Di tích thành cổ Nghệ An qua Di sản Mộc bản triều Nguyễn

Thứ tư - 01/05/2024 23:37 0
Thành cổ Nghệ An thuộc xã Vĩnh Yên, phủ Yên Trường, tỉnh Nghệ An (nay là địa phận phường Cửa Nam, Thành phố Vinh). Trải qua hơn 200 năm tạo dựng, thành cổ Nghệ An giờ đây đã không còn được nguyên vẹn nữa. Tuy nhiên, hiện nay, 3 cổng thành vẫn còn giữ được kết cấu cơ bản, án ngự giữa những con đường vào nội thành để du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng. Những kiến trúc còn sót lại của thành cổ Nghệ An rất cần được bảo vệ và tôn tạo để giá trị của di tích lịch sử đặc biệt này mãi không bị mai một theo thời gian.

Lần theo nguồn thư tịch cổ, dưới thời nhà Minh đô hộ, khu vực Lam Thành ở xã Nghĩa Liệt, tỉnh Nghệ An đã trở thành nơi đồn trú quân sự. Và từ đầu nhà Hậu Lê (1428) cho đến cuối đời Tây Sơn (1801), trong vòng 370 năm, Lam Thành là trấn lỵ Nghệ An. Trấn lỵ không đặt trong ngôi thành do Trương Phụ xây, nhưng khi nói về lỵ sở này, sử sách đều chép là thành Nghệ An, hoặc Lam Thành, hay Nghĩa Liệt thành. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 17 còn ghi lại rằng: “Thành tỉnh (Nghệ An)… Ở địa phận 2 xã Yên Trường và Vĩnh Yên huyện Nghi Lộc. Đời Lê, lỵ sở Thừa ty và Hiến ty ở huyện Hưng Nguyên, gọi là Lam thành …”. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 13 cũng ghi: “Nghĩa Liệt thành: Còn tên nữa là Lam Thành, do người Minh xây đắp, ở xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên”.
Vào năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long giành được chính quyền từ triều Tây Sơn. Mặc dù rất thù ghét Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhưng vị vua đầu tiên của triều Nguyễn cũng không thể làm ngơ khi núi Quyết, sông Vĩnh đã từng là nơi đế đô của triều đại cũ. Chính vì vậy, vào năm Giáp Tý (1804), Thế tổ Cao hoàng đế đã cho khởi công xây dựng thành. Tuy nhiên, do muốn xóa đi dấu vết triều Tây Sơn nên vua Gia Long đã chọn vùng đất Yên Trường để xây dựng trung tâm hành chính, chính trị mới. Lỵ sở Nghệ An ở quanh Lam Thành dần đi vào dĩ vãng. Việc chuyển dời địa điểm của vị vua đầu tiên triều Nguyễn được Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 24, mặt khắc 12 ghi lại rằng: “Dời trấn thành Thanh Hoa (Hoá) và Nghệ An đi nơi khác. Trước là khi vua Bắc tuần, xa giá đi qua lỵ sở hai trấn ấy. Lỵ sở Thanh Hoa cũ ở xã Dương Xá huyện Đông Sơn, lỵ sở Nghệ An cũ ở xã Dũng Quyết huyện Chân Lộc, bàn muốn dời đi nơi khác, bèn trải xem địa thế, định lấy Thọ Hạc (tên xã, thuộc huyện Đông Sơn) làm trấn lỵ Thanh Hoa, Yên Trường (tên xã, thuộc huyện Chân Lộc) làm trấn lỵ Nghệ An, đến nay bắt dân xây đắp”.

Bản đồ thành phố Vinh năm 1925, trong đó có vẽ thành cổ Nghệ An (tức thành Vinh ngày nay)  Nguồn ảnh: Thư viện quốc gia Pháp
Để thực hiện công việc đắp thành đất Nghệ An, vua Gia Long đã cho huy động lính tráng ở địa phương Nghệ An và Thanh Hoá. Tuy nhiên, công việc đắp thành không được thực hiện liên tục, mà đã từng có thời gian trì hoãn. Đứng trước tình hình đó, Trấn thần Nghệ An tâu lên vua cho phát dân sửa đắp trấn thành. Vua Gia Long liền xuống dụ: “Gần đây công việc nhiều và khó nhọc, đều bất đắc dĩ mới phải dùng dân. Việc này không cần gấp nên hoãn lại”. Việc trì hoãn ấy kéo dài đến triều vua Minh Mạng. Năm Giáp Thân (1824), quan tỉnh Nghệ An lại tiếp tục tâu xin sai quân chở đá để chuẩn bị xây thành. Vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã bảo bộ Công: “Việc xây thành còn thong thả, mà nay mùa đông rét mướt, sao lại làm nhọc sức quân”.

Mộc bản, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, mặt khắc 17 ghi về lịch sử xây dựng thành tỉnh Nghệ An (tức thành Vinh ngày nay); Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mãi đến năm Tân Mão (1831), vua Minh Mạng mới bắt đầu cho xây dựng thành tỉnh một cách kiên cố. Trước đó, để chuẩn bị công việc xây thành, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã cho gọi trấn thần Nghệ An xét rõ tình hình lấy đá ong của người dân sở tại. Khi biết việc lấy đá ong rất nặng nhọc, vất vả, vua đã quyết định tăng giá tiền mua đá ong để trả cho. Về việc xây dựng thành, Mộc bản triều Nguyễn, sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23 ghi ngắn gọn rằng: “Xây đắp thành tỉnh Nghệ An, sai quan Thống chế là Đỗ Quý đốc suất việc làm. Lại sai quan tỉnh cho khai cừ lạch ở bờ hào bên hữu trước Kinh thành cho thông với sông lớn”. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 72, mặt khắc 5 ghi chép rõ ràng, cụ thể hơn: “Xây thành trấn Nghệ An. Một cửa tiền, một cửa tả, một cửa hữu. Thân thành, mặt ngoài cao 11 thước 5 tấc, móng sâu 1 thước, trên dày 2 thước 7 tấc, dưới dày 4 thước; mặt trong cao 6 thước 7 tấc, móng sâu 5 tấc, trên dày 2 thước 3 tấc, dưới dày 3 thước. Lấy 1.000 binh Thanh Hoa, 4.000 binh Nghệ An làm việc, sai Thống chế Tả dinh quân Thần sách là Đỗ Quý đốc suất công việc. Hơn một tháng công việc xong, thưởng Đỗ Quý gia một cấp, thưởng biền binh hơn 10.000 quan tiền, lại cho ăn yến một bữa, xem hát một ngày. Lại hạ lệnh cho trấn thần khai một con ngòi ở bờ hào bên hữu mặt trước thành thông ra sông cái (con ngòi trên rộng 5 thước dưới rộng 3 thước, sâu 4 thước)”.
Thành tỉnh Nghệ An, trong dân gian còn được gọi tên là thành con rùa (thành quy hình). Sở dĩ gọi là thành con rùa, bởi thành được xây theo hình lục giác (6 cạnh), đứng trên núi Quyết nhìn xuống trông giống như con rùa. Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 420.000m2, chu vi là 2.520m, kết cấu bao gồm 2 vòng thành: vòng thành trong và vòng thành ngoài. Mộc bản triều Nguyễn sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 34 ghi về quy mô của thành tỉnh Nghệ An như sau: “Thành tỉnh Nghệ An ở huyện Chân Lộc, phủ Anh Sơn chu vi 630 trượng, cao 1 trượng 1 thước 5 tấc, xây gạch, 3 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 5 trượng, đắp năm Minh Mạng thứ 12”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ, quyển 24, mặt khắc 12 ghi chép về việc vua Gia Long cho chuyển dời tỉnh Nghệ An đến vị trí như hiện nay. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Đến năm Giáp Tuất (1874), chuẩn theo lời xin của quan tỉnh Nghệ An là Nguyễn Chính và Vũ Trọng Bình, vua Tự Đức đã quyết định cho xây thêm thành tỉnh Nghệ An. Thành trước cao 1 trượng, 1 thước, 5 tấc, nay xây cao thêm 1 thước, dày 1 thước 2 tấc). Trong quá trình xây dựng, vua Tự Đức đã cho lấy 8.599 phiến đá sò từ Diễn Châu và đá ong từ Nam Đàn, 4.848 cân vôi, 155 cân mật mía, với tổng kinh phí là 3.688 quan tiền - một số tiền khổng lồ lúc bấy giờ để xây dựng. Như vậy đủ thấy quy mô xây dựng thành và vị thế của thành rất quan trọng dưới triều Nguyễn.
Dưới triều Nguyễn, việc xây dựng thành cổ Nghệ An nhằm tạo ra một trung tâm chính trị, quân sự, đồng thời là công trình phòng thủ của tỉnh. Vì vậy, để bảo vệ thành, sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã cho chia đặt quanh thành tỉnh Nghệ An, 16 cỗ hồng y cương pháo, 4 cỗ phách sơn cương pháo và 16 cỗ quá sơn đồng pháo.
Hiện nay, trong khối Mộc bản Triều Nguyễn, còn lưu lại được khá nhiều ván khắc ghi chép về lịch sử, cũng như quá trình xây dựng, sửa chữa Thành cổ Nghệ An. Đây là nguồn tài liệu gốc quan trọng giúp cho việc nghiên cứu, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử có giá trị lịch sử - văn hóa to lớn của tỉnh.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ H20, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.K
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây