Bổ sung vitamin D có thể làm giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch nghiêm trọng như đau tim ở những người trên 60 tuổi, theo một thử nghiệm lâm sàng do The BMJ công bố.
Bệnh tim mạch (CVD) là một thuật ngữ chung cho các tình trạng ảnh hưởng đến tim hoặc mạch máu và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong trên toàn cầu. Các sự kiện CVD như đau tim và đột quỵ sẽ tăng lên khi dân số tiếp tục già đi và các bệnh mãn tính trở nên phổ biến hơn.
Hình minh họa. Nguồn: Pixabay
Nhiều nghiên cứu quan sát đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát lại không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy bổ sung vitamin D ngăn ngừa các biến cố tim mạch.
Để làm rõ sự không chắc chắn này, các nhà nghiên cứu ở Úc đã tìm hiểu xem liệu việc bổ sung liều vitamin D hằng tháng cho người lớn tuổi có làm thay đổi tỷ lệ các biến cố tim mạch nghiêm trọng hay không. Thử nghiệm, có tên D-Health, được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2020 và có sự tham gia của 21.315 người Úc ở độ tuổi 60-84, những người này nhận một viên nang 60.000 IU vitamin D (đối với 10.662 người tham gia) hoặc giả dược (đối với 10.653 người tham gia) để uống vào đầu mỗi tháng trong vòng 5 năm. Những người tham gia có tiền sử bệnh nền hoặc những người đã dùng hơn 500 IU Vitamin D/ngày bị loại trừ khỏi kết quả.
Sau thời gian thử nghiệm, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về nhập viện, quy trình điều trị và tử vong để xác định các biến cố tim mạch lớn - gồm đau tim, đột quỵ - xảy ra với người tham gia. Kết quả, trong quá trình thử nghiệm, 1.336 người tham gia đã trải qua một biến cố tim mạch nghiêm trọng. 6,6% trong số này người này thuộc nhóm giả dược và 6% thuộc nhóm uống vitamin D. Tỷ lệ này cũng có nghĩa là số biến cố tim mạch lớn ở nhóm dùng vitamin D thấp hơn 9% so với nhóm dùng giả dược.
Trong đó, tỷ lệ đau tim thấp hơn 19% và tỷ lệ tái thông mạch vành (quy trình điều trị để khôi phục lượng máu dẫn đến tim) thấp hơn 11% ở nhóm dùng vitamin D. Tỷ lệ đột quỵ giữa 2 nhóm không có sự khác biệt.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng có thể dữ liệu nhập viện không phản ánh toàn bộ biến cố tim mạch, và phát hiện này có thể không áp dụng cho các nhóm dân số khác. Tuy nhiên, đây là một thử nghiệm lớn và gần như đầy đủ dữ liệu về các biến cố tim mạch.
Nhóm nghiên cứu cho rằng phát hiện mới cho thấy việc bổ sung vitamin D có thể làm giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch lớn, và cần các nghiên cứu tiếp theo để làm rõ vấn đề này.
"Chưa thể kết luận rằng việc bổ sung vitamin D không làm thay đổi nguy cơ mắc bệnh tim mạch", nhóm nghiên cứu cho biết.
Nguồn:
https://medicalxpress.com/news/2023-06-vitamin-d-supplements-cardiovascular-events.html
Phạm Nhung theo medicalxpress