Đo lường – đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp

Thứ ba - 07/02/2023 22:06 0

Ngày 6/1, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo “Đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp” và Lễ Kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường; bà Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam; ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam, cùng đại diện các Sở, ban, ngành, Chi cục địa phương.

Phát biểu khai mạc, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, với tư cách là một ngành khoa học – kỹ thuật chính xác, đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiện cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Đo lường chính xác sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo công bằng trong thương mại, đảm bảo sự trong sạch của môi trường và sức khoẻ của nhân dân, phát triển được khoa học – công nghệ và nói chung đo lường chính xác là công cụ quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân và công bằng xã hội.

Ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL phát biểu tại Hội thảo.

Hơn nữa, đo lường có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp như nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu.

Để tăng cường vai trò của đo lường và đẩy mạnh việc thực thi Đề án 996, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề là “Đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp”

“Tôi hy vọng rằng, thông qua hội thảo này, từ các góc độ khác nhau, các quý vị đại biểu, các chuyên gia thuộc các ngành khoa học, kỹ thuật, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ, thảo luận để tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng trong phạm vi toàn thế giới”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường đã có báo cáo đề dẫn về vai trò hoạt động đo lường đồng hành với sự phát triển của doanh nghiệp, theo đó, trong thương mại, đo lường đảm bảo công bằng và chính xác, nâng cao năng lực cạnh tranh, ĐB lợi ích hợp pháp doanh nghiệp trong các giao dịch kinh tế, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế, …

Trong công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn trong hoạt động sản xuất, bảo vệ sức khỏe và môi trường trong sản xuất, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đấy đổi mới công nghệ, tối ưu trong sản xuất,…

Hạ tầng đo lường quốc gia đồng bộ, hiện đại, đảm bảo các thiết bị đo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đo lường và được thừa nhận quốc tế sẽ giảm chỉ phí, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp không phải mang chuẩn, thiết bị đo ra nước ngoài để liên kết chuẩn; hạn chế việc phải tiến hành đo kiểm tra lại các chỉ tiêu chất lượng hàng hóa khi thông quan.

Tại Hội thảo, các diễn giả đã có bài tham luận liên quan đến giải pháp quản lý trạm/trụ sạc xe điện trong giai đoạn hiện nay; Chuẩn thời gian với thị trường chứng khoán Việt Nam; Hệ thống chuẩn đo lường quốc gia lĩnh vực Lưu lượng khí tại VMI đảm bảo công tác quản lý Nhà nước và Đo lường chính xác tại doanh nghiệp.

Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ kỷ niệm ngày Đo lường Việt Nam 20-1. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, để ghi nhận những đóng góp của ngành đo lường Việt Nam, động viên đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật và tất cả những người đã và đang làm việc, hoạt động trong lĩnh vực đo lường, ngày 11/10/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg theo đó lấy ngày 20/1, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 8/SL về đo lường, làm “Ngày Đo lường Việt Nam”.

Đề cao ý nghĩa nêu trên, Tổng cục TCĐLCL phối hợp Hội Đo lường Việt Nam tổ chức Kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam nhằm mục đích tôn vinh, động viên khuyến khích các cán bộ làm đo lường và thúc đẩy hơn nữa hoạt động đo lường trong toàn xã hội để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội cũng như hội nhập quốc tế về đo lường.

Cũng theo ông Giầu, điểm nổi bật của hoạt động quản lý đo lường năm 2022 đó là: Thứ nhất, với tinh thần tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc tăng cường hoàn thiện thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 đáp để phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chúng ta đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp tới hoạt động đo lường. Cụ thể như sau: Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Đo lường. Thông tư số 10/2022/TT-BKHCN ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.

Thứ hai, chúng ta đã xây dựng, ban hành tài liệu, hướng dẫn và tổ chức triển khai các công việc thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc Đề án 996. Hội thảo hôm nay là một trong các hoạt động được tổ chức triển khai theo định hướng này: Quyết định số 1756/QĐ-TĐC ngày 24/10/2022 về việc Phê duyệt Tài liệu chuyên môn thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng các chương trình, tài liệu đào tạo và tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới hoạt động đo lường thông qua thực hiện các chương trình đảm bảo đo lường để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”;

Quyết định số 1789/QĐ-TĐC ngày 26/10/2022 về hướng dẫn hoạt động tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp; Tổ chức thành công 06 Hội thảo Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tại 3 khu vực Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam cho trên 500 đại biểu thuộc 382 cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tham dự; Ký kết và đang tổ chức triển khai công tác đào tạo, tư vấn xây dựng Đề án 996 về đo lường cho các đơn vị thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN); phối hợp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bình Định, Lạng Sơn… lồng ghép tuyên truyền hướng dẫn chương trình tại các hội nghị do địa phương tổ chức; Đào tạo, tập huấn được 150 cán bộ đo lường (M. Bắc: 60; M. Trung: 30; M. Nam: 60); 94 chuyên gia tư vấn (M. Bắc: 32; M. Trung: 30; M. Nam: 32) cho CT ĐBĐL; Tổ chức thành công hoạt động so sánh liên phòng đối với lĩnh vực Áp suất, điện, dung tích – lưu lượng.

Thứ ba, tổ chức triển khai rà soát năng lực và xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý hiệu quả hoạt động đăng ký, chỉ định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đảm bảo chặt chẽ theo yêu cầu, điều kiện quy định  nhưng tinh gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ doanh nghiệp.

 Ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường và ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đo lường” cho các cá nhân đã có đóng góp trong sự nghiệp đo lường.

Thứ tư, chúng ta đã ban hành thêm 13 Văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam, nâng tổng số lên 352 ĐLVN đáp ứng yêu cẩu quản lý phương tiện đo của tổ chức, cá nhân.

Thứ  năm, triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về đo lường: thực hiện nghĩa vụ thành viên của VN trong các Tổ chức đo lường quốc tế và khu vực (OIML, APLMF, ACCSQ-WGLM…) tham gia đầy đủ các Hội thảo, cuộc họp như: Hội thảo xây dựng hướng dẫn của ASEAN về nâng cao nhận thức cộng đồng về đo lường pháp định (7-10/3/2022); Cuộc họp thường niên các nhóm công tác về đo lường pháp định WG3 (17/5/2022); Hội thảo chuyển đổi số về đo lường trong kỷ nguyên số do Indonesia tổ chức (19/5/2022). Hướng dẫn nghiệp vụ về Đo lường cho Cục Tiêu chuẩn chất lượng Lào (16/6/2022 ); Tham dự hội nghị IMEKO TC6 về Đo lường và Chuyển đổi số trực tuyến (19- 21/9/2022); Họp ClML thường niên lần thứ 57 của OIML trực tuyến (18- 20/10/2022); Họp Diễn đàn Đo lường Pháp định Châu Á – Thái Bình Dương (APLMF) trực tuyến ( 01/11- 02/11/2022).

 Toàn cảnh Lễ Kỷ niệm.

Cũng tại Lễ Kỷ niệm, ông Vũ Khánh Xuân – Chủ tịch Hội Đo lường Việt Nam nhấn mạnh, đo lường có vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học,…để đo lường có để đạt được nhiều thành tựu trong thời gian tới, đòi hỏi mọi người làm công tác đo lường phải cùng nhau đồng hành, cố gắng nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sản phẩm hàng hóa dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2421
  • Hôm nay138,328
  • Tháng hiện tại1,029,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây