Sử dụng AI có trách nhiệm

Thứ ba - 27/08/2024 22:35 0
Dù tạo ra nhiều cơ hội, song trí tuệ nhân tạo (AI) cũng mang lại những thách thức cho thị trường việc làm ở khu vực Mỹ Latin và Caribe. Yêu cầu sử dụng AI một cách có trách nhiệm đang được thúc đẩy mạnh mẽ trong khu vực.
 
Microsoft tổ chức “AI Tour” giới thiệu trải nghiệm AI ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh MICROSOFT.COM)
Microsoft tổ chức “AI Tour” giới thiệu trải nghiệm AI ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh MICROSOFT.COM)

Brazil là một trong những quốc gia nổi bật ở khu vực Mỹ Latin và Caribe về đầu tư phát triển AI. Chính phủ Brazil vừa công bố kế hoạch đầu tư hơn 4 tỷ USD nhằm xây dựng một nền tảng AI mạnh mẽ, độc lập và phục vụ lợi ích quốc gia. Tuyên bố của Chính phủ Brazil nêu rõ, nước này muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào các công nghệ AI nhập khẩu, từ đó bảo đảm an ninh quốc gia và giảm rủi ro về an ninh thông tin. Việc phát triển AI cũng được kỳ vọng giúp Brazil tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế và sản xuất. Cùng với đó, các công nghệ AI được phát triển sẽ hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường, góp phần xây dựng một Brazil bền vững.

Cũng theo Chính phủ Brazil, khoản tiền đầu tư nêu trên sẽ được giải ngân từ năm 2024 đến 2028, phân bổ cho các dự án đổi mới kinh doanh, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển AI. Một phần trong gói 4 tỷ USD cũng nhằm thúc đẩy các sáng kiến đào tạo, cải thiện dịch vụ công, cũng như biện pháp hỗ trợ cho quy định về AI và các sáng kiến tác động tức thời.

Không thể phủ nhận những cơ hội mà AI tạo ra, song bên cạnh đó, những thách thức mà công nghệ mới này mang lại là không nhỏ, nhất là đối với thị trường việc làm.

Không thể phủ nhận những cơ hội mà AI tạo ra, song bên cạnh đó, những thách thức mà công nghệ mới này mang lại là không nhỏ, nhất là đối với thị trường việc làm.

Báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây cho hay, AI tạo sinh mang lại nhiều lợi ích cho khu vực Mỹ Latin và Caribe, giúp cải thiện hiệu suất công việc từ 8% đến 14%, nhất là đối với các lĩnh vực đô thị, giáo dục, cũng như đối với những người có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, từ 26% đến 38% số việc làm ở khu vực Mỹ Latin và Caribe có thể chịu tác động do AI tạo sinh. Báo cáo nhận định, từ 2 đến 5% số việc làm tại khu vực này có thể được tự động hóa hoàn toàn; lao động nữ và người lao động trẻ tuổi trong các lĩnh vực chính thức đang đối mặt nguy cơ bị thay thế bởi AI tạo sinh. Đây là gánh nặng tiềm ẩn đối với người lao động tại khu vực vốn vẫn được xem là còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan bất bình đẳng.

Lãnh đạo ILO tại khu vực Mỹ Latin và Caribe khẳng định, để quản lý hiệu quả tác động của AI tạo sinh, đòi hỏi phải có đối thoại xã hội mạnh mẽ và toàn diện với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Thúc đẩy các cuộc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo ngành, người lao động và công đoàn là cách góp phần bảo đảm rằng sức mạnh chuyển đổi của AI được khai thác một cách có trách nhiệm, giải quyết nhu cầu của tất cả người lao động.

Nhằm giảm rủi ro liên quan thay đổi công nghệ, việc sử dụng hợp lý AI cũng được các nhà lập pháp khu vực đặc biệt quan tâm. Nghị viện Mỹ Latin và Caribe (Parlatino) đã ra tuyên bố ủng hộ việc sử dụng AI một cách có trách nhiệm. Tại Hội nghị liên nghị viện tháng 7/2024 vừa qua, bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của AI, cơ quan lập pháp khu vực Mỹ Latin và Caribe cảnh báo, công nghệ ngày càng phổ biến này kéo theo những vấn đề mới nảy sinh. Parlatino nhận định rằng, việc sử dụng dữ liệu sai lệch từ các hệ thống AI có thể cản trở các nỗ lực loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử trong xã hội.

Nêu bật tầm quan trọng của việc lên kế hoạch từ trước và hành động cùng thế giới với một chương trình nghị sự cho tương lai, giới lãnh đạo Parlatino nhấn mạnh, sử dụng có trách nhiệm và phát triển công nghệ AI phù hợp các chuẩn mực đạo đức có thể góp phần đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc.

TRUNG ANH

Nguồn tin: nhandan.vn

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập483
  • Hôm nay30,769
  • Tháng hiện tại30,769
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây