Chuyên san KHXH&NV số 3/2020

Thứ sáu - 27/03/2020 21:33 0

Bàn tròn tháng 3: Danh xưng Nghệ An & vai trò của Lý Thái Tông, Lý Nhật Quang

          LTSNăm 2020, Nghệ An tổ chức các hoạt động chào mừng 990 năm danh xưng Nghệ An. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với tỉnh Nghệ An, khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người Nghệ An trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước.

Để góp phần vào sự kiện chính trị - xã hội này, Chuyên san Khoa học xã hội và nhân văn Nghệ An tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Danh xưng Nghệ An và vai trò của Lý Thái Tông, Lý Nhật Quang". Xin lược đăng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý,... tại buổi Tọa đàm!

*   *   *

Ông Nguyễn Quốc Hồng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An:

Đặt vấn đề

          Ngày 11/4/2020 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An sẽ tổ chức kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An. Đây là sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa to lớn đối với tỉnh nhà. Thông qua các hoạt động kỷ niệm tiếp tục làm sáng rõ ý nghĩa lịch sử quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nghệ An. Với bề dày lịch sử 990 năm, từ một vùng đất biên viễn, phên dậu phía Nam của Quốc gia Đại Cồ Việt, Đại Việt, Nghệ An đã trở thành trung tâm giao thoa, hội tụ các vùng văn hóa và tạo cho mình một sắc diện văn hóa khó lẫn với các vùng khác.

          Hoạt động kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An tiếp tục khơi dậy truyền thống tốt đẹp của vùng đất Nghệ An. Là dịp để chúng ta nhìn lại, tiếp tục khẳng định và tôn vinh giá trị lịch sử, truyền thống quê hương Nghệ An. Đồng thời rút ra từ thực tiễn lịch sử những bài học quý báu cho tỉnh nhà trong sự nghiệp xây dựng quê hương thời kỳ hội nhập và phát triển.

           Nội dung cuộc Tọa đàm tập trung vào những vấn đề sau đây:

          Thứ nhất, ý nghĩa lịch sử của Lý Thái Tông đổi tên từ Hoan Châu thành Nghệ An châu trại.

          Thứ hai, vai trò của nhà Lý cụ thể là Lý Thái Tông và Lý Nhật Quang đối với quá trình hình thành, phát triển của Nghệ An và vai trò của Nghệ An trong triều đại nhà Lý?

          Thứ ba, khẳng định những đóng góp của Nghệ An đối với triều đại nhà Lý trước đây và đối với đất nước hiện nay.

          Thứ tư, bàn thêm về năm danh xưng Nghệ An. 

          Tại cuộc Tọa đàm hôm nay rất mong nhận được những ý kiến thảo luận của các chuyên gia về những nội dung trên.

 

PGS.TS Nguyễn Quang Hồng - Khoa Lịch sử, Đại học Vinh:

Từ năm 2003 đến nay, khi lựa chọn mốc danh xưng Nghệ An chưa có ý kiến khoa học nào đủ thuyết phục để thay đổi

          Theo quan điểm của tôi, mốc lịch sử danh xưng Nghệ An chính là năm 1030 và chúng ta không nên bàn thêm về vấn đề này vì: Thứ nhất về tư liệu, trong 2 bộ chính sử Ngô Sỹ Liên với các sứ thần và Việt sử thông giám cương mục của nhà Nguyễn, Dư địa chí của Nguyễn Trãi; Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch đều nói về năm 1030. Thứ hai, khi lựa chọn mốc năm danh xưng, các nhà nghiên cứu lịch sử "cây đa cây đề" đã tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau và từ năm 2003 đến nay, khi lựa chọn mốc danh xưng đó chưa có ý kiến khoa học nào đủ thuyết phục để thay đổi.

          Khi đánh giá về vai trò đối với sự hình thành và phát triển của Nghệ An thì không nên chỉ nói về 1 ông vua là Lý Thái Tông mà nên gắn với cả vương triều nhà Lý trong đó nhấn mạnh 3 nhân vật: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông và Lý Thánh Tông với hệ thống vương công quý tộc.

          Đánh giá vai trò và vị thế của Uy minh vương Lý Nhật Quang nên có cái nhìn trên một phạm vi rộng: thứ nhất, đối với đất nước, cụ thể ở đây là việc yên dân cả một vùng bờ cõi từ Nam Thanh Hóa vào tận Quảng Bình; thứ hai là góp phần lớn trong việc ổn định quan hệ hữu nghị giữa Đại Cồ Việt, Đại Việt với nước Chiêm Thành. Còn những uẩn khúc về nhân vật này thì hi vọng quá trình nghiên cứu sẽ có những tư liệu làm sáng tỏ như: Tại sao năm 1056 vương triều nhà Lý lại không trọng dụng Lý Nhật Quang? Bí mật về cái chết đầy uẩn khúc của ông?

 

PGS. TS Trần Viết Thụ - Hội Khoa học Lịch sử Nghệ An:

Nhà Lý luôn có sự "ưu ái" đối với cùng đất Nghệ An

          Lý giải vì sao nhà Lý lại có sự quan tâm "ưu ái" đối với vùng đất Nghệ An? Đối với điều này chúng ta cần phải nhìn một cách toàn diện, đứng vào thời điểm lịch sử lúc bấy giờ để nhìn nhận.

          Có 3 lý do: Thứ nhất là xuất phát từ nhu cầu của triều đại nhà Lý, đó là muốn xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền dân chủ tập trung theo mô hình của nhà Tống Trung Quốc. Đây là xu hướng tiền Lê và đến thời Lý, Trần đang xây dựng nhà nước quân chủ theo mô hình này. Trong khi đó những yếu tố cát cứ, những yếu tố phân quyền, li tâm hết sức đậm nét. Và mãi đến sau này thời nhà Trần vẫn còn.

          Thứ 2 là chính sách an dân của triều đại nhà Lý, chính sách an dân kéo dài đến sau này, đậm nhất là ở hai triều đại Lý, Trần. Nhà Lý rất quan tâm đặc biệt vùng biên viễn, nhờ nó mà thu phục lòng dân, giữ yên biên cương. Vì theo sử sách ghi chép, những vùng biên viễn thường xảy ra nổi loạn, thậm chí trong 20 năm đầu xảy ra 3 cuộc nổi loạn lớn, thậm chí vua phải đứng ra đánh dẹp dân, cho nên chính sách an dân vùng biên viễn được chú trọng hàng đầu.

          Thứ 3, vị trí địa chiến lược của vùng đất, Nghệ An là mảnh đất biên viễn, tuy là châu trại nhưng hết sức quan trọng trong việc giữ yên biên cương phía Nam tổ quốc, cho nên vì thế mà nhà Lý đặc biệt ưu ái đến vùng đất này.

 

Ông Đào Tam Tỉnh - Nguyên GĐ Thư viện tỉnh Nghệ An:

Theo tôi, lấy năm 1030 làm năm danh xưng Nghệ An là phù hợp

          Trước hết giải nghĩa từ Nghệ An: chữ Nghệ theo Từ điển Hán Việt có 2 nghĩa: 1. là trị được dân yên; 2. tài giỏi. An là yên, bình an; nghĩa 2 là an cư lạc nghiệp.

          Theo Hán Việt từ điển Đào Duy Anh thì Nghệ là sửa trị, người hiền tài; An là êm đềm, trái với nguy. Từ đó chúng ta tạm hiểu, Nghệ An có nghĩa là tổ chức việc cai quản cho tốt, làm cho dân được yên, lạc nghiệp trên vùng đất này.

          Từ tư tưởng đó cho nên vua Lý Thái Tông đã cho đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An. Chắc chắn cả giai đoạn đó, triều đình cũng như các quan thần đều mong muốn là làm thế nào cho vùng này yên bình, phát triển thịnh trị. Mốc danh xưng năm 1030 theo tôi được chọn bởi dựa vào 3 tài liệu quan trọng: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch và Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn. Cả 3 tư liệu này đều nằm trong kho tư liệu triều đình, và cả 3 tác giả này đều là người xứ Nghệ, thì chắc chắn khi nghiên cứu danh xưng Nghệ An đều khảo cứu rất kỹ, và việc lựa chọn năm danh xưng của những giáo sư đầu ngành chắc theo căn cứ như vậy. Do đó, lấy năm 1030 làm năm danh xưng Nghệ An là phù hợp.

          Ý tưởng triều Lý rất lớn nhằm xây dựng Nghệ An thành đất phồn thịnh có nhiều kho trại của đất nước vì thế đã giao việc cho Lý Nhật Quang và ông có thể thay mặt vua để xử lý tất cả mọi việc, thực hiện ý tưởng của triều đình. Có thể nói ông là vị Tri châu đầu tiên của Nghệ An. Khi được trao tiếp việc ông đã thực hiện được nhiều chính sách hiệu quả như: Tổ chức khai hoang xây dựng nhiều làng ấp; Xây dựng nhiều kho trại từ Thanh Hóa đến Đèo Ngang tức là quản lý cả Châu Hoan, Châu Diễn; cho đắp đê sông Lam để bảo vệ mùa màng; Tổ chức tế giao - lập đàn tế trời đất ở Nghi Công, Nghi Lộc dưới chân núi phía Bắc Đại Tuệ.

          Rõ ràng triều Lý rất quan tâm vùng đất Nghệ An và đã đổi tên cho vùng đất này là Nghệ An vào năm 1030, đồng thời tổ chức giao cho hoàng thân quốc thích cai trị tổ chức quản lý vùng đất này để yên dân.

 

Ông Trần Mạnh Cường - Thư viện tỉnh Nghệ An:

Nghệ An ra đời năm Thông Thụy thứ 3 - 1036 theo Đại Việt sử ký toàn thư chứ không phải Thiên Thành thứ 3 tức là năm 1030

          Một số ý kiến cho rằng việc lựa chọn năm 1030 theo các tài liệu Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch. Trước hết nói về tác giả Phan Huy Chú với 2 tác phẩm đó là Lịch triều hiến chương loại chí và Hoàng Việt dư địa chí, tuy rằng cùng 1 tác giả nhưng trong hai cuốn sách tác giả lại chép năm ra đời danh xưng Nghệ An khác nhau, đó là trong Hoàng Việt dư địa chí tác giả ghi Hoan Châu đổi thành Nghệ An năm 1030, nhưng trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí lại ghi sự việc đó được diễn ra vào năm 1033. Do đó trong bản thân 1 tác giả việc ghi chép sự kiện đã không thống nhất.

          Điều nữa là cuốn Nghệ An ký của tác giả Bùi Dương Lịch, đó là cuốn địa chí địa phương thì không có tầm bao quát các sự kiện như Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) bởi ĐVSKTT là cuốn chính sử, quốc sử duy nhất, cổ nhất còn lại của đất nước ta cho đến ngày hôm nay. Tất cả mọi trích dẫn, mọi nghiên cứu về nước ta đều phải trích dẫn từ đó. Ngay ở các quốc gia láng giềng cũng đánh giá cao ĐVSKTT. Chính phủ Nhật Bản khi cho phát hành ĐVSKTT đã khẳng định "Sử An Nam không có sách nào đầy đủ hơn sách này, nên mới có tên gọi là Toàn thư", hay như Nhà xuất bản Đại học sư phạm Tây Nam xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư lưu hành tại Trung Quốc, với lời nhận định "Đại Việt sử ký toàn thư" cùng với "Sử Cao Ly", "Sử Đại Nhật Bản" là các bộ chính sử văn hiến của các quốc gia láng giềng, là cuốn sách lịch sử tiêu biểu và đầy đủ nhất của lịch sử Việt Nam thời cổ đại… Với vị thế đặc biệt quan trọng như vậy nên các bộ quốc sử chính thống của Việt Nam sau này như Đại Việt sử ký tiền biên (triều Lê - Trịnh), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (triều Nguyễn) đều được biên soạn dựa trên cơ sở cốt yếu lấy từ Đại Việt sử ký toàn thư; hay như các bộ phương chí khi viết về những sự kiện nhân vật lịch sử địa phương cũng đều dẫn nguồn từ đó. Vì vậy, khi bất cứ thông tin sự kiện nào được viết khác với Đại Việt sử ký toàn thư tất phải có sự giải thích hay kiến giải cụ thể để chứng minh cho sự khác biệt đó.

          Ở đây tôi xin nhấn mạnh Nghệ An ra đời năm Thông Thụy thứ 3 - 1036 chứ không phải Thiên Thành thứ 3 tức là năm 1030. Đầu tiên phải nói trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi rõ: (Tháng tư, mùa hè năm Bính Tý thứ 3 [niên hiệu Tống Cảnh Hựu năm thứ 3] đặt Hành doanh ở Hoan Châu, nhân đó mà đổi châu ấy là Nghệ An).

          Năm Bính Tý thứ 3, tức niên hiệu Thông Thụy năm thứ 3, Châu Hoan chính thức đổi tên thành Nghệ An. Chính vì vậy, từ đó về sau vùng đất này đều sử dụng tên gọi mới là "Nghệ An" còn tên gọi cũ là Hoan Châu đã không còn được sử dụng. Cụ thể: Năm Đinh Sửu, niên hiệu Thông Thụy năm thứ 4 (1037), xuống chiếu cho châu Nghệ An dựng các kho ở trong châu như Tư Thành, Lợi Nhân, Vĩnh Phong, tất cả 50 sở. Hay năm Tân Tỵ, niên hiệu Càn Phu Hữu Đạo năm thứ 3 (1041), xuống chiếu cho Uy Minh hầu Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Nếu như năm Thiên Thành thứ 3 (1030), Hoan Châu đổi tên thành Nghệ An như sách Nghệ An ký đã chép, thì tại sao những năm tiếp theo trong bộ chính sử là Đại Việt sử ký toàn thư vẫn sử dụng cái tên Hoan Châu? Cụ thể: Năm Tân Mùi, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 4 (1031) Châu Hoan làm phản, cho Đông cung thái tử làm Giám quốc. Quân đi từ Kinh sư đến châu Hoan, người châu ấy đầu hàng. Xuống chiếu tha tội cho các quan châu huyện, sai Trung sứ phủ dụ dân chúng. Tháng 3, vua từ châu Hoan về đến Kinh. Năm Giáp Tuất, niên hiệu Thiên Thành năm thứ 7 (1034), châu Hoan đem dâng con thú một sừng... Vậy nếu như tên Nghệ An được đổi từ năm 1030, thì tại sao trong vòng 5 năm liên tục chính sử Việt Nam vẫn nhắc vùng đó là Hoan Châu mà không phải Nghệ An, chẳng lẽ bộ sử ký lớn như vậy có giá trị như vậy mà lại sai sót đến 5 năm. Xưa nay chưa ghi nhận một trường hợp nào như vậy cả.

          Thứ nữa trong tập "Quan Đông hải" có bài khảo luận rất đặc biệt của tác giả Nguyễn Hành, bài khảo lược riêng về tên gọi Nghệ An, Hoan Châu và Việt Thường. Ở đây đã nhấn mạnh tên gọi Nghệ An: "Theo quốc sử, vào năm Cảnh Thụy thứ 2 đời Lê Ngọa triều, vua thân chinh đi đánh dẹp các châu Hoan Đường, Thạch Hà. Năm Thông Thụy thứ 3 đời Lý Thái Tông mới đổi tên gọi Hoan Châu thành Nghệ An… ".

          Qua bài tựa cho sách "Nghệ An phong thổ ký" và bài "Khảo luận về tên gọi Nghệ An, Hoan Châu, Việt Thường", chúng ta thấy rằng đây đều là những thông tin cực kỳ chi tiết không chỉ về danh xưng mà còn là cương vực, duyên cách của mảnh đất Nghệ An mà tác giả đã dày công khảo luận, sắp xếp sự kiện, đối chiếu rõ ràng. Điều đặc biệt là tác giả Nguyễn Hành ghi rất rõ cho việc khảo luận của mình là "Án quốc sử" nghĩa là: "căn cứ vào quốc sử".

Qua những cứ liệu trên có thể nói Nghệ An được chính thức đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An vào nămThông Thụy 1036, chứ không phải năm 1030.

 

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ:

Lý Nhật Quang không những là thành hoàng mà còn là tổ phụ của nhiều nghề phụ nông nghiệp ở Nghệ An

          Ở đây tôi chỉ muốn nói đến vai trò của nhà Lý và Lý Nhật Quang đối với sự hình thành và phát triển của Nghệ An. Theo sử sách ghi chép, nhà Lý có ảnh hưởng rất lớn tư tưởng của đạo Phật, thể hiện trong chính sách dựng nước: chính sách khoan nhượng, an dân, cho xây dựng nhiều chùa chiền, đặc biệt là Lý Thái Tông còn cho người xin Kinh Phật về kho lưu trữ của triều đình. Ngay cả chuyện đánh vào Chiêm Thành nhưng chỉ dụ không được đánh chém dân lành. Tôi nghĩ chính đạo Phật là một trong những tác động rất lớn trong tư tưởng trị dân của triều Lý.

          Thứ nữa là vai trò nhà Lý đối với sự hình thành và phát triển của Nghệ An, đó không chỉ vấn đề dẹp yên, vấn đề kỷ cương mà cả về chính trị (cai trị), văn hóa (phát triển tâm linh, phát triển văn hóa đền chùa), đặc biệt kinh tế. Có nhận định Lý Nhật Quang không những là thành hoàng mà còn là tổ phụ của nhiều nghề phụ nông nghiệp như: Chăn tằm dệt lụa, rèn, đóng thuyền Nghi Thiết,... Như vậy, ảnh hưởng của ông không chỉ trong vấn đề quân sự mà cả trong vấn đề nông nghiệp, đất đai,… Đó cũng là bài học mà từ xa xưa ông cha ta đã để lại, muốn yên dân thì phải phát triển kinh tế, xã hội.

          Lý Nhật Quang cũng là người khởi xướng đắp đê sông Lam, kết nối kênh nhà Lê, và mở một loạt hệ thống giao thông đường thượng đạo đi lên miền Tây ra Thanh Hóa, qua Đèo Ngang, đi Lào, đó là vấn đề đến nay vẫn nguyên giá trị bài học phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ chính sách khai khẩn đất đai, khuyến nông, khuyến thương, mà Nghệ An không chỉ là nơi cung cấp người để đánh giặc mà còn nơi cung cấp kinh tế để chuẩn bị cho các cuộc kháng chiến.

          Một bài học nữa của nhà Lý đó là chính sách luân chuyển cán bộ, đưa người tài, người của triều đình về làm tri huyện 16 năm, khi thành công thì mới đưa lên làm tri châu 3 năm. Trong sách "Việt điện u linh" có đoạn viết về Lý Nhật Quang, đại ý: "Lý Bát Lang thân làm con vua, giữ lấy Tiết việt, đương một phương điện, khiến cho nhân dân và mọi rợ đều sợ phục, triều nội xưng khen. Đến lúc đi có sự tình cảm thì níu xe than khóc. Đến lúc chết có cái triệu chứng vâng mệnh lên trời. Lòng dân mến mộ công đức của vương, lập đền thờ phụng, thì ra ân huệ cả người biết là ngần nào".

          Qua đó có thể đánh giá, chính sách dựng nước, an dân phát triển kinh tế của đời Lý, đặc biệt là việc đưa người tài có xuất thâ từ vua chúa về cai quản vùng đất biên viễn vốn ngỗ ngược có giá trị đến ngày hôm nay.

 

Ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc Bảo tàng Nghệ An:

Nếu nói năm danh xưng Nghệ An là 1030, vậy thì từ mấy thế kỷ trước, tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư, một tác phẩm được giới Sử học trong khu vực và Việt Nam xem là một cuốn "sử cái" là sai?

          Tôi đồng tình với một số ý kiến của các đại biểu tham dự buổi tọa đàm hôm nay, về vai trò của nhà Lý và Uy minh vương Lý Nhật Quang đối với Nghệ An. Tuy nhiên, đối với vấn đề năm danh xưng Nghệ An thì đã có nhiều ý kiến thảo luận, thậm chí có ý kiến không nên bàn về vấn đề này nữa vì đã có kết luận giữa các nhà khoa học lịch sử hàng đầu và các nhà quản lý của tỉnh. Nhưng theo tôi nghĩ rằng vấn đề lịch sử không phải là vấn đề có thể kết luận được, mà nó vấn đề mở, nếu chưa xác thực, hoặc còn nghi vấn thì còn cần bàn luận, cần đưa ra những tư liệu xác tín hơn.

          Hiện nay chúng ta đang lấy năm 1030 là năm danh xưng Nghệ An, căn cứ vào quyển 1 Dư địa chí của Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, người sinh vào thế kỷ 18-19. Đây là một tác phẩm đồ sộ, có tính chất bách khoa bác học ta không phủ nhận, nhưng không có nghĩa họ hoàn toàn chính xác. Bởi nếu nói danh xưng Nghệ An có từ năm 1030, vậy thì từ mấy thế kỷ trước, tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư mà bản khắc ấn chúng ta phát hiện năm Chính Hòa (1697) và được tất cả các giới sử học trong khu vực và Việt Nam xem là một cuốn "sử cái" là sai? Trong Đại Việt sử ký toàn thư có 3 mốc nói về Nghệ An: 1036 - Lý Thái Tông vi hành về đến Hoan Châu đặt thành Dinh, ngự tại đây, nhân đó đổi Châu Hoan thành Nghệ An. Sau này, khi Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí có sử dụng tư liệu của Đại Việt sử ký toàn thư? Tiếp đến là năm 1039, Lý Nhật Quang được cử vào Nghệ An để thu thuế; năm 1041 được cử vào làm Tri châu Nghệ An. Vậy những mốc mà Đại Việt sử ký toàn thư đưa ra, là cuốn sách lịch sử loại chí đã được viết rõ ràng minh bạch, ghi chép có tính chất biên niên, rất khác với cách viết của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí.

          Do đó, theo tôi lịch sử là lịch sử, lịch sử là phi chính trị, không thể áp đặt. Vì vậy cần phải có sự cẩn trọng, chúng ta là những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà tham mưu nên trong buổi tọa đàm này cần có tiếng nói nào đó. Tôi với tư cách là người làm công tác nghiên cứu vẫn băn khoăn với những ý kiến của lịch sử, với các triều đại lịch sử, với những con người đó, với cách viết đó, với thời cuộc đó, vì thế vấn đề danh xưng vấn có những tồn nghi.

 

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Sở Văn hóa và Thể thao:

Nên chăng có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị về nhà Lý và Lý Nhật Quang tại Nghệ An?

          Về vấn đề năm danh xưng Nghệ An, vì sao tỉnh lựa chọn năm 1030 vì chúng ta có nhiều tư liệu nói về sự kiện này. Khi Sở Văn hóa và Thể thao trình chương trình sự kiện kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã lật lại vấn đề là tại sao lại chọn năm này? Sở Văn hóa Thể thao cũng đã tham mưu với Tỉnh ủy, thành lập tổ tư vấn và xin ý kiến nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học,... và cuối cùng Thường vụ đã thông qua phương án này. Nói như thế để thấy, việc lựa chọn năm danh xưng Nghệ An cũng đã được Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành liên quan đã hết sức thận trọng.

          Chỉ có một điều chúng ta cần tìm hiểu và bổ sung hiện nay chính là về vai trò vị trí của Uy minh vương Lý Nhật Quang trong sự hình thành và phát triển Nghệ An. Do lịch sử đã lùi xa, các tư liệu về Lý Nhật Quang cũng như triều đình nhà Lý đối với Nghệ An chưa khai thác được gì nhiều. Do đó về mặt học thuật cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, theo đó chúng ta hiện nay cần tổng hợp, hệ thống hóa lại những kết quả nghiên cứu có được từ trước đến nay để đưa ra những nhận định chính xác, khoa học, khái quát nhất về: vai trò của Lý Nhật Quang đối với sự phát triển Phật giáo ở Nghệ An - một mảng chưa được nghiên cứu nhiều; Đánh giá đầy đủ các chính sách của Lý Nhật Quang trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp, nuôi dưỡng sức dân, thu thuế,… ; Làm rõ nhân cách, tài trí, đức độ của Tri châu Lý Nhật Quang - Một người có sức cảm hóa rất mạnh, rất kỳ lạ.

Từ đó tôi nghĩ: Nên chăng có chủ trương về bảo tồn và phát huy giá trị về nhà Lý và Lý Nhật Quang tại Nghệ An. Cả nước hiện có 95 nơi thờ cúng Lý Nhật Quang, riêng Nghệ An có hơn 40 đền thờ. Tuy nhiên chỉ có một số đền được duy trì, một số đền đã trở thành phế tích. Nên chăng Nghệ An cần có nơi để tôn vinh, tưởng niệm Lý Nhật Quang do thế hệ ngày nay xây dựng nên? Hai nữa, đối với kịch bản 990 danh xưng Nghệ An, cần đưa hình tượng về Lý Nhật Quang vào các tác phẩm nghệ thuật để phục vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống.

 

Ông Trần Trung Hiếu - GV dạy Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu:

Mộc bản triều Nguyễn thì lại ghi năm danh xưng Nghệ An là 1029 (năm Thiên Thành thứ hai cho đổi thành Nghệ An)

          Ở đây tôi chỉ phát biểu trong phạm vi là nghiên cứu danh xưng Nghệ An được khắc trong Mộc bản triều Nguyễn mà năm 2009 đã được Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới. Về mốc thời gian được lấy là năm ra đời danh xưng Nghệ An 1030 thì đã có sự thống nhất của tỉnh Nghệ An, chúng ta không nên bàn cãi về vấn đề này nữa; tuy nhiên, xét về góc độ khoa học chúng ta nên cởi mở trao đổi để rộng đường dư luận, vẫn có thể tiếp tục đăng các bài khảo cứu của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trên các tạp chí khoa học để có cách nhìn tổng thể hơn về Nghệ An và danh xưng Nghệ An.

          Trong quá trình khảo cứu Mộc bản triều Nguyễn, tôi thấy có một mốc thời gian được ghi trong Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch về danh xưng Nghệ An là 1030 và có cả một số tài liệu khác. Còn trong Mộc bản triều Nguyễn thì lại ghi là năm 1029 (năm Thiên Thành thứ hai cho đổi thành Nghệ An). Vì thế chúng ta không nên khẳng định là năm nào là đúng, là chính xác? Chúng ta cần tập hợp các tư liệu để có một tài liệu tham khảo cho cho lãnh đạo tỉnh, cho các hoạt động nghiên cứu khoa học khác sau này.

          Liên quan đến vấn đề danh xưng Nghệ An thì sắp tới trong Lễ kỷ niệm 990 năm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4 sẽ phối hợp với Nghệ An tổ chức trưng bày chuyên đề: Nghệ An - đi tìm cội nguồn qua Mộc bản triều Nguyễn, sẽ trưng bày các mộc bản triều Nguyễn có liên quan đến năm danh xưng Nghệ An. Dựa vào những tài liệu này chúng ta sẽ có cái nhìn toàn diện hơn, khách quan hơn, sát thực hơn về năm danh xưng Nghệ An.

 

Ông Trần Văn Hữu - Ban Quản lý Di tích:

Cần tìm hiểu Nghệ An ra đời khi nào với tư cách là đơn vị hành chính đầu tiên

          Theo tôi chúng ta không nên chỉ đóng khung năm ra đời là 1030 hay 1036 mà vấn đề là chúng ta cần phải đi sâu tìm kiếm, tiếp cận thêm nhiều tài liệu nữa, có thể là những tài liệu, sử liệu ở nước ngoài như sử liệu của Trung Quốc, Nhật Bản, hay Cao Ly (Hàn Quốc). Những cuốn sách lịch sử đều được viết lại sau một thời gian khá lâu sau đó, vì thế có thể tên Nghệ An đã xuất hiện nhưng chưa được phổ biến rộng rãi trong các văn bản hành chính, cho nên tên gọi này có thể vẫn được gọi theo thói quen cũ.

          Vấn đề là chúng ta cần xác định chính xác là thời điểm nào xuất hiện tên Nghệ An, tìm hiểu Nghệ An ra đời khi nào với tư cách là đơn vị hành chính đầu tiên còn cách gọi châu hay trại đều không quan trọng.

 

Ông Nguyễn Quốc Hồng:

Kết luận

          1. Theo Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, Nghệ là sửa trị, An là yên bình: Tổ chức cai trị tốt để nhân dân được sống yên bình.

          Việc đổi tên gọi từ Hoan Châu thành Nghệ An châu trại có ý nghĩa cai trị tốt để dân sống bình an; quan trọng là trị an, yên ổn để cai trị bình an. Hoan Châu thời kỳ đó là một cùng đất nghèo nàn, nhiều biến loạn, bởi vậy mong ước của nhà Lý mà cụ thể là vua Lý Thái Tông muốn vùng đất biên viễn này được phồn thịnh về kinh tế, ổn định về xã hội làm chỗ dựa cho triệu đại nhà Lý.

          Vua Lý Thái Tông đã đưa Lý Nhật Quang về cai trị Nghệ An và trở thành người có công rất lớn đối với Nghệ An. Từ một người giữ chức thu thuế (1039) đến 1041 bổ nhiệm làm tri châu Nghệ An, từ một tước hầu được ban quyền "tiết việt" rồi được phong tước Vương (Uy minh vương),... Tất cả chứng tỏ tầm nhìn của vua Lý Thái Tông và tài ba, năng lực của Lý  Nhật Quang.

          2. Vai trò của của Lý Nhật Quang đối với Nghệ An:

          - Trước hết là lập lại trật tự kỷ cương phép nước và thực hiện quản lý bộ máy chính thức bằng bộ luật Hình thư, lần đầu tiên áp dụng ở Nghệ An được thực hiện rất chỉnh chu. Chỉ trong thời gian rất ngắn Lý Nhật Quang đã lập lại được trật tự kỷ cương ở vùng đất Nghệ An.

          - Về phát triển kinh tế trên 3 lĩnh vực: thứ nhất về nông nghiệp thì ngoài khai hoang phát triển mở rộng đất đai như khai quang lập ấp ở Khe Bố - Con Cuông, Tương Dương, Yên Thành,… thì Lý Nhật Quang còn phát triển một số nghề mới như nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa… tạo ra hoạt động rất phong phú trong lĩnh vực này. Ông là người đầu tiên cho dân thực hiện đắp đê sông Lam, nạo vét sông Đa Cái (Hưng Chính, Hưng Nguyên). Về thủ công nghiệp: hướng đến phát triển nghề thủ công vừa phục vụ cho đời sống dân sinh vừa phục vụ quốc phòng như nghề khai mỏ, luyện kim, rèn, mộc, đóng thuyền,… Về thương nghiệp: Đã mở nhiều chợ trong tỉnh, trên bến sông, cửa biển; quan trọng nhất là dùng hai loại tiền để lưu hành (Trần Phủ Nguyên Bảo và Minh Đạo Thông Bảo được đúc thời đó) được sử dụng rộng rãi trong hoạt động thương nghiệp trên địa bàn Nghệ An.

          - Về giao thông: Khai mở hai con đường thượng đạo: từ Đô Lương đến Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương; Kỳ Sơn đến giáp Lào và con đường thứ hai là từ Đô Lương đến Thái Hòa (Nghĩa Đàn) nối đường Nghĩa Đàn ra Thanh Hóa ra Hoa Lư, Thăng Long. Ông còn cho dân mở thêm tuyến Đô Lương vào Đèo Ngang.

Về quân sự, Lý Nhật Quang đã trở thành vị tướng rất có tầm nhìn và giúp cho triều đình trong các trận chiến, đặc biệt là đánh giặc Ai Lao, ổn định được vùng này.

          - Về văn hóa giáo dục: triều đại Lý, Phật giáo trở thành quốc đạo, bản thân Lý Nhật Quang là phật tử nên ông rất chăm lo việc này, chăm lo xây dựng chùa chiền tạo điều kiện cho dân đến cúng bái, chỉ tính riêng lỵ Bạch Đường đã có 8 ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau do Lý Nhật Quang xây dựng. Tạo ra đời sống văn hóa tâm linh ổn định của người dân Nghệ An thời kỳ đó.

          Giáo dục: trong quá trình làm tri châu, Lý Nhật Quang chủ trương xây nhiều trường học. Giai đoạn ông nhậm chức, nhiều người Nghệ An được tham gia học mặc dù lúc đó triều đình chưa có khoa cử.

          Có thể nói, trong 16 năm từ một quan thu thuế đến tri châu, Lý Nhật Quang đã ra sức xây dựng, dìu dắt nhân dân Nghệ An xây dựng từ một vùng đất nghèo nàn, nhiều biến loạn trở thành một châu phồn thịnh về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục,... đã làm chỗ dựa cho các triều đại phong kiến của quốc gia Đại Cồ Việt, Đại Việt trong lịch sử. Sau khi ông mất vị thế và tầm ảnh hưởng của Lý Nhật Quang in đậm trong đời sống tâm linh của nhân dân xứ Nghệ và cả nước đến tận ngày nay.

          3. Về năm danh xưng: kết luận khoa học của cuộc Tọa đàm xác định mốc lịch sử có tên gọi Nghệ An tại Hà Nội ngày 11/1/2003 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh, đề xuất chọn 1 trong 2 thời điểm 1030 và 1036 làm mốc ra đời tên gọi Nghệ An. Sau khi có nhiều ý kiến tranh luận, tại cuộc tọa đàm này chúng tôi vẫn tôn trọng các ý kiến của các đồng chí và để rộng đường trao đổi thêm đề nghị các đồng chí có những bài viết sâu hơn về quan điểm của mình để đăng trên các báo khoa học khác, còn tại cuộc Tọa đàm này, chúng tôi chưa đủ cơ sở để kết luận.

TÒA SOẠN

LTSNgười Thái ở Nghệ An, có một nền nghệ thuật dân gian khá phát triển, biểu hiện ở các loại hình như dân ca, dân nhạc, dân vũ với các loại hình diễn xướng khác nhau. Các loại hình nghệ thuật này thường liên quan đến các chủ đề về: Lao động sản xuất, tình yêu trai gái, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, bản mường,... và được diễn ra trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, cưới xin, mừng nhà mới, lễ tết và cả trong đời thường.

Tuy nhiên nền nghệ thuật dân gian này đang đứng trước nguy cơ mai một, do nhiều nguyên nhân như: Môi trường, điều kiện tự nhiên, xã hội đang thay đổi; sự tiếp nối của giới trẻ đang có xu hướng bị đứt gãy,... đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy một cách cấp thiết.

Để hiểu thấu đáo hơn vấn đề này, Chuyên san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ Lê Quốc Hoàng, Nghệ nhân ưu tú, người có nhiều tâm huyết và đóng góp trong bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân gian của người Thái Nghệ An.

 

*   *   *

PV: Từ trước đến nay, nói đến Nhạc sĩ Lê Hoàng, là nói đến đam mê sưu tầm, nghiên cứu và phát huy nghệ thuật dân gian của dân tộc Thái, ngọn nguồn của đam mê đó là từ đâu, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Lê Hoàng: Tôi sinh ra và lớn lên ở bản Pha, xã Yên Kê, huyện Con Cuông - một cái nôi của âm nhạc dân gian của người Thái. Vùng đất này ngày xưa đã phát triển rất mạnh các phong trào văn nghệ dân gian, trong đó có các làn điệu lăm khắp, xuôi nhuôn mà thời trai trẻ của tôi đã được ngấm vào tâm hồn.

Bà con nơi đây rất yêu văn nghệ, dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng có thể cất lên tiếng hát, họ hát hồn nhiên như cuộc sống. Các điệu hát nhuôn, xuối, lăm, khắp,.. với các điệu múa trống chiêng, lăm vông, múa giỗ ống (tằng bu),... được bà con truyền từ đời này đến đời khác, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay với một sức sống mãnh liệt.

Tuổi thơ của tôi gắn liền với những ngày hội bản, hội mường, với những câu nhuôn, điệu khắp; với tiếng cồng rộn vang; với tiếng khèn, tiếng pí du dương, trầm bổng. Những làn điệu dân ca, dân vũ và dân nhạc cổ truyền của quê hương đã thắp lửa đam mê trong tôi. Những ca khúc tôi sáng tác thường mang đậm nét đời sống tâm hồn, tình cảm của đồng bào và mang nặng hơi thở của cuộc sống bản làng hôm nay. 

Sau này các phong trào này đang bị mai một dần, nhiều nghệ nhân lớn tuổi đã về với mường trời mà ít có sự truyền nghề cho thế hệ con cháu. Điều này cũng đã thôi thúc trong tôi cần làm một điều gì đó, phải sưu tầm, tập hợp, biên tập, đi sâu nghiên cứu để sau này có thể trao truyền cho các thế hệ trẻ để họ tiếp tục kế thừa nền nghệ thuật dân gian dân tộc Thái, đặc biệt là dân tộc Thái ở Con Cuông.

 

PV: Theo như Nhạc sĩ nói thì dân tộc Thái Nghệ An có một nền nghệ thuật dân gian rất đặc sắc, vậy Nhạc sĩ có thể cụ thể hơn về những đặc sắc đó?

NS Lê Quốc Hoàng: Đúng vậy, nói về nghệ thuật dân gian của dân tộc Thái Nghệ An là nói đến sự đa dạng, phong phú và đặc sắc với các loại hình phổ biến là các làn điệu dân ca, các điệu múa dân gian đặc trưng kèm với đó là các loại nhạc cụ truyền thống đa dạng.

Về các làn điệu dân ca của người Thái Nghệ An rất phong phú và giàu chất trữ tình, chứa đựng nhiều nội dung: tình yêu đôi lứa, sự thủy chung, tình yêu với bản mường, quê hương,... Các làn điệu dân ca phổ biến gồm có: nhuôn, xuối, lăm, òn, khắp, ru con,... Các làn điệu dân ca này được bà con diễn xướng ở nhiều khung cảnh, không gian khác nhau như: lễ hội, đám cưới, nghi lễ, và cả trong đời sống hàng ngày. Nó được xem như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.

Về dân vũ, người Thái Nghệ An có những điệu múa dân gian đặc trưng như: múa trống chiêng (phọn côồng coong), múa sạp, múa lăm vông,... Những điệu múa dân gian này vốn là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao đã tồn tại lâu đời trong đời sống tinh thần của bà con dân tộc Thái. Nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người. Múa như ngọn lửa diệu kỳ cháy mãi lên ca ngợi những gì là tốt đẹp nhất của tình yêu và cuộc sống.

Đi cùng với làn điệu dân ca và điệu múa là các loại nhạc cụ truyền thống với đủ các họ nhạc cụ: Khèn bè, kèn lá, xi xờ lo, sáo, trống dây (tập tinh), khắc luống,... Các nhạc cụ này hiện vẫn đang được các nghệ nhân dân gian lưu truyền và phát huy trong sinh hoạt đời thường, các dịp hội hè, lễ tết của họ.

Có thể nói, dù cuộc sống của đồng bào  dân tộc Thái còn nhiều khó khăn, hạn chế điều kiện kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng... nhưng nghệ thuật dân gian của đồng bào vẫn luôn toát lên sự phong phú, đặc sắc, những dân nhạc, dân vũ này đã góp phần tạo nên bản sắc dân tộc trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam vừa độc đáo, vừa đa dạng trong sự thống nhất.

 

PV: Nền nghệ thuật dân gian đặc sắc, phong phú như vậy nhưng việc bảo tồn, phát huy từ trước đến nay đã tương xứng chưa, thưa Nhạc sĩ?

NS Lê Quốc Hoàng: Ở Con Cuông thì hiện nay có 28 câu lạc bộ dân ca dân vũ của dân tộc Thái. Các câu lạc bộ này hoạt động khá sôi nổi vì tinh thần nhiệt huyết, say mê của bà con đồng bào. Tuy nhiên, các câu lạc bộ hiện nay đều do bà con yêu mến nền nghệ thuật dân gian dân tộc mà thành lập nên, rồi tự xây dựng chương trình hoạt động phục vụ cho các ngày lễ mà không có bất kỳ nguồn kinh phí hỗ trợ nào.

Bên cạnh đó, hình thức lưu truyền bằng miệng thì công tác lưu trữ, bảo lưu các giá trị nghệ thuật dân gian dân tộc Thái ở Con Cuông còn chưa được quan tâm đúng mức. Các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị nghệ thuật dân gian triển khai chưa có hệ thống, chỉ đơn lẻ các bài viết của các cá nhân, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân mà chưa có một công trình sưu tầm, nghiên cứu nào lớn và có hệ thống. Trong khi đó, các nghệ nhân, những người nặng lòng với nghệ thuật dân gian, những người luôn trăn trở làm sao để truyền dạy cho con cháu đang ngày càng mai một dần.

Một thực tế nữa là do đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều khó khăn, thách thức, thêm vào đó là sự du nhập của các loại hình nghệ thuật bên ngoài ảnh hưởng lớn đến sự kế tục của lớp trẻ. Hầu hết lớp trẻ dân tộc Thái bây giờ không còn tha thiết với việc kế tục, tiếp nối những giá trị nghệ thuật dân gian nữa, từ đó mà việc truyền dạy cho lớp trẻ bị hạn chế, đứt đoạn.

Bản thân tôi là một thành viên trong Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, là thành viên của Hội Nhạc sỹ tỉnh Nghệ An và năm 2019 vừa qua tôi đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nên có rất nhiều trăn trở. Trước hết tôi là người rất đam mê, say mê đối với lĩnh vực này. Tôi đã có nhiều hoạt động trong sưu tầm, sáng tác, chế tác nhạc cụ, dàn dựng chương trình cho các câu lạc bộ, sáng tác các bài hát mới, viết lời cho dân ca và dạy một số lớp sử dụng nhạc cụ của dân tộc Thái; trong tương lai nếu có điều kiện tôi sẽ tiếp tục mở các lớp để truyền dạy cho thế hệ trẻ biết hát các làn điệu dân ca và biết sử dụng các nhạc cụ dân tộc của người Thái mình. Tuy nhiên, lòng thành nhưng sức mọn, tôi và nhiều nghệ nhân khác nữa không thể làm tốt nếu như không có sự hỗ trợ của các cấp ngành trong việc sưu tầm, ghi chép những ca từ, lời hát, ghi âm, ghi hình một cách bài bản, cụ thể những sinh hoạt văn hóa, âm nhạc các tài liệu, tư liệu về các hình thức diễn xướng dân gian để lưu giữ, bảo quản lâu dài.

 

PV: Với tư cách là một nghệ nhân dân gian, người rất tâm huyết đối với lĩnh vực này, Nhạc sĩ đề xuất gì trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật dân gian?

NS Lê Quốc Hoàng: Có thể thấy, từ thực trạng mai một các giá trị, bản sắc văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc Thái nói riêng, các dân tộc thiểu số nói chung đã và đang đòi hỏi sớm có những cơ chế, chính sách định hướng và hành động cụ thể, khuyến khích và tạo môi trường để cộng đồng các dân tộc thiểu số có thể giữ gìn, tiếp xúc, sử dụng các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong các hoạt động lễ hội. Trong đó, theo tôi, trước hết cần:

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con đồng bào thêm tự hào, quý trọng những giá trị nghệ thuật dân gian của mình, từ đó có ý thức hơn trong sử dụng cũng như trao truyền cho con cháu…

Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tập hợp, giúp đỡ các nghệ nhân dân gian, tiến hành sưu tầm tư liệu, tài liệu về âm nhạc dân gian, tổ chức các lớp học hát dân ca do những nghệ nhân có kinh nghiệm giảng dạy cho thế hệ trẻ… Điều quan trọng là những việc làm cụ thể, thiết thực để việc bảo tồn giá trị nghệ thuật truyền thống bản địa theo từng vùng miền, từng dân tộc phù hợp, đi vào thực chất, tạo chuyển biến rõ nét và hiệu quả.

Bên cạnh đó, nên có các dự án hiệu quả trong sưu tầm, bảo tồn và phổ biến các kho tàng nghệ thuật dân gian cùng những văn bản bằng chữ dân tộc, có chính sách lưu giữ, dịch thuật các tác phẩm nghệ thuật của dân tộc thiểu số. Cần tập hợp được đội ngũ tri thức của người Thái nói riêng như các ông mo, mo khèn, mo lăm, mo pí,... kể cả mo thầy cúng, các nhà nghiên cứu, chuyên gia nói chung, cùng với lãnh đạo, cán bộ ngành văn hóa tổ chức ghi chép, sưu tầm ghi âm, quay phim, chụp hình, biên soạn,... các tác phẩm nghệ thuật dân gian có giá trị để lưu truyền.

Ngoài ra, cần có chính sách quan tâm hàng đầu cho các nghệ nhân. Bởi họ đóng vai trò rất lớn, mang tính quyết định sống còn đối với các giá trị dân ca, dân nhạc, dân vũ của các DTTS ở Nghệ An. Họ là kho tàng văn hóa sống đang còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa quý giá. Việc tổ chức các lớp truyền dạy cho thế hệ sau hay tập trung khai thác nghiên cứu, sưu tầm từ những nghệ nhân này là một việc làm cần thiết, mang tính lâu dài.

Các nhà quản lý văn hóa cần phải có giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế ở địa phương mình, phù hợp với từng loại hình nghệ thuật của từng dân tộc; tổ chức thường xuyên các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng; mở lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ cho thế hệ trẻ… Đặc biệt, xây dựng, củng cố và phát triển các câu lạc bộ hát dân ca dân gian tại địa phương mình, đó là cơ sở để lưu truyền và truyền dạy các giá trị nghệ thuật dân gian hiệu quả và bền vững nhất hiện nay. Trong đó, thành lập một câu lạc bộ dân ca cấp huyện để làm nòng cốt cho các câu lạc bộ dân ca cấp xã, bởi vì hiện nay một số câu lạc bộ hoạt động nhưng không có nhiều nghệ nhân hiểu biết về chiều sâu để hướng dẫn họ các điệu múa, làn điệu dân ca đúng cách, đúng lời. Hiện nay, trong quá trình hội nhập, giao lưu các làn điệu dân nhạc, dân vũ truyền thống đã bị giao thoa, pha tạp làm thay đổi nhiều; vì vậy khi phục dựng các làn điệu đó bắt buộc phải có các nghệ nhân để truyền đạt đúng cách hát, cách múa của người Thái xưa.

Một điều nữa tôi muốn nói đó chính là nâng cao giá trị nghệ thuật dân gian bằng cách đưa, lồng ghép chương trình nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch cộng đồng của địa phương. Con Cuông là một trong huyện miền núi đang đẩy mạnh hoạt động du lịch cộng đồng, thì theo tôi, việc đưa nghệ thuật dân gian các dân tộc thiểu số vào các tuor du lịch phục vụ khách trong và ngoài nước khi đến tham quan sẽ là điểm nhấn đặc sắc vừa thu hút đông đảo khách du lịch, vừa quảng bá rộng rãi bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số Nghệ An.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hồ Thủy - Hồng Bắc (thực hiện)

Minh Trí

Từ xưa đến nay cứ nói đến Nghệ Tĩnh là người ta nghĩ ngay đến hai "đặc sản": Học giỏi và nghèo. Cái sự giỏi và nghèo ấy đã được hình tượng hóa bằng ông đồ Nghệ và con cá gỗ trứ danh. Trong kho tàng văn học dân gian của ta những người giỏi giang như thầy đồ, hay anh học trò đều nghèo rớt mùng tơi, còn những kẻ dốt nát lại giàu nứt đố đổ vách bao giờ cũng là quan lại và mấy ông phú hộ. Hàng trăm, hàng nghìn năm như thế vô hình chung người ta thừa nhận cái đẳng thức: Giỏi = Nghèo và Dốt = Giàu như một chân lý thuộc hàng tiên đề. Cấm cãi! Và, tai hại hơn là từ tiên đề đó đã đẻ ra hàng loạt những định lý và hệ quả khác, như: ghét người giàu sang (có độc mới có, phũ như chó mới giàu) và tự ru ngủ cái nghèo (thanh bần lạc đạo). Bước vào thời kỳ mới, chính sự công bằng mà nghiệt ngã của kinh tế thị trường đã làm thay đổi các thang bảng giá trị. Không ai còn tự ru ngủ cái nghèo của mình được nữa khi ba bề bốn bên hàng xóm đã phất lên, khi sự thật đã phơi bày cái giàu không hẳn đã xấu, đó là chưa kể giàu thì dễ sang, còn nghèo thì khó tránh khỏi hèn, muốn không hèn chỉ có thể... gàn.

Và, đặc biệt hơn sự giao lưu quốc nội và sự hòa nhập quốc tế đã dần hé lộ cho dân Nghệ biết một sự thật khác: có nhiều và rất nhiều người vừa giỏi vừa giàu, mà họ lại giàu lên bằng chính cái giỏi của mình. Ngay dân Nghệ quê mình cũng đã có nhiều tấm gương như thế. Vậy thì té ra cái đẳng thức nói trên chính là bất đẳng thức, cái tiên đề xưa nay thừa nhận chính là ngụy đề. Tôi cho rằng ngộ ra sự thật đơn giản và hiển nhiên này thực sự là một cuộc cách mạng về nhận thức và tư tưởng của người Nghệ. Nếu như Đổi mới đã bắt đầu từ đổi mới tư duy, thì đây mới thật sự là sự thay chuyển tư duy căn cốt nhất của "dân choa". Trên các trang mạng xuất hiện một câu (chưa biết định danh cho nó là gì, tục ngữ chăng?), chắc là của học trò xứ Nghệ: "Đừng tự hào mình nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi tại sao giỏi mà vẫn nghèo?".  Nghe qua tưởng như đùa, nhưng thực ra có câu hỏi nào nghiêm túc đến đau đớn như câu hỏi này?

Người ta chỉ có thể làm được cái gì người ta có trong đầu. Trong đầu của người Nghệ đã có chữ giàu, nhưng từ chỗ có chữ giàu trong đầu, đến chỗ biết biến chữ giỏi thành chữ giàu là một chặng đường khác khó khăn, nghiệt ngã hơn nhiều.

Công bằng mà nói từ trước đến nay có nhiều người được cho là học giỏi, cũng có quyết tâm biến giỏi thành giàu mà không được. Họ chỉ góp thêm "ví dụ" cho cái đẳng thức - tiền đề nói trên mà thôi. Sự thất bại của họ có nhiều nguyên nhân, nhưng rất có thể nguyên nhân chính nằm trong sự "giỏi" của họ. Cả đất nước đổi mới, nhưng giáo dục đào tạo lại đang là toa tàu sau rốt, nặng nề, ì ạch và thậm chí có nguy cơ đã đi chệch đường ray tiến bộ của nhân loại. Thay vì dạy và học sự sáng tạo, người ta lại đã và đang cố công đúc người học trong những cái khuôn giáo điều. Ít ra là trong thời buổi kinh tế thị trường này một người học giỏi, nhưng là giỏi giáo điều liệu có thích nghi hơn một người không giỏi nhưng được rèn dũa trong môi trường sáng tạo? Điều này giải thích tại sao nhiều người học giỏi mà hành thì kém. Rõ ràng, giỏi là giỏi sự sáng tạo, nếu giỏi giáo điều thì nguy cơ vô dụng, vô dụng cho mình, cho gia đình và quê hương là điều tất yếu.

 Cách đây gần ba mươi năm, tại cuộc Hội thảo khoa học "Nghệ An trong tiến trình đổi mới" do Trung tâm KHXH&NV quốc gia và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức, một giáo sư gốc Nghệ cũng đã khuyến cáo người Nghệ nên hướng sự học sang khu vực gia dụng, thiết thực, chắc giáo sư muốn nói đến tính thực dụng của sự học. Quan sát trong thực tế chúng ta đã có thể ghi nhận được sự chuyển hướng đó. Con số trên dưới 40% học sinh Nghệ An mấy năm gần đây, tốt nghiệp trung học phổ thông không thi vào đại học nữa, mà chuyển sang học nghề là một ví dụ. Với dân ta đó là một sự chuyển hướng tích cực. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải học cho được sự sáng tạo, mà điều này thì không nhất thiết phải có bằng cấp cao.

Nếu thật sự có sáng tạo người Nghệ sẽ thành công, kể cả trên lĩnh vực kinh tế và nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Và, khi đó Giỏi sẽ = Giàu, chí ít cũng là không nghèo.

Thế nhưng đó mới là lời giải cho câu chuyện giỏi và nghèo của một cá nhân, một gia đình. Để cho cả quê hương này bứt phá, để thoát nghèo, để giàu còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu giỏi = giàu, mà quê ta vẫn nghèo, thì đừng tìm câu trả lời đâu xa, khách quan, chủ quan gì cho mệt. Câu trả lời nằm ngay ở chỗ cái giỏi đã không được sử dụng, nguồn tài nguyên con người đã bị lãng phí kinh khủng, thậm chí không ít trường hợp đã bị tận diệt! Đành rằng người tài thật sự thì phải biết tự sử dụng mình, nhưng đứng về phương diện xã hội để lãng phí người tài, người giỏi là cái tội của các nhà lãnh đạo và quản lý! Đó là gốc rễ sâu xa và trực tiếp nhất của cái nghèo, một người bạn "kinh niên" của quê Nghệ ta!

Vì vậy, suy cho cùng người giỏi nhất chính là người biết quy tụ và sử dụng được những người giỏi khác, kể cả người giỏi hơn mình. Để cho cả quê hương này bừng sáng, Nghệ An đang cần một và một số người như thế.

 

Phạm Xuân Cần

1. Từ một nhà buôn gan góc, một tên thực dân hiếu chiến

Jean Dupuis sinh ngày 7 tháng 12 năm 1829, ở Saint-Just-la-Pendue, Pháp, mất 28 tháng 11 năm 1912, ở Monaco, được sử sách gọi là nhà thám hiểm và thương nhân người Pháp. Sử nhà Nguyễn chép tên ông là Đồ Phổ Nghĩa (涂普義). Ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ năm 1858 tại Ai Cập. Sau đó, năm 1860, ông đến Trung Quốc, vừa buôn bán, kể cả buôn bán vũ khí, vừa thám hiểm các vùng đất phía Nam Trung Quốc, tiếp giáp với Việt Nam. Từ những năm 1864, 1865 ông đã đặt vấn đề thám hiểm và khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Câu hỏi mà ông đặt ra là: Từ Vân Nam, Trung Quốc theo sông Hồng có thể ra đến biển Đông hay không? Tàu, thuyền có thể đi lại trên sông Hồng như thế nào? Sau nhiều nghiên cứu, năm 1871 ông đóng bè và thuê thêm một số người Trung Quốc rồi bắt đầu thám hiểm sông Hồng. Mới khởi hành chưa được bao lâu, đoàn của Jean Dupuis đã bị bọn thổ phỉ ở Vân Nam đánh cho tan tác. Không run sợ và nhụt chí, Jean Dupuis lại chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai. Chuyến thám hiểm thành công và Jean Dupuis đã rút ra kết luận là hoàn toàn có thể khai thác sông Hồng cho mục đích thương mại. Ông lập tức cho đóng tàu hơi nước ở Hồng Kông và về Pháp mua vũ khí. Được nhà nước Pháp "bật đèn xanh", Jean Dupuis đã vận chuyển thành công hai chiếc tàu chứa đầy vũ khí theo đường sông Hồng, từ Hải Phòng lên đến Vân Nam (Trung Quốc), để bán cho quân đội Trung Hoa và mua hàng hóa khác đưa về Bắc kỳ bán. Thương vụ đầu tiên trót lọt, mang lại món lời lớn, Jean Dupuis lại tiếp tục chuyến thứ hai. Thế nhưng, lần này thì việc lưu thông của Jean Dupuis trên sông Hồng đã bị triều đình Nhà Nguyễn phát hiện và yêu cầu dừng lại. Sau nhiều thủ đoạn hối lộ quan chức các địa phương, ông vẫn bị gây khó dễ. Việc tranh chấp giữa Jean Dupuis và chính quyền Nam triều diễn ra căng thẳng. Triều đình Nhà Nguyễn yêu cầu người Pháp trục xuất Jean Dupuis, còn phía Pháp lại đòi được tự do thương mại trên lãnh thổ Bắc kỳ. Trước tình hình đó, để bảo hộ cho công dân mình, năm 1873 Toàn quyền Nam kỳ đã cử   Francis Garnier đến Bắc kỳ danh nghĩa là để hòa giải cuộc tranh chấp. Gây sức ép cho Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương bất thành, ngày 20/11/1873, Garnier lại phối hợp cùng đội quân của Jean Dupuis, bao gồm 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê đưa từ Vân Nam về, đánh úp thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị trọng thương, bị bắt và đã tuyệt thực cho đến chết. Không chỉ thế, Jean Dupuis cũng chính là người sau đó đã tích cực giúp thực dân Pháp chinh phục vùng đất này.

Thế nhưng, chỉ vài tuần sau khi chiếm thành Hà Nội, trong khi cầm cự với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc ở gần Cầu Giấy ngoại ô Hà Nội thì Garnier bị giết. Sự việc vỡ lở, người Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội sau khi ký kết hiệp ước với triều đình Huế. Mặc dù đã tổn hao rất nhiều tiền bạc và sức lực, nhưng Jean Dupuis cũng không thể tiếp tục công việc kinh doanh như cũ. Ông trở về Pháp một thời gian, chờ cơ hội mới.

Và, cơ hội mới có thể đã đến với J. Dupuis khi tiếng súng công thành của Pháp vang lên ở Cửa Hội, ngày 20/7/1885…

2. Đến chiếc lều Bến Thủy

Là người cổ súy hết mình cho việc đánh chiếm Việt Nam, chắc hẳn J. Dupuis không thờ ơ khi quân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Nghệ An, ngày 20/7/1885. Hiện chưa biết ông đã có mặt ở Nghệ An từ bao giờ, chỉ biết năm 1887, tức là chỉ hai năm sau khi ngưng tiếng súng công thành, J. Dupuis đã mua lại được một cơ sở kinh doanh lâm sản và thương mại ở Bến Thủy, để bắt đầu xây dựng nên cơ ngơi của mình ở đây. Sách "Danh bạ tổng quát Đông Dương" (Annuaire General de L'Indochine) xuất bản năm 1912, ở Paris viết: "Công ty Lâm sản và thương mại An Nam" có trụ sở tại Bến Thủy, năm 1802, sau đó đổi tên thành "Xưởng gỗ và sản phẩm lâm nghiệp". Nó được chuyển nhượng lại cho ông Jean Dupuis vào năm 1887".

Chúng tôi đã sưu tầm được một bức ảnh trong một album ảnh về Đông Dương chụp từ năm 1887 đến 1892, trong đó có bức ảnh chiếc lều của J. Dupuis. Bức ảnh chú thích là "Khai thác gỗ. Cơ sở cũ của Dupuis ở Bến Thủy, gần Vinh" (Exploitation des bois (soe Mange.) Anciens Etablissements Dupuis a Bến Thủy pres Vinh (Annam). Trong ảnh là chiếc lều được dựng bằng tranh tre nứa mét, rất đơn sơ, tựa lưng vào núi Quyết. Trong lều khá đông người tây đang ngồi, phía trước lều có vẻ như được cắm mấy lá cờ của Pháp. Theo chú thích ghi dưới bức ảnh, có thể suy đoán, tại thời điểm chụp ảnh, J. Dupuis đã xây dựng được cơ sở mới, đây là cơ sở cũ mà ông xây dựng khi mới đặt chân đến đây. Hiện chưa có nhiều thông tin về công việc kinh doanh của J. Dupuis tại Bến Thủy, chỉ biết rằng sau năm 1900, khi Pháp khởi công xây dựng đường sắt Hà Nội - Vinh thì ông ta cũng đã tham gia thầu. Nhưng, doanh nghiệp của J. Dupuis đã có sự tăng trưởng nhanh chóng, sách "Danh bạ Tổng quát Đông Dương" nói trên viết tiếp: "Năm 1894, nó được chuyển thành Công ty vô danh (Anonyme) với số vốn là 500.000 franc. Nó có mục đích là khai thác thương mại và công nghiệp các khu rừng của An Nam và Bắc kỳ và tất cả các hoạt động liên quan đến việc khai thác khác như mua bán, trao đổi, xây dựng… sau khi mở rộng hoạt động, vốn của nó vào năm 1900 đã tăng lên đến 1.000.000 franc. Công ty có: 01 xưởng cưa hơi nước và xưởng mộc, 01 nhà máy diêm".

Tuy nhiên, chưa rõ lý do gì (có thể do đã già yếu), đến năm 1902 J. Dupuis chuyển nhượng cơ sở kinh doanh của mình cho Công ty Rừng và Diêm Đông Dương. Từ đó, Công ty Rừng và Diêm Đông Dương đã phát triển thành một đế chế thực sự. Vẫn cuốn sách nói trên cho biết: "Trong năm 1908, một nhà máy mới được thành lập để sản xuất diêm, một số quản lý của Công ty Lâm nghiệp cũng đồng thời là quản lý của Nhà máy diêm. Hai nhà máy này có khoảng 1000 công nhân. Công ty gỗ tiêu thụ trung bình khoảng 7000 tấn gỗ mỗi năm. Nó chuyển những lô hàng gỗ lim về Pháp. Nhà máy diêm sản xuất khoảng 2000 thùng mỗi tháng, mỗi thùng có 7.200 hộp, có nghĩa là mỗi tháng nó sản xuất được 14.400.000 hộp diêm. Chúng được bán tại Bắc kỳ, An Nam và Nam kỳ".

3. Và nhà sử học tài danh

Rõ ràng Jean Dupuis là một nhà buôn, nhà thám hiểm gan góc, đồng thời cũng là một tên thực dân hiếu chiến. Thế nhưng, ở chiều ngược lại ông ta cũng là một nhà sử học tài danh. Ông đã viết bốn cuốn sách về Bắc kỳ: Khai thông sông Hồng cho thương mại (1879); Nguồn gốc của vấn đề Bắc kỳ (1896); Bắc kỳ và can thiệp của Pháp (1898); Bắc kỳ từ 1872 đến 1886, lịch sử và chính trị (1910). Ông cũng là người đầu tiên vẽ bản đồ Bắc kỳ năm 1879. Đặc biệt, trong bản đồ Bắc kỳ vẽ năm 1879, ông đã dùng tiếng Pháp để phiên âm một số địa danh mà người bản địa vẫn gọi. Một số địa danh như thế ngày nay đã thành địa danh chính thức. Ví dụ như tên "Lao Cai" theo tiếng H'Mông là "chợ cũ", được J. Dupuis ghi là "Lao-kai, residence du Chef des Pavillone noirs" (Lao-kai, dinh thủ lĩnh quân Cờ đen). Khi người Pháp thiết lập quyền cai trị thì theo đó "Lao-kai" được dùng làm tên thủ phủ vùng, sau đổi thành "Lao Kay", rồi thành "Lào Cai" như ngày nay.

Năm 1881 J.Dupuis được Viện Hàn lâm Khoa học Paris trao giải thưởng Delalande Guérineau cho công trạng thám hiểm và hỗ trợ chinh phục Bắc kỳ. Dưới thời thuộc Pháp, tên của Jean Dupuis đã được đặt cho một đường phố, đó là phố Hàng Chiếu ngày nay. Thậm chí một phù điêu mang chân dung ông cũng được dựng ở Hà Nội. Riêng ở Thành phố Vinh, dưới thời thuộc Pháp, tên Jean Dupuis đã được đặt cho một con phố nhỏ, nay là phố Nguyễn Nghiễm, thuộc phường Quang Trung.

Dù sao, vẫn phải ghi nhận Jean Dupuis là nhà tư bản đầu tiên đầu tư vào Vinh - Bến Thủy và Nghệ An nói chung.

 

Tài liệu tham khảo

1. Annuaire General de L'Indochine), Paris, 1912.

2. Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, NXB Tri Thức, 2017 (tái bản).

3. UBND TP Vinh, Địa chí Thành phố Vinh, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2015.

Nguyễn Quang Hồng

 

1. Vài nét về Phạm Thận Duật (4/11/1825 - 29/11/1885)  và Giải  thưởng Sử học Phạm Thận Duật

Phạm Thận Duật sinh ngày 24-9 năm Ất Dậu (4 -11-1825) ở làng Yên Mô thượng thuộc tổng Yên Mô, huyện Yên Mô (Ninh Bình) nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông lấy tên tự là Quan Thành, ngọn núi Vọng Sơn ở chính quê hương được ông lựa chọn để đặt tên hiệu cho bản thân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, ông được gia đình cho theo đòi nghiệp bút nghiên và từng theo học với nhiều thầy nổi tiếng trong vùng, trong đó có cả Đốc học Phạm Văn Nghị, danh sĩ Vũ Phạm Khải,… Tại khoa thi năm Canh Tuất, Tự Đức thứ 3 (1850), Phạm Thận Duật đỗ Cử nhân. Trong khoa thi hội năm Tân Hợi - Tự Đức thứ 4 (1851), ông vào kinh đô Huế dự thi, nhưng không đậu Tiến sĩ. Từ đó, ông bước chân vào con đường quan trường, giữ chức Giáo thụ ở huyện Đoan Hùng, nhưng chỉ một thời gian ngắn, ông được triều đình Huế thăng làm Tri châu Tuần Giáo. Trong thời gian làm quan tại đây, Phạm Thận Duật dành nhiều thời gian khảo cứu và hoàn thành biên soạn cuốn địa chí: Hưng hóa ký lược vào năm 1856. Đây là một trong những công trình địa chí, văn hóa được khảo cứu công phu có nhiều giá trị để nghiên cứu về địa chí các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ(1)

Đầu năm 1857, triều đình Huế bổ ông làm Tri châu Quế Dương, nhưng chưa lâu sau đó lại thăng ông đi làm Tri phủ Lạng Giang. Phạm Thận Duật nổi tiếng là người văn võ song toàn, thanh liêm, thu xếp công việc chu toàn nên bước đường quan lộ thăng tiến nhanh: Từ Tri phủ Lạng Giang, triều đình thăng ông làm Bang biện tỉnh vụ kiêm Đồn điền sứ, Án sát sứ, Bố chính sứ Bắc Ninh rồi quyền Tổng đốc Bắc Ninh. Trong hai năm 1870-1871, các toán thổ phỉ, trộm cướp hoạt động ngang nhiên dọc tuyến biên giới làm cho đời sống chính trị, xã hội thêm rối loạn, dân tình khốn khổ, triều đình Huế điều động Phạm Thận Duật cùng một số võ tướng lên đánh dẹp mới tạm yên. Năm 1873, Pháp đưa quân đánh Bắc kỳ lần thứ nhất, thành Hà Nội thất thủ. Phong trào vũ trang chống Pháp dâng cao ở hầu khắp các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ, nhất là sau chiến thắng vang dội lần thứ nhất tại Cầu Giấy. Tiếc rằng, triều đình Huế lại ký Hiệp ước Giáp Tuất (1874), nhường hẳn Lục tỉnh Nam kỳ cho Pháp. Trong tình thế lịch sử đầy biến động đó, Phạm Thận Duật được triều đình Tự Đức giao trọng trách đi tiếp quản các tỉnh mới xẩy ra chiến sự quanh thành Hà Nội, cắt đặt quan chức lâm thời, giữ chức quyền Tuần phủ Hà Nội, Tuần phủ Bắc Ninh(2).

Nhưng, quan Tuần phủ Bắc Ninh mới kịp thu xếp một số công việc chính thì năm 1875, triều đình Tự Đức lại bổ nhiệm Phạm Thận Duật làm Hộ lý cho Hiệp đốc Tôn Thất Thuyết, chuyên trông coi công việc hành chính hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên. Chưa đầy một năm sau (1876), Phạm Thận Duật lại được điều về Huế làm Tham tri Bộ Lại, kiêm Phó Đô sát ngự sử. Trước tình hình lũ lụt, vỡ đê sông Hồng khiến cư dân làng xã ở đồng bằng Bắc bộ điêu đứng, triều đình Huế lại điều động Phạm Thận Duật ra Bắc giữ chức Hà đê sứ, đôn đốc việc đắp đê sông Hồng và chuyên lo về thuỷ lợi,… Sau đó thăng Phạm Thận Duật giữ chức Thượng thư bộ Hình. Tài đức, phẩm hạnh của Phạm Thận Duật được khẳng định qua nhiều chức vụ khác nhau đã mở đường để ông chính thức trở thành một trong những đại thần của Cơ mật viện triều đình Huế vào năm 1878. Phạm Thận Duật còn là thầy dạy cho hai hoàng tử con nuôi vua Tự Đức là Dục Đức và Chánh Mông. Ông được sung Quốc sử quán, Phó Tổng tài, kiêm quản Quốc tử giám, Tổng kiểm duyệt và in ấn bộ sử "Khâm định Việt sử thông giám cương mục",… Năm 1883, Phạm Thận Duật cùng đoàn sứ bộ của triều đình Nguyễn đi sang Thiên Tân (Trung Quốc) với hy vọng có thể đàm phán, hợp tác với vương triều Mãn Thanh  để đánh Pháp, nhưng không thành. Ngày 6 tháng 6 năm 1884, Phạm Thận Duật với tư cách là Toàn quyền đại thần cùng Tôn Thất Phan - Phó Toàn quyền đại thần, Nguyễn Văn Tường - Phụ chính đại thần thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Thân gồm có 19 điều khoản tại kinh đô Huế với đại diện của phía Pháp là Patenôtre. Cuối năm 1884, Phạm Thận Duật được cử giữ chức Thượng thư Bộ hộ kiêm Tham tri Bộ công và đầu năm 1885, Phạm Thận Duật được thăng lên Hiệp biện Đại học sĩ, kiêm Công bộ Tả tham tri. Với cương vị là người đứng đầu phái đoàn triều đình Huế tham gia đàm phán và ký Hiệp ước Giáp Thân 6/6/1884, Phạm Thận Duật hứng chịu búa rìu dư luận của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là văn thân sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.

Nhưng sự thực lịch sử lại không phải như người đương thời luận tội cho Phạm Thận Duật. Bởi, ngay từ đầu Phạm Thận Duật đã là một trong những nhân vật chủ chốt thuộc phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu. Trong tình thế lịch sử đầy khó khăn lúc bấy giờ, để có thể chống Pháp lâu dài, Phạm Thận Duật chủ trương gấp rút xây dựng một hệ thống đồn lũy, tích trữ lương thảo, vũ khí, binh lực ở vùng rừng núi hiểm yếu thuộc các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Chủ trương này nhận được sự ủng hộ từ các đại thần trong phái chủ chiến như Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường và được triển khai một cách bí  mật, gấp rút. Sau cuộc phản công tại kinh thành Huế đêm 7 tháng 5 năm 1885, không đạt được kết quả như mong muốn, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật đưa vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Tại đây, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi hạ Chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân sĩ phu và các tầng lớp nhân dân đứng lên chống Pháp.

Nhận trọng trách từ vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết về việc nhanh chóng ra Bắc, kêu  gọi, vận động văn thân sĩ phu yêu nước mọi tầng lớp nhân dân đứng dậy ứng nghĩa Cần Vương chống Pháp, Phạm Thận Duật gấp rút lên đường ra Bắc. Đáng tiếc, ngày 29 tháng 7 năm 1885, trong lúc chuẩn bị vượt biển ra Bắc, Phạm Thận Duật cùng toàn bộ gia đình bị tay sai của Pháp bắt và giải về Huế. Thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, dụ dỗ ông làm tay sai cho chúng, nhưng Phạm Thận Duật kiên quyết từ chối, chấp nhận án tù tại Côn Đảo, sau đó bị đày đi Tahiti. Trên đường đi đày, Phạm Thận Duật lâm bệnh nặng mất vào ngày 29/11/1885, thi hài ông được thủy táng xuống đại dương(3).

Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay nhiều công trình nghiên cứu, bài viết có nội dung liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Phạm Thận Duật đã được công bố. Những đóng góp của ông đối với quê hương, đất nước trong bối cảnh lịch sử dân tộc đầy biến động đổi thay ở nửa sau thế kỷ XIX cũng dần được làm sáng tỏ. Tên ông được dùng để đặt cho đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (đường Phạm Thận Duật ở quận 2) và đường Phạm Thận Duật ở trung tâm thành phố Ninh Bình. Từ năm 2000, Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, hàng năm, Quỹ Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xem xét, trao giải thưởng (Nhất, Nhì, Ba) cho những luận án Tiến sĩ Sử học xuất sắc được bảo vệ thành công tại các Hội đồng chấm Luận án Tiến sĩ Lịch sử trong cả nước. Ngày 29 tháng 11 hàng năm, các tân Tiến sĩ có vinh dự được nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật sẽ về tại Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội để nhận giải và dự lễ kỷ niệm ngày mất của ông. Quỹ giải thưởng sử học mang tên Phạm Thận Duật còn mở rộng sự hỗ trợ tới việc nâng cao hiểu biết lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân, khuyến học và một số hoạt động xã hội từ thiện khác(4).

2. Nhân duyên của người Nghệ với Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật (2000-2019)

Trong dòng chảy lịch sử văn hóa - văn minh của dân tộc, vùng đất núi Hồng sông Lam không chỉ sản sinh ra nhiều nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa, thầy giáo, thầy thuốc, thi sĩ, họa sĩ,... tài ba, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước trên nhiều phương diện khác nhau mà còn có nhiều nhà Sử học nổi tiếng như: Phan Huy Chú, Bùi Dương Lịch, GS Hoàng Xuân Hãn, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Đinh Xuân Lâm, GS Trương Hữu Quýnh, GS Nguyễn Đức Nghinh, GS Hoàng Xuân Chinh,... Từ những thập kỷ 60-70-80 của thế kỷ trước đến nay, không ít thế hệ học trò Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục gắn bó với Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học, Nhân học,... Bởi vậy, thật khó thống kê một cách đầy đủ và chính xác có bao nhiêu người Nghệ An, Hà Tĩnh có bằng tốt nghiệp đại học, cao học thạc sĩ, TS, PGS, GS Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học,... đang giảng dạy, nghiên cứu Lịch sử - Văn hóa ở 63 tỉnh, thành trong cả nước chứ chưa nói tới giảng dạy và nghiên cứu lịch sử ở một số nước khác trên thế giới. Chỉ tính riêng danh sách những người sinh ra lớn lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc có nguồn gốc là người Nghệ - Tĩnh vinh dự được nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, Giải thưởng Sử học Trần Văn Giàu, Giải thưởng Sử học Lê Văn Hưu, Giải thưởng Sử học Đinh Xuân Lâm từ đầu thế kỷ XXI đến nay đã rất đáng tự hào. Để làm rõ thêm điều đó, chúng tôi xin giới thiệu vài nét sơ lược về những Tiến sĩ Sử học được vinh dự nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật từ ngày 29/11/2000 đến ngày 29/11/2018 dưới đây. Ngay trong lần trao Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật đầu tiên (29/11/2000), có 06 Tiến sĩ Sử học trong cả nước vinh dự được nhận giải, trong đó, có 02 Tiến sĩ người Nghệ  An, Hà Tĩnh là: Trần Thị Thu Hương, sinh ngày 02/11/1957, tại xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh  (Hà Tĩnh). TS Trần Thị Thu Hương nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật với đề tài  luận án: "Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá "quốc sách" ấp chiến lược của Mỹ - Nguỵ ở miền Nam Việt Nam (1961-1965)". Người thứ hai được vinh dự nhận giải là TS Nguyễn Quang Hồng, sinh ngày 12 tháng 6 năm 1964, tại xã Vân Diên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), với đề tài: "Thành phố Vinh - Quá trình hình thành và phát triển (từ năm 1804 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)".

Từ đó, cho đến năm 2018, không phải năm nào cũng có các TS Sử học người Nghệ An, Hà Tĩnh đạt giải, nhưng đến hẹn lại lên, số TS Sử học sinh ra lớn lên ở Nghệ An, Hà Tĩnh hoặc có nguồn gốc là người Nghệ - Tĩnh được nhận giải thưởng sử học danh giá này ngày càng nhiều thêm. Trong tổng số 101 người đã được nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật từ ngày 29/11/2000 đến ngày 29/11/2018, có tới 18 người sinh ra, lớn lên ở vùng quê  xứ Nghệ hoặc có nguồn gốc Nghệ - Tĩnh, chiếm gần 19% tổng số TS trong cả nước được nhận giải thưởng suốt gần hai thập kỷ qua. Để tiện theo dõi, chúng tôi xin lập bảng thống kê cụ thể dưới đây:

TT

Họ  và tên

Quê quán

Năm sinh

Tên luận án

1

Trần Thị  Thu Hương

Xã  Kỳ  Phong, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh

02/11/1957

Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phá "quốc sách" ấp chiến lược của Mỹ - Nguỵ ở miền Nam Việt Nam (1961-1965)

2

Nguyễn Quang Hồng

Xã Vân Diên,  huyện Nam Đàn, Nghệ An

12/6/1964

Thành phố Vinh - Quá trình hình thành và phát triển (từ năm  1804 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945)

3

Hồ Tuấn  Dũng

Xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An

20/4/1960

Chính sách thuế của thực dân Pháp ở Bắc kỳ từ 1897 đến 1945

4

Trần Thị Nhơn

Xã Đức Xá,  huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh

02/08/1960

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò thanh niên và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước (từ 1975 đến 1996)

5

Hà Thị Mỹ Hương

Xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh

10/12/1952

Sự vận động của quan hệ Nga - Mỹ sau chiến tranh lạnh và ảnh hưởng của quan hệ đó đến Việt Nam - Lĩnh vực nghiên cứu: Chính sách đối ngoại của Nga và Mỹ

6

Phan Phương Thảo

Xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

31/10/1962

Chính sách quân điền năm 1839 ở Bình Định qua tư liệu địa bạ

7

Hoàng Khắc Nam

Làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh

08/04/1962

Quá trình phát triển quan hệ Việt Nam - Thái Lan (1976 - 2000)

8

Nguyễn Đình Liêm

Xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

11/1/1954

Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn ở Đài Loan

9

Phan Hải Linh

Xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

26/8/1970

Trang viên Nhật Bản thế kỷ VIII-XVI qua trang viên Oyama và Hine

10

Trần Vũ Tài

Xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ  An

29/7/1975

Những chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp Bắc Trung kỳ từ 1884 đến 1945

11

Nguyễn Quang Liệu

Xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh

20/12/1968

Cuộc vận động thanh niên miền Bắc của Đảng Lao động Việt Nam (1965-1975)

12

Lê Thị Quỳnh Nga

Phường Thạch Linh, thành phố  Hà  Hà Tĩnh

10/2/1976

Quá trình thực hiện chủ trương cách mạng ruộng đất của Đảng ở tỉnh Thanh Hóa (1945 - 1957)

13

Trần Thị Phương Hoa

 Xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An

18/9/1967

Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945

14

Lê Thế Cường

Phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An

12/10/1979

Quan hệ Ấn Độ - Liên Xô từ 1947 đến 1991

15

Nguyễn Văn Trung

Xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An

8/2/1978

Báo chí các cấp của Đảng bộ Trung kỳ trong những năm 1930 - 1945

16

Ngô Đức Lập

Xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh

12/4/1976

Cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của cơ quan giám sát triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885

17

Lê  Tiến Công

Xã Kỳ Sơn,  huyện Tân Kỳ, Nghệ An

12/12/1979

Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885

18

Nguyễn Thị Hằng Nga

Xã  Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh

4/4/1981

Cuộc chiến giữa lực lượng Tây Sơn và Nguyễn Ánh giai đoạn 1778-1802

 

Cho đến tháng 9/2019 xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) có 03 TS được nhận giải thưởng, tiếp đó là huyện Nam Đàn (Nghệ An) cũng có 03 TS được vinh dự nhận giải. Riêng các huyện: Quỳnh Lưu, thị xã Cầu Giát, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Đô Lương, Quỳ Hợp, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu,... chưa có TS nào có duyên với Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật.

Bảng thống kê cũng cho thấy tuổi đời của các TS người Nghệ được nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật còn khá trẻ và hướng nghiên cứu đa dạng, phong phú, hy vọng, trước mắt cũng như lâu dài các TS đã có vinh dự nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật và cả những giải thưởng sử học danh giá khác tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu sử học có giá trị giới thiệu rộng rãi với bạn đọc trong cả nước cũng như ở nước ngoài. Với nền móng vững chắc đó hy vọng danh sách các TS Sử học người Nghệ vinh dự được nhận Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, Trần Văn Giàu, Lê Văn Hưu, Đinh Xuân Lâm ngày càng dài thêm.

 

 

Chú thích

(1). Tư liệu được tổng hợp từ một số bài viết đăng trên Tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Báo Ninh Bình có nội dung liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Phạm Thận Duật (4/11/1825-29/11/1885); Diễn văn kỷ niệm 115 năm ngày mất của Cơ mật viện đại thần, Thượng thư bộ Hộ Phạm Thận Duật (29/11/1885-29/11/2000) và trao Giải thưởng Sử học mang tên Phạm Thận Duật lần thứ nhất (29/11/2000), lần thứ 10 (29/11/2009) tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.

(2), (3), (4). Tư  liệu do Câu lạc bộ Tiến sĩ Sử học Phạm Thận Duật cung cấp.

IMG 5312

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây