Hiện đại hóa bài thuốc dân gian lợi gan, lợi mật: Không dễ tìm lời giải

Chủ nhật - 25/07/2021 22:39 0

Sự tận tâm với nghề và niềm đam mê khám phá đã đưa nhóm nghiên cứu liên ngành do giáo sư Phạm Hùng Việt dẫn dắt đến với những bài thuốc dân gian lợi gan, lợi mật còn ít người biết tới, từng bước đem lại cho nó cơ hội có một đời sống rộng hơn trong tương lai.

Giữa những đề tài nghiên cứu về các loại cây trồng, cây dược liệu của Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (2013-2020), “Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc” có một vị thế đặc biệt. Đây là đề tài duy nhất mà các nhà nghiên cứu đi từ việc sưu tầm, tuyển chọn các bài thuốc dân gian do các ông lang, bà lang ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc áp dụng từ thế hệ này sang thế hệ khác và soi tỏ dưới lăng kính khoa học để tìm ra cách tách chiết những dược chất quý giá, đưa nó thành những sản phẩm dưới dạng bào chế hiện đại và tiện lợi trong sử dụng. “Với chúng tôi, nghiên cứu về một bài thuốc dân gian có nhiều điểm hết sức thú vị vì bài thuốc thường có rất nhiều vị khác nhau, trong đó có từng đơn chất với những tác dụng khác nhau, nhưng khi kết hợp lại thì có tác dụng hiệp đồng khác hẳn. Dù hiệu quả của bài thuốc đã được chứng minh trong thực tế nhưng với những bằng chứng khoa học, chúng tôi đã có được sản phẩm hiệu quả vượt trội so với sản phẩm từ bài thuốc ban đầu”, giáo sư Phạm Hùng Việt (Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm, ĐHQGHN) cho biết.


GS. Phạm Hùng Việt.


Khai thác và sàng lọc tri thức dân gian

Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài đầy thú vị và kết quả của nó thường không chỉ đáp ứng những nhu cầu mang tính thời sự. Vì vậy, dù đề tài đã kết thúc gần hai năm và được hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá tốt, giáo sư Phạm Hùng Việt vẫn còn cảm thấy sức gợi mở của nó: “Chúng tôi nghĩ đến pha tiếp theo của đề tài để mình có thể nghiên cứu sâu hơn về các cây thuốc dân gian trong những bài thuốc đã được chắt lọc. Trong cuộc đời làm khoa học, tôi đã thực hiện nhiều bài toán trong những lĩnh vực khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên, chúng tôi nghiên cứu về các bài thuốc”.

Ông và cộng sự lại đến với những bài thuốc lợi gan lợi mật một cách tình cờ. “Ban chủ nhiệm chương trình Tây Bắc gợi ý với chúng tôi là có một đề xuất rất hay của tỉnh Lạng Sơn là phát triển các bài thuốc lợi gan lợi mật sẵn có ở địa phương nhưng chưa có nhà nghiên cứu nào nhận cả. Nguyên nhân là việc nghiên cứu về bài thuốc thì rất phức tạp so với nghiên cứu về một loài cây nhất định”, ông giải thích. Với tâm thế của người sẵn sàng đón nhận thử thách mới “miễn là nó không quá xa với phạm vi chuyên môn của mình”, giáo sư chuyên ngành hóa phân tích Phạm Hùng Việt đồng ý ngay tắp lự vì trong đầu ông đã hình dung ra “công việc mới rất phụ thuộc vào công cụ phân tích, những việc liên quan đến phổ, cấu trúc, thành phần mà tôi tương đối có kinh nghiệm”.

Do nhận biết được độ phức tạp của đề tài, ông cho rằng một mình nhóm nghiên cứu mà ông phụ trách không thể giải quyết được vấn đề: “Tôi nghĩ ngay nếu làm thì phải có sự hợp tác của các nhà nghiên cứu liên quan đến phân loại thực vật, hóa học hợp chất thiên nhiên, tác dụng dược lý, thử nghiệm độ an toàn trên động vật…”. Đó là điểm khởi đầu của việc hình thành một nhóm liên ngành, gồm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Y-Dược ĐHQGHN (nay là trường đại học Y-Dược thuộc ĐHQGHN), Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Trường đại học Dược HN.

Giữa những điểm mạnh cốt lõi của nhóm nghiên cứu là mọi thành viên đều có kinh nghiệm, có kiến thức và thiết tha làm cái gì đó mới mẻ, giáo sư Phạm Hùng Việt cho rằng điểm tựa thành công cho đề tài chính là khâu phân loại thực vật, “chúng tôi có thể tách chiết được thành phần các chất quan trọng, nghiên cứu tính chất dược lý hay làm bất cứ thứ gì khác nữa là nhờ vào độ chính xác của phân loại thực vật”. Đó là công việc tuy không đến nỗi “ngậm ngải tìm trầm” nhưng cũng khiến nhóm nghiên cứu của phó giáo sư Trần Văn Ơn (Trường đại học Dược HN) phải đi một vòng cánh cung Tây Bắc “điều tra tám tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và đặt các câu hỏi với 69 người thuộc 10 dân tộc, nhiều nhất là người thuộc các dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông…”.


Mô hình trồng cây bàn tay ma, một nguồn dược liệu quý ở HTX Bảo Châu, Bắc Kạn.

Với kinh nghiệm tích lũy nhiều năm về thực vật dân tộc học, phó giáo sư Trần Văn Ơn và cộng sự đã áp dụng phương pháp điều tra dựa trên dịch tễ, tìm ra được 147 bài thuốc với 200 loại cây khác nhau đã được sử dụng cho điều trị các chứng bệnh gan mật ở khu vực Tây Bắc. Cái khó của công đoạn này là mỗi cây thuốc có nhiều tên gọi khác nhau theo từng dân tộc và từng vùng nên nhóm nghiên cứu của anh phải lấy mẫu về xác định tên khoa học rồi tìm những tài liệu thứ cấp để tìm hiểu xem những cây thảo dược đó đã được nghiên cứu ở Việt Nam chưa…

Việc thực hiện những bước tìm hiểu tỉ mỉ như thế kết hợp với sàng lọc trên cơ sở ba nhóm thông tin về số ca đã chữa, tỉ lệ khỏi ước lượng và khả năng trồng trọt, anh đã chọn được năm bài thuốc. “Điều thú vị là năm bài có 12 vị thuốc và trong 12 vị thuốc này, số vị thuốc hiện giờ đã được nghiên cứu thì chưa nhiều, mới có giảo cổ lam và cà gai leo. Ngoài một số nghiên cứu đã được thực hiện và đã có một vài sản phẩm thương mại còn nhiều vị khác thì hầu như chưa được nghiên cứu. Đây là một cơ sở rất tốt cho vấn đề nghiên cứu các cây dược liệu”, phó giáo sư Dương Hồng Anh (ĐH Khoa học Tự nhiên), thư ký của đề tài, đã báo cáo như vậy trong buổi nghiệm thu cấp cơ sở vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, để sàng lọc được những bài thuốc hiệu quả nhất, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thêm một bước thực nghiệm, đánh giá khả năng bảo vệ gan trên chuột bị gây ngộ độc bằng paracetamol theo hai liều khác nhau, với liều tương đương như liều sử dụng trên người. “Có thể thấy nếu dựa vào chỉ số hoạt độ của hai enzyme AST và ALT trong huyết thanh của chuột cũng như các quan sát vi phẫu thì chọn được bài thuốc do lương y Nguyễn Quyết Thắng (Hội Y học cổ truyền Bắc Cạn) cung cấp gồm ba vị là bàn tay ma, giảo cổ lam, cà gai leo và bài thuốc thứ hai từ Hà Giang gồm hai vị là trứng cuốc và dứa dại”, kết luận mà giáo sư Nguyễn Thanh Hải, phó giáo sư Bùi Thanh Tùng và các cộng sự tại trường đại học Y-Dược, ĐHQGHN đã rút ra.

Không dễ chuyển hóa thành sản phẩm hiện đại

Con đường đưa một bài thuốc dân gian đã được tin dùng trở thành một sản phẩm dưới dạng điều chế hiện đại, ví dụ như viên nang hoặc viên nén, cao lỏng… trải qua rất nhiều bước gian nan, ngay cả khi các nhà khoa học đã có trong tay rất nhiều công cụ tiên tiến. “Rất khó chuyển hóa từ bài thuốc cổ truyền sang loại thuốc được bào chế như dạng Tây y, khâu khó nhất là chuẩn hóa để cho nó đạt được độ ổn định, độ rã, độ chảy, đảm bảo được khả năng giải phóng của thuốc…”, ThS Nghiêm Đức Trọng, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của phó giáo sư Trần Văn Ơn, trao đổi bên lề buổi họp hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở vào tháng 12/2019.

Do hiểu được điều đó nên giáo sư Phạm Hùng Việt đã mời giáo sư Oliver Schmitz (PTN Hóa học phân tích ứng dụng, trường đại học Duisburg-Essen, CHLB Đức), một nhà khoa học đã có gần 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về cách hiện đại hóa các bài thuốc Trung y ở Bắc Kinh, Trung Quốc, tư vấn cho đề tài. Nhờ gợi ý của giáo sư Schmitz về phương pháp tách chiết mà ông đã vỡ lẽ ra một vấn đề quan trọng: thông thường, trong tách chiết các hợp chất thiên nhiên, bao giờ các nhà nghiên cứu cũng quen dùng các dung môi hữu cơ rồi cho bay hơi để thu được hợp chất mong muốn chứ không dùng nước vì quá trình tách chiết lâu hơn, tốn kém hơn. “Dùng dung môi hữu cơ có lợi là chiết ra được chất mà nước không chiết được nhưng trong quá trình chiết như vậy có thể chiết ra cả những động chất không mong muốn, đến khi thử trên chuột thì chuột chết”, ông giải thích. “Trong khi đó từ muôn đời nay, dùng các thang thuốc dân gian, người dân thường chỉ có một cách là đun thuốc cả ngày với nước”. Lời gợi ý chiết xuất dược chất bằng nước khiến ông như bừng tỉnh: “Một lý thuyết rất giản đơn như thế, dân gian đúc rút bao đời mà ông nghiên cứu nào cũng như ‘ngớ ngẩn’, đến mình cũng không nghĩ ra. Ai cũng chỉ nghĩ theo hướng thuận theo chuyên môn của mình mà không ngờ rằng làm như vậy có thể tách thêm cả độc tố”.

Việc tách chiết, nhận dạng các hợp chất thiên nhiên không bao giờ đơn giản. Trong nghề nghiên cứu về hóa thực vật, ai cũng hiểu, thông thường trong một cây dược liệu có hàng trăm, hàng nghìn chất khác nhau, để nhận diện được chất mình cần thì phải có những công cụ chiết tách và phân tích hiện đại. Do giáo sư Schmitz phát triển được nhiều công cụ mới nên với sự tư vấn của ông, nhóm nghiên cứu cũng có được phương pháp mới để triển khai đề tài, góp phần tích cực vào công bố quốc tế, tăng tính thuyết phục của công trình. Khi kết thúc đề tài, ngoài các sản phẩm dạng một là viên nang, cao khô sản xuất ở quy mô bán công nghiệp, sản phẩm dạng hai là gần 150 bài thuốc sưu tầm còn có các sản phẩm khác là 3 bài báo quốc tế, 7 bài trong nước, 4 đăng ký sở hữu trí tuệ mà người cung cấp bài thuốc thuộc hội Đông Y tỉnh Bắc Kạn cũng có tên trong danh sách đồng tác tác giả.

Nhìn lại cả quá trình sàng lọc bài thuốc đến tách chiết, xác định các hoạt chất quan trọng trong các cây bàn tay ma, trứng cuốc, nụ đinh, lá gan (kế thừa thành quả nghiên cứu cà gai leo và giảo cổ lam của giáo sư Phạm Thanh Kỳ - ĐH Dược HN) đến quy trình sản xuất cao, nghiên cứu về tác dụng dược lý, độ an toàn và độ ổn định của viên nang, giáo sư Phạm Thanh Kỳ, chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở, nhận xét “Bình thường nghiên cứu cây thuốc, tách chiết để xem các chất trong đó, nếu thấy chất mới thì hay và có ý nghĩa về mặt khoa học, còn nếu không mới nhưng là hoạt chất nổi tiếng thì kết quả đó cũng có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề do có chất đấy nên bài thuốc dân gian đạt được hiệu quả chữa bệnh. Nhờ kết quả này mà các vị trong bài vẫn được giữ nguyên nhưng phần đưa vào cơ thể không còn ‘thô’ như ban đầu nữa mà có thể tiện lợi hơn cho người dùng sau này”.

Làm một đề tài phức tạp nhưng giáo sư Phạm Hùng Việt và cộng sự cảm thấy vui vì chính mình “chiêm nghiệm” được kinh nghiệm rút đúc của dân gian bao đời nay: “Bài thuốc dân gian gồm các vị ‘quân, thần, tá, sứ’ nên có khi mình tách ra được một chất nguyên thủy không có hoạt tính hoặc có thì rất yếu nhưng khi tổ hợp lại với vị khác thì lại có hoạt tính… Lần đầu tiên, chúng tôi thấy được một trong những cái hay của tác dụng hiệp đồng của các vị thuốc trong cùng một bài thuốc của ngành đông dược”.

Hiểu biết mới và những kết quả bước đầu thôi thúc những người thực hiện đề tài bước đi những bước xa hơn ở một vài pha nghiên cứu tiếp theo. “Chúng tôi mong muốn thử nghiệm sử dụng thiết bị sắc kí lỏng hai chiều ghép nối với khối phổ phân giải cao như LcxLC/QTOF-MS hoặc LCxLC/Ion Mobility MS mà PTN của GS. Oliver Schmitz đã phát triển để nghiên cứu mối liên hệ giữa các cấu trúc giữa các chất với hoạt tính về mặt sinh học, tác dụng hiệp đồng của các chất cùng trong hỗn hợp, qua đó góp phần đem lại sản phẩm có giá trị cao hơn. Như thế phải làm rất nhiều việc, nhất là đối với bài thuốc nhiều vị cần tối ưu hóa về thành phần, liều lượng cũng như trong quy trình sản xuất để loại bỏ bớt tạp chất để có được sản phẩm hiệu quả vượt trội hơn cũng như dễ dàng hơn cho người sử dụng”, giáo sư Phạm Hùng Việt nói.

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1812
  • Hôm nay116,514
  • Tháng hiện tại875,216
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây