Nghệ An tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa

Chủ nhật - 16/07/2023 22:15 0
Xác định cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong 3 đột phá chiến lược, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số được xác định là yếu tố rất quan trọng. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số.

Thời gian qua, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bước đầu được quan tâm, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị. Các công nghệ, nền tảng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (Robotics), cảm biến (sensors), dữ liệu lớn (Big Data)... bước đầu triển khai trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… với sự xuất hiện của các trang trại hiện đại, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn, phân tích dữ liệu môi trường, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…
Tuy nhiên hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau; nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng.
Đối với tỉnh Nghệ An, nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, vừa qua, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức ký thỏa thuận hợp tác về “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025”. Theo thỏa thuận hợp tác, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh sẽ tập trung phối hợp thực hiện các nhiệm vụ: Rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng của đơn vị; phát triển cộng tác viên, đại lý bán hàng; xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ với chính sách ưu đãi cho các cấp hội, cán bộ, hội viên, nông dân, các chi/tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo hoặc sự kiện của Trung ương, tỉnh và các huyện.

Ngày 03/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này nhằm mục tiêu cụ thể hóa các nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022.
Cụ thể, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp thu thập thông tin tối thiểu của các hộ sản xuất nông nghiệp (cả nước 2,5 triệu hộ) cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn. Đồng thời, hướng dẫn Hội Nông dân và Bưu điện huyện, thị xã, thành phố thực hiện tối thiểu từ 3 - 4 chương trình phối kết nối, tiêu thụ nông sản trên phạm vi toàn quốc; tối thiểu mỗi xã phát triển 1 cộng tác viên, đại lý bán hàng sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Post...
Theo đó, những nội dung quan trọng được 2 đơn vị thống nhất triển khai là: Vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại hàng hóa, sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản, vật tư nông nghiệp… giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của bưu điện (postmart.vn/agri-postmart.vn); xây dựng được 1 điểm quảng bá thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ nông sản, hàng hóa của nông dân Nghệ An tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân gắn với các sản phẩm của bưu điện; xây dựng được ít nhất 1 quầy quảng bá, hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản hàng hóa tại bưu điện trung tâm huyện, thị xã, thành phố và những điểm bưu điện văn hóa xã nơi có đủ các điều kiện; rà soát, xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các cấp Hội…
Để nâng cao năng lực chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025, thời gian tới HND và Bưu điện tỉnh sẽ phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ HND và bưu điện cấp huyện tham gia thực hiện kế hoạch; tổ chức triển khai thu thập và cập nhật thông tin, phục vụ hoạt động hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tổ chức các gian hàng giới thiệu nông sản, hàng hóa tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh; truyền thông về các hoạt động phối hợp hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản theo kế hoạch. Thông qua tập huấn đã giúp cán bộ Hội nông dân, các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp hiểu được tầm quan trọng cũng như nắm được các kỹ năng thực hành, đưa sản phẩm của mình lên sàn giao dịch thương mại điện tử, góp phần quảng bá, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản, thay đổi tư duy bán hàng và cập nhật thêm các kiến thức, kỹ năng cơ bản kinh doanh số, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông sản của người dân đến với thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, để giúp nông dân nâng cao năng lực chuyển đổi số, Bưu điện tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, các lớp tập huấn để nâng cao năng lực sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, internet và thương mại điện tử cho cán bộ, hội viên nông dân, các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Nguyễn Phước

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1539
  • Hôm nay226,501
  • Tháng hiện tại2,470,117
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây