Thành cổ Diễn Châu qua Mộc bản triều Nguyễn

Thứ năm - 04/04/2024 00:46 0
Dưới triều Nguyễn, thường thì ở mỗi trung tâm của tỉnh, triều đình đều cho xây dựng một toà thành, và dưới tỉnh có phủ, huyện và châu. Ở phủ, huyện, châu có thể xây dựng một công trình phòng vệ là một tòa thành nhỏ. Tòa thành này có thể kiên cố hoặc cũng có thể chỉ là hàng rào tre có hào bọc xung quanh. Trong số các toà thành được xây dựng ở phủ thì thành cổ Diễn Châu được xem là một trong những toà thành lớn và có kiến trúc đặc biệt nhất trong số những ngôi thành khác được xây ở huyện. Hiện nay, toà thành Diễn Châu đã không còn dấu tích cũ, nhưng qua nguồn thư tịch cổ, đặc biệt là qua ghi chép của khối Mộc bản triều Nguyễn - Di sản Tư liệu thế giới, chúng ta có thể hiểu hơn về quá trình xây dựng cũng như quy mô, kiến trúc của toà thành này.

Từ bảo Tiên Lý đến thành phủ Diễn Châu
Thành phủ Diễn Châu án ngự ở một vị trí khá trọng yếu, nhìn về phía Đông là biển xanh mênh mông sóng nước; nhìn về phía Tây là lèn Hai Vai sừng sững nhô đầu như lính tiền tiêu bảo vệ vùng đất địa linh nhân kiệt. Con sông Bùng uốn lượn quanh co, lững lờ trôi bên chân thành. Về lịch sử xây dựng thành phủ Diễn Châu, sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 14 có ghi lại rằng: “Thành phủ Diễn Châu. Đời Lê, lỵ sở phủ ở xã Đông Luỹ, nhà Nguỵ Tây dời đến xã Tiên Lý, gọi là bảo Tiên Lý”.
Như vậy trước khi có tên gọi là thành phủ Diễn Châu thì thành còn được gọi tên là bảo Tiên Lý hay là đồn Tiên Lý, tên gọi này được xuất phát từ thời Tây Sơn và giữ nguyên dưới triều vua Gia Long và đầu đời Minh Mệnh. Dưới thời Tây Sơn, đồn Thiên Lý là nơi đã chứng kiến nhiều cuộc chiến kịch liệt giữa quân đội Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh. Mộc bản triều Nguyễn, sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển 31 có ghi lại sự kiện là vào tháng 5, niên hiệu là Gia Long năm thứ nhất, trước cuộc truy đuổi ráo riết của quân Nguyễn Ánh, một số nghĩa quân Tây Sơn đã chạy đến đồn Tiên Lý để trú ẩn: “Trấn thủ Nghệ An của ngụy(1) là Nguyễn Văn Thận, Hiệp trấn là Nguyễn Triêm, Thủy quân thống lĩnh là Đại Thiếu úy là Đăng bỏ thành chạy đến đồn Tiên Lý (tức là phủ thành Diễn Châu ngày nay)”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 18, mặt khắc 4 ghi về việc vua Minh Mạng cho đổi tên bảo Tiên Lý làm thành phủ Diễn Châu
Đến năm Nhâm Ngọ (1822), vào tháng 11, vua Minh Mạng đã cho đổi tên bảo Tiên Lý thành phủ Diễn Châu. Danh xưng thành phủ Diễn Châu bắt đầu xuất hiện từ đây. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 18, mặt khắc 4 có ghi lại rằng: “Đổi bảo Tiên Lý ở Nghệ An làm thành phủ Diễn Châu, bảo Hà Trung làm thành phủ Hà Hoa, bảo Đại Nại làm thành huyện Thạch Hà”.
Xây dựng thành phủ Diễn Châu dưới triều Nguyễn
Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng bàn với quần thần tiến hành xây đắp thành phủ Diễn Châu. Lúc này thành được đắp bằng đất. Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23, mặt khắc 5 ghi về sự kiện này như sau: “Đắp hai thành phủ Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An và phủ Tĩnh Gia thuộc tỉnh Thanh Hóa: Trước kia vua đi tuần về phương Bắc, lấy cớ hai phủ ấy đều là chỗ hiểm yếu, đến bấy giờ vì dân địa phương ấy mất mùa thiếu ăn, nên cho trích lấy tiền gạo thuê dân phu để xây đắp”. Việc xây thành phủ Diễn Châu được nhà vua giao phó cho Lang trung Nguyễn Hữu Dực và Chủ sự Trương Minh Giảng trông coi sắp đặt công việc.
Để chuẩn bị cho việc xây thành, trước đó vua Minh Mệnh đã xuống dụ: “Năm thứ 4 (1823), Dụ rằng: Gần đây 3 trấn, đạo Thanh, Nghệ, Ninh Bình, đời sống nhân dân khá khó khăn, nghĩ rất thương xót. Cho phép 2 bộ Hộ, Công hội họp với quan Giám thành, căn cứ vào số nhân công cần dùng và số vật liệu phải sắm là bao nhiêu cho hai cái thành phủ Diễn Châu, Tĩnh Gia thuộc 2 trấn ấy và thành đạo Ninh Bình, rồi liệu xuất tiền kho, định giá thuê mướn đến làm. Như thế cũng là ban ơn kịp thời để giúp dân đói. Công việc nên như thế, bàn bạc thoả đáng tâu lên, hãy kính cẩn theo đó”.

Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 23, mặt khắc 5 ghi chép về việc vua Minh Mệnh cho xây đắp thành phủ Diễn Châu, năm 1823
Thành đất phủ Diễn Châu hoàn thành được 8 năm thì vào năm Tân Mão (1831), thành được đổi lại xây bằng đá sò. Ngoài ra, quy mô của thành cũng được xây lên cao hơn so với quy mô trước. Mộc bản triều Nguyễn, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 34 còn ghi lại quy mô thành cổ Diễn Châu như sau: “Thành phủ Diễn Châu (trước là đồn Tiên Lý) ở huyện Đông Thành, chu vi 237 trượng 2 thước, cao 4 thước 8 tấc, xây bằng đá vỏ sò, 3 cửa, 1 kỳ đài, hào rộng 2 trượng 5 thước”.

Mộc bản triều Nguyễn, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 209, mặt khắc 34 còn ghi lại quy mô thành cổ Diễn Châu
Về vật liệu xây thành phủ Diễn Châu hết sức đặc biệt, tận dụng bãi sò sẵn có ở địa phương Diễn Châu, vua Minh Mệnh ra sức kêu gọi người dân địa phương cũng như dân thuê nơi khác đến bãi sò để lấy đá sò xây tường thành. Những người thợ lấy đá đều được triều đình trả tiền công. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 68, mặt khắc 3 ghi: “Về vật liệu thành phủ Diễn Châu 269.270 phiến đá sò (đệ đến chỗ xây thành, mỗi phiến ngang dọc đều 1 thước 2 tấc giá 15 đồng tiền); 68.440 phiến bột vỏ sò hạng nhỏ dùng nung vôi (đệ đến tận lò nung, mỗi trăm cân giá 5 đồng tiền), 17.111 cân than gỗ (mỗi trăm cân 3 tiền)”. Thành phủ Diễn Châu được xây dựng bằng đá sò tự nhiên khai thác trong vùng nên rất vững chãi, kiên cố. Đây là điểm độc đáo, khác biệt giữa thành cổ Diễn Châu với các thành ở phủ huyện khác.
Triều Nguyễn bảo vệ thành cổ Diễn Châu
Dưới triều Nguyễn, thành cổ Diễn Châu giữ vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự, chính trị không chỉ riêng đối với tỉnh Nghệ An mà còn nằm trong tuyến phòng thủ chung bảo vệ đất nước. Vì vậy bên cạnh việc xây đắp thành vững chắc, các vua triều Nguyễn còn cho đặt biền binh, kho thuốc súng… để bảo vệ thành. Năm Mậu Dần (1817), vua Gia Long đã sai quan viên Đoàn Văn Trường sung chức Quản phủ Diễn Châu, đồng thời quản suất đồn Tiên Lý.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 31, mặt khắc 11 ghi về việc vua Minh Mệnh cho định lệ thay đổi lính thú ở thành phủ Diễn Châu
Năm Ất Dậu (1825), vua Minh Mệnh đã định lệ lính thú canh giữ ở đây. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 31, mặt khắc 11 ghi: “Định lệ thay đổi lính thú ở hai thành phủ Tĩnh Gia phủ Diễn Châu ở Thanh Nghệ. Trước kia hai phủ ấy lấy biền binh các vệ Hậu dinh quân Thần sách cho đóng thú lâu. Vua muốn cho khó nhọc nhàn rỗi đều nhau, sai hai trấn đổi phái dinh khác đóng thay ba năm. Từ năm Minh Mệnh thứ 9 về sau thì mỗi năm một lần đổi, hết vòng lại bắt đầu”.
Một năm sau, tức năm Bính Tuất (1826), vua tiếp tục sai hai vệ Tráng võ, Cường võ Hậu dinh quân Thần sách đóng thú ở thành phủ Diễn Châu. Đến năm Ất Mùi (1835), vua Minh Mệnh tiếp tục đặt pháo, súng ở thành Diễn Châu để phòng ngự. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 254, mặt khắc 30 ghi: “Tỉnh Nghệ An, Minh Mệnh năm thứ 6, chuẩn y lời tâu: cho thành tỉnh Nghệ An chia đặt súng các hạng 36 cỗ, súng gang Hồng y 1 cỗ, súng gang Phách sơn 4 cỗ, súng đồng quá sơn 16 cỗ. Thành phủ Diễn Châu, chia đặt súng các hạng 9 cỗ, súng gang Hồng y 4 cỗ, súng đồng Quá sơn 4 cỗ”.
Trải bao thăng trầm của lịch sử, thành cổ Diễn Châu đến nay đã hoàn toàn bị tiêu thổ. Tuy dấu tích chỉ còn lưu lại trong sử sách nhưng đủ để chúng ta hoài niệm về một toà thành đặc biệt có tên là “Diễn Thành thạch bảo” (Thành đá phủ Diễn Châu). Thành đá này khi xưa cũng được xếp vào một trong tám cảnh đẹp của vùng đất thuộc tổng Yên Thành.
 

Thơm Quang

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây