; khoa học vật lý; hóa học; lịch sử tự nhiên; tập viết; vẽ; họa hình; công nghệ.

Thế nhưng, căn cứ vào kết quả thi, thống kê sĩ số học sinh cho thấy ít nhất là đến năm 1930 trường Quốc học Vinh không chỉ đào tạo cấp cao đẳng tiểu học, mà đã đào tạo từ bậc tiểu học, đến cao đẳng tiểu học. Theo bảng "Danh sách các học sinh của Collège de Vinh tham gia các kỳ thi khác nhau" dưới đây, chúng ta thấy hàng năm học sinh Quốc học Vinh đều tham gia thi lấy cả ba loại bằng, từ sơ học yếu lược (CEEI) đến bằng tiểu học (CEPFI) và bằng thành chung (DEPFSI).

Một bảng thống kê chi tiết sĩ số học sinh của Quốc học Vinh năm học 1929 - 1930 cho thấy: Trong tổng số 519 học sinh của toàn trường có 290 học sinh của 4 lớp thuộc bậc trung học và 229 học sinh của 5 lớp thuộc bậc tiểu học.

Những năm này, ở các trường quốc học khác như Quy Nhơn, Đồng Khánh cũng đào tạo cả hai cấp học như Quốc học Vinh.

Như vậy có thể nhận định: Ngoại trừ lớp đồng ấu (Cours Enfantin), trường Quốc học Vinh đã đào tạo từ bậc sơ đẳng tiểu học đến bậc cao đẳng tiểu học (trung học). Nguồn đầu vào của trường ngoài những học sinh đã tốt nghiệp tiểu học Pháp - Việt (bằng C.E.P.F.I) ở các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, còn có những học sinh khác vào đây để học từ bậc tiểu học trở lên. Một bức ảnh chụp học trò Quốc học Vinh thăm mộ Nguyễn Du năm 1923 cho thấy có một số em tuổi đang rất nhỏ. Tuy nhiên, việc đào tạo cả bậc tiểu học có thể không kéo dài. Hồi ký của các cựu học sinh Quốc học Vinh các khóa từ những năm 1935 trở đi không thấy nói đến việc này. Trao đổi với hai cựu học sinh Quốc học Vinh sinh năm 1930, hiện còn minh mẫn đều khẳng định trường chỉ đào tạo ở cấp trung học, như cấp trung học cơ sở hiện nay.

Đương thời, Quốc học Vinh được cho là có kết quả học tập không thua kém Quốc học Huế. Thậm chí có nhiều kỳ thi học sinh Vinh đã lấn át cả học sinh Huế. Bảng kết quả thi cử trên đây cho thấy "phong độ" khá ổn định của học trò Quốc học Vinh. Tuy nhiên, điều đáng nói là Quốc học Vinh không phải là nơi "học gạo", mà rất coi trọng các hoạt động rèn luyện kĩ năng và trải nghiệm. Khi thăm trường năm 1926 cụ Phan Bội Châu đã đề nghị trường nên có một phòng trưng bày các sản phẩm thủ công do học trò tạo ra. Học văn học học trò thường xuyên phải đóng vai. Đặc biệt, thầy trò Quốc học Vinh đã đi tham quan hầu hết các di tích, danh thắng ở xứ Nghệ. Có những địa điểm rất xa, đi lại rất khó khăn nhưng họ vẫn đến, như đền Chế Thắng phu nhân ở Kỳ Anh, hang Minh Cầm ở Quảng Bình, bia Thành Nam ở Con Cuông, thành Lục Niên ở Nam Đàn…

Đương thời Quốc học Vinh cũng nổi tiếng là trường có kỷ luật nghiêm, quản lý học sinh chặt chẽ. Nội quy của trường gọi là "Luật lệ trường nội" có 6 mục: 1. Lời tổng thuyết; 2. Cách thưởng phạt trong nhà trường; 3. Ở ngoài đi học; 4. Đi học thường ngày; 5. Lệ thăm viếng; 6. Cách giao thiệp với cha mẹ học trò: 

"Những đứa trẻ con được nhập học, hoặc xin nhập trường là chú ý muốn mở mang thêm đường tri giác và đường hạnh kiểm, để được thỏa lòng trông mong cha mẹ. Những học trò đã được học hoặc xin vào trường thì phải tuân theo pháp luật trường như sau này:

Khi nào hoặc chỗ nào cũng phải hết lòng kính trọng thầy Pháp và thầy Nam.

Không được vô cớ mà khiếm diện, lười biếng khóa học nào. Muốn cho tấn ích thì phải học cho chuyên, hạnh cho tốt mới được.

Những lỗi lầm xét ra vì học trò vô ý mà phạm phải thì nhà trường cũng có lòng dung thứ mà chuyên dạy, và có phạt thì cũng sẽ phạt nhẹ.

Những lỗi lầm xét ra vì hoặc cố ý làm, hoặc tái phạm, hoặc sự lỗi nặng thì sẽ phạt nặng.

Còn những lỗi lầm xét ra vì đồng đảng để phản đối với phép nhà trường thì phải nghiêm trị thật nặng, mặc dù ai xui vẽ ra".

Từ những nguyên tắc chung như trên, các mục chi tiết của bản nội quy đều quy định rất chặt chẽ, đặc biệt thưởng phạt phân minh. Hồi ký của học sinh Quốc học Vinh cũng thường nhắc đến kỷ luật của nhà trường, coi đó như những nguyên nhân để họ trưởng thành.

2. Quốc học Vinh - một trung tâm tri thức đương thời

Là một cơ sở đào tạo ở cấp trung học đầu tiên, ra đời đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh nước ta chỉ có từ 1-2% dân số được đi học, thì đương nhiên Quốc học Vinh đã là một trung tâm tri thức lớn, nhưng vấn đề quan trọng là cách mà Quốc học Vinh đã tỏa sáng, đã phát huy ảnh hưởng đối với xã hội như thế nào.

Trước hết, Quốc học Vinh không chỉ là cơ sở đào tạo ở bậc trung học, mà thực sự còn có những hoạt động khoa học như một trung tâm nghiên cứu. Ở đây có nhiều giáo viên không chỉ giỏi, tâm huyết, mô phạm, mà còn là những nhà nghiên cứu, thậm chí là học giả nổi tiếng. H.Le Breton (Hiệu trưởng Quốc học Vinh từ 1924- 1928) là một nhà nghiên cứu tâm huyết và tài ba. Ông là người đầu tiên vận dụng các lý thuyết nghiên cứu phương Tây để tiếp cận địa dư, lịch sử, văn hóa xứ Nghệ. Chỉ bốn năm ở Vinh, nhưng ông đã để lại công trình khảo cứu bất hủ về xứ Nghệ, Levieux An Tĩnh. Cuốn sách là kết quả của những chuyến đi điền dã đến hầu khắp các vùng đất, di tích, danh thắng của xứ Nghệ của ông và các học trò Quốc học. H. Le Breton đã đưa ra những hình mẫu về nghiên cứu và dạy học lịch sử kiệt xuất "Tôi khám phá An-Tịnh xưa không chỉ đơn giản là vì tình yêu với những thanh xà chạm khắc cổ kính của những ngôi chùa cổ, và những dấu tích huy hoàng của những thành cổ, mà còn để hoàn thiện nền giáo dục cho các học sinh Quốc học Vinh" . Ông cũng chính là người đã quan tâm tìm hiểu gia phả, lịch sử các dòng họ lớn, qua đó để nghiên cứu lịch sử quốc gia hay địa phương. Đặc biệt, bằng cách sáng lập và chủ trì hội "An Tĩnh cổ học", cũng như lôi kéo học trò Quốc học vào hoạt động sưu tầm nghiên cứu lịch sử, văn hóa địa phương, thầy H. Le Breton đã truyền được cảm hứng lịch sử đến với nhiều người "Bạn phải biết những người đã tạo ra quê hương nhỏ bé nơi chúng ta đang sống, làng và tỉnh". Có thể nói, chính ông giáo thực dân này là người đã mang lại cho học trò Quốc học những bài học sâu sắc về lòng tự hào dân tộc và tình yêu đối với quê hương, đất nước mình.

Tương tự, tác phẩm "Truyện cụ Nguyễn Du" của thầy Lê Thước và Phan Sỹ Bàng, xuất bản năm 1924 cũng đặt nền móng cho việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du. Cuốn "Sách mẹo tiếng Nam "của thầy Lê Thước, Nguyễn Hiệt Chi cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt.

Không chỉ nghiên cứu, viết sách, những người thầy của Quốc học Vinh cũng là những trí thức chủ chốt của hội Quảng Tri, một hội quảng bá tri thức của giới trí thức ở Vinh nói riêng, Nghệ An nói chung. Nhiều năm liền thầy Lê Thước là Hội trưởng Hội Quảng Tri. Năm 1926, các thầy Lê Thước, Nguyễn Hiệt Chi là những người chủ trì tiếp đón cụ Phan Bội Châu, khi cụ về thăm quê dịp áp tết, qua đó quảng bá sâu rộng tấm gương yêu nước nhiệt thành của người chí sĩ. Hội Quảng Tri Vinh cũng chính là người có sáng kiến tổ chức các khóa học giành cho chánh tổng, chánh phó lý trưởng trong toàn tỉnh về quản lý. Trên cơ sở các bài giảng (thời đó gọi là diễn thuyết) của các khóa học này, thầy Lê Thước đã chủ biên, biên soạn thành cuốn sách "Hương chính chỉ nam" nổi tiếng. Xuất bản năm 1927, Hương chính chỉ nam có thể là bộ tài liệu huấn luyện cho "cán bộ cơ sở" đầu tiên ở nước ta. Loại trừ những vấn đề về quan điểm chính trị, thì cách lựa chọn nội dung cốt lõi, thiết thực để huấn luyện cho các chức dịch ở làng, xã, tổng của cuốn Hương chính chỉ nam đến nay vẫn cần được tham khảo.

Đặc biệt, Quốc học Vinh chính là một trong những nơi đầu tiên ở xứ Nghệ tiếp nhận và tỏa sáng những trào lưu văn minh mới. "Lam Thành túc cầu đội" của Quốc học Vinh thành lập năm 1921 chính là đội bóng đá đầu tiên của người Việt ở xứ Nghệ, mở đầu cho lịch sử 100 năm bóng đá Nghệ An và thành phố Vinh. Không chỉ thi đấu ở Vinh, Lam Thành túc cầu đội còn ra Nam Định, Thanh Hóa thi đấu. Bên cạnh đó nhiều thầy và trò của Quốc học Vinh còn nổi tiếng ở các môn thể thao khác, có người đã đoạt giải quán quân Trung Kỳ, như quyền anh (Trần Quốc Nghệ), quần vợt (Thái Nguyên Đào, Lê Khắc Nguyện), bóng bàn (Phạm Văn Giai, Phạm Văn Phác)…

Thầy trò Quốc học Vinh cũng nổi tiếng về các hoạt động văn nghệ. Lịch sử sân khấu Việt Nam ghi nhận "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long là vở kịch nói đầu tiên được dàn dựng và công diễn ở Hà Nội năm 1921. Một năm sau, học trò trường Quốc học Vinh đã tự tổ chức trình diễn vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long ở Vinh, rồi ra trình diễn ở thị xã Thanh Hóa và Nam Định để lấy tiền giúp dân bị lũ lụt. Báo chí đương thời thường xuyên đưa tin, tường thuật về các buổi biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao để quyên tiền làm việc thiện của thầy trò Quốc học Vinh.

Sau một trăm năm thành lập, trường Quốc học Vinh nay là trường PTTH Huỳnh Thúc Kháng càng lớn mạnh và trưởng thành. Tuy nhiên, chặng đường đầu tiên đã để lại những bài học lớn. Đó là chặng đường đầy khó khăn, nhưng thực sự "trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò", không chỉ dạy giỏi, học giỏi, mà Quốc học Vinh không đứng ngoài dòng chảy lịch sử của đất nước, quê hương. Trong thời kì đó, Quốc học Vinh thực sự xứng đáng là một trung tâm tri thức, trung tâm văn minh của Nghệ An, luôn tỏa sáng và lan tỏa ánh sáng văn minh ra xã hội. Chính vì vậy, từ mục tiêu đào tạo nhân lực cho chế độ thực dân, Quốc học Vinh đã trở thành cái nôi của những con người tiến bộ và cách mạng, có đóng góp to lớn cho đất nước, quê hương.

article?img id=2210739

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây