Nghệ An chú trọng hoạt động thẩm định công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và bảo tồn, phát triển quỹ gen

Thứ năm - 28/12/2023 22:47 0
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tài sản trí tuệ (TSTT) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng và là yếu tố cốt lõi thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo; đồng thời là nhân tố thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững. Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã từng bước góp phần quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam. Tại Nghệ An, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025. Cùng với cả nước, tỉnh Nghệ An triển khai các nhiệm vụ, thực hiện tốt các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, chương trình phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh đã góp phần hình thành và nâng cao giá trị thương hiệu, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm và dịch vụ. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các đặc sản, sản phẩm lợi thế có tiềm năng xuất khẩu để hình thành và phát triển một số thương hiệu mạnh của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập của người dân và doanh nghiệp. 
Trong hoạt động thẩm định công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ và bảo tồn, phát triển quỹ gen, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đổi mới thiết bị, công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Tổ chức thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, góp phần kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ, ngăn chặn được những công nghệ lạc hậu, công nghệ gây hậu quả xấu đến môi trường. Năm 2023 đã tổ chức thẩm định công nghệ cho 33 dự án đầu tư và từ chối thẩm định công nghệ 03 dự án do không làm rõ được công nghệ theo yêu cầu của UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan. Thẩm định hỗ trợ cho 01 tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, với số tiền hỗ trợ 700 triệu  đồng. Hỗ trợ cho Tổng Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Nghệ An trong Đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất nước Ion kiềm và nước uống đóng chai.
 Quy trình thẩm định chặt chẽ, khoa học, Thẩm định các công nghệ phức tạp thì thành lập các hội đồng với sự tham gia của các chuyên gia theo lĩnh vực chuyên môn. Một số dự án không được đề xuất chủ trương đầu tư do nằm trong danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (Không giải trình rõ công nghệ sử dụng) hoặc công nghệ cấm chuyển giao.
Thiết lập trạm khai thác thông tin dịch vụ SHCN - Trạm IPPlatform tại Sở KH&CN Nghệ An theo giao diện (DashBoard) quản trị tài sản trí tuệ và Duy trì, cập nhật thông tin vào công cụ quản trị tài sản trí tuệ riêng cho tỉnh nghệ An phục vụ quản lý việc đăng ký SHTT của tỉnh tại địa chỉ:  http://dashboard.ipplatform.gov.vn:9999/.
Chỉ đạo, hướng dẫn thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối người dân với doanh nghiệp để doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi giá trị sản xuất.

Tập trung nguồn lực để đầu tư đồng bộ theo chuỗi giá trị về khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường và thương hiệu. Chú trọng lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế vùng miền để xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Năm 2023 hướng dẫn cho 56 đơn vị hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó: 02 sáng chế và giải pháp hữu ích, 45 nhãn hiệu, 09 KDCN.  Số văn bằng được bảo hộ tăng nhanh đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa của các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023 Nghệ An có 180 bằng được bảo hộ, tăng 15% so với cùng thời kỳ. Nhãn hiệu cộng đồng có 2 văn bằng Chỉ dẫn địa lý  (đang xây dựng 2 hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trám Thanh Chương” và “ Trà hoa vàng miền tây Nghệ An” và 8 nhãn hiệu chứng nhận thì đến nay Nghệ An đã có 31 đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể: Đến hết quý 3-2023 Nghệ An có 1.780 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.679 nhãn hiệu, 76 kiểu dáng, 16 giải pháp hữu ích và 9 sáng chế.. Thực hiện tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Nghệ An, đến nay ở tỉnh đã được cấp văn bằng bảo hộ, tất cả các văn bằng được bảo hộ chủ yếu thuộc đối tượng sản phẩm nông nghiệp và được cấp cho các Hội, hợp tác xã nông nghiệp.
Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình 100 sản phẩm đặc sản và truyền thống địa phương có tác động KH&CN, đến nay đã có hơn 83 sản phẩm là các cây con đặc sản, đặc thù, cây con chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm truyền thống của Nghệ An được hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường: Như: Trà hoa vàng, chè Nghệ An, trà cà gai leo, giảo cổ lam, dây thìa canh, trà gạo thảo dược, nước mắm vạn phần, nước mắm Cửa Hội, tôm nõn Diễn Châu, mực Quỳnh Lưu, cá thu nường Cửa Lò, lúa Japonica, gừng Kỳ Sơn, rượu Mú Từn, Sâm Puxailaileng, đẳng sâm, Lan Kim tuyến, cây Bảy lá một hoa, Hà thủ ô đỏ, bò H’ Mông, lúa AC5, mật ong Tây Hiếu, mật ong Yên Thành, tảo xoắn, rau hữu cơ, gà đồi Thanh Chương, gà Phủ Diễn, dê Tân Kỳ, …..
Những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế xã hội được tỉnh, các huyện, thành, thị ban hành trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy chương trình phát triển vượt bậc kể chiều rộng và chiều sâu. Tính đến nay số sản phẩm địa phương có thể phát triển thành hàng hóa là 159 sản phẩm, trong đó, 84 sản phẩm chế biến và 75 sản phẩm cây trồng, vật nuôi được tác động về KH&CN. Ngân sách sự nghiệp KHCN đã tác động 38 sản phẩm chế biến (chiếm 45% tổng số sản phẩm chế biến) và 45 sản phẩm cây trồng vật nuôi (chiếm 60% tổng số sản phẩm cây trồng, vật nuôi). Nhìn chung, các tác động chủ yếu từ các nguồn KHCN chiếm 71,60%; từ các nguồn khác 14,81%; cả nguồn KHCN và nguồn khác chiếm 13,58%. Trên nền tảng các sản phẩm có tác động khoa học công nghệ mà các ngành Công thương, Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ (thông qua chính sách khuyến công khuyến nông) và tổ chức Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (OCOP) mà đến năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 403 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao; 43 sản phẩm đạt 4 sao và 359 đạt hạng 3 sao.
Trong xu thế hội nhập kinh tế ngày nay, những yêu cầu về kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Vì thế, việc đăng ký bảo hộ cũng như phát triển nhãn hiệu đã được bảo hộ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi sản phẩm khi cung ứng ra thị trường. Có được thương hiệu đã khó, giữ được thương hiệu còn khó hơn. Do vậy, việc bảo vệ phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký SHTT cần tiếp tục có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân trong thời gian tới./.
Lê Phương
 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập561
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại3,454,404
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây