Thực trạng và giải pháp xây dựng Nghệ An thành Trung tâm Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Chủ nhật - 21/07/2024 23:30 0
Đặt vấn đề
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) được thông qua tại Đại hội XIII nêu rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ mới là: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới”.



Nghị quyết 26 - NQ/TW và sau đó là Nghị quyết 39 - NQ/TW ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 đều khẳng định: “Tập trung phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế;...”.
Xét về khoa học - công nghệ, vấn đề cốt lõi và cái đích là đổi mới sáng tạo. Bác Hồ đã nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”.
Theo khoản 16 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ 2013 định nghĩa: Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Theo nghĩa rộng, trung tâm là nơi tập trung những hoạt động trong một lĩnh vực nào đó, có ảnh hưởng lớn đối với những nơi khác. Nghệ An là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có nghĩa là Nghệ An phải trở thành nơi kết nối, hội tụ các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và từ đó lan tỏa giá trị của nó mang lại ra trong và ngoài tỉnh.
Thực trạng
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất và dân số lớn thứ tư cả nước. Nằm ở đầu mối của các trục giao thông Bắc-Nam và Đông-Tây với đầy đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Lực lượng lao động chiếm khoảng 50-60% dân số; có trình độ khá cao, có chuyên môn, có tính sáng tạo,... Tỉnh Nghệ An có 05 trường đại học (Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An và Đại học Công nghiệp Vinh), 09 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp. Trong đó, Trường Đại học Vinh được xác định là trường trọng điểm quốc gia phát triển theo hướng đa ngành đa lĩnh vực và đang hướng đến trường đại học đổi mới sáng tạo. Một số trường có khá nhiều chuyên ngành đào tạo đạt chuẩn ASEAN và quốc tế (Trường Đại học Vinh, Trường ĐH SP KT Vinh, Trường Cao đẳng Việt Hàn,...). Về tổ chức khoa học công nghệ, tỉnh có số lượng thuộc nhóm lớn cả nước, đặc biệt làm nhóm tổ chức KH&CN công lập, với 65 đơn vị đăng ký là tổ chức KH. 6 đơn vị KH&CN của các Bộ đóng trên địa bàn, phạm vi hoạt động mang tính vùng, 4 đơn vị KH&CN tỉnh đã có liên kết hoạt động KH&CN trong vùng. Nghệ An có 6 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Bộ NN&PTNT công nhận 02 DN, UBND tỉnh công nhận 04 DN); 20 doanh nghiệp khoa học công nghệ; 30 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồ uống, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, viên nén sinh khối…. trong đó có 03 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp có Quỹ phát triển khoa học công nghệ lớn và có bộ phận R&D, tiêu biểu như: Công ty CP sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty CP sữa TH True milk, Công ty TNHH mía đường Nghệ An (NASU), Công ty cổ phần Trung Đô, Công ty CP Đá Trung Hải, Công ty cổ phần Gỗ tháng 5, Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ AK, Nafood,… Hơn nữa, trong những năm qua, Nghệ An đã hợp tác với nhiều tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước như Viện Hàn lâm KHXH, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Nông nghiệp,.. và các trường đại học ở Hà Nội, TP HCM, Huế,... Các viện, trường trên địa bàn tỉnh cũng kết nối hợp tác với các trường trên thế giới như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ba Lan, Thái Lan,...
Đến năm 2022, đội ngũ trí thức của tỉnh Nghệ An hơn 65.100 người, trong đó có 12.175 người làm việc trong các tổ chức nghiên cứu, phát triển; đây là nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp tốt, là đội ngũ tiên phong trong các hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh. Đặc biệt Vinh được UNESCO ghi nhận là thành phố học tập toàn cầu!
Về hạ tầng KH&CN, đã hình thành một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Trung tâm nghiên cứu - Khởi nghiệp sáng tạo trực thuộc Trường Đại học Vinh; Công ty Cổ phần đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp Nghệ An; Không gian làm việc chung tại Sàn giao dịch công nghệ thiết bị thuộc Trung tâm Thông tin KH-CN với diện tích gần 500m2; Điểm kết nối cung cầu tại Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KHKT. Hệ thống các phòng thí nghiệm, cơ sở phân tích của các tổ chức khoa học và công nghệ có đủ năng lực thực hiện các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí, chế tạo, điện tử, hóa sinh, y học,… và cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, tiêu biểu như Đại học Vinh, Đại học SPKT Vinh, Trường Cao đẳng Việt Hàn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng… Về cơ sở hạ tầng khác như: giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, khách sạn, nhà hàng, siêu thị, văn hóa, thể thao... khá phát triển và có thể đáp ứng nhu cầu và thuộc tỉnh khá của cả nước.
Trên địa bàn tỉnh có các khu công nghiệp Vsip, Hemaraj, Nam Cấm, Hoàng Mai I và II ... thuộc Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Nghệ An với khá nhiều doanh nghiệp công nghệ mới thu hút đầu tư. Quy mô nền kinh tế Nghệ An thuộc top 10 cả nước với tổng số doanh nghiệp theo đăng ký đến nay là 35.492 doanh nghiệp. Hơn nữa, Nghệ An với địa hình đa dạng, có biển, có rừng với vùng miền Tây rộng lớn, kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước và thế giới đang ngắn lại đang là dư địa lớn cho đổi mới sáng tạo!
Các quy hoạch cấp vùng như quy hoạch thành phố Vinh mở rộng, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Nam Nghệ - Bắc Hà, quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Nghệ An đang được tiến hành (nâng cấp từ Khu kinh tế Đông Nam). Quy hoạch xây dựng đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao cũng đang được thực hiện. Các khu đô thị mới, đô thị cao cấp đang hình thành. Thành phố Vinh đang hướng tới đô thị thông minh.
Về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua Nghệ An được đánh giá là một trong 5 tỉnh, thành phố có phong trào khởi nghiệp ĐMST năng động và phát triển nhanh. Đã hình thành được 2 Quỹ hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp tư nhân và kết nối được với các Hệ sinh thái của các tỉnh thành khác, nhất là TP Hồ Chí Minh cũng như Quỹ ngoài tỉnh về đầu tư tại Nghệ An như VinaCapital, Quỹ VSV,... Một số dự án của Startup Nghệ An đã kêu gọi vốn đầu tư thành công mà tiêu biểu là Gostream gọi vốn được 1,2 triệu USD và các Quỹ của Nghệ An cũng đầu tư ra các tỉnh. Đã hình thành được mạng lưới các nhà tư vấn khởi nghiệp ĐMST. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy, triển khai mạnh ở khu vực công gồm các đơn vị hành chính lẫn sự nghiệp góp phần hoàn thiện và làm lành mạnh môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy trong hai năm qua Nghệ An trở thành hiện tượng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (vượt mốc 1,5 tỷ USD và nằm vào top 10 cả nước).
Về chủ trương chính sách, trong những năm qua trên cơ sở chủ trương của Đảng và Chính phủ, tỉnh đã cụ thể hóa thành các nghị quyết của tỉnh ủy, quyết định của UBND tỉnh về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như: Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 14/12/2016 về phát triển KH&CN đến 2025; Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An trở thành Trung tâm KH&CN của vùng Bắc Trung bộ; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 24/5/2017 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 5821/QĐ-UBND ngày 01/12/2017 về phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 03/2020- HĐND về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Quyết định 2450/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030; Kế hoạch xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh; Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh; Đề án triển khai đánh giá chỉ số DDCI... Và gần đây tỉnh đang trình Quốc hội, Chính phủ cơ chế đặc thù cho tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã liên tục ban hành các chính sách và kế hoạch nhằm thúc đẩy ĐMST với nhiều nội dung và cách thức hỗ trợ khác nhau. Đây là nỗ lực của chính quyền nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển, biến Nghệ An trở thành trung tâm KH&CN và ĐMST của vùng Bắc Trung bộ.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm.
- Trước hết là về cơ sở hạ tầng vẫn còn khó khăn như sân bay chưa có đường bay quốc tế, cảng nước sâu chưa có, giao thông đường bộ hướng Đông - Tây còn yếu, hạ tầng công nghệ thông tin mấy năm qua tụt hạng liên tục về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, hạ tầng du lịch còn yếu, đặc biệt là hạ tầng khoa học công nghệ tính kết nối chưa cao, chưa đồng bộ, một số lĩnh vực còn thiếu, yếu.
- Tổ chức KH&CN nhiều nhưng chưa mạnh, cơ cấu chưa hợp lý (ngay như Trường Đại học Vinh đa ngành nhưng ngành sư phạm đang chiếm ưu thế), các tổ chức triển khai, tổ chức trung gian còn thiếu, các viện, trường chưa có các doanh nghiệp spin- off.
- Nguồn nhân lực khoa học công  nghệ tuy đông nhưng nhiều lĩnh vực còn thiếu. Nguồn lực tài chính dành cho khoa học và công nghệ còn thấp (khoảng 0,4% - 0,5% kinh phí chi thường xuyên của tỉnh).
- Đang thiếu chính sách vượt trội dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Mặc dù có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh của Nghệ An vẫn còn nhiều yếu tố cần khắc phục (ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo). Đặc biệt là những yếu tố như gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, đào tạo lao động (đây cũng là những yếu tố thứ hạng thấp trong bộ chỉ tiêu đánh giá PCI năm 2022 từ thứ 42 - 48).
Đề xuất một số giải pháp
Để Nghệ An có thể trở thành trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung bộ xin đề xuất một số giải pháp như sau:
1. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thế mạnh, xu thế, và nguồn lực để xác định, lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư, tổ chức nghiên cứu, phát triển, ứng dụng (cần lưu ý tính liên vùng). Ví dụ như nông nghiệp, công nghệ thực phẩm, dược liệu, dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, AI, điện tử, tự động hóa,.
2. Từ định hướng đó, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ phù hợp đảm bảo đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển. Hình thành kết nối giữa các phòng thí nghiệm, thử nghiệm, kiểm nghiệm,... để tránh lãng phí và hiệu quả thấp. Sớm xây dựng Trung tâm nghiên cứu liên ngành (hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung bộ, Khu công nghệ cao Hưng Hòa, định hướng xây dựng Khu công nghệ cao ở trong Khu kinh tế... Đẩy nhanh lộ trình xây dựng hạ tầng sân bay để kết nối quốc tế, cảng nước sâu, hạ tầng du lịch, hạ tầng công  nghiệp, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin.... Khuyến khích đầu tư các Khu công nghiệp có hạ tầng nhà xưởng, dịch vụ công nghiệp cho thuê để tạo điều kiện cho các Startup đầu tư nhanh hơn, cho ra sản phẩm nhanh hơn. Biến thành phố Vinh thành nơi hội tụ các nhà khoa học, sáng chế, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn. Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông kết nối Đông - Tây để tạo điều kiện miền Tây Nghệ An ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển bền vững.
3. Sắp xếp lại các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn. Tổ chức trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh theo hướng đào tạo, nghiên cứu đa ngành đa lĩnh vực. Hỗ trợ các trường, viện hình thành, phát triển các Vườn ươm công nghệ, Vườn ươm Startup. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các viện, trường hình thành các doanh nghiệp spin- off. Hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phát triển các Viện nghiên cứu, Trung tâm R & D. Tiếp tục phát triển lực lượng doanh  nghiệp khoa học công nghệ.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, nghiên cứu - phát triển (R&D) và ứng dụng khoa học và công nghệ của các nhà khoa học, doanh nghiệp  trong tỉnh với các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học trong và ngoài nước nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân và xã hội. Hình thành kết nối với 3 Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh để tranh thủ nguồn nhân lực, kinh phí cũng như kết quả nghiên cứu. Trên cơ sở thử nghiệm, khảo nghiệm trong tỉnh để từ đó lan tỏa ra, trước hết là trong tỉnh, sau đó là các tỉnh trong vùng và trong  nước (thậm chí cả Lào). Đặc biệt, cần lưu ý định hướng và ưu tiên những công nghệ đang là xu thế, mới nổi.
5. Tạo cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, cũng như các thành viên trong xã hội- chủ thể của đổi mới sáng tạo có nhu cầu (tự thân) khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần “làm tốt cái đang tốt; làm cái cho đúng hơn cái đang sai; làm cái cần có mà chưa có” để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lan tỏa trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo ở khu vực công để dẫn dắt, thúc đẩy và đáp ứng yêu cầu của Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực trong xã hội. Từ đó, xây dựng một Hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năng động, thân thiện, phát huy tối đa tiềm năng con người xứ Nghệ. Đặc biệt là khắc phục nhanh chóng các yếu tố đang yếu là: chi phí thời gian, gia nhập thị trường, đào tạo lao động và tiếp cận đất đai...
Khuyến khích phát triển các tổ chức tư vấn về Sở hữu trí tuệ, các tổ chức trung gian nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ.
6. Đẩy mạnh, nhanh lộ trình xây dựng Vinh thành đô thị thông minh. Xây dựng từng bước với mốc thời gian cụ thể để tạo lòng tin cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhân dân.
7. Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, đào tạo để nguồn nhân lực Nghệ An đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp về chuyên môn, nhất là về đổi mới sáng tạo, kỹ năng mềm nhằm phát huy thế mạnh, hạn chế điểm yếu của văn hóa và con người xứ Nghệ.
8. Đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (đang chuẩn bị trình Quốc hội) với cơ chế vượt trội về: nguồn lực kinh phí khoa học và công nghệ; cơ chế thu hút các nhà khoa học, các quỹ đầu tư, nhất là quỹ đầu tư mạo hiểm; cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm sáng tạo, cơ chế thử nghiệm; cơ chế sử dụng công  nghệ mới, sản phẩm mới trong mua sắm công; cơ chế sand - box (đối với công nghệ, sản phẩm chưa có hành lang pháp luật quản lý), cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An,...
Nghệ An hội đủ các yếu tố cấu thành để trở thành Trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của vùng Bắc Trung bộ. Vấn đề biến tiềm năng thành hiện thực là điều kiện đủ đến từ sự quyết tâm chính trị, hành động của đội ngũ lãnh đạo, của cả hệ thống chính trị và chuyển hóa thành quyết tâm và hành động của các tổ chức khoa học và công nghệ, lực lượng doanh nghiệp và nhân dân. Hy vọng rằng đến 2030 Nghệ An sẽ trở thành Trung tâm vùng Bắc Trung bộ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với 3 Trung tâm quốc gia là Hà Nôi, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, xứng danh quê hương Bác Hồ!
 

Trần Quốc Thành

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây