Bàn tròn tháng 4: Nghệ An: Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ

Thứ ba - 23/07/2024 06:06 0
LTS: Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ là một trong những công cụ đắc lực, tiềm năng nhất để thúc đẩy nâng cao năng suất, giúp doanh nghiệp đón đầu công nghệ mới, đưa cuộc CMCN 4.0 thành cơ hội đổi mới cho doanh nghiệp.


Nắm bắt cơ hội, thông qua việc tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài, một số doanh nghiệp Nghệ An đã đi nhanh và tiến xa hơn nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để hiểu rõ hơn về hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các startup trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua, Đặc san Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp, startup thành công.

Ông Nguyễn Văn Hợi - Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Công nghệ Thuỷ sản: Mang lại sản phẩm chất lượng cao bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến

Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Công nghệ Thuỷ sản là doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ chuyên nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh lồng nhựa HDPE và các sản phẩm phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản. Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Công ty luôn tự hào là một trong những công ty hàng đầu chuyên nghiên cứu, sản xuất lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE và các sản phẩm khác bằng nhựa HDPE. Tầm nhìn của Công ty được xác định là “Dẫn dắt thị trường lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE” và tuyên bố sứ mệnh “Mang lại sản phẩm chất lượng cao bằng việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến”. Các sản phẩm của Công ty hướng đến hai tiêu chí quan trọng là “Chất lượng sản phẩm cao, giá thành phù hợp” và “Thân thiện với môi trường”, thể hiện sự thấu hiểu của Công ty với khách hàng sử dụng các sản phẩm. Sự ra đời của Công ty gắn liền sứ mệnh góp phần phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản của Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hiện nay, các sản phẩm của Công ty đã được áp dụng thành công trên quy mô lớn ở trong và ngoài nước, tổng sản phẩm lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE đã được chuyển giao cho khách hàng trên 2.509 sản phẩm. Hệ thống các kênh quảng bá sản phẩm và mạng lưới phân phối sản phẩm với 15 đại lý, rải đều trên các vùng trong cả nước.
Để tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường thì hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo luôn được công ty chú trọng đầu tư; Công ty đã chủ trì, tham gia thực hiện nhiều dự án, đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh,... liên quan đến lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE và các sản phẩm phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản. Từ kết quả của các nghiên cứu khoa học, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp “Bằng độc quyền sáng chế” số 21425, kèm theo Quyết định số 52102/QĐ-SHTT ngày 27 tháng 6 năm 2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Công ty có thể làm chủ và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Các kết quả hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh thời gian qua của Công ty đã được cụ thể hóa bằng các giải thưởng và bằng khen, giấy khen các cấp, các ngành: Giải Nhì sáng tạo KHCN tỉnh Nghệ An năm 2013; Giải Ba sáng tạo KHCN tỉnh Nghệ An năm 2017; Giải thưởng ứng phó biến đổi khí hậu (VCIC) 2017. Bên cạnh đó, Công ty còn được tặng  Danh hiệu hiệp sỹ nuôi biển Việt Nam của Hiệp hội nuôi biển Việt Nam tặng năm 2020. Gần đây, Công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu trong hoạt động bảo vệ môi trường, đoạt giải thưởng Môi trường Việt Nam.
Ngày 15/10/2021, Công ty CP Chứng nhận Quốc gia GOOD Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận phù hợp số GOODVN62271.QMS cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Công nghệ Nuôi trồng Thuỷ sản có Hệ thống Quản lý chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.


Th.S Phan Xuân Diện - GĐ Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát:
Ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp nâng tầm các sản phẩm của Công ty

Công ty CP Dược liệu Pù Mát (tiền thân là Công ty CP dịch vụ Khoa học - Công nghệ Nông nghiệp Thành An) được thành lập ngày 04 tháng 12 năm 2009, với chức năng chính: Ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tư vấn, triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ; lập dự án quy hoạch nông nghiệp nông thôn, dự án phát triển kinh tế xã hội; trồng và chế biến cây lương thực và cây thực phẩm; trồng và chế biến cây dược liệu; sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng…
Bước đầu lựa chọn cây dược liệu và trồng ở các huyện miền núi Nghệ An, Công ty đã mạnh dạn đầu tư hơn 4 tỷ đồng để áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Isarel và sử dụng màng nilon phủ cắt mặt luống để hạn chế cỏ dại, đồng thời thực hiện phơi khô nguyên liệu bằng năng lượng mặt trời để giữ nguyên được các hàm lượng quý trong thảo dược. Ngoài ra, các sản phẩm của Công ty còn được thực hiện trên dây chuyền hiện đại bằng máy tự động, với quy trình khép kín từ nhân giống, thu hoạch, chế biến và đóng gói cung ứng ra thị trường.
Gần đây, Công ty đầu tư thêm công nghệ sấy bơm nhiệt tách ẩm để sấy sản phẩm, giúp thời gian sấy dược liệu nhanh từ 10 - 15 giờ so với phơi nắng (48h), chất lượng và màu xanh của dược liệu được giữ nguyên (theo kết quả phân tích dược tính của Viện Dược liệu), giảm 30 - 40% chi phí lao động và không phụ thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, còn sửa chữa, nâng cấp nhà xưởng, bố trí các máy móc thiết bị để phân tích, kiểm tra hàng hóa trước khi xuất xưởng. Tiến hành mua máy móc thiết bị, máy sấy dược liệu công nghệ bơm nhiệt; máy đóng túi lọc YD11, máy sao dược liệu dạng thùng quay…
Với sự đổi mới, hoàn thiện quy trình công nghệ, công ty CP Dược liệu Pù Mát đã nâng công suất sản xuất lên 144.000 hộp/năm (tăng 64.000 hộp), chi phí sản xuất giảm 5.165 đồng/ hộp, lợi nhuận tăng 4.132 đồng/hộp. Số tiền làm lợi trong năm gần 600 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, việc triển khai công trình đã góp phần khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên quý của địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao sức khỏe cộng đồng, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân.
Sản phẩm trà dược liệu của Công ty hiện có 7 sản phẩm đạt “4 sao” OCOP và việc mạnh dạn ứng dụng KHCN để cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm đã giúp các sản phẩm OCOP của đơn vị khẳng định được “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường, tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng.


Ông Nguyễn Xuân Huy - Phúc An Farm: Mô hình khởi nghiệp từ cây Sen xứ Nghệ

Thấy rõ được tiềm năng và lợi thế của quê nhà trong phát triển nông nghiệp, nông sản có giá trị cao, mặc dù điều kiện khí hậu khắc nghiệp, đất đai khô cằn, nhưng với niềm tin mãnh liệt về một loài cây mang ý nghĩa thiêng liêng, năm 2022 ông Nguyễn Xuân Huy đã mạnh dạn “bỏ phố về quê” khởi nghiệp và cho ra đời thương hiệu quà tặng Phúc An Farm.
Với tiêu chí kinh doanh bằng sự tử tế, sản phẩm hướng đến sự chắt lọc tinh hoa, nguồn cội của xứ Nghệ, Phúc An Farm đã sản xuất những sản phẩm được làm từ nguyên liệu cây sen bản địa, được tuyển chọn và chăm sóc kĩ lưỡng. Kết hợp bàn tay thủ công của người dân địa phương và khoa học công nghệ tiên tiến nhất để có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị, độ dinh dưỡng và giá trị của những nguyên liệu tươi, tốt nhất của cây sen.
Công ty đã liên kết với nhiều hộ nông dân ở thành phố Vinh, huyện Diễn Châu, Nam Đàn, Hưng Nguyên tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn, cùng với đó “tái sinh” nghề trồng sen truyền thống, tạo thêm việc làm cho bà con địa phương. Các sản phẩm từ cây sen như trà lá sen, trà ướp bông sen, trà tim sen, hạt sen khô, củ sen sấy khô,… đã thu hút và tạo được niềm tin của khách hàng, khẳng định được vị thế trên thị trường.
Cùng với đó, Công ty chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng các loại giống sen trong và ngoài nước, đầu tư công nghệ máy móc tiên tiến, chế biến các sản phẩm từ cây sen để thu mua sản phẩm hoa sen, hạt sen, lá sen, củ sen cho các hộ thành viên và nhân dân nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi phương thức tập quán trồng sen nhỏ lẻ của người nông dân sang trồng hoa sen thành vùng tập trung quy mô lớn và chế biến các sản phẩm từ sen để đáp ứng nhu cầu hàng hóa, cảnh quan cho khách thăm quan du lịch tăng thu nhập cho các hộ thành viên và nhân dân trong vùng. Với công nghệ hiện đại nhất được nhập khẩu từ Đức, các sản phẩm của Phúc An Farm giữ bông hoa sen trọn vẹn hương vị - thấm nhuần tinh tuý. Quá trình sấy từ làm lạnh ở nhiệt độ sâu đến từ 26 đến 30 giờ đồng hồ để có một mẻ trà chuẩn nhất, bông đẹp mà vẫn đượm hương.
Phúc An Farm cũng đã hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng và đăng ký chứng nhận mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm; In ấn nhãn mác và bao bì các sản phẩm như: trà sen, mứt sen, sản phẩm sen sấy khô,…
Không chỉ đầu tư cho chất lượng sản phẩm, Phúc An Farm còn tạo thương hiệu quà tặng xứ Nghệ với từng sản phẩm đến tay khách hàng là những món quà chỉn chu, và đẹp nhất. Điểm khác biệt riêng của hộp quà Phúc An Farm còn nằm ở những bức tranh được vẽ bởi bàn tay của những nghệ nhân bản địa. Những bức tranh phong cảnh, địa danh nổi tiếng của Nghệ An hay như cảnh vật hoa lá, làng quê bình dị vô cùng bắt mắt. Nắp vỏ hộp quà có thể được sử dụng trưng bày như một bức tranh trang trí đẹp mắt. Hộp quà Phúc An Farm đem theo cả linh hồn xứ sở, tinh tuý quê hương, niềm tự hào về giá trị truyền thống được gửi gắm vào… Thông qua đó, Phúc An Farm cũng góp phần tôn vinh, quảng bá văn hóa, nét đẹp truyền thống, du lịch Nghệ An.
Với tâm huyết, sự say mê với tinh hoa, văn hóa xứ Nghệ, năm 2023, Phúc An Farm xuất sắc đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Nghệ An mở rộng”. Các sản phẩm của Phúc An Farm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.


Bà Trần Thị Hồng Thắm - CEO công ty TNHH Abaca Việt Nam: Hành trình đi tìm “mật muối” cho làng nghề truyền thống

NanoSalt - Muối sức khỏe Việt Nam là câu chuyện từ tình yêu với sản phẩm muối quê hương. Chúng tôi ứng dụng 03 sáng chế Khoa học công nghệ độc quyền để chế biến sâu các sản phẩm gia vị muối ăn và muối dược liệu tốt cho sức khỏe, có giá trị cao từ 100% khoáng biển tự nhiên.
NanoSalt kết nối với vùng nguyên liệu 10.000 hecta sản xuất muối phơi cát truyền thống lâu đời tại Quỳnh Lưu để tận thu nguồn mật muối giàu dinh dưỡng của biển cả, với hàm lượng Natri thấp đến 50%, giàu khoáng Magie, Kali tự nhiên mà không làm thay đổi “vị mặn” truyền thống của gia vị. Với những sáng tạo trong sản xuất chế biến sâu từ khoáng biển, Nanosalt đã đóng góp một phần nhỏ gìn giữ và phát triển bền vững làng nghề làm muối truyền thống của quê hương.
Được đánh giá là doanh nghiệp tạo tác động xã hội với mục tiêu ứng dụng KH&CN độc quyền để chế biến sâu các sản phẩm có giá trị cao từ muối và mật muối của địa phương mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm muối dinh dưỡng có hàm lượng Natri thấp và giàu vi khoáng từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe cộng đồng; Công ty ABACA mong muốn phát triển bền vững ngành muối của Việt Nam bằng công nghệ NanoSalt. Cụ thể, công nghệ Nanosalt được ứng dụng rất đa dạng trong các ngành, lĩnh vực như dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm, nông nghiệp và hóa chất. Chỉ từ 1m3 mật muối, qua công nghệ phân tách đa tầng đã tạo ra được 700 kg muối khoáng các loại, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng độ tinh khiết đến 99% và đạt được sản lượng 1000 tấn/năm.
Với công nghệ phân tách đa tầng để giảm độ mặn, tăng khoáng chất cho các dòng sản phẩm muối, Dự án muối đa khoáng đã đạt nhiều giải thưởng khoa học công nghệ: giải Nhất Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh” năm 2022, giải Ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam… Dự án muối Nanosalt là một sự đột phá cho ngành muối Nghệ An, tạo ra các sản phẩm sức khỏe cộng đồng và hướng đến dòng sản phẩm muối cao cấp để xuất khẩu. Công nghệ này đã nhận được 3 bằng sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ, trở thành nền tảng quan trọng để sản phẩm muối NanoSalt khác biệt so với phần còn lại của thị trường.
Hiện, ABACA phân loại thành 4 phân khúc gồm muối ăn, muối dược liệu, muối y tế và muối quà tặng với hơn 10 sản phẩm khác nhau. Mỗi tháng, công ty cung ứng ra thị trường 15-20 tấn muối NanoSalt. Dòng muối gia vị - muối ăn có giá từ 90.000-200.000 đồng/kg; muối Epsom uống thải độc - phân tách từ 100% khoáng biển có giá 60.000 đồng/200gram, tương đương 300 nghìn đồng/kg… Sản phẩm muối giảm mặn NanoSalt được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An, hiện đã có mặt tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước với 44 đại lý và cửa hàng phân phối, hiệu thuốc. Công ty cũng đang đàm phán những bước cuối cùng để mở rộng xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ths. Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tiêu biểu Nghệ An:
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Nghệ An trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Cùng với hệ sinh thái ở các địa phương như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Bình Dương… Nghệ An chúng ta đang có tiềm năng phát triển lớn, cần được chú trọng với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng khởi nghiệp sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, để hy vọng lọt top các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu.
Nghệ An cũng là địa phương tiêu biểu trong ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào đời sống. Theo Nghị quyết 26/NQ-TW năm 2013 về phát triển Nghệ An, Trung ương định hướng phát triển Nghệ An thành Trung tâm khoa học công nghệ vùng Bắc Trung bộ; trong đó, phát triển hệ thống các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. Đồng thời, thu hút các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của các bộ, ngành Trung ương về địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2017 đến nay, Nghệ An đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động đổi mới sáng tạo ở Nghệ An, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức như: nhận thức, thói quen nhiều doanh nghiệp Nghệ An còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, kinh doanh theo thói quen truyền thống, chưa mạnh dạn đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong; Máy móc, thiết bị cũng là trở ngại chính. Nhiều doanh nghiệp đã hình thành mấy chục năm thì máy móc, thiết bị không đồng bộ; Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên khó khăn về thị trường đầu ra, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp; về pháp lý, nước ta có khá nhiều văn bản hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo nhưng chưa thực sự rõ ràng, chưa phân cấp cụ thể, đang là định hướng chung chung; Doanh nghiệp thiếu thông tin về các chính sách, hình thức hỗ trợ của Nhà nước về đổi mới sáng tạo là một rào cản khiến doanh nghiệp chưa tận dụng được cơ hội, hay chưa phát huy tốt những điều kiện thuận lợi trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước; Trung tâm Đổi mới sáng tạo công lập gặp phải “điểm nghẽn” về mô hình tự chủ của tổ chức sự nghiệp, các Trung tâm đổi mới sáng tạo tư nhân phải đối mặt với các thách thức về phát triển nguồn thu, lợi nhuận, khách hàng, các điều kiện để các startup nghiên cứu, sáng tạo còn nhiều hạn chế...
Với những khó khăn, thách thức đó, thiết nghĩ chúng ta cần có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể:
Thứ nhất, tỉnh cần tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế - xã hội và cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ hai, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp hình thành và phát triển các quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhất.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, để việc quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ phải thật đơn giản, thông thoáng, nhanh gọn, không đùn đẩy công việc, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, đổi mới cơ chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức khoa học công nghệ công lập. Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ. Đồng thời, phát huy và thực hiện tốt việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia và thúc đẩy sự liên kết, hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp để đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, cần có sự phối hợp, hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Các viện nghiên cứu, trường đại học cần chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp. Ngược lại, các doanh nghiệp đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu thực hiện. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy chính doanh nghiệp hiện nay cũng đang hình thành trung tâm hoặc viện nghiên cứu và trích thu nhập của mình để hình thành quỹ phát triển khoa học công nghệ nhằm tạo nguồn tài chính chủ động đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ, giúp đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, tăng cường hội tụ các nguồn lực về với địa phương, tổ chức các chương trình giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực, thúc đẩy đưa sản phẩm ra thị trường, thu hút đầu tư và mở rộng quy mô doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ bảy, mấu chốt để vận hành mọi việc hiệu quả vẫn là cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt là vai trò con người trong lĩnh vực này. Nghệ An đã xác định đẩy mạnh cải cách hành chính là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức làm việc, áp dụng những mô hình, sáng kiến hay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy công quyền, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; …
Có thể thấy, hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng rõ ràng không chỉ là đầu tư về vốn, về đường lối, chính sách, về khoa học công nghệ… đó còn là tư duy sáng tạo - định hướng, dẫn lối cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đó là những điểm sáng trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - là nền tảng để hệ sinh thái này sẽ có nhiều bước phát triển hơn nữa, phát huy vai trò “là chìa khoá dẫn lối thành công” cho mọi hoạt động kinh tế xã hội Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Đó là vấn đề tổng hòa của các thành tố: Chính sách, hạ tầng, cơ sở vật chất, con người, nền tảng văn hóa, nền tảng giáo dục - đào tạo, nền tảng nghiên cứu, phát triển,… Hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá và khát vọng vươn lên để khẳng định vai trò cốt lõi của doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cùng bước vào giai đoạn hội nhập, phát triển, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
 

Tòa soạn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây