Quê quán, dòng họ Thái bảo Đỗ Tử Bình qua tài liệu Thư tịch Hán Nôm và khảo sát điền dã

Thứ năm - 04/04/2024 00:32 0
Thái bảo Đỗ Tử Bình (1324-1383) một danh tướng thời Trần hiện được phụng thờ tại thôn Hưng Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ngôi đền thờ ông được xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa quốc gia và đã được tôn tạo khá quy mô. Bài viết này giới thiệu thêm về quê quán, dòng họ và gia thế của ông qua tài liệu Thư tịch Hán Nôm và khảo sát điền dã.

Quê quán Đỗ Tử Bình được giới thiệu ở đền Thái Bảo này như sau: “Thái bảo Đỗ Tử Bình: Người khai mở họ Đỗ ở trang Phúc Hưng là cụ Đỗ Thiên Thư. Ông quê gốc ở Hưng Nguyên, Nghệ An làm quan trong triều, rồi được cử về mở đất lập trang Phúc Hưng và dạy học tại chùa Dương Mai. Ông lấy bà họ Nguyễn sinh ra Đỗ Từ Bình (năm 1324)”. Sách “Từ điển Thái Bình” mục viết về Đỗ Tử Bình cũng viết tương tự như vậy: “Đỗ Tử Bình (1324-1383) là danh thần, thế hệ thứ hai họ Đỗ ở Phúc Hưng Trang, nay là thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng. Quê gốc Nghệ An, cha ông vì việc riêng xử án sai bị tội đồ đưa ra Long Hưng”(1).
Tuy nhiên, sử sách chép về Đỗ Thiên Thư không nhiều, không cho biết cụ thể quê quán ở đâu và gia thế như thế nào. Duy nhất có hai sự kiện liên quan đến ông được bộ quốc sử thời Lê Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) chép như sau: “Năm Canh Thìn (1280), em Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Hư (Thư) kiện nhau với người (杜克終弟杜天觑與人訟), tình lý đều trái. Người kia đón xa giá để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện, viên đó trả lời: Án xử đã xong, đó là sợ né tránh Khắc Chung đấy”(2).
Sự kiện thứ hai chép rằng: “Năm Mậu Tý (1288), mùa Đông tháng 10, sai Đỗ Thiên Hư (Thư), Thiên Hư (Thư) là em Khắc Chung sang nhà Nguyên. Đỗ Khắc Chung trước đây đi sứ quan nhà Nguyên có công, đến nay tiến cử em là Thiên Hư (Thư). Vua nghe theo” /冬十月遣杜天觑如元天觑克終弟杜克終使元軍有功至是荐弟天觑帝從之(3).
Thông tin trên cho biết, trước đây Đỗ Khắc Chung đã đi sứ nhà Nguyên có công lao, nên khi tiến cử người em là Đỗ Thiên Thư đi sứ liền được vua chuẩn y. Điều đó cho thấy, cả hai anh em Đỗ Khắc Chung và Đỗ Thiên Thư  đều là đại quan trong triều nhà Trần, được vua tin cậy giao phó trọng trách. Mặt khác, cả hai sự kiện này đều cho biết thông tin quan trọng là, Đỗ Thiên Thư là em trai Đỗ Khắc Chung. 
Vậy Đỗ Khắc Chung là ai, quê quán ở đâu? Câu hỏi này không khó giải đáp, bởi Đỗ Khắc Chung (1258-1330)(4) chính là Trần Khắc Chung một đại quan trong triều nhà Trần. Bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, Trần Khắc Chung, nguyên họ Đỗ, người Giáp Sơn là một đại quan trong triều. Khi người Nguyên vào cướp lần hai (1285), Khắc Chung nguyện xin đi sang trại Nguyên, có công. Khi khao thưởng công thần vào năm Trùng Hưng thứ 5 (1289), ông được vua Trần Nhân Tông ban quốc tính, nên đổi là Trần Khắc Chung (陈克終), lại được nhận chức Đại hành khiển, sau thăng Ngự sử đại phu, rồi Thiếu bảo.
Đặc biệt là hai sự kiện đề cập đến quê của Trần Khắc Chung được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép khá rõ: “Năm Mậu Thìn (1328), vì Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng với mẹ Vượng đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng liền trả lời: bắt hổ thì dễ thả hổ thì khó” (Toàn thư, T2, tr. 114). Hoặc “Năm Canh Ngọ (1330), Trần Khắc Chung chết, tặng Thiếu sư. Khi mất, đưa về chôn ở Giáp Sơn (Toàn thư, T2, tr.121). Cả hai sự kiện này đều cho biết Trần Khắc Chung quê huyện Giáp Sơn thời Trần.

Bia Tiên hiền bi, khắc năm Hoằng Định 6 (1606) ghi Trần Khắc Chung làng Hà Tràng, chức Thiếu sư
Tài liệu khảo sát điền dã giúp xác định cụ thể hơn là, Trần Khắc Chung và Đỗ Thiên Thư cùng có lăng mộ, cùng được phụng thờ tại thôn Trần Xá, xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Nơi đây có hai ngôi mộ với hai bia mộ đề là: Trần Khắc Chung gốc họ Đỗ Viết làm quan trải ba đời vua Trần, được ban quốc tính. Sau khi mất được ban phong là Thần Thành hoàng làng. Một bia mộ khác ghi Đỗ Thiên Thư là đại quan triều Trần, được phong làm Thành hoàng làng. Trước lăng mộ này có hai pho tượng phỗng bằng đá khá cổ, trong tư thế quỳ chầu như tù binh Chiêm. Thực tế, chỉ những di tích phụng thờ vị Thần từng có công bình Chiêm thì mới có tượng phỗng quỳ bụng phệ mang tính biểu trưng như vậy. Điều đó hoàn toàn phù hợp với di tích lăng mộ hai vị danh tướng thời Trần là Trần Khắc Chung và Đỗ Thiên Thư có công Bình Chiêm an quốc.  
Khảo sát văn bia khu vực Giáp Sơn, chúng tôi phát hiện một văn bia tại chân núi động Kính Chủ, nay thuộc phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn. Văn bia có tiêu đề là “Tiên hiền bi 先賢碑 (Văn bia ghi các vị tiên hiền), khắc năm Hoằng Định thứ 6 (1606) do Văn hội huyện Giáp Sơn khắc dựng, tôn thờ các vị Tiên hiền trong huyện từ thời Trần đến Lê, Mạc. Trong phần ghi danh họ tên bậc Tiên hiền vốn là “Danh thần Tiến sĩ”, có họ tên, chức tước, quê quán 35 vị, trong đó có Phạm Mại, Phạm Sư Mạnh và Trần Khắc Chung. Phạm Mại và Phạm Sư Mạnh trong văn bia đều ghi là người xã Kính Chủ, Phạm Mại làm quan chức Thượng thư; còn Trần Khắc Trung được ghi là người xã Hà Tràng, chức Thiếu sư (陳克終河場少師/ Trần Khắc Chung: Hà Tràng, Thiếu sư). Xã Hà Tràng, huyện Giáp Sơn thời Trần chính là xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn ngày nay, bởi trước năm 1945, nơi đây có xã Hà Tràng thuộc tổng Hà Tràng. 

Sắc phong năm Duy Tân thứ 5 (1911) tại đền Thái Bảo Đỗ Tử Bình
Như vậy, Trần Khắc Chung được ghi danh là bậc khoa bảng trong huyện Giáp Sơn thời Trần và được khắc trên văn bia “Tiên hiền bi”. Trong văn bia này không ghi danh Đỗ Thiên Thư, có lẽ do Đỗ Thiên Thư không phải là người khoa bảng, lại định cư ở nơi khác. Tuy nhiên, Đỗ Thiên Thư là một danh nhân thời Trần, từng được sánh ngang với các danh nhân lừng lẫy đương thời như các sử gia thời Lê đánh giá rất cao qua đoạn chép sau: “Bấy giờ, quan trong triều như bọn Trần Thì Kiến, Đoàn Nhữ Hài, Đỗ Thiên Hư (Thư), Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Dũ, Phạm Mại, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Trương Hán Siêu nối nhau vào triều, nhân tài rộ nở” (Toàn thư, T2, tr.108). Chính vì thế mà ông được người Hải Dương ghi nhận danh nhân quê hương, nên đã đặt tên đường phố Đỗ Thiên Thư tại thành phố Hải Dương(5).
Đến đây, chúng ta hoàn toàn xác định được Đỗ Tử Bình (1324-1383) là con trai Đỗ Thiên Thư (?-1335), cháu Trần Khắc Chung (1258-1330) có nguồn gốc họ Đỗ Viết xã Hà Tràng, huyện Giáp Sơn thời Trần, nay thuộc thôn Trần Xá, xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Vậy, còn Nghệ An và Thái Bình có quan hệ gì với cha con Đỗ Thiên Thư và Đỗ Tử Bình?
Thực tế, Nghệ An chỉ là nơi mà Đỗ Thiên Thư từng giữ chức Kinh lược sứ trấn trị vùng Nghệ An và Lâm Bình, như Toàn thư chép rằng: “Quý Sửu (1313), mùa Đông, tháng 10, lấy An phủ sứ Đỗ Thiên Hư (Thư) làm Kinh lược sứ. Bấy giờ Chiêm Thành bị xâm lược, vua sai Thiên Hư đi kinh lược Nghệ An, Lâm Bình để sang cứu”. Hoặc “Năm Quý Hợi (1323) Đại An phủ Kinh sư kiêm Kiểm pháp quan Nguyễn Dũ nổi tiếng ngang với Thiên Hư (Thư). Khi Thiên Hư (Thư) thôi chức Kinh lược sứ Nghệ An, Lâm Bình, vua sai Dũ kế giữ chức ấy. Người Chiêm cũng sợ phục (Toàn thư, T2. tr.108).
Còn vùng đất Hưng Tứ, nay là thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình là đất ban cấp cho Đỗ Thiên Thư khai khẩn khi bị biếm chức, như ghi chép trong sách “Trần triều Phổ lục Phúc Thần” thôn Tứ như sau: “Hoàng thượng cho xem xét lại, nên phạt tội đồ cho về ấp Long Khê, sau đổi là thôn Tứ, lao dịch khẩn hoang đoái công chuộc tội. Thời gian tổng cộng 3 năm”. Cũng cần giải thích thêm chữ Tứ ở đây nghĩa là vua ban, tức chỉ đây là đất vua ban cho Đỗ Thiên Thư. Cũng chính nơi đây, sau này Đỗ Tử Bình bị phạt tội đồ sau sự kiện vua Trần Duệ Tông bị hại ở Chiêm Thành năm 1377, đã về làm Cảo điền nhi, như “Trần triều Phổ lục Phúc Thần” chép rằng: “Duệ Tông trúng kế mà bị hại. Đỗ công bị tội đồ, giáng chức cho về lao dịch ấp Tứ làm Cảo điền nhi”(6).
Cũng chính nhờ công khai khẩn hoang hóa của người cha là Đỗ Thiên Thư và mở mang của Đỗ Tử Bình mà làng xã nơi đây mở mang, nhà nhà ơn nhờ ân đức của cha con họ Đỗ này. Đặc biệt là sau khi mất, Đỗ Tử Bình được xây lăng mộ ở đây. Ông được dân làng phụng thờ làm Thành hoàng làng. Thần đã luôn linh ứng hộ quốc tí dân trở thành Phúc Thần, được triều đình ban sắc tặng như bản sắc năm Duy Tân thứ 5 (1911) hiện được lưu giữ ở đền Thái Bảo có nội dung được dịch như sau:
Sắc cho xã Phú Khê, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình phụng thờ từ trước vị Thần nguyên được tặng là “Dực bảo trung hưng Trần triều Thái bảo Đỗ Tử Bình Linh phù tôn thần”. Thần giúp nước giúp dân, nhiều lần linh ứng. Nay vâng mệnh lớn, nhớ đến công Thần mà gia tăng lễ phẩm, chuẩn chỉ cho thôn Tứ phụng thờ như cũ. Thần sẽ phù giúp, che chở dân ta. Kính thay. Ngày 25 tháng 5 năm Duy Tân thứ 5 (1911)”.
Như vậy, Đỗ Tử Bình được sinh ra tại ấp Long Khê, phủ Long Hưng thời Trần, nay là thôn Hưng Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Cha ông là Đỗ Thiên Thư quê gốc ở Hà Tràng, huyện Giáp Sơn thời Trần, nay thuộc xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Cha con ông có nhiều công đức khai khẩn, mở mang ấp Long Khê, để lại nhiều ân đức với địa phương, nên sau khi mất, Đỗ Tử Bình được an táng tại đây, được tôn thờ làm Thành hoàng làng, được các đời vua ban chiếu sắc, ban cho phụng thờ mãi mãi. Ông cùng cha là Đỗ Thiên Thư và bác là Trần Khắc Chung có nhiều công lao trong công cuộc bảo vệ biên giới lãnh thổ phía Nam của Đại Việt thế kỷ 14.
Chú thích
1.  Nguyễn Quang Ân (Chủ biên), Từ điển Thái Bình, Nxb Văn hóa thông tin, 2010, tr.284.
2. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, 1998, Tập 2, tr,45.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Sđd, Tập 2, tr,63. Đỗ Thiên Thư trong Đại Việt sử ký toàn thư chép là Đỗ Thiên Hư.
4. Tài liệu trên mạng cho rằng Trần Khắc Chung sinh năm 1247, tài liệu Thần tích thờ Trần Khắc Chung tại làng Quan Tử, tổng Đông Mật, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên năm 1939 (Thư viện Viện Thông tin khoa học) chép ông sinh ngày 24 tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1258).
5. Đỗ Thiên Thư được tôn thờ làm Thành hoàng làng Thượng Vũ, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương.
6. Cảo điền nhi hay Cảo điền hoành là người bị tù tội cày cấy trên ruộng đó. Thời Trần định lệ 3 năm, mỗi hoành nhi cày 3 mẫu, mỗi năm nộp 300 thăng thóc.
Tài liệu tham khảo
1. “Hồ sơ tư liệu” do Dương Quảng Châu sưu tầm, biên soạn năm 1992, lưu giữ tại đền Thái Bảo thôn Tứ.
2. Nguyễn Quang Ân (Chủ biên), Từ điển Thái Bình, Nxb Văn hóa thông tin, 2010.
3. Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb Khoa học Xã hội, 1998, Tập 2; Tập 4 (Nguyên bản chữ Hán).
4. (Nhiều tác giả) Thành Hóa Châu: lịch sử và văn hóa, Nxb Đại học Huế, Huế 2021.
5. “Hoàng Việt khoa cử kính”, Sách chữ Hán, kí hiệu VHV 1277.
6. “Trần triều Phổ lục Phúc Thần”, bản chữ Hán tại đền Thái Bảo.
 

Đinh Khắc Thuân

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây