Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây do người Việt làm chủ

Thứ hai - 17/10/2022 22:36 0
Chiều 14/10, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam và bảo đảm toàn trình các cấu phần của một hệ sinh thái Cloud.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam. Hệ sinh thái Viettel Cloud bao gồm trung tâm dữ liệu (data center), các nền tảng công nghệ, các phần mềm dịch vụ trên cloud cho đến các công nghệ bảo mật, dịch vụ quản trị, vận hành.

Viettel Cloud sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với 13 trung tâm dữ liệu, quy mô hơn 9.000 rack (tủ mạng server) trên 60.000m2 mặt sàn.

Tới năm 2025, Viettel Cloud sẽ được đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Theo lộ trình, năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack.

Toàn bộ hạ tầng trung tâm dữ liệu tuân thủ, đạt các tiêu chuẩn quốc tế ANSI/TIA-942-B:2017 Rated-3 Constructed Facilities - tiêu chuẩn dùng để đánh giá tất cả các khía cạnh của trung tâm dữ liệu vật lý bao gồm vị trí, kiến trúc, an ninh, an toàn chống cháy, điện, cơ khí và viễn thông.

Viettel Cloud sở hữu năng lực kết nối siêu băng rộng với đường trục cáp quang lớn nhất Đông Dương, 5 tuyến cáp quang biển quốc tế với dung lượng lớn nhất Việt Nam và hơn 500.000km cáp quang phủ khắp 63 tỉnh, thành phố.

Viettel Cloud có công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1,2,3 của Viện kế toán công chứng Hoa Kỳ (AICPA). Đặc biệt, Viettel là doanh nghiệp hàng đầu có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm đạt an toàn thông tin cấp độ 4.

Viettel Cloud sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về điện toán đám mây tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự cùng với gần 1000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin. Đội ngũ đã có kinh nghiệm triển khai và vận hành khai thác hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin ở mức toàn cầu, tại 10 quốc gia trên thế giới cùng các quy trình vận hành chuẩn quốc tế khắt khe nhất. Viettel Cloud cam kết dịch vụ sẵn sàng hoạt động ở mức tối thiểu 99,99%.

Viettel Cloud áp dụng các công nghệ hiện đại bao gồm các mã nguồn mở OpenStack, Kubernetes, Ceph, Prometheus, Grafana với các phiên bản triển khai ổn định và mới nhất. Hỗ trợ cho cộng đồng, tổ chức công nghệ có thể sử dụng một cách linh hoạt các thao tác nghiệp vụ. Đội ngũ kỹ sư Viettel Cloud cũng trực tiếp xây dựng, làm chủ và đóng góp các mã nguồn mở này.

Ra mắt hệ sinh thái điện toán đám mây do người Việt làm chủ ảnh 1

Các đại biểu ấn nút khởi động Hệ sinh thái Viettel Cloud.

Hệ sinh thái sản phẩm Viettel Cloud đa dạng và quy mô lớn, với tổng hơn 70 sản phẩm dịch vụ trải rộng từ các dịch vụ ở mức hạ tầng vật lý như cho thuê chỗ đặt, cho tới các nền tảng dịch vụ như các AI platform (Nền tảng trí tuệ nhân tạo) và IoT platform (Nền tảng Internet vạn vật).

Hệ sản phẩm này gồm 5 nhóm: Cloud Infrastructure - Hạ tầng điện toán đám mây, Cloud Platform - Nền tảng đám mây, Cloud Software - Ứng dụng đám mây, Managed Services - Tư vấn, triển khai và vận hành, Colocation - Trung tâm dữ liệu.

Tại sự kiện, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Cấu phần quan trọng nhất của hạ tầng số Việt Nam là điện toán đám mây. Nó lưu trữ và xử lý dữ liệu tại Việt Nam. Nhưng hiện nay, trong số các doanh nghiệp Việt Nam có sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thì có tới 80% là của nước ngoài, đặt tại nước ngoài. Điện toán đám mây thì phải đầy đủ các loại dịch vụ. Hạ tầng tính toán và lưu trữ, nền tảng số và phần mềm, công nghệ đều phải được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Nếu chỉ đơn dịch vụ thì Cloud của Viettel sẽ rất khó chiếm lĩnh thị trường. Nhưng Viettel Cloud khi ra đời đã ý thức là một hệ sinh thái các dịch vụ. Đây là một hướng đi đúng.

Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam thay vì tự đầu tư, tự vận hành hệ thống công nghệ thông tin thì hãy chuyển lên sử dụng dịch vụ cloud với chi phí thấp hơn, tối ưu hơn, an toàn hơn và linh hoạt hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam hãy trở về nhà mình, dùng hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam. 80% đang ở nước ngoài, hãy về Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định: “Viettel cam kết mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi tổ chức và doanh nghiệp sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel. Viettel cam kết sẽ phổ cập điện toán đám mây như cách mà chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc cách mạng để mỗi người dân có một chiếc điện thoại di động; mỗi người dân có một chiếc điện thoại smartphone; để cáp quang về đến tận cửa nhà của mỗi hộ gia đình Việt Nam.”

Trong định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% các cơ quan, chính phủ sử dụng điện toán đám mây, 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toàn đám mây do doanh nghiệp Việt nội cung cấp.

HÀ LINH

Nguồn tin: nhandan.vn

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập288
  • Hôm nay24,639
  • Tháng hiện tại605,039
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây